Tôi luôn cảm thấy bị thôi thúc phải bộc lộ “chất” nghệ thuật bên trong mình nên đã tham gia một khóa huấn luyện về âm nhạc cổ điển phương Tây. Nhưng tôi lại nhận thấy việc rèn luyện này cầm tù sự sáng tạo ngẫu hứng của tôi và gần đây tôi cũng thấy khó khăn khi tập luyện. Tôi không rõ nghệ thuật đích thực có những đặc trưng gì và bằng cách nào người nghệ sĩ có thể tạo ra nghệ thuật đích thực. Làm thế nào tôi có thể cảm nhận được con người nghệ sĩ bên trong mình?
Nghịch lý của nghệ thuật là ở chỗ ban đầu bạn phải học lấy các nguyên tắc của nó để rồi sau đó phải quên sạch chúng đi. Nếu bạn không hiểu được những kiến thức căn bản, bạn sẽ không thể nào đi sâu vào chúng. Nhưng nếu bạn chỉ nắm vững các kỹ thuật và thực hành chúng suốt đời, bạn sẽ trở thành một thợ diễn thuần thục về mặt kỹ thuật chứ không bao giờ là một nghệ sĩ thực thụ được.
Thi sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ đều là những người đang trên bước đường trở thành nhà huyền môn. Mọi hoạt động nghệ thuật đều đang trên đường tiến đến tâm linh.
Trong Thiền tông Phật giáo, người ta bảo rằng để có thể vẽ sao cho đạt đến cảnh giới “dĩ tâm truyền tâm”, bạn phải mất mười hai năm học vẽ và thêm mười hai năm nữa để quên mọi thứ liên quan đến hội họa. Đúng vậy, bạn phải quên sạch tất cả, chúng chẳng còn liên hệ gì đến bạn. Mười hai năm đó bạn có thể thiền, chẻ củi, gánh nước hoặc làm bất cứ việc gì, trừ vẽ.
Rồi đến một ngày bạn sẽ vẽ được. Hai mươi bốn năm rèn luyện ấy bao gồm mười hai năm học lấy kỹ thuật vẽ và mười hai năm học cách quên đi hội họa. Bấy giờ, kỹ thuật vẽ đã trở thành một phần trong bạn chứ không còn là kiến thức nữa, nó đã là xương là máu của bạn. Bạn có thể sáng tác ngẫu hứng. Nó không còn cản trở hay giam hãm bạn nữa.
Đó chính xác là những gì tôi đã trải nghiệm.
Bây giờ bạn đừng rèn luyện nữa. Hãy quên tất cả về nhạc cổ điển đi. Hãy làm những việc khác như làm vườn, điêu khắc hay vẽ và đừng nhớ gì đến âm nhạc cổ điển, cứ như thể nó không tồn tại trên đời. Hãy chờ vài năm để nó ngấm sâu vào trong bạn. Rồi đến một ngày, bạn cảm thấy bị thôi thúc dữ dội phải chơi nhạc trở lại. Và khi đó, đừng quá bận tâm về kỹ thuật vì nếu không bạn sẽ không bao giờ ngẫu hứng sáng tạo được.
Hãy đột phá một chút – đó mới là sáng tạo. Hãy nghĩ ra những phương thức mới. Hãy thử điều gì đó mới mẻ chưa ai từng làm. Sáng tạo vĩ đại thường nảy sinh ở những người được rèn luyện các chuyên môn khác hẳn.
Hãy đột phá một chút – đó mới là sáng tạo. Hãy nghĩ ra những phương thức mới. Hãy thử điều gì đó mới mẻ chưa ai từng làm. Sáng tạo vĩ đại thường nảy sinh ở những người được rèn luyện các chuyên môn khác hẳn.
Ví dụ, nếu một nhà toán học chơi nhạc, anh ta sẽ mang đến thế giới âm nhạc một điều gì đó khác lạ. Hoặc nếu một nhạc sĩ trở thành nhà toán học, anh cũng sẽ mang đến thế giới toán học một điều gì đó mới mẻ. Điều này cũng giống như sự lai tạo vậy, những đứa con lai thường khỏe mạnh và xinh đẹp hơn.
Khi một người chuyển từ bộ môn này sang bộ môn khác, họ sẽ mang theo “hương vị” chuyên môn của mình. Bạn sẽ làm gì với “chất” âm nhạc của mình khi đến với vật lý? Bạn sẽ phải quên mọi thứ về âm nhạc, song nó vẫn tồn tại vì nó đã trở thành một phần trong bạn và sẽ ảnh hưởng đến mọi việc bạn làm. Vật lý tuy lạ lẫm đối với bạn nhưng một khi đã từng học về âm nhạc, chẳng sớm thì muộn bạn sẽ tìm ra những lý thuyết, giả thuyết nào đó mang hương sắc của âm nhạc. Bạn bắt đầu cảm thấy cả thế giới này là một bản phối hài hòa chứ không phải là mớ hỗn loạn. Có thể bạn sẽ cảm thụ được và hiểu sâu hơn về lĩnh vực vật lý, rồi nhận thấy rằng hiện thực này tồn tại giống như một dàn nhạc. Và bạn không thể khám phá được điều đó nếu không rành âm nhạc.
Tôi đề nghị mọi người nên chuyển từ bộ môn này sang bộ môn khác. Khi bạn đã quen thuộc với một bộ môn, khi bạn cảm thấy mình bị cầm tù bởi một kỹ thuật nào đó, hãy chuyển sang bộ môn khác. Đó là một ý tưởng hay, bởi bạn sẽ cảm thấy mình càng lúc càng trở nên sáng tạo hơn.
Hãy nhớ rằng, nếu thật sự sáng tạo, có thể bạn sẽ không nổi tiếng. Phải mất rất nhiều thời gian để một người sáng tạo thực sự được mọi người biết đến, bởi anh ta phải tạo ra những giá trị mới, tiêu chuẩn mới và chỉ khi đó mọi người mới có thể đánh giá anh ta được. Anh ta phải đợi ít nhất là năm mươi năm, nhưng đến lúc đó thì anh ta đã qua đời rồi. Nếu bạn muốn danh tiếng, hãy quên việc sáng tạo đi. Bạn cứ việc thực hành rồi thực hành, cứ thế mà làm những điều bạn đã làm sao cho thuần thục hơn, hoàn hảo hơn rồi bạn sẽ trở nên nổi tiếng bởi mọi người có thể hiểu những gì bạn làm và cái bạn làm đã được chấp nhận từ trước.
Trong khi đó, bất cứ khi nào bạn mang đến cho thế giới một điều gì mới mẻ, rất có thể bạn sẽ bị từ chối. Thế giới sẽ không bao giờ tha thứ cho ai mang đến điều mới mẻ. Người sáng tạo có thể sẽ bị thế giới trừng phạt! Thế giới đánh giá cao những con người thiếu sáng tạo nhưng lành nghề bởi sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật nói lên sự hoàn hảo của quá khứ.
Chúng ta ai cũng hiểu biết về quá khứ, ai cũng được dạy dỗ để hiểu biết về quá khứ. Do vậy, khi mang điều mới đến với thế giới, không ai có thể đánh giá cao nó, bởi nó mới mẻ đến nỗi không tiêu chuẩn nào đánh giá nó được và chẳng phương tiện nào có thể giúp người ta hiểu được. Phải mất ít nhất năm mươi năm hay hơn thế – khi người nghệ sĩ đã qua đời – thì mọi người mới bắt đầu nhận thấy giá trị của nó.
Lúc sinh thời, Vincent Van Gogh không hề được đánh giá cao. Thậm chí ông không bán được một bức tranh nào. Ấy vậy mà ngày nay mỗi bức tranh của ông được bán với giá hàng triệu đô-la. Cũng vẫn là những bức tranh ấy nhưng thời đó khi ông mang biếu mọi người thì chẳng ai thèm nhận! Chẳng ai muốn treo chúng trong phòng vì sợ bị người khác hỏi: “Bộ anh điên rồi sao? Tranh kiểu gì thế này?”.
Vincent Van Gogh đã sống trong thế giới của chính mình. Ông đã mang đến một cái nhìn mới mẻ. Và phải mất nhiều thập kỷ, dần dà nhân loại mới bắt đầu cảm nhận được điều gì đó trong những tác phẩm của ông. Nhân loại vốn chậm chạp và mê muội, trong khi đó người nghệ sĩ lúc nào cũng đi trước thời đại, chính vì thế mà giữa họ luôn có khoảng cách.
Vì vậy, nếu bạn thật sự muốn là một người sáng tạo, bạn phải chấp nhận rằng bạn sẽ không thể nào nổi tiếng, bạn phải sống với phương châm “nghệ thuật vị nghệ thuật” chứ không vì động cơ nào khác. Khi đó, hãy tận hưởng bất cứ việc gì bạn đang làm. Nếu tìm được ai đó để thưởng thức cùng thì tốt, còn bằng không thì cứ hãy thưởng thức một mình. Chỉ cần bạn thấy chúng hay, đẹp là đủ rồi. Chỉ cần bạn thấy thỏa mãn thế là đủ rồi.
“... Tôi không rõ nghệ thuật đích thực có những đặc trưng gì...”.
Nghệ thuật là đích thực nếu nó giúp bạn trở nên tĩnh tại, vui sướng; nếu nó cho bạn cảm giác hân hoan, hội hè; nếu nó khiến bạn nhảy múa cho dù có ai khác cùng tham gia với bạn hay không; nếu nó trở thành cầu nối giữa bạn với Thượng đế; nếu nó trở thành một hình thức thiền định; nếu bạn hoàn toàn mất hút vào đó đến nỗi cái tôi cũng bị xóa nhòa.
Chúng ta ai cũng hiểu biết về quá khứ, ai cũng được dạy dỗ để hiểu biết về quá khứ. Do vậy, khi mang điều mới đến với thế giới, không ai có thể đánh giá cao nó, bởi nó mới mẻ đến nỗi không tiêu chuẩn nào đánh giá nó được và chẳng phương tiện nào có thể giúp người ta hiểu được.
Bạn không cần phải lo nghĩ về nó. Nếu bạn thấy vui, cảm thấy mình như mất hút, cảm thấy trong lòng tràn ngập niềm vui và sự an bình khi tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật nào đó thì đây chính là nghệ thuật đích thực. Đừng bận tâm đến lời nhận xét của các nhà phê bình. Họ chẳng biết gì về nghệ thuật cả. Trong thực tế, những người không thể trở thành nghệ sĩ mới trở thành nhà phê bình nghệ thuật. Nếu bạn không thể tham gia cuộc đua, nếu bạn không thể trở thành vận động viên Olympic thì ít ra bạn cũng có thể đứng bên vệ đường và ném đá về phía các vận động viên đang chạy bởi đó là cái mà bạn có thể làm dễ dàng.
Đó là những gì các nhà phê bình đang làm. Họ không dự cuộc, và cũng chẳng tạo ra cái gì mới.
Hãy tận hưởng bất cứ việc gì bạn đang làm. Nếu tìm được ai đó để thưởng thức cùng thì tốt, còn bằng không thì cứ hãy thưởng thức một mình. Chỉ cần bạn thấy chúng hay, đẹp là đủ rồi. Chỉ cần bạn thấy thỏa mãn thế là đủ rồi.
Tôi có nghe một câu chuyện về một nhà huyền môn Sufi rất thích hội họa và tất cả các nhà phê bình thời đó đều chống lại ông. Họ cứ đến và chỉ trỏ: “Cái này sai rồi, cái kia sai rồi!”.
Ông rất mệt mỏi với đám người này. Một hôm ông bèn treo tất cả những bức tranh của mình ngoài trước nhà, sau đó mời tất cả các nhà phê bình đến và cũng bảo họ mang theo cọ, màu để họ có thể tùy ý chỉnh sửa những bức tranh của ông. Họ đã chê bai đủ rồi, giờ là lúc để họ sửa sai giúp ông.
Kết quả là chẳng có lấy một nhà phê bình nào xuất hiện. Bởi chê trách thì dễ nhưng chỉnh sửa thì không dễ chút nào. Sau đó, họ bèn thôi bình phẩm về các bức tranh của ông. Ông đã làm một điều hết sức đúng đắn!
Những người không biết sáng tạo thì trở thành nhà phê bình, vì thế bạn đừng lo lắng về họ. Điều quan trọng là niềm vui và cảm giác ấm áp trong lòng bạn. Nếu việc sáng tác nhạc mang đến cho bạn cảm giác ấm áp, khơi dậy niềm vui và làm tan biến cái tôi thì âm nhạc chính là cầu nối giữa bạn và Thượng đế. Nghệ thuật có thể trở thành một hình thức cầu nguyện sâu lắng nhất, một hình thức thiền định hiệu quả nhất. Nếu bạn có thể tham gia bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào – âm nhạc, hội họa, điêu khắc, khiêu vũ... – và nó có thể chạm đến nội tâm bạn thì đó là cách cầu nguyện, cách thiền định tốt nhất. Khi đó bạn không cần đến phương pháp thiền nào khác nữa, mà đây chính là kiểu thiền của riêng bạn, nó sẽ từng bước dẫn bạn đến với Thượng đế. Do vậy, tiêu chuẩn của tôi là: nếu bộ môn nghệ thuật nào dẫn bạn đến với Thượng đế thì đó chính là nghệ thuật đích thực.