Sáng tạo là một trạng thái rất trái ngược với ý thức và sự hiện hữu. Đây chính là hành động thông qua phi hành động hay theo cách gọi của Lão Tử là “vi vô vi”, nghĩa là để cho điều gì đó diễn ra thông qua bạn. Đây không phải là một việc làm (mang tính chủ ý) mà là sự cho phép (mang tính khách quan). Bạn trở thành một con đường thông suốt, một ống tre rỗng, để cái Toàn thể tuôn tràn qua bạn.
Chỉ cần cho Người một lối mòn, Người sẽ đến với bạn. Đó cũng là bản chất của sự sáng tạo, tức là để cho Chân lý hiển lộ. Vì vậy, sáng tạo là một trạng thái hòa hợp với quy luật Vũ trụ(********).
(********) Nguyên văn: religious state. Theo tiếng Phạn, dharma có nghĩa là lối sống (way of living) hay Đạo – duy trì sự ổn định và hòa hợp với Vũ trụ, với các nguyên lý tự nhiên. Dharma thường được dịch thành tôn giáo (religion).
Càng suy nghĩ thì bạn càng trở nên giống như vậy. Cái tôi chẳng qua chỉ là những suy nghĩ bạn đã tích lũy trong quá khứ. Khi bạn - tiểu ngã - không còn hiện hữu nữa thì Thượng đế sẽ hiện hữu, và khi đó sáng tạo diễn ra.
Chính vì thế mà nhà thơ gần với Thượng đế hơn là nhà thần học. Vũ công thậm chí còn gần với Người hơn nữa. Trong khi đó, triết gia là cách xa Thượng Đế nhất, bởi càng suy nghĩ nhiều thì bạn càng làm cho bức tường ngăn cách giữa bạn (tiểu ngã) với Toàn thể (Đại Ngã) dày hơn. Càng suy nghĩ thì bạn càng trở nên giống như vậy. Cái tôi chẳng qua chỉ là những suy nghĩ bạn đã tích lũy trong quá khứ. Khi bạn - tiểu ngã - không còn hiện hữu nữa thì Thượng đế sẽ hiện hữu, và khi đó sáng tạo diễn ra.
Sự sáng tạo sẽ đến khi bạn ở trong trạng thái hoàn toàn thư thái, nhưng thế không có nghĩa là cứ thừ người ra, chẳng làm gì hết. Chỉ cần thư giãn, rồi chính sự thảnh thơi, an nhiên tự tại ấy sẽ dẫn dắt cơ thể hành động. Đó không còn là hành động chủ ý của bạn nữa. Giờ đây bạn là một cỗ xe chuyển động dưới sự điều khiển của trạng thái ung dung tĩnh tại. Một nhạc phẩm sẽ qua bạn để ra đời – bạn không phải là người sáng tác, mà nó đến từ một cội nguồn siêu vượt nào đó, lúc nào cũng vậy. Khi bạn sáng tác một bài hát, nó sẽ chỉ là một bài hát bình thường, trần tục. Còn khi bài hát tự đến qua bạn, nó sẽ trở thành tuyệt phẩm, được thổi vào những điều mà ta chưa từng hay biết.
Khi nhà thơ Coleridge(********) nổi tiếng qua đời, ông đã để lại hàng ngàn bài thơ dở dang. Lúc sinh thời, nhiều lần người ta hỏi ông rằng: “Tại sao ông không viết cho xong những bài thơ ấy đi?”, bởi một số bài chỉ còn thiếu có một hoặc hai dòng mà thôi.
(********) Samuel Taylor Coleridge (1772 – 1834): nhà thơ, nhà phê bình và nhà triết học người Anh.
Đáp lại, ông bảo: “Tôi không thể. Khi tôi cố hoàn tất chúng thì lại có điều gì đó thiếu sót, điều gì đó không đúng xảy ra. Ngôn từ không thể nào bắt nhịp được với nguồn thơ đến thông qua tôi. Cứ như có một tảng đá, một rào cản nào đó chặn dòng thơ tuôn chảy. Cho nên tôi phải đợi. Chỉ khi nào mạch thơ tự tuôn trào và hoàn tất bài thơ thì nó mới hoàn thành”.
Suốt cả đời, Coleridge chỉ hoàn tất được có vài bài thơ nhưng đó đều là những tác phẩm siêu mỹ. Bao giờ cũng vậy, khi nhà thơ biến mất, sự sáng tạo sẽ xuất hiện. Khi đó anh ta hoàn toàn được chiếm hữu. Và khi nào bạn được Thượng đế hay Toàn thể chiếm hữu, khi đó sự sáng tạo sẽ xuất hiện.
Simone de Beauvoir(********) từng nói: “Sống là một quá trình vừa duy trì, vừa phát triển vượt trội hơn. Nếu chỉ dừng lại ở mức duy trì, sống như vậy là cầm cự, là cố để không chết.”. Như vậy, người nào không có tính sáng tạo thì chỉ là đang sống dở. Cuộc sống của anh ta không có chiều sâu, không phải là một cuộc sống thật sự mà chỉ là một lời giới thiệu, bởi quyển sách cuộc đời anh ta vẫn chưa bắt đầu. Đúng là anh ta được sinh ra nhưng không thật sự sống.
(********) Simone de Beauvoir (1908 – 1986): nữ văn sĩ, triết gia, nhà hoạt động chính trị, nhà lý luận xã hội và phụ nữ học người Pháp.
Tất cả chúng ta đều được Tạo hóa ban cho một nguồn năng lượng sáng tạo. Năng lượng này chỉ trở nên tiêu cực khi bị cản trở, khi luồng chảy tự nhiên bị ngăn trở.
Khi bạn trở nên sáng tạo, khi bạn để cho sự sáng tạo đến với mình, khi bạn bắt đầu hát bài hát không phải của chính mình thì cuộc sống sẽ cất cánh và thăng hoa. Trong sáng tạo có sự vượt lên, bằng không thì nhiều lắm chúng ta cũng chỉ có thể duy trì cuộc sống hiện tại mà thôi. Bạn sinh ra một đứa trẻ, đó không phải là sự sáng tạo. Bởi bạn sẽ qua đời, còn đứa bé sẽ ở lại và tiếp tục cuộc sống của nó. Nhưng duy trì cuộc sống thôi thì vẫn chưa đủ, trừ khi bạn bắt đầu vượt lên chính mình; và khả năng này chỉ diễn ra khi điều gì đó siêu vượt đến tiếp cận với bạn.
Hãy hành động hài hòa với quy luật tự nhiên, đây là bức thông điệp mà tất cả những nhà huyền môn vĩ đại như Lão Tử, Phật Thích Ca… đều nhắc đến. Loài vật hành động hòa hợp với tự nhiên một cách vô thức, trong khi con người phải chú tâm mới làm được điều đó. Bởi vì con người có ý thức nên họ có thể lựa chọn hành động không hài hòa với tự nhiên – quả là một trọng trách!
Con người, và duy chỉ có con người, mới có trách nhiệm, đó là sự vĩ đại của con người. Chẳng con vật nào phải sống có trách nhiệm, chúng hành động hài hòa với tự nhiên nên chẳng có chuyện lầm đường lạc lối. Loài vật không thể lạc lối vì chúng không có ý thức. Chúng hoạt động cũng giống như cách cơ thể bạn vận hành trong lúc ngủ say.
Khi ngủ say, bạn cũng ở trong trạng thái hài hòa với tự nhiên. Chính vì thế bạn luôn cảm thấy khỏe khoắn, thư giãn sau một giấc ngủ sâu. Nhờ tiếp xúc với cội nguồn sức mạnh trong lúc ngủ, mọi bụi trần, mệt mỏi và chán nản đều tan biến.
Nhưng đó chỉ là cách tiếp xúc với cội nguồn sức mạnh theo kiểu của loài vật – thông qua giấc ngủ. Loài vật kết nối với cội nguồn theo chiều ngang (tư thế ngủ), còn con người thì kết nối theo chiều đứng. Để ngủ ngon giấc, bạn phải nằm xuống chứ không thể ngủ đứng. Trong tư thế nằm ngang, song song với mặt đất, bạn sẽ bắt đầu buông trôi ý thức và không còn gánh vác trách nhiệm gì.
Do đó Sigmund Freud(********) đã chọn chiếc ghế trường kỷ cho bệnh nhân. Ông làm thế không phải để bệnh nhân cảm thấy thoải mái mà là có chiến lược hẳn hoi. Một khi đã nằm xuống, anh ta sẽ bắt đầu buông bỏ mọi trách nhiệm. Bệnh nhân sẽ không tự thốt ra những điều vô thức trừ phi anh ta cảm thấy được tự do, thoải mái để nói mọi điều. Trong tư thế đứng, nghĩa là vẫn tỉnh thức và vẫn còn trách nhiệm, anh ta sẽ không ngừng suy xét xem mình có nên bộc bạch hay không. Nhưng khi đã nằm trên ghế trường kỷ, còn nhà phân tâm học thì ngồi phía sau, đột nhiên bệnh nhân không còn cảm thấy trách nhiệm gì nữa. Anh ta bắt đầu tuôn tràn những điều chưa từng tiết lộ với bất kỳ ai. Anh ta nói những điều xuất phát từ sâu trong vô thức – vô thức bắt đầu trỗi dậy.
(********) Sigmund Schlomo Freud (1856 – 1939): bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được xem là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực phân tâm học.
Một khi không còn cảm thấy vướng bận trách nhiệm, bạn sẽ trở về với trạng thái tự nhiên. Phương pháp trị liệu tâm lý này mang lại lợi ích rất lớn, nó giúp bạn tìm về cảm giác thư thái. Tất cả những gì bạn dồn nén bấy lâu sẽ trồi lên, rồi tan biến. Liệu pháp phân tâm học giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn, tự nhiên hơn và hòa hợp với tự nhiên, với chính mình. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa của sự khỏe mạnh.
Nhưng đây là hình thức đi lùi, tức là thoái lui. Có một cách khác sẽ giúp bạn vượt lên. Cách đó không phải của Sigmund Freud mà là của Đức Phật. Bạn có thể vượt lên chính mình bằng cách tiếp xúc có ý thức với tự nhiên.
Hãy sống hài hòa với tự nhiên, với nhịp điệu của Vũ trụ bởi đó chính là tinh hoa của sự thông thái. Mỗi khi bạn hòa hợp với nhịp điệu tự nhiên của Vũ trụ, bạn sẽ trở thành nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ hoặc vũ công.
Cứ làm thử xem. Một lúc nào đó, bạn hãy ngồi xuống bên gốc cây và bắt nhịp với tự nhiên. Hãy hòa nhập vào thiên nhiên, để cho những rào cản tự biến mất. Hãy trở thành cái cây, ngọn cỏ, cơn gió... Rồi đột nhiên bạn sẽ cảm nhận được điều gì đó chưa bao giờ xảy đến với mình trước đây. Trong mắt bạn, mọi thứ trở nên rực rỡ hơn: cây cối xanh tươi hơn, những bông hồng cũng tươi thắm hơn và vạn vật dường như tươi sáng hơn. Bạn muốn cất tiếng hát mà chẳng biết lời hát ấy từ đâu phát ra. Đôi chân bạn cứ nhấp nhổm muốn nhảy, bạn cảm nhận được nhịp điệu rộn ràng trong từng mạch máu của mình. Thậm chí bạn có thể nghe thấy tiếng nhạc từ nội tâm và từ cả thế giới bên ngoài.
Đó là lúc tâm hồn bạn tràn ngập sự sáng tạo. Có thể nói bản chất của sự sáng tạo là hài hòa với tự nhiên, đồng điệu với cuộc sống, với Vũ trụ.
Lão Tử đã đặt cho trạng thái này một cái tên rất đẹp: vi vô vi, nghĩa là hành động thông qua phi hành động. Đây là sự trái khoáy của sáng tạo. Khi bạn nhìn thấy một họa sĩ đang vẽ, không nghi ngờ gì cả, người ấy đang hành động, hành động một cách điên cuồng – bản thân anh ta là hành động; hoặc khi bạn nhìn thấy một vũ công đang nhảy múa, lúc đó anh ta cũng là hành động. Tuy nhiên, tận sâu bên dưới những hành động đó không hề tồn tại một diễn viên, hay người hành động nào, mà chỉ là sự tĩnh lặng. Chính vì thế tôi mới nói sáng tạo là một trạng thái ngược đời.
Hãy sống hài hòa với tự nhiên, với nhịp điệu của Vũ trụ bởi đó chính là tinh hoa của sự thông thái. Mỗi khi bạn hòa hợp với nhịp điệu tự nhiên của Vũ trụ, bạn sẽ trở thành nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ hoặc vũ công.
Mọi trạng thái đẹp đẽ đều chứa đựng trong đó sự đối ngẫu. Càng lên cao, bạn càng đi sâu vào điều ngược lại so với thực tế. Đỉnh cao của hành động đi liền với đỉnh cao của sự thư thái, tĩnh tại – một hành động vĩ đại đang diễn ra ở bề mặt sẽ tương ứng với sự tĩnh lặng từ sâu thẳm tâm hồn, hay nói cách khác, không có gì đang diễn ra. Đừng luồn luỵ trước sức mạnh của bản thân mà hãy trao gửi bản thân cho nguồn sức mạnh siêu việt thanh cao hơn chính bạn, rồi sáng tạo sẽ đến. Vì thế, thiền là một trạng thái sáng tạo.
Khi bản ngã mất đi, những khổ đau trong bạn cũng tan biến. Bạn cảm thấy tâm hồn mình trở nên lành lặn và toàn vẹn. Bản ngã chính là cội nguồn của bệnh tật, đau khổ. Một khi nó biến mất, bạn sẽ không còn trì độn, mê mụ nữa mà bắt đầu tuôn chảy. Bạn sẽ chảy hòa cùng luồng chảy mênh mông của sự Tồn tại.
Khi bạn nhìn thấy một họa sĩ đang vẽ, không nghi ngờ gì cả, người ấy đang hành động, hành động một cách điên cuồng – bản thân anh ta là hành động; hoặc khi bạn nhìn thấy một vũ công đang nhảy múa, lúc đó anh ta cũng là hành động. Tuy nhiên, tận sâu bên dưới những hành động đó không hề tồn tại một diễn viên, hay người hành động nào, mà chỉ là sự tĩnh lặng. Chính vì thế tôi mới nói sáng tạo là một trạng thái ngược đời.
Norbert Weiner, nhà toán học nổi tiếng người Mỹ, từng nói: “Chúng ta không phải là thứ chất liệu mãi chây ì một chỗ, mà chúng ta là những mẫu hình biết tự duy trì, là những xoáy nước trong dòng sông muôn đời tuôn chảy”. Thế thì bạn không phải là bản ngã mà là một sự kiện, một chuỗi những sự kiện – và bản ngã chỉ là một phần trong đó. Bạn là một quá trình chứ không phải là một điều gì đó. Ý thức vốn không phải là một điều gì đó mà là một quá trình, tuy nhiên chúng ta lại xem nó là một điều gì đó. Khi bạn gọi nó là “Tôi”, tức thì nó trở thành một điều gì đó – được xác định, bị giới hạn, mê muội, tù đọng; đó cũng là lúc một bản ngã được sinh ra, và thế là bạn bắt đầu chết mòn.
Bản ngã chính là cái chết của bạn, và cái chết của bản ngã là sự khởi đầu cho cuộc sống đích thực. Một cuộc sống thật sự chính là một sự sáng tạo.
Bạn không cần phải đến bất kỳ trường lớp nào để học lấy sự sáng tạo. Tất cả những gì bạn cần làm là hướng nội và giúp cho bản ngã tan biến. Đừng ủng hộ nó, đừng nuôi dưỡng hay làm cho nó mạnh lên. Khi bản ngã biến mất, mọi thứ đều là chân lý, đều đẹp đẽ. Rồi mọi sự diễn ra đều sẽ tốt đẹp.
Tôi không có ý nói rằng tất cả các bạn đều sẽ trở thành Picasso hay Shakespeare. Một số ít các bạn sẽ trở thành họa sĩ, số khác sẽ trở thành ca sĩ, nhạc sĩ hay vũ công. Mỗi người sẽ sáng tạo theo cách riêng của mình. Bạn có thể sáng tạo khi là một đầu bếp hoặc khi làm công việc quét đường.
Khi đó, bạn không còn cảm thấy nhàm chán trong cuộc sống nữa. Bạn trở nên sáng tạo trong mọi việc, dù là rất nhỏ. Ngay cả công việc quét dọn cũng mang tính thiêng liêng, chẳng khác gì một nghi lễ thờ phụng, một buổi cầu nguyện. Vì vậy, bất cứ việc gì bạn làm cũng đều có âm hưởng của sự sáng tạo.
Chúng ta không cần có quá nhiều họa sĩ để làm gì, bởi cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn nếu có quá nhiều họa sĩ! Cũng không cần có quá nhiều thi sĩ bởi chúng ta còn cần đến người làm vườn, nông dân nữa; tóm lại là đủ mọi loại người. Tuy vậy, mỗi người đều có thể sáng tạo trong cuộc sống. Khi một người chìm sâu vào trạng thái an định tinh thần và trở nên vô ngã, Thượng đế sẽ bắt đầu tuôn đổ năng lượng qua anh ta.
Bạn không cần phải trở nên nổi tiếng. Người thật sự sáng tạo sẽ không mảy may quan tâm đến sự nổi tiếng bởi anh ta không cần. Tự thân công việc đã khiến anh cảm thấy vô cùng viên mãn rồi; và anh hài lòng về những gì mình đang làm, cũng như nơi mình đang ở, đến độ chẳng còn khát khao gì hơn nữa. Khi bạn sáng tạo, những ham muốn sẽ biến mất. Khi bạn sáng tạo, những tham vọng sẽ biến mất. Khi bạn sáng tạo, bạn đang được là chính con người mà bạn vẫn luôn mong muốn trở thành.