Khi tôi viết một quyển sách, trong tôi đầy năng lượng và niềm vui. Nhưng khi đã viết xong, tôi cảm thấy trống rỗng và như đã chết rồi. Bây giờ tôi chỉ mới bắt đầu viết. Mặc dù tôi vẫn tìm thấy niềm vui trong công việc nhưng trong lúc thiền, tôi vẫn cảm thấy sợ sự trống rỗng ấy.
Băn khoăn trên là của một tiểu thuyết gia mà tôi đã từng đọc các tác phẩm của cô ấy, và chúng rất hay. Cô ấy có sở trường viết lách, từ cách kể chuyện hay ho cho đến việc dệt nên câu chuyện. Cảm giác này không chỉ đến với cô mà còn có ở tất cả những ai làm công việc sáng tạo. Tuy vậy, cách hiểu trên là sai.
Khi người phụ nữ mang thai, họ cảm thấy vô cùng viên mãn, đầy đủ. Nhưng khi đứa trẻ được sinh ra, bỗng dưng họ thấy trống rỗng. Họ nhớ đến cái mầm sống mới từng chòi đạp trong bụng mình. Đứa bé nay đã ra đời và họ cảm thấy trống rỗng đến vài ngày. Tuy vẫn yêu con nhưng họ không thể nào quên được cảm giác trống rỗng sau quá trình mang nặng. Đối với một nghệ sĩ, thậm chí tình hình còn tệ hơn. Khi một bức tranh, một bài thơ hay quyển tiểu thuyết được hoàn thành, họ cảm thấy mất mát ghê gớm. Bạn có thể làm gì với quyển sách bây giờ? Do vậy mà người nghệ sĩ rơi vào tình cảnh còn khó khăn hơn cả một người mẹ. Sau khi quyển sách được viết xong, nó không còn cần đến tình yêu và sự giúp đỡ của bạn nữa. Nó sẽ không còn phát triển hay lớn lên mà tự thân nó đã hoàn hảo, đã trưởng thành. Người nghệ sĩ cảm thấy trống rỗng. Nhưng bạn cần nhìn vào sự trống rỗng đó. Đừng bảo rằng mình kiệt sức hay mệt lử. Đừng bảo rằng bạn trống rỗng, bởi trong sự trống rỗng đã chứa đựng sự tròn đầy rồi. Mọi sự đều là do bạn đã nhìn sai hướng.
Bạn bước vào một gian phòng với nhiều đồ đạc, tranh ảnh và vật dụng. Thế rồi những thứ đồ đạc, tranh ảnh đó được chuyển đi, bạn lại bước vào gian phòng ấy và bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ bảo đó là một gian phòng trống rỗng hay đầy ắp? Trong tiếng Anh, từ room vừa có nghĩa là trống rỗng, vừa có nghĩa là không gian. Như vậy, khi đồ đạc được dọn đi, gian phòng lại đầy ắp. Còn khi có những đồ đạc ấy, gian phòng không hề đầy vì bị quá nhiều đồ đạc choán chỗ.
Bạn có thể nhìn sự việc theo hai hướng. Nếu thiên về đồ đạc trong phòng thì bạn chỉ nhìn thấy bàn ghế, sofa mà không thấy được những chỗ đã bị che lấp, khi đó gian phòng thật ra lại là trống rỗng. Nhưng nếu bạn hiểu và thích sự trống trải, bạn sẽ cảm thấy hết sức thoải mái.
Một lần nọ tôi đến ở trong nhà của một người rất giàu có. Ông ta rất giàu nhưng lại không có gu thẩm mỹ. Nhà ông đầy ứ đồ đạc đến mức không còn là nhà nữa. Bạn không thể nào đi lại và rất sợ phải di chuyển vì khắp nhà toàn là đồ cổ. Bản thân ông ta, cũng như những người giúp việc trong nhà, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Ông ta tiếp đãi tôi hết sức trọng thị, cho tôi ở trong gian phòng đẹp nhất nhà nhưng tôi bảo ông rằng: “Cái này không phải là nhà mà là viện bảo tàng. Ông làm ơn cho tôi ở chỗ nào mà tôi có thể đi lại được, có như vậy mới gọi là phòng ở. Còn cái này không phải là phòng. Căn phòng gần như đã biến mất rồi!”.
Room còn có nghĩa là cảm giác thoải mái, tự do mà không gian đó mang lại cho bạn. Khi bạn làm việc hay sáng tạo, tâm trí bạn chứa đựng rất nhiều thứ. Tâm trí bạn hoàn toàn bận rộn. Khi bạn viết sách hay làm thơ, tâm trí bạn cũng bận rộn. Có quá nhiều “nội thất” trong đó, như suy nghĩ, cảm xúc, nhân vật. Rồi quyển sách hoàn tất. Đột nhiên những thứ “nội thất” ấy ra đi. Và bạn cảm thấy trống rỗng. Nhưng cũng không nên lấy thế làm buồn, bởi nếu biết nhìn đúng đắn, bạn sẽ thấy đó là cái mà Đức Phật gọi là samyak drasthi, nghĩa là chánh kiến – nếu nhìn đúng, bạn sẽ được giải thoát khỏi mọi sự ám ảnh. Bạn sẽ lại cảm thấy nhẹ nhàng, rõ ràng. Những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết ấy sẽ không còn lởn vởn trong đầu bạn nữa. Những vị khách đó đã đi và chủ nhà lại cảm thấy thật dễ chịu. Hãy tận hưởng cảm giác này! Chính việc hiểu sai đã khiến bạn buồn bã, lo lắng. Hãy tận hưởng nó! Bạn có bao giờ để ý thấy rằng khi một người khách đến chơi, bạn cảm thấy vui nhưng khi họ ra về, bạn thậm chí còn vui hơn nữa? Đó là vì họ để bạn được ở một mình, được làm chủ chính không gian của mình.
Viết một cuốn tiểu thuyết có thể khiến bạn căng thẳng vì có quá nhiều nhân vật làm khách và mỗi người khách lại có tính cách riêng. Không phải lúc nào họ cũng lắng nghe tác giả. Thỉnh thoảng họ buộc tác giả phải đi theo cách của riêng họ. Tác giả là người khởi đầu tác phẩm nhưng không bao giờ kết thúc nó. Những nhân vật trong câu chuyện sẽ tự tạo ra kết thúc riêng.
Cũng giống như khi bạn sinh con vậy. Bạn sinh ra nó, nhưng sau đó đứa trẻ sẽ phát triển theo cách riêng của nó. Có thể người mẹ nghĩ rằng con mình sẽ trở thành bác sĩ nhưng trong thực tế nó lại trở thành một kẻ lêu lổng, thế thì bạn làm được gì? Bạn đã cố gắng hết sức nhưng nó vẫn trở thành tên ma cà bông.
Khi bạn viết tiểu thuyết, bạn bắt đầu từ một nhân vật, bạn muốn làm cho nhân vật đó trở thành một vị thánh, ấy vậy mà anh ta lại trở thành một kẻ tội đồ. Và bạn biết không, điều đó cũng xảy ra y hệt với một đứa trẻ. Người mẹ lo lắng, nhà văn lo lắng! Tác giả muốn nhân vật của mình trở thành thánh nhân, nhưng cuối cùng anh ta lại trở thành kẻ tội đồ và ông ta không thể làm gì được. Tác giả cảm thấy bất lực và gần như bị nhân vật của mình chi phối. Những nhân vật đó chỉ là hư cấu, nhưng một khi bạn đã hợp tác với chúng, chúng sẽ trở nên gần giống như thật. Và trừ khi bạn vứt bỏ chúng, bằng không thì bạn sẽ không bao giờ được thanh thản. Nếu có một quyển sổ trong tâm trí, bạn phải viết ra để vứt bỏ chúng đi. Nó là gánh nặng với bạn và bạn cần loại bỏ nó.
Chính vì lý do này mà những người sáng tạo thường dễ bị điên. Người bình thường không bao giờ phát điên vì chẳng có gì để phát điên, cũng như không có gì điên rồ diễn ra trong cuộc sống của họ. Một Van Gogh sẽ phát điên, một Nijinsky sẽ phát điên, một Nietzsche sẽ phát điên. Tại sao lại như thế? Vì có quá nhiều thứ diễn ra trong tâm trí họ. Họ không có lấy một khoảng không gian riêng tư bên trong. Quá nhiều người đến rồi đi trong tâm trí họ. Cứ như thể họ đang ngồi trên con phố nhộn nhịp xe cộ qua lại. Đó là cái giá mà người nghệ sĩ phải trả.
Khi bạn viết xong một quyển sách, hãy tận hưởng ngay niềm hạnh phúc ấy bởi chẳng sớm thì muộn một quyển sách khác sẽ trỗi dậy. Cũng giống như cây cỏ cho hoa cho lá, nhà thơ sẽ làm ra thơ ca, văn sĩ cho ra đời những quyển tiểu thuyết, họa sĩ sẽ làm ra những bức tranh và nhạc sĩ sẽ sáng tác ra những bài hát. Mọi thứ cứ tự nhiên là thế, bạn không thể làm gì được.
Vì vậy thi thoảng vào mùa thu, khi những chiếc lá rụng và cây cối đứng trơ trụi một mình giữa trời, hãy tận hưởng khoảnh khắc ấy. Bạn đừng cho đó là trống rỗng mà hãy xem đây là một kiểu toàn vẹn, đủ đầy – đầy theo cảm nhận của mình. Lúc đó chẳng ai quấy rầy bạn cả, bạn được tự do nghỉ ngơi. Khoảnh khắc nghỉ ngơi này cần thiết cho mọi nghệ sĩ, nó vốn là một tiến trình tự nhiên. Người phụ nữ sẽ già đi ở tuổi ba mươi nếu liên tục sinh con mà không giãn cách giữa những lần sinh nở để nghỉ ngơi lấy lại sức và ở yên một mình. Họ kiệt sức, mệt mỏi. Nét trẻ trung, tươi tắn và nhan sắc của họ sẽ sớm tàn phai.
Khi bạn viết một cuốn tiểu thuyết, nếu đó là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, bạn sẽ cảm thấy trống rỗng. Còn nếu như nó chỉ là một bài báo bình thường giúp bạn kiếm tiền theo hợp đồng với tòa soạn, bạn sẽ không cảm thấy trống rỗng mấy. Càng sáng tạo, sau đó bạn càng cảm thấy trống rỗng. Cơn bão càng lớn, đất trời càng yên ắng sau trận càn quét của nó. Hãy tận hưởng điều đó. Bão đến là một điều tốt, cũng như sự yên lặng theo sau nó cũng tốt. Ban ngày thật vui, đa dạng các hoạt động; ban đêm cũng thật đẹp vì tràn đầy sự tĩnh lặng. Bạn đi ngủ, và khi bình minh trở lại với thế giới, bạn được nạp đầy năng lượng để làm việc, hành động.
Càng sáng tạo, sau đó bạn càng cảm thấy trống rỗng. Cơn bão càng lớn, đất trời càng yên ắng sau trận càn quét của nó. Hãy tận hưởng điều đó. Bão đến là một điều tốt, cũng như sự yên lặng theo sau nó cũng tốt.
Đừng sợ đêm tối. Có rất nhiều người sợ bóng đêm. Một nhà tu hành khất thực nọ, được tôi đặt cho cái tên là Nisha, nghĩa là ban đêm, đến gặp tôi và bảo rằng: “Ông làm ơn đổi cái tên ấy đi”. Sao lại thế? Bà ấy phân trần: “Tôi sợ ban đêm. Tại sao ông lại cho tôi cái tên đó trong khi có biết bao cái tên khác? Ông hãy đổi nó đi”. Nhưng tôi không làm vậy. Tôi đã giải thích cho bà ta hiểu rằng tôi chọn cái tên đó vì biết bà sợ bóng đêm (nisha), sợ sự thụ động (nishchesht), sợ cảm giác thảnh thơi (nishchinat) – những cái sợ này đều dính dáng đến nisha, nghĩa là đêm.
Con người cần phải chấp nhận tất cả. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể trở nên toàn vẹn.
Mong bạn đừng hiểu sai lệch vấn đề. Sự trống rỗng bản thân nó rất đẹp, thậm chí là đẹp hơn cả sự sáng tạo, bởi sáng tạo được sinh ra từ sự trống rỗng, những bông hoa khởi nguồn từ sự trống rỗng mà ra. Hãy tận hưởng sự trống rỗng đó, hãy cảm nhận ơn phước mà bạn đã nhận được. Hãy chấp nhận nó, đón nhận nó như một phúc lành và bạn sẽ nhanh chóng thấy mình lại tràn đầy và một quyển sách hay hơn sẽ ra đời. Chẳng có gì để lo cả. Mọi sự chỉ là do bạn hiểu sai về một hiện tượng đẹp mà thôi.
Thế nhưng con người lại sống phụ thuộc vào từ ngữ. Bạn gọi điều gì đó bằng cái tên xấu xa, rồi bạn đâm ra lo lắng khi nghe đến cái tên ấy. Vì vậy hãy hết sức chính xác. Lúc nào bạn cũng phải nhớ rằng, những gì mình nói ra đều có một ý nghĩa sâu xa kèm theo chứ không phải nói chỉ để nói. Bạn gọi cái gì đó là trống rỗng, rồi bạn e dè nó, nhưng đây chỉ là cái tên bạn đã đặt cho nó thôi mà.
Ở Ấn Độ, có một từ hay hơn dùng để diễn tả sự trống rỗng là shunya. Từ này mang ý nghĩa rất tích cực. Đó là một từ đẹp để nói về không gian mênh mông, không giới hạn. Shunya chính là mục đích tối thượng. Đức Phật nói rằng khi bạn trở nên shunya, khi bạn hoàn toàn không là gì cả, thì lúc đó bạn đạt được tất cả.
Thi sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ đều là những người đang trên bước đường trở thành nhà huyền môn. Mọi hoạt động nghệ thuật đều đang trên đường tiến đến tâm linh. Khi bạn hoạt động, khi bạn làm thơ, bạn đang dùng tâm trí. Khi bài thơ đã ra đời, bạn mệt lử, còn tâm trí thì được nghỉ ngơi. Hãy tận dụng những khoảnh khắc đó để trở lại với chính mình. Đừng gọi đó là sự trống rỗng mà hãy gọi đó là sự toàn vẹn, sự hiện hữu, chân lý, hay Thượng đế. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận được ân phúc vô bờ.