Nhân loại giờ đây đang đứng trước ngã tư đường. Chúng ta đã sống một cuộc đời đơn chiều và đến nay thì sức cùng lực kiệt. Giờ chúng ta cần sống một cuộc đời phong phú hơn, một cuộc đời ba chiều, nghĩa là sống có ý thức, sống với lòng trắc ẩn và sống sáng tạo.
Ý thức nói lên sự hiện hữu, trắc ẩn là tình cảm, còn sáng tạo chính là hành động. Con người mới phải bao gồm cả ba yếu tố trên. Tôi biết tôi đang trao cho bạn thử thách lớn lao nhất, nhiệm vụ khó khăn nhất phải hoàn thành. Bạn phải tĩnh tại như Đức Phật, đáng yêu như thần Krishna(*) và sáng tạo như Michelangelo, Leonardo da Vinci. Cùng một lúc bạn phải hội đủ cả ba nhân cách ấy. Chỉ như vậy bạn mới là một con người toàn vẹn, bằng không thì trong bạn vẫn còn thiếu vắng một điều gì đó. Và điều thiếu sót này sẽ khiến bạn bị thiên lệch, khiếm khuyết. Bạn có thể vươn đến đỉnh cao nếu sống một cuộc đời đơn chiều, nhưng chỉ là một đỉnh cao mà thôi. Còn tôi lại muốn bạn trở thành cả dãy Himalaya với muôn trùng đỉnh cao.
(*) Về mặt từ nguyên, Krishna có nghĩa là thu hút, có duyên. Theo truyền thuyết của đạo Hindu, các hóa thân của thần Krishna đều là để cứu giúp con người.
Con người đơn chiều đã thất bại. Anh ta không thể tạo ra một hành tinh đẹp đẽ, không thể tạo ra thiên đường trên chính mặt đất. Anh ta đã thất bại, hoàn toàn thất bại! Anh ta có thể tạo ra một vài con người tuyệt vời nhưng không thể chuyển hóa, cũng như không thể nâng cao tâm thức của toàn thể nhân loại. Đâu đó chỉ mới có một vài cá thể đạt đến sự khai ngộ. Thế cũng chẳng giúp ích được gì. Chúng ta cần có thêm nhiều người được khai sáng hơn nữa, và khai sáng theo con đường ba chiều.
Đó là định nghĩa của tôi về con người mới.
Đức Phật chẳng phải là một nhà thơ nhưng nhân loại mới, những người đang trở thành Phật(**), sẽ là những nhà thơ. Khi nói đến “nhà thơ”, ở đây tôi không ngụ ý bạn phải làm thơ mà là hãy sống với một tâm hồn thơ ca. Cuộc sống của bạn phải thi vị như thơ và cách bạn đến với cuộc đời này cũng nên đẹp như thơ.
(**) Buddha nghĩa là Phật, hay bậc Giác Ngộ.
Bạn có thể vươn đến đỉnh cao nếu sống một cuộc đời đơn chiều, nhưng chỉ là một đỉnh cao mà thôi. Còn tôi lại muốn bạn trở thành cả dãy Himalaya với muôn trùng đỉnh cao.
Lô-gic thì khô khan, trong khi thơ ca thì sống động.
Lô-gic không thể nhảy múa, không tài nào nhảy được. Lô-gic mà nhảy múa thì trông sẽ rất nực cười! Tuy nhiên thơ ca lại có thể. Thơ ca chính là vũ điệu của trái tim.
Lô-gic không thể yêu thương, nó chỉ có thể nói về tình yêu chứ không thể yêu; mà dường như tình yêu thì phi lô-gic. Chỉ có thơ ca mới biết yêu thương, chỉ có thơ ca mới có thể nhảy múa giữa nghịch lý của tình yêu.
Lô-gic thì lạnh lẽo, vô cùng lạnh lẽo. Nó chỉ có ích trong toán học chứ về mặt nhân văn thì không. Nếu loài người trở nên quá lô-gic, thế giới này sẽ mất đi tính nhân bản và chỉ toàn là những con số không hơn không kém.
Thơ ca, tình yêu và cảm xúc mang đến cho cuộc sống chúng ta sự ấm áp và chiều sâu. Chúng làm tan chảy sự lạnh lẽo trong bạn và bạn sẽ trở nên nhân bản hơn. Đức Phật là một con người siêu thường, điều đó không có gì là hoài nghi. Ngài mang vẻ đẹp siêu phàm thoát tục nhưng lại không có được cái đẹp mà Zorba(***) “tay chơi Hy Lạp” có. Nhân vật Zorba ấy “đời” biết bao. Tôi muốn bạn hãy là cả hai con người ấy, cả Zorba lẫn Đức Phật. Một người thì tĩnh tại nhưng đầy xúc cảm, chan chứa tình yêu thương; còn người kia lại đầy tính sáng tạo. Nếu tình yêu của bạn chỉ đơn thuần là cảm xúc và không được chuyển thành hành động, nó sẽ không thể nào tác động đến nhân loại. Do vậy, bạn phải biến tình cảm thành hành động thực tế.
(***) Zorba, một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Zorba the Greek của tác giả Nikos Kazantzakis. Cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn sâu sắc giữa Zorba – đại diện cho chủ nghĩa khoái lạc và nhân vật “tôi” – đại diện cho chủ nghĩa lý tưởng. Cuộc sống của Zorba là ăn chơi hoan lạc, cuộc sống của nhân vật “tôi” là đau đáu với hành trình nội tâm với mong muốn một ngày có thể viết một tác phẩm về Đức Phật.
Đây là ba chiều trong cuộc sống của bạn: hiện hữu, xúc cảm và hành động. Trong hành động luôn chứa đựng tính sáng tạo, đủ mọi loại hình sáng tạo – từ âm nhạc, thơ ca, hội họa, điêu khắc, kiến trúc cho đến khoa học, công nghệ. Xúc cảm thì chứa đựng tất cả những gì thuộc về thẩm mỹ, như tình yêu, cái đẹp. Còn hiện hữu là trạng thái chiêm nghiệm về bản thân, nhận biết sáng suốt và ý thức nội tâm.