Bản thân cuộc sống không hề có một ý nghĩa nào cả. Cuộc sống là một cơ hội để tạo ra ý nghĩa. Và ý nghĩa đó không phải do bạn khám phá được mà phải do bạn tạo ra. Bạn chỉ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi bạn tạo ra nó. Nó không nằm đâu đó dưới những bụi cây để bạn có thể đi tìm và chỉ đào bới một chút là đã gặp. Nó không nằm sẵn như một tảng đá để bạn dễ dàng tìm thấy. Nó là bài thơ chờ được sáng tác, là bài hát cần người xướng lên và là vũ điệu chờ người thể hiện.
Ý nghĩa cuộc sống là một vũ điệu chứ không phải một tảng đá lù lù trước mặt. Nó cũng chính là âm nhạc. Và bạn chỉ tìm thấy nó khi tạo ra nó, hãy nhớ như vậy.
Hàng triệu người đang sống một cuộc đời vô nghĩa vì ý nghĩ xuẩn ngốc rằng ý nghĩa cuộc đời là cái gì đó ta có thể khám phá được, cứ như thể nó đã có sẵn và những gì bạn cần làm là vén tấm màn lên, rồi bắt lấy nó! Song, thật sự không hề như thế.
Bạn hãy nhớ rằng, Đức Phật tìm ra ý nghĩa cuộc sống vì Ngài đã tạo ra nó. Chỉ những ai đã tạo ra mới tìm thấy. Thật may là ý nghĩa cuộc đời không nằm sẵn đâu đó, bằng không thì chẳng còn ai muốn tìm nó nữa khi đã có người tìm ra?
Bạn không thấy sự khác nhau giữa ý nghĩa tâm linh và ý nghĩa khoa học sao? Albert Einstein đã khám phá ra thuyết tương đối, vậy giờ đây bạn có cần khám phá ra nó một lần nữa không? Bạn sẽ là thằng khờ nếu khám phá đi khám phá lại mãi một điều. Ích lợi gì kia chứ? Có người đã làm điều đó và anh ta đưa cho bạn tấm bản đồ chỉ dẫn. Có thể anh ta đã mất nhiều năm để phát hiện ra nhưng để hiểu, bạn chỉ cần mất vài giờ. Bạn có thể dễ dàng lĩnh hội kiến thức ấy ở trường.
Đức Phật cũng khám phá ra một điều gì đó, Zarathustra(*) cũng khám phá ra một điều gì đó nhưng khám phá của họ khác với khám phá của Albert Einstein. Không phải là bạn chỉ việc đi theo Zarathustra cùng với tấm bản đồ của ông ấy rồi tìm thấy nó. Không! Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nếu làm thế. Mà bạn sẽ phải trở thành Zarathustra. Sự khác biệt là ở đó!
(*) Zarathustra, hay Zoroaster, là tiên tri người Ba Tư và là người sáng lập Bái hỏa giáo (Zoroastrianism).
Tiền bạc là một phát minh vĩ đại. Nó giúp con người trở nên giàu có hơn và có được những thứ họ vốn không có. Thế nhưng nhiều tôn giáo chống lại nó.
Để hiểu được thuyết tương đối, bạn không cần phải trở thành Albert Einstein. Bạn chỉ cần có một trí thông minh trung bình, thế là đủ. Nhưng để hiểu được ý của Zarathustra, bạn phải trở thành Zarathustra, bằng không thì không thể. Bạn sẽ phải sáng tạo ra nó một lần nữa. Mỗi người phải tạo ra ý nghĩa cuộc sống, tạo ra chân lý. Mỗi người phải “thai nghén” nó và trải qua giai đoạn đau đẻ khi cho nó ra đời. Mỗi người phải “mang nặng” nó, nuôi nó bằng máu thịt của mình và chỉ khi đó họ mới có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Nếu bạn không thể nhìn ra ý nghĩa cuộc sống và chỉ thụ động ngồi chờ, nó sẽ chẳng bao giờ đến. Trong cuộc sống đã có sẵn tự do, có sẵn năng lượng để bạn tạo ra ý nghĩa cuộc sống. Cánh đồng đã sẵn có, chỉ chờ người gieo hạt và thu hoạch. Mọi thứ đã sẵn có, nhưng ý nghĩa cuộc sống thì phải được tạo ra. Chính vì vậy mà việc tạo ra ý nghĩa cuộc sống là một cuộc phiêu lưu, là niềm vui và sự đê mê.
Do đó, việc đầu tiên là tôn giáo cần phải sáng tạo. Cho đến ngày nay, nhiều tôn giáo vẫn rất thụ động và gần như bất lực. Bạn không thể trông đợi vào sự sáng tạo ở một người thụ động. Bạn chỉ có thể trông đợi họ nhịn ăn, ngồi trong hang, dậy thật sớm, tụng mật chú… Nếu chỉ có thế thì bạn sẽ hết sức hài lòng! Và bạn ca ngợi họ vì họ có thể tuyệt thực thật lâu. Có thể anh ta là một người mắc chứng tình dục biến thái hoặc thích hành hạ bản thân. Anh ta ngồi đó giữa trời giá lạnh, mình trần không mảnh vải và bạn ngưỡng mộ anh ta.
Nhưng điều đó có ích gì, có giá trị gì kia chứ? Mọi con thú trong tự nhiên đều mình trần giữa tuyết lạnh đấy thôi và chúng có phải là thánh đâu. Hoặc thấy anh ta ngồi phơi mình dưới nắng nóng, bạn cũng trầm trồ ngưỡng mộ: “Nhìn kìa! Đây mới đúng là khổ hạnh vĩ đại”. Nhưng thật ra anh ta đang làm gì kia chứ? Anh ta cống hiến được gì cho thế giới? Anh ta góp phần làm đẹp gì cho thế giới? Anh ta có thay đổi thế giới được tí nào không? Liệu anh ta có làm cho thế giới này thêm chút ngọt ngào, thơm tho không? Không, bạn không hề hỏi những câu hỏi như vậy.
Bạn nên tự hỏi những câu đó. Hãy ca ngợi người đã sáng tác nhạc. Hãy ca ngợi người đã tạo ra tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp. Hãy ca ngợi người đã thổi sáo thật hay. Hãy ca ngợi một người vì anh ta biết yêu thương. Hãy ca ngợi một người vì nhờ có anh ta mà thế giới thêm đẹp hơn. Từ nay trở đi, hãy để sự trân trọng này trở thành phẩm chất tâm linh.
Hãy quên những điều ngu ngốc như tuyệt thực, ngồi trong hang, hành xác hay nằm trên thảm chông. Hãy ca ngợi người đã trồng những bông hồng xinh đẹp, nhờ đó mà thế giới thêm tươi thắm và bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Ý nghĩa này đến từ sự sáng tạo. Vì vậy tôn giáo cần thấm đượm tính thơ ca và nghệ thuật hơn nữa.
Thỉnh thoảng bạn đi tìm ý nghĩa cuộc sống vì đã có kết luận nào đó. Bạn quả quyết rằng ý nghĩa sẽ ở đó hoặc phải ở đó, nhưng rồi bạn đã không tìm thấy.
Việc tìm kiếm phải thuần khiết, nghĩa là không nên đi kèm với bất kỳ kết luận nào, không mang bất kỳ hàm ý nào trong đó. Bạn đi tìm ý nghĩa gì? Nếu đã có kết luận rồi thì bạn sẽ không tài nào tìm thấy được bởi ngay từ đầu việc tìm kiếm đã bị ô nhiễm, thiếu trong sáng.
Hãy ca ngợi người đã tạo ra tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp. Hãy ca ngợi người đã thổi sáo thật hay… Từ nay trở đi, hãy để sự trân trọng này trở thành phẩm chất tâm linh.
Chẳng hạn, nếu một người bước vào vườn của tôi với suy nghĩ rằng sẽ tìm thấy kim cương và có thế khu vườn mới xinh đẹp thì khi không tìm thấy kim cương, anh ta sẽ bảo khu vườn thật vô giá trị dù trong vườn có vô số hoa đẹp, chim chóc đua hót, khắp nơi rực rỡ những sắc màu, còn gió thì thổi rì rào qua những rặng thông và khắp nơi rêu phủ xanh rì những tảng đá. Anh ta không thể nhận ra giá trị của khu vườn bởi anh đã mặc định trong đầu là phải tìm thấy kim cương, chỉ khi đó mọi thứ ở đây mới có ý nghĩa. Anh ta đã bỏ lỡ ý nghĩa cuộc sống bởi chính suy nghĩ của mình.
Hãy mang thái độ trong sáng, thuần khiết khi tìm kiếm. Đừng tìm kiếm với bất kỳ ý nghĩ nào sẵn có trong đầu, cứ đi trong trần trụi và giữ cho tâm hồn rộng mở, trống rỗng. Rồi bạn không chỉ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống mà còn khám phá ra ngàn lẻ một ý nghĩa khác. Khi đó mọi thứ đều trở nên có ý nghĩa – từ viên đá màu lung linh trong nắng cho đến giọt sương lấp lánh bảy sắc cầu vồng, hay một bông hoa dại đung đưa trong gió,… Bạn còn đi tìm ý nghĩa nào khác nữa?
Đừng bắt đầu bằng một kết luận, nếu không thì ngay từ đầu bạn đã lạc lối. Cứ đi mà không cần kết luận nào cả! Đó chính là điều tôi muốn nói khi không ngừng bảo bạn rằng, hãy cứ đi tới mà không cần phải trang bị kiến thức gì nếu bạn muốn tìm thấy sự thật. Người học rộng hiểu sâu sẽ không bao giờ tìm thấy bởi đã bị kiến thức của mình cản trở.
Goldstein chưa bao giờ đi xem hát. Lần nọ, nhân dịp sinh nhật của ông, các con ông bèn tặng cho bố một chiếc vé đi xem kịch.
Đêm sau buổi diễn, họ đến thăm bố và háo hức hỏi thăm xem ông nghĩ thế nào. “À”, Goldstein đáp, “thật là vớ vẩn. Khi cô ấy muốn thì anh ta lại không muốn. Còn khi anh ta muốn thì cô ấy lại không muốn. Còn khi cả hai đều muốn thì màn hạ xuống!”.
Nếu bạn có thể vứt bỏ kiến thức của mình, cuộc sống đột nhiên sẽ trở nên rực rỡ và lâng lâng. Còn nếu bạn vẫn tiếp tục mang vác kinh sách, lý thuyết, học thuyết và triết lý, bạn sẽ lạc lối trong chúng. Rồi mọi thứ sẽ trở thành mớ hỗn tạp, hổ lốn, thậm chí bạn không thể nhớ đâu là đâu.
Đừng tìm kiếm với bất kỳ ý nghĩ nào sẵn có trong đầu, cứ đi trong trần trụi và giữ cho tâm hồn rộng mở, trống rỗng. Rồi bạn không chỉ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống mà còn khám phá ra ngàn lẻ một ý nghĩa khác.
Tâm trí bạn là một mớ hỗn tạp. Hãy thu dọn lại, biến nó trở thành tờ giấy trắng. Cái đầu trống rỗng là cái đầu tốt nhất. Và những ai bảo rằng đầu óc trống rỗng là chỗ trú ngụ cho quỷ sứ thì họ mới chính là tay sai của quỷ sứ. Tâm trí trống rỗng là tâm trí gần với Thượng đế hơn bất kỳ cái gì. Nó không hề là nơi trú ngụ của quỷ sứ, bởi quỷ sứ không thể hành động mà không có suy nghĩ. Quỷ sứ không thể làm được gì với sự trống rỗng. Nó không có cách nào để đi vào sự trống rỗng.
Hiện tại tâm trí chúng ta ngồn ngộn những ý nghĩ, dường như chẳng có gì là rõ ràng. Bạn nghe quá nhiều thứ từ nhiều nguồn khác nhau, cho nên tâm trí bạn chẳng khác nào con quái vật! Lúc nào bạn cũng cố gắng ghi nhớ, bởi mọi người vẫn bảo bạn rằng: “Đừng có quên đấy!”. Và lẽ tự nhiên là bạn chẳng thể nhớ được điều gì cả. Bạn đã quên rất nhiều thứ, cũng như đã tưởng tượng và tự thêm thắt vào nhiều thứ.
Bạn cứ nhớ “Plato đã nói rằng...”, “Lão Tử đã nói rằng...”, rồi “Chúa Jesus đã nói...”, “Mohammed đã nói...” và chúng cứ lẫn lộn cả lên, còn bạn chẳng nói lấy một lời nào của riêng mình. Chừng nào bạn còn chưa cất lên tiếng nói của mình thì bạn sẽ còn bỏ lỡ ý nghĩa cuộc sống.
Hãy vứt bỏ kiến thức và trở nên sáng tạo hơn. Kiến thức chỉ là sự góp nhặt, bạn không cần phải tạo thêm kiến thức mà chỉ cần đón nhận nó. Và đó là những gì con người đã làm: họ bị thu lại thành khán giả. Họ đọc báo, đọc kinh sách; họ đi xem phim, ngồi đó và thưởng thức phim; họ đi coi bóng đá, hoặc ngồi trước ti-vi, hoặc nghe ra-đi-ô… Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày, họ chỉ có bấy nhiêu hoạt động phi hoạt động, chỉ là một khán giả. Những người khác đang làm, còn họ chỉ đơn giản là ngồi xem.
Bạn sẽ không thể tìm thấy ý nghĩa nếu chỉ ngồi xem. Bạn có thể thấy cả ngàn người đang làm tình nhưng bạn không biết tình yêu là gì, cũng như thế nào là cực khoái nếu chỉ ngồi xem. Bạn phải tham gia vào sự việc và khi đó, ý nghĩa sẽ đến. Hãy tham dự vào cuộc sống! Hãy tham dự một cách sâu sắc, trọn vẹn nhất có thể được. Hãy đánh liều tất cả để dấn thân vào. Nếu bạn muốn biết khiêu vũ là như thế nào, đừng chỉ nhìn người khác khiêu vũ mà hãy đi học khiêu vũ và trở thành vũ công. Nếu bạn muốn biết bất cứ điều gì, hãy tham dự vào chính điều đó! Rồi cuộc sống của bạn sẽ có ý nghĩa hơn, không chỉ một chiều mà là đa chiều.
Cuộc sống cần mang tính đa chiều, chỉ khi đó nó mới có ý nghĩa. Đừng bao giờ làm cho cuộc sống của bạn trở nên đơn chiều, khi đó bạn sẽ gặp rắc rối. Một số người trở thành kỹ sư và nghĩ rằng thế là hết, anh ta sẽ giống hệt như bao kỹ sư khác. Suốt cả cuộc đời, anh ta sẽ chỉ là một kỹ sư… trong khi có hàng triệu thứ đang sẵn có xung quanh nhưng anh ta chỉ đi trên một con đường đã chọn. Anh ta sẽ sớm cảm thấy chán chường, ngán ngẩm, rồi mệt mỏi, mòn mỏi. Cứ thế anh ta tiếp tục lê bước theo cuộc sống, chỉ biết chờ đến cái chết. Sống như thế thì có ý nghĩa gì?
Hãy tham dự vào cuộc sống! Hãy tham dự một cách sâu sắc, trọn vẹn nhất có thể được. Hãy đánh liều tất cả để dấn thân vào. Nếu bạn muốn biết khiêu vũ là như thế nào, đừng chỉ nhìn người khác khiêu vũ mà hãy đi học khiêu vũ và trở thành vũ công. Nếu bạn muốn biết bất cứ điều gì, hãy tham dự vào chính điều đó!
Hãy tìm thêm những sở thích mới, những mối quan tâm khác. Đừng lúc nào cũng chỉ là một doanh nhân, thỉnh thoảng bạn cũng phải biết vui chơi chứ! Đừng chỉ là một bác sĩ, kỹ sư, hiệu trưởng hay giáo sư, hãy thử sức trong nhiều lĩnh vực đến mức có thể. Hãy chơi bài, chơi đàn violon, ca hát, chụp ảnh, làm thơ… Rồi bạn sẽ thấy mình thật giàu có. Và từ đó, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Tôi đã nghe được một câu chuyện rất ý nghĩa về Socrates như sau:
Trong lúc chờ chết ở trong tù, Socrates cứ bị ám ảnh bởi một giấc mơ không ngừng thôi thúc ông: “Socrates, chơi nhạc đi!”. Con người già cả này cảm thấy trước nay lúc nào mình cũng phục vụ nghệ thuật bằng chính triết lý của mình, nhưng giờ đây, bị thôi thúc bởi giọng nói bí ẩn đó, ông bèn biến những câu chuyện ngụ ngôn của mình thành thơ và sáng tác một bài ca tụng về thần Apollo và tập thổi sáo.
Đối diện với cái chết, triết học và âm nhạc đã nắm tay nhau đi một đoạn đường dù ngắn ngủi nhưng Socrates chưa bao giờ cảm thấy an lành, hạnh phúc đến thế.
Trước nay chưa bao giờ ông thổi sáo. Có điều gì đó trong ông cứ thúc giục: “Socrates, chơi nhạc đi!” ngay vào lúc đối diện với cái chết. Thật là nực cười! Từ trước tới nay có bao giờ ông chơi nhạc đâu, cũng chưa bao giờ ông sáng tác nhạc. Một phần trong ông đã bị bóp chẹt – phải, ngay cả một người như Socrates cũng sống đơn chiều. Nhưng cái phần bị từ chối ấy đã vùng dậy: “Bấy nhiêu lô-gic đã đủ rồi, một chút âm nhạc sẽ tốt hơn và giúp mang lại sự cân bằng. Bấy nhiêu tranh cãi đã đủ rồi, hãy thổi sáo đi”. Và tiếng nói đó quyết liệt đến mức ông phải nhượng bộ.
Các đệ tử của ông hẳn rất rối trí khi biết tin đó: “Thầy mình có điên không vậy? Socrates mà thổi sáo ư?”. Nhưng với tôi thì điều đó lại rất có ý nghĩa. Có thể tiếng sáo sẽ không được hay vì ông chưa bao giờ đụng đến âm nhạc. Chắc chắn nó sẽ rất nghiệp dư và ngô nghê như trẻ con, nhưng dù sao thì vẫn có chút gì đó được thỏa mãn. Ông không còn sống phiến diện nữa. Có thể đây là lần đầu tiên trong đời ông đã sống thật ngẫu hứng, thật tự nhiên. Lần đầu tiên trong đời ông đã làm một điều mà không hiểu tại sao mình làm. Bằng không, ông chỉ là một con người lý trí.
Và tôi cũng đọc được một câu chuyện về Baal Shem, một nhà huyền môn Do Thái Hasidic vĩ đại:
Vào ngày lễ, những người Hasid tụ họp lại để cầu nguyện và trao đổi với bậc thầy. Một người đàn ông mang theo đứa con chậm phát triển và hơi sợ rằng cậu bé sẽ làm điều gì đó không phải nên ông cứ để mắt tới nó. Khi lời cầu nguyện được cất lên, cậu bé hỏi cha: “Con có một cái còi, con thổi được không cha?”.
Người cha đáp: “Tuyệt đối không, cái còi của con đâu?” vì ông sợ cậu bé không nghe lời mình. Cậu bé bèn chỉ cho cha chiếc còi trong túi và người cha không ngừng để mắt đến cái túi của con. Đến tiết mục nhảy múa, người cha hoàn toàn quên mất cái còi và cũng bắt đầu ra nhảy. Những người Hasid vốn là những vũ công và vui tính. Họ mang nét tinh túy, cốt lõi của đạo Do Thái.
Hãy để những khoảnh khắc không thể giải thích được diễn ra. Hãy để một vài điều bí ẩn, mà bạn cũng không hiểu tại sao, xuất hiện. Và hãy làm điều gì đó hơi gàn dở một chút.
Và trong lúc mọi người nhảy múa cầu nguyện Thượng đế, đột nhiên chú bé không thể kềm được nữa, cậu rút cái còi ra thổi ré lên. Mọi người đều bị sốc! Nhưng Baal Shem tiến đến và ôm lấy cậu bé, bảo rằng: “Những lời cầu nguyện của chúng ta đã được nghe thấy. Nếu không có tiếng còi này, mọi thứ đều vô ích bởi đây là cái duy nhất ngẫu hứng ở đây. Mọi thứ còn lại chỉ là nghi thức”.
Vì vậy đừng để cuộc đời bạn trở thành một nghi thức chết. Hãy để những khoảnh khắc không thể giải thích được diễn ra. Hãy để một vài điều bí ẩn, mà bạn cũng không hiểu tại sao, xuất hiện. Và hãy làm điều gì đó hơi gàn dở một chút. Người quá nghiêm chỉnh là người coi như đã chết. Một chút điên rồ luôn mang lại cho bạn niềm vui lớn. Hãy làm một vài việc điên rồ, rồi bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.