Trước hết, bạn phải hiểu được bản chất của hoạt động và những dòng chảy ngầm bên dưới hoạt động, bằng không bạn sẽ không thể nào cảm thấy thảnh thơi. Nếu không quan sát và nhận biết bản chất của hoạt động, cho dù bạn có muốn thư giãn đi nữa thì cũng không được vì hoạt động không phải là một hiện tượng đơn giản. Rất nhiều người muốn được thảnh thơi nhưng không thể. Sự thảnh thơi cũng giống như việc nở hoa vậy, bạn không thể ép buộc nó. Bạn phải hiểu toàn diện hiện tượng này, chẳng hạn vì sao bạn lại năng động đến thế, tại sao bạn lại bận rộn với quá nhiều hoạt động và tại sao lúc nào bạn cũng bị chúng ám ảnh.
Tôi muốn bạn nhớ và phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai điều này: hành động và hoạt động. Hành động không phải là hoạt động và hoạt động đương nhiên không phải là hành động. Bản chất của chúng hoàn toàn trái ngược nhau. Hành động xuất hiện khi tình huống đòi hỏi và bạn đáp lại bằng cách hành động. Trong khi đó hoạt động lại không liên quan gì đến tình huống và không phải là một sự đáp ứng, chỉ là do bụng dạ bồn chồn không yên nên tình huống trở thành cái cớ biện hộ cho sự tăng động như thế.
Đức Phật mang vẻ đẹp siêu phàm thoát tục nhưng lại không có được cái đẹp mà Zorba “tay chơi Hy Lạp” có. Nhân vật Zorba ấy “đời” biết bao. Tôi muốn bạn hãy là cả hai con người ấy, cả Zorba lẫn Đức Phật. Một người thì tĩnh tại nhưng đầy xúc cảm, chan chứa tình yêu thương; còn người kia lại đầy tính sáng tạo.
Hành động là sản phẩm của một tâm trí tĩnh lặng – điều đẹp đẽ nhất trên thế gian này. Trong khi đó hoạt động lại là sản phẩm của một tâm trí bất ổn, nên là điều tệ hại nhất. Hành động mang tính tương hợp trong khi hoạt động thì không. Hành động mang tính khoảnh khắc, ngẫu nhiên trong khi hoạt động bị đè nặng bởi quá khứ, nó không phải là một sự đáp ứng tích cực trước khoảnh khắc hiện tại mà thay vào đó chỉ tuôn trào cái bất ổn chất chứa từ quá khứ. Hành động mang tính sáng tạo, còn hoạt động thì có tính hủy hoại – đối với bản thân bạn và cả những người khác.
Hãy nhận ra sự khác biệt tinh tế này. Chẳng hạn bạn ăn khi đói, đó chính là hành động. Nhưng khi không đói chút nào mà bạn vẫn ăn thì đó gọi là hoạt động. Có thể nói hoạt động ăn uống là một dạng bạo lực bởi bạn chà xát hai hàm răng vào nhau để nghiền thức ăn. Nhiều khi bạn ăn không phải vì đói mà đơn giản chỉ là để thỏa mãn nhu cầu nội tại nào đó, chẳng hạn như giúp giải tỏa một chút bất an trong lòng.
Sự thảnh thơi cũng giống như việc nở hoa vậy, bạn không thể ép buộc nó. Bạn phải hiểu toàn diện hiện tượng này, chẳng hạn vì sao bạn lại năng động đến thế, tại sao bạn lại bận rộn với quá nhiều hoạt động và tại sao lúc nào bạn cũng bị chúng ám ảnh.
Trong thế giới động vật, sự bạo lực vốn đi liền với nanh (miệng) và vuốt (tay). Trong lúc bạn ăn, hai yếu tố này được liên kết với nhau: tay lấy thức ăn còn miệng thì nhai; chính khi đó, tính bạo lực được phóng thích. Nếu không cảm thấy đói mà vẫn muốn ăn, đó không còn là hành động mà là một dạng bệnh hoạn, một sự ám ảnh. Dĩ nhiên là bạn không thể cứ ăn uống thả cửa vì nếu thế chẳng mấy chốc bạn sẽ vỡ bụng mất, vì vậy con người phải dùng đến những mánh lới như nhai kẹo cao su hoặc hút thuốc. Đó là những thứ thức ăn giả tạo bởi chúng không hề có giá trị dinh dưỡng, chỉ dung dưỡng thêm cho tính bạo lực nói trên.
Hoạt động này cho thấy bạn bị ám ảnh, bạn không thể là chính mình, bạn không thể tĩnh lặng và ngồi im. Thông qua hoạt động, sự điên rồ bên trong bạn tuôn trào không dứt.
Hành động thì luôn đẹp đẽ. Hành động diễn ra như là một sự đáp ứng tự nhiên. Cuộc sống luôn cần đến kiểu đáp ứng như thế, vì bạn đều phải hành động trong mỗi khoảnh khắc. Bạn đói, vì thế bạn đi tìm thức ăn; bạn khát, do đó bạn đi đến giếng nước. Bạn buồn ngủ, vậy nên bạn đi ngủ. Tất cả là do tình huống mà ra và hành động luôn mang tính toàn diện, tự nhiên.
Trong khi đó, hoạt động xuất phát từ quá khứ và không hề mang tính ngẫu nhiên. Có thể hoạt động đó đã được tích lũy từ nhiều năm và bùng nổ trong hiện tại chứ không hề liên quan đến tình huống. Thế nhưng tâm trí của chúng ta tinh ranh lắm, nó luôn tìm được lý lẽ thích hợp để biện hộ cho hoạt động. Lúc nào nó cũng cố chứng minh đây không phải là hoạt động mà là hành động – một hành động cần thiết. Ví dụ, đột nhiên bạn nổi nóng. Mọi người đều nhận thấy điều đó là không cần thiết, sự việc cũng không đến nỗi khiến bạn nổi nóng đến thế, duy chỉ có bạn là không nhận ra. Có thể mọi người sẽ bảo: “Anh đang làm gì đấy? Đâu cần thiết phải như vậy. Tại sao anh lại giận dữ đến thế chứ?”. Nhưng bạn vẫn tìm được lý do thỏa đáng để biện minh.
Chính sự hợp lý hóa này khiến bạn không ý thức về sự điên khùng của mình. George Gurdjieff, bậc thầy tâm linh nổi tiếng người Nga, gọi đây là “đệm giảm xóc”. Bạn tạo ra những chiếc “đệm” giảm sốc – các lý do – để không phải nhìn ra tình huống thật sự. Chúng ta biết rằng giữa hai khoang tàu hỏa phải có những vật đệm để khi tàu dừng đột ngột thì hành khách cũng không bị sốc nhờ vật đệm đã giảm bớt xung lực. Hoạt động của bạn chẳng liên quan gì đến tình huống nhưng những lý do “hợp lý” ấy đã khiến bạn không nhìn thấy sự thật. Chúng đã che mắt bạn và kiểu hoạt động như thế cứ tiếp tục diễn ra.
Loại hoạt động này không cho phép bạn cảm thấy thư thái, dễ chịu. Làm sao bạn có thể thảnh thơi khi luôn bị ám ảnh phải làm một điều gì đó, bất kể là gì. Họ không ngừng lải nhải: “Thà làm một cái gì đó còn hơn là không làm gì cả!”. Rồi có người còn bảo: “Tâm trí trống rỗng là xưởng thợ của ma quỷ”. Không hề như vậy! Tâm trí trống rỗng mới là xưởng thợ của Thượng đế. Tâm trí trống rỗng chính là điều tuyệt vời nhất, thuần khiết nhất thế gian này. Làm sao tâm trí trống rỗng lại là xưởng thợ cho ma quỷ được kia chứ? Ma quỷ không thể xâm nhập vào tâm trí trống rỗng, không thể nào! Mà ngược lại, ma quỷ chỉ có thể đi vào những tâm trí đang bị ám ảnh bởi hoạt động, để rồi chúng có thể sai khiến bạn, chỉ cho bạn thấy những cách thức và phương tiện để “năng động” hơn. Ma quỷ chẳng bao giờ bảo bạn: “Thư giãn đi!”, thay vào đó là: “Sao mình phí thời gian thế? Động tay động chân thôi! Cuộc sống có chờ ai đâu, phải làm gì đi chứ!”. Mọi bậc thầy vĩ đại, những người giác ngộ chân lý cuộc đời, đều nhận ra rằng chỉ tâm trí trống rỗng mới có chỗ cho những điều thiêng liêng ngự trị.
Ma quỷ, chứ không phải tâm trí trống rỗng, cần đến hoạt động. Làm sao ma quỷ có thể sử dụng một tâm trí trống rỗng cho được? Nó thậm chí còn không dám đến gần nữa là, bởi sự trống rỗng sẽ giết chết nó. Nhưng khi bạn cảm thấy bị thôi thúc đến điên cuồng phải thực hiện một hoạt động nào đó, khi đó ma quỷ sẽ ra tay. Chúng sẽ điều khiển bạn.
Chúng ta cần phải theo dõi những ám ảnh trong cuộc sống hàng ngày của mình, bởi những gì tôi nói đều không có ý nghĩa gì hết trừ khi bạn tự nhận thấy những hoạt động ấy thật chẳng liên quan gì đến tình cảnh, cũng như không cần thiết chút nào. Vậy thì tại sao bạn lại thực hiện chúng?
Nhờ đi nhiều nơi, tôi nhận thấy mọi người không ngừng lặp đi lặp lại những điều y hệt như nhau. Có một lần tôi ngồi suốt hai mươi bốn giờ trên tàu hỏa cùng với vị hành khách nọ. Anh ta đọc mãi một tờ báo, chẳng bận tâm tìm việc gì khác để làm. Bị giới hạn trong buồng tàu không có gì để sáng tạo, thế là anh ta cứ đọc báo suốt. Còn tôi thì… quan sát người đàn ông này đang làm gì.
“Tâm trí trống rỗng là xưởng thợ của ma quỷ”. Không hề như vậy! Tâm trí trống rỗng mới là xưởng thợ của Thượng đế.
Tờ báo hoàn toàn khác với quyển sách kinh. Bạn có thể đọc đi đọc lại quyển kinh vì sau mỗi lần đọc, bạn lại học được điều gì đó mới mẻ. Nhưng tờ báo thì lại không như thế, đọc xong là hết! Thậm chí nó chẳng đáng để bạn đọc thêm lần nữa, ấy vậy mà nhiều người cứ đọc đi đọc lại mãi. Sao thế nhỉ? Phải chăng đó là một nhu cầu? Chẳng phải vậy, chỉ vì họ bị ám ảnh mà thôi – họ không thể ngồi im, không thể không hoạt động. Không thể chấp nhận được chuyện đó, vì trông họ chẳng khác nào kẻ chết rồi! Họ cần phải hoạt động!
Nhiều năm chu du đó đây đã cho tôi lắm cơ hội để quan sát mọi người mà họ không hề hay biết. Thỉnh thoảng có những lần chỉ có một hành khách ngồi chung với tôi trong khoang tàu. Người đó tìm mọi cách để bắt chuyện với tôi nhưng tôi chỉ ậm ừ “Có” hoặc “Không”, thế nên anh ta đành bỏ ý định đó. Rồi tôi chỉ việc ngồi quan sát, thật là một thí nghiệm thú vị mà không tốn xu nào! Tôi thấy anh ta mở va li ra, chẳng làm gì sất, cứ nhìn chăm chăm vào đó, rồi đóng va li lại. Tiếp đến anh ta mở cửa sổ, rồi lại đóng cửa sổ. Sau đó anh ta đọc báo, hút thuốc, rồi lại mở va li ra, sắp xếp lại đồ đạc, đi đến mở cửa sổ và nhìn ra ngoài. Anh ta đang làm gì vậy? Tại sao anh ta lại làm thế? Rõ ràng có điều gì đó bên trong đang thôi thúc, và tâm trí anh đang phát sốt lên. Anh ta phải kiếm việc để làm, bằng không sẽ cảm thấy thừa thãi vô cùng. Ắt hẳn anh ta là người rất ưa hoạt động, còn đây là giây phút để thư giãn, ấy vậy mà anh ta lại không tài nào thư giãn vì thói quen cũ vẫn dai dẳng đeo bám.
Tương truyền rằng Aurangzeb, hoàng đế Moghul(****) đã giam lỏng cha đẻ của mình khi cha về già. Phụ thân của ông chính là vua Shah Jehan, người đã xây nên ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng. Người con trai thứ này đã giam lỏng và phế ngôi của vua cha. Trong tiểu sử về Aurangzeb có viết rằng chỉ sau vài ngày, Shah Jehan đã không còn bận tâm đến chuyện bị giam hãm nữa vì ông vẫn được cung phụng mọi thứ xa hoa. Ở trong cung điện, Shah Jehan vẫn sống một cuộc đời chẳng khác gì ông từng sống trước kia. Ở đây không giống chốn lao tù chút nào, ông có mọi thứ mình cần. Chỉ duy một điều không có ở đây chính là hoạt động – chẳng có gì để làm. Shah Jehan bèn nói với con trai: “Thôi được, con đã cung phụng cho ta mọi thứ và thứ gì cũng đẹp, cũng tốt cả. Chỉ còn một điều mà nếu con làm được, ta sẽ mang ơn con suốt đời, đó là hãy đưa ba mươi cậu bé tới đây. Ta muốn dạy dỗ chúng”.
(****) Moghul là triều đại các vua Hồi giáo đã cai trị phần lớn lãnh thổ Ấn Độ trong thế kỷ 16 – 18.
Khi bạn muốn trèo lên đỉnh núi cao nhất, bạn thấy mọi việc thật gian nan. Nhưng khi đã tới đỉnh và ngửa mặt ngắm mây trời, bạn sẽ thấy trong lòng tràn ngập niềm vui. Niềm vui đó sẽ luôn đến với bạn mỗi khi bạn đạt tới bất kỳ đỉnh cao sáng tạo nào.
“Tại sao cha mình lại thích dạy mấy đứa trẻ kia chứ?”, Aurangzeb không thể tin được. Trước đây chưa bao giờ ông ấy có biểu lộ gì cho thấy ông có thiên hướng dạy học hay quan tâm đến bất kỳ hình thức giáo dục nào, chuyện gì đã xảy ra với ông? Nhưng Aurangzeb vẫn làm theo ý cha. Ba mươi cậu bé được gửi đến chỗ Shah Jehan và mọi chuyện diễn ra thật tốt đẹp – Shah Jehan lại trở thành hoàng đế với ba mươi đứa bé này. Ở trường tiểu học, người thầy gần như là một vị hoàng đế. Bạn ra lệnh cho chúng ngồi xuống, chúng ngồi xuống; bạn bảo chúng đứng lên, chúng đứng lên. Và Shah Jehan đã biến lớp học của mình cùng ba mươi cậu bé thành cả vương triều – tất cả là do thói quen cũ, thói “nghiện” thị uy, ra lệnh mà ra.
Aurangzeb ghi lại rằng:
“Chỉ vì những thói quen cũ mà phụ vương của tôi vẫn muốn giả vờ mình đang là một hoàng đế. Vậy nên cứ để ông ấy tự lừa dối mình, chẳng có gì là sai cả. Gửi cho ông ấy ba mươi hay ba trăm đứa trẻ cũng được, tùy ý ông. Cứ để ông cai quản một ngôi trường nhỏ và hạnh phúc với điều đó.”
Hoạt động diễn ra khi hành động bạn làm không liên quan gì đến tình huống. Hãy tự quan sát mình mà xem, chín mươi phần trăm năng lượng của bạn bị tiêu phí vào những hoạt động. Chính vì điều này mà khi cần phải hành động, bạn không còn sức lực nữa. Người thảnh thơi không hề bị ám ảnh bởi điều gì. Anh ta bảo toàn được năng lượng của mình một cách tự nhiên; đến khi cần, anh sẽ dành toàn tâm, toàn ý và toàn sức cho hành động. Đó là lý do vì sao hành động mang tính trọn vẹn trong khi hoạt động thì luôn thiếu sự hăng hái, tận tâm bởi dù sao đi nữa, bạn cũng đâu thể nào tự lừa dối mình quá trắng trợn như vậy! Ngay bản thân bạn cũng biết việc mình làm là vô dụng. Bạn làm thế chỉ vì những lý do nào đó thôi thúc từ bên trong, thậm chí chúng còn rất mờ mịt đối với bạn nữa là.
Người thảnh thơi không hề bị ám ảnh bởi điều gì. Anh ta bảo toàn được năng lượng của mình một cách tự nhiên; đến khi cần, anh sẽ dành toàn tâm, toàn ý và toàn sức cho hành động.
Bạn có thể thay đổi những hoạt động, nhưng chừng nào các hoạt động đó vẫn chưa thể chuyển thành hành động thì điều đó cũng chẳng ích gì. Mọi người cứ đến gặp tôi và bảo rằng: “Tôi muốn cai thuốc lá”. Tôi hỏi lại: “Tại sao? Đây là hình thức thiền định siêu việt tuyệt vời mà, cứ tiếp tục đi!”. Vì nếu bạn cai thuốc, bạn sẽ bắt tay vào một hoạt động khác ngay do bệnh tật không thể nào thuyên giảm nếu bạn chỉ điều trị các triệu chứng. Thay vì hút thuốc, có thể bạn sẽ chuyển sang cắn móng tay, nhai kẹo cao su hoặc làm những việc khác còn nguy hiểm hơn. Nếu dừng nhai kẹo cao su và cai thuốc lá, vậy bạn sẽ làm gì để bù lại? Miệng bạn cần được hoạt động. Thế là bạn sẽ nói – nói không ngừng – và điều đó còn nguy hiểm hơn!
Có một bà vợ đến gặp tôi. Hiếm khi cô ấy đến, nên vừa thấy cô xuất hiện thì tôi hiểu ngay hẳn vợ chồng cô đã xảy ra chuyện gì rồi. Bởi thế tôi liền hỏi: “Có chuyện gì vậy?”. Phải mất đến ba mươi phút và hàng ngàn từ để cô ấy diễn tả mỗi một ý này: “Chồng tôi nói mớ trong lúc ngủ, theo thầy thì tôi nên làm gì đây? Anh ấy nói rất nhiều khiến tôi khó mà ngủ chung được. Anh ấy còn la hét và nói những lời tục tĩu nữa”.
Tôi bèn bảo: “Chẳng cần làm gì cả. Cô chỉ cần cho anh ấy cơ hội để nói khi cả hai còn thức”.
Thế đấy, mọi người cứ lải nhải miết, không cho người khác cơ hội để nói. Nói cũng giống như hút thuốc vậy. Bạn nói suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ… vậy mà vẫn không ngừng nói. Hễ mở mắt ra là nói, rồi khi cơ thể đã mệt mỏi, bạn ngủ thiếp đi nhưng vẫn tiếp tục nói. Suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ bạn không ngừng nói, nói và nói. Tình trạng này chẳng khác gì việc hút thuốc, bởi cả hai hiện tượng hoàn toàn giống nhau: cái miệng của bạn cần vận động. Sử dụng cái miệng là một hoạt động cơ bản, bởi đó là hoạt động bạn thực hiện ngay vừa lúc chào đời.
Khi mới chào đời, đứa bé bắt đầu bú mẹ – hoạt động cơ bản đầu tiên của con người. Hút thuốc cũng giống như việc bú mẹ vậy: những dòng sữa ấm áp tuôn chảy… những làn khói ấm tràn vào... Nếu không được phép hút thuốc thì bạn sẽ nhai kẹo cao su hoặc làm cái gì đó, rồi bạn cũng sẽ lại nói. Điều đó còn nguy hiểm hơn vì bạn đang vứt rác vào tâm trí người khác.
Liệu bạn có thể giữ im lặng trong một thời gian dài không? Các nhà tâm lý học nói rằng chỉ sau ba tuần câm lặng, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu tự nói một mình. Bạn sẽ tự phân thân thành hai phe: một phe nói và một phe lắng nghe. Nếu bạn cố câm lặng trong ba tháng, chắc chắn bạn sẽ phải vào nhà thương điên vì khi đó bạn không còn bận tâm đến chuyện liệu có ai đang tồn tại xung quanh mình hay không nữa. Bạn sẽ nói, và không chỉ nói mà còn tự trả lời; do đó bạn không còn cần đến ai khác vì chỉ mình bạn thôi cũng đã đủ.
Người điên là người mà thế giới của họ chỉ gói gọn trong bản thân mình. Anh ta vừa là người nói, đồng thời cũng là người nghe; vừa là diễn viên, vừa là khán giả. Tóm lại anh ta là tất cả, một mình tự đóng nhiều vai khác nhau. Chính vì vậy mọi người sợ sự im lặng, bởi họ biết họ sẽ bị suy sụp tinh thần. Sợ sự im lặng có nghĩa là tâm trí bạn đang mắc bệnh, đang bị ám ảnh vì không ngừng đòi được hoạt động.
Hoạt động là một hình thức né tránh đối diện với chính mình. Bạn hiện hữu trọn vẹn trong hành động, nhưng lại chạy trốn khỏi bản thân khi hoạt động. Khi hoạt động, bạn quên hẳn bản thân, và khi đã quên bản thân thì bạn không còn lo âu, giận dữ hay căng thẳng gì nữa. Do vậy bạn cảm thấy cần phải hoạt động liên tục, phải làm cái này cái kia tuy chúng chẳng bao giờ thật sự hữu ích.
Hành động thì tốt cho bạn, còn hoạt động chỉ khiến bạn trở nên bệnh hoạn. Tự bạn hãy nhận ra sự khác biệt này – thế nào là hoạt động, còn thế nào là hành động? Đó là bước đầu tiên. Kế đến, hãy chú tâm vào hành động nhiều hơn để năng lượng trong bạn được chuyển thành hành động. Mỗi khi diễn ra một hoạt động nào đó, hãy chú ý đến nó nhiều hơn và giữ mình tỉnh táo hơn. Khi bạn ý thức, hoạt động sẽ chấm dứt và năng lượng được bảo toàn để chuyển thành hành động.
Hành động mang tính tức thời. Nó không có sẵn, và cũng chẳng thể nào được khuôn đúc sẵn. Nó không cho bạn cơ hội để chuẩn bị hay tập dợt trước. Hành động luôn mới như sương mai buổi sớm. Và người thiên về hành động luôn trẻ trung, tươi mới. Thân thể họ có thể già đi nhưng tinh thần vẫn tươi trẻ. Thân thể dù chết đi nhưng tinh thần trẻ trung vẫn sống mãi.
Hãy bỏ bớt những hoạt động, càng nhiều càng tốt. Nhưng bằng cách nào? Để cho ý nghĩ đó ám ảnh bạn! Đây là cách mà những nhà tu hành áp dụng: biến ý nghĩ bỏ bớt hoạt động thành nỗi ám ảnh trong đầu họ. Họ liên tục làm mọi việc, như cầu nguyện, ngồi thiền, tập yoga… để không phải rơi vào hoạt động. Nhưng rồi chúng cũng trở thành hoạt động nốt. Do đó bạn không thể loại bỏ hoạt động bằng cách này, làm vậy chẳng khác nào “gió ra cửa trước, gió vào cửa sau”.
Hãy luôn tỉnh táo cảm nhận sự khác biệt giữa hành động và hoạt động. Bị hoạt động chi phối chẳng khác nào bị ma ám. Quả thật hoạt động giống như là ma quỷ bởi nó đến từ quá khứ – nó đã chết rồi! Bạn cảm thấy bị thôi thúc đến phát sốt rằng phải làm một điều gì đó. Vì vậy hãy chú ý hơn nữa. Đấy, chỉ cần làm thế thôi. Hãy để mắt đến nó. Ngay cả khi buộc phải thực hiện một hoạt động nào, hãy làm với tất cả sự nhận biết của mình. Ví dụ, hãy hút thuốc thật chậm với sự nhận thức trọn vẹn để biết mình đang làm gì.
Làm được như vậy, một ngày nào đó bạn sẽ bỏ được thuốc vì bạn nhận ra sự vô nghĩa của nó. Bạn sẽ thấy đó là một việc làm ngu xuẩn. Với nhận thức ấy, điếu thuốc sẽ tự động rời tay bạn. Bạn không thể vứt nó đi vì đây cũng là một hoạt động. Vì vậy mà tôi nói rằng điếu thuốc sẽ tự động rời bỏ bạn, giống như lá khô lìa cành vậy. Còn nếu cứ cố ném đi, bạn sẽ lại nhặt nó lên.
Hãy để mọi thứ tự rời bỏ bạn chứ đừng vứt bỏ chúng. Hãy để hoạt động tự biến mất chứ đừng buộc nó phải biến mất, bởi mọi nỗ lực khiến nó mất đi lại chính là một hoạt động được biểu hiện dưới hình thức khác. Hãy quan sát một cách tỉnh táo và có ý thức, rồi một hiện tượng kỳ diệu sẽ diễn ra: khi điều gì đó tự mất đi, nó sẽ chẳng để lại dấu vết gì nơi bạn. Còn nếu ép buộc, vết sẹo sẽ hằn ghi. Chẳng hạn bạn khoe khoang rằng mình đã từng hút thuốc ba mươi năm và nay đã cai thuốc. Làm thế cũng chẳng có gì khác, bởi thay cho việc hút thuốc, bạn lại chuyển sang nói, nghĩa là miệng của bạn lại tiếp tục hoạt động.
Nếu một người thật sự hiểu rằng thói quen hút thuốc tự nó rời bỏ mình, anh ta sẽ không thể nào huênh hoang: “Tôi đã bỏ thuốc!”. Tự thân việc hút thuốc rời bỏ bạn, chứ bạn không hề bỏ nó. Nghĩ vậy sẽ giúp cho cái tôi không lớn mạnh thêm. Khi đó, mỗi ngày bạn càng có thể thực hiện nhiều hành động hơn.
Vấn đề không phải là điều bạn làm mà là cách bạn làm. Và xét cho cùng thì vấn đề nằm ở chỗ bạn chủ định thực hiện nó hay cho phép nó xảy ra.
Và mỗi khi bạn có cơ hội để hành động trọn vẹn (với toàn tâm, toàn ý, toàn sức), đừng bỏ lỡ hay do dự mà hãy thực hiện ngay. Hãy hành động nhiều hơn và để cho hoạt động tự rời bỏ bạn. Bạn sẽ cảm nhận được những biến đổi ở bản thân ngay tức thì. Song, việc buông bỏ này cần có thời gian và thời cơ – không thể vội vàng được.
Hãy ngẫm những lời sau đây của Tilopa, nhà huyền môn đã mang các giáo huấn của Đức Phật từ Ấn Độ đến Tây Tạng:
“Đừng làm gì cả ngoài việc thư giãn; hãy ngậm chặt miệng lại và im lặng; hãy để cho tâm trí trống rỗng và không nghĩ ngợi đến điều gì hết.”
“Đừng làm gì cả ngoài việc thư giãn...”. Đến đây hẳn bạn đã hiểu thư giãn có nghĩa là gì. Thư giãn không có nghĩa là nằm ườn ra như kẻ chết rồi. Thư giãn là khi bạn không cảm thấy bị thôi thúc phải làm điều gì đó, năng lượng nội tại vẫn bảo toàn, không mất đi đâu cả. Đến khi tình huống xảy ra, bạn sẽ ra tay hành động. Vậy thôi, chứ bạn không cần viện cớ để hành động. Bạn cảm thấy thoải mái, thanh thản, không bị ràng buộc. Thư giãn cho bạn cảm giác như đang ở nhà.
Cảm giác thảnh thơi chỉ đến khi cuộc sống không còn tồn tại những “bị”, “buộc”, “phải”... Sự thảnh thơi, thư giãn không chỉ nằm ở thể xác hay tâm trí thôi, mà là trải khắp toàn thể con người bạn – thân, trí, tâm.
Mấy năm trước tôi có đọc một quyển sách với nhan đề là You Must Relax (Bạn phải thư giãn). Nghe thật buồn cười, vì đã thư giãn thì không thể nào “phải” được. “Phải” đồng nghĩa với hoạt động, nghĩa là tiềm ẩn nỗi ám ảnh nào đó. Trong cuộc sống lúc nào cũng có hành động diễn ra – không hề bị buộc có từ “phải”; vì nếu không, chính sự ép buộc ấy sẽ tạo ra sự điên rồ. Khi nói “Bạn phải thư giãn”, lập tức việc thư giãn trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí. Bạn PHẢI gò mình vào tư thế này tư thế kia, PHẢI nằm xuống, PHẢI nhắc nhở cơ thể bạn: “Thư giãn!”, “Thả lỏng!”...
Tại sao lại “phải”? Cảm giác thảnh thơi chỉ đến khi cuộc sống không còn tồn tại những “bị”, “buộc”, “phải”... Sự thảnh thơi, thư giãn không chỉ nằm ở thể xác hay tâm trí thôi, mà là trải khắp toàn thể con người bạn – thân, trí, tâm.
Do quá bận tâm vào hoạt động nên bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và tê liệt. Trong bạn lúc đó chỉ toàn những khối chắn, khiến cho năng lượng sống không thể luân chuyển. Rồi mỗi khi bạn làm điều gì đó, bạn làm nó trong trạng thái điên cuồng. Dĩ nhiên khi đó nhu cầu thư giãn lại trỗi dậy! Chính vì thế mà hàng tháng có vô số quyển sách viết về sự thư giãn, thảnh thơi được xuất bản.
Tôi chưa từng thấy ai nhẹ nhõm, thư thái hơn sau khi đọc sách viết về phương pháp thư giãn mà ngược lại họ chỉ càng thêm cuồng nhiệt, bởi nỗi ám ảnh phải trở nên năng động vẫn còn. Tuy nằm đó, thả lỏng, làm theo chỉ dẫn trong sách “làm thế nào để thư giãn” nhưng trong lòng lại ngổn ngang, bấn loạn chẳng khác gì ngọn núi lửa đang chực phun trào.
Chẳng quyển sách nào có thể giúp bạn thư giãn trừ khi bạn đọc thấu được nội tâm mình, và khi đó thư giãn không còn là điều “phải” làm nữa. Thư giãn thật ra là trạng thái vắng bóng hoạt động, chứ không phải vắng bóng hành động. Bởi từ bỏ hành động tức là từ bỏ luôn cuộc đời. Khi đó bạn đã chết, chứ không còn là thư giãn.
Tôi chưa từng thấy ai nhẹ nhõm, thư thái hơn sau khi đọc sách viết về phương pháp thư giãn mà ngược lại họ chỉ càng thêm cuồng nhiệt, bởi nỗi ám ảnh phải trở nên năng động vẫn còn.
Đây là một ý hết sức tinh tế: nên bỏ bớt hoạt động chứ không phải từ bỏ hành động. Bỏ cả hai thì quá dễ dàng, bạn có thể vứt bỏ tất cả và trốn lên Himalayas mà ở ẩn. Hoặc ngược lại cũng không khó, nghĩa là bạn có thể tiếp tục những hoạt động và ép mình “phải” thư giãn lấy vài phút mỗi buổi sáng hoặc tối. Nếu thế, bạn đã không hiểu được tính phức tạp cũng như cơ chế hoạt động của tâm trí con người. Thư giãn là một trạng thái, do đó bạn không thể ép mình vào trạng thái này. Chỉ cần buông bỏ những tiêu cực, rào cản thì trạng thái ấy sẽ tự động đến với bạn.
Buổi tối bạn thường làm gì để đi vào giấc ngủ? Bạn có làm gì không? Nếu có thì nghĩa là bạn đã mắc chứng mất ngủ rồi đấy. Vậy bạn phải làm gì? Không cần làm gì cả, chỉ đơn giản nằm xuống và nhắm mắt ngủ. Chẳng cần “làm” gì hết. Vì nếu bạn “làm”, bạn sẽ không thể ngủ được. Trên thực tế, để dễ đi vào giấc ngủ, bạn cần chấm dứt mọi hoạt động trong tâm trí. Chỉ có vậy thôi! Khi mọi hoạt động biến mất khỏi tâm trí, não của bạn sẽ thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Còn nếu phải làm điều gì đó để ngủ thì bạn sẽ chẳng tài nào ngủ yên.
“Đừng làm gì cả ngoài việc thư giãn...”. Bạn chẳng cần phải gò mình theo một tư thế yoga nào hết. “Đừng làm gì cả…”, chỉ cần buông bỏ các hoạt động là đủ. Nhưng bạn thực hiện điều đó như thế nào? Chỉ cần bạn thấu hiểu. Phải, nguyên tắc duy nhất ở đây là thấu hiểu. Hãy thấu hiểu các hoạt động; và trong lúc hoạt động diễn ra, chỉ cần bạn nhận thức rõ thì hoạt động sẽ tự động dừng lại.
Khi thư giãn, năng lượng của bạn không di chuyển đi đâu cả, không đến tương lai và cũng chẳng về quá khứ, chỉ đơn giản đang hiện hữu cùng bạn. Bạn chìm trong bể năng lượng tĩnh lặng, ấm áp của chính mình. Mọi thứ như ngừng lại, thời gian như lắng đọng. Chỉ có khoảnh khắc hiện tại ngự trị. Còn nếu thời gian vẫn tiếp tục luân chuyển thì bạn vẫn chưa thư giãn được. Khoảnh khắc thư giãn hiện tại là tất cả. Bạn không đòi hỏi điều gì khác nữa mà chỉ tận hưởng. Đến những điều bình thường cũng trở nên thú vị và đẹp đẽ. Thật ra, chẳng có gì là bình thường – tất cả đều phi thường.
Mọi người vẫn hỏi tôi: “Thầy có tin vào Thượng đế không?”. Tôi đáp: “Có chứ, vì mọi thứ đều phi thường nên làm sao lại không có Ý thức sâu sắc chứa đựng trong đó kia chứ?”. Thử nghĩ đến những điều bình dị, nhỏ nhoi nhất… như khi bạn thả bước trên bãi cỏ lúc những hạt sương mai hãy còn chưa tan hết. Những ngọn cỏ mềm, những hạt sương mát lạnh, rồi làn gió sớm trong lành và ánh bình minh rực rỡ… Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm bạn hạnh phúc rồi, có cần chi nữa? Hoặc bạn chỉ cần nằm xuống tấm trải giường mát mẻ, cảm nhận từng thớ vải và sự ấm dần lên của tấm vải, đắm mình trong màn đêm tĩnh lặng… Hãy nhắm mắt lại và cảm nhận về bản thân. Bạn cần gì nữa đây? Quá nhiều rồi – hãy biết ơn cuộc đời! Đó chính là thư giãn.
Thư giãn là một trạng thái, do đó bạn không thể ép mình vào trạng thái này. Chỉ cần buông bỏ những tiêu cực, rào cản thì trạng thái ấy sẽ tự động đến với bạn.
Như đã nói, sự thảnh thơi, thư giãn không chỉ nằm ở thể xác hay tâm trí, mà là trải khắp toàn thể con người bạn – thân, trí, tâm. Chính vì vậy mà các bậc giác ngộ thường khuyên rằng “Hãy đoạn diệt sự ham muốn” vì bạn sẽ không thể nào thư giãn nếu vẫn còn ham muốn, “Hãy chôn vùi quá khứ” vì bạn cũng không thể thư giãn nếu quá bận tâm đến những chuyện đã qua, và thay vào đó là “Hãy tận hưởng giây phút hiện tại”. Như Chúa Jesus từng nói: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Solomon, dù vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng bông hoa ấy.”(*****)
(*****) Kinh Tân ước, Matthew (6:28, 29)
Năng lượng vốn tích cực, đầy sôi nổi và thiêng liêng. Khi năng lượng được thể hiện ra bên ngoài, con người sẽ trở nên sáng tạo, thông minh và tinh nhạy hơn, có thể mang đến những điều tốt đẹp.
Đức Chúa Jesus đang nói gì? Ngài bảo rằng hãy thư giãn! Bạn không cần phải quần quật suốt, bởi trong thực tế mọi thứ đều đã được cung cấp, tạo lập sẵn. Ngài bảo: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng... Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?... Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.”(******). Sự thư giãn nằm ở chỗ đó. Tại sao bạn phải lo lắng quá nhiều về tương lai? Hãy nghĩ đến những bông hoa kia, ngắm nhìn chúng và sống như chúng để thấy thảnh thơi, an nhiên tự tại. Thư giãn không phải là một tư thế mà là cả một sự chuyển hóa năng lượng toàn diện.
(******) Kinh Tân ước, Matthew (6:26, 32)
Có hai dạng năng lượng. Một dạng là có động cơ rõ rệt, nhắm hẳn đến mục tiêu nào đó. Khoảnh khắc hiện tại chỉ là một bước trung gian để giúp đạt được mục tiêu. Đây là dạng năng lượng thiên về hoạt động, có tính hướng đích và xem mọi thứ xung quanh đều là phương tiện. Bạn chỉ nghỉ ngơi sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ. Tuy nhiên, với dạng năng lượng này, bạn sẽ không bao giờ chạm đến mục tiêu bởi vì nó sẽ biến mọi khoảnh khắc hiện tại thành phương tiện để đạt được điều gì đó trong tương lai. Bạn sẽ thấy mục tiêu lúc nào cũng ở tít tắp phía chân trời, còn bản thân mình cứ ra sức đuổi theo mà chẳng thể rút ngắn khoảng cách ấy.
Năng lượng cần được sử dụng, bằng không nó sẽ khiến bạn bồn chồn, bất an. Năng lượng cũng cần được bộc lộ, cần được tận dụng để phát huy sức sáng tạo, bằng không nó sẽ sớm sinh ra bệnh.
Còn dạng năng lượng kia thì ngược lại – chỉ thuần túy mang tính tận hưởng và hoàn toàn vô tư, không có động cơ. Mục tiêu là ở ngay đây, trong hiện tại chứ không ở đâu khác. Thực sự bạn chính là mục tiêu ấy. Và không gì trọn vẹn hơn khoảnh khắc này – Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào! Khi bạn đã là mục tiêu và mục tiêu không nằm ở tương lai xa xôi, nghĩa là khi chẳng còn gì cần phải đạt đến nữa mà thay vào đó chỉ hân hoan tận hưởng cuộc sống thì đấy là lúc bạn tìm thấy sự thảnh thơi, thư thái.
Theo đó thì cũng có hai dạng người: người luôn tìm kiếm mục tiêu và người hân hoan đón nhận hiện tại. Dạng người thứ nhất là những kẻ điên rồ. Tự thân họ tạo ra sự rồ dại ấy. Rồi họ càng lúc càng lún sâu hơn, cho đến khi hoàn toàn đánh mất chính mình. Dạng người thứ hai thì ngược lại, họ không tìm kiếm mà luôn tận hưởng hiện tại.
Hãy tận hưởng và không ngừng tận hưởng giây phút hiện tại! Hãy là dạng người thứ hai! Quanh bạn đã có rất nhiều thứ rồi, bạn không thấy sao? Hoa cỏ tươi thắm, chim muông ca hót, nắng vàng rực rỡ. Hãy tận hưởng đi! Bạn đang hít thở, đang sống và nhận thức đầy đủ, vậy hãy đón mừng điều đó! Rồi bạn sẽ cảm thấy thư thái, không còn căng thẳng, tức giận nữa. Khối năng lượng dành cho cơn giận sẽ chuyển thành lòng biết ơn. Trái tim bạn sẽ rung lên những nhịp tri ân sâu sắc, và đây cũng chính là lời cầu nguyện chân thành nhất.
“Đừng làm gì cả ngoài việc thư giãn...”. Bạn không cần làm gì hết mà chỉ cần hiểu sự chuyển động của năng lượng. Năng lượng luôn luân chuyển, nhưng không nhắm đến một mục tiêu nào. Năng lượng cứ thong dong tuôn chảy, giống như bản chất nhiệt tình, sôi nổi của nó. Năng lượng chuyển động không phải để đi đến một mục tiêu nào mà chỉ vì nó đang tràn trề – phải lan tỏa, phải cho đi ngay!
Thấy đứa bé đang nhảy nhót và chạy chơi quanh nhà, bạn liền hỏi: “Con đang chạy đi đâu đấy?”. Nghe vậy, đứa bé sẽ nghĩ bạn thật ngớ ngẩn vì nó có chạy đi đâu đâu? Trong mắt trẻ con, người lớn lúc nào cũng thật ngớ ngẩn. Hết sức vớ vẩn khi hỏi: “Con đang chạy đi đâu đấy?”, bởi tại sao phải chạy đi đâu đó kia chứ? Đứa trẻ sẽ không thể trả lời câu hỏi của bạn. Nó chẳng chạy đi đâu hết. Nó nhún vai đáp: “Con có đi đâu đâu”. Nghe vậy, người thuộc dạng tìm kiếm mục tiêu sẽ ngạc nhiên: “Vậy sao con lại chạy?”, vì chúng ta cứ nghĩ mình chỉ chạy khi cần đến đâu đó.
Thật sự bạn chẳng cần đi đâu cả. Mọi thứ đã có ở ngay đây, ngay lúc này. Khoảnh khắc này đã là tột đỉnh của sự tồn tại, đã quy tụ tất cả mọi thứ rồi. Đứa trẻ đang tận hưởng năng lượng sống của mình. Sao mà nó giàu đến thế kia chứ! Nó chạy giỡn một cách vô tư, chẳng nghĩ ngợi gì đến mục tiêu, chỉ vì nguồn năng lượng trong nó tràn trề đến nỗi nó phải chạy chơi, phải tận hưởng.
Hành động một cách vô tư là biểu hiện của sự tràn trề năng lượng. Hãy chia sẻ chứ đừng đổi chác hay mặc cả gì. Bạn cho chỉ vì bạn có và đừng cho với thái độ mong cầu được nhận lại điều gì vì nếu không, bạn sẽ đau khổ. Địa ngục sẽ dành cho những kẻ ưa buôn bán, đổi chác; còn thiên đường chỉ dành cho những người vô tư vui đón và tận hưởng cuộc sống.
Hàng thế kỷ nay con người cứ thắc mắc mãi một điều: “Những thiên thần làm gì trên thiên đường?”. Đặc biệt những ai lúc nào cũng đau đáu tìm kiếm mục đích thì càng thắc mắc nhiều hơn. Nhưng trên thiên đường có gì để làm đâu. Có người hỏi nhà thần học người Đức, Meister Eckhart, rằng: “Thiên thần làm gì trên thiên đường vậy?”. Ông đáp: “Sao mà anh ngốc thế? Thiên đường là nơi tận hưởng, vui chơi. Ở đó không phải làm gì hết. Họ chỉ việc tận hưởng mọi thứ, tận hưởng sự tráng lệ, rực rỡ, thi vị và vẻ đẹp của cây cỏ, hoa lá. Họ ca hát, nhảy múa và vui chơi. Thế thôi!”. Nhưng tôi nghĩ có lẽ người ấy không thỏa mãn với câu trả lời của Meister Eckhart bởi đối với đa số người, một việc làm chỉ có ý nghĩa khi nó tạo ra điều gì đó, dẫn đến mục tiêu nào đó.
Bạn hãy nhớ rằng hoạt động thường nhắm đến mục đích, trong khi hành động thì không. Hành động luôn tràn trề năng lượng, thuộc về hiện tại và là sự đáp ứng ngẫu nhiên, không hề được chuẩn bị hay tập dợt trước. Hiện hữu đến gặp bạn, tương giao với bạn và bạn tự động hồi đáp lại. Như khi nghe những con chim hót líu lo thì bạn cũng bắt đầu cất giọng hát. Mọi sự diễn ra hết sức ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên chim hót, rồi bạn chợt nhận ra mình đã ngân nga từ lúc nào. Đó chính là hành động.
Hành động một cách vô tư là biểu hiện của sự tràn trề năng lượng. Hãy chia sẻ chứ đừng đổi chác hay mặc cả gì.
Bạn càng hành động nhiều thay cho hoạt động, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Khi đó, bạn tuy “làm” nhưng vẫn luôn cảm thấy thảnh thơi.
Bậc giác ngộ không bao giờ mệt mỏi. Vì sao lại thế? Bởi họ không “làm” gì hết. Họ chỉ để tất cả những gì mình có từ bên trong tuôn trào một cách tự nhiên.
“Đừng làm gì cả ngoài việc thư giãn; hãy ngậm chặt miệng lại và im lặng”. Cái miệng có vai trò rất quan trọng, bởi nó là nơi khởi nguồn cho những hoạt động đầu tiên – hít thở, khóc, tìm vú mẹ. Chính vì thế nên Tilopa đề nghị: “Hãy thấu hiểu hoạt động, hành động, thư giãn và… ngậm chặt miệng lại”.
Mỗi khi ngồi thiền hay bất cứ khi nào muốn chìm vào tĩnh lặng, việc đầu tiên bạn cần làm là ngậm miệng lại hoàn toàn. Ngậm miệng lại chẳng có gì là khó. Bạn ngồi im như tượng nhưng điều đó không có nghĩa là các hoạt động hoàn toàn dừng lại. Tâm trí vẫn không ngừng suy nghĩ, khiến cho đôi môi bạn rung rung.
Bậc giác ngộ không bao giờ mệt mỏi. Vì sao lại thế? Bởi họ không “làm” gì hết. Họ chỉ để tất cả những gì mình có tuôn trào một cách tự nhiên.
Nhưng khi bạn thư giãn thật sự, những rung động đó sẽ chấm dứt. Bạn hoàn toàn im lặng, không còn hoạt động nào diễn ra. Vì vậy, “...hãy ngậm chặt miệng lại và im lặng”, đừng suy nghĩ chi nữa.
Ý nghĩ đến rồi đi. Cứ để chúng đến rồi đi như thế, chẳng sao cả. Không cần dính dấp đến chúng. Bạn chỉ cần quan sát tách rời. Hãy ngậm chặt miệng và giữ im lặng. Dần dà, ý nghĩ sẽ tự động ngớt lại bởi chúng chỉ tồn tại khi có sự giúp đỡ của bạn. Nếu bạn cộng tác với chúng, chúng sẽ hiện diện; nếu bạn cưỡng lại, chúng cũng sẽ xuất hiện bởi trong cả hai trường hợp bạn đều thể hiện sự quan tâm đến chúng, cho dù đó là hỗ trợ hay chống đối. Cả hai đều là những biểu hiện khác nhau của hoạt động, do vậy chỉ cần quan sát là đủ.
Ngậm chặt miệng rất có ích.
Trước tiên, như đã từng quan sát ở nhiều người, tôi đề nghị bạn hãy ngáp. Hãy mở miệng càng rộng càng tốt và ngáp thật to cho đến khi bạn bắt đầu cảm thấy đau cả quai hàm. Làm như thế khoảng hai, ba lần – làm vậy sẽ giúp bạn im lặng được lâu hơn. Tiếp theo, hãy nói vớ vẩn thật to chừng hai, ba phút. Nói to thành lời bất cứ ý nghĩ nào xuất hiện trong đầu. Rồi sau đó im lặng.
Thường sẽ dễ hơn nếu chúng ta làm điều ngược lại. Ví dụ, nếu bạn muốn thư giãn bàn tay, trước tiên hãy nắm chặt tay lại, càng chặt càng tốt, rồi thả lỏng. Bạn sẽ cảm thấy thật sự thư giãn. Hãy vặn vẹo thân người, cử động mặt, ngáp hoặc nói vớ vẩn vài ba phút, sau đó ngậm miệng lại. Việc căng cơ như vậy sẽ giúp thư giãn sâu hơn ở môi và miệng. Hãy ngậm chặt miệng và quan sát. Chẳng mấy chốc bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng bao trùm.
Có hai dạng tĩnh lặng. Một là dạng tĩnh lặng áp đặt, nhưng làm vậy thật chẳng hay ho gì bởi bạn đang cưỡng ép tâm trí mình. Còn với dạng thứ hai, sự tĩnh lặng sẽ tự bao trùm lấy bạn, cũng giống như màn đêm phủ xuống vậy. Sự tĩnh lặng đến với bạn và ôm ấp bạn. Bạn chỉ làm mỗi việc là tạo điều kiện cho nó đến với mình, đón nhận nó, và thế là nó đến. Hãy lặng thinh quan sát. Nhưng cũng đừng cố lặng thinh vì nếu làm thế, bạn cũng chỉ ép mình được vài ba giây. Việc này hoàn toàn không có giá trị gì bởi trong lòng bạn vẫn đang sôi sục. Do vậy đừng cố lặng thinh. Bạn chỉ cần làm đất, gieo hạt, rồi chờ đợi.
“Hãy để cho tâm trí trống rỗng và không nghĩ ngợi đến điều gì hết.”
Nhưng làm sao để rũ bỏ mọi ý nghĩ trong tâm trí đây? Khi ý nghĩ đến, chỉ cần quan sát chúng. Và nhớ là hãy quan sát một cách thụ động (khách quan, tách rời, bình thản) chứ không phải chủ động (quyết liệt, vướng chấp)!
Tại sao lại như vậy? Giữa hai điều này có gì khác biệt kia chứ?
Ví dụ như bạn đang chờ người yêu, bất chợt có người đi ngang qua cửa, ngay tức thì bạn chồm lên để xem có phải cô ấy đã đến; hoặc chỉ cần nghe thấy tiếng lá xào xạc trong gió thôi cũng đã khiến bạn nao nao. Thế là bạn đứng ngồi không yên, tâm trí lao xao. Điều đó chẳng có ích chi. Bởi nếu bạn quá hồi hộp, bạn sẽ chẳng thể nào chìm vào tĩnh lặng.
Như khi bạn ngồi cạnh bờ sông bình thản nhìn dòng nước lững lờ trôi, không cần phải háo hức, khẩn cấp hay hối thúc gì. Chẳng ai thúc giục bạn. Bạn chỉ cần quan sát, nhìn ngắm là đủ – nhìn mà không cần phải làm gì. Hãy thản nhiên ngắm nhìn nước chảy, mây trôi. Cái ý nghĩ “Phải làm một điều gì đó” sẽ luôn ám ảnh bạn, thúc giục bạn và biến bạn thành kẻ mong chờ, ngóng trông, nghĩa là đang trong tư thế chủ động. Khi đó, bạn sẽ bỏ lỡ tất cả; rồi hoạt động lại chiếm ngự con người bạn. Hãy là một người quan sát thụ động, khách quan, tách rời. Hãy để cho tâm trí trống rỗng và không nghĩ ngợi đến điều gì hết!
Sự bình thản, khách quan này sẽ tự động làm cho đầu óc bạn trống rỗng. Những gợn sóng của hoạt động, của năng lượng tâm trí dần lắng xuống và toàn thể bề mặt ý thức sẽ trở nên phẳng lặng như mặt gương.
Theo Tilopa thì:
“Toàn thân bạn như là một ống tre rỗng.”
Mỗi bậc thầy đều có phương pháp đặc biệt riêng không chỉ giúp mình mà còn có thể giúp người khác đạt thành. Và đây là một trong những phương pháp đặc biệt của Tilopa: Toàn thân bạn như là một ống tre rỗng.
Khi bạn nghỉ ngơi, bạn có cảm giác mình giống như là một ống tre rỗng. Quả thực như vậy: cơ thể bạn chẳng khác nào một ống tre hoàn toàn rỗng ruột. Da, xương và máu đều là những thành phần bao ngoài của ống tre, còn bên trong là không gian trống rỗng.
Khi bạn ngồi im lặng, bất hoạt, không một ý nghĩ náo động trong tâm trí (quan sát một cách bình thản mà không chờ đợi điều gì), bạn giống như ống tre rỗng. Thế rồi bỗng nhiên một nguồn năng lượng vô hạn bắt đầu được rót vào bạn. Bạn được đổ đầy những điều thiêng liêng, huyền nhiệm chưa từng biết đến. Ống tre rỗng bỗng hóa thành cây sáo và điều thiêng liêng ấy bắt đầu diễn tấu. Một khi bạn trống rỗng, sẽ không còn rào cản ngăn trở những điều thiêng liêng đi vào bạn.
Bạn hãy thử đi – thiền trong trạng thái xem mình là ống tre rỗng – bởi đây là một trong những cách thiền hay nhất, đẹp nhất. Bạn không cần làm thêm gì nữa. Chỉ cần trở thành điều tôi vừa nói là đủ, rồi mọi thứ khác sẽ tự đến. Đột nhiên bạn cảm thấy dường như có gì đó đang tuôn đổ vào khoảng rỗng này. Bạn giống như một cái ổ bụng và một mầm sống mới đang được gieo trong bạn. Khoảnh khắc thảnh thơi, an nhiên tự tại sẽ đến khi cả cây tre hoàn toàn biến mất.
“Toàn thân bạn như là một ống tre rỗng”. Hãy bình thản, buông xả – ngay cả không tham đắm, mơ cầu những điều tâm linh, thiên đường, thậm chí cũng đừng khát khao tìm được Thượng đế. Vì Thượng đế không phải là đối tượng cứ khát khao là tìm thấy, ngay lúc bạn không còn khát khao nữa thì Người sẽ tự động đến với bạn. Bạn cũng không thể khát khao tự do, bởi khát khao vốn là một kiểu ràng buộc. Lúc ít mong cầu nhất chính là lúc bạn tự do nhất. Bạn không thể khát khao trở thành một bậc giác ngộ như Đức Phật, bởi khát khao là một trở lực. Khi mọi rào cản mất đi thì tự động Phật tánh sẽ khởi sinh trong bạn. Trong bạn đã có sẵn hạt giống. Khi tâm trí bạn trống rỗng, nghĩa là có không gian, hạt giống ấy sẽ nảy mầm.
Tilopa nói rằng:
“Toàn thân bạn như là một ống tre rỗng. Không cho và cũng không nhận gì cả, hãy để tâm trí bạn chìm trong an nhiên tự tại.”
Chẳng có gì để cho đi, và cũng chẳng có gì để nhận lại. Mọi thứ tự thân nó đã ổn thỏa rồi. Bản thân bạn đã hoàn hảo lắm rồi!
Giáo huấn phương Đông này đã bị hiểu lầm ở phương Tây, bởi họ nói: “Lời dạy kiểu gì thế nhỉ? Như thế thì làm sao con người còn ý chí phấn đấu nữa? Họ sẽ chẳng thể nào vươn cao hơn trong cuộc sống. Họ sẽ không nỗ lực để thay đổi bản thân hay tu tâm sửa tính. Và họ có thể sẽ trở thành nạn nhân của cái ác”. Trong khi đó, khẩu hiệu của người phương Tây là “Phải không ngừng hoàn thiện mình”. Lúc nào họ cũng bận bịu với câu hỏi “Làm thế nào để hoàn thiện bản thân? Làm thế nào để trở nên vĩ đại hơn?”.
Tuy nhiên, chính nỗ lực “trở thành một điều gì đó” là rào cản đối với bạn. Bạn không cần phải trở thành bất cứ điều gì, tất cả những gì bạn cần là nhận biết mình là ai. Bạn chỉ cần nhận biết con người đang ẩn náu bên trong mình là đủ. Còn hoàn thiện bản thân, dẫu là cải thiện điều gì đi nữa, thì cũng sẽ khiến bạn lâm vào tình trạng lo âu, đau khổ vì mỗi nỗ lực để hoàn thiện bản thân đều dẫn bạn đi sai đường.
Chính nỗ lực “trở thành một điều gì đó” là rào cản đối với bạn. Bạn không cần phải trở thành bất cứ điều gì, tất cả những gì bạn cần là nhận biết mình là ai. Bạn chỉ cần nhận biết con người đang ẩn náu bên trong mình là đủ.
Làm vậy thì tương lai mới có ý nghĩa, mục tiêu mới có ý nghĩa, lý tưởng mới cao đẹp! Nhưng khi đó tâm trí bạn sẽ không ngừng mong cầu.
Mong cầu chỉ khiến bạn bỏ lỡ nhiều thứ. Hãy lắng xuống, hãy trở thành mặt hồ bình lặng, không còn tham đắm; và rồi bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy tâm hồn mình thật thảnh thơi. Bạn sẽ có thể cười vang giống như Bồ Đề Đạt Ma. Những đệ tử của Ngài bảo rằng khi bạn tĩnh lặng, bạn có thể nghe thấy những tràng cười ấy của Ngài. Cho đến bây giờ Ngài vẫn còn đang cười. Ngài cười rằng: “Thật nực cười! Anh đã là chính con người mình muốn trở thành rồi còn gì! Anh gặp thất bại là cái chắc! Làm sao anh có thể trở thành cái con người mà anh đã và hiện đang tồn tại kia chứ?”. Vì thế Bồ Đề Đạt Ma đã cười.
Tương tự như vậy, Tilopa nói:
“Không cho và cũng không nhận gì cả, hãy để tâm trí bạn chìm trong an nhiên tự tại. Bí quyết của phương pháp thiền Đại Thủ ấn(*******) chính là giữ cho tâm trí không vướng vất vào bất cứ điều gì.”
(*******) Đại Thủ ấn (Mahamudra) là một phép thiền quán sát nội tâm nhằm loại trừ tất cả những ảo tưởng.
Khi không còn bám víu vào bất cứ điều gì, bạn sẽ có được nhiều thứ.
“Bí quyết của phương pháp thiền Đại Thủ ấn chính là giữ cho tâm trí không vướng vất vào bất cứ điều gì. Hãy thực hành đi, rồi bạn sẽ giác ngộ thành Phật vào đúng thời điểm.”
Thế bạn cần thực hành điều gì?
Hãy sống an nhiên tự tại.
Hãy chú ý đến giây phút hiện tại nhiều hơn.
Hành động nhiều hơn và bỏ bớt các hoạt động.
Trở nên vô ngã, không vướng chấp và “rỗng” (như ống tre).
Quan sát nhiều hơn – quan sát khách quan và không mong đợi, khát khao điều gì.
Hạnh phúc với con người hiện tại của bạn.
Hân hoan tận hưởng cuộc sống.
Rồi đến lúc chín muồi, bạn sẽ thăng hoa thành một vị Phật.