K
hi nào thì một người trở nên già đi? Khi tôi còn bé, tôi nghĩ sinh viên đại học là những người già. Sau đó, khi vào đại học, tôi cho rằng những người đã kết hôn mới là những người già. Nhưng khi kết hôn, tôi nghĩ những người có con là những người già. Đến lúc có con, tôi cho rằng những người có cháu là đã già. Và giờ đây, khi tôi đã có cháu, tôi hiểu rằng chỉ có những người không còn cười được nữa thì mới là những người già.
Giống như hầu hết các sự việc xảy ra trong cuộc sống, việc trở nên già đi cũng bao gồm cả hai mặt tốt và xấu. Mặt tốt là khi già đi, bạn sẽ nghiệm ra được nhiều điều thú vị mà có thể trước đây mình chưa hiểu được, chẳng hạn như sở trường của bạn là gì, ai thực sự yêu thương bạn hay điều gì thực sự quan trọng đối với cuộc đời bạn. Nếu bạn có thể sống đến khi được nhìn thấy cháu chắt của mình thì đó là điều rất tuyệt vời.
Tuy vậy, có một vài điều không lấy gì làm dễ chịu khi bạn trở nên già đi. Khi đó, bạn không thể đi lại nhanh như khi bạn còn trẻ được. Cơ bắp, xương cốt của bạn trở nên yếu đi và mặt bạn xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn. Khi bạn già, việc lắng nghe và ghi nhớ mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn.
Dĩ nhiên, một số người lên chức ông bà ở độ tuổi khá trẻ và họ có thể chạy bộ cũng như nghe và ghi nhớ rất tốt. Nhưng lý do mà bạn nên nói to hơn để những người ông, người bà của mình nghe thấy không phải chỉ vì họ là những người già. Ý nghĩa thật sự của câu: “Hãy nói to lên cho ông bà nghe” có thể được hiểu là: “Con nên cố gắng thấu hiểu những khó khăn của người khác và giúp đỡ họ nếu có thể”.
Bệnh tật, ốm yếu có thể khiến cho người già thực hiện một số công việc khó khăn hơn bình thường. Vì vậy, họ rất cần chúng ta giúp đỡ. Nếu bạn có thể giúp đỡ họ thì hãy làm tất cả những gì có thể. Nói cho cùng, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ ở một thời điểm nào đó. Đó là điều mà bố mẹ cố gắng dạy cho bạn hiểu khi họ nói với bạn rằng bạn phải nói to lên cho ông bà nghe thấy. Bố mẹ bạn hy vọng rằng lần tới, họ sẽ không cần phải nhắc bạn nói to lên vì bạn hiểu được khó khăn của ông bà mình và bạn sẽ muốn giúp đỡ họ.
Việc nhạy cảm với khó khăn của người khác không chỉ là cách để bạn giúp đỡ những người thân bên cạnh mà còn là cách bạn hoàn thiện chính bản thân mình. Bằng cách giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, bạn sẽ trở nên tử tế hơn, biết quan tâm hơn nỗi đau của người khác. Nói một cách ngắn gọn là khi đó, bạn sẽ trở thành một người có lòng trắc ẩn. Nói to để những người ông, người bà hiểu được điều bạn muốn nói là một cách thể hiện lòng trắc ẩn với những người vốn luôn yêu thương bạn.
Giúp đỡ những người đang gặp khó khăn cũng giúp bạn nhận thức được những mặt trái trong con người mình để kịp thời sửa đổi. Có thể bạn gặp khó khăn với môn Toán hoặc luôn cảm thấy lo sợ khi đứng trước đám đông. Bạn không cần phải xấu hổ hay lo ngại gì cả. Tất cả chúng ta đều có những khó khăn riêng và cần đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Bằng cách giúp đỡ người khác vượt qua những thử thách của họ, bạn sẽ thấy mình sẵn sàng hơn trong việc ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống của chính mình.
Năm 14 tuổi, tôi trải qua một ca phẫu thuật ngực và kết quả là đến bây giờ, trên ngực tôi vẫn còn một vết sẹo khá rõ. Vết sẹo này đã khiến tôi bối rối và xấu hổ đến mức không bao giờ để người khác nhìn thấy nó. Không ai hiểu được cảm giác của tôi như thế nào cho đến khi tôi gặp một người cùng cảnh ngộ như mình. Người xưa đã từng khuyên chúng ta rằng, để hiểu được một người nào đó, bạn phải đặt mình vào vị trí của họ. Điều này có nghĩa là mỗi người chúng ta đều cần phải cố gắng để thấu hiểu những khó khăn mà người khác đang phải đối mặt, đồng thời làm tất cả những gì mình có thể để giúp cho cuộc sống của họ được dễ dàng hơn. Có lần, tôi đã chứng kiến một người ông dạy dỗ cháu trai của mình. Ông nhìn sâu vào mắt cậu bé và nói: “Hãy nghe lời ông, trong cuộc sống cháu sẽ gặp rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của cháu. Nếu cháu có thể giúp đỡ họ, hãy cố gắng hết sức”.
Tôi đã nghe rất nhiều câu nói cũng như lời chúc tụng, nhưng tôi nghĩ lời chỉ dạy trên chính là câu nói tuyệt vời nhất.