V
iệc sử dụng những từ ngữ không đẹp cũng giống như việc chúng ta xúc phạm nhau vậy. Khi bạn dùng những từ ngữ không hay với một người nào đó mà bạn không thích và người đó cũng phản ứng tương tự thì việc xảy ra tranh cãi giữa hai người là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, khi bố mẹ, thầy cô hay những người yêu thương bạn nhắc nhở: “Đừng nói chuyện kiểu đó với tôi!”, nghĩa là khi đó, họ đang cố gắng giúp bạn từ bỏ thói quen phát ngôn theo kiểu này.
Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn bị một người bạn nào đó làm đổ thức ăn lên bộ quần áo sạch sẽ của mình trong giờ ăn trưa ở trường. Thế nhưng, thay vì xin lỗi bạn, cậu ta lại cười nhạo và thản nhiên bước qua trước mặt bạn. Không chịu đựng được, bạn đứng lên và cũng hắt vào người cậu ấy một chén xúp. Sau đó, vì không kiềm chế được mình nên cả hai bắt đầu cuộc khẩu chiến bằng những từ ngữ thật đáng sợ. Kết quả cuối cùng như thế nào chắc bạn có thể đoán ra được. Cả hai sẽ gặp rắc rối với thầy giám thị – và tất nhiên, phải đến văn phòng của thầy trong bộ dạng chẳng được sạch sẽ cho lắm. Thực ra, sự việc trở nên nghiêm trọng từ lúc các bạn dùng những từ ngữ tệ hại với nhau chứ không phải vì những bộ quần áo bị bôi bẩn. Dùng từ ngữ thô tục cũng giống như việc đổ thêm dầu vào lửa vậy, nó làm cho mọi việc trở nên tệ hại một cách nhanh chóng.
Hãy cẩn thận! Những từ ngữ thô lỗ luôn sẵn sàng chen vào lời nói của bạn bất cứ lúc nào. Xe đưa rước học sinh, xe buýt, căng tin trường học, sân chơi… là những môi trường thuận lợi cho loại ngôn từ này xuất hiện tràn lan. Do vậy, bạn hãy trang bị cho mình những biện pháp phòng bị tốt nhất. Phương án bảo vệ tốt nhất để không bị cuốn vào một cuộc cãi vã khiến mình phải dùng đến những từ ngữ không đẹp là tự nhắc nhở bản thân bằng câu nói: “NÓ CHẲNG ĐÁNG GÌ CẢ!”. Quả thật, chẳng đáng để bạn nổi giận vì lời nói của những người xấu tính, chẳng đáng vì họ mà bạn đánh mất hình tượng bản thân khi lao vào những cuộc cãi nhau vô bổ. Ý thức được điều này, bạn sẽ lấy lại được cảm giác bình tĩnh cũng như xóa đi những ngôn từ không hay đang sắp sửa tuôn trào.
Trước kia, thời tôi còn là một cậu bé, nếu bị bắt quả tang đang chửi thề, bạn có thể bị người lớn trừng phạt rất nặng. Nhưng ngày nay, chuyện này đã trở nên dễ dãi hơn bởi vì việc chửi thề hay nói những ngôn từ không được lịch sự cho lắm xuất hiện khắp nơi bởi chính những người mà các bạn thần tượng. Rất nhiều người nổi tiếng đang khiến ngôn từ của mình trở nên ngày càng thô tục trước công chúng. Tất nhiên, ngôn ngữ xấu vẫn là ngôn ngữ xấu, bất chấp việc người phát ngôn đó có là ai chăng nữa.
Việc dùng những từ ngữ không hay như thế ảnh hưởng rất nhiều đến vốn từ của bạn cũng như cả cách ứng xử của bạn với mọi người xung quanh. Bạn đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng của cuộc đời, giai đoạn hình thành nhân cách con người. Do đó, nếu chỉ biết nguyền rủa và dùng những từ ngữ thô tục, bạn sẽ không thể học được cách giao tiếp lịch thiệp hoặc ít ra là thông thường như tất cả mọi người xung quanh. Lúc này, không chỉ những ý nghĩa tốt đẹp trong câu nói của bạn bị che phủ mà hình ảnh của bạn trong mắt mọi người cũng bị bôi bẩn không ít. Có thể nói, nguyền rủa, nói tục là một cách hủy hoại ngôn ngữ tồi tệ nhất.
Việc nói tục cũng giống như việc bạn thay thế tiếng nói của mình bằng những tiếng gầm gừ vậy: Khi đó, bạn không còn sử dụng ngôn ngữ giao tiếp nữa!
Cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn với một ai đó là nói chuyện tử tế với họ khi nào bạn cảm thấy thoải mái và bình tĩnh nhất. Điều này không chỉ giúp bạn giải tỏa được những khúc mắc của bản thân mà còn tránh được việc phải dùng những từ ngữ không đẹp. Sự giận dữ, cũng giống như axit, có khả năng ăn mòn những phần tốt đẹp và để lại những thứ cặn bã trong con người bạn. Dùng từ ngữ thô tục để biểu lộ cơn giận của mình cũng giống như việc bạn tự đánh mình mà lại hy vọng người khác sẽ bị đau vậy! Thay vì như thế, nếu biết cách hít thở thật sâu khi cảm thấy tức giận, có thể bạn sẽ chẳng cần đến ngôn từ nữa. Việc học cách kiểm soát cơn giận dữ của mình sẽ giúp bạn giải tỏa nó mà không cần đến những từ ngữ thô tục, tệ hại.
Ngôn ngữ của bạn thể hiện chân dung con người bạn cũng như cách bạn giao tiếp với mọi người. Vì thế nếu bạn không muốn người khác đối xử với mình như một người cần phải tránh xa thì bạn hãy biết kiểm soát ngôn ngữ của bản thân. Nếu muốn người khác tôn trọng mình, hãy bắt đầu bằng chính những thay đổi trong lời ăn tiếng nói của mình.