Thầy có thể nói về chuyện tiền bạc được không? Những cảm xúc nào xoay quanh đồng tiền? Tại sao tiền lại có thể khiến bao người phải đánh đổi cả mạng sống của mình vì nó?
Đây là một câu hỏi rất có ý nghĩa.
Mọi tôn giáo đều chống lại sự giàu có bởi với tiền bạc, bạn có thể mua được hầu hết mọi thứ, trừ những giá trị tinh thần như tình yêu, sự cảm thông, niềm vui và tự do. Đó là những ngoại lệ ít ỏi, nhưng ngoại lệ bao giờ cũng nói lên một quy luật nào đó. Chúng ta cần tiền vì chúng ta muốn được sống thoải mái, muốn có thức ăn ngon, có quần áo đẹp và nhà cửa khang trang. Chúng ta cũng cần thưởng thức văn chương và nghệ thuật. Cuộc sống thật là vô cùng!
Một người không hiểu được âm nhạc cổ điển thì thật là đáng thương. Anh ta coi như đã điếc. Anh ta có thể nghe – và mọi giác quan của anh ta đều bình thường – nhưng về mặt tinh thần thì… Bạn có thấy được cái đẹp của văn chương, chẳng hạn như tác phẩm The Book of Mirdad(*****)? Nếu không thấy được, có nghĩa là bạn đã mù.
(*****) The Book of Mirdad là một quyển sách đầy chất ngụ ngôn của tác giả người Li-băng Mikhail Naimy. Nội dung sách là cuộc đối thoại giữa Mirdad và các đệ tử của mình, là những lời đầy tính triết lý nói về sự đoàn kết trong tình yêu thương giữa các nhóm người, cũng như lên án chủ nghĩa vật chất và những nghi thức tôn giáo đầy sáo rỗng.
Tôi đã gặp những người chưa bao giờ biết đến The Book of Mirdad. Nếu phải ghi một danh sách các quyển sách hay nhất, đây sẽ là quyển đầu tiên tôi nghĩ đến. Nhưng để thấy được vẻ đẹp của nó, bạn cần phải có vốn kiến thức cực kỳ sâu và rộng.
Bạn chỉ có thể hiểu được âm nhạc cổ điển khi bạn tìm hiểu về nó và đó là cả một quá trình học hỏi lâu dài. Để tìm hiểu nó, bạn cần phải thoát khỏi cái đói, thoát khỏi cái nghèo và không bị bất kỳ định kiến nào ràng buộc.
Có tôn giáo đã cấm âm nhạc hiện diện trong cuộc sống và tất nhiên quy định này được đưa ra âu cũng có lý do của nó. Khi một trong những vị hoàng đế Moghul hùng mạnh nhất lên ngôi, ông ra lệnh rằng nếu nghe thấy bất kỳ tiếng nhạc nào ở Delhi thì người nhạc công sẽ bị chém đầu ngay lập tức. Trong khi đó Delhi vốn là trung tâm, là thủ đô ngàn năm văn hiến, do vậy cũng là nơi sinh sống của hàng ngàn thiên tài.
Khi lệnh được ban bố, các nhạc công bèn tụ tập lại bàn cách: “Phải làm gì mới được, thật là quá đáng! Trước nay họ vẫn bảo âm nhạc là chống lại đạo của họ, điều đó cũng không sao. Nhưng con người này thật là nguy hiểm, ông ta bắt đầu giết người đây!”. Thế là hàng ngàn nhạc công cùng kéo đến cung điện của hoàng đế để biểu tình.
Hoàng đế đứng trên ban công hỏi mọi người: “Ai chết đấy ?”, vì họ có khiêng theo một xác chết, nhưng thật ra trong đó chỉ toàn gối độn.
Đám người đáp: “Âm nhạc. Và ông là người đã giết nó!”.
Hoàng đế dửng dưng bảo: “Nó chết thế là tốt. Còn bây giờ, các người hãy tỏ ra tử tế với ta, hãy đào một cái huyệt càng sâu càng tốt để nó không bao giờ ngoi lên khỏi mồ được nữa”. Nước mắt của hàng ngàn nhạc công không hề lay động được hoàng đế, ông ta đang làm một điều gì đó “thiêng liêng”.
Tại sao tôn giáo này lại chối bỏ âm nhạc? Bởi ở phương Đông, âm nhạc thường do những phụ nữ xinh đẹp chơi. Từ prostitute mang nghĩa khác nhau ở phương Đông và phương Tây. Ở phương Tây, prostitute có nghĩa là bán thân, là gái điếm. Còn trong quá khứ, ở phương Đông, prostitute không có nghĩa là bán thân mà là bán cái tài nghệ, vũ điệu, âm nhạc và nghệ thuật.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mọi vì vua Ấn Độ đều gửi con trai của mình, người sẽ kế vị ngai vàng, đến sống cùng những cô gái nổi tiếng nhất nghề này trong vài năm. Họ sẽ được dạy cho phép xã giao, cách cư xử hòa nhã, âm nhạc và những điệu vũ tinh tế bởi một vì vua cần phải am hiểu mọi thứ. Ông ta cần hiểu về cái đẹp, cũng như tính lô-gic và cung cách ứng xử. Đó là truyền thống cũ của Ấn Độ.
Song, các vì vua Moghul đã phá vỡ truyền thống đó. Tại sao? Bởi vì để học nhạc, bạn phải đến nhà những kỹ nữ ấy, đắm chìm trong không gian rộn rã tiếng cười, lời ca tiếng hát và lả lướt theo những vũ điệu. Thế là họ cấm đoán tất: không một người nào được phép vào nơi có âm nhạc và nghe nhạc là một tội lỗi.
Các tôn giáo làm như thế vì nhiều lý do. Bạn có thể thấy được cái lô-gic như thế này: nếu không có tiền, bạn sẽ không có bất kỳ cái gì khác. Thay vì cắt cành, họ đã cắt luôn bộ rễ của cái cây. Người không tiền sẽ đói khát, trở thành kẻ ăn xin và không có cái để mặc. Thế nên anh ta không có thời gian để tìm hiểu về Dostoyevsky, Nijinsky hay Albert Einstein!
Nhiều tôn giáo đã làm cho con người trở nên nghèo mạt. Họ kết tội tiền bạc và ca ngợi cái nghèo. Thế giới bị phân chia thành hai nhóm: chín mươi tám phần trăm dân số sống trong cảnh nghèo đói, nhưng với niềm an ủi lớn rằng ở nơi người giàu không vào được thì họ sẽ được các thiên thần gảy đàn hạc đón chào: “Alleluia… Chào mừng đến với thiên đường!”; và hai phần trăm dân số còn lại phải sống trong cảm giác tội lỗi ghê gớm vì sự dư dật của mình.
Họ không thể nào tận hưởng sự giàu có vì cảm giác tội lỗi, và tận sâu trong lòng họ luôn lo rằng có thể họ sẽ không được lên thiên đường mà sẽ phải xuống địa ngục. Giàu có tạo ra mặc cảm tội lỗi, họ không được an ủi vì họ có than khóc bao giờ đâu và họ sẽ không được phép vào thiên đường vì có quá nhiều thứ dưới trần thế. Họ sẽ bị ném xuống địa ngục.
Chính vì điều đó mà người giàu luôn sống trong sợ hãi. Ngay cả nếu như họ có tận hưởng hoặc cố tận hưởng mọi thứ đi nữa thì cảm giác tội lỗi ấy vẫn đầu độc họ. Họ ngủ với một người đàn bà đẹp nhưng lại luôn nghĩ đến việc không thể bước vào cổng thiên đường. Với suy nghĩ như thế, liệu họ còn có thể làm tình được nữa không? Có thể họ đang ăn những món tốt nhất nhưng không thể nào thấy ngon miệng. Họ biết rằng cuộc sống rất ngắn ngủi, rồi sau đó sẽ chỉ có màn đêm và lửa địa ngục. Họ luôn sống trong hoang tưởng.
Trong khi đó, người nghèo, cuộc sống của họ cùng cực chẳng khác nào địa ngục, lại cảm thấy được an ủi. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tại những quốc gia nghèo, người dân hài lòng về cuộc sống của mình hơn so với người dân ở những nước giàu. Tôi đã từng thấy những người nghèo nhất Ấn Độ không hề bất mãn chút nào. Trong khi đó người Mỹ lại đi khắp thế giới để tìm kiếm sự hướng dẫn về mặt tâm linh – lẽ tự nhiên thôi, họ muốn bước qua cánh cửa thiên đường ấy mà!
Có lẽ tôi là người đầu tiên kính trọng đồng tiền và của cải vì nó giúp cho bạn giàu có về nhiều mặt.
Người nghèo thì không thể hiểu được Mozart, kẻ đói thì không thể hiểu được Michelangelo, kẻ ăn mày thậm chí còn không màng đến tranh của Vincent Van Gogh. Người đang phải chịu đói sẽ không đủ năng lượng để trở nên thông minh. Trí thông minh chỉ được bồi dưỡng khi bạn có một nguồn năng lượng thể chất dồi dào, trong khi những người này đã phải hụt hơi để kiếm kế sinh nhai.
Sự giàu có cũng có ý nghĩa như một bản nhạc hay, một tác phẩm văn chương xuất sắc hay một kiệt tác nghệ thuật.
Có những người khi sinh ra đã có khả năng âm nhạc. Mozart chơi nhạc xuất sắc từ khi mới tám tuổi, dù ông không hề sống gần nhạc sĩ vĩ đại nào. Vincent Van Gogh sinh ra trong một gia đình nghèo có cha làm công nhân mỏ than. Ông chưa bao giờ được đi học, cũng như không hề biết bất kỳ trường mỹ thuật nào, thế mà lại trở thành danh họa lớn của thế giới.
Một trong những bức tranh của ông đã khiến các họa sĩ khác cười nhạo ông vì ông vẽ những ngôi sao theo cách mà chưa ai từng thấy: chúng chuyển động như tinh vân, nhìn giống cái bánh xe đang không ngừng quay. Có ai thấy những ngôi sao như thế bao giờ đâu?
Nhưng các nhà vật lý ngày nay đã khám phá ra rằng Van Gogh không sai. Những ngôi sao không hề giống như chúng ta vẫn thấy mà ngược lại, y hệt như những gì Van Gogh đã vẽ. Tội nghiệp cho Van Gogh! Con người ấy có một đôi mắt nhìn thấy những điều mà phải đến một trăm năm sau các nhà vật lý mới phát hiện ra bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Và lạ lùng thay, Vincent Van Gogh chỉ với đôi mắt bình thường đã nhìn ra hình dáng chính xác của những ngôi sao. Chúng chuyển động và không ngừng chuyển động chứ không đứng im như bạn vẫn thấy.
Và khi được hỏi về những cái cây: “Ông tìm thấy những cái cây này ở đâu vậy, những cái cây đang vươn lên những vì sao ấy?”, thì Van Gogh đáp: “Đó là những cái cây mà tôi đã ngồi bên cạnh chúng và lắng nghe những hoài bão của chúng. Tôi đã nghe thấy chúng nói rằng chúng chính là hoài bão vươn tới ngôi sao của Trái đất”.
Có lẽ phải mất vài thế kỷ nữa thì các nhà khoa học mới có thể khám phá ra rằng những cái cây chính là hoài bão của Trái đất. Có một điều đã rõ, đó là cây bao giờ cũng mọc ngược với trọng lực. Trái đất cho phép chúng đi ngược lại với trọng lực và luôn hỗ trợ chúng. Có lẽ Trái đất muốn trò chuyện với những vì sao. Trái đất là một vật thể sống và cuộc sống lúc nào cũng muốn tiến lên cao hơn, cao hơn nữa. Khát vọng đó là vô biên. Làm sao những người nghèo có thể hiểu được điều đó?
Giống như có những người sinh ra đã là họa sĩ hay thi sĩ, tôi cũng muốn bạn nhớ rằng có những người bẩm sinh đã biết tạo ra của cải. Song, chưa bao giờ họ được đánh giá cao. Đâu phải ai cũng là Henry Ford, đâu phải ai cũng có thể là Henry Ford.
Giống như có những người sinh ra đã là họa sĩ hay thi sĩ, tôi cũng muốn bạn nhớ rằng có những người bẩm sinh đã biết tạo ra của cải.
Henry Ford sinh ra trong một gia đình nghèo khó và đã trở thành người giàu nhất thế giới. Hẳn ông phải có tài năng thiên bẩm nào đó mới có thể tạo ra tiền bạc của cải nhiều đến thế. Tạo ra của cải còn khó hơn vẽ một bức tranh, sáng tác một bản nhạc hay bài thơ rất nhiều. Tạo ra của cải không phải là một công việc dễ dàng. Henry Ford lẽ ra cũng nên được ca ngợi như bất kỳ nhạc sĩ, văn sĩ hay thi sĩ bậc thầy nào.
Tôi kính trọng tiền bạc. Tiền bạc là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Chỉ có kẻ ngốc mới kết án nó, có thể do họ ghen tỵ khi thấy người khác có tiền còn mình thì không. Sự ghen tỵ đó đã biến thành lời kết án của họ.
Tiền chỉ là phương tiện trao đổi trung gian. Trước khi có đồng tiền, con người thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Cả thế giới chỉ dựa vào hệ thống trao đổi hàng hóa. Bạn có con bò và bạn muốn mua một con ngựa, thế thì bạn phải làm cả núi việc: tìm người muốn bán ngựa và muốn mua bò. Thật là vất vả! Bởi người này có ngựa nhưng lại không muốn mua bò, người thích mua bò nhưng lại không có ngựa.
Tạo ra của cải còn khó hơn vẽ một bức tranh, sáng tác một bản nhạc hay bài thơ rất nhiều. Tạo ra của cải không phải là một công việc dễ dàng. Henry Ford lẽ ra cũng nên được ca ngợi như bất kỳ nhạc sĩ, văn sĩ hay thi sĩ bậc thầy nào.
Đó là tình trạng cuộc sống trước khi có đồng tiền. Lẽ tự nhiên, con người lúc đó bị cái nghèo trói buộc bởi họ không thể bán hay mua thứ gì cả. Việc trao đổi sản phẩm hết sức khó khăn, bất tiện. Và đồng tiền đã làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Người muốn bán bò không cần phải đi tìm người muốn bán ngựa nữa. Anh ta chỉ việc bán bò, lấy tiền rồi tìm người muốn bán ngựa nhưng không thích mua bò.
Tiền trở thành phương tiện trung gian trao đổi, từ đó phương thức hàng đổi hàng dần biến mất trên thế giới. Tiền đã làm công việc phụng sự vĩ đại cho nhân loại và nhờ có thể mua - bán mà con người ngày càng trở nên giàu có.
Đồng tiền càng được luân chuyển thì bạn càng có thêm nhiều tiền. Ví dụ, nếu tôi có một đô-la và tôi cứ giữ nó, rốt cuộc trong thính phòng này chỉ có một đô-la. Nhưng nếu tôi mua một món gì đó và đồng đô-la ấy được chuyển sang người khác, tôi sẽ có được giá trị của đồng đô-la và tận hưởng nó. Bạn không thể ăn đồng đô-la, thế thì làm sao bạn có thể vui thú nếu chỉ giữ lấy nó? Bạn chỉ có thể tận hưởng nó bằng cách sử dụng nó. Tôi tận hưởng nó và đồng đô-la lại chuyển đến tay người khác. Giờ đây anh ta giữ nó, thế là đã có hai đồng đô-la, một là cái tôi đã tận hưởng và một là cái mà người kia đang giữ.
Tuy nhiên, nếu không ai giữ tiền, ai cũng chuyền tay đồng tiền thật nhanh và nếu có ba ngàn người thì đã có ba ngàn đô-la được sử dụng, được tận hưởng. Đó là chỉ mới tính có một vòng thôi đấy. Giả sử có thêm nhiều vòng thì sẽ có thêm nhiều đồng đô-la nữa. Trong thực tế tất cả chỉ có một đồng đô-la và không có thêm đồng nào khác, nhưng nhờ luân chuyển mà đồng đô-la đó đã tự nhân lên.
Chính vì thế tiền bạc được gọi là currency, nghĩa là dòng chảy. Chúng ta không nên khư khư giữ lấy tiền. Hãy dùng nó ngay khi bạn vừa có nó! Đừng phí thời gian vì càng lần lữa, bạn càng ngăn cản không cho đồng tiền sinh sôi.
Tiền bạc là một phát minh vĩ đại. Nó giúp con người trở nên giàu có hơn và có được những thứ họ vốn không có. Thế nhưng nhiều tôn giáo chống lại nó.
Tiền bạc là một phát minh vĩ đại. Nó giúp con người trở nên giàu có hơn và có được những thứ họ vốn không có. Thế nhưng nhiều tôn giáo chống lại nó. Họ không muốn con người giàu có và không muốn con người trở nên thông minh, bởi nếu con người thông minh thì họ sẽ sao nhãng tôn giáo?
Vì vậy hãy vứt bỏ mọi định kiến về tiền bạc. Hãy tôn trọng nó. Hãy tạo ra của cải bởi chỉ sau khi tạo ra của cải thì những khía cạnh khác mới mở ra cho bạn.