Thầy không ngừng khẩn nài chúng tôi hãy từ bỏ ký ức để sống với hiện tại. Nhưng khi từ bỏ ký ức, tôi cũng phải từ bỏ cả trí tưởng tượng đầy sáng tạo của mình sao? Tôi là một nhà văn, và tất cả những gì tôi viết đều bắt nguồn từ những điều tôi nhớ.
Tôi tự hỏi, thế giới sẽ ra sao nếu không có nghệ thuật và sự tưởng tượng đầy sáng tạo đã làm nên nghệ thuật? Tolstoy sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành Phật, nhưng liệu Đức Phật có viết được Chiến tranh và Hòa bình không?
Bạn không hiểu ý tôi rồi, nhưng điều đó cũng tự nhiên thôi. Bạn sẽ không thể hiểu được tôi, bởi để hiểu tôi bạn sẽ phải từ bỏ ký ức của mình. Ký ức cứ quấy rầy bạn mãi. Giờ bạn nghe những lời tôi nói, rồi sau đó không ngừng diễn giải chúng theo ký ức của bạn. Bạn chỉ hiểu được tôi nếu bạn hiện hữu ở đây và ngay bây giờ… vì khi đó chúng ta mới có thể gặp nhau, bạn mới có thể ở cùng tôi, còn bằng không bạn chỉ hiện diện thân xác nơi đây nhưng tâm hồn thì hoàn toàn đi vắng.
Tôi không bảo bạn phải vứt bỏ ký ức sự kiện của mình. Bạn cần biết tên mình là gì, ai là cha mẹ bạn, ai là vợ con bạn, nhà bạn ở đâu và bạn cần phải biết đường để trở về khách sạn, để tìm lại phòng của mình. Cái mà tôi muốn nói đến ở đây là ký ức tâm lý. Ký ức sự kiện không phải là vấn đề, nó chỉ thuần túy là sự ghi nhớ. Nhưng khi bạn bị ảnh hưởng về mặt tâm lý thì vấn đề mới nảy sinh. Hãy hiểu lấy sự khác biệt này.
Hôm qua có người lăng mạ bạn. Hôm nay bạn gặp lại người đó. Ký ức sự kiện là “người này đã lăng nhục mình hôm qua”, trong khi đó ký ức tâm lý là “tôi sẽ tức sôi lên khi gặp lại anh ta”. Tuy nhiên, có thể người kia chỉ đến gặp bạn để xin lỗi, để mong được bạn thứ lỗi. Có thể anh ta đã nhận ra sai lầm của mình, có thể anh ta đã nhận ra hành động thiếu ý thức của mình. Có thể anh ta đến để dàn hòa với bạn nhưng bạn đã giận sôi lên rồi. Bạn giận và bắt đầu lớn tiếng. Trước mặt bạn không phải là gương mặt hiện tại của người ấy mà bạn bị ảnh hưởng bởi vẻ mặt của anh ta hôm qua. Nhưng hôm qua là hôm qua! Con người này khác với anh ta của hôm qua. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ đã tạo ra nhiều thay đổi và bạn cũng không còn giống như bạn của hôm qua nữa.
Ký ức sự kiện thì bảo “người này đã lăng mạ mình hôm qua” nhưng cái “mình” ấy đã thay đổi. Người đàn ông này cũng đã thay đổi. Do vậy dường như đó là sự việc đã xảy ra giữa hai con người mà bạn không còn liên quan gì đến nữa, nghĩ như vậy thì bạn sẽ cảm thấy tự do về mặt tâm lý. Bạn sẽ không bảo: “Tôi vẫn còn giận”, vì chẳng còn cơn giận nào đeo bám nữa. Ký ức vẫn còn đấy nhưng tác động tâm lý đã hết rồi. Bạn gặp lại người ấy với con người của anh ta bây giờ và với bản thân bạn của bây giờ.
Một giáo sĩ đến nhổ vào mặt Đức Phật. Anh ta trông rất giận dữ. Đức Phật đã nói những điều khiến các giáo sĩ rất giận. Đức Phật bèn lau mặt và hỏi:
- Anh còn điều gì để nói không?
Đệ tử của Phật là Ananda rất tức giận. Ông giận đến mức đã hỏi Ngài rằng:
- Hãy cho phép con dạy cho anh ta biết phải trái. Thật quá đáng! Con không thể chịu đựng được.
Đức Phật bèn nói:
- Nhưng anh ta đâu có nhổ lên mặt con đâu. Là mặt Ta đấy chứ. Thứ hai nữa, cứ nhìn anh ta mà xem! Anh ta đang gặp rắc rối lớn vô cùng! Hãy từ bi với anh ta. Anh ta muốn nói gì đó với Ta nhưng không đủ lời thích hợp. Đó cũng là vấn đề của Ta nữa, vấn đề dài của cả đời Ta và Ta thấy anh ta cũng đang rơi vào tình thế đó! Ta muốn nói cho các con biết những điều Ta đã hiểu nhưng lại không thể vì không tìm ra lời thích hợp. Người đàn ông này cũng vậy, anh ta giận đến mức không tìm được từ nào có thể diễn đạt hết cơn giận của mình, cũng như tình yêu thương trong Ta nhiều đến mức không lời nói, hành động nào có thể diễn đạt được. Ta hiểu cái khó của anh ta, con hãy ngẫm mà xem!
Đức Phật thấy. Ananda cũng thấy. Đức Phật chỉ thu thập những ký ức sự kiện, trong khi đó Ananda lại tạo ra ký ức tâm lý.
Người đàn ông kia không thể tin vào tai mình khi nghe thấy những lời Đức Phật nói. Anh sốc vô cùng. Anh ta sẽ không bị sốc nếu Đức Phật đánh lại anh hay Ananda nhảy xổ vào anh. Nếu những điều này xảy ra thì chẳng có gì gọi là sốc bởi đó là phản ứng tự nhiên của con người. Nhưng đằng này Đức Phật lại cảm thông và thấu rõ nỗi khó khăn của người này… Rồi anh ra về, suốt cả đêm đó không ngủ được, cứ ngẫm nghĩ mãi về sự việc. Anh bắt đầu cảm nhận về những gì mình đã làm và thấy vô cùng đau đớn. Một vết thương đã xuất hiện trong tim anh.
Sáng hôm sau, anh vội chạy đến bên Đức Phật, phủ phục và hôn lên chân Ngài. Đức Phật bèn nói với Ananda:
- Con hãy xem, vấn đề cũ lại tái diễn! Giờ anh ta lại đang quá cảm kích Ta nên không cất nổi thành lời. Anh ta đang chạm vào chân Ta. Con người thật là bất lực. Bất kể cái gì quá mức cũng không thể diễn đạt thành lời, không thể chuyển tải hay trao đổi với nhau. Họ phải nhờ đến một cử chỉ nào đó để diễn đạt thay. Nhìn xem!
Người đàn ông bắt đầu khóc và nói:
- Xin hãy tha thứ cho tôi, thưa Ngài. Tôi thật lòng xin lỗi Ngài. Tôi thật ngu ngốc khi đã nhổ vào Ngài.
Đức Phật bèn nói:
- Hãy quên chuyện đó đi! Cái người ông nhổ vào mặt đã không còn nữa, cũng như người đã nhổ vào mặt người khác cũng không còn. Anh là một người hoàn toàn mới, Ta cũng thế! Nhìn xem, mặt trời đang mọc là hoàn toàn mới. Mọi thứ đều mới. Ngày hôm qua không còn nữa. Hãy chấm dứt những thứ ấy đi. Làm sao Ta có thể tha thứ cho ông bởi ông có bao giờ nhổ vào mặt Ta đâu. Cái người mà ông nhổ vào mặt đã đi rồi.
Ý thức là một dòng chảy không ngừng.
Khi tôi bảo bạn hãy buông bỏ ký ức, nghĩa là tôi muốn nói đến ký ức tâm lý chứ không phải ký ức sự việc. Đức Phật nhớ rất rõ ngày hôm qua người này đã nhổ vào mặt Ngài nhưng Ngài cũng nhớ rằng cả ông ấy lẫn Ngài đều đã khác với hôm qua. Cái chương đó đã đóng lại, nó không đáng để bạn mang theo suốt đời. Tuy vậy bạn cứ mãi vác lấy nó. Ngay bây giờ có thể bạn vẫn còn nhớ như in câu nói mà ai đó đã nói với mình cách đây mười năm. Cho đến giờ bạn vẫn nhớ đến cái tát của bố khi bạn còn bé, dù có thể bạn đã bảy mươi tuổi.
Ký ức tâm lý cứ đè nặng bạn. Chúng hủy hoại sự tự do, sức sống và ràng buộc bạn; trong khi ký ức sự việc thì hoàn toàn không có vấn đề gì.
Và bạn cũng cần nhớ thêm một điều này nữa, đó là một khi không có ký ức tâm lý, ký ức sự việc sẽ vô cùng chính xác bởi ký ức tâm lý vô cùng phiền nhiễu. Khi bị quấy nhiễu quá nhiều bởi ký ức tâm lý, làm sao bạn có thể ghi nhớ chính xác được? Điều đó là không thể! Bạn đang lo sợ, đang run rẩy thì làm thế nào bạn có thể nhớ chính xác? Bạn sẽ cường điệu, sẽ thêm thắt hay bỏ mất điều gì đó, hoặc nghĩ ra một điều gì mới. Bạn không còn đáng tin cậy nữa.
Một khi không có ký ức tâm lý, ký ức sự việc sẽ vô cùng chính xác bởi ký ức tâm lý vô cùng phiền nhiễu. Khi bị quấy nhiễu quá nhiều bởi ký ức tâm lý, làm sao bạn có thể ghi nhớ chính xác được?
Người không có ký ức tâm lý là người đáng tin cậy. Chính vì vậy mà máy tính đáng tin cậy hơn con người, bởi chúng không có ký ức tâm lý. Chúng chỉ có những dữ kiện, thuần túy là dữ kiện. Khi bạn nói về một sự kiện, nó đã không còn là một sự kiện nữa bởi bạn đã hư cấu nó đi rồi. Bạn đã nặn khuôn cho nó, đã thay đổi nó, đã tô vẽ nó, đã cho nó màu sắc mà bạn thích; do đó nó không còn là một dữ kiện đơn thuần. Chỉ có Đức Phật, một vị Như Lai, một người đã chứng ngộ mới biết sự kiện là gì, còn bạn chưa bao giờ gặp một dữ kiện bởi bạn mang quá nhiều hư cấu trong đầu. Bất cứ khi nào bạn tìm thấy một dữ kiện, lập tức bạn sẽ áp cái hư cấu của mình vào. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bản chất của nó vì thực tại đã bị bóp méo.
Một vị Như Lai, tức là người đã tỉnh thức, lúc nào cũng đúng bởi điều người đó nói luôn tương ứng với thực tế. Một vị Như Lai luôn nói sự thật và chỉ có sự thật mà thôi. Cho dù sự kiện có là gì, Ngài chỉ phản ánh lại nó, giống như một cái gương vậy. Đó là cái mà tôi muốn nói với bạn, hãy buông bỏ ký ức tâm lý và bạn sẽ trở thành một tấm gương phản chiếu.
Bạn hỏi tôi: “Thầy không ngừng khẩn nài chúng tôi hãy từ bỏ ký ức để sống với hiện tại...”. Nói như vậy không có nghĩa là bạn không được nhớ quá khứ của mình. Quá khứ là một phần của hiện tại, là bất kể cái gì bạn đã từng làm, từng là. Tuổi thơ vẫn ở trong bạn, con người thanh niên của bạn vẫn ở trong bạn… tất cả những gì bạn đã và đang làm vẫn ở trong bạn. Món ăn mà bạn từng thưởng thức vẫn đang nằm trong máu bạn. Nó đang đi theo một vòng tuần hoàn, nó đã trở thành xương tủy của bạn.
Tình yêu trong quá khứ đã biến đổi bạn. Nó cho bạn một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, nó mở tầm mắt bạn. Ngày hôm qua bạn ngồi đây với tôi. Tuy nó đã thuộc về quá khứ nhưng liệu nó có thật sự chỉ là quá khứ? Làm thế nào nó lại chỉ thuộc về quá khứ? Nó đã thay đổi bạn. Bạn đã được nó châm một tia lửa mới, thắp lên một ngọn lửa mới và đã trở thành một phần trong bạn.
Khoảnh khắc hiện tại của bạn chứa đựng cả quá khứ. Không những thế, khoảnh khắc hiện tại của bạn còn có thể chứa đựng cả tương lai nữa bởi quá khứ đã làm thay đổi bạn, đã chuẩn bị cho bạn. Tương lai sẽ xảy ra theo cách mà bạn sống trong hiện tại.
Khoảnh khắc hiện tại chứa đựng toàn bộ quá khứ và cũng đang ươm mầm cho cả tương lai. Một cái cây tuy không nghĩ về nước mà nó đã hút ngày hôm qua nhưng nước vẫn còn ở đấy, cũng như nó không nghĩ đến tia nắng đã chiếu lên nó ngày hôm qua. Cây cối không ngu ngốc như con người.
Sao bạn phải bận tâm đến những tia nắng của ngày hôm qua? Chúng đã được hấp thụ và trở thành một phần của màu xanh, màu đỏ và màu vàng của cây. Cái cây đang tận hưởng ánh nắng sáng nay mà không hề mang ký ức tâm lý của ngày hôm qua. Ngày hôm qua vẫn còn đọng lại trong những chiếc lá, bông hoa, nhánh cây, bộ rễ hay trong nhựa cây. Và tương lai cũng đang đến qua những cái nụ hoa be bé, qua những chiếc lá non nõn nà.
Do đó tôi không có ý nói bạn phải quên đi quá khứ sự kiện mà chỉ đơn giản nói rằng đừng để chúng làm phiền nữa. Bạn không nên cứ đầu tư vào quá khứ tâm lý. Tôi cũng không có ý bảo bạn đừng nhớ nữa, bởi con người luôn cần có ký ức. Những gì vốn là nhu cầu trong hiện tại, bạn hãy đáp ứng ngay. Có người hỏi xin số điện thoại của bạn, bạn đáp rằng: “Làm sao tôi nói cho anh/chị biết được? Bởi tôi đã rũ bỏ quá khứ của mình rồi”. Nếu đáp thế thì bạn sẽ gặp rắc rối ngay. Thế là cuộc sống, thay vì tự do và tràn ngập niềm vui, thì lại bị cản trở trong mỗi bước đi, bạn sẽ gặp ngàn lẻ một rắc rối không cần thiết do chính mình tạo ra. Chẳng cần phải làm như thế!
Hãy cố gắng hiểu lời tôi.
“... Nhưng khi từ bỏ ký ức, tôi cũng phải từ bỏ cả trí tưởng tượng đầy sáng tạo của mình sao?”.
Ký ức thì có liên quan gì đến trí tưởng tượng sáng tạo? Trong thực tế, ký ức càng nhiều thì bạn càng kém sáng tạo, vì bạn sẽ không ngừng lặp lại ký ức trong khi sáng tạo nghĩa là cho phép cái mới xảy ra. Và cho phép cái mới xảy ra nghĩa là gạt bỏ ký ức sang một bên để quá khứ không thể can thiệp vào.
Hãy để cái mới mẻ đến với bạn. Hãy để cái mới khiến tim bạn đập rộn ràng. Bạn sẽ cần đến quá khứ nhưng không phải là bây giờ mà là khi bạn bắt đầu diễn đạt trải nghiệm mới. Khi đó quá khứ được cần đến, vì bạn cần có ngôn ngữ để diễn đạt, mà ngôn ngữ thì bắt nguồn từ quá khứ. Bạn không thể tạo ra ngôn ngữ ngay bây giờ, hoặc nếu có thì nó cũng lắp bắp hoặc vô nghĩa. Và đó không phải là giao tiếp mà chỉ là những lời bi bô con trẻ. Bạn sẽ không thể phát huy tối đa tính sáng tạo thông qua thứ ngôn ngữ ấy.
Ngôn ngữ chỉ nên đến khi trải nghiệm đã có! Để rồi bạn sẽ dùng nó như một công cụ và không để nó cản trở bạn.
Khi bạn trông thấy một bông hồng đang nở trong nắng sớm, hãy ngắm nó. Hãy để nó tác động đến bạn, hãy để nó đi vào lòng bạn. Hãy để vẻ đẹp của hoa hồng làm bạn mê mẩn, chế ngự bạn. Đừng nói gì cả mà hãy cứ đợi. Hãy kiên nhẫn và rộng mở tâm hồn. Hãy say mê ngắm nhìn. Hãy để hoa hồng tự tìm đến bạn, cũng như bạn tìm đến nó. Hãy để cho cuộc gặp gỡ ấy diễn ra. Hãy để cả hai tìm thấy sự đồng cảm.
Hãy nhớ rằng, bông hồng càng thấm sâu vào bạn thì chính bạn cũng đi sâu vào bông hồng đó. Sẽ đến lúc bạn không còn biết đâu là hoa hồng và đâu là người ngắm hoa nữa. Sẽ đến lúc bạn trở thành hoa hồng và hoa hồng sẽ trở thành bạn. Khi đó hãy dùng đến ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ nghệ thuật của bạn. Nếu bạn là họa sĩ, hãy cầm lấy cọ, màu và giá vẽ rồi vẽ ra. Còn nếu bạn là thi sĩ, hãy xông vào căn phòng ký ức sự kiện, chọn lấy những ngôn từ đúng nhất để thể hiện trải nghiệm này.
Nhưng trong lúc trải nghiệm đang diễn ra, đừng nói thầm trong lòng bạn. Bởi việc nói thầm ấy sẽ ảnh hưởng đến sự việc. Bạn sẽ không bao giờ hiểu thấu về hoa hồng mà chỉ biết được bề mặt của nó mà thôi. Và do vậy sự thể hiện của bạn cũng rất nông cạn, nghệ thuật của bạn cũng sẽ chẳng có mấy giá trị.
“… Nhưng khi từ bỏ ký ức, tôi cũng phải từ bỏ cả trí tưởng tượng đầy sáng tạo của mình sao?”.
Nói như thế nghĩa là bạn không hiểu ý nghĩa của sáng tạo. Sáng tạo nghĩa là mới lạ, độc đáo, chưa từng biết đến. Bạn phải rộng mở để đón nhận nó, sẵn sàng lăn xả vào nó.
Hãy gạt bỏ ký ức sang một bên và sử dụng nó sau. Còn bây giờ, nó chỉ quấy nhiễu bạn mà thôi.
Sáng tạo nghĩa là mới lạ, độc đáo, chưa từng biết đến. Bạn phải rộng mở để đón nhận nó, sẵn sàng lăn xả vào nó.
Chẳng hạn ngay bây giờ bạn đang lắng nghe tôi, hãy gạt bỏ ký ức sang một bên. Khi đang lắng nghe, bạn có lặp lại trong đầu mình những phép toán mà bạn đã biết không? Bạn có đang tính nhẩm không? Bạn có lặp lại những bài học địa lý mình từng biết không? Hay những bài học lịch sử xa xưa? Hãy gạt tất cả sang một bên. Làm tương tự như vậy với ngôn ngữ và ký ức của bạn. Sẽ có lúc bạn cần đến nó, sẽ có lúc, nhưng bạn cũng chỉ dùng đến nó khi đó mà thôi. Còn bây giờ hãy gạt cả tâm trí sang một bên!
Bạn không hề làm thui chột tâm trí mình mà chỉ đơn giản là cho nó nghỉ ngơi. Bạn có thể bảo tâm trí rằng: “Hãy nghỉ ngơi một tiếng đồng hồ và để yên cho tôi lắng nghe. Khi nào nghe xong, khi nào đã thấu hiểu, khi nào đã ăn uống xong, tôi sẽ cho gọi anh. Khi đó tôi cần anh giúp về ngôn ngữ, kiến thức, cũng như thông tin. Khi đó tôi sẽ vẽ một bức tranh, làm một bài thơ hoặc viết một quyển sách, còn bây giờ anh có thể nghỉ ngơi”. Và tâm trí sẽ sảng khoái, tươi mới hơn sau khi được nghỉ ngơi như thế.
Vì muốn tham gia chạy thi Olympic nên anh chàng nọ không ngừng luyện tập suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Nhưng đến khi cuộc thi diễn ra, anh ta thậm chí không còn hơi sức để nhúc nhích. Tương tự như vậy đối với tâm trí của bạn. Chỉ khi nào không bị ký ức vây bám thì trí tưởng tượng sáng tạo mới thỏa sức bay bổng. Khi bạn buông bỏ ký ức tâm lý, bạn sẽ trở nên sáng tạo. Còn bằng không, cái mà bạn gọi là sáng tạo thật sự chẳng sáng tạo chút nào, đó chỉ là sự sắp đặt.
Có sự khác biệt lớn giữa sắp đặt và sáng tạo. Sắp đặt là sắp xếp những cái cũ kỹ đã biết theo một cách khác, chứ chẳng có gì là mới mẻ ở đây. Cũng giống như khi bạn xếp đặt lại căn phòng của mình, đồ đạc trong phòng vẫn như cũ, tranh ảnh trên tường vẫn như cũ, các bức màn cũng thế, chỉ là bạn thay đổi lại trật tự của chúng mà thôi. Bạn có thể đặt cái ghế chỗ này, cái bàn chỗ kia, thay bức tranh từ tường bên này sang tường bên kia. Căn phòng trông có khác hơn nhưng thật ra nó chẳng hề mới. Đó là điều mà chín mươi chín phần trăm các tác gia, thi sĩ và họa sĩ đang làm.
Người sáng tạo là người sẽ mang cái chưa biết, cái chưa được biểu hiện vào thế giới biểu hiện này, trở thành ống tre rỗng để Thượng đế chuyển tải điều gì đó vào thế giới. Nhưng làm thế nào để trở thành ống tre rỗng? Nếu tâm trí bạn quá chộn rộn thì bạn không thể nào trở thành ống tre rỗng được. Sự sáng tạo chỉ đến từ Cội nguồn Sáng tạo chứ không đến từ bạn. Khi đó bạn hoàn toàn biến mất, chỉ có sự sáng tạo hiện hữu và Cội nguồn Sáng tạo đang chiếm ngự bạn.
Người sáng tạo thật sự sẽ hiểu điều đó rất rõ, rằng họ không phải là những chủ nhân sáng tạo mà họ chỉ là những công cụ, phương tiện trung gian. Có điều gì đó diễn ra thông qua họ, chứ bản thân họ không phải là người quyết định.
Bạn cần ghi nhớ sự khác nhau giữa kỹ thuật viên và người sáng tạo. Kỹ thuật viên là người biết rõ cách làm nhưng không hề hiểu biết sâu sắc về sự việc. Trong khi đó người sáng tạo thì hiểu rõ bản chất sự việc, có thể nhìn thấy những điều mà chưa ai từng thấy trước đó, có thể nhìn mọi vật bằng cặp mắt chưa ai từng nhìn trước kia và nghe thấy những điều mà chưa ai từng nghe.
Hãy ngẫm xem… những lời răn của Chúa Jesus là sáng tạo bởi trước đó chưa ai từng nói như thế. Ngài không hề được đi học. Ngài cũng không hề biết về kỹ năng nói chuyện trước công chúng cũng như nghệ thuật hùng biện, nhưng lại là người có tài hùng biện ít ai sánh bằng. Thế thì đâu là bí quyết của Ngài? Là do Ngài thấu hiểu. Ngài chiêm nghiệm về Thượng đế. Ngài đào sâu khám phá những điều chưa biết. Ngài đã gặp những điều chưa biết và những điều không tài nào hiểu được. Ngài đã bước vào không gian đó và nhặt nhạnh được một vài mẩu hiểu biết. Tuy chỉ là những mẩu hiểu biết nhưng chúng sẽ biến đổi toàn bộ ý thức nhân loại.
Người sáng tạo thật sự sẽ hiểu điều đó rất rõ, rằng họ không phải là những chủ nhân sáng tạo mà họ chỉ là những công cụ, phương tiện trung gian. Có điều gì đó diễn ra thông qua họ, chứ bản thân họ không phải là người quyết định.
Ngài là một người sáng tạo, và tôi gọi đó là một nghệ sĩ. Đức Phật, Lão Tử cũng đều là những nghệ sĩ đích thực! Họ đã biến điều không thể thành có thể. Điều không thể chính là sự gặp gỡ giữa cái đã biết và cái chưa biết, giữa tâm trí và vô trí.
“... Nhưng khi từ bỏ ký ức, tôi cũng phải từ bỏ cả trí tưởng tượng đầy sáng tạo của mình sao?”.
Không phải vậy. Ký ức chẳng liên quan gì đến trí tưởng tượng sáng tạo. Trong thực tế, nếu gạt ký ức sang một bên, bạn sẽ có được trí tưởng tượng sáng tạo. Bạn không thể sáng tạo nếu bị ký ức đè nặng.
“... Tôi là một nhà văn, và tất cả những gì tôi viết đều bắt nguồn từ những điều tôi nhớ”.
Vậy thì bạn không hẳn là một nhà văn. Cái bạn nhớ là cái đã chết. Bạn phải liên hệ với những gì trong hiện tại chứ không phải cái mà bạn nhớ. Bạn phải liên hệ với những cái xung quanh mình. Bạn phải đi sâu vào hiện tại để có thể bắt gặp lại điều gì đó trong quá khứ.
Sáng tạo thật sự không hề xuất phát từ ký ức mà từ sự tỉnh thức. Bạn sẽ phải tỉnh thức nhiều hơn. Càng tỉnh thức thì cái lưới để tóm bắt ý tưởng càng lớn và dĩ nhiên là bạn sẽ càng bắt được nhiều cá.
“... Tôi tự hỏi, thế giới sẽ ra sao nếu không có nghệ thuật và sự tưởng tượng đầy sáng tạo đã làm nên nghệ thuật?”.
Chín mươi chín phần trăm tác phẩm nghệ thuật không hề nghệ thuật chút nào mà chỉ là rác rưởi. Hiếm hoi có được một tác phẩm nghệ thuật thật sự, hiếm vô cùng. Và chín mươi chín phần trăm cái được gọi là nghệ thuật kia nếu biến khỏi trái đất này thì sẽ là một điều ơn phước bởi chúng là những thứ tởm lợm chứ không hề sáng tạo chút nào.
Hiện nay có một loại hình trị liệu rất ý nghĩa, đó là trị liệu bằng nghệ thuật. Nó có ý nghĩa và nó giải quyết được vấn đề, đặc biệt đối với người bị bệnh về mặt tinh thần. Người bệnh được cung cấp vải bạc, màu và cọ vẽ để vẽ bất cứ thứ gì họ thích. Dĩ nhiên là bất cứ thứ gì anh ta vẽ ra cũng sẽ điên rồ, mất trí. Nhưng sau đó, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy anh ta bắt đầu trở nên tỉnh táo. Vẽ như vậy có tác dụng thanh tẩy như khi ta nôn mửa. Hệ thần kinh của anh ta đã nôn mửa sự điên rồ ra ngoài.
Cái mà người ta gọi là nghệ thuật hiện đại cũng giống như thế. Những bức họa của Picasso có thể đã giúp ông ấy tránh khỏi cơn điên. Thật nguy hiểm khi ngắm chúng; vì nếu chăm chăm vào bãi nôn của người khác, thể nào bạn cũng sẽ phát điên. Hãy tránh xa chúng! Đừng bao giờ chưng một bức họa của Picasso trong phòng ngủ của bạn, không thì bạn sẽ gặp ác mộng mất.
Cứ tưởng tượng mà xem… chỉ trong vòng mười lăm phút ngắm tranh của Picasso… bạn sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu, choáng váng và buồn nôn. Chuyện gì đã xảy ra? Vì đó là thứ người khác đã nôn ra! Nó có ích cho ông ấy, tốt cho ông ấy nhưng lại không tốt cho người khác.
Nhưng với tác phẩm của Michelangelo, bạn có thể ngắm hàng giờ. Càng ngắm, bạn càng cảm thấy thanh bình và tĩnh lặng. Đó không phải là của nôn mửa. Ông ấy đã gửi gắm vào tác phẩm của mình một điều gì đó đến từ cái chưa biết. Đó không phải là sự điên rồ mà ông ấy đã nôn ra thông qua hội họa, điêu khắc, thi ca hay âm nhạc. Đó không phải là tác phẩm của sự bệnh hoạn và ông ta không hề muốn khỏi bệnh thông qua chúng. Thực tế là hoàn toàn ngược lại: ông ấy đang “thai nghén” chứ không hề bệnh hoạn. Ông “thai nghén” với Thượng đế. Có điều gì đó đã bắt rễ từ trong chính ông và ông muốn chia sẻ nó với mọi người. Đó là sự đơm hoa kết trái, là sự viên mãn. Ông đã sống một cách sáng tạo, đã yêu cuộc đời mình một cách sáng tạo. Ông cho phép cuộc đời bước vào nơi linh thiêng sâu bên trong ông và ở đó, ông đã thai nghén với đời, với Thượng đế. Và một khi đã thai nghén, bạn phải cho ra đời một cái gì đó.
Picasso và Nietzsche nôn mửa, còn Đức Phật và Michelangelo thì sinh cho đời. Giữa hai khái niệm này có sự khác biệt rất lớn. Sinh ra một đứa trẻ hoàn toàn khác với việc nôn ra một cái gì đó.
Beethoven đã sinh cho đời một giá trị lớn lao. Âm nhạc của ông giúp biến đổi tâm hồn bạn, đưa bạn đến một thế giới khác. Ông cho bạn cái nhìn thoáng qua về một bến bờ khác.
Chín mươi chín phần trăm nghệ thuật hiện đại là bệnh hoạn. Nếu như chúng biến mất khỏi thế giới này thì thật tốt biết bao, có ích biết bao và chẳng gây hại gì. Tâm trí hiện đại là một tâm trí nổi giận, bởi bạn không liên hệ được với chính mình, bởi bạn đã đánh mất mọi ý nghĩa, bởi bạn không biết được điều gì là quan trọng.
Một trong những quyển sách nổi tiếng của Jean Paul Sartre là Nausea (Sự kinh tởm). Đó chính là tình trạng của tâm trí hiện đại. Tâm trí hiện đại thật tởm lợm, đang bị nỗi đau giằng xé dữ dội. Và sự hành hạ ấy cũng là kết quả sáng tạo của chính nó.
Friedrich Nietzsche tuyên bố Thượng đế đã chết. Ngày ông ta tuyên bố Thượng đế đã chết, ông ta cũng bắt đầu trở nên mất trí – bởi Thượng đế sẽ không chết chỉ vì lời tuyên bố ấy. Lời tuyên bố của bạn chẳng tạo nên sự khác biệt gì. Nhưng vào giây phút Nietzsche bắt đầu tin vào điều này, rằng Thượng đế đã chết, thì ông ta cũng bắt đầu chết, bắt đầu mất đi sự tỉnh táo, sáng suốt. Một thế giới không có Thượng đế là một thế giới điên cuồng, bởi chẳng còn ngữ cảnh nào để thế giới tồn tại một cách có ý nghĩa.
Thử nghĩ xem… khi bạn đọc một bài thơ, lời thơ chỉ có ý nghĩa trong ngữ cảnh của bài thơ đó. Nếu bạn lấy một từ ra khỏi ngữ cảnh, nó sẽ không còn ý nghĩa nữa. Lời thơ đó thật đẹp chỉ trong ngữ cảnh ấy. Khi bạn cắt một mẩu ra khỏi bức họa, nó sẽ trở nên vô nghĩa vì đã mất cái cội rễ là ngữ cảnh.
Bạn có thể lấy một con mắt của tôi ra khỏi hốc mắt nhưng khi đó nó sẽ trở thành con mắt chết. Ngay bây giờ, nếu bạn nhìn vào mắt tôi, bạn sẽ thấy chúng có ý nghĩa vô cùng vì chúng tồn tại trong ngữ cảnh là con người tôi, chúng là một phần của thơ ca, là một phần của bức tranh lớn.
Cái ngày mà Nietzsche tuyên bố không có Thượng đế và Người đã chết, ông ấy đã rời khỏi ngữ cảnh sống. Không có Thượng đế sẽ không còn ý nghĩa gì bởi con-người chỉ là hai từ vỏn vẹn trong thiên sử thi vĩ đại của Thượng đế, là một nốt nhạc nhỏ nhoi trong dàn nhạc vĩ đại của Thượng đế. Cái nốt nhạc nhỏ bé đó sẽ đơn điệu, chói tai và hóa rồ.
Đó là điều đã xảy ra với Nietzsche. Ông ta đã tin tưởng tuyệt đối vào tuyên ngôn của mình. Ông là người cả tin vào chính mình. Ông tin rằng Thượng đế đã chết và con người được tự do; nhưng trong thực tế, ông lại trở nên điên rồ và không tự do chút nào. Và thế kỷ này đã nối gót theo Friedrich Nietzsche theo ngàn lẻ một cách. Cả thế kỷ này đã hóa rồ. Lịch sử thế giới chưa từng có thế kỷ nào điên rồ như thế kỷ này. Nó điên rồ vì đã đánh mất ngữ cảnh.
Bạn sống vì cái gì? Bạn nhún vai tỏ vẻ chẳng quan trọng. Bạn xem mọi sự tồn tại chỉ là ngẫu nhiên. Vậy nếu bạn không tồn tại thì cũng chẳng có gì khác biệt, còn nếu có thì cũng thế! Bạn chẳng tạo nên điều gì khác biệt. Chẳng ai cần đến bạn. Bạn chẳng góp phần hoàn thành sứ mệnh gì ở đây. Làm sao bạn cảm thấy hạnh phúc cho được? Tình cờ ư? Chỉ là tình cờ thôi sao? Vậy nếu cái gì cũng đúng thì giết người cũng đúng sao? Chẳng hành động nào là có giá trị, vậy thì tự tử cũng không sao, giết người cũng không sao và mọi thứ đều không sao!
Nhưng đâu phải mọi thứ đều ổn bởi có vài thứ khiến bạn vui, vài thứ khiến bạn đau khổ, vài thứ khiến bạn hưng phấn, vài thứ chỉ gây đau đớn, vài thứ chỉ tạo ra địa ngục và vài thứ đưa bạn lên thiên đàng. Một khi Thượng đế bị cho rằng đã chết, bạn sẽ mất liên hệ với Toàn thể. Con sóng sẽ là gì nếu nó quên mất đại dương? Nó chẳng là gì cả. Nó là cả một con sóng thủy triều lớn khi thuộc về đại dương.
Bạn hãy nhớ rằng nghệ thuật đích thực phải phát sinh từ tôn giáo thuần thành, hay tâm linh, bởi qua đó con người tìm thấy được sự đồng cảm với thực tế.
“... Tôi tự hỏi thế giới sẽ ra sao nếu không có nghệ thuật và sự tưởng tượng đầy sáng tạo đã làm nên nghệ thuật?”.
Nếu chín mươi chín phần trăm cái được gọi là nghệ thuật biến mất, thế giới này sẽ phong phú hơn bởi khi đó sẽ có nghệ thuật đích thực. Ở đây tôi không nói là họ không nên vẽ vời, họ nên vẽ nhưng chỉ vẽ như là một liệu pháp.
Nghệ thuật đích thực là cái có thể giúp bạn chiêm ngưỡng trong trạng thái an định, hoan lạc. Gurdjieff từng gọi nghệ thuật đích thực là nghệ thuật mục tiêu. Ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng ở Ấn Độ chính là tác phẩm nghệ thuật đích thực. Vào đêm trăng rằm, chỉ cần ngồi đó ngắm nhìn thôi, lòng bạn sẽ tràn ngập những điều chưa biết, những điều đến từ cõi xa xăm, vượt thoát.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện vì sao lại có ngôi đền Taj Mahal này.
Ở Shiraz, Iran có một người thợ điêu khắc rất nổi tiếng. Đó là một nghệ sĩ lớn và cũng là một nhà huyền môn Sufi(****). Có đến ngàn lẻ một chuyện kỳ lạ về ông trước khi ông đến Ấn Độ. Shah Jehan, hoàng đế của Ấn Độ, cũng được nghe kể về ông. Ngày nọ, Ngài cho mời người thợ này vào cung.
(****) Sufism có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư (nay là Irắc). Đây là tên gọi của một giáo phái phổ biến ở các nước Trung Đông, được tạm dịch sang tiếng Việt là “Hồi giáo Mật tông”. Mục đích của giáo phái này là sự nhận thức chân lý tuyệt đối thông qua Tình yêu và sự hòa nhập với Thượng đế.
Hoàng đế Shah Jehan hỏi ông: “Ta nghe nói chỉ cần chạm vào bàn tay một ai đó, mà không cần nhìn mặt, là ngươi đã có thể tạc được cả thân hình của họ. Điều đó có đúng không?”.
Shirazi đáp: “Hãy cho hạ thần một cơ hội, nhưng với một điều kiện. Hãy cho hai mươi lăm phụ nữ đẹp trong cung của bệ hạ đứng sau một tấm rèm. Bảo họ chìa bàn tay ra ngoài tấm rèm sẵn cho hạ thần. Hạ thần sẽ chạm vào bàn tay họ và chọn lấy một người. Bất kỳ ai mà hạ thần chọn, hạ thần sẽ tạc tượng người đó. Nếu bức tượng giống y hệt và bệ hạ hài lòng, cả hoàng cung cũng hài lòng thì người đó sẽ trở thành vợ của hạ thần. Hạ thần sẽ cưới nàng. Hạ thần muốn có một người đàn bà trong cung của ngài”.
Shah Jehan đồng ý.
Thế là hai mươi lăm cung nữ tuyệt đẹp được chọn đứng sau tấm rèm. Shirazi đi từ người đầu tiên cho đến người thứ hai mươi lăm và từ chối tất cả họ. Tinh nghịch, con gái của Shah Jehan cũng đứng vào sau tấm rèm. Khi hai mươi lăm cô gái kia đều bị từ chối, cô bèn chìa bàn tay ra khỏi tấm rèm. Người nghệ sĩ chạm vào tay cô, nhắm mắt lại, cảm nhận một điều gì đó rồi nói: “Đây là bàn tay của tôi”, và đặt một chiếc nhẫn vào trong bàn tay cô gái với ngụ ý rằng: “Nếu tôi thành công, cô sẽ trở thành vợ tôi”.
Vị hoàng đế đi ra sau tấm rèm và sợ hãi: “Con bé đã làm gì thế này?”. Nhưng ông cũng không lo lắng vì hầu như không thể nào tạc một bức tượng toàn thân của một người phụ nữ chỉ bằng cách chạm vào bàn tay cô ta.
Suốt ba tháng trời Shirazi mất hút trong gian phòng, ông làm việc cả ngày lẫn đêm. Sau ba tháng, ông cho mời hoàng đế và cả cung điện đến thưởng lãm. Shah Jehan đã không thể tin vào mắt mình. Bức tượng trông hệt như con gái ông! Shirazi đã làm được. Ông không tìm thấy một sai sót nào trên bức tượng dù rất muốn vì không thích gả con gái cho một người nghèo hèn, nhưng không còn cách nào khác. Ông đã hứa thì phải giữ lời.
Hoàng đế bối rối, hoàng hậu Mumtaj Mahal thì phiền muộn đến mức lâm bệnh. Bà đang có mang và trong lúc sinh con bà đã qua đời vì đau đớn.
Vị hoàng đế đau khổ vô cùng, làm sao để cứu con gái đây? Ông bèn cho mời người thợ tạc tượng đến và nói hết mọi chuyện với anh ta. “Tất cả là do lầm lẫn. Lỗi là ở công chúa, nhưng hãy nhìn hoàn cảnh của ta đi, vợ ta đã lìa bỏ thế gian vì không chịu nổi ý nghĩ con gái mình phải lấy một người nghèo khổ. Cả ta cũng không thể đồng ý, dù đã hứa”.
Người nghệ sĩ bèn nói: “Chẳng việc gì bệ hạ phải lo lắng đến thế. Lẽ ra bệ hạ nên nói với hạ thần và hạ thần sẽ ra đi. Hạ thần sẽ chẳng đòi hỏi gì đâu. Hạ thần sẽ trở về Shiraz. Hãy quên mọi chuyện này đi!”.
Nhưng Shah Jehan vẫn khăng khăng: “Không thể được, ta không thể nào quên được. Ta đã hứa với ngươi thì phải giữ lời. Ngươi hãy đợi đấy, để ta suy nghĩ”.
Viên tể tướng bèn đề nghị: “Hoàng hậu vừa mới qua đời và đây là một nghệ sĩ lớn, ông ta đã chứng minh được điều đó. Vậy bệ hạ hãy bảo ông ấy làm một công trình để tưởng niệm hoàng hậu. Bệ hạ nên cho xây một lăng mộ đẹp nhất thế gian này. Và nếu bệ hạ chấp nhận nó, bệ hạ hãy cho phép ông ấy được cưới công chúa. Còn nếu không hài lòng, mọi chuyện sẽ kết thúc”.
Lệnh được truyền đến người nghệ sĩ và ông nhận lời ngay.
Vị hoàng đế thầm nghĩ: “Lần này thì mình sẽ không bao giờ chấp thuận nữa”.
Dù Shirazi làm rất nhiều mô hình và tất cả chúng đều đẹp nhưng hoàng đế vẫn một mực không thừa nhận: “Không được, chưa được!”.
Viên tể tướng vô cùng thất vọng, bởi hiếm có mô hình nào đẹp đến như vậy. Nói không với những tác phẩm đó quả là không công bằng chút nào. Ông ta bèn xầm xì với mọi người xung quanh, cốt là để đến tai người nghệ sĩ kia: “Cô gái mà ông chọn, là công chúa, đang bệnh rất nặng”. Người ta đồn rằng nàng bệnh suốt một tuần, sang đến tuần sau thì bệnh càng nặng hơn và đến tuần thứ ba thì nàng trút hơi thở cuối cùng.
Tin đồn đã đến tai người nghệ sĩ điêu khắc. Ông đã dốc hết lòng tạc mô hình cuối cùng. Trái tim người nghệ sĩ tan nát. Ông không thể nào làm thêm một mô hình nào nữa nên đành mang nó đến cho hoàng đế xem và ngài đã chấp nhận nó. Vấn đề nằm ở chỗ cô gái đã chết, thế nên không còn chuyện cưới xin gì nữa.
Tác phẩm đó chính là ngôi đền Taj Mahal, do một nhà huyền môn Sufi làm ra. Làm thế nào ông có thể tạc được tượng một người con gái mà chỉ cần chạm vào tay nàng? Hẳn ông ta đến từ một thế giới khác! Cái khoảnh khắc ông tạc nên bức tượng hẳn phải là khoảnh khắc thiền định sâu. Ông ta đã chạm đến nguồn năng lượng và chính nhờ cảm nhận nguồn năng lượng ấy mà ông đã tạo nên toàn thể hình dáng cô gái.
Ngày nay người ta có thể hiểu điều này một cách lô-gic hơn nhờ vào kỹ thuật chụp ảnh Kirlian, bởi mỗi năng lượng đều có kiểu riêng của nó. Gương mặt bạn không phải ngẫu nhiên mang nét như thế. Đôi mắt, mái tóc và màu da bạn đều do kiểu năng lượng của bạn quyết định.
Suốt nhiều thời đại, các thiền nhân đã đi sâu tìm hiểu về các kiểu năng lượng. Một khi đã biết được kiểu năng lượng, bạn sẽ biết được toàn thể tính cách con người. Tất cả đều do năng lượng mà ra. Bạn sẽ biết được quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Thấu hiểu được kiểu năng lượng, bạn sẽ tìm thấy chìa khóa, hay cái nhân cốt lõi, chi phối mọi thứ xảy đến với mình.
Đó chính là nghệ thuật mục tiêu.
Vào những đêm trăng rằm, khi ngồi thiền giữa ngôi đền Taj Mahal, trái tim bạn sẽ rộn lên những nhịp yêu thương. Bản thân ngôi đền ấy cũng đã chứa đầy năng lượng tình yêu. Mumtaj Mahal qua đời vì tình yêu dành cho con gái, Shah Jehan đã chịu đựng nỗi đau khổ chỉ vì tình yêu, còn Shirazi thì tạo ra ngôi đền vì tổn thương sâu sắc và vì tương lai của ông đầy đen tối. Người phụ nữ mà ông chọn đã không còn nữa. Ngôi đền đã ra đời từ chính tình yêu và trạng thái thiền định. Và cho đến bây giờ nó vẫn chứa đựng những rung cảm đó. Đây không phải là một đài kỷ niệm bình thường mà là một tác phẩm đặc biệt. Những kim tự tháp ở Ai Cập cũng như thế và còn nhiều, rất nhiều những thứ khác trên thế giới được tạo ra dưới hình thức nghệ thuật mục tiêu, nghĩa là chúng được tạo ra bởi những người biết họ đang làm gì và họ là những thiền nhân thực sự.
Với tôi, sáng tạo là một trạng thái thiền định. Sáng tạo là trạng thái vô trí, cho phép Thượng đế hóa thân vào trong bạn và tình yêu sẽ lan tỏa qua bạn, rồi điều gì đó sẽ diễn ra. Đó chính là ân phước, bằng không đó chỉ là của nôn mửa tởm lợm.
Bạn có thể vẽ hoặc viết như là một cách trị liệu nhưng sau đó hãy đốt bỏ tranh và thơ của mình. Bạn không cần phải triển lãm những gì bạn nôn mửa ra cho mọi người xem. Những ai thích thú với của nôn mửa ấy ắt hẳn bản thân họ cũng bệnh hoạn và cần một phương cách trị liệu.
Tôi ủng hộ hết mình cho nghệ thuật mục tiêu, cho nghệ thuật thiền định, cũng như cho những gì xuất phát từ Thượng đế. Bạn sẽ trở thành một phương tiện trung gian, một công cụ để chuyển tải.
“... Tolstoy sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành Phật”.
Ai bảo bạn như thế? Tolstoy vẫn có thể trở thành một vị Phật.
“... nhưng liệu Đức Phật có viết được Chiến tranh và Hòa bình không?”.
Bạn có thể vẽ hoặc viết như là một cách trị liệu nhưng sau đó hãy đốt bỏ tranh và thơ của mình. Bạn không cần phải triển lãm những gì bạn nôn mửa ra cho mọi người xem.
Thế thì Ngài đã làm gì đấy? Và tôi đang làm gì ở đây? Bạn đã đọc kinh Gita chưa? Đó là Chiến tranh và Hòa bình đấy! Tolstoy có thể viết Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina cũng như nhiều tuyệt phẩm khác không phải vì ông ấy là Tolstoy mà là vì ông không xem mình là Tolstoy. Dostoyevsky đã viết The Idiot, Crime and Punishment (Thằng Ngốc, Tội ác và Trừng phạt) cùng một trong những tác phẩm hay nhất là The Brothers Karamazov (Anh em nhà Karamazov) không phải vì ông ấy là Dostoyevsky mà vì ông cũng không xem mình là Dostoyevsky. Trong ông ấy có một phần giống với Đức Phật, có điều gì đó rất thần thánh, rất tâm linh. Dostoyevsky là một con người tâm linh, và một phần trong ông, chứ không phải là tất cả, thấm đẫm tính tâm linh. Chính vì thế mà Anh em nhà Karamazov đẹp vô cùng. Đây không phải là tác phẩm của một con người bình thường, mà nó đến từ Cội nguồn Thiêng liêng. Thượng đế đã chế ngự trong Dostoyevsky và ông chỉ là phương tiện của Người. Dĩ nhiên ông không phải là một phương tiện hoàn hảo, chính vì vậy mà vẫn có nhiều thứ diễn ra trong tâm trí ông. Tuy vậy, Anh em nhà Karamazov vẫn tuyệt đẹp.