1. Con nít đến là khó hiểu
Khi bắt đầu làm quen với con, mẹ biết - trên lý thuyết - ngôn ngữ duy nhất của con là tiếng khóc. Đói khóc. Ướt khóc. Buồn ngủ cũng khóc. Mẹ hay trấn an con. Đói - thì sữa đây. Ướt - mẹ thay tã. Buồn ngủ - thì cứ thế mà ngủ thôi. Sao phải khóc hè? Vậy mà vẫn khóc. Dĩ nhiên, làm sao mà mẹ hiểu, khi mẹ có đứa con đầu tiên. Làm sao một người lúc nào cũng cười lại có thể đón nhận ngay tức khắc - một người lúc nào cũng khóc dễ dàng như thế được? Làm sao để hiểu khóc kiểu này là nhõng nhẽo, khóc kiểu kia là đau, kiểu nọ là buồn, kiểu kìa là sợ, là đói, là ướt…? Mẹ phải mò mẫm học ngôn ngữ mới như thế và tập quen với con từ từ như thế. Chuyện khó hiểu nhất có lẽ là… con thức đêm. Dỗ kiểu gì con cũng không nín, thường phải bế và ngủ trên tay. Và con cũng không tự nhiên ngủ mà phải có người ru. Mẹ ru bằng sữa. Ngoại ru bằng những bài hát thời của ngoại. Út không biết hát, cũng không có sữa. Út ru bằng cách bế con trên tay đi lòng vòng và đọc rap. Còn với ba, ba là một điều rất khó hiểu. Rất nhiều lần con khóc, ba không làm gì cả, chỉ ôm con vào lòng và yên lặng. Vậy mà con yên và ngoan đến lạ lùng. Không biết ngực ba ấm? Lòng ba an? Hay vì con vòi ba? Mẹ cứ phải thắc mắc nhiều là vì thế.
Có lần đi dạo, mẹ mang về cho con một chiếc giày để con chơi trò đôi giày vạn dặm. Chiếc giày có hình con Gorilla. Con Gorilla nhìn cũng hung dữ con nhỉ? Thế mà con nắm cái mũi nó rất thản nhiên. Trong khi trước đó vài ngày, mẹ mang về một con hươu cao cổ thì con lại sợ hãi khóc thét lên. Dì Út đã ngạc nhiên kinh khủng: “Sao con vượn ghê vậy em không sợ, em lại đi sợ con hươu cao cổ hiền lành?”. Mà lần nào nhìn thấy con hươu con cũng sợ mới lạ chứ. Mẹ và Út ngồi suy nghĩ một hồi rồi kết luận: “Chắc Bột sợ con hươu vì nó cao hơn Bột, hihi”.
Lúc đó con 7 tháng 5 ngày. Dài 73 cm, nặng 7,9 kg.
Làm sao mẹ có thể kể hết về những điều khó hiểu của các con. Ví dụ con hay cười nhưng chỉ cần đưa máy chụp hình lên là nụ cười tắt ngúm, vì sao con không thích massage, vì sao vừa thấy thau nước là con nhảy chồm chồm trên tay mẹ, vì sao ngồi trong thau tắm con lại kêu lên á á, rồi há thành những tràng dài đầy phấn khích, nghe rộn rã cả căn nhà.
Bao nhiêu cái vì sao hiện lên trong đầu mẹ tới tận giờ. Và mẹ hiểu mỗi khi trả lời được một câu hỏi vì sao, tức là mẹ gần con thêm chút nữa. Cũng có những “vì sao” mẹ không thể trả lời ngay được, nhưng điều đó không làm mẹ xa con hơn - nó chỉ làm mẹ không ngừng suy nghĩ về con.
2. Bất ngờ òa khóc
Mẹ không nhớ mẹ phát hiện ra Bột thích vẽ từ khi nào, nhưng con vẽ miệt mài. Nhà chúng ta từ các bức tường đến bàn ghế, sách vở, giấy lịch,… đầy các bức vẽ của con. Con cũng giống như các em bé khác khi vẽ người, đầu bao giờ cũng tròn, thân hình chữ nhật, có khi hình ovan, tay chân là bốn cái que. Những hình vẽ người đầu tiên của con chỉ có một con mắt trên gương mặt, và từ từ, gương mặt mới bắt đầu có đầy đủ mắt mũi miệng.
Gạo vẽ hình, vẽ đường nét rất sinh động. Bột thì tô màu rất đẹp. Nhiều lúc mẹ không biết nên để các màu sắc đứng chung với nhau như thế nào, nhưng khi nhìn tranh của con, mọi thứ đẹp một cách không ngờ. Sau này lớn lên, con bảo: “Tại con là con mẹ nên mẹ thấy tranh đẹp”. Ừ, có thể. Nhưng thực ra mẹ thấy tranh của trẻ em, tranh nào cũng đẹp con à. Chỉ là mẹ có thời gian gần gũi con, hỏi han con, quan sát con, nhìn cả diễn tiến bức tranh của con nên mẹ càng thấy nó đẹp hơn. Mẹ chưa đủ thời gian để nhìn thấy vẻ đẹp của những bức tranh khác, ngoài cảm nhận đầu tiên khi nhìn ngắm. Nhưng mẹ nghĩ mỗi bức tranh, dù là tranh của trẻ con, đều có lịch sử, có cuộc sống, có sự hình thành của nó. Mẹ thích dõi theo bức tranh để hiểu con nghĩ gì khi con vẽ chúng. Và mẹ có dịp để hiểu con…
Một ngày nọ, mẹ hì hụi chọn những bức tranh của con, hì hụi bo lại, bí mật đặt khung, nhờ ba khoan tường rồi dùng để trang trí lại căn phòng cho con. Và rồi, khi mồ hôi còn chưa ráo, mẹ sung sướng chạy xuống cầu thang nói với con: “Bột, mẹ có một bất ngờ dành cho con! Rồi nhắm mắt lại theo mẹ”. “Rồi, bây giờ mở mắt ra”. Thật bất ngờ! Con bất ngờ, nhưng mẹ càng bất ngờ hơn, khi con nhìn những bức tranh treo trên phòng của mình và… òa khóc đòi tháo xuống. Bất ngờ thật! Mẹ lúi húi tháo hết, trả mọi thứ về như cũ. Đó có lẽ là một trong những lần mẹ bối rối nhất. Con gái, hóa ra không phải lúc nào mẹ nghĩ điều gì đó tốt cho con thì là điều tốt. Không phải cứ nghĩ đó là điều con thích thì con sẽ thích. Mẹ nghĩ thế giới của trẻ em mênh mông thật, và mẹ cứ phải thám hiểm từ từ như thế. Như thể không phải lúc nào một cộng một cũng bằng hai.
Lúc đó Bột chừng ba tuổi.
Bây giờ con vẫn thích vẽ, vẫn vẽ nhiều, và vẫn… không thích treo tranh, không thích ai đứng bên cạnh quan sát mình khi vẽ. Khi cô giáo đề nghị dùng một bức tranh để triển lãm, Bột không hào hứng chút nào. Khi lớp trưng bày tranh, con cũng không xuất hiện để xem. Thôi thì, có thể Bột không phải là người giỏi hòa nhập. Có thể con thích bày tỏ cảm xúc, câu chuyện của mình qua màu sắc, nhưng không thích chia sẻ với ai.
Câu chuyện ngày xưa, giờ nhớ lại, mẹ nghĩ có thể lúc ấy mình quá hào hứng với một viễn cảnh mới mẻ, thú vị, nhiều màu sắc… mà quên rằng đôi khi, cái mới sẽ mang đến cảm giác không an toàn. Có thể khi nhìn một căn phòng mới, Bột đã cảm thấy không còn thân thuộc, không còn an toàn nữa. Có phải đó là nguyên nhân của những giọt nước mắt ngày xưa, hay còn phức tạp hơn, mà mẹ chưa hiểu kịp dẫu đã sáu năm trôi qua?
3. Bột mười lần
Một đặc điểm nổi bật của Bột là khi yêu cầu con làm gì đó, mẹ phải nói và lặp đi lặp lại cả chục lần con mới nhúc nhích. Một hôm mẹ dọa:
- Bột, nếu mẹ kêu con một lần không được, từ nay mẹ sẽ gọi con là Bột mười lần.
Nàng sa sầm nét mặt:
- Mẹ không thích con đặt điều kiện với mẹ, tại sao mẹ lại đặt điều kiện với con?
Mẹ giật mình.
- Vậy tại sao bao giờ mẹ cũng phải nói mười lần hoặc hơn con mới hiểu?
Bột vùng vằng:
- Con muốn làm gì con làm, không ai bắt được con.
- Đồng ý, nếu điều con làm không gây ảnh hưởng đến người khác…
Rồi con đưa ra một lô lốc các lý lẽ khác nữa để tranh luận với mẹ, nhưng đã đến giờ đi làm nên mẹ đành kết thúc câu chuyện bằng cách:
- Mình sẽ tiếp tục câu chuyện vào chiều nay lúc mẹ đi làm về nhé. Giờ mẹ đi làm đây. Mẹ yêu Bột.
Và thật bất ngờ khi bạn nhanh nhảu đá qua một hướng khác:
- Mẹ yêu Bột thì mẹ ở nhà với Bột đi, mẹ đừng đi làm nữa.
Trời sao con có thể liến láu và dễ thương như vậy hả Bột? Mẹ làm gì có khả năng để tranh luận nổi với con đây?
Khi ấy Bột năm tuổi.
4. Tập nói
Sáng nay Nếp dậy sớm trong khi mẹ vẫn còn mắt nhắm mắt mở. Từ bé đến giờ vẫn vậy, phản xạ đầu tiên của con khi mở mắt ra là nhìn mẹ cười toe loe toét loét. Sáng nay không chỉ nhìn mẹ cười, con còn khuyến mãi thêm một cái vuốt nhẹ trên má nữa. Lạ chưa. Có phải vì cả chục ngày nay mẹ không ngủ với con không? Sáng nay thương quá chịu hổng nổi nên vuốt má mẹ đúng không? Đêm qua mẹ về thì con đã ngủ. Lát sau, mẹ nghe có tiếng khóc thút thít đầy hờn dỗi trong giấc ngủ. Thương quá, mẹ ôm chặt con vào lòng, lập tức nín khe. Nhìn con ngủ bỗng dưng mẹ trào nước mắt.
***
Rồi con lớn dần, có những hôm phải làm việc đêm, mẹ thường năn nỉ con lên ngủ trước. Bao giờ con cũng vừa lên cầu thang vừa mếu máo:
- Lát mẹ lên mẹ bế con qua (phòng mẹ) nha mẹ.
Sáng mở mắt mà thấy mẹ là con mừng rõ rệt. Chui vào giữa ba với mẹ, đắp chung một cái mền nói:
- Đuôi mẹ nóng quá.
Mẹ ngạc nhiên hỏi.
- Đuôi là gì?
- Đuôi nè.
Trời đất. Đây là cái đùi cô gái à. Tẽn tò cười.
5. Thời kỳ hồng, thời kỳ xanh
Nếp làm mẹ bất ngờ vô cùng khi một ngày nhìn ly cà phê trên bàn của bà nội và nói:
- Cà phê.
Ái chà, mẹ có bao giờ dạy chữ “cà phê” cho con đâu.
Dạo này con có vẻ biết rất nhiều thứ. Mẹ bảo hái cho mẹ một chiếc lá vàng, Nếp hái lá trầu bà vàng. Mẹ nói, hái cho mẹ chiếc lá xanh, con liền hái lá trầu xanh. Chỉ cho mẹ cây cau, con chỉ đúng cây cau. Mẹ bồng lên, con hái luôn một tẹo lá cau bỏ vô miệng nhai nhóp nhép nhất định không chịu nhả. Con có vẻ thích nhai nhai cái gì đó.
Lúc này, Nếp đang ở giai đoạn mà ai bảo gì cũng làm. Mẹ kêu hôn mẹ, con nhảy bổ vào người mẹ rồi hôn làm sao lại trúng cái răng. Mẹ đau mà Nếp không khóc tiếng nào mới ghê. Mẹ kêu hôn ba, con nhào tới hôn ba.
Ba ôm vào lòng kêu lên, đã quá. Không có nụ hôn nào ngọt ngào và đáng yêu hơn nụ hôn bé bỏng này. Vậy mà ba con cũng còn đủ tỉnh táo để kéo mẹ từ trên mây xuống:
- Thời kỳ nói gì cũng nghe, biểu gì cũng làm là thời kỳ hồng. Qua thời kỳ hồng này là đến thời kỳ xanh (xanh cốm) - là đoạn không nghe cái gì, không làm cái gì, chỉ làm điều mình muốn thôi đó nha.
Em nào mà chẳng tới giai đoạn phát hiện ra điều kỳ diệu: Chẳng những mình có thể làm theo ý muốn của người khác mà mình có thể làm theo ý muốn của mình nữa.
Đoạn đường ai cũng qua thôi!
6. Chân không giày
Hồi mới đi học - bạn nào cũng mất viết, mất sách, mất gôm, mất thước, mất bút chì. Chuyện thường. Mỗi ngày mẹ đều nghe con thông báo mất một món gì đó. Hôm nay, mẹ đến trường, thấy Bột đang nhảy lò cò với một chiếc giày. Chiếc giày kia đã mất không biết ở đâu. Mở một cuộc truy tìm, thậm chí cả thùng rác, vẫn không thấy.
Vậy là hôm nay mất đến giày. Chân không ra về vậy.
7. Lần đầu tiên Nếp bị đét vào mông
Nếp bị đét vào mông lần đầu lúc 1 tuổi 2 tháng. Tối hôm đó, sau hai ngày con trở chứng ăn uống khó khăn, mẹ vừa pha ly sữa đem lên, con hất một phát đổ đầy nhà. Mẹ vừa mệt, vừa bực mình và bắt đầu bùng nổ. Quát một trận, đét vào mông một cái. Con òa khóc nức nở.
Giờ nghĩ lại, hẳn là con mọc răng hay gì đó hơi khó chịu. Trẻ con nào lại chẳng có những ngày khó chịu đến khó chiều. Giờ đi ngủ còn đòi bế ra ban công ngắm mưa cho ướt. Mắc tè rùng mình mẹ bế đi tè nhất định không chịu, khóc cho ộc ra hết mới thôi.
Hỏi sao mẹ không quát?
Để rồi sau mỗi lần nóng nảy la con, là mỗi lần mẹ nặng lòng. Sao mẹ không thể nhẫn nại hơn? Lẽ ra, mẹ có thể dỗ dành con. Lẽ ra mẹ có thể thu hút sự chú ý của con sang điều khác như mẹ vẫn làm. Nhưng rồi mẹ đã la con. Nói theo lời ba, thì năng lực của mẹ rất giới hạn!
Mẹ cũng thấy mình giới hạn. Mà thôi, mẹ cũng nên tha thứ cho mình, ai mà không có giới hạn kia chứ!
8. Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Nếp ngưng bú mẹ cả tháng rồi và cũng bắt đầu ngủ một mạch đến sáng, chỉ có điều ngủ rất trễ. Có khi nằm lăn lộn đến cả 11 giờ. Mấy ngày nay có gì đó làm con trăn trở sao? 11 giờ đi ngủ, 2 - 3 giờ lại thức dậy. Bữa nào ngủ sớm, mẹ chưa kịp mừng thì nửa đêm con lại dậy. Chắc chắn có gì đó làm con xáo trộn. Nhưng rồi mẹ thấy đôi chút an tâm khi buổi sáng con vẫn cùng mẹ ra công viên hái bông cỏ, nhặt lá sa kê, lá đa,… Đó là những buổi sáng rất tinh sương. Con có vui không? Cuộc sống có nhiều điều làm mẹ âu lo, hãy giúp mẹ vượt qua nhé, ba đứa con của mẹ!
Và rồi mẹ nhận ra những ngày con trằn trọc, trăn trở, khó ngủ, thường là dấu hiệu của một đợt bịnh, hay ít nhất là một thay đổi nào đó trong cơ thể, mọc răng chẳng hạn. Và đợt khó ngủ này thì là giọng bị khan, miệng bị lở. Vậy mà cứ hát đi hát lại hát mãi bài “Em sẽ là mùa xuân của mẹ”. Không phải kiểu hát bình thường, mà đầy vẻ kích động. Mẹ năn nỉ, dọa dẫm, đánh lạc hướng đủ kiểu mà vẫn cứ hát. Hát đến khi lên giường ngủ. Hát tiếp cho đến khi im bặt. Và thiếp ngủ.
9. Con làm gì vào giờ tập viết?
Gạo học lớp Một. Thuận tay trái. Không được học chữ trước. Lại ít tập trung trong giờ học - nghĩa là đang tập trung vào một điều gì đó khác. Vì vậy cô giáo con hay than phiền con chậm. Tội nghiệp cô giáo, nhiều khi phải xuống tận bàn con nhắc nhở. Đôi khi các bạn đã viết xong bài, con vẫn chưa bắt đầu.
Một lần đến đón con, mẹ thấy các bạn đã ra về gần hết, chỉ có con vẫn đang đứng trên bàn cô giáo làm bài. Nửa tiếng sau con mới được ra về. Mẹ hỏi:
- Tại sao các bạn về hết còn mỗi con ở lại?
- Tại con làm không kịp bạn.
- Tại sao làm không kịp?
- Tại vì giờ Toán con phải viết chính tả.
- Vậy chứ giờ chính tả con làm gì?
- Con tập viết.
- Vậy giờ tập viết?
- Con nghĩ về Maleficent*.
(*) Nhân vật chính trong phim Maleficent - một phiên bản rất thú vị của truyện cổ tích Nàng công chúa ngủ trong rừng.
- Con nghĩ gì?
- Con cứ nghĩ chắc nàng buồn lắm khi không còn cánh nữa.
Mẹ còn nói được gì trước câu trả lời của con, ngoài việc ôm con vào lòng thủ thỉ:
- Ừ, mẹ cũng nghĩ chắc là nàng buồn lắm.
10. Con chó kia buồn
Từ nhà mình ra công viên chừng 500 mét có lẻ, nhưng với tốc độ la cà của hai mẹ con mình thì cái công viên nhỏ xíu ấy là cả một thế giới. Hai bước con ghé ngửi một chiếc lá, ba bước cúi nhặt một cành hoa, dăm bước săm soi một viên sỏi. Lúc con ghé cây bàng nhặt lá, lúc thì nhặt trái, lúc tạt qua cây ngọc lan lượm hoa, mỏi chân thì ngồi bệt dưới gốc mận. Con đi ngang đi dọc qua giàn hoa giấy, ghé hái trái trứng cá, đi đông đi tây ta bà đủ kiểu… Chừng đó là đủ mất cả giờ đồng hồ của mẹ con mình.
Một ngày trời vừa mưa xong, mẹ con mình đi ngang cây phượng vĩ, con nhìn thấy hai chú chó. Chú chó trắng cứ chạy theo chơi mà chú chó đen cứ bỏ đi trong im lặng. Nếp nhìn và nói:
- Con chó kia buồn!
Mẹ hỏi:
- Con nào vậy con?
- Con chó trắng đó.
- Sao nó buồn vậy con?
Nếp không trả lời lại nói:
- Nếp không buồn đâu mẹ.
Rồi con lại nói tiếp:
- Con chó kia buồn!
- Con trắng hay con đen?
- Con đen đó mẹ.
Mẹ hiểu là con chó trắng không được chơi nên buồn đã đành. Còn con chó đen không thèm chơi với con chó trắng, sao nó cũng buồn luôn?
Sao con nhìn thấy nỗi buồn của hai con chó hả Nếp?
Con không đi ta bà trong công viên nữa, chỉ đứng nhìn bọn chó rất lâu. Nhìn chú chó trắng nằm xuống đất nói:
- Nếp nằm giống con chó luôn.
Mẹ đang lăn tăn không biết con sẽ nằm như thế nào, vì đất vẫn còn ẩm ướt sau cơn mưa đêm qua. Thời may, chú chó đứng dậy đi lại vũng nước mưa. Thế là bạn Nếp quên luôn ý định nằm bẹp xuống đất cùng chó mà đi theo nhìn chú chó uống nước.
Mẹ thở phào.
11. Sao con dế nó kêu hoài vậy mẹ?
Ba đi công tác, tối ngủ Nếp cứ nằm thao thức:
- Mẹ, sao con dế nó kêu hoài vậy mẹ?
Không biết trả lời sao, mẹ đành lấp liếm:
- Mẹ đoán là dế chúc con ngủ ngon.
Im lặng một giây, lại nghe tiếng gáy. Con lại hỏi:
- Sao con dế nó kêu hoài vậy mẹ?
Mẹ nói:
- Dế ơi, ngủ đi, Nếp chúc dế ngủ ngon đi con.
Dế im lặng một lát, mẹ dỗ:
- Dế im lặng như vậy chắc là Dế ngủ rồi, Nếp ngủ đi.
Té ra dế chỉ im bặt một chút thôi, rồi lại gáy - gáy cả đêm thì phải, hay là trong mơ mẹ vẫn nghe thấy tiếng gáy. Có phải vì tiếng dế kêu lên đột ngột hay không mà Nếp đang ngủ giật mình khóc thét. Mẹ ôm chặt Nếp vào lòng cho con đỡ giật mình. Sáng dậy mẹ hỏi:
- Nếp ơi, sao đêm qua khóc vậy con?
Con không trả lời, chỉ nói:
- Hôm nay, Nếp không khóc nữa đâu mẹ.
Một lát, con lại nhìn mẹ nói:
- Hôm nay, Nếp không khóc nữa đâu mẹ.
Giọng điệu của con nghe như lời trấn an mẹ vậy. Đêm qua khi ôm con, mẹ nghĩ thầm, sao con mong manh quá vậy con. Nhưng hôm nay nhìn cách con trấn an mẹ, bỗng dưng mẹ giật mình: “Phải chăng người mong manh chính là mẹ? Có vẻ như người đang dựa vào người kia chính là mẹ thì phải”.
Nếp lại quay sang mẹ hỏi:
- Mẹ, mà sao con dế nó kêu um sùm vậy mẹ?
Chắc phải học thêm tiếng dế rồi tự hỏi nó thôi con nhỉ?
12. Thanh minh
Mỗi lần xem phim hay kịch mà mê một nhân vật hoặc một câu thoại nào đó, Bột, Gạo cứ nhắc đi nhắc lại hoài. Một lần, hai bạn coi vở kịch gì không nhớ, nhưng về nhà cứ đọc hoài một câu: “Đi ra, đi vô, đi về”. Bạn Nếp chỉ lắng nghe thôi không nói. Lát sau, mẹ nghe bạn Nếp “biên tập” thành: “Đi ra, đi vô, đi tè”. Trời, giọng bạn hài kinh khủng!
Rồi khi nghe câu: “Út yêu cô giáo Út nhiều”, Nếp chế ra thành: “Út kêu cô giáo Út tè”.
Nhắc đến chuyện đi tè, mẹ nhớ buổi chiều dẫn Nếp đi loanh quanh trong hẻm, bạn ấy tè dầm (rất hiếm khi dù con thường ham chơi đến mức khi nào chịu hết nổi mới đi). Mẹ chưa kịp nói gì, đã nghe bạn ấy “thanh minh, thanh nga” rằng:
- Nếp tè. Chịu hổng nổi.
Nghe thương ghê. Mà mẹ có nói gì đâu chứ.
13. Kệ em
Nhiều trong số những lần “khóc lóc, khóc nhè, khóc ướt cái bánh tráng mè” của Gạo là vì con bị chê. Vẽ tranh bị chê. Tô màu bị chê. Đi tắm bị chê.
Có một lần con nói:
- Mẹ, hồi nãy chị Hương chê tranh con. Con định khóc nhưng con vẽ đường thẳng lại và nói: “Kệ em. Chị vẽ gì chị vẽ, em vẽ gì kệ em”.
Mẹ ngạc nhiên quá hỏi lại:
- Sao con vượt qua chuyện bị chê hay vậy?
Con im một hồi rồi nói:
- Mẹ nhớ chuyện chú sư tử bị gọi là thằng râu ngô mà hồi trước mẹ đọc con nghe không? Lần nào bị chọc là đồ râu ngô, chú cũng đánh nhau với bạn. Và ngày nào người chú cũng lem luốc tả tơi. Một hôm, ba chú hỏi chuyện và dạy cho chú biết cách đối phó với bạn. Rồi chú lại bị ghẹo thằng râu ngô. Thay vì lao vào đánh bạn, sư tử nói: “Ừ, râu ngô thì đã sao?”, bạn chú ngạc nhiên đến mức không biết tiếp tục ghẹo chú thế nào. Và từ đó về sau, chúng không gọi sư tử con là râu ngô nữa.
Mẹ ngạc nhiên quá đỗi vì câu chuyện ấy đã lâu thiệt lâu rồi mà sao con vẫn nhớ.
14. Sao con hỏi mà con kiến không trả lời hả mẹ?
Sau hai ngày cuối tuần ở nhà, đêm trước khi đi học lại, mẹ đề nghị Gạo chuẩn bị bài vở. Con lần khần không biết sách tiếng Việt để đâu, sách Toán ở đâu. Con bắt đầu lôi hết các chồng sách ra để tìm. Mỗi cuốn con lôi ra, đọc đọc, dòm dòm rồi thấy không phải. Giờ đi ngủ đã đến mà con chưa chuẩn bị được gì. Mẹ bắt đầu nóng nảy, bực mình, bỏ đi ngủ trước. Lát sau, con lên hôn chúc mẹ ngủ ngon. Ra khỏi phòng rồi không hiểu sao con còn tần ngần đứng trước cửa hỏi vọng vào:
- Mẹ ơi, sao con hỏi con kiến mà con kiến không trả lời?
Mẹ hỏi:
- Con hỏi con kiến cái gì?
- Con hỏi, kiến ơi, tại sao mọi người lại yêu quý bạn.
Mẹ sững sờ. Rất lâu. Mẹ biết gì về sự nhẫn nại? Mẹ biết gì về lòng yêu quý? Mẹ biết gì về con?
15. Con chỉ thích học cô Sally thôi
Hôm nay, mẹ đón Gạo trễ. Mẹ đến thì thấy Gạo đang ngồi trong thư viện đọc sách. Thấy mẹ, con chỉ hỏi sao mẹ đón con trễ vậy, tuyệt không càu nhàu.
Mẹ hỏi:
- Hôm nay đi học vui không con.
- Dạ không?
- Ủa sao vậy?
- Hôm nay cô khác dạy, không phải cô Sally?
- Vậy thì sao?
- Thì con không học.
Hôm sau, mẹ nghe cô trợ giảng méc:
- Không có cô Sally, Gạo không chịu học. Cô giáo nói gì nói, ảnh nhất định ngồi quay mặt vào tường, không học.
Ui chao. Mẹ biết nói gì đây, đành nói:
- Con thiệt là cậu con trai quyết liệt.
Cậu chàng nhìn mẹ và nói:
- Sao mẹ lúc nào cũng nhìn mọi thứ lạc quan vậy?
Đây không phải lần đầu chàng phê bình mẹ lạc quan!
16. Ngày đầu tiên đi học
Rút kinh nghiệm đi học của Gạo nên mẹ cho Nếp đến trường làm quen trước từ rất lâu. Mỗi lần đưa đón Gạo đi học, mẹ đều cho Nếp theo, giới thiệu con với cô giáo, các bạn, thậm chí còn lên cả phòng học ăn cùng anh Gạo. Ngày nào anh chị đi học con cũng đòi theo. Mẹ cho lên cả trường chị Bột để con dạn dĩ thêm. Mẹ định khi nào con sẵn sàng thì mình sẽ bắt đầu đi học chính thức. Nhưng rồi có lần Nếp vào lớp thấy cô giáo đang đút các bạn ăn, con rụt lại và đòi về.
Về nhà, con phát biểu:
- Ở trường anh Gạo hổng có gì vui hết!
Rồi cũng tới ngày Nếp phải đi học. Khóc ngất ngây. Rồi bịnh, rồi nghỉ, rồi nhõng nhẽo. Rồi đi học lại. Buổi tối hôm đi học lại, lần đầu tiên nắm tay mẹ, rờ hết mặt, tới đầu, cổ, cứ xoa đi xoa lại, thật lạ lùng. Mẹ nhạy cảm quá, hay con nhạy cảm quá. Có phải con đang rờ mẹ để biết rằng mẹ có thật, mẹ đang ở bên con không? Hay mẹ tưởng tượng. Nhiều ngày sau đó, con vẫn rờ từng milimet trên mặt, trên đầu mẹ. Một hôm, con lấy tay rờ tóc mẹ rồi phát biểu:
- Tóc mẹ nhăn nhăn, dẻo dẻo.
Trời! Tóc tui mềm mượt vậy mà bạn bảo nhăn nhăn dẻo dẻo là sao?
17. Giờ ngủ khó khăn
Nếp bị dị ứng mũi vì vậy nên ngày nào cũng như ngày nào, con bước vào giấc ngủ rất khó khăn. Con hay lăn qua lộn lại: “Ngủ không được, bực mình ghê”. Tối nay, con cũng không ngủ được dù mẹ đã đọc hai lần câu chuyện Ngựa vằn Zanzibar mơ mộng, đọc xong luôn cả Làn hơi ấm. Ba đi tưới cây xuống mang theo một con dế bỏ trong vỏ hộp đựng chai xịt mũi của con và một ít lá cỏ. Con thích thú hé mắt nhìn. Nhìn nhưng sợ. Con cầm lên đi qua phòng định khoe với Bột, Gạo, nhưng đi vài bước lộn về vì… “con dế nó rục rịch trong đó, con sợ”. “À, con sợ! Vậy mình mang ra ngoài nhé, cho nó hít thở khí trời hen, để tối tối mình nghe tiếng cric, cric, cric, cric…”. Con đồng ý, mang bạn dế để ngoài ban công. Mẹ tắt đèn. Con nằm trên giường, ngọ nguậy một hồi, lăn lộn hồi hai, rồi tự nhiên ngồi dậy đi ra mở cửa phòng. Mẹ nghe tiếng dập cửa đánh ầm. Khi quay về phòng, con đóng cửa lại, không quên chốt cửa. Mẹ mắt nhắm mắt mở hỏi:
- Sao đi ngủ rồi còn qua phòng Bột, Gạo chi con?
- Đâu có, con đi đóng cửa toilet.
- Sao con biết toilet cửa mở?
- Con thấy mà mẹ, con thấy cửa he hé nên con đi đóng.
Không biết con thấy bằng cách nào vì toilet nằm bên ngoài mà. Không biết con nhớ gì mà sắp đi ngủ còn đi đóng cửa toilet.
Lạ thiệt!
18. Hay hoi hay hỏi
Bột, Gạo, Nếp đều thích nghe mẹ đọc thơ. Mẹ thường để các con tự chọn bài, chọn sách, mẹ chỉ làm đúng một chuyện: đọc. Hai bạn lớn biết đọc, biết chọn đã đành, Nếp không biết chữ, vậy mà lúc nào cũng lật đúng trang 13, 14 để mẹ đọc bài “Chú bé bắt được con công” cho nghe.
Mỗi thời, Nếp thích một bài khác nhau. Bài thơ nào bạn cũng “xếp” thành bài hát:
- Mẹ hát bài đó cho con nghe đi.
Mẹ đọc cho con bài chim chìa vôi, cá vàng và rùa con đi chợ… Nếp hỏi:
- Rùa chưa xong cái gì hết hả?
Con hiểu là rùa chậm!
Con đòi mẹ “hát” cho nghe bài “Tát nước đầu đình”. Lắng nghe chăm chú rồi con hỏi:
- Sao mà bỏ quên chiếc áo được?
Con hiểu áo đang mặc trên người thì sao quên được. Rồi con hỏi thêm nhiều câu thật khó trả lời: “Làm tin trong nhà là gì?”, “Tại sao anh đó lại muốn cưới chị đó?”. Khi nghe mẹ bảo có lẽ vì chị ấy giỏi giang và nhân hậu, con hỏi tiếp:
- Vì chị đó biết khâu áo hả mẹ? Khâu áo giống như may dép mà hôm bữa mẹ cho Nếp coi hả? Bài đó tên gì hả mẹ?
Con đang nói đến clip quay cảnh may dép mà trong một lần tình cờ mở ra thấy thú vị nên mẹ chỉ cho con. Bây giờ không biết làm sao tìm lại.
Sao mà con giàu liên tưởng quá vậy Nếp?