Garth Fagan là một trong những thiên tài đích thực của giới khiêu vũ đương đại. Đoàn khiêu vũ của ông có một tiết mục đặc biệt, các vũ công sẽ bay lên một độ cao không tưởng trong những tư thế thanh lịch. Tiết mục đó được gọi là Prelude: Discipline Is Freedom (Khúc dạo đầu: Kỷ luật là tự do).
Các vũ công của Fagan bật người lên và uốn lượn, với nguồn năng lượng và sức mạnh khổng lồ, nhưng trong động tác của họ không hề có sự lộn xộn hay hỗn loạn. Thay vào đó, họ có trách nhiệm và tin cậy lẫn nhau. Mỗi vũ công đều ở đúng vị trí, vào đúng thời điểm. Một ví dụ hoàn hảo về trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là sự linh hoạt và tự do tuyệt vời.
Hành vi của các vũ công này giúp minh họa một điểm cực kỳ quan trọng, rằng ta không nên xem trách nhiệm như một nghĩa vụ mà thay vào đó, ta có thể liên kết nó với sự tự do. Hành vi có trách nhiệm của những vũ công này không bị kiểm soát, nó có tính tự chủ. Nếu các vũ công cảm thấy bị áp lực phải ở đúng vị trí, nếu họ chỉ nội nhập sự cần thiết của việc phải ở đó, thì họ sẽ không linh hoạt và tự do như vậy, sự kỳ diệu trong màn trình diễn của họ sẽ biến mất. Nhưng họ đã hành động một cách tự do, với toàn bộ ý chí tự do của mình, nên những người trình diễn kỷ luật cao này thể hiện sự sáng tạo hiếm có.
Abraham Maslow đã nói rằng: “Trách nhiệm chính là niềm vui, và niềm vui chính là hoàn thành trách nhiệm của mình”. Ông đang đưa ra cùng một luận điểm. Đối với ông, “trách nhiệm” không có nghĩa là bổn phận hay sự bắt buộc. Nó có nghĩa là cho đi những gì mà tình huống yêu cầu ở bạn, và cho một cách tự do. Nếu tình huống là con của bạn đói bụng, bạn sẽ cho chúng ăn. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc làm điều đó với cảm giác yêu thương và cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc đối với con cái, với việc làm điều đó với ý thức về nghĩa vụ và bổn phận.
Theo nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre, tự do nghĩa là hoàn toàn chấp nhận những giới hạn của mình. Tự do tồn tại trong sự thật về những ràng buộc - không phải những ràng buộc tùy tiện do người khác đặt ra, mà là những ràng buộc đích thực như ràng buộc khiến chúng ta không thể bay, không thể chịu được sức mạnh của sóng thủy triều, và với một số người, là ràng buộc khiến ta không thể hiểu được vật lý hạt nhân. Đây là những ràng buộc thật sự tồn tại trong bản chất của vạn vật. Nhưng ràng buộc đặt ra cho một đứa trẻ kiểu như “Đừng ồn, nếu không con sẽ bị phạt đấy” không phải là một ràng buộc tự nhiên; nó là sự độc đoán, do ai đó ở vị thế bề trên áp đặt. Nó hời hợt hơn so với những ràng buộc cho chúng ta biết ta thật sự là ai.
Con người tìm thấy phần nào tự do qua việc chấp nhận những ràng buộc đích thực của họ, nhưng chỉ riêng điều này thôi thì không đảm bảo rằng họ sẽ hoạt động một cách hiệu quả trong xã hội. Thêm vào đó, họ có thể cần chấp nhận một số quy ước độc đoán mà các tổ chức xã hội tạo ra. Đương nhiên, xã hội đầu tư rất nhiều cho việc con người chấp nhận các luật lệ như vậy. Thách thức quan trọng cho mỗi cá nhân là phải chấp nhận những ràng buộc độc đoán có ý nghĩa với họ, trong khi vẫn duy trì được một ý thức về tự do cá nhân. Các vũ công của Fagan dường như đã làm được điều này một cách đáng ngưỡng mộ.
***
Khi Đông Âu còn thuộc về khối liên minh của Liên Xô, tôi đã đến tham quan nhiều xí nghiệp, cửa hàng, công ty dịch vụ ở Bungary và các nước láng giềng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người lao động ở đó thật sự làm việc ít đến mức nào và ít quan tâm đến công việc ra sao. Một số người kể với tôi rằng họ thường về nhà nghỉ trưa ba tiếng để chăm sóc vườn tược hay làm những việc vặt khác, và đôi khi quay lại vào đúng lúc kết thúc ngày làm việc. Họ nói rằng họ chẳng lo gì vì biết sẽ chẳng có gì xảy ra với họ cả. Bên cạnh đó, ngay cả khi có bị đuổi việc, họ cũng chỉ cần tìm việc khác là được. Vì chính quyền về cơ bản vẫn bảo đảm công việc và nguồn thu nhập cho tất cả mọi người, và thế là, theo một cách kỳ quặc, họ được tự do làm theo ý mình.
Tuy nhiên, chính quyền đã đặt ra nhiều trở ngại và ràng buộc độc đoán. Chẳng hạn như, người dân nói chung không thể rời khỏi đất nước và phải cực kỳ cẩn trọng khi chỉ trích chính phủ. Thêm nữa, muốn họ tìm kiếm những mục tiêu cá nhân ý nghĩa trong hệ thống ấy là hoàn toàn vô ích, bởi vì bộ máy quan liêu và sự thiên vị gần như luôn luôn quyết định ai sẽ thành công. Cá nhân thật sự bị hạn chế theo nhiều cách, nhưng nếu họ không quan tâm đến những hành vi và thành tựu nào đó, thì hệ thống này có vẻ sẽ cho họ sự tự do thật sự.
Ở phương Tây, chúng ta thường nghe nói nhiều về “tự do của chúng ta”. Ở một số khía cạnh, nó là hình ảnh phản chiếu của những gì tôi đã chứng kiến ở Bungary, thứ trông giống như một kiểu tự do. Ở Mỹ, con người tương đối không bị ràng buộc bởi sự can thiệp của chính quyền trong việc đi lại, và họ có khả năng đạt được những mục tiêu cá nhân trong hệ thống đó. Người ta có thể làm ra tiền triệu - nếu họ đủ thông minh và sẵn lòng làm việc chăm chỉ. Họ có thể tổ chức một đại nhạc hội, xây một ngôi nhà cho mình, vươn lên trong hệ thống cấp bậc của tổ chức, có được khối tài sản không giới hạn, và cho con họ đi học ở các trường họ chọn - nếu họ có thể và sẵn sàng cư xử theo những cách cụ thể nào đó. Phương tiện để đạt được các mục tiêu này tương đối rõ ràng và có khá ít những hạn chế chuyên quyền.
Tuy nhiên, chính các mục tiêu và sự cần thiết phải hành xử theo những cách cụ thể là những kẻ sinh sự. Những mục tiêu mà con người tự do theo đuổi sau cùng có thể sẽ kiểm soát lại những người theo đuổi chúng. Ví dụ, chúng ta đã thấy trong nghiên cứu của Kasser và Ryan, rằng những ai có những khát vọng mãnh liệt bất thường từ bên ngoài sẽ bị kiểm soát nhiều hơn và thể hiện sức khỏe tinh thần kém hơn. Nó cũng là trường hợp mà đòi hỏi phải hành động theo những cách cụ thể để đạt được một kết quả nào đó có thể tạo cảm giác như một áp lực khổng lồ, đặc biệt nếu cái tôi hay lòng tự tôn của ai đó phụ thuộc vào kết quả, hoặc nếu những người ở vị thế bề trên (như quản lý và giáo viên) cung cấp những kết quả như vậy theo cách kiểm soát.
Mỉa mai thay, sự tự do theo đuổi những mục đích riêng của một người thường dẫn đến việc con người từ bỏ quá nhiều tự do cá nhân vì tính dễ bị tổn thương của họ - chẳng hạn những ràng buộc bản ngã - vốn sẽ phát triển khi những nhu cầu tâm lý bẩm sinh về năng lực, sự tự chủ và kết nối không được thỏa mãn một cách tương xứng. Trong hệ thống kinh tế của chúng ta, hầu hết mọi người không thể tự do về nhà để chăm sóc vườn tược trong giờ làm việc, vì những phương tiện - sự cần thiết của việc hành xử theo những cách cụ thể để đạt được kết quả mong muốn - sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Như đã đề cập ở trên, mặc dù những công cụ này cung cấp thông tin về cách đạt được các mục tiêu, nhưng chúng cũng là phương tiện mà qua đó con người có thể bị kiểm soát bởi chính những mục tiêu và khao khát của họ, và bởi những người quản lý các công cụ đó.
Liệu người Bungary có tự do khi họ về nhà chăm vườn không? Liệu người Mỹ có tự do khi họ lao đầu vào công việc và nhất tâm theo đuổi các mục tiêu? Để trả lời những câu hỏi này, ta cần phải xác định chính xác tự do là gì.
Thường thì, thuật ngữ tự do được áp dụng ở cấp độ chính trị và xã hội. Con người ở một số xã hội được cho là tự do nếu họ được trao cho những cơ hội có giá trị để lựa chọn sẽ làm gì, sống thế nào, với tương đối ít sự cưỡng ép độc đoán. Theo nghĩa này, người Mỹ được cho là tự do hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia nằm dưới sự thống trị chuyên chế.
Đương nhiên, bất kỳ xã hội nào cũng có một số người có thể tự do một cách tương đối, còn những người khác thì không, như trường hợp giai đoạn nô lệ của đất nước này. Tuy nhiên, thông thường có thể định hình đặc điểm xã hội trên phương diện mức độ tự do của hành động mà họ cho phép các công dân bình thường theo đuổi mục tiêu cá nhân. Thuật ngữ tự do khi được sử dụng theo cách này, được xem là tự do khỏi những áp bức bên ngoài, ở cấp độ của một hệ thống. Tức là chính quyền can thiệp ở mức tối thiểu trong cách bạn sống. Nó có nghĩa là không bị hạn chế trong việc sống ở nơi bạn muốn, mua sắm nơi bạn muốn, du lịch nơi bạn muốn và học nơi bạn muốn.
Ở cấp độ gần hơn, các bối cảnh giao tiếp liên cá nhân trực tiếp do những người ở vị thế bề trên tạo ra có thể hạn chế sự tự do của con người theo những cách tương đương với những hạn chế do một hệ thống rộng hơn tạo ra. Những người ở vị thế bề trên có quyền lực đối với những người khác, và họ có thể sử dụng quyền lực đó theo những cách tương đối mang tính kiểm soát (hoặc cũng có thể, theo những cách tương đối khuyến khích tự chủ). Phần lớn những điều thảo luận trong quyển sách này liên quan đến cách mà các bối cảnh giao tiếp liên cá nhân mang tính kiểm soát - và những yếu tố như phần thưởng, kỳ hạn hoàn thành công việc bao hàm trong chúng - có thể hạn chế sự tự do.
Tuy nhiên, vẫn có một con đường mà ở đó sự tự do của chúng ta có thể bị hạn chế - một con đường thậm chí còn quan trọng hơn những sự kiểm soát tầm gần hay tầm xa do các tổ chức xã hội đặt ra, đối với sự hiểu biết của chúng ta về tự do con người. Đó là giới hạn được áp đặt bởi những ràng buộc nội tại - bởi những giới hạn của các cấu trúc bên trong cứng nhắc của chúng ta. Tôi biết một người phụ nữ có vẻ như đã dành toàn bộ thời gian của mình nói về các thương vụ mà cô đã chốt và số tiền cô ấy kiếm được. Cô ấy thật sự bị cuốn đi. Cô ấy hung hăng và ganh đua, kiếm tiền và có được sức ảnh hưởng đi kèm hiển nhiên là quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác trong cuộc đời cô ấy.
Cô ấy có thật sự tự do? Cô ấy có hành động với nhận thức về tự do cá nhân khi đương đầu với cuộc sống hằng ngày? Sự thiếu hụt tương đối những ràng buộc bên ngoài cho phép cô ấy theo đuổi những mục tiêu của mình. Nhưng sức mạnh rõ ràng của những áp lực bên trong ngăn cản việc theo đuổi mục tiêu - ở mức độ chúng ám ảnh cô ấy - cho thấy cô ấy không phải là một hình mẫu của tự do cá nhân. Thế còn vị giáo sư lúc nào cũng trễ giờ họp? Ông có tự do hành động khi đang đi ngược lại mong đợi rằng ông sẽ cư xử như bao người khác và đến đúng giờ?
Cả hai ví dụ này - người phụ nữ cố bồi đắp tài khoản ngân hàng và người đàn ông luôn đến trễ - cho thấy sự thiếu hụt tự do cá nhân theo hai kiểu mang tính bù trù. Kiểu đầu tiên là trường hợp điển hình của việc tuân theo những giá trị nội nhập được xã hội thừa nhận, và kiểu thứ hai là trường hợp chống đối lại chúng. Cả hai đều là những trường hợp về những người bị hạn chế, bị những áp lực bên trong trói buộc họ hành động như những gì họ đã làm.
Từ góc nhìn này, tự do con người có nghĩa là thật sự tự chủ. Nó có nghĩa là hành động theo cách không bị giới hạn bởi những nội nhập, bởi những cấu trúc cứng nhắc bên trong, bằng cách làm tê liệt sự tự phê bình, bằng sự thúc đẩy để thách thức các sức ép đang hạn chế ta. Tự do nghĩa là cảm thấy tự nguyện; nghĩa là được một bản ngã đích thực chi phối những hành động của mình.
Dĩ nhiên các hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế tác động đến mức độ tự do tâm lý của con người. Trước hết, các hệ thống trao hoặc từ chối trao cơ hội để một người theo đuổi những mục tiêu của họ, và chúng đặt ra ít nhiều những ràng buộc độc đoán. Nhưng có lẽ điều còn thú vị hơn là các bối cảnh xã hội cũng có một vai trò trong việc tạo ra áp lực bên trong - những điều lệ và giá trị nội nhập - mà cùng với nó con người tự giới hạn tự do của chính mình.
Việc xã hội quá coi trọng tích lũy vật chất đã làm cho con người đặc biệt dễ bị những phần thưởng tài chính cũng như tình yêu ngẫu nhiên kiểm soát. Do đó, khi những người ở vị thế bề trên sử dụng những sự ngẫu nhiên này để kiểm soát, chúng có khuynh hướng mang lại những hậu quả rõ ràng tiêu cực cho con cái, học sinh, nhân viên và bệnh nhân. Như vậy, những người ở vị thế bề trên sử dụng phần thưởng để kiểm soát là yếu tố xúc tác cho các quá trình có tính hệ thống mà suy cho cùng là để giới hạn sự tự do tâm lý của người sống trong hệ thống đó. Hệ thống Mỹ cung cấp sự tự do thiết yếu để theo đuổi những kết quả mong muốn, nhưng nghịch lý là tự do của con người thường chấm dứt vì bị hạn chế bởi sự mưu cầu những kết quả này.
Ở Bungary, các nhân viên bỏ công việc về nhà chăm vườn lẽ ra có thể tự do, về tâm lý, nếu họ biết cách dàn xếp đúng đắn cho tình huống này. Tuy nhiên, ấn tượng của tôi khi phỏng vấn nhiều người trong số đó là rất ít người thật sự tự do. Hầu hết đều bị động và mâu thuẫn. Chế độ chuyên chế đã gây ra một thiệt hại đáng kể dù cho nó không thành công trong việc kiểm soát hành vi làm việc của họ. Thay vì làm cho họ tận tâm với công việc thì nó lại khiến tâm trí của họ trở nên chậm chạp, tay chân họ trở nên nặng nề. Đa phần đều buông xuôi trước chế độ bởi vì cái giá của việc không làm vậy dường như lớn đến mức không thể chịu được.
Dù vậy, vẫn có ngoại lệ. Có một người đặc biệt đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi. Anh ta chẳng làm gì nhiều, anh dành hầu hết thời gian để học. Anh học ngoại ngữ, tâm lý học phương Tây, kinh tế tư bản và các chủ đề tương tự khác. Anh đã viết thư cho các học giả ở phương Tây xin các bài báo, anh tìm sách báo thú vị ở khắp các thư viện đại học và thư viện quốc gia. Không bất ngờ, khi Thủ tướng Zhivkov31 rời bỏ quyền lực vào năm 1989 và đất nước bắt đầu mở cửa cho phương Tây, người đàn ông này đã trở thành một nhân tố thay đổi lý tưởng.
31 Todor Hristov Zhivkov (1911-1998) giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Bulgary từ năm 1954 đến năm 1989.
Bối cảnh xã hội tác động mạnh mẽ đến tự do cá nhân trong chừng mực nào đó nhưng nó không phải là yếu tố quyết định. Tự do là một đặc tính của chức năng tâm lý cá nhân ở một khoảnh khắc cụ thể nào đó. Vì vậy, tự do phải được thực hành trong từng khoảnh khắc. Người đàn ông ở đất nước Bungary độc tài đó đã cố gắng để sống “một cách tự do” phần lớn thời gian, vì anh ta đã hoàn toàn thành công trong việc giải phóng bản thân khỏi sự áp bức của những mâu thuẫn và kiểm soát bên trong.
Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là làm việc riêng của bạn với cái giá người khác phải trả. Thay vào đó, nó bao hàm việc quan tâm đến người khác và tôn trọng môi trường xung quanh bởi vì nó biểu thị sự kết nối của con người. Tự do bao hàm việc cởi mở với bản chất bên trong của một người và ở đó người ta tìm thấy các khuynh hướng cho cả sự tự chủ và gắn kết. Từ nhu cầu được gắn kết, con người phát triển lòng tôn trọng với môi trường vật chất và xã hội xung quanh. Những vũ công của Fagan, khi tự chủ trong màn trình diễn của họ, cũng đang tôn trọng các bạn diễn.
Một người bước vào một tình huống và lập tức bắt đầu chỉ huy những người xung quanh thì không tự chủ, bởi vì sự tự chủ đích thực đi kèm với sự kết nối - sự tự chủ đích thực bao gồm tôn trọng người khác. Người lập tức chỉ huy những người xung quanh rõ ràng cảm thấy đang chịu áp lực của các tác động từ bên trong hay bên ngoài, và nỗ lực kiểm soát người khác chỉ đơn giản là một biểu hiện của áp lực đó. Nếu tự chủ, người đó sẽ bắt đầu bằng việc chấp nhận môi trường sống trước khi cố gắng thay đổi nó ngay lập tức.
Tôi có một người bạn, một người đàn ông rất chủ động và quyết đoán, một người bước vào bất kỳ hoàn cảnh nào là bắt đầu thay đổi mọi thứ - thêm ánh sáng, bớt không khí đi, thêm hạt tiêu vào, bớt tiếng ồn, dời cái bàn này, cất cái gối nọ. Dường như anh ta luôn phải dịch chuyển mọi thứ. Theo một cách nào đó, tôi tôn trọng sự thật rằng anh ta phải có được những gì anh ta cần cho bản thân mình, nhưng tôi luôn cảm thấy như vậy là hơi quá. Đó thật sự không phải là thể hiện sự tự chủ và tự do - mà là đang chịu áp lực quá mức. Như thể anh ta luôn phải chứng minh một điều gì đó. Tôi muốn nói rằng: “Cứ thoải mái đi. Hãy cảm nhận hoàn cảnh. Tôn trọng những gì đang hiện diện. Tinh ý với người khác. Rồi khi đó anh sẽ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi nó”.
Tự do đích thực liên quan đến sự cân bằng giữa việc chủ động đối phó với môi trường xung quanh mình và tôn trọng nó. Tự do về mặt tâm lý đòi hỏi một thái độ chấp nhận người khác. Chúng ta không chỉ sống riêng mình mà còn là một phần của hệ thống rộng lớn hơn, và bởi vì bản ngã đích thực có những xu hướng kép hướng về sự tự chủ và gắn kết với người khác, nên người nào có hành động xuất phát từ một bản ngã được phát triển tốt sẽ chấp nhận những người khác và tôn trọng môi trường xung quanh, cũng như chủ động tác động đến cả hai.
***
Tự do của con người dẫn đến chân nguyên; có nghĩa được là chính mình. Và tự do sẽ đi cùng trách nhiệm, bởi vì đó là một phần trong con người thật của chúng ta. Bản chất của chúng ta là phát triển một cách có trách nhiệm, khi chúng ta nỗ lực trở nên hợp nhất với cộng đồng xã hội. Những gì mà nhà tâm lý học Andras Angyal gọi là “khuynh hướng đồng nhất” (nghĩa là, khuynh hướng hợp nhất với một đơn vị lớn hơn), kết hợp với “khuynh hướng tự chủ”, sẽ thúc đẩy chúng ta hướng về trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện thực hóa những khuynh hướng đó (và nhờ vậy đạt được sự hợp nhất và hạnh phúc) đòi hỏi những dưỡng chất từ bối cảnh xã hội. Xã hội ảnh hưởng đến tự do tâm lý của con người phụ thuộc vào việc liệu nó (và các tác nhân xã hội hóa đại diện cho nó) có cung cấp hay từ chối cung cấp những dưỡng chất đó hay không.
Thật không may, khái niệm tự do, chân nguyên và trách nhiệm đã bị các nhà phê bình xã hội đánh giá quá sai lầm trong suốt vài thập niên qua, đến nỗi những vấn đề xoay quanh các khái niệm này đã trở nên rối ren một cách vô vọng. Bởi vì hoạt động nghiên cứu về sự tự chủ của con người gần đây đã cung cấp cơ sở để làm rõ sự rối ren này và giải thích ý nghĩa của tự do con người, nên chúng ta mới có thể sử dụng công trình nghiên cứu đó để nhìn lại sự phát triển trong vài thập niên qua.
Những năm 1960 là thập niên căng thẳng và nhiều biến động nhất. Một phong trào xã hội lan rộng đã được thúc đẩy đáng kể khi những người như Abbie Hoffman, cùng hàng triệu thanh niên của đất nước đáp lời hiệu triệu, đưa cuộc nổi loạn đến trung tâm của vũ đài quốc gia. Một số người, như Abbie, là những linh hồn giận dữ nổi dậy chống lại tất cả các dạng thức cấu trúc - anh tuyên bố: “nổi loạn chả vì cái quái gì cả” - và một số đánh mất linh hồn cố bắt chước thủ lĩnh các cuộc nổi loạn trong một nỗ lực tuyệt vọng để nhập bọn. Họ hành quân cùng nhau, phẫn nộ và mất mát, kề bên nhau. Có những lúc họ đập vỡ những ô cửa sổ, đốt những tòa nhà, thậm chí còn cướp nhà băng. Họ kêu gọi tính chân thật và trách nhiệm xã hội, nhưng họ thiếu mất những đặc tính này trong chính cuộc sống của mình.
Thế nhưng, những năm 1960 cũng là khoảng thời gian phức tạp. Cả nổi loạn lẫn kiểm soát đều không phải là bản chất của giai đoạn đối với một số người đã sống qua thời kỳ này. Thay vào đó, những người này quan tâm đến các chủ đề hấp dẫn - như tìm kiếm chân lý của riêng họ, yêu thương nhau, quý trọng trái đất, đặt câu hỏi rằng liệu chiến tranh có cần thiết hay không, phát triển trách nhiệm xã hội và cá nhân nhiều hơn. Những người này đã khắc ghi những thông điệp ấy và nỗ lực để sống chân thật trong đời sống của riêng mình. Họ đã trở nên tốt đẹp hơn nhờ phong trào.
Các nhà phê bình xã hội nhắc về thời kỳ này nhìn chung đều cho rằng nó vừa tốt vừa xấu, bởi vì họ chỉ chú mục vào những người thật sự tìm kiếm hoặc những người nổi loạn một cách vô trách nhiệm. Charles Reich đã xem nó như một phần của cuộc cách mạng cần thiết sẽ mang lại nhiều cá nhân chân thật hơn và một cộng đồng nhân văn hơn, nhưng Christopher Lasch lại cho nó là thời kỳ của sự tự thỏa mãn khuynh hướng ái kỷ. Nhà tâm lý học Rollo May nói rằng phong trào những năm 1960 xoay quanh việc khám phá bản thân qua tình yêu và ý chí, nhưng tác giả James Lincoln Collier lại cho rằng đó là một phong trào đã quảng bá sự tự nuông chiều như một đức hạnh. Bởi vì không thể nhận ra sự đa dạng của mục đích, các tác giả này không thể hiểu được một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta, ấy là bao nhiêu người có thể sống chân thật và có trách nhiệm trong một xã hội mà ở đó những giá trị và hệ thống của nó dường như cản trở các mục tiêu đó mọi lúc mọi nơi.
Một phần của vấn đề là những cảm xúc bị phân cực của thời kỳ hỗn loạn đó đã khiến các tác giả đưa ra định nghĩa sai cho các thuật ngữ. Allan Bloom về cơ bản đã mô tả tính chân thật và sự tự nuông chiều là như nhau, khẳng định rằng chân thật nghĩa là quan tâm đến bản thân bạn thay vì người khác. Vì vậy, ông đã hiểu sai rằng sự tự chủ tự khẳng định và nhận thức sâu sắc về trách nhiệm cá nhân không thể cùng tồn tại trong một cá nhân.
Điều này đúng khi nhiều cuộc nổi loạn trong thời kỳ này đều vô trách nhiệm và buông thả, và ở mức độ này thì nó không chân thật. Thay vào đó nó là phản ứng với những thứ cứng nhắc được nội nhập, tạo ra cho con người một “giọng nói bên trong” nghe tựa như giọng nói của những bậc trưởng thượng. Cái giọng nói kiểm soát dễ tin này - vốn có mục đích làm cho các thanh niên trong xã hội tuân theo lý tưởng của xã hội - đã gây áp lực và đòi hỏi, đánh giá và chỉ trích.
Vào những năm 1980, sự tuân phục từng thống trị lại lên ngôi và được nhiều người ca ngợi như là một đức hạnh. Sự tuân thủ và thành tựu của những người trông có vẻ kỷ luật - những người hành động đúng mực, ăn mặc đúng mực, nói chuyện đúng mực và phù hợp - đều được khen thưởng xứng đáng. Tôi đã gặp hàng trăm sinh viên biết vâng lời trong những năm 1980. Họ đã bước vào guồng quay công việc và hướng về Phố Wall hay Đại lộ Madison. Những chàng trai trẻ vận áo sơ mi polo với chuỗi xích vàng trang nhã và quần jeans thiết kế; những cô gái trẻ thậm chí còn mặc váy đến trường. Họ tìm kiếm thành công, họ chọn những khóa học và các hoạt động ngoại khóa trông có vẻ tốt cho bản lý lịch của mình. Những người trẻ thập niên 1980 ấy đã tuân theo những sự kiểm soát trong một thế giới giống như triết gia Any Rand và nhà kinh tế học Milton Friedman đã tiên tri.
Những sinh viên này ủng hộ chiến tranh Vùng Vịnh mãnh liệt như cách sinh viên của những người thập niên 1960 phản đối chiến tranh Việt Nam, và họ đã làm vậy với tài hùng biện hơn là lý tính, như nhiều nhà hoạt động chống chiến tranh Việt Nam đã làm. Tôi còn nhớ một anh chàng trẻ trung vui vẻ, ăn vận đẹp đã bắt đầu bàn luận về chiến tranh Vùng Vịnh sau giờ học. Cậu ta cứ liên tục bàn về chủ nghĩa yêu nước, rằng Saddam đang là một Hitler thứ hai, về việc ngăn chặn sự xâm lược của đế quốc. Và tôi chỉ biết gật gù.
Ta có thể tìm thấy một điểm tương đồng thú vị giữa các sinh viên thập niên 1960 và các sinh viên của thập niên 1980. Thập niên 1960, một số sinh viên thách thức và nổi loạn, trong khi những người khác cố gắng để trở nên chân thật và có trách nhiệm, còn vào thập niên 1980, một số tuân thủ và bị thao túng, trong khi những người khác cố gắng để chân thật và có trách nhiệm. Những ai tuân thủ vào những năm 1980 cũng vô trách nhiệm như những ai nổi loạn vào những năm 1960, vì cả hai đểu không hành động một cách tự do dựa trên nền tảng của các giá trị đã hợp nhất.
Khi con người nội nhập những sự kiểm soát của xã hội một cách đơn thuần, họ có thể tuân thủ hoặc chống đối. Nhưng cả tuân thủ hay chống đối đểu không đại diện cho tính chân thật, và cũng không đại diện cho trách nhiệm. Chống lại những gì nhà cầm quyền nói chỉ vì nhà cầm quyền đã nói thế, là vô trách nhiệm. Nhưng theo một ý nghĩa sâu sắc, quả thật việc tuân theo nhà cầm quyền chỉ bởi vì đó là nhà cầm quyền cũng vô trách nhiệm nốt.
Trách nhiệm - trách nhiệm đích thực - đòi hỏi con người hành động một cách tự chủ liên quan đến thế giới xung quanh, và họ phải hành xử một cách chân thật, nhân danh một lợi ích chung nào đó. Trong mỗi thời kỳ, luôn có những người chu đáo và tận tâm, những người đã lao động cật lực thay mặt cho những người vô gia cư, những người bị bỏ rơi và những nạn nhân của bạo lực. Họ hành xử một cách có trách nhiệm như một biểu hiện cho tính chân thật - cho việc họ kết nối với bản ngã bên trong của chính họ và với bản ngã bên trong của người khác. Họ có trách nhiệm bởi vì họ có thể tự giải phóng mình khỏi mọi sự kiểm soát xung quanh, bởi vì họ có thể tránh những động lực thúc đẩy sự tuân thủ hay chống đối.
Khi chúng ta tiếp tục bước sang thập niên 1990, những động lực của thời kỳ trước đó dường như đã trở nên khuếch đại để đáp lại bối cảnh xã hội - bối cảnh hoặc là dễ dãi hoặc là kiểm soát quá mức. Áp lực gia tăng và con người đang phản ứng theo nhiều cách vô trách nhiệm khác nhau. Khi họ làm như vậy, ta nghe thấy lời yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt hơn từ khắp nơi - từ các nhà phản biện, chính trị gia, các công dân bình thường, từ vô số những người mà chính bản thân họ cũng đang hành xử vô trách nhiệm. Đương nhiên, vấn đề là kiểm soát nhiều hơn chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.
***
Điểm cốt lõi của tự do con người chính là trải nghiệm chọn lựa. Khi tự chủ, con người trải nghiệm việc lựa chọn cách hành xử, nhưng khi bị kiểm soát (dù là tuân thủ hay chống đối), họ sẽ không trải nghiệm được sự lựa chọn. Nếu một ai đó dí súng vào đầu bạn và nói “nhảy đi”, bạn chỉ có thể nhảy và chẳng hề có trải nghiệm lựa chọn nào về hành vi đó cả. Tương tự vậy, nếu một sự nội nhập bảo bạn “nhảy”, bạn cũng có thể nhảy mà không có trải nghiệm lựa chọn nào cả. Những áp lực như thế, dù từ bên trong hay bên ngoài, cũng sẽ làm giảm bớt trải nghiệm lựa chọn của con người, chúng mang lại những hậu quả đáng kể cho chất lượng hành vi và hạnh phúc của con người.
Các triết gia hiện sinh nói rằng con người luôn có sự lựa chọn. Chẳng hạn như, theo Sartre, con người tự tạo ra sự tồn tại của họ với những lựa chọn trong từng khoảnh khắc, do đó họ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Tuy nhiên, dù ở phương diện nào đó mà điều này là đúng, và dẫu cho khả năng lựa chọn trong một thế giới đầy áp lực có thể giúp con người vượt lên những ảnh hưởng chính trị và kinh tế, thì vẫn có một khía cạnh khác mà ở đó việc khẳng định rằng con người luôn có sự lựa chọn không thể truyền tải được bản chất trải nghiệm của con người. Với tư cách là một sinh vật, con người có những điểm dễ bị tổn thương, và những điểm dễ bị tổn thương này khiến họ cực kỳ khó duy trì nhận thức về tự do và sự lành mạnh khi đối mặt với tình trạng thiếu hỗ trợ trầm trọng cho những nhu cầu cơ bản của mình. Cố gắng giữ lấy ý thức về tự do và chân thật trong khi sắp chết đói, mà thức ăn lại phụ thuộc vào việc họ có quy phục hay không, là một nỗi sợ hãi tương đối quá sức chịu đựng đối với con người.
Nhưng đồng thời, quan điểm hiện sinh đặt ra cho mỗi chúng ta một thách thức quan trọng. Nó nói với chúng ta rằng chúng ta thật sự có trách nhiệm với bản thân, và nó thách thức chúng ta phải chấp nhận trách nhiệm đó hơn là khuất phục trước những áp lực của sự hỗn loạn và kiểm soát.
Tháng Mười hai năm 1985, Elena Bonner, người chống đối chính quyền và là vợ của nhà vật lý học, nhà hoạt động Andrei Sakharov, được phép rời khỏi căn nhà bị quản thúc tại Liên Xô để đi chữa bệnh ở phương Tây. Cô đã trải qua sáu tháng phẫu thuật, thăm mẹ và các con của mình, và viết hồi ký trước khi trở về với cuộc sống giam cầm.
Gia đình Sakharov, những người đã phải chịu cảnh đày ải trong nước trong suốt vài năm, phải chịu sự giám sát liên tục của cảnh sát, không được kết nối điện thoại, và gần như không được phép rời khỏi căn hộ mà không có người canh chừng. Họ đã tuyệt thực, bị buộc nhiều tội danh chống lại nhà nước và bị những người có chức quyền tùy ý bám sát. Tất cả các kiểu kiểm soát đều được áp đặt vào gia đình Sakharov - buộc tiêm chất dinh dưỡng trong thời gian họ tuyệt thực, liên tục đột nhập vào căn hộ của họ, quấy rối và đe dọa - nhưng gia đình Sakharov vẫn giữ vững lập trường. Họ hành động từ lương tâm, họ nói lên niềm tin của bản thân, và họ không chấp nhận sụp đổ.
Bonner lẽ ra có thể sống ở Hoa Kỳ như một người lưu vong, và phần nào cô ấy rõ ràng muốn như vậy. Phần lớn gia đình cô đều ở đây, và có vô số cơ hội chắc hẳn phải rất hấp dẫn với cô. Hệ thống phương Tây cung cấp cho cô sự tự do hành động cơ bản, nhưng cô đã chấp nhận thách thức hiện sinh và chọn trở về với cuộc sống đày ải trong nước. Tại sao? Bởi vì Sakharov đang chờ đợi. Cô ấy có thể ở lại một vùng đất cho cô một kiểu tự do chính trị nào đó, nhưng thay vì vậy cô chọn để bản thân gánh chịu một trong những hình thức áp bức ghê tởm nhất. Cô chọn như vậy bởi vì chia sẻ những trải nghiệm cuộc đời với chồng mới là điều quan trọng nhất đối với cô.
Elena Bonner đang tự chủ; quyết định của cô xuất phát từ điều mà chúng ta gọi là một ý thức hợp nhất về bản ngã. Nó là một lựa chọn đúng đắn, một hành động không chịu sự kiểm soát bởi những nội nhập hay áp lực khác. Như Bonner đã nói: “Chúng tôi vẫn tự do là chính mình… cùng với nhau”. Trong một hệ thống kiểm soát chính trị, gia đình Sakharov đã cho thấy sự tự do cá nhân to lớn hơn tự do của hàng triệu người có chính quyền không đàn áp họ về mặt chính trị.