19. Không em nào giống em nào
Bạn mẹ hay thắc mắc: “Ủa sao đứa con đầu tiên tui thấy bà than quá trời than, tới đứa thứ hai than còn phân nửa, rồi tới em cuối cùng, tuyệt nhiên không một tiếng than? Tưởng phải than gấp ba chứ?”. Bạn mẹ hỏi rồi tự trả lời: “À, chắc vì đứa này rút kinh nghiệm đứa kia phải không?”. Mẹ cười: “Không có kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào để rút đâu cưng”. Và mẹ nói thật, trẻ em nhìn chung thì giống nhau - cũng ăn, cũng ngủ, cũng khóc, cũng la ó, học hành,… nhưng nhìn riêng thì không em nào giống em nào cả. Vì vậy, không thể đem kinh nghiệm dạy đứa trẻ này áp lên đứa trẻ khác được.
Chuyện bịnh. Hồi Bột còn nhỏ, bịnh gì đi bác sĩ Phượng. An. Đến Gạo cũng bịnh đó, thuốc đó, đi hoài, tình hình càng nặng thêm. Đổi sang bác sĩ Tiến. Ổn.
Chuyện học. Bột đi học lần đầu khóc sảng sốt, thậm chí không dám đi đâu cùng ba mẹ vì… sợ ba mẹ đưa đi học. Mẹ chuyển trường. Đi học ngày thứ nhất, ngày thứ hai, các cô đã đề nghị cho ở lại vì con hòa nhập nhanh, ngoan, thích nghi rất tốt. Nhưng cho Gạo học cùng trường với Bột thì kinh khủng. Gạo thậm chí nhảy khỏi xe để phản đối chuyện đi học. Và mẹ phải đổi năm lần bảy lượt - cuối cùng đổi về trường gần nhà cách vài bước chân, anh ấy mới tạm chấp nhận. Đi học, một đứa thì lúc nào cũng nghiêm túc, nhanh nhẹn, rất ghét bị trễ học. Và rồi cứ phải chờ một đứa cù cưa, lần khần.
Chuyện ăn. Nhà có ba đứa con, hai đứa thích cá xốt cam, một đứa không thích cá, không thích chiên, càng không thích xốt. Cũng ba đứa, đứa ăn rau rất giỏi, đứa thì ăn cũng được không cũng không sao, đứa thì một cọng rau nhai 80 lần rồi… nhả.
Chuyện mặc. Đứa chuyên làm stylist, chẳng những chọn đồ kỹ mà còn bắt người khác mặc theo ý mình. Đứa thì phải chọn đúng bộ đồ mình thích mới chịu mặc, không ai ép được. Đứa thì lớn ơi là lớn nhưng… mẹ ơi, con không biết chọn đồ nào. Nếu mẹ cứ để cho người ấy chọn, thế nào người ấy cũng chọn bộ đồ tả tơi nhất, giãn hết các thể loại - đơn giản vì đó là bộ đồ cho nàng cảm giác thoải mái nhất.
Chuyện ngủ. Bột tắt đèn ba giây là ngủ. Nếp phải đọc cái này cái kia đủ thứ. Gạo thì trăn trở, trở trăn, phải kể chuyện, phải trả lời, phải massage nhột.
Chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện học, chuyện bịnh,… đều tùy vào cá tính từng em. Không kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào là vì vậy. Không thể đem bài học này áp dụng lên trường hợp khác. Cũng phải thôi, làm gì có hai đứa trẻ giống nhau trên cõi đời này. Đến trẻ sinh đôi còn khác biệt nữa mà.
20. Mẹ phải đóng kịch thì con mới nghe
Gạo - như mẹ đã nói - là một chàng trai hay giận dữ. Nếp giành đồ chơi, giận khóc. Bột nói gì bí mật với em hàng xóm mà không có Gạo, giận khóc. Có khi giận quá con đánh Bột luôn. Mẹ phạt ngồi cầu thang 20 phút để suy nghĩ về hành vi của mình. Khóc gần 20 phút. Nhưng khi mẹ hỏi vì sao con khóc, thì Gạo không trả lời hoặc trả lời kiểu rất ất ơ: “Khóc vì con muốn khóc” hay “Khóc vì con mắc ị”.
Đôi khi, câu chuyện dẫn tới ngõ cụt vì mẹ không biết phải làm gì, phải nói gì để Gạo lắng nghe, để Gạo thay đổi hành vi không đúng của mình. Mẹ thường gặp cảm giác khó khăn khi tìm cách gợi cho Gạo nói lên suy nghĩ của mình, hay giúp Gạo lắng nghe và sửa đổi. Gạo thừa thông minh để biết mẹ muốn gì nhưng Gạo luôn tìm cách gì đó để không ai bắt được suy nghĩ của mình.
Nhiều ngày, mẹ cảm thấy bất lực. Và khi mẹ ngồi thừ ra không biết nên bắt đầu từ đâu, nên làm gì, thì con lại là người đưa ra tình huống. Chẳng hạn, có lần con nói: “Nếu mẹ chơi đóng kịch với con thì con sẽ nghe”. Mẹ như vớ được cái phao. Được rồi, vậy mình sẽ diễn vở kịch: “Khi giận ta nên làm gì?”.
- Mẹ, Bột, Gạo sẽ giải quyết tình huống nhé. Bắt đầu từ Bột nào.
Bột nói:
- Con sẽ nằm suy nghĩ coi tại sao mình giận. Và mình giận như vậy đúng hay sai. Có khi giận quá con chảy nước mắt nữa.
Bột làm mẹ ngạc nhiên quá.
Bột hỏi:
- Tại sao khi con nói con nằm suy nghĩ khi giận thì mắt mẹ sáng lên?
Bột, con lại một lần nữa làm mẹ ngạc nhiên. Con thật tinh tế. Câu trả lời của mẹ là:
- Vì khi suy nghĩ, con đã chuyển hướng cơn giận của mình rồi. Và nếu tìm ra lý do, rồi cân nhắc được chuyện đúng sai, có thể con đã hết giận rồi. Và con sẽ vui lại. Mẹ sẽ vui theo. Gạo cũng vui theo. Con biết đấy, khi giận dữ, ta rất buồn khổ, phải không con?
Mẹ hỏi Bột mà mắt nhìn về Gạo, người khởi xướng phong trào đóng kịch. Nhưng Gạo chỉ ngồi im làm khán giả và lắng nghe chứ không nói một lời nào.
Gạo vẫn giận như những lần sau đó. Chắc mình cần đóng kịch nhiều hơn chăng? Mẹ cũng còn hay giận nữa mà, làm sao trách Gạo được! Dạo này, mỗi bữa ăn mẹ thường nói về những câu chuyện vui buồn, hờn giận. Mấy mẹ con mình chia sẻ với nhau khi nào con giận, khi nào con vui, khi nào con buồn. Một câu nói của Gạo làm mẹ giật mình: “Con vui khi mọi người thương yêu con, hôn con”. Đơn giản vậy thôi mà sao mẹ không thể làm con luôn luôn vui? Làm sao để các con cảm nhận rõ hơn về yêu thương, nhiều hơn, nhiều hơn nữa để các con có những ngày vui và vui?
21. Vĩnh viễn thoát khỏi thế giới của những điều sền sệt
Bột kén ăn. Hồi Bột còn nhỏ, mỗi bữa mẹ phải đổi một loại thức ăn khác nhau. Đổi đến một lúc không biết đổi gì nữa luôn. Tuy nhiên, dù mẹ có đổi vị thế nào thì ngày này qua ngày nọ, con vẫn phải ăn một món nước nước lỏng lỏng sền sệt như vậy. Mẹ nhớ mãi một lần nấu cho Bột cháo hạt sen, đậu bo, khoai tây các loại, mùi thơm nức nở căn phòng. Vậy mà khi xay ra đút, con không ăn. Dụ khị, dỗ dành mãi mới đút được một miếng. Bột cũng không phải tay vừa, muỗng cháo vô miệng, con không nuốt, cũng không nhả, chỉ há miệng khóc.
Ui chao! Lúc ấy, mẹ còn quá trẻ để lắng nghe, để hiểu. Lúc ấy, mẹ chỉ biết stress. Những người làm mẹ trước mẹ đã trấn an: “Đừng lo, con chị hồi nhỏ chị cũng sợ nó suy dinh dưỡng. Đến khi lớn lên lại sợ béo phì - cũng là một dạng thức suy dinh dưỡng”. Lúc ấy, dì Út của Bột nhìn hai mẹ con rồi đưa ra một kế… rất ghê: “Hay là mình chọn đầu bếp dở nhất thế giới nấu cho Bột ăn đi, để mai mốt lớn lên, ăn gì chị ấy cũng thấy ngon”.
Mẹ hay nói không biết Bột lớn bằng gì, cháo không ăn, sữa không uống. May mà sau cùng, cao điểm của chuyện ăn, mẹ quá mệt và không còn lựa chọn nào, bèn cho con ăn cơm thử. Con ăn ngon như chưa từng được ăn.
Vậy là, chuyện lười ăn này không phải lỗi của Bột. Mẹ hiểu lỗi là tại mẹ. Mẹ đã làm mất thú vui ăn uống của con, đã không cho con trải nghiệm sớm hơn. Mẹ đã quá sợ hãi nên không cho con ăn thô sớm, đã không tạo được niềm vui ăn uống cho con ngay còn nhỏ… Nói chung kinh nghiệm rút ra thì rất dài. Sai lầm kể không biết bao nhiêu cho hết.
Bây giờ, nhìn bất cứ em bé nào khóc vì ăn, mẹ đều thương.
Mẹ hiểu khi không thích ăn, khi khóc lóc để phản kháng, cơ thể con có hấp thu được gì đâu, thậm chí còn tiết ra độc tố vì đứa trẻ nào mà không giận dữ khi bị ép uổng. Có khác nào mẹ đang đầu độc con mình từ từ bằng những ép buộc như thế. Và đầu độc cả bản thân mẹ.
Chỉ cần tìm được món con thích thôi. Chắc chắn con sẽ phải thích món gì đó đúng không?
Ít nhất là món cơm như Bột. Mẹ không biết loài người phát hiện ra lương thực từ lúc nào, nhưng khi Bột phát hiện ra trên đời có một món gọi là cơm, Bột đã phát hiện ra… Tân thế giới.
Vĩnh viễn ra khỏi thế giới của những điều sền sệt.
Mẹ cũng đã phát hiện ra Tân thế giới từ Bột. Té ra chuyện ăn vui hơn nhiều…
22. Cái cộng dây ghiền
Trước khi đi ngủ, bao giờ Gạo cũng phải ôm ôm rờ rờ cái gối cũ mèm. Có hôm cả nhà đi đò qua Long Sơn ăn xong rồi về lại xe, chạy một quãng đường, sắp buồn ngủ, con mới phát hiện ra mình bỏ quên cái gối. Ba phải nhờ xe quay ngược lại - cả nhà chờ trong cái nắng chang để ba bắt đò qua lại bên kia đảo tìm lại cái gối cho con. Gạo ôm cái gối, ngưng khóc, bẽn lẽn cảm ơn ba.
Con rờ cái gối mòn rồi chuyển sang cái viền mền. Cái mền rách bỏ đi, nhưng phải giữ lại cái viền cho con, đi đâu con cũng mang theo một đùm lòng thòng dây nhợ như vậy. Cái viền mền te tua, dài, nhiều khi Gạo phải quấn mấy vòng quanh người mà vẫn còn lòng thòng nửa trên nửa dưới - trông rất… hâm. Ngoại chọc con là “áo vũ cơ hàn”. Ai chọc, ai nói, ai làm gì cũng kệ. Đi đâu con cũng mang theo, rờ rờ, cái mặt phê phê… mắc cười. Rồi cái dây nhợ lòng thòng đó một lần nữa bị bỏ quên trên chuyến tàu Nam Bắc, làm sao mà tìm. May mà lúc đó Gạo lớn rồi, biết lắng nghe, biết chấp nhận và biết mình quên, không phải ai khác, nên không khóc lóc dai dẳng. Nhưng nhiều năm sau đó, lên chuyến tàu nào con cũng nhắc, “mẹ, hỏi mọi người coi có thấy cái dây của con ở đâu không?”. Bây giờ thì Gạo tìm được cái gối con Pooh, và không cho ai đi giặt hoặc phải giặt từ sáng sớm để kịp khô trả về vị trí cũ cho con. Tối nào lăn qua lăn lại khi ngủ, em Nếp hay ai đó say ngủ tình cờ gối lên cái gối Pooh của con là con giật phắt không thương tiếc. Đợi đến lúc con tỉnh ngủ mẹ mới tỉ tê:
- Mai mốt mẹ hay em có lỡ gối lên thì con nâng đầu nhẹ nhàng lên rồi lấy gối lại, đừng giựt vậy nữa đau mẹ, đau em nha con.
Ảnh lầm lầm:
- Ai biểu ôm gối con.
23. Mất... ba ba
Nếp và ba có một cái tình rất đặc biệt. Đang nằm trong lòng bà, nghe tiếng xe chứ chưa kịp thấy người là con đã hớn hở chạy ra. Con có nét mừng rỡ làm người khác rất dễ động lòng. Mắt tít vì cười - cười thành tiếng, hai bàn tay quơ lên quơ xuống kiểu phấn khích như đi cổ động vậy (tiếc là mẹ không nghĩ ra được hình ảnh nào khác hơn, nhưng là một hình ảnh thương không chịu được). Mẹ có cảm giác như con sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc, từng sự kiện, từng tình thâm đến trong đời con. Mọi câu chuyện đều tràn đầy hào hứng qua lời kể của con, không bao giờ tìm thấy một chút gì gượng gạo, thờ ơ, chán ghét hay chịu đựng trong con. Kiểu vui hết cỡ, buồn hết sức, giận hết ga vậy đó.
Hồi lúc con mới sinh, bác sĩ yêu cầu lúc đầy tháng phải đến bệnh viện Nhi đồng siêu âm tim. Có thể vì từ lúc sinh ra, cái nết khóc của con đã rất dữ dằn, khóc đến tím tái luôn khiến bác sĩ đòi đi siêu âm tim. Làm quen lâu với Nếp, mẹ mới biết té ra đó là nết của con, không riêng gì khóc mà cảm xúc nào của con cũng được đẩy lên tới đỉnh. Và chuyện đi tìm ba trước khi ngủ cũng vậy.
Ba thường đi ra khỏi phòng. Lần nào, dù tắt hay mở đèn, dù khe khẽ đến mấy, ba cũng bị con nhận ra. Lần nào con cũng giơ hai tay đi lùng. Ba gọi đùa con là cảnh sát. Phải lùng cho bằng được. Hôm nay, con lùng không ra ba nên mếu máo:
- Mất ba ba. Mất ba ba. (Từ mới của ngày hôm nay).
Tìm không ra ba, con còn bị va đầu vào tường. Mẹ hỏi:
- Đau không?
Đau, rõ ơi là rõ.
- Uống nước cho đỡ không?
- Uống.
- Uống thêm không?
- Thêm.
- Rồi tắt đèn đi ngủ nha.
- Hông.
Lại lò mọ đi tìm bảng chữ cái, vừa chỉ vừa đọc: cua, vịt… trong ánh đèn lờ mờ. Mẹ xót ruột lại phải bật đèn lên. Có phải vì vậy mà mẹ tập dần cho con thói quen ngủ trễ không con?
24. Chính kiến rõ ràng
Dạo này, mẹ và Nếp chuyện trò với nhau được khá nhiều. Hầu hết mọi chuyện mẹ đều hỏi ý kiến con: “Con thích cái này không, cái kia không?”. Luôn luôn, con bày tỏ rất rõ ràng, thích hay không thích. Con đòi bế, mẹ hỏi bế hả, bế, bế con làm gì, lấy bút chì (bút chì nằm trong đồ cắm bút trên bàn cao). Một cuộc chuyện trò thật nghiêm túc.
Dạo này, Nếp có biểu hiện ghiền mẹ. Mỗi lần đòi ngủ với mẹ là con khóc lóc rất ghê. Mẹ vừa ló mắt vô phòng là con giữ rịt lấy. Mẹ năn nỉ cho mẹ đi đánh răng rồi vô ngủ với con. Nhưng hông, kiểu gì cũng hông. Con cầm cuốn sách đưa mẹ: “Đọc nghe”. Đọc đến đoạn Pinocchio lè lưỡi làm trò, con lè lưỡi làm theo, cười hắc hắc. Đọc bài “Thằng bờm” đến câu: “Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười”, con bèn tự động thêm hai chữ “ha ha, há há”. Mẹ nói gì đó thì nghe bạn tu tu như khóc. Mẹ hỏi: “Con đang cười hay khóc vậy Nếp?”. Cười. Nhiều hôm mẹ vừa về nhà chưa kịp rửa tay, Nếp đã phi lại: “Bú miếng, bú miếng”. Mẹ cố đánh lạc hướng làm cho bạn phân tâm. Nhưng mẹ càng cố thì bạn càng lao vào vừa túm, vừa nắm, vừa níu, vừa khóc, vừa cào,… y như lên cơn ghiền vậy. Mẹ thua.
Nhìn Nếp say đắm bú, mẹ hỏi:
- Con ghiền bú lắm hả Nếp?
Gật đầu nhưng không dám nhả ra.
Lúc này Nếp 1 tuổi 5 tháng 16 ngày.
25. Điền vào chỗ trống
Nếp thuộc khá nhiều bài thơ, thậm chí là những bài thơ dài: “Ổng trẳng ông trăng, ông sảo ông sao”. Và vì cái tánh lúc nào cũng đi tới cùng của vấn đề, nên hễ thích bài thơ nào là bạn ấy đòi mẹ đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui… Thông thường, sau một hồi đọc, cổ mẹ rát thì bạn ấy cũng đã thuộc bài thơ. Thậm chí có thể đọc cả bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh - dài thăm thẳm chiều trôi (giống Bột ngày xưa).
Để giúp các bạn, sau khi đọc qua một vài lần, những lần sau mẹ thường đục lỗ để các bạn tự điền vào chỗ trống. Một từ cuối, hai từ cuối, rồi ba… dần dần các bạn tự đọc nguyên câu, nguyên bài. Ví dụ mẹ đọc “Bống bống”, con đọc “bang bang”. Mẹ đọc “lên ăn”, con điền “cơm vàng”…
Câu sau khi điền xong hai từ “cơm hẩm”, “cháo hoa”, thay vì nhà người con tự điền thành… “nhà giặc”. Mẹ nghe mà phá lên cười. Không biết kiếm đâu từ nhà giặc vậy cà?
26. Nơi an toàn nhất
Có hôm Nếp đang ngồi tòn ten trong lòng mẹ, nghe tiếng kẹt cửa thế là con hết hồn, khóc ré lên, nhào về phía ba ôm chầm lấy. Mẹ đã thấy nhiều lần như thế.
Hồi con còn chưa biết đi, thấy mẹ về là bất kể đang chơi trò chơi gì, hấp dẫn ra sao, con đều bỏ hết bò ra cửa cười toe toét. Lớn lên một chút, khi mẹ đi làm về, con là người mừng nhất, lao ra sớm nhất và đòi bế sớm nhất, tất nhiên. Hôm nào mẹ lỉnh kỉnh chưa kịp bế là con lập tức òa khóc nức nở. Nhưng những lúc bất an, sợ hãi hay cần được an toàn, người nhào tới đầu tiên là ba, như một phản xạ. Con biết ba chính là người che chở cho con - là nơi an toàn nhất phải không con?
27. Đối thoại nửa đêm
Mẹ:
- Nếp thương mẹ hông?
- Hông.
Ba:
- Nếp thương ba hông?
- Hông.
Mẹ quyết hỏi cho được:
- Nếp thương mẹ hông?
- Thương mẹ dắm. (Lúc này, bạn còn đớt chữ “l”.)
Ba giả vờ khóc… không thèm hỏi. Nếp bèn nói:
- Chọc ba chút.
Nàng biết an ủi ghê vậy đó!
28. Ăn cơm trên bờ
Gạo là một anh chàng lười ăn. Một miếng há cảo bạn ấy ăn… chục lần mới xong. Chả giò thì bạn ấy gặm như chuột, gặm rất sạch lớp vỏ còn chừa nhân lại. Thịt thì bạn ấy nhai vài cái rồi nhè ra. Rau thì bạn ấy nhai không biết bao nhiêu lâu rồi nói: “Mẹ, con nuốt không được”.
Nhưng thật ra, Gạo ăn rất nhanh, rất giỏi những món ăn yêu thích của mình, nhất là các thể loại bánh kẹo và chiên giòn. Mẹ không khoái Gạo ăn nhanh nên luôn nhắc nhở bạn ấy: “Không cần ăn nhanh, chỉ cần tập trung vào chuyện ăn và nhai kỹ là được”.
Khổ nỗi, Gạo chưa bao giờ lắng nghe mẹ. Bạn ấy luôn có một mối quan tâm nào đó vào giờ ăn. Khi thì vẽ, khi thì chơi, khi thì múa, khi thì đang nhảy từ trên cao xuống,… Lúc nào bạn ấy cũng đang bận rộn một cái gì đó. Mẹ mất rất nhiều thời gian để khuyến khích Gạo: “Khi ăn thì chỉ ăn thôi, chơi thì chỉ chơi thôi, ngủ thì chỉ ngủ thôi, đọc sách thì chỉ đọc sách thôi”.
Đến bây giờ, chuyện tập trung vào giờ ăn vẫn là một thách thức đối với Gạo, đơn giản vì bạn ấy bận tập trung cho các việc khác. Một khi đã làm, bạn ấy làm rất lâu. Giờ ăn toàn đến vào lúc Gạo đang tận tâm tận lực làm một cái gì đó. Chờ bạn ấy làm xong thì không biết đến bao giờ. Chính vì vậy, Gạo bao giờ cũng là người ăn sau cùng. Một lần, để kịp cuộc chơi các bạn hàng xóm, bạn ấy đã ngốn một miếng thiệt to. Mẹ sợ nghẹn, khuyên: “Hay con chan canh vô cho dễ”. Gạo vừa ngốn vừa lắc đầu: “Gạo ăn cơm trên bờ, Gạo không thích ăn cơm dưới nước”. Hồi đó bạn ấy chừng hai tuổi.
Lớn lên một chút, cái nết ăn của Gạo vẫn như ngày nào. Mẹ gắp cho món trứng cá, bạn ấy nói: “Con không ăn trứng cá này. Con ăn trứng cá trên cây”. Bộ vi xử lý của mẹ hơi chậm, nên thấy mẹ ngơ ngác, bạn ấy đành giải thích: “Trứng cá mà hồi còn nhỏ, mẹ không ăn sáng mà mẹ ăn hẳn một ly đầy đó. Trứng cá mà hồi nhỏ bà ngoại sai mẹ đi mua trứng, đi ngang cây trứng cá mẹ đứng hái hoài, hái hoài đến khi bà ngoại cầm cây roi đứng bên cạnh mẹ mới giật mình đó…”.
Cái anh chàng nhớ dai và hay kiếm chuyện này! Món nào con cũng phải kiếm lý do gì đó để mà không thích, để mà đổi món. Cứ phải như vậy mới chịu sao chàng trai? May mà khi từ chối cái này, Gạo luôn đưa ra giải pháp thay thế. Mà hầu hết những giải pháp thay thế đó mẹ đều không dễ dàng chấp nhận. Những giải pháp chỉ làm mẹ phì cười!
29. Bắt giò họa sĩ
Mẹ hay nói đùa mà thật: “Gạo là ca khó của mẹ”. Ăn khó. Ngủ khó. Chơi khó. Có dịp, mẹ sẽ kể hết những câu chuyện về Gạo. Tuy nhiên, Gạo cũng là người làm mẹ giật mình rất nhiều, vì con quan sát rất tốt và rất sâu sắc. Hồi con còn nhỏ xíu, mẹ mang về cuốn truyện tranh kể về sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Gạo thích lắm, khi đọc đến đoạn Ngọc Hoàng buộc Chức Nữ bỏ chồng, bỏ con về trời, con nói: “Con ghét Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng gì mà ác”.
Quay lại câu chuyện, vì thương con thơ nhớ mẹ, Ngưu Lang liều đưa con lên trời thăm mẹ. Chuyện bị lộ, Chức Nữ để hai cha con trên một chiếc trống kèm với lương thực, dặn hai cha con khi xuống tới trần gian thì gõ trống để nàng cắt dây. Ai ngờ lũ quạ tham ăn, mổ vào trống khiến Chức Nữ tưởng hai cha con đã xuống tới trần gian bèn cắt dây. Cảm động trước tình yêu của họ và cũng để chuộc lỗi, hằng năm, những con quạ đã tạo thành một cây cầu để Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Gạo nhìn hình minh họa rất lâu rồi hỏi:
- Mẹ, nếu nàng Chức Nữ cắt dây thì phải cắt dây từ bên trên chứ sao lại cắt dây ở đầu bên dưới?
Mẹ trả lời:
- Ờ, chắc là trong lúc vẽ, bạn họa sĩ đang tập trung nghĩ về điều gì đó nên không để ý chăng. Cũng giống như Gạo vậy, giờ ăn giờ học cũng thường không tập trung.
- Nhưng giờ vẽ con tập trung mà! - Bạn ấy chống chế.
Vậy đó họa sĩ, vẽ tranh cho các con không thể lơ đãng được đâu!
30. Đi học phi thường
Mỗi ngày đi học, Gạo đều khóc lóc chừng 7-10 lần. Mỗi lần cho một hoạt động phải làm trước giờ đi học. Số còn lại khóc vì nhiều lý do: Con bị chê, con bị thua, con không thích ăn cháo buổi sáng… Mẹ thì nghĩ đơn giản vì bạn ấy muốn khóc vậy thôi.
Mẹ nhớ mẹ đã đổi trường cho con khoảng ba lần, còn chở đi coi xem trường nào con thích thì không nhớ bao nhiêu. Trường thứ ba con học có tên là trường mầm non Hạnh Phúc. Buổi học đầu tiên về nhà mẹ hỏi: “Gạo hôm nay đi học vui không con?”. “Không”. “Sao vậy con?”. Bạn ấy không trả lời mẹ mà càm ràm như một ông già: “Trường Hạnh Phúc gì mà chẳng thấy hạnh phúc gì hết”. Trời, mẹ đứng hình ba giây! Sao lúc ấy mẹ không hỏi tiếp: “Như thế nào mới là trường hạnh phúc hả con?”. Thương con quá chừng thương, nhưng biết làm sao giờ, ai mà chẳng phải đi học hả con?
Nói để biết Gạo không thích đi học vậy thôi. Và mỗi ngày đi học của Gạo là mỗi ngày mẹ phải tìm cách. Ví dụ có một ngày, để đánh thức Gạo, mẹ hỏi bạn ấy:
- Gạo hôm nay đi học bình thường hay đi học phi thường?
- Bình thường là sao mẹ?
- Bình thường là như con mỗi sáng mẹ phải kêu hoài mới chịu dậy, kêu hoài mới chịu đi chà răng, nhắc hoài mới chịu thay đồ. Rồi con khóc lóc thêm mấy chục bận nữa mới đến trường lúc 8 giờ khi bạn bè ở trường đã ăn gần xong bữa sáng.
- Còn phi thường?
- Phi thường là đánh răng, thay đồ, rửa mặt xuống nhà trong vòng 5 phút và là người đến trường sớm thứ nhì sau cô giáo.
Không biết nghĩ sao, bạn ấy chọn đi học phi thường. Mất 13 phút. Nhưng như vậy là tiến bộ hơn bình thường rất nhiều. Không biết có phải lỡ chọn phi thường không mà con tự đi lên lớp một mình. Không một tiếng lèm bèm.
Hoặc có hôm, Gạo đòi ăn sáng ở nhà thì đi học mới vui. Ăn sáng ở nhà có nghĩa là ăn xôi. Gạo thích xôi đậu phộng. Hai mẹ con cùng cam kết: buổi sáng mẹ chở qua trường, nếu hôm đó thực đơn là món cháo, con sẽ được quyền ăn sáng ở… công viên. Có buổi sáng dắt xe ra, Gạo làm người dẫn đường, mẹ sẽ đi theo con đường con chọn. Gạo muốn quẹo trái thì mẹ quẹo trái, đòi quẹo phải mẹ sẽ quẹo phải, kêu đi thẳng mẹ đi thẳng. Miễn làm sao đến trường là được. Có bữa Gạo đòi ra công viên vài phút rồi mới vô trường. Có bữa con đòi mẹ đố từ nhà đến trường. Có hôm con đòi mẹ đọc thơ, hôm thì đòi kể chuyện. Mẹ phải kể bằng cách nào đó để câu chuyện vừa kết thúc ngay cổng trường. Nếu chuyện kết thúc quá sớm, mẹ sẽ phải kể một câu chuyện mới. Còn chuyện quá dài thì mẹ sẽ đứng trước cổng hoặc chạy lòng vòng cho hết chuyện.
Không phải nhu cầu nào của Gạo mẹ cũng đáp ứng. Và kết quả là hôm đó nước mắt như mưa.
Ngày nào con bắt đầu bằng nước mắt, đó là ngày rất nặng nề của mẹ. Vậy nên mẹ luôn đổi món để ngày nào con cũng đi học phi thường. Tất nhiên là không phải cố gắng nào cũng thành công. Không biết mẹ có chiều con quá không? Nhưng dù sao, chọn niềm vui thì có gì là không phải, đúng không anh chàng của mẹ?
31. Tự đọc sách giống như mình tự ăn vậy đó
Dạo này, buổi tối ba mẹ bày đặt đi bộ (đi dạo thì đúng hơn). Ba mẹ gần như không còn thì giờ để vận động ngoại trừ 15 - 20 phút hiếm hoi vào buổi tối. Một buổi, mẹ về hơi trễ, chợt nghe bên phòng Bột đọc sách cho Gạo nghe. Mẹ ước gì mẹ nhìn thấy cảnh đó. Ba và mẹ đứng trước cửa phòng các con rất lâu. Ba nói: “Nghe Bột đọc sách cho Gạo thấy ổn ghê”.
Mẹ ở ngoài cánh cửa nghe Bột giảng giải: “Tự đọc sách giống như mình tự ăn vậy đó. Còn ai đọc cho mình nghe thì như người khác đang đút mình ăn. Gạo thích cái nào?”.
Mẹ nghĩ được ai đó đọc sách cho mình nghe vào giờ đi ngủ là một hạnh phúc. Và được đọc cho ai đó nghe có khi còn hạnh phúc hơn, phải không con?
32. Có những ngày Gạo rất bất ngờ
Từ lúc biết chơi đồ chơi, em Nếp hay giành đồ chơi của anh Gạo. Trưa nay, khi nhào tới giật cây bút màu trên tay anh Gạo - Gạo nổi cộc đánh một cái vào lưng em. Nếp khóc điếng khóc hồn. Mẹ vừa thương vừa giận. Dù giải thích cho Gạo rằng em nhỏ quá em chưa biết xin phép nhưng mẹ cũng la Gạo rất dữ dội về chuyện đánh em. Cuối cùng, Gạo cũng chịu xin lỗi em.
Buổi chiều, Nếp lại giật bút của Gạo. May quá, Gạo nhẹ nhàng nói với em: “Em xin đàng hoàng anh mới cho”. Mẹ chưa kịp khen thì nghe anh nói: “Con sợ mẹ nên con thương Nếp”. Hic, vì sợ mà thương thì có phải thương đâu Gạo ơi. Không biết con có hiểu điều đó không nhưng mẹ vẫn nói.
Tuy nhiên, hôm nay là ngày Gạo đặc biệt đáng yêu. Mẹ vừa loay hoay quét nhà dọn dẹp xong thì Bột bày bừa ra rồi bỏ qua hàng xóm chơi. Mẹ lại dọn. Gạo đang ngồi vẽ, không ngẩng đầu lên nhưng nói nhẹ như không: “Mẹ để đó lát con dọn cho. Mẹ đừng có dọn”. Mẹ ngạc nhiên quá mới hỏi sao vậy, thì nghe con trả lời: “Mẹ mệt mà. Mẹ đừng có dọn. Con tội nghiệp mẹ…”.
Con làm mẹ mệt mỏi rất nhiều, và sẽ còn mệt mỏi nữa, mẹ biết. Nhưng cũng có những lúc mẹ được đền đáp, được chia sẻ, như lúc này, chàng trai ạ!
33. Bột thay chiếc răng đầu tiên
Đó là răng cửa dưới. Không biết nó lung lay khi nào nhưng hôm nay, khi chơi trò gì đó, Gạo lấy tay đấm vào răng Bột một phát. Cái răng rụng xuống, lộ ra cái răng đã nhú lên được 1/3 rồi.
Lúc đó, mẹ mới phát hiện ra con gái đã lung lay hết ba cái răng đầu tiên. Mấy ngày sau, mẹ đưa con đi nha sĩ. Bột có vẻ căng thẳng, mồ hôi lấm tấm trên trán. Mẹ hỏi: “Con có sợ không?” thì Bột tỏ ra cứng cỏi: “Con không sợ”. Khi mẹ nắm chân con, hai bàn chân lạnh ngắt. Mẹ biết là con sợ, nhưng con đã tỏ ra can đảm phải vậy không?
Mẹ trêu con: “Con sẽ là cô gái sún răng duyên dáng nhất mà mẹ gặp” (vì mẹ có gặp ai nữa đâu). Con cười.
Sau phút ban đầu bỡ ngỡ ấy, con nhanh chóng tự nhiên và thoải mái với khoảng trống của mình. Nhưng ngày đầu tiên đến lớp, Bột vừa nói vừa mím môi cho mọi người khỏi thấy.
Ba khuyên: “Bột, con cứ thoải mái tự nhiên. Con càng giấu mọi người càng chú ý”.
Rồi ba tinh ý nói nhỏ: “Vậy là con gái mình biết mắc cỡ rồi!”.
34. Nếp hay hôn mẹ
Nếp có giai đoạn rất hay hôn mẹ, rồi đôi khi buồn buồn thì cắn mẹ một phát đau thiệt là đau. Mỗi lần nhận được một nụ… cắn, mẹ hay có cảm giác bạn yêu mẹ quá, yêu đến mức không biết làm gì bèn cắn một miếng cho đỡ… thương vậy đó. Vì vậy, mỗi lần bạn hôn mẹ đắm đuối mẹ hay nhắc chừng: “Chỉ được hôn, không được cắn nha chưa”. Bạn láu lỉnh đáp: “Chỉ được cắn thôi nha, không được hôn nha chưa”.
35. Nín đi Bột
Hôm nay là kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, kể cho các con nghe vui thôi chứ hôm nay ba đứa con ở nhà, ba mẹ lu bu xà quần đến quên cả tắm (chuyện quên tắm đối với ba con là một chuyện trọng đại, vì dù có đói, có mệt, có khát, có gì gì đi nữa, ba cũng phải đi tắm một cái đã rồi mới nói chuyện sau. Mẹ nhiều khi đến bực mình vì những cái nho nhỏ đó của ba con, nhất là lúc đi làm về đói ngấu, mẹ chỉ muốn ăn còn ba thì phải tắm sạch sẽ đàng hoàng mới ngồi vào bàn chẳng hạn). Nói để thấy ba mẹ lu bu đến thế nào. Tội nghiệp Bột chờ ba chơi cờ tỷ phú, nhưng ba thì cứ lu bu với Nếp - vì mẹ bị đau lưng. Chờ một hồi thì Bột khóc, nức nở. Mẹ nói:
- Ba đang bận mà Bột.
Bột vẫn nức nở:
- Ước gì Nếp đừng sinh ra.
Nếp còn nhỏ quá. Nếp lớn lên mà nghe được chắc là em buồn lắm. Mẹ nói:
- Bột, mai mốt lớn lên, con sẽ biết có một người em gái tuyệt vời như thế nào.
Mà không cần đợi đến lúc lớn lên vì ngay lúc Bột khóc, Nếp đã dịu dàng chạy lại:
- Nín đi Bột. Bột ơi, nín đi Bột.
Mẹ rất biết ơn Nếp vì những nụ cười, những dỗ dành, những yêu thương, vì cả một đôi tai rất thính: “Gạo khóc mẹ ơi!”.
36. Gia đình đầm ấm quá
Có đến hai tuần nay, không có đêm nào ba mẹ được ngủ thẳng một giấc. Mẹ đau lưng. Nếp bịnh khóc và ho suốt. Gạo bị đút chân vô xe đạp. Mỗi lần rửa vết thương, Gạo khóc váng nhà. Mẹ thì ra tuyên bố, không nói chuyện với Gạo từ nay đến cuối tuần - để Gạo từ bỏ thói hay khóc và hay đánh người khác. Và rồi một ngày trong tuần đó, chiều đi làm về, mẹ nghe Gạo khoe với mẹ:
- Mẹ, hôm nay con giỏi lắm, ba xức thuốc con đau lắm mà con không có… đánh ba.
Sặc.
Nhưng chưa đến cuối tuần nên mẹ cũng chỉ nhìn Gạo mà không trả lời. Có lẽ vì bớt lằng nhằng, bớt càu nhàu, và vì mẹ phạt không nói chuyện, không có lý do để ồn ào nên đêm qua, ba đứa con đều ngủ rất nhanh, không một tiếng la hét, phàn nàn nào của mẹ, không vòi vĩnh, không tiếng khóc lóc nào. Mẹ nghe Bột nhận xét mà phì cười: “Gia đình đầm ấm quá!”.
37. Tét vào mông mười cái
Mẹ thường căng thẳng vì Gạo. Khi thì bạn không chịu thức dậy, khi thì không chịu chà răng, khi thì khóc, khi thì không ăn, khi thì không ngủ,… Có một buổi sáng mẹ chịu hết nổi, tét vào mông bạn đúng mười cái.
Và rồi hôm đó mẹ thẫn thờ suốt một ngày.
Mẹ đã nhiều lần căng thẳng. Và nhiều lần kiềm xuống, mẹ chỉ phạt Gạo bằng cách ngồi cầu thang 5 phút (khi Gạo năm tuổi), hoặc 6 phút (khi chàng sáu tuổi). Cách phạt này quả là không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới - và đương nhiên cũng không ảnh hưởng đến chàng. Vì một cái khăn, mẩu giấy, cọng thun, một thứ gì vớ va vớ vẩn lượm được quanh chỗ ngồi đều có thể thành trò chơi. Và đôi khi, mẹ thấy cách phạt này không đem lại một kết quả nào.
Và rồi tối đó, mẹ đã cam kết với lòng, và cam kết với Gạo là mẹ sẽ không bao giờ bạo lực với Gạo nữa. Mẹ cũng yêu cầu Gạo không được phép bạo lực với bất kỳ ai. Mẹ nghĩ mình sẽ phải thay đổi thái độ sống, bớt lo lắng đi, vui vẻ nhiều hơn thì các con mới vui được phải không con? Mẹ con mình sẽ cùng nhau tiến bộ con nhé. Mình sẽ là người giữ đúng lời cam kết nhé, cậu con trai tình cảm mà nóng nảy của mẹ!
38. Thử lòng kiến
Không biết Bột mê kiến từ lúc nào, nhưng bạn dành rất nhiều giờ để quan sát kiến. Hôm thì: “Kiến hay lắm mẹ, mỗi lần đi kiếm ăn, thấy miếng gì to khiêng không nổi là nó chạy đi kêu những con kiến khác tới cùng khiêng”. Hôm thì: “Mẹ, kiến nó đang đi kiếm ăn mà thấy bạn bị thương là nó sẽ cõng bạn về, cõng không nổi nó cùng kêu mọi người cùng cõng”. Hoặc: “Mẹ, có lần con thử lòng kiến, con thấy một con kiến gặp nạn, con bỏ thử một miếng thịt mỡ, coi thử kiến nó sẽ tha miếng thịt mỡ hay tha bạn. Vậy mà nó tha bạn đó mẹ. Nó lơ cục mỡ”.
Bạn kể huyên thuyên cho mẹ nghe về kiến. Những loài vật bé nhỏ vẫn luôn mang trong lòng những điều lớn lao mà phải cúi xuống thật gần con mới nhìn thấy. Và nhờ con nhìn thấy nên mẹ mới biết có một con kiến đã cõng bạn thay vì miếng mồi béo bở. Cảm ơn con vì những giờ dài chỉ nằm lăn dưới đất dõi theo một con kiến nhỏ. Tình yêu đó làm con mơ ước lớn lên trở thành một nhà nghiên cứu côn trùng. Có thể đó chỉ là một niềm ước mơ ngẫu hứng thôi. Nhưng có sao đâu. Khi con đã nhìn thấy điều tốt lành từ một chú kiến nhỏ, con sẽ nhìn thấy nhiều điều tốt lành xung quanh con. Và khi đã cúi xuống thật gần, con sẽ còn thấy nhiều hơn, nhiều hơn những điều bé nhỏ kỳ diệu như một nụ hoa xoàng xĩnh nhưng lại có một mùi hương quá đỗi nồng nàn, một bạn bọ rùa màu vàng thay vì màu đỏ rực, một con bọ dài đi trên mặt nước mà mẹ quên không biết tên nó là gì… Sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ bé, những loài nhỏ bé. Con yêu các con côn trùng là vì vậy, đúng không Bột?
39. Cũng có lúc phải lắng nghe cảm xúc của mình
Mẹ luôn biết rằng để dạy các con điều gì đó rất khó khăn. Khi dạy cho Bột, Gạo tính kỷ luật, đi kèm với sự kiên định, mẹ luôn luôn tự hỏi: “Liệu mình có quá khắt khe với con?”. Ví dụ đi Metro Book đọc sách, mình đã quy định giờ về nhưng cứ đến giờ về thật, các con cũng lằng nhằng. Lằng nhằng… cho đến khi mẹ mất kiên nhẫn. Và thế là hỏng mất một ngày vui. Tối thứ Sáu là thời gian cả nhà ngủ cùng nhau, nhưng gần như bao giờ cũng vậy - ba đứa con, đứa đòi đọc sách, đứa đòi nghe nhạc, đứa thì hỏi chuyện này chuyện kia - luôn luôn quá giờ ngủ quy định. Mẹ luôn phải nới lỏng một chút - và hậu nới lỏng thường là mẹ lại quát lên hoặc phàn nàn: “Bao giờ mẹ nói một lần là các con hiểu liền?”. Ba bênh vực: “Em có thấy đứa trẻ nào nói một lần là hiểu không?”. Tất nhiên ba có lý của ba. Tuy nhiên, mẹ biết nói một lần là các con đều hiểu, chỉ có điều, từ hiểu, nhận thức đến hành động thì hơi xa. Mẹ cần nhắc lại thêm một chục lần nữa. Vậy đấy. Và mẹ thì không đủ nhẫn nại để chờ. Vì vậy, sau những lần “mắng mỏ”, mẹ hay thấy nặng lòng. Có những lần, mẹ ở trong phòng thì nghe thấy tiếng các con cười đùa, mẹ hơi chạnh lòng một chút: “Hình như các con ít cười đùa khi có mẹ?”. Phải thế không hay chỉ là mẹ tưởng tượng thôi, hay chỉ là tình cờ thôi? Và rồi một ngày thứ Sáu, ngày chúng ta ngủ với nhau thì chị Uyên rủ ngủ chung, Bột ôm gối đi qua liền. Mẹ ngạc nhiên lắm vì Bột rất mong được ngủ với mẹ. Mẹ hỏi: “Ủa sao vậy Bột?”. Bột nói: “Con sợ loay hoay hồi mẹ lại la. Mất vui”.
Mẹ nhớ có lần Bột, Gạo xin mẹ qua nhà chị Hương xem VCD Ba bà đi bán lợn con. Mẹ giao hẹn đúng 8 giờ 30 về. 8 giờ 30 thì bài hát còn đang dang dở, mẹ đành cho thêm 3 phút. Xong bài Ba bà đi bán lợn con lại đến câu chuyện mà các con rất thích: Bạch Tuyết và Hồng Hoa - mẹ lại đành gia hạn. Gạo ôm mẹ nói: “Mẹ dễ thương quá!”. Con biết mẹ hay mềm lòng đúng không? Nhưng cũng có những ngày rất cứng rắn… Ừ thôi, đành vậy, cũng có lúc mình phải nghe cảm xúc của mình phải không con?
40. Dị ứng
Nếp thường hay bị dị ứng gì đó, có thể là bụi, con mạt trong giường hay bụi vải gần nhà,… Những lúc ấy, em nghẹt mũi, người nổi đầy mẩn đỏ. Buổi tối, em thường đòi tắt máy lạnh. Những khi bị nặng, em thậm chí không ngủ được, khóc lóc hoài. Những lần trước, mẹ chỉ xịt nước biển sâu thôi, nhưng lần này dị ứng có vẻ tệ nên mẹ đưa em đi bác sĩ. Tối đó, em nói với mẹ: “Mẹ mở máy lạnh đi, con hết nghẹt mũi rồi”. Không biết nghĩ sao, em gật gù: “Công nhận bác sĩ hay thiệt đó mẹ”. Đó là lần đầu tiên mẹ nghe em nhắc: “Mẹ xịt mũi cho con”, còn những lần trước, thấy chai nước biển sâu là tránh. Mẹ kể vì mẹ có cảm giác em thiệt là nhạy cảm. Buổi tối, chưa muốn đi ngủ nên em đi tìm sách cho mẹ đọc. Tìm hoài không ra vì thấy cuốn nào cũng mỏng. Khi phát hiện ra cuốn Cái vô hạn trong lòng bàn tay mẹ đang để trên đầu giường, Nếp gật gù:
- Mẹ đọc hết cuốn này cho con.
Câu giờ trước khi đi ngủ đây mà. Được. Đọc thì đọc. Mẹ đọc chừng ba dòng lời nói đầu thì em nói:
- Mẹ, con muốn thiền.
- Nhưng mẹ không biết cuốn sách đó ở đâu. (Nhà mình có một cuốn sách nhỏ dạy cho trẻ cách để bình an trong tâm hồn.)
- Dưới đất đó mẹ. Nếp thích cuốn sách này.
Mẹ chỉ lấy làm lạ là sao con có thể liên tưởng hay như vậy.
41. Nói gì về chuyện chết?
Không hiểu vì lẽ gì và từ bao giờ mà thỉnh thoảng, các con hay nói với mẹ: “Mẹ, con không muốn chết” hoặc “Con không muốn mẹ chết”. Có lần, khi đưa các con ra tàu về quê ngoại - mùa hè nào các con cũng về ngoại - Nếp nói: “Mẹ, con không muốn mẹ chết, con muốn gặp lại mẹ”. Bối cảnh một cuộc tiễn đưa, cái bùi ngùi, lo lắng và nỗi nhớ mẹ có thể làm con bất an chăng? Tại sao con hay nói cái gì đó về chết chóc trong những khoảnh khắc như thế? Trước đó, có một hôm đột nhiên Bột hỏi mẹ thế nào là đột quỵ. Út giảng giải, trong đó có hàm ý đe dọa nếu các con cứ làm cho mẹ buồn phiền, tức giận lâu ngày, có thể một ngày nào đó mẹ sẽ bị đột quỵ. Bột, Gạo có vẻ lo lắng và hứa sẽ không làm mẹ buồn bã, tức giận nữa. Gạo phát biểu một câu rất ghê: “Mẹ chết chắc Bột chết theo. Mà Bột chết chắc Gạo cũng chết theo”. Có sớm lắm không khi mẹ vội vã nói cho các con hiểu, dù có bất cứ điều gì xảy ra, sự sống của mình là điều quan trọng, các con phải sống tốt, ngay cả khi không còn ai cả. Bột dặn: “Mẹ, nếu mẹ chết hãy để Bột một bức thư để con có thể đọc. Để lại cho con cái gì con chưa biết để con có thể hỏi mẹ và một món đồ gì đó để con nhìn và nhớ mẹ”.
Sao các con băn khoăn về chuyện sống chết sớm như vậy? Mà mẹ biết để lại điều gì đây? Mẹ mong khi ngày đó đến các con sẽ không còn cần biết điều gì nữa, vì tất cả những điều gì cần biết mẹ đã nói cùng con cả rồi.
Và mẹ, được ngủ cùng con, được chơi cùng con, được đùa cùng con, ước gì mẹ có thể sống với các con đủ để chẳng có gì phải hối tiếc vào cái ngày mình ra đi.
42. Nếp mệt mỏi quá mẹ ơi
Lần đầu tiên chở Nếp đi Thảo Cầm Viên bằng xe máy, bạn có vẻ rất hào hứng: “Yeah, Nếp đi coi con hồng hạc”. Bạn ấy thích con hồng hạc. Chưa ra khỏi hẻm, bạn đã hỏi tới rồi hả mẹ. “Chưa con, mình mới bắt đầu thôi”. “Mới bắt đầu thôi hả mẹ?”. Đi một đoạn bạn ấy hỏi: “Sắp tới rồi hả mẹ?”. “Chưa con, mình mới đi được 1/3 quãng đường”. Năm phút sau, bạn lại hỏi: “Sắp tới rồi hả mẹ?”. Giọng mẹ đã yếu đi: “Chưa con”. Thêm vài lần “sắp tới chưa mẹ” và vài lần “chưa con” nữa là tới Dinh Thống Nhất, đi giữa công viên, mẹ nghe bạn ấy than: “Nếp mệt mỏi quá mẹ ơi!”. Nhìn bạn mệt mỏi thiệt, đường thì xa, trời thì nắng, ngồi không chỗ dựa lưng mà. Mẹ nhớ mãi nét mặt mệt đừ của bạn lúc đó, và nhớ cả tâm trạng của mình: vừa thương, vừa buồn cười vì bạn đã biết tỏ bày sự mệt và mỏi của mình. Nhưng mẹ cũng giật mình vì… không biết bạn ‘‘lượm’’ được từ mệt mỏi này ở đâu. Có khi nào giữa những ngày mỏi mệt, mẹ than phiền nhiều đến mức bạn nhớ và sử dụng luôn trong bối cảnh hôm nay không?
Mệt vậy đó nhưng chỉ cần đến được Thảo Cầm Viên là bạn lại như con sóc về rừng, chơi xuyên buổi trưa, qua chiều, không cần ngủ. Và người mệt là mẹ… Nhưng khi vừa chớm nghĩ đến từ mệt mỏi, mẹ đã giật mình: “Cẩn thận ngôn từ với con đó, mẹ ơi!”.
43. Mẹ ơi, Nếp nói một câu chưa từng thấy
Buổi tối, bao giờ mấy anh chị em cũng chơi chung với nhau một chút trước khi ngủ, sau đó Bột, Gạo về phòng mình, còn Nếp ngủ với mẹ. Thường chuẩn bị cho các con xong rồi mới đến lượt mẹ. Khi mẹ đang loay hoay thì nghe Bột chạy qua khoe: “Mẹ ơi, hôm nay Nếp nói một câu chưa từng thấy: ‘Bột ơi yêu Bột nhất trên đời!’”. Gạo nghe vậy, tức tốc bỏ bức tranh đang vẽ chạy chỗ Nếp hỏi coi Nếp có thương Gạo nhất trên đời không. Câu trả lời là: “Thương Gạo nhất trên đời!”.
Vậy đó, mẹ luôn cố gắng ở bên cạnh các con nhiều nhất có thể, cố gắng quan sát, lắng nghe và tận hưởng nhiều nhất có thể. Nhưng không phải lúc nào mẹ cùng bắt được những khoảnh khắc đẹp đẽ dù ở ngay ở bên cạnh con.
44. Mẹ chỉ chở một mình con nữa nha mẹ
Cuối tuần cả nhà hay hẹn hò ăn tối bên ngoài - quy định là mỗi tuần ăn theo yêu cầu của một người, có ngày ăn theo chọn lựa của mẹ, có ngày ăn theo chọn lựa của ba. Nhưng có vẻ như ba mẹ ăn theo các con hầu hết các lần - và thường là các món fastfood - dù mẹ nghe là thấy sợ, nói gì ăn. Tuy nhiên, mẹ cũng không công bằng cho lắm, vì những lần các con đề nghị ăn gà rán các loại, mẹ hay nghiêm khắc với các con. Nếu các con không làm đúng giao ước, mẹ sẽ cho ăn ở nhà hoặc đổi món khác. Nếp lúc này chưa biết ăn gà rán nên thường bị ở nhà. Bạn có vẻ buồn. Mẹ cảm nhận được điều đó. Hôm nay, khi Bột xin mẹ qua hàng xóm chơi, mẹ giao hẹn: “Nếu Bột không về đúng giờ, mẹ sẽ chỉ chở một mình Gạo đi ăn thôi”. Nếp đang nằm, nghe mẹ nói bèn ngồi bật dậy: “Mẹ chỉ chở một mình con nữa nha mẹ”.
45. Nếp kiếm chuyện
Có biệt danh này là vì từ lúc biết nói đến giờ, Nếp không nói bình thường như người khác mà hoặc rất ngắn hoặc rất dài. Khi trả lời các câu hỏi, chị ấy trả lời rất ngắn gọn. Ví dụ đi công viên về mẹ hỏi:
- Nếp, hồi nãy mình gặp hoa gì màu đỏ nở trên cao vậy con?
- Phượng.
- Người ta phơi cái gì dưới đất vậy con?
- Ớt.
- Mẹ chở ngang trường Nhiêu Lộc con thấy gì?
- Các bạn.
Đó là khi trả lời. Còn khi kể lại hay tường thuật một cái gì đó, con luôn tìm cách kéo dài câu ra, dài hết mức có thể.
Khi kể cho dì Út nghe một cái gì đó màu trắng, bạn ấy mô tả: “Trắng muốt như bộ lông của một con thỏ màu trắng vậy đó”.
Đôi khi, câu dài chỉ vì Nếp ghép nhiều từ cho nó dài ra. Ví dụ như Nếp rất thích sờ cái đầu trọc lóc của Gạo và nói như thơ (mới ghê):
- Đầu Gạo trọc nóc (lúc này Nếp vẫn còn nói “l” thành “n”) mà không cười như một dòng suối buồn.
Rồi tiếp sau đó là một câu gì đó tràng giang đại hải mà mẹ không thể nhớ được (vì có hiểu đâu, hihi).
Để chọc mọi người cười, Nếp hay kể - nói bằng giọng rất nhanh:
- Đi Thảo Cầm Viên gặp con sư tử, hà mã, chạy mất dép…
Đòi mẹ chơi chung, rồi khi nghe mẹ nói mẹ phải làm việc, Nếp liền hỏi (câu này chắc trẻ em nào cũng hỏi):
- Mẹ làm gì mà mẹ làm việc hoài vậy?
46. Lúc nào cũng tìm thấy giải pháp
Cho Nếp đi Thảo Cầm Viên. Ở chuồng hươu cao cổ có hai con hươu: một con màu vàng sáng và một con màu vàng đậm hơn. Có người cho chú hươu sáng màu ăn hai trái chuối. Bạn Nếp nhìn và nói: “Mẹ ơi, sao người ta không cho con hươu kia ăn?”. Mẹ rất mừng vì thấy Nếp quan sát và biết cảm thông. Có phải đó là hình ảnh đã khởi lên trong con ý niệm về sự công bằng?
Và từ việc quan sát, Nếp hay đưa ra giải pháp. Đi đường nhìn thấy đám đông, bạn nói: “Mình tìm đường khác nha mẹ”. Khi đòi mua bong bóng, mẹ không mua, bạn tự hứa hẹn: “Hôm sau mẹ mua nhé!”. Đòi snack, mẹ không cho bởi mẹ hạn chế cho các con ăn snack. Thay vì đòi lăn ra khóc, đòi cho được, bạn sẽ nói: “Mai mốt mẹ mua nha mẹ!”. Đòi lấy mắt kiếng của mẹ chơi, mẹ nói:
- Kiếng mẹ là kiếng cận, con đeo mắt con sẽ khó chịu.
- Vậy mẹ mua kiếng không cận cho con nha.
- Ừ, để mẹ mua kiếng mát cho con.
- Kính này nóng lắm nha mẹ nha!
Vậy đó, tự suy luận và tự tìm giải pháp.
47. Mẹ không cười với con hả mẹ?
Hôm nay Nếp vui lắm, cầm cái chai chạy tới chạy lui như con thoi - giờ mẹ mới biết vì sao người ta ví như thoi đưa là thế. Mẹ đang suy tư gì đó không rõ. Con dừng lại, không biết nhìn mẹ bao lâu mà hỏi: “Mẹ không cười với con hả mẹ?”.
Trời. Giật mình chưa. Cho chừa cái tội không cười bị bắt quả tang.
48. Bầu trời màu gì lạ quá?
Mẹ hay đưa Nếp ra công viên chơi. Mẹ thích bế con nằm trên tay mẹ, ngửa mặt lên trời ngắm những con chim én buổi chiều. Ba thường về muộn nên ba mất nhiều cơ hội ngắm trời, ngắm con. Có hôm buổi chiều chưa kịp ra công viên nên buổi tối mẹ, ba và Nếp ra ngoài sân đứng chơi. Mẹ quen tính thích ngó lên trời nên bế con nằm ngửa trên tay rồi chỉ:
- Nếp, bầu trời màu đen kìa Nếp.
Khi quay qua không nhìn thấy ba đâu, Nếp hỏi:
- Mẹ, bầu trời màu Tấn đâu rồi hả mẹ?
Con thật là một cô bé hài hước. Và vì hài hước nên con nói nhiều câu rất nghịch. Chẳng hạn một buổi tối có phim hài, mẹ mê quá nên ngồi coi, bèn dụ dỗ bạn: “Hôm nay con đi ngủ với chị được không?”. Câu trả lời là: “Nếp đi ngủ với mẹ được”. Trả lời vậy thì làm sao mẹ để con đi ngủ một mình được chứ?
49. Bột, Nếp đẹp không Bột?
Buổi chiều, mẹ lục lại đồ cũ, phát hiện ra Bột có rất nhiều đầm còn mới toanh. Và thế là em Nếp được thừa hưởng. Nếp ưng lắm, xúng xa xúng xính đi tới đi lui.
- Bột, Nếp đẹp không Bột?
- Dễ thương lắm Nếp.
Xúng xính một hồi hỏi:
- Bột, Nếp đẹp không Bột?
- Đẹp.
Nghĩ sao đó hỏi tiếp:
- Bột, Nếp đẹp hơn Bột luôn hả Bột?
Ẹc, Bột hết biết trả lời sao luôn.
50. Không biết ai là chị Hai
Bột, Gạo thích vẽ nên Nếp cũng cầm màu, cầm bút rất sớm. Thường thì Nếp vẽ người, vẽ nàng tiên cá… Hôm nay, Nếp bắt đầu vẽ cá - có đầy đủ mắt, đuôi, vây,… Vẽ luôn cả một hồ bơi cho cá. Và một hồ bơi cho Nếp. Nếp nổi rồi Nếp chìm.
Nàng vừa vẽ vừa nói, thấy chị Bột đi ngang qua kêu:
- Để Nếp lấy bút cho Bột vẽ nha.
Ai dè Bột đi toilet. Nàng bỏ sự nghiệp vẽ chạy theo hỏi:
- Bột ơi, để Nếp xi Bột ị nha Bột.
Trong khi Bột lớn hơn Nếp đến năm tuổi. Làm sao mà mẹ không cười nghiêng ngả cho được.
Nàng đi tắm xuống, ngang qua cầu thang, nơi anh Gạo đang bị mẹ phạt ngồi cầu thang. Không cần hỏi lý do, nàng tự nói:
- Sao mẹ phạt Gạo vậy? Gạo ngoan mà mẹ.
Nàng đi mua táo, mẹ hỏi:
- Con thích ăn táo xanh hay táo đỏ.
Nàng trả lời:
- Bột, Gạo thích táo xanh, con thích ăn táo đỏ. (Thực ra, chỉ có Bột thích táo xanh thôi.)
Đi Thảo Cầm Viên, hỏi con thích đi với ai, nàng bảo:
- Con thích đi với ba với mẹ với chị Bột anh Gạo,… với tất cả mọi người. (Kể được tên ai thì kể hết và không quên chốt hạ bằng tất cả mọi người - không biết học được chữ này từ khi nào.)
Mẹ vui vì mỗi lời con đều có lòng quan tâm của con dành cho anh chị.
51. Trái bầu táo
Gần nhà mình có một giàn bầu hồ lô. Mẹ thấy ngồ ngộ nên lần nào đi qua cũng ngắm nghía. Hôm nay thong dong, mẹ chở Nếp đi ngang qua chỉ cho con biết trái bầu. Con thích lắm, đứng ngắm nghía rất lâu rồi nói:
- Giống cái dú (vú) há mẹ há?
- Đâu có, giống cái hồ lô đựng rượu đó con.
- Giống cái dú mà.
- Giống cái hồ lô mà.
Nói qua nói lại một hồi, con kết luận, giống cái táo. Về đến nhà, mẹ bảo Nếp kể cho Bột nghe hồi nãy mình đã đi đâu.
- Bột, hồi nãy Nếp với mẹ đi ngắm trái bầu táo á.
Vậy là bầu hồ lô có tên mới!
52. Cảnh báo bịnh
Bạn Nếp thường được rất nhiều người ôm, rất nhiều người hôn. Nhiều đến mức bạn ấy hỏi, sao mẹ, ba, chị, cậu, tất cả mọi người hôn con hoài không chán vậy.
Khi bạn ấy bịnh, gặp ai, bạn ấy cũng cảnh báo: Đừng lại gần Nếp nha. Nếp lây bịnh cho chị (cho cô, cho dì, cho cậu, cho anh)… đó nha.
Nếp bịnh, đi ngang qua hàng tạp hóa, nhìn thấy bắp rang bơ, bạn ấy thỏ thẻ: “Mẹ, hồi xưa Nếp thích ăn bắp lắm đó mẹ”. Bà mẹ cũng cắc cớ hỏi: “Giờ còn không?”. “Giờ nếp bịnh rồi. Mai mốt hết bịnh Nếp ăn nha!”.
53. Thương đó đó
Có lẽ câu hỏi mà bọn trẻ nhận được nhiều nhất khi biết nói là: “Thương ba hông?”, “Thương mẹ hông?”. Có lẽ vì ba mẹ nào cũng thèm nghe con nói tiếng thương. Thèm nghe hơn nữa là khi không gặp con cả tháng trời.
Lần đầu tiên Nếp theo ông bà ngoại về quê không có ba mẹ là năm con chừng hai tuổi. Một tháng trời. Đêm đầu tiên các con về quê, ba mẹ không sao ngủ được, thấy cái nhà trống hoắc trống huơ. Ngày chuẩn bị đón các con vô lại Sài Gòn, ba mẹ cũng không ngủ đươc. Tàu tới ga lúc 6 giờ 30 phút sáng. Chưa tới 4 giờ, hai “ông bà già” đã lọ mọ ra ngồi chờ ở ngoài ga. Trời vẫn còn tối mù. Lần đầu tiên mẹ nghe ba nói: “Trời, mới có một tháng mà như đã mấy năm. Tưởng tượng xa tụi nhỏ mấy năm...”. Chỉ mới tưởng tượng thôi là đã không chịu nổi. Có lẽ đó là lần hiếm hoi trong đời mẹ nghe ba con bày tỏ sự yếu đuối của mình. Nhờ các con mà ba có cơ hội nói cho mẹ biết rằng mình yếu đuối.
Không thể tưởng tượng được buổi sáng hôm đó, ba mẹ chờ rất lâu mà tàu còn vào trễ nữa chứ. Thấy ba, Gạo đã lao tới ôm chầm lấy: “Ba!”. Bột thì ôm cả ba và mẹ. Sau này, Bột mới nói: “Con không bao giờ quên cảm giác ngồi trong lòng ba từ trên taxi về nhà”.
Và Nếp… con nhìn mẹ không cảm xúc (theo ngôn ngữ của ba là… bơ bơ), và không cho mẹ bế. Ồ! Không thể nói được hết cảm giác sốc của mẹ - con ngái ngủ, con quên mẹ, hay con giận hờn, hay có gì đó phức tạp hơn. Phải đến năm phút sau con mới cho mẹ bế nhưng vẫn không nói một tiếng nào, không tỏ một thái độ gì. Đến khi mẹ đề nghị đi xem bồ câu trong sân ga, con mới gật đầu (cảm ơn bồ câu). Lát sau, những con bồ câu gần các toa tàu bay đi hết, chỉ còn hai chú chim sẻ. Mẹ nói: “Bồ câu bay hết rồi con”. Con nói: “(Còn) chim sẻ?”. Đó là từ đầu tiên con nói khi về lại Sài Gòn sau một tháng trời.
Những ngày tiếp theo, con nhõng nhẽo không thể tả, như thể bù đắp lại những ngày xa mẹ vậy.
Trưa hôm đó, hai mẹ con nằm ôm nhau trên giường chị Bột, Nếp nói một câu làm mẹ sững sờ - nói như người lớn: “Về nhà mình ở Sài Gòn rồi, mừng quá!”.
Ôi con!
Đón con xong là ba đi làm ngay. Những mùa hè sau, ba thường lên lịch trình đón con vào cuối tuần hoặc nghỉ phép ngày đó để ở nhà chơi với con chút ít.
Trưa đó, mẹ gọi cho Nếp nói chuyện với ba. Nếp nói vài câu rồi trả điện thoại. Mẹ hỏi:
- Nếp thương ba không?
- Thương.
- Thương nhiều hay thương ít?
- Thương ít.
- Vậy thương ai nhiều?
- Thương đó đó.
Vừa nói con vừa chỉ tay về phía bà ngoại đang ngồi chải tóc. Mẹ nghe mà rưng rưng.
Con hiểu, con cảm nhận được tình yêu mà ngoại dành cho con phải không? Các con về quê là thời gian mệt nhọc nhưng có lẽ là khoảng thời gian ấm áp nhất của ông bà. Các con về Sài Gòn, bà ngoại đưa vô trả lại, ông ngoại gọi thăm nói mà như than:
- Nhà vắng quá!
54. Ba ngủ dưới đất nha
Trước giờ đi ngủ, không biết kiếm đâu ra ba bông hoa, Nếp chạy loanh quanh, nói líu lo:
- Ba nè, mẹ nè, Nếp nè.
Lăng xăng sao đó mà “bông hoa ba” rơi xuống đất, nàng bèn nói tiếp:
- Ba ngủ dưới đất nha. Nếp ngủ với mẹ trên nệm.
Nhìn hai bông hoa một lớn một nhỏ nằm cạnh nhau, con cứ huyên thuyên:
- Nếp ngủ với mẹ. Ba nằm dưới đất. Ba đừng buồn nha.
55. Út đi, Út bỏ Nếp một mình, Nếp buồn làm sao
Khi sinh Nếp, mẹ nghĩ chuyến này thôi không đi làm nữa, ở nhà chăm con. May mắn thay, mẹ có nhiều người giúp đỡ: bà ngoại, dì Út, cậu Tư, chị Uyên… Mẹ cũng tìm được một việc làm tại nhà để có thể vừa làm vừa có giờ chơi với con. Tuy nhiên, nỗi khổ tâm của người làm việc tại nhà là… trốn trên phòng làm việc mà dưới này con cứ hát líu lo, nói huyên thuyên và khóc um sùm. Lòng mẹ thì dễ bối rối lắm nên thiệt tình chỉ muốn nhào xuống chơi cùng con. Sáng nay, mẹ đang làm việc thì nghe Nếp khóc. Té ra dì Út chở Bột đi chợ, Nếp không được đi nên òa khóc, khóc tức tưởi rất lâu. Mẹ đang bị dí bài nên chỉ có thể xuống ôm con một cái rồi lên làm tiếp.
Lát sau dì Út về, Út chơi đùa với Nếp. Đến lúc phải đi giặt đồ, Út chào Nếp:
- Út đi nha.
Con gái nhỏ nói:
- Út đi, út bỏ Nếp một mình Nếp buồn làm sao.
Con nói rành rọt từng từ nghe mà đứt ruột. Mẹ vẫn ít thì giờ cho con quá!
56. Nói nhẹ nhàng rồi anh cho
Không biết từ bao giờ trong nhà mình, mọi người hay nói với nhau câu: “Nói nhẹ nhàng đi rồi…”. Ví dụ, khi Gạo đòi ăn bánh, con thường hay khóc hoặc nói cộc lốc: “Bánh”, mẹ sẽ nhắc: “Nói nhẹ nhàng đi rồi mẹ lấy bánh cho”. Có lúc Gạo làm gì đó khiến Bột bực mình, Bột quát em, mẹ cũng nhắc: “Con nói nhẹ nhàng với em”. Sau này, những khi các con đòi hay muốn một cái gì đó, bao giờ người còn lại cũng nhắc nhở: “Nói nhẹ nhàng đi rồi anh cho/chị cho/em cho…”. Và khi mẹ giận quát, Gạo cũng là người nói: “Mẹ phải nói nhẹ nhàng thì con mới hiểu”.
Một hôm, Bột kể cho mẹ nghe:
- Mẹ, hôm bữa chỉ có hai chị em ở nhà, Gạo dễ thương lắm mẹ. Con nói Gạo có đầy đủ tính tốt của một người con trai, chỉ còn cái tật hay khóc nhè nữa thôi. Gạo nói Gạo sẽ dần dần từ bỏ cái tật khóc nhè đó, nhưng phải từ từ vì Gạo không bỏ liền được Bột ơi.
Thật là kỳ diệu con nhỉ? Với sức mạnh của sự nhẹ nhàng, mẹ tin là Gạo sẽ từ từ thay đổi.
57. Không phải câu hỏi nào cũng có câu trả lời
Bột không thích vận động, dù mẹ dỗ dành rất lâu. Mẹ khuyến khích con nhảy dây, chạy, tập aerobic…, nhưng thường con chỉ tập chừng vài lần rồi thôi. Thôi thì tập thử xe đạp, chuyển từ ba bánh sang hai vậy. Nhưng rồi mua xe, tập thử, Bột cũng không dám chạy cứ một mực kêu là xe bị nghiêng. Đến khi đạp thử không được, bạn lại nói: “Đó thấy chưa, con nói con không chạy được mà. Kết quả lúc nào cũng vậy mà”.
Mẹ bực mình không phải vì con không chạy xe được, mà là vì cách con không tin vào chính mình. Nếu chủ bại ngay từ đầu thì làm sao con tập được đây?
Lần khần mãi không nhúc nhích được chút nào, mẹ ép con chạy một mình đến chỗ mẹ (cách chừng hai sải tay). Con không chạy, cứ đứng đó nhìn và nước mắt trào ra. Mẹ vừa bực mình, vừa bối rối. Có phải mẹ thiếu cảm thông với con không? Hay mẹ cần mềm mỏng hơn, khuyến khích hơn? Hay mẹ đang bắt con làm theo nhu cầu của mẹ mà không phải nhu cầu của con? Rõ là con không thích đi xe đạp mà. Thì thôi, khi nào thích, con sẽ tự tập giống mẹ ngày xưa vậy. Mẹ nhớ hồi xưa có lần mẹ phàn nàn chuyện con một tuổi rồi vẫn chưa mọc răng, bà bác sĩ khám bịnh cho con đùa: “Yên tâm đi bà mẹ trẻ, em nhìn coi có người lớn nào không mọc răng không?”.
Mẹ đành tự nhủ: “Ừ, hiếm có người lớn nào không biết đi xe đạp. Mà nếu có người không biết đi xe đạp thật thì sao? Cũng chẳng sao cả”.
Không phải câu hỏi nào cũng có câu trả lời, mẹ biết. Và hẳn là mẹ sẽ còn hỏi nhiều cho đến khi con lớn. Có người mẹ nào ngừng hỏi đâu, kể cả khi con mình già đi.
58. Tha thứ
Hôm nay Bột, Gạo giận Nếp, rất giận vì… Nếp lỡ giết ba con kiến. Bột, Gạo can ngăn mà không được. Anh chị giận không cho Nếp chơi chung. Mẹ cố gắng giải thích rằng em sai rồi, nhưng các con phải tha thứ và dạy dỗ em thay vì ghét bỏ em như vậy. Làm sao các con có thể thương một con kiến nếu không biết thương những người thân thương nhất bên cạnh mình. Nói vậy nhưng xem ra các con vẫn chưa hết giận em. Mẹ không biết làm sao bèn kể chuyện sáng nay, Bột, Gạo đi học, em ở nhà một mình, lấy một cái chén màu xanh và một cái chén màu cam chơi. Chén nhỏ màu cam là Nếp, chén xanh to là Bột, rồi Nếp ngồi vào lòng Bột (lấy chén nhỏ bỏ lọt vào lòng chén lớn).
Bột nghe, vẫn còn lườm Nếp, nhưng mẹ biết con đang dịu lại. Cảm ơn con vì đã tha thứ.
59. Bột ơi, mẹ biến thành con báo rồi
Đó là khi mẹ mặc cái đầm họa tiết da báo từ trên lầu xuống, Gạo đang chơi nhìn thấy chợt thốt lên: “Bột ơi, mẹ biến thành con báo rồi”. May mà con không nói mẹ biến thành con báo những lúc mẹ giận dữ.
Mẹ nghĩ có lẽ trẻ em nào cũng thích đóng kịch, thích tưởng tượng. Nếp cũng ưa bày trò, khi vui thì gọi mẹ bằng chị, xưng em, có khi gọi bằng cô chú xưng con. Có bữa vui vui gọi mẹ: “Chị dễ thương ơi, gãi giùm em cái nách” hoặc “Chị xấu hoắc ơi, ôm con một cái đi”.
Dạo này, con có thêm một “cái đức” mới: Khi mẹ sắp sửa giận, con quay lại nhoẻn một nụ cười, cơn giận của mẹ xìu xuống ngay, hoặc có khi thì “Mẹ ơi để con vẽ cho mẹ coi nha”.
60. Điệp khúc ngủ
Nếp có nhiều điệp khúc giờ đi ngủ lắm: “Mẹ đọc sách cho con”, “Mẹ thay đồ”, “Mẹ uống nước”, “Mẹ ơi ngứa…”.
Thường thì, cứ trước khi đi ngủ là con đòi: “Kêu ba lên ngủ với con”. Có hôm kêu ba không nghe bèn nói: “Không thèm trả lời hả?”. Bữa nào được ba lên ngủ cùng con vui lắm, cứ líu lo: “Ba ngủ với con, mẹ ngủ với con, con ngủ với con”. Bữa nào ba đi công tác, tối ngủ hỏi ba đâu đã đành, giờ ăn cũng ngồi nói một mình: “Ba ơi, mời ba ăn…”.
Có những ngày ngủ khó, con đòi lên võng xuống võng, rồi lên võng xuống võng, rồi uống nước, rồi thay đồ, rồi ngứa. Mẹ lau, lát lại ngứa. Mẹ rửa, vẫn ngứa. Cuối cùng, mẹ phải rửa bằng nước muối. Sau đó chuyển sang ngứa mông, ngứa lưng, ngứa cổ, ngứa cả đêm vậy. Mẹ bực mình la. Bạn nói một câu làm mẹ sững sờ: “Ngứa mà, tự nhiên la”.
Ừ, mẹ thật là vô lý phải không con? May mà cuối cùng, bà mẹ ấy nghe và lập tức nhận ra mình có lỗi, vội ôm con vào lòng thủ thỉ: “Xin lỗi con, mẹ sai rồi”. Thương quá, ngay cả khi mẹ viết lại những dòng này.
61. Nói chuyện một mình
Dạo này, con trưởng thành rồi! Ngày xưa thức dậy mà không có mẹ là con khóc váng lên. Dạo này, thức dậy là con tự đi tìm mẹ rồi tặng cho mẹ một nụ cười.
Sáng nay, mẹ dậy sớm, đi xuống nhà làm loanh quanh, nghe thấy tiếng con véo von trên phòng, tưởng con đang chuyện trò với ai. Té ra, con gái mẹ nằm nói chuyện một mình! Con hay chơi một mình, nói chuyện một mình, cầm sách đọc một mình... Mẹ ghi lại một đoạn, tạm gọi là thơ mà mẹ nghe được từ trong bếp, khi con một mình chơi trên nhà. Có những câu mẹ nghe không rõ:
“Chiếc thuyền nằm trên cỏ
Em thích quá em đuổi theo
Em vỗ cánh bay lên…”.
62. Noel 2013
Năm nay, ông già Noel tặng nhà mình ba món quà: một cái kiếng mát cho Nếp (vì bạn ấy thích cái kiếng nóng của mẹ), một con khủng long bay cho Gạo và một bộ khuôn thạch cao để con làm các con thú và tô màu. Bạn nào cũng hỉ hả. Bột nói: “Đó thấy chưa, đâu cần viết thư cho ông già Noel mà cũng được quà, thích ơi là thích. Mình chưa kịp nghĩ ra quà gì mà đã được tặng rồi, hên ghê”.
Là vì mấy ngày trước mẹ hối viết thư cho ông già Noel mà bạn nào cũng lần khần mãi.
Mẹ vui, dù nhà mình Noel năm nào cũng yên ắng.
63. Nếp giật tóc Nếp mà
Hồi xưa tóc mẹ dài ngoằng. Khi có con, tóc mẹ ngắn đi dần. Không phải “đổ thừa” con, nhưng phụ nữ sau sinh, tóc rụng đi nhiều. Tuy nhiên, đó cũng không phải là lý do chính mà bởi từ ngày có con, mẹ hầu như không xõa tóc bao giờ, phần vì vướng víu, phần vì lúc nào cũng lu bu, mồ hôi mồ kê quá nhiều. Và một phần lớn hơn là vì Nếp rất thích nghịch tóc mẹ. Không hiểu sao mà cứ mỗi lần sà xuống chơi cùng là thế nào con cũng nắm, níu, xoắn tóc mẹ các kiểu. Một lần, Nếp giật tóc mẹ. Mẹ hỏi: “Tại sao con giật tóc mẹ?”. Con im lặng không trả lời, đưa tay tự giật tóc mình (chắc là coi có đau không, giống như nếu nhéo mẹ, mẹ kêu lên thì tự tay nhéo mình và nói “không có đau mà”). Mẹ hỏi tiếp: “Tại sao Nếp giật tóc mẹ vậy?”, con bèn trả lời: “Tóc Nếp chứ!”.
Tóc của mẹ cũng là tóc của con, phải không con?
64. Con bò cắn cỏ
Buổi tối, mẹ đọc cho nghe một cuốn sách. Con đặc biệt thích hai con chim đang trò chuyện. Nhờ con, mẹ mới phát hiện ra có một con chim nằm cuối cùng của trang sách - mẹ đã lật cuốn sách không biết bao nhiêu lần mà không thấy. Mẹ liền hỏi:
- Sao Nếp thấy con chim hay vậy?
Bạn lật sang trang khác chỉ:
- Con bò cắn cỏ nè mẹ.
Xưa nay có ai kêu con bò cắn cỏ đâu trời. Mà nhìn lại mới thấy bạn dùng từ cực kỳ chính xác. Ả bò đang cắn cọng cỏ, đầu ngẩng lên chứ không phải cắm cúi gặm, mà cũng không phải đang nhai. Mẹ phải học cách dùng từ này mới được.
65. Con ốc ma
Trưa ở công ty, mẹ có điện thoại, giọng bên kia hớt hải: “Mẹ ơi có một con ốc sên trên cành cây mai nhà bác Khanh (nhà hàng xóm). Nó giống con ma. Nó có ba cái sừng ghê như một con ma màu đen. Nó đã ăn hết một chiếc lá rồi mẹ ơi”.
66. Con đang vẽ tranh tặng mẹ mà
Hôm nay, khi đến trường đón Gạo, anh chàng chạy ra mà tay còn lỉnh kỉnh nào tập, nào màu, nào chì, hào hứng khoe: “Con đang vẽ tranh tặng mẹ”. Sợ mưa ướt, mẹ đành hối các con ra về. Về nhà, không uống sữa, không tắm, con ngồi lọ mọ cắt cắt, dán dán, gôm rồi viết, viết rồi xé, xé rồi làm lại. Cả buổi tối. Cuối cùng, con lỏn lẻn đem lại đưa cho mẹ một mẩu giấy viết: “Con chúc mẹ luôn mạnh khỏe, xi ẹbđ” (xinh đẹp).
Đó là lần đầu tiên bạn ấy tự viết một câu dài và hay (với mẹ) đến như vậy!
67. Tranh đấu
Hôm nay có một việc làm mẹ buồn cười nhưng cảm động. Gần đến giờ các con đi ngủ, bác hàng xóm sang mời ba qua nhà uống vài ly. Chơi một lát, phát hiện ra vắng ba, Bột, Gạo đi tìm, làm náo động cả xóm bằng những lời lẽ của mình: “Ba không biết mẹ đã đi làm mệt mỏi cả ngày hay sao ba còn trốn đi nhậu?”, “Tại sao bác lại mời ba con uống bia vào giờ đi ngủ?”. Lạ nhất là Bột rất quyết liệt: “Ba không về thì con không về”. Mẹ không nói về chuyện đúng sai, mẹ chỉ thấy vui vì các con biết đấu tranh, lời lẽ và thái độ đều rất đanh thép. Mẹ nghe kể cô hàng xóm đem xôi mời Gạo (món ăn khoái khẩu nhất của bạn ấy). Gạo đã động lòng rồi, nhưng bị Bột quát: “Gạo, chà răng rồi đó”. Thế là Gạo đành bỏ lại.
Bột, hôm nay mẹ mới phát hiện ra con người quyết liệt trong con đó Bột!
68. Bé xíu mà biết trấn an
Nếp dạo này hay khóc nhè. Bà ngoại vô thăm hỏi:
- Ủa sao hồi nhỏ Nếp không nói đớt mà giờ đớt quá vậy?
Té ra con chỉ đang nhõng nhẽo quá mà thôi. Chẳng hạn “máy lạnh” qua cái giọng nũng nịu của con sẽ thành “máy dạnh” thì sao mà bà ngoại không lầm cho được.
Chưa kể hở ra một chút là Nếp lại khóc nhè. Chưa đến lúc được chơi game nhưng Nếp cứ đòi mượn điện thoại của mẹ. Mẹ tất nhiên không đồng ý, thế là con ngồi khóc. Và rồi lát sau mẹ nghe tiếng Nếp nói chuyện với con búp bê của mình:
- Thấy chưa, vui mà, còn nhiều trò chơi khác, đâu có gì mà đòi game…
Trời ơi, mẹ nhận ra cái “bịnh” trấn an này của Nếp. Từ hồi còn bé xíu, mỗi lần Nếp ho là mẹ lại lo lắng. Nhưng vừa dứt cơn ho, con lại nhìn mẹ trấn an: “Không ho nữa đâu mẹ”. Nghe mà trào nước mắt. Sao con nghĩ cho người khác sớm vậy con?
Té ra không chỉ biết trấn an người khác, Nếp đã bắt đầu biết trấn an chính mình. Và khi biết tự trấn an mình, nghĩa là con đã lớn lên - phải thế không người bạn nhỏ của mẹ?
69. Món ngủ
Nếp rất mê chơi trò nấu ăn. Và điều thú vị thứ nhất của trò nấu ăn là con có rất nhiều loại nồi niêu, xoong chảo, nắp, muỗng đũa,… Nhiều và nhỏ nên không có bộ đồ chơi nào của con còn nguyên vẹn cả. Tuy nhiên, nhờ vậy mà điều thú vị thứ hai xuất hiện: con biết trộn các món đầu thừa đuôi thẹo lại với nhau để có một bộ đồ bếp “hợp chủng quốc”. Nồi này vung kia, chảo gỗ đậy nắp nhựa, con cá làm bằng gỗ, rau cải bằng nhựa còn cái nồi đang nấu thì bằng nhôm. Bếp gỗ để cạnh bếp điện phát ra âm nhạc… Và Nếp vừa là người phục vụ, vừa là đầu bếp, vừa là chủ quán, vừa là người dọn dẹp. Những người xung quanh sẽ được chị ấy hỏi: “Anh ăn gì?”, “Chị ăn gì?”. Quán hôm nay có các món mì xào giòn, gà chiên bò, cơm chiên thịt, tôm trộn lá, cá xiu xiu, thịt heo kho bò và rất nhiều các thể loại bánh kỳ lạ mà mẹ không thể nào nhớ hết tên. Và sau khi khách gọi món xong, chị ấy sẽ “xuống bếp” nhào nhào, trộn trộn, quậy quậy các kiểu rồi bưng lên cung kính bằng hai tay mời khách.
Mẹ đi làm về, nhiều hôm rất mệt nhưng cũng ngồi xuống gọi một món bánh, một món nước ép, sinh tố gì đó. Mẹ “gian” lắm, thường gọi rau, trái cây với mưu đồ “đen tối” là… tập cho Nếp gặp gỡ, quen biết với khái niệm bữa ăn có nhiều rau trái. Và “mưu đồ” của mẹ ít nhiều thành công, bằng chứng là bạn ấy ăn rau và trái cây rất giỏi, ăn được cả rau sống với các loại rau khó như rau thơm, diếp cá, chùm ngây,… Tuy nhiên, không phải hôm nào mẹ cũng nỗ lực được.
Có hôm, mẹ vừa bỏ giỏ xuống, Nếp đã “bay” tới hỏi:
- Mẹ ơi, hôm nay còn cà chua, bánh dừa, dưa hấu, phô mai các loại… Mẹ ăn món gì?
Giọng bạn ấy rất vui vẻ, lúc nào cũng vui vẻ. Mẹ nói:
- Mẹ mệt quá Nếp ơi, giờ mẹ chỉ muốn ngủ thôi.
Bạn ấy không nói gì, đi vào bếp, nhào nhào, trộn trộn, quậy quậy. Một mình. Mẹ nhìn Nếp chơi một mình và chạnh lòng, một khoảnh khắc ngắn vừa đủ để mẹ hối hận vì đã không chơi cùng với bạn ấy. Một loáng sau bạn ấy đi ra, khệ nệ mang theo một mâm các loại, giọng đầy hân hoan, kiểu hài lòng của một đầu bếp vừa thành công trong việc tung ra một công thức, một thực đơn mới:
- Đây, món ngủ của mẹ!
Trời! Một món ăn chưa từng nghe nói trong thực đơn, bảo đảm là thế. Không biết bạn ấy bỏ thần dược gì trong món ngủ mà chưa nếm miếng nào, bà mẹ già mỏi mệt của bạn ấy đã tỉnh ngủ ngay lập tức.
70. Không có sách chắc con không sống nổi!
Bột mê sách. Lúc nào Bột ở nhà, hình ảnh thường xuyên nhất của con là đang ngồi với một quyển sách. Mẹ không biết có phải con lớn lên trong môi trường đồ chơi trộn với sách báo hay không mà con mê sách rất sớm. Từ lúc 5 tháng tuổi, chính xác là 4 tháng 27 ngày, con đã cầm tờ báo trên tay, tò mò, háo hức rồi… đưa lên miệng gặm. Đó cũng là ngày đầu tiên mẹ mang về một cuốn truyện tranh. Con cầm bằng hai tay và nhìn nó rất chăm chăm. Bà ngoại chọc con bằng cách lấy đi cuốn sách. Con òa khóc. Lần đầu tiên mẹ phát hiện ra con biết vòi vĩnh, biết giữ gìn cái mình muốn.
Hồi con còn nhỏ, mẹ đọc sách con nghe. Một câu chuyện đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Niềm say mê sách lớn dần theo cho đến khi con tự đọc cuốn sách đầu tiên của mình. Đọc to, đọc từng chữ. Rồi đọc thầm. Sau Tết, bắt đầu hè, con biết đọc chữ cái đầu tiên. Vài ngày sau khi vào lớp Một, con đã bắt đầu đọc bằng mắt. Mùa hè lớp Hai, con bắt đầu chuyển sang truyện chữ. Về quê ngoại, trong hành lý mang theo, có những cuốn sách rất dày - để đọc cho lâu hết. Nhiều người bạn hỏi mẹ làm sao để con yêu sách? Mẹ nghĩ có thể mẹ đã để sách trà trộn vào đồ chơi của con từ nhỏ. Bất cứ lúc nào tiện, mẹ với tay là thấy, để tiện đọc cùng con. Đọc sách trước khi đi ngủ đã thành… “hủ tục”. Đến khi biết đọc, Bột đọc tự nhiên như ăn, ngủ, chơi, như một phần tất yếu. Tuy nhiên, như những bà mẹ khác, mẹ vẫn hay nhắc nhở: “Bột hôm nay ôm cuốn sách hơi lâu rồi, để cho mắt nghỉ ngơi thư giãn chút con”.
Có lẽ do mẹ nhắc nhiều quá nên một ngày, mẹ nghe Bột than thở với bạn rằng mẹ không cho đọc sách. Có lẽ mẹ hơi khe khắt con nhỉ? Mẹ đành giải thích: “Bột, tất nhiên là con được đọc sách, nhưng mẹ muốn con đọc một chút phải nhớ ngẩng đầu lên, nhìn trời, nhìn đất tùy ý nhưng nên phóng tầm mắt của mình ra xa, tập cho đôi mắt co giãn, vì nếu chỉ chăm chăm vào sách mẹ sợ con sẽ cận thị”. Nói là vậy, nhắc là thế, nhưng mẹ biết làm sao mà dứt ra những cuộc phiêu lưu của Pippi, làm sao thoát ra khỏi thế giới đầy phép màu, phép thuật của Harry Potter, làm sao ngừng dõi theo bước chân bé nhỏ và hành trình trên lưng ngỗng đực của Nil…
Mẹ biết, mẹ biết mà Bột, làm sao mình có thể bước ra khỏi một thế giới lung linh như thế. Mẹ - hồi nhỏ cũng trốn sau hè đọc sách, những buổi trưa trốn lên cây, thậm chí rúc trong tấm chăn đọc bằng ngọn đèn pin nhỏ xíu. Vậy nên mẹ không bất ngờ khi một ngày nghe Bột phát biểu: “Mẹ, bây giờ một ngày không có sách chắc con không sống nổi”. Bột, mẹ vui khi con yêu sách. Mẹ hiểu sách mở cho chúng ta những chân trời, cho chúng ta tình yêu, niềm cảm thông, cho chúng ta cảm nhận thế giới, cho chúng ta thêm một kênh giao tiếp… Nói làm sao cho hết những điều tốt đẹp sách đã mang lại cho chúng ta. Nhưng yêu không có nghĩa là phụ thuộc. Con cứ yêu sách, yêu ai, yêu gì đó tùy ý nhưng đừng bao giờ nói không sống nổi nếu thiếu điều đó. Không-sống-nổi-nếu-thiếu-điều-đó - con biết không - điều không thể sống nổi ấy không còn là tình yêu mà là cơn nghiện, mà là sự phụ thuộc, là sự mất tự do. Mẹ hiểu, câu “không thể sống nổi” chỉ là một cách nói, một cách diễn đạt có nửa phần thậm xưng, nửa phần tự nhiên để con bày tỏ tình yêu của mình thôi. Nhưng có thể mẹ là người quá nhiều lo lắng nên mẹ đành phải dặn: hãy cứ yêu - và cứ sống cho dù điều không thể sống nổi đó có mất đi. Không bao giờ phụ thuộc vào một ai, phụ thuộc vào một điều gì như thế - kể cả sách, con gái của mẹ ạ.
71. Lại chuyện đọc sách
Giống như chị Bột, Nếp thích đọc sách khá sớm. Và khi con đã thích một câu chuyện, một bài thơ hay một bài hát nào, con nhất định bắt mẹ phải đọc cho con nghe hoài, đọc đến khi con thuộc thì mới thôi. Có khi Nếp chỉ thích đọc đúng hai trang của một cuốn sách. Ví dụ, cuốn Cuộc phiêu lưu của đất sét, Nếp chỉ thích trang phơi gốm có hình hai con mèo - một con mèo thật đang ngó một con mèo bằng gốm. Lần nào đọc Nếp cũng hôn hai con mèo một cái (bình thường không hôn ai bao giờ, thậm chí mẹ kêu hôn mẹ cũng chỉ đưa cái má cho mẹ hôn thôi). Cứ đọc rồi cất. Cất rồi lôi ra đọc. Lâu lâu Nếp lại dè dặt hỏi mẹ: “Con lật cho mẹ đọc được không?”. Được quá chứ con yêu. Có những cuốn sách không thích đọc trang này, trang nọ, Nếp thường bắt mẹ lật qua, vì “trang đó ghê lắm, con sợ”… Ví dụ trong truyện Đất phương nam có cảnh hai anh em như hai con chuột xám trong chuồng bò, hoặc cảnh con chuột bạch khóc chồng bị mèo vồ phải nuôi con nhỏ một mình trong cuốn Đeo nhạc cho mèo, bạn ấy đều bắt mẹ lật qua. Có những cuốn bạn ấy bằng lòng nghe hết câu chuyện nhưng cũng có những cuốn như Kèng kẹc học chữ, bạn ấy chỉ đọc đến chỗ các chữ cái, bốc từng hình chữ A, B, C bỏ vô miệng nhai nhóp nhép. Mẹ vờ tắt đèn cất sách, bạn lại la lên: “Sao mẹ đem sách con ếch của con đi cất?”. Có cuốn sách lần đầu tiên nhìn thấy dấu ngoặc kép, bạn ấy hỏi: “Cái gì đây mẹ?”.
Mẹ nghĩ có khi từ một con mèo, con ếch, một dấu ngoặc kép đầu tiên, con đã dần đọc hết cuốn sách. Sự say mê và thói quen đọc sách biết đâu lại chẳng bắt đầu từ những điều nho nhỏ như vậy, phải không con?
72. Có câu nào con nói mà không suy nghĩ không con?
Mẹ về đến nhà, thường thấy mấy chị em đang loay hoay chơi gì đó. Thỉnh thoảng, có bạn ra mở cửa cho mẹ, thường xuyên nhất là Nếp, em nhỏ nhất nên chạy ra đón mẹ. Hôm nay, em hớn hở: “Tự nhiên quay lại thấy mẹ con mừng quá. Mà có vẻ như mẹ không mừng khi gặp con”.
Trời đất. Con gái tui, mẹ mừng chứ, cả một ngày dài gặp con sao mà không mừng cho được. Có thể hôm nay nhiều xe cộ quá, vẻ mệt mỏi ngoài đường, ngoài phố đã che mất gương mặt thật của mẹ rồi, che mất niềm vui nỗi mừng của mẹ khi gặp con mỗi chiều.
Con gái, mẹ biết con là người quan sát, sắc sảo. Mẹ nghe nói hôm qua đi học về khi thấy người đón con không phải là mẹ, con xụ mặt: “Sáng mẹ không đưa đi thì trưa mẹ phải đón chứ”. Hay khi thấy ông ngoại vô chơi, câu đầu tiên con hỏi: “Bà ngoại đâu mà ông ngoại đi một mình?”.
Vậy đó. Con gái mẹ, có câu nào con nói mà không quan sát, không suy nghĩ không con?
73. Lần đầu tiên
Đà Lạt có hơi lạnh nên phần lớn thời gian ba mẹ thường đưa các con đi biển.
Noel 2014, nhà mình quyết định đi Đà Lạt.
Ở nhà, tối nào đi ngủ, sau khi lăn lộn tới lui, cuối cùng đứa nào cũng quay đầu về hướng máy lạnh. Nhất là Bột - người lúc nào cũng nóng.
Lần đầu tiên Bột biết lạnh khi cả nhà mình ăn kem Thanh Thủy rồi đi bộ ra đường. Mưa lất phất bay. Ở nhà, Bột không bao giờ đi bộ - cứ đi một chút là con than mỏi. Ở Đà Lạt, khi đi bộ quanh hồ, mẹ nghe Bột nói: “Lần đầu tiên con đi bộ mà không thấy mệt đó mẹ”. Ở Đà Lạt - lần đầu tiên con uống sữa đậu phộng: “Lần đầu tiên con thấy sữa đậu ngon đó mẹ”. Cũng ở Đà Lạt - lần đầu tiên con ở một nơi có cây dương cầm đẹp như vậy: “Khách sạn gì kỳ quá, không có ti vi, mà con còn kỳ hơn vì lần đầu tiên không có ti vi mà con không thấy chán”.
Cũng ở Đà Lạt, lần đầu tiên con biết một cái nhà cây - nhìn xuống hồ Tuyền Lâm xinh đẹp. Ở Đà Lạt, lần đầu tiên mẹ biết Gạo sợ độ cao. Gạo vừa leo lên nhà cây vừa mếu máo. Đến khi xuống, có mẹ kè theo, có ba đỡ ở dưới, bạn vẫn kiên quyết không chịu xuống. Và rồi mẹ nhìn thấy Bột và Nếp khích lệ, động viên Gạo. Nhất là Nếp, con hân hoan cổ vũ, khuyến khích, reo hò nhảy nhót, khen ngợi từng bước chân của anh Gạo. Mẹ sẽ không bao giờ quên nét hân hoan trên gương mặt con khi nhìn nỗ lực của anh. Cảm ơn con đã biết yêu thương và khích lệ. Hãy giữ mãi điều đó nghen, con gái nhỏ bé và lớn lao của mẹ.
74. Sao mẹ biết con làm?
Có một ngày mẹ mệt, không biết Gạo chơi gì đó mà lấy bút vẽ lên Pay Max bằng bông của Nếp làm em khóc um sùm. Mẹ giận và mệt, gọi Gạo lên “giảng” cho một trận, nói cho con biết con làm mẹ buồn như thế nào. Nói một hồi, mẹ hỏi: “Bây giờ mẹ có thể đi nằm được chưa?”. Bạn ấy không nói, chỉ gật đầu. Lát sau, mẹ nghe tiếng Nếp lao xao gì đó rồi lặng im.
Nằm chút nữa thì mẹ thấy Nếp vô phòng mở tủ lấy quần áo thay. Hỏi ra mới biết Nếp định lên phòng tìm mẹ và mắc toilet. Anh Gạo sợ Nếp lên khua ầm ĩ không cho mẹ ngủ nên tự mình cho em đi ị, tự mình rửa đít cho em. Mẹ nghe mà trào nước mắt. Khi ra cửa, mẹ còn phát hiện ra trước khi rời phòng, Gạo đã cẩn thận treo cái bảng giấy mà con và Bột tự làm: “Vui lòng giữ im lặng cho mẹ ngủ”. Khi mẹ ôm Gạo vào lòng và cảm ơn, Gạo ngạc nhiên hỏi: “Sao mẹ biết con làm?”.
75. Cái đùi con nó muốn đi chơi
Nếp dạo này nói chuyện lạ lắm. Khi muốn đi chơi, bạn ấy không nói trực tiếp mà chạy lại kéo mẹ và nói: “Mẹ, cái đùi con nó muốn đi chơi”. Láu lỉnh thật!
Nhưng không chỉ láu lỉnh. Hôm nay, con học được ở đâu một chữ rất lạ. Khi thay hết quần áo chuẩn bị đi tắm nhưng vô nhà tắm thì kẹt mẹ, con vừa đứng chờ, vừa phán: “Mẹ là thằng phá đám”. “Ai da. Sao con nói mẹ là thằng phá đám? Nói vậy là không đúng nha con”. Thấy mẹ nghiêm mặt, chị xuề xòa: “Rồi, giờ mẹ trở lại làm mẹ nha”.
Bó tay láu lỉnh.
76. Cái ghế cho người mỏi chân
Mẹ không nhớ đã dẫn các con đi siêu thị lần đầu là khi nào. Mẹ chỉ nhớ lần đầu tiên phát hiện ra cái thang cuốn, Bột sợ, Gạo hào hứng, còn Nếp thì thích mê li. Thông thường đi siêu thị, các bạn hay choáng ngộp vì đồ, thấy cái gì cũng muốn cầm thảy vô giỏ của mình. Nhiều khi mẹ nghĩ các con thích hành động lấy đồ bỏ vô giỏ hơn là bản thân món đồ.
Nhưng chính vì vậy, đi siêu thị với các con mất gấp đôi thời gian bình thường là vì… mẹ phải thuyết phục các con món này mình có rồi, món kia mình không cần, hôm nay mình chỉ mua thức ăn không mua đồ chơi… Mặc dù trước khi đi siêu thị, mấy mẹ con mình đã cam kết với nhau rằng mỗi em được mua ba món. Em nào mua quá ba món thì sẽ phải cân nhắc cái nào ít cần hơn, ít thích hơn rồi tự bỏ lại. Những ngày đầu bạn nào cũng mua lố. Vài lần sau, các bạn vẫn kỳ kèo cái này cái khác nhưng đã đỡ hơn rất nhiều. Một lần lựa xong, chờ ba tính tiền, Nếp hỏi: “Mẹ ơi, ở siêu thị có cái ghế nào dành cho người mỏi chân không mẹ?”. Haha, vậy đó, các bạn chăm sóc khách hàng của siêu thị hôm nay biết thêm một cách chăm sóc khách hàng.
77. Hình dán
Nếp mê hình dán. Dẫn bạn đi nhà sách, thấy hình dán nào bạn cũng đòi mua. Hôm nay đi Big C, bạn tìm thấy hình dán cô bé quàng khăn đỏ, mừng lắm, tất nhiên. Đến khi bạn đòi linh tinh kẹo bánh, thú bông…, mẹ hỏi bạn có muốn đổi lấy hình dán không, bạn tức thì bỏ xuống. Mẹ để ý thấy các em bé tuổi này thường thích theo giai đoạn, có đoạn mê thú nhồi bông, có đoạn mê búp bê, có khi mê câu chuyện này, có lúc mê câu chuyện khác. Lúc đầy năm, bạn ấy lại mê chơi banh, lúc hai tuổi chuyển qua mê sách. Nhưng cái trò hình dán này đến năm bốn tuổi vẫn còn mê. Bạn ấy cầm được cuốn hình dán trên tay thì mọi cuộc đi chơi sau đó đều ngừng lại, vì bạn chỉ muốn ngồi bệt trên sàn nhà dán hình thôi. Mẹ phải thuyết phục lắm bạn mới chờ đến khi ra về.
Mẹ thường mua hình dán cho Nếp vào ngày cuối tuần. Hôm nay, mẹ đã có một sự mạo hiểm không hề nhẹ khi đồng ý cho Gạo đứng coi xe để mẹ vô nhà sách mua hình dán cho em.
Bột thì nhận xét: “Bình thường Nếp chơi vui vẻ, nhường nhịn lắm mẹ, nhưng khi có hình dán Nếp không cho ai rờ đến cả. Mai mốt mẹ đừng mua hình dán cho Nếp nữa”. Nhìn cái mắt hối lỗi của Nếp mà thương. Bột, em biết lỗi của em rồi.
78. Cảm ơn mẹ
Một trong những điều mẹ không bằng lòng và thường nhắc nhở các con là: “Trước khi đi tắm phải sẵn sàng khăn và quần áo. Sau khi tắm phải biết bỏ quần áo dơ vô giỏ đựng đồ dơ của mình”. Nhưng không phải lúc nào các con cũng nhớ và làm đúng như vậy. Mẹ thường khắt khe, dù con có đang xuống cầu thang mẹ cũng bắt chạy lên bỏ đồ dơ đúng chỗ rồi mới được chơi. Hôm nay, mẹ phát hiện Gạo đi tắm mà quên lấy khăn. Thay vì la rầy, mẹ chạy đi lấy khăn cho Gạo. Và mẹ bắt gặp cái nhìn cảm kích của con: “Cảm ơn mẹ!”. Trẻ con có đôi mắt thật chân thành.
Thật cảm động khi nhìn thấy sự cảm động của con.
Hóa ra, ai cùng muốn được dịu dàng và thông cảm phải không con? Vậy mẹ nặng nề để làm gì?
Nếu mẹ la mắng vào lúc đó, làm sao mẹ có cơ hội nghe được một lời cảm ơn từ một gương mặt, giọng nói và đôi mắt chân thật của con?
79. Con không muốn mất vui
Gạo thích vẽ, nhưng không thích tô màu. Con thích vẽ các đường nét này kia. Gạo vẽ tinh tế đến mức một hôm nhìn Gạo vẽ các loại ly chén, tách, trái cây trong một quán cà phê, chị Bột phải thốt lên: “Bữa nay Gạo vẽ đẹp bằng cô dạy vẽ của Bột rồi đó”. Tất nhiên là Bột quá lời, nhưng cũng có thể là vì Bột quá bất ngờ nên chị không tiếc lời đề cao em mình.
Mẹ nhớ hồi ở mầm non, cô giáo chọn Gạo đi thi vẽ. Lúc đầu bạn ấy cũng hớn hở nhưng sau đó thì im re. Vài ngày sau, mẹ nghe ảnh phàn nàn với Bột: “Cô giáo suốt ngày bắt Gạo vẽ con mèo trèo cây cau. Gạo không thích”. Tất nhiên là anh ấy không tham gia kỳ thi đó.
Bột thì thích đi học vẽ ở trường. Mẹ hỏi Gạo có muốn đi học vẽ chung với chị không, bạn ấy đồng ý. Nhưng rồi sau đó, Gạo nói:
- Thôi. Con không đi học đâu. Con không muốn mất vui.
- Là sao? Sao mà mất vui con?
- Lỡ con đang thích vẽ cái này cô bắt con vẽ cái khác thì sao?
Thì ra câu chuyện thời mầm non vẫn còn theo con vào lớp Một phải không?
Mất vui. Thì ra chuyện vui nó quan trọng với con biết nhường nào, phải không con?
80. Sao mẹ la con?
Gạo thích những thứ lấp lánh nên hay mượn cái gì đẹp đẹp lấp lánh của mẹ chơi. Và những cái đồ lấp lánh đó thường hết lấp lánh vì mất hoặc hư. Một lần, bạn ấy mượn dây đeo cổ của mẹ, và rồi bị đứt.Có thể có ai đó đã làm, không phải Gạo, nhưng vì Gạo mượn của mẹ nên bạn ấy phải có trách nhiệm trả lời mẹ. Thế nhưng, khi mẹ gọi lại nói chuyện, Gạo cứ tảng lờ như thể mẹ đang nói với ai đó, không phải bạn. Mẹ bực mình nói lớn tiếng, bạn nói:
- Con không có làm hư.
- Vậy thì ai?
Nếp nghe vội hỏi:
- Sao mẹ la con?
- Mẹ la anh Gạo, mẹ không la con.
- Anh Gạo hư hả mẹ?
- Anh Gạo không hư, chỉ là anh ấy mượn dây của mẹ đeo mà không bảo quản. Có thể anh không phải là người làm hư, nhưng anh sẽ phải chịu trách nhiệm với mẹ vì anh là người mượn đồ của mẹ.
Vì vậy, hãy biết chịu trách nhiệm với những gì mình làm con nhé!
81. Đôi mắt rạn nứt
Nếp dạo này hay chơi một mình. Dạo còn nhỏ, bạn ấy cũng hay chơi một mình nhưng có lúc vẫn đeo theo anh chị xin chơi. Khổ nỗi, các anh chị lớn lại không thích chơi với em bé nhỏ nên đôi khi Nếp cứ ngồi bó gối nhìn các anh chị chơi. Khi đến lượt, lúc nào bạn ấy cũng í ới gọi anh chị chơi cùng. Những lần có hình dán, có đồ chơi mới, không ai cần xin xỏ, chỉ cần ngồi xuống cùng Nếp, là được chơi chung.
Gạo thì ngược lại, bạn luôn âu lo điều gì đó, đồ ăn ngon không dám ăn vì sợ hết - dù mẹ trấn an, hết thì mẹ mua cái mới, đừng lo. Đồ chơi mua về bạn không dám chơi - vì sợ cũ, sợ hư. Gạo đi đâu ra khỏi nhà là dặn Nếp: “Nếp không được lấy đồ chơi của anh nghe chưa?”. Về đến nhà, không cần hỏi, cứ quát phủ đầu trước: “Nếp có lấy đồ chơi của anh không?”.
Hôm nay, Nếp chà răng bằng bàn chải mới, Gạo nhìn thấy liền cao giọng phủ đầu: “Nếp, lấy bàn chải của anh phải không?”. Mẹ yên lặng thử xem, rồi nghe cô nàng điềm đạm nói: “Của anh Gạo ở dưới bếp đó, trong kệ bếp, ngăn tủ cuối cùng, kéo ra”. Nghe giọng điềm đạm thấy thương quá, mẹ chạy ra ôm chầm lấy bạn. Bạn cười toe toét. Mẹ cầm lòng không nổi lại khen: “Nếp ơi, sao con có nụ cười tươi rói, có đôi mắt rạng rỡ vậy?”. Bạn lại cười. Anh Gạo đang chơi, lại ngẩng lên phá đám: “Rạng rỡ gì mà rạng rỡ. Nếp có đôi mắt rạn nứt thì có”.
Úi chào, cái anh này…!
82. Một lần nữa thôi mẹ
Trưa nay, mẹ nhức đầu chưa đi làm nên ngồi coi Nếp vẽ. Ngạc nhiên là con đã vẽ được hầu hết các loài phổ biến ở biển như: sứa, cua, rùa, ngọc trai, sóng biển, rong,… Bạn nhờ mẹ vẽ giùm con cá. Mẹ vẽ con cá kiểu hình số tám nằm ngang nhưng cái đuôi không tròn mà hơi bằng, và vẽ thêm một con cá hình tròn và cái đuôi hình tam giác. Bạn nhất định không chịu đòi vẽ tranh khác vì “con không thích con cá mập”. Vẽ xong, bạn gởi cho Út coi. Nhờ Út để ý mới phát hiện ra là biển của Nếp thiếu con tôm. Té ra, vì không ăn tôm nên bạn không nhớ có con tôm ở biển.
Bữa trưa của Nếp hôm nay là phở gạo lức với tôm thịt nhưng bạn chưa chịu ăn. Đến giờ mẹ đi làm, Nếp khóc lóc đòi mẹ ở nhà với con, dỗ dành mãi bạn ấy vẫn chưa chịu. Thời may, mẹ nói: “Nếp ơi, Út kêu tranh con thiếu con tôm”. Bạn ấy có vẻ ngớ ra, rồi bẽn lẽn đi nhìn thử. Mẹ nói tiếp: “Chắc tại con không ăn tôm nên không vẽ tôm được chăng? Hay thôi con lại ăn tôm rồi vẽ thêm tôm vô bức tranh biển nha”. Có mối quan tâm khác, bạn ấy mới chịu để mẹ đi làm.
Tối đi ngủ, bạn đòi mẹ đọc bài thơ Gọi bạn. Đọc mãi, đọc mãi. Lúc đầu mẹ đọc một từ, bạn đọc một từ. Mẹ đọc hai từ, bạn đọc hai từ. Mẹ đọc hai, bạn đọc ba. Mẹ đọc một, bạn đọc bốn. Rồi mẹ chỉ nhắc chữ đầu tiên của khổ thơ. Rồi chữ đầu tiên của bài thơ. Đến đây thì bạn chỉ còn đọc nhầm “Dê trắng” thành “Bê trắng”. Mẹ nói thôi đi ngủ, trễ rồi con. Bạn ấy lại nằn nì, một lần nữa thôi mẹ. Và cứ thế, trước giờ đi ngủ, bạn ấy đã đọc hết bài thơ mà không vấp chỗ nào.
83. Chỉ là để giấu đi niềm thương nhớ
Quê mẹ là nơi khắc nghiệt, nóng rất nóng và mưa rất mưa. Nhưng quê mẹ cũng là một nơi tuyệt đẹp. Nắng rất vàng, trời rất xanh, và biển thì thầm cả đêm cả ngày như thế. Trên tất cả, nơi ấy đẹp vì đó là quê mẹ.
Ngày còn son rỗi, mẹ đã tự nhủ mai kia lấy chồng có con, mỗi năm, mẹ sẽ đưa các con về quê ít nhất một lần. Chỉ có Bột, con gái đầu lòng, mẹ ít kinh nghiệm mà nhiều hoang mang, lo lắng, sợ hãi, nên hai tuổi con mới về quê lần đầu. Gạo sớm hơn chút. Nếp thì bốn tháng tuổi đã biết quê.
Mùa các con về quê thường là khoảng thời gian ác liệt nhất - mùa Tết thì lạnh, còn mùa hè thì như một chảo mỡ. Lần nào về quê, mẹ cũng phải đi bác sĩ quen chuẩn bị các loại thuốc mang về. Thường thì mẹ ở lại cùng con suốt mùa Tết, còn nguyên tháng hè, ba mẹ chỉ đưa các con ra và quay lại đi làm. Các con về với ông bà, tha thẩn với con gà, con chó, con mèo, con chim câu trong vườn, tha thẩn với nhành cây ngọn cỏ. Sáng sáng, các con làm quen với các món ăn đầy tinh bột mà mẹ đã lớn lên: bánh bèo, bánh hỏi, bánh quai vạt, bánh ướt, bánh xèo, bánh mì, xôi. Các con ăn nhiều món bánh đến nỗi bình thường ở Sài Gòn, Bột, Gạo vốn ghét nhất món phở, nhưng vừa vô lại, món đầu tiên con đòi ăn là… phở.
Vậy đó, chiều nào có thời gian, ngoại sẽ cho con sang nhà hàng xóm xem heo con, bò con,… Bà vẫn nhắc hoài chuyện lúc hai tuổi, lần đầu tiên Bột nhìn thấy đàn bò bình thản vừa đi vừa “bón phân” cho con đường làng, lần đầu tiên nhìn thấy bãi phân bò to đùng như thế, con đã la oai oái: “Ngoại ới, ngoại ơi, mấy con bò này mất lịch sự quá, không đi toilet trong nhà mà đi ngoài đường”.
Gạo thì suốt thời gian đầu về quê, nhất định không thò chân xuống cát vì… sợ dơ. Và khi đã nhúng chân xuống rồi, con cứ ở dưới nước không chịu lên.
Nếp về quê từ hồi bốn tháng, nên với con, quê bình thường như… vú mẹ. Lúc con bốn tuổi, mẹ cứ lo lên tàu về quê con sẽ khóc, rồi mẹ sẽ không cầm lòng được, rồi sẽ không biết làm sao. Có thể Bột, Gạo sẽ lên tàu, còn Nếp thì ở lại. Có thể lắm. Mẹ chuẩn bị tinh thần cho Nếp. Mẹ dặn Nếp mỗi chiều hãy nghe điện thoại của mẹ. Mẹ dặn không được lang thang gần giếng nước. Mẹ dặn không được thò tay vào mấy cái lỗ, phòng khi côn trùng cắn. Mẹ dặn Bột, Gạo phải thương em, chăm sóc em, đi đâu cùng phải ba chị em đi cùng. Và Nếp, em chững chạc đến bất ngờ: “Dạ, con biết rồi mẹ”, “Dạ, con biết luôn rồi mẹ”. Sắp đến giờ tàu chạy, em là người kêu: “Bái bai mẹ! Mẹ về đi kẻo trễ”. Thật lạ. Như thể mẹ là người cần được lo lắng, chăm sóc chứ không phải là em bé lên bốn tuổi kia. Ừ, các bà mẹ hay nghĩ con mình không thể sống thiếu mẹ, con mình nó bám mẹ… nhưng có vẻ mẹ mới là người quyến luyến, bám con.
Mẹ nhắm mắt hình dung, ngủ một đêm thôi, ngày mai thức dậy các con sẽ có một con đường mòn, sẽ có một vườn cây trông như một cánh rừng, sẽ chạy đầu này đầu kia, hái lá này, hái bông hoa nọ, lượm hòn sỏi kia, ngửi bông hoa nọ…, và can đảm ra về. Lần đầu mẹ quyến luyến, lần hai, lần ba, đến bây giờ vẫn thế.
Mẹ ở lại Sài Gòn, nghe mọi người đùa, lại trở thành vợ chồng son. Ngày đi xem phim, ngày coi kịch, ngày hẹn bạn bè, ngày viếng thăm,… Có hôm cao hứng lên, ba mẹ quẩy ba lô xuống Kiên Giang, Cà Mau, Vũng Tàu đi bụi. Ở lại Sài Gòn - không phải tất tả sớm mai đưa, chiều hối hả đón, không vội vàng bếp núc, không nghiêm túc đi ngủ đúng giờ.
Mẹ ngủ muộn hơn chút, đêm nán lại coi phim, đọc thêm vài trang sách, chiều về đi ăn bụi,… Mẹ tranh thủ thời gian mùa hè làm hầu hết những điều mình muốn. Nhiều hôm ba mẹ về đến nhà, khuya lắc khuya lơ, hàng xóm đã tắt đèn đi ngủ…
Ở lại Sài Gòn, ba mẹ như hai vợ chồng già, người này đi đâu cũng rủ người kia đi cùng, sợ người kia ở lại một mình trong căn nhà trống. Lịch vì thế cứ dày đặc và khít rịt, đến mức có những buổi sáng thèm ở nhà tận hưởng cảm giác… một mình.
Và khi ở một mình trong căn nhà yên ắng, mẹ nhận ra một điều. Lạ chưa, ba và mẹ hối hả lên lịch dày đặc, không cho mình trống giờ nào - tưởng là để tận hưởng thời gian của mình. Nhưng không hề. Mãi đến sáng hôm nay, khi ngồi bình an ngắm nhìn những bông đậu biếc, mẹ nhận ra mình xếp lịch dày đặc như vậy, mình sống hối hả không có giờ trống nào như vậy chỉ là để giấu đi niềm thương nhớ của mình. Niềm nhớ trong veo, tưởng mỏng manh như một làn hương mà mạnh mẽ vô chừng - chỉ chờ một khoảnh khắc yên lặng là tràn về - đầy ắp không chừa bất cứ một khe hở nào. Như sáng nay… mẹ nhớ các con!
84. Lại đối thoại
Tối đi ngủ, Nếp hỏi mẹ:
- Mai con không phải đi học đúng không mẹ?
- Ừ.
- Mẹ có ở nhà chơi với con không?
- Không con, mẹ phải đi làm.
- Mai mẹ ở nhà chơi với con một chút rồi hẵng đi làm được không mẹ?
Ai mà ngờ đây là một đoạn thương lượng của một em bé bốn tuổi. Nghe mà đứt ruột. Đọc lại vẫn còn đứt ruột. Cái cách mẹ trả lời con có vẻ lạnh lùng quá. Sao mẹ có thể lạnh lùng như vậy?
85. Hoa đẹp không con?
Nhà mình có một mảnh sân con, mẹ kiếm chuyện trồng một ít cải xanh cho các con. Cải lên còi cọc sao đó nên mẹ không hái. Một sáng kia, cải nở hoa vàng. Mấy nhúm hạt thì là cũng lên được vài cây. Không biết ăn làm sao, vì quá ít nên mẹ cứ ngày ngày tưới nước. Cây thì là cũng tranh thủ trổ những bông li ti màu vàng nhạt. Thế là mình trồng rau mà lại có hoa.
Mẹ cứ để vậy. Và hoa cứ nở. Một buổi sáng ngủ dậy, mấy mẹ con mình phát hiện ra một bình hoa thì là và hoa cải. Nhìn hoang dại và trong trẻo. Tác giả của bình hoa hỏi Gạo: “Hoa đẹp không con?”. Bạn ấy trả lời: “Đẹp, đẹp như mẹ vậy đó”. Trời, cảm ơn con, không chỉ vì con khen mẹ đẹp, không bởi vì con khen hoa đẹp, mà bởi vì con đã cảm nhận đúng về mẹ và đúng về hoa cải. Cảm ơn con!
Mẹ quay sang trêu tác giả của bình hoa: “Hôm nay anh đã được học một bài học rất tinh tế về nghệ thuật tán tỉnh”.
86. Rưng rưng đi học
Sau một thời gian đi học một buổi, Nếp dần chuyển sang học cả ngày ở trường.
Sáng sáng, Nếp đòi mẹ dẫn đi ăn sáng, đi công viên rồi đến trường. Vào lớp, mắt rưng rưng, vít đầu mẹ xuống hôn rất lâu. Má, vai, cổ,… Hôn từ khi hai mẹ con mình vừa đến cửa sổ trường. Đến cổng chính thì con bắt mẹ bế lên, hôn mẹ thêm lần nữa. Rưng rưng vào lớp, rưng rưng vẫy tay, rưng rưng mẹ.
Thương con vô cùng khi buổi chiều, con về kể với mẹ:
- Mẹ ơi, hôm nay ở trường con tự ăn hết một chén canh dù con không thích.
87. Lại độc thoại
Nếp bắt đầu đạp xe lại, sau một lần bị té và bỏ chạy xe luôn.
Một hôm đi toilet, con lo đi thật nhanh để coi phim Xì Trum, ngón tay bị quẹt vào cửa. Mẹ hỏi đau không. Dạ không mẹ. Lát sau mẹ nghe tiếng lẩm bẩm: “Thấy quẹt nhẹ nhẹ mà cũng đau ghê”. Tối ngủ, con lăn lộn sao đó lọt xuống giường. Khóc một chút. Mẹ bế lên ngủ lại. Sáng thức dậy mắt nhắm mắt mở sao đó lại va đầu vào cửa. Mẹ lại nghe nàng lẩm bẩm: “Tối thì lọt xuống giường. Sáng thì bị đập đầu vô cửa…”.
Mẹ nghe tiếng càm ràm một mình, mắc cười, kể cho Bột nghe. Chị Bột cười ngặt nghẽo: “Nếp như người 14 tuổi á, chứ không phải 4 tuổi”.
88. Giật mình
Dạo này Nếp có trò mới: vẽ theo yêu cầu. Mẹ đang ngồi, con xách cây bút và giấy sà xuống chỗ mẹ hỏi:
- Mẹ muốn vẽ gì con vẽ cho?
- Vẽ gia đình nhé!
- Rồi, gia đình.
- Mẹ muốn con vẽ mẹ đẹp hay xấu?
- Đẹp, tất nhiên.
- Mẹ muốn vẽ ba đẹp hay xấu?
- Đẹp luôn.
- Còn Bột, Gạo, con, mẹ muốn đẹp hay xấu?
- Rất đẹp.
- Rồi rất đẹp phải không? Còn chị Uyên?
- Chị Uyên đẹp luôn.
- Thôi chị Uyên xấu đi.
- Ủa sao vậy, mẹ thấy chị Uyên cũng đẹp mà?
- Thôi chị Uyên xấu đi vì mẹ kêu chị Uyên là… con Uyên nên chị Uyên xấu.
- Ai da, lỗi tại mẹ đây. Thôi để mẹ kêu chị Uyên là con giống như con luôn nha?
- Thôi, chị Uyên xấu đi vì chị Uyên la Gạo te tua.
Mẹ chưa kịp nói tiếp, câu chuyện đã chuyển qua câu chuyện khác:
- Mẹ tại sao quê hương tạo ra?
- Ý con là quê hương được tạo ra như thế nào phải không con?
Nếp, con bắt đầu tò mò về quê hương rồi sao?
89. Lại vẽ theo yêu cầu
Lại vẽ theo yêu cầu. Nhưng lần này là vẽ theo yêu cầu của Nếp.
- Mẹ vẽ con hà mã đi.
Mẹ hơi lúng túng không biết phải vẽ con hà mã như thế nào. Con gợi ý:
- Mẹ vẽ một con mặt mập. Hai lỗ tai. Cái người mập.
Mẹ vẽ theo Nếp mô tả, nhưng vẽ hai lỗ tai đối xứng nhau. Vẫn thấy không ra con hà mã. Con giành cây bút trên tay mẹ, vẽ hai lỗ tai bên cạnh nhau. Trời đất, ra con hà mã liền luôn. Mẹ sững sờ. Con quan sát kỹ ghê. Thế là mẹ biết cách vẽ con hà mã.
90. Áo cánh dơi
Nếp được tặng một cái áo cánh dơi xinh xắn, màu trắng. Mỗi lần em mặc, xòe cánh trông xinh như một chú chim. Mẹ khen:
- Nếp mặc áo cánh dơi xinh quá.
Em sửa lại:
- Cánh dơi màu đen mà mẹ. Cánh của con màu trắng, nên mẹ phải gọi là áo cánh cò mới đúng.
Ừ, từ nay mẹ sẽ gọi là áo cánh cò.
91. Mẹ hết bịnh chưa mẹ?
Mấy ngày nay, mẹ bị cảm. Sợ lây các con nên buổi tối mẹ ngủ phòng khác.
Đêm, Nếp khó ngủ nên buổi sáng ba thường bế Nếp qua phòng mẹ trong lúc Bột, Gạo chuẩn bị đi học, để em ngủ thêm chút nữa. Lúc ba bế qua, con đang ngủ lơ mơ, vừa mở mắt vừa hỏi:
- Mẹ hết bịnh chưa mẹ?
Sợ con tỉnh hẳn, nên mẹ im lặng để con ngủ tiếp. Ai ngờ bạn hỏi tiếp:
- Mẹ hết bịnh rồi hả mẹ?
Mẹ đành ừ. Cảm ơn sự quan tâm của con, bé con ạ.
Trưa hôm đó khi đi siêu thị, trong lúc chờ ba tính tiền, đột nhiên bạn cầm hai bàn tay mẹ nói:
- Để con bóp tay cho mẹ mau khỏi bịnh nha.
Hai bàn tay nhỏ của con! Bóp xong tay trái lại nói:
- Rồi giờ thì đưa tay kia đây. Rồi vén váy lên, bóp luôn cái chân cho.
Con đã lớn đến như thế rồi sao? Mẹ nhớ trước giờ mẹ chưa từng nhờ con bóp tay bóp chân gì cả mà! Có phải khi yêu thương, người ta luôn biết cách làm sao cho người mình thương hạnh phúc?
92. Động Thiên Đường
Hè năm nay, ba mẹ đưa các bạn đi tour Đà Nẵng, Hội An, Huế, Quảng Bình,… Khi về, mẹ hỏi các con thích gì nhất trong chuyến đi vừa rồi, thì Nếp, Gạo bảo thích động Thiên Đường, còn Bột thích động Phong Nha. Mẹ cũng ấn tượng động Thiên Đường, không chỉ vì con đường đi quá đẹp, động quá đẹp và huyền ảo, mà còn vì đây là nơi giúp mẹ biết thêm về khả năng của các con, nhất là Nếp. Em ốm yếu, xem phim thấy có cảnh gì hơi đáng sợ thì dù phim chưa diễn ra, em cũng đã chạy trốn vào cầu thang hay dưới bếp. Em cũng không phải là người thích vận động, hay nhõng nhẽo đòi mẹ bế.
Chuyến đi này, Bột say xe nên nằm lại khách sạn, không dám đi động Thiên Đường. Mẹ không ép Bột nhưng mẹ hơi tiếc vì lẽ ra mẹ có thể khuyến khích động viên con thử thách mình một chút. Nhưng thôi, Út nói, lớn lên con sẽ tự biết cách đi - thời của Bột, có khi con đi vào Sơn Đoòng chứ không phải chỉ là động Thiên Đường đâu. Nhưng Gạo, Nếp thì khác. Hai bạn đã chinh phục động Thiên Đường, dù chỉ là đoạn động hơn một cây số dành cho khách tham quan, đi về thêm hơn một cây số đường núi là chừng ba cây số. Cả hai đã đi ngon lành. Leo núi, xuống núi, leo lên leo xuống cầu thang, đi cả vào những quãng tối trơn ướt…
Các con đã có những trải nghiệm tuyệt vời. Nếp, con có thể khoe với bạn bè mình đã đi bộ một quãng đường 3.000 mét, không phải đường trường mà là đường núi, đường dốc, đường trơn, đường đá, gỗ…, nói chung là những con đường khó đi nhất. Hãy hạnh phúc và tự hào vì điều đó, nhé các con!
93. Quyết định hủy cuộc ngủ với mẹ
Chị Bột bắt đầu lớn, đã có thể bế em Nếp được - như chị ấy thỉnh thoảng vẫn làm mỗi khi thấy em đáng yêu quá. Chị ấy đủ lớn để tự tổ chức một số trò chơi cho các em và các bạn hàng xóm: chơi thám hiểm, chơi dạy học (chị ấy thường là cô giáo), chơi mở nhà hàng có đầy đủ đầu bếp, phục vụ, khách, chủ quán,… Mà kỳ một nỗi, bạn nào cũng tranh nhau vào đội của Bột. Vì vậy, cuộc chơi thường chỉ có một đoàn thám hiểm, một lớp học, còn khi chơi trò nhà hàng thì ít ai chịu làm khách (vì không ở trong đội Bột). Cái chuyện không ở trong đội Bột này lắm lúc cũng gây những mối bất hòa. Tuy nhiên, đôi khi, chính các trò chơi của chị Bột khiến các em phải cố gắng. Nếu em không dậy sớm, làm trễ giờ học của chị, em sẽ không được mời đến dự buổi tiệc ngọt chiều thứ Ba - vé chị Bột tự làm và đã gởi cho mỗi người. Em không tự ăn, không biết dọn đồ chơi, em sẽ không được lên tàu (chuyến tàu chỉ là chiếc gường tầng của chị Bột). Và Nếp bình thường hay đòi ngủ với mẹ, nhưng có hôm lại đòi lên tàu với chị Bột. Hết đi tàu thì con lại sang ngủ với mẹ. Cũng có lúc con muốn mẹ lên tàu chị Bột cùng con. Khi nghe mẹ nói con có thể chọn lên tàu Bột hoặc ngủ với mẹ, con thường chạy qua chạy lại như vậy. Tối nay, Nếp qua ngủ với mẹ rồi, nhưng nằm một hồi nghĩ sao không biết, lại tuột xuống: “Con quyết định hủy cuộc ngủ với mẹ. Con lên tàu với chị Bột. Ngủ với mẹ có gì vui đâu chứ”.
Thật ngạc nhiên! Khi qua phòng chị Bột, mẹ mang cho con cái mền, thì thấy hai chị em đã ngủ ngon trên chuyến tàu - và ngủ sớm hơn so với việc ngủ cùng mẹ rất nhiều.
Con đã bắt đầu ra quyết định? Đã sẵn sàng để ngủ riêng rồi đúng không con? Và Bột, cảm ơn con vì đã đủ lớn để đi cùng em trên chuyến tàu mỗi tối.
94. Học đàn
Mẹ cho Bột học đàn từ hồi năm tuổi. Mẹ tìm không ra cô nên cuối cùng đành mời thầy về nhà dạy. Bột học, nhưng ham chơi, và khổ thay, giờ học đàn là giờ mà các bạn trong xóm thường tụ tập chơi đùa với nhau. Có thể vì vậy mà con không tập trung học chăng? Học xong, con cũng ít khi chịu ôn bài. Mẹ nghĩ rằng trẻ con nào chẳng ham chơi và có trẻ con nào tự nguyện chịu học nếu người lớn không rèn vào khuôn phép đâu. Và rồi một lần, Bột không nhớ bài… thầy quát. Giờ giải lao, khi mang nước lên cho thầy và Bột, mẹ thấy Bột ngồi cứng đờ trên ghế đàn, nước mắt chảy. Bột sợ thầy đến mức không dám đi tè.
Có đến ba năm sau, sau rất nhiều nỗ lực, mẹ mới khuyến khích Bột đi học trở lại, lần này học ở trung tâm, không học ở nhà nữa. Và tất nhiên, mẹ phải làm việc rất kỹ với thầy - lại là thầy. Giờ học lại trùng giờ phim Chuyện những nàng tiên Winx, Doraemon, Xì Trum… nên lần nào đi học bạn cũng luyến tiếc. Mẹ mừng vô cùng khi bạn nói: “Thật ra con chỉ chán lúc đầu thôi vì phải bỏ phim để đi học, nhưng khi vô học thì không đến nỗi tệ”. Mừng hơn khi Gạo cũng đòi đi học theo chị… Nhưng rồi, chắc mẹ vẫn không biết cách khuyến khích các con, nên Gạo bữa thì kêu đau bụng, bữa thì kêu đau đầu không đi học. Một hôm, mẹ nói chuyện với thầy: “Em Gạo học hành ra sao hả thầy?”. Thầy nói em học rất nhanh, rất thông minh. Mẹ nói, không hiểu sao em ấy đòi hết khóa này không chịu đi học nữa. Thầy nói, để thầy coi sao. Tối đó đi học về, mẹ hỏi:
- Hôm nay học vui không con?
Bột nói:
- Cũng vui nhưng bài hơi khó.
Còn Gạo thì trả lời:
- Còn con thì vui lắm mẹ.
Mẹ hỏi sao vậy, Gạo kể tiếp:
- Vì thầy cho học 40 phút thôi, thời gian còn lai, thầy cho con vô gõ trống ầm ầm. Thầy còn khen con quá trời luôn. Cô cũng khen.
Vậy đó… Ai mà chẳng thích được khen. Mẹ nhớ các thầy giáo hay nói, học sinh có dạng khen tướng, có dạng khích tướng. Hẳn chàng trai nhà tui thuộc vào dạng khen tướng. Anh tướng này một buổi tối đi ngủ thủ thỉ hỏi:
- Mẹ biết con thích gì nhất không?
- Con thích gì?
- Con thích nhất là vầy nè.
- Vầy là sao?
- Là gối đầu trên chân mẹ, trong lúc mẹ đang đọc sách.
- Đọc sách cho con hay đọc sách cho mẹ.
- Mẹ hay con gì cũng được, nhưng con thích gối đầu lên chân mẹ, và mẹ thì đọc sách.
Có phải khi con cảm nhận được điều đó là lúc lòng mẹ nhẹ nhàng nhất không con?
95. Bí mật
Một buổi chiều đi công viên, mẹ nghe Bột nói:
- Mẹ, mẹ có biết Gạo thích ai không?
Gạo chạy tới bịt miệng Bột:
- Bột, Bột không nói.
- Chị Hai nói cho mẹ mà.
- Gạo không thích.
- Ừ, Gạo không thích thì thôi, khi nào thích Gạo sẽ tự nói cho mẹ nghe.
Nhưng không cần Bột nói, mẹ cũng biết thỉnh thoảng Gạo vẫn nhắc bạn Ngọc Mai. Rồi không biết các con chơi trò bói tình yêu kiểu nào mà kết quả là… Nếp đang hẹn hò với bạn Lemon. Thế là chị Bột ngồi chọc Nếp:
- Hẹn hò với Lemon sao Nếp?
Nếp mắc cỡ nên quay qua hỏi mẹ đang làm gì vậy mẹ. Chị Bột được nước làm tiếp:
- Mẹ đang gõ tên Lemon đó Nếp.
Nếp nói:
- Chị Bột đừng nói nữa, gớm quá.
Nhưng chị Bột không tha:
- Thôi để buổi tiệc ngọt ngày mai mời Lemon luôn nha.
Nếp vừa mắc cỡ vừa nói:
- Chị Bột nói điên quá.
Mẹ quay sang Bột làm bộ bình thản:
- Ủa Bột, giờ con thích ai?
- Bí mật.
Mẹ tiếp tục làm bộ bình thản.
- Mẹ biết rồi, cái thằng không đẹp trai, không học giỏi nhưng vui tính hồi đó chứ gì?
- Xì, con đổi rồi mẹ ơi.
- Trời, đổi rồi sao không cập nhật cho mẹ biết?
- Bí mật.
Chà, bạn ấy đã bắt đầu có bí mật rồi đó!
96. Chơi
Hôm qua, ba mẹ về trễ. Nếp sắp đi ngủ mà ba hãy còn ăn tối. Thấy ba ăn mì gói, bạn ấy sà xuống:
- Ngon quá, may quá con chưa đánh răng.
Ba cho con ăn với nhưng chỉ ăn mì và rau thôi, không ăn thịt. Rồi bạn nằn nì đòi đi ngủ với mẹ. Mẹ hứa bạn lên chà răng, còn mẹ tắm rửa xong xuôi sẽ lên. Nhưng khi mẹ lên, mở cửa, bạn ôm gối mền đứng dậy, anh Gạo cũng đòi ngủ với mẹ. Không biết nghĩ sao, bạn nói: “Thôi con không ngủ nữa”. Và bạn leo lên tàu ngủ với chị Bột. Mẹ trằn trọc một chút vì hai đêm không ngủ với bạn. Sáng, bạn dậy sớm đòi ăn sáng bằng mì gói, bánh bao và bánh mì, đòi cả bánh chưng nữa, ăn mỗi thứ một chút. Ăn xong, bạn xếp một con thuyền giấy rồi mới đi học. Không khóc. Nhưng khi lên đến trường, vô cất cặp xong, chào tạm biệt mẹ thì bạn rưng rưng. Mẹ hỏi, chiều nay con muốn mẹ đón sớm chút không hay ở lại chơi với bạn chút. Bạn vừa khóc vừa nói:
- Chơi.
97. Mụ phù thủy ăn cua
Những lần đi biển, các bạn ăn cua, tôm, thậm chí mực - những món mà các bạn không bao giờ ăn ở Sài Gòn - rất ngon lành. Hôm rồi, có người ở Cà Mau lên mang cho mấy con cua gạch son. Bột ăn rất ngon. Gạo ăn miễn cưỡng. Nếp cũng ăn, chỉ trừ… bột cà rốt (gạch son). Không biết mẹ mang về bao nhiêu con, nhưng hôm sau, chị Uyên phát hiện ra còn một con dưới tủ lạnh, “em” này hẳn đã trốn ra từ hôm trước mà không ai để ý. Chị Uyên đem nướng, định đổi món cho các bạn. Ai dè, trưa đó mẹ về nhà, thấy còn nguyên con cua, còn mấy bạn nhỏ thì đang ngồi trách móc: “Chị là đồ độc ác”. Cả ba nhất định không ăn một miếng cua nào. Gạo hét lên: “Chị là bà phù thủy! Ai đem nướng chị trên lò chị chịu không?”. Bột thì méc: “Chị đem nướng con cua lên bếp, nó còn cựa quậy một hơi, co giật cái càng một hồi mới chịu nằm yên”. Té ra mấy lần trước, các bạn không thấy chị ấy làm cua nên mới chịu ăn. Lần này, chị sơ ý để con cua sống trên bếp nướng luôn. Không bạn nào chịu đụng tới, chị Uyên đành ngồi ăn một mình.
Các bạn lằng nhằng, hờn giận, khóc lóc rất lâu sau đó. Mẹ đành nói: “Lỗi tại mẹ đã mua cua về. Nếu vậy, mai mốt mình ăn chay luôn nha”. Nhưng không bạn nào nhiệt tình gật đầu. Sau một hồi trách móc, Bột bèn kêu: “Thực ra con có thể ăn nhưng con chỉ ăn được khi không nhìn thấy nó chết đau như thế”. Mẹ nhớ có một lần, Bột, Gạo cũng la ó phản đối bạn Minh hàng xóm khi Minh thông báo rằng: “Mai mốt Bột, Gạo đừng đem con gà trống qua chơi nữa nha, vì con gà mái của Minh thành món mì Quảng rồi”. Mẹ phải dỗ dành các bạn rất lâu, rằng ba mẹ Minh làm chứ Minh có làm đâu, các bạn mới chịu chơi lại với Minh.
Mẹ biết nhiều em bé trên đời nhìn thấy cảnh một con vật bị giết thì không thể ăn nó được.
Chiều ngày hôm đó, mẹ đang loay hoay dọn dẹp thì nghe Nếp kêu lớn: “Trời ơi tui bị lừa”. Mẹ hết hồn quay lại hỏi: “Con nói gì đó Nếp” thì Nếp chỉ chị Uyên nói: “Mụ phù thủy ăn cua đó. Con không cho mụ hun mà mụ lừa mụ hun con”.
Và thế là nhà mình bây giờ có một mụ phù thủy ăn cua!
98. Khinh
Gạo rất thích chạy xe máy qua cầu, nhất là cầu vượt. Bạn nói: “Giống như đang bay á”. Đường qua quận 7 có rất nhiều cây cầu. Một lần, qua cầu Kênh Tẻ, mẹ đột nhiên thấy bạn ngửa bàn tay chăm chú quan sát gì đó. Có lẽ Gạo đang cố hình dung hay đang cố nắm bắt một cơn gió chăng. Mẹ hỏi thì bạn nói:
- Con đang khinh đó mẹ?
- Khinh cái gì con.
Bạn lại giải thích vòng vòng.
- Lúc mà đi lên cầu mẹ có thấy ở dưới mọi thứ rất nhỏ bé không?
- Đúng, nhưng khinh là sao?
- Là con thấy mình như người khổng lồ vậy đó.
Mẹ ậm ờ dù vẫn chưa hiểu.
- Nhưng con khinh cái gì?
- Khinh người ta.
- Sao mà khinh người ta, mẹ vẫn không hiểu.
Bạn bèn nói:
- Thôi mẹ làm đi, mẹ ngửa bàn tay ra, mẹ thấy cái người đi bộ kia không, mẹ để tay như vầy nè, giống như mẹ vớt người ta, để người ta đi trên tay mình vậy đó.
- Nhưng con nhỏ vậy sao con khinh người ta được?
Giờ mẹ đã hiểu khinh nghĩa là khênh - khiêng.
- Thì con nói khi mình đi trên cầu, người ở dưới nhỏ xíu mà, còn mình thành người khổng lồ, mình mới khinh người ta được chứ. Đó, một người đi bộ nữa kìa, mẹ xòe tay ra đi, để tay vậy đó. Rồi, để người ta trên tay mẹ, chạy đi, con sẽ khinh cái người đi bộ đẩy xe kia, cho người ta đi bộ đỡ mỏi chân…
Cái anh chàng thích bay của mẹ. Anh chàng từng đứng từ trên ghế nhảy xuống, nhảy lên nhảy xuống không biết bao nhiêu lần, chỉ để mẹ chụp cho được cảnh con bay, để nhìn xem hai tay con có giống hai cái cánh không. Có phải vì vậy mà một buổi sáng thức dậy, khi đứng ở ban công nhìn xuống, con hỏi Nếp: “Nếp, Nếp dám nhảy xuống không Nếp?”. Em Nếp nói ngay vội vàng: “Nếp hông dám đâu anh Gạo. Ghê lắm!”.
Trưa nay mẹ đi làm - một buổi trưa nắng chang chang. Mẹ thấy một em bé đang ngồi phía sau lưng ba hay chú gì đó, hai tay bay lên bay xuống như một con bướm bướm đang bay. Mẹ bỗng dưng nhớ đến Gạo và bật cười. Có lẽ không riêng gì Gạo, em bé nào cùng thích được bay.
99. Bạch Tuyết
Ba đứa con đứa nào cũng thích công chúa, riêng Gạo, đặc biệt mê nàng tiên cá và các thể loại sinh vật biển. Một lần, Gạo và Nếp ngồi vẽ Bạch Tuyết. Vẽ xong tóc, xong mắt, xong mũi…, Gạo hỏi: “Giờ Nếp chọn đi, Nếp muốn Bạch Tuyết môi đỏ như màu (không phải máu), môi đỏ như lửa, hay môi đỏ như mặt trời?”. Gạo không thích môi đỏ như máu. Ghê quá đi. Cuối cùng Nếp chọn thích môi đỏ như màu (có vẻ rất hiện thực, có thể sờ vào được).
Đón Nếp ở trường về, cô giáo khoe: “Nếp vẽ công chúa đẹp lắm!”. Một nàng công chúa với đủ các loại màu sắc trên đời. Cô giáo khen mặc dù đi học trễ hơn các bạn nhiều nhưng không vì thế mà Nếp chậm hơn các bạn. Bạn làm được gì, bạn chơi trò gì Nếp đều đuổi kịp các bạn. Có vẻ biết nhiều thứ lắm. Vậy mà tối đi ngủ nhìn trời mưa, sấm chớp lóe lên ngoài cửa sổ, bạn nhìn và nói tỉnh bơ: “Chắc ở ngoài kia có ai đó chụp hình, ánh sáng đụng vô nhà mình đó mẹ”.
100. Tưới cây giữa buổi chiều không ngủ được
Nếp bị đau mắt đỏ. Mắt sưng, chảy nước vàng. Sốt. Mẹ biết là con khó chịu. Nhưng trừ một vài lần nhõng nhẽo trong ngày - thường là lúc thức dậy hoặc sắp đi ngủ, lúc nào mẹ cũng thấy con vui. Trưa nay con khó ngủ, mẹ đoán là do sốt, và khó chịu mắt. Bột, Gạo, ba, mẹ ngủ hết trơn, mình con nằm trăn trở, chơi cái này cái kia một hồi. Gần chiều, đột nhiên con từ cầu thang nhảy bổ vào phòng mẹ: “Mẹ, con đi tưới cây”. Đôi mắt con bừng sáng, giọng nói con đầy phấn khích, như thể con vừa tìm ra châu Mỹ vậy. Mẹ nhìn con hào hứng và quyết định thôi không ngủ nữa mà theo con lên lầu tưới cây. Ngay khoảnh khắc đó, mẹ tự nói với chính mình: “Mẹ sẵn sàng đổi rất nhiều thứ để có được cái niềm vui, sự rạng rỡ của con”. Mẹ phải gọi đó là phép màu. Như thể bất cứ điều gì con chạm tới, ở đó nở hoa và bừng sáng. Mọi điều con muốn làm đều là trò chơi thú vị nhất.
Mẹ yêu giọng nói lúc nào cũng tràn ngập niềm hân hoan vui sướng của con, khi mẹ cầm vòi định tưới cây nha đam gai góc giùm con thì con nói: “Tưới cây là việc của con. Nhìn con tưới cây là việc của mẹ”.
Làm sao để nhìn bất cứ điều gì, làm bất cứ điều gì, nói bất cứ điều gì cũng bằng ánh mắt trong trẻo vui tươi, bằng cú nhảy hân hoan, bằng giọng điệu đầy vui sướng - như con, tìm ra việc tưới cây giữa buổi chiều không ngủ được?
101. Nghiêm trọng
Một buổi sáng mẹ dắt xe ra, bình hư sao đó mà xe không đề được. Muốn đạp xe nổ phải dựng chống đứng lên, mà mẹ thì không đủ sức. Vì vậy, mẹ phải nhờ bác hàng xóm đạp xe giùm. Tưởng chạy đến trường Bột và Gạo thì bình đã sạc lại, ai dè tắt máy xe để thử thì xe vẫn không có dấu hiệu gì. Bột và Gạo đều không đủ sức kéo ngược cái đít xe ra sau để dựng chống đứng, mẹ đành phải nhờ một phụ huynh không quen giúp. Đi nửa đường đến trường Gạo, không biết sao Gạo buồn buồn gì đó mà tắt luôn cái chìa khóa xe. Mẹ la, bạn nói: “Con tưởng mẹ dặn không được đụng cái tay ga thôi, con đâu có biết cả chìa khóa nữa”. May mà mẹ con mình đi bộ chút thì gặp tiệm sửa xe, mẹ đem xe vô sạc lại bình. Về nhà, mẹ không dám tắt máy xe mà chạy đi làm luôn. Có lẽ bình hư, không còn khả năng tự sạc nữa nên buổi chiều, từ cơ quan về nhà mẹ lại phải nhờ người dựng chống xe lên để đạp máy. Giờ cơm tối, Bột hỏi thăm mẹ cái xe mẹ ra sao, mẹ bảo: “Vẫn không đề được Bột ơi. Cả ngày nay mỗi lần muốn chạy xe toàn phải nhờ: ‘Anh ơi, anh kéo giùm em cái đít’”. Mẹ bịa chuyện trêu Bột, ai dè Bột nhìn mẹ chằm chằm hỏi: “Mẹ nói thiệt vậy hả? Mẹ nói vậy chắc chắn người ta sẽ nghĩ mẹ vô duyên”. Mẹ phá lên cười. Sao mà con nghiêm trọng thế hả Bột?
Một lần, mẹ con mình đi đâu gặp những người ăn xin. Con lại hỏi mẹ lỡ mình cho trúng những người giả bộ ăn xin thì sao. Mẹ nói: “Mẹ cũng không biết nữa - nhưng mẹ cứ làm theo điều mẹ muốn làm lúc đó thôi, thà cho nhầm còn hơn bỏ sót”. Nhân tiện mẹ buôn chuyện: “Bột, dạo này dân tình hay tặc lưỡi bỏ qua mấy cảnh thương xót này. Hôm nay trong công ty mẹ có người nói câu vui lắm: ‘Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ’”. Bột nghe xong, không cười mà nói: “Con chưa thấy câu nào độc ác giống câu đó mẹ”.
Bột, con là cô gái thích đọc truyện cười, thích kể những chuyện vui, nhưng đôi khi, có những lúc con rất nghiêm trọng. Không phải chuyện gì cũng có thể đùa đúng không Bột, nhất là chuyện liên quan đến cảm xúc, sự thương cảm, sự duyên dáng…
102. Chị về chị nói với mẹ như vầy...
Sau khi dự xong lễ khai giảng, Nếp vẫn ở nhà chứ không đi học vì mắt đỏ. Ở nhà hai ngày, buổi trưa Nếp qua nhà hàng xóm ăn cơm với anh Khải, chiều lại ở nhà chơi với chị Hương. Tối, mẹ có việc về trễ nên Nếp đi ngủ sớm. Mẹ về thì nghe chị Uyên trình bày: “Chị về nói với mẹ vầy nè: ‘Chị Hai ơi, Nếp nó bị đau mắt, chị cho nó ở nhà, mai chị cho nó ngủ khi nào dậy thì dậy. Chị để nó ở nhà, đừng có kêu nó đi học nữa’”. Sáng chị Uyên hỏi: “Nếp, hôm qua con dạy chị nói gì với mẹ, giờ có mẹ nè con muốn nói gì con nói đi”. Bạn ấy giấu mặt sau cái mền không nói.