Một người biết hài lòng với bản thân luôn đáng giá
Hoặc là chúng ta tự si quá đỗi, phải lòng bản ngã của chính mình Hoặc là chúng ta hận thù bản thân, ghê tởm ngoại hình của chính mình
Có những người dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự chuyên chế của “cái bóng phản chiếu”51 chính mình. Từ sáng sớm đến đêm khuya, họ nghĩ: “Làm thế nào để sống qua ngày?” Cái bóng đi theo họ vào những giấc mơ. Nó cho họ thấy bản ngã của họ bị bóp méo khủng khiếp và biến đổi ghê gớm. Hoặc nó lấp liếm đi những khiếm khuyết khiến họ không hạnh phúc. Ai cũng vô cùng quan tâm đến diện mạo cá nhân của mình. Hoặc là một nỗi tự si quá đỗi, phải lòng bản ngã của chính mình. Hoặc là một sự hận thù bản thân, ghê tởm ngoại hình của chính mình. Cuối cùng, chúng ta đều là những tâm hồn vị kỉ khổ đau.
51 Đọc thêm thần thoại về Narcissus - hoa thủy tiên, kể về một chàng trai tự yêu cái bóng của chính mình. Trong tâm lí học gọi là hội chứng Narcissism - nhân cách yêu mình thái quá, hay còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỉ.
Chúng ta coi bản ngã của mình là trung tâm của thế giới
Mỗi việc xảy ra, dù là nhỏ nhất, đều được xem xét và đánh giá từ cái nhìn của bản ngã của mỗi chúng ta.
Nhận diện người ái kỉ - những tâm hồn vị kỉ khổ đau
Với người ái kỉ, tình trạng này được phóng đại nhiều lần, đến mức kì lạ và thần kinh. Họ trải nghiệm cuộc sống qua những cái bóng vật chất và tinh thần. Họ không chỉ chú ý đến ngoại hình, mà cả trong suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và công việc của họ, họ liên tục tự kiểm tra bản thân, tự phê phán chính mình. Hoặc họ bất mãn với bản thân, hoặc họ vô cùng ngạo mạn. Họ không bao giờ ngừng chiêm ngưỡng những hành động và thay đổi của mình.
Người ái kỉ lãng phí một phần cuộc sống của mình trước “cái bóng phản chiếu” ấy. Lúc nào, họ cũng mang theo một tấm gương nhỏ để thỉnh thoảng ngắm nhìn mình. Họ đi qua một chiếc gương mà không thể không dừng lại chiêm ngưỡng chính mình, từ đầu đến chân.
Có một câu chuyện về một vị vua hoang tưởng, đã hứa sẽ gả con gái cho ai đi qua tấm gương mà không nhìn vào nó. Chẳng ai làm được điều đó. Nhưng một nhà thơ đã đi qua tấm gương mà chẳng hề quan tâm hay chú ý đến nó. Công chúa được gả cho anh ta. Và trong mọi khả năng, khả năng duy nhất chính là: Nhà thơ không nhìn vào tấm gương thực, bởi anh ta nhìn thấy bản thân phản chiếu trong tấm gương tâm hồn của chính mình.
Một người ám ảnh với “cái nhìn” rất quan tâm đến ngoại hình của mình. Anh ta bị chi phối bởi một câu hỏi thôi thúc: “Mọi người sẽ nghĩ gì về tôi?” Khiến cuộc sống của mình trở thành một sự tra tấn. Anh ta cảm thấy mọi ánh mắt đều hướng về mình. Mọi người đều nhìn mình, mọi người đều nghĩ về ngoại hình của mình. Anh có một nỗi sợ hãi khủng khiếp khi bị cười nhạo. “Lạy Chúa! Đừng cười, đừng biến tôi trở thành chủ đề của sự vui vẻ!” Anh ta muốn chìm trong đám đông và không muốn ai chú ý đến (nhưng thực ra lại rất cần). Giá như anh ta sở hữu một chiếc mũ ma thuật biến anh ta thành vô hình.
Mặt khác, anh ta cũng khát khao chiến thắng, khao khát được “nhìn đến”. Anh ta muốn có được sự ưu ái rộng lớn. Anh ta muốn trông thanh lịch hơn và bảnh bao hơn những người khác. Anh ta muốn tỏa sáng và vượt trội trong xã hội. Anh ta muốn mình trông thông minh, trí tuệ, sống động, có học và văn minh hơn người khác. Trên tất cả, anh ta mong muốn tạo ấn tượng với phái nữ, để bước đến các cuộc chinh phục. Anh ta muốn trở thành một Lothario52, thoát khỏi mọi ràng buộc, không bị quấy rầy trong khuynh hướng của chính mình. Anh ta muốn không phải quan tâm đến sự phán xét xung quanh mình.
52 Người ham thích quyến rũ đàn bà.
Người ái kỉ bắt đầu một ngày với câu hỏi: “Tôi sẽ mặc gì hôm nay?” Ngay sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, anh ta tự thuyết phục mình rằng, đây sẽ là một ngày tốt hay xấu, rằng anh ta trông trẻ hơn hoặc già hơn, bệnh tật hay khỏe khoắn. Và sự lựa chọn đầy đau đớn bắt đầu. Trang phục nào sẽ thích hợp nhất với ngày hôm nay, từ thời tiết cho đến tâm trạng? Sau một vài lời tự thảo luận, quyết định được đưa ra. Nhưng rồi, bất thình lình, “cái bóng phản chiếu” để lộ một nhược điểm. Khốn kiếp! Lại phải xem xét, lựa chọn một lần nữa. Mọi thứ được cân nhắc cẩn thận trong sự cân bằng, cuối cùng là nhiệm vụ gian khổ được hoàn thành.
Và giờ đây nỗi thống khổ, sự đau đớn giày vò của người ái kỉ thực sự bắt đầu.
Anh ta soi xét những người mà anh ta gặp. Anh ta xem liệu họ chào hỏi hay phớt lờ mình, thân thiện hay không thân thiện, hài lòng hay thờ ơ với mình, v.v. Dù họ có lưu tâm đến anh ta, thì thầm sau lưng anh ta, phê bình anh ta, nhận xét về anh ta, hay làm anh ta vui vẻ hơn, anh ta cũng luôn soi xét họ.
Nếu mọi người cười mà không có sự tham gia của anh ta, nghĩa là anh ta đang bị cười. Hàng tá câu hỏi dằn vặt nảy lên trong tâm trí anh ta: “Phải chăng có điều gì đó không đúng với bộ quần áo của mình?” “Tại sao mọi người lại tò mò nhìn mình như vậy?” v.v.
Trong đau khổ, anh ta thậm chí chú ý đến cả thái độ của những người lạ: “Tại sao họ lại nhìn mình nghiêm trọng như thế?”
Trong một cơn bùng nổ bất ngờ, anh ta có thể gọi cho một người quen, đòi họ giải thích tại sao đã không chào hỏi anh ta, hay đó chỉ là vì bất cẩn?
Anh ta trải qua những cảm giác kì lạ khi mặc những bộ quần áo mới. Có gì khó khăn hơn là đi ra ngoài trong đôi giày mới? Anh ta cảm thấy mọi con mắt đổ dồn đến đôi giày của mình một cách kì lạ. Anh ta tự làm cho mình trở nên “vô lí” với đôi giày mới của mình. Mọi người chắc chắn nghĩ anh ta ngớ ngẩn hoặc là nô lệ của thời trang. Anh ta trải qua tất cả những cảm giác này với bất kì một trang phục mới nào. Cuối cùng, anh ta nảy sinh một nỗi sợ thay quần áo mới. Anh ta mặc quần áo cũ, đã hỏng và thậm chí sờn vải, và nghĩ như thế sẽ ít thu hút sự chú ý hơn.
Các công việc hàng ngày trở thành việc lớn với anh ta. Đi vào một cửa hàng để mua đồ, đi vào một nhà hát khi khán giả khác đã yên vị, hay nhìn xung quanh để tìm một chỗ ngồi trong nhà hàng, v.v... là những nhiệm vụ khó khăn và thường không thể. Anh ta muốn là người đầu tiên bước vào nhà hát hay trong buổi hòa nhạc, anh ta đến nơi khi hội trường vẫn còn trống. Việc lựa chọn chỗ ngồi lại khiến anh ta lo lắng. Một người ái kỉ sẽ thích ngồi một mình trong một căn phòng, hoặc ngồi ở hàng ghế đầu nếu anh ta không sợ bị “nhìn ngó” – song đó cũng chính là điều anh ta mong đợi. Anh ta che giấu bản thân trong một vị trí ngồi kín đáo và khiêm tốn. Nhưng chính anh ta không thích thú vì anh ta luôn bị thôi thúc phải quan sát và phân tích người khác.
Người ái kỉ là nô lệ của dư luận. Bằng bất cứ giá nào, anh ta sẽ không làm điều gì hoàn toàn cá nhân. Một cái lắc đầu nhẹ nhàng, nếu không anh ta sợ sẽ trở thành chủ đề bình luận của công chúng. Anh ta muốn mua thiện chí, đón nhận sự ủng hộ của mọi người, muốn được cả thế giới yêu mến và ngưỡng mộ. Anh ta không tiếc để có được sự chấp thuận của những người xung quanh. Anh ta có bộ dạng là một người luôn luôn tử tế, khiêm nhường và hay giúp đỡ người khác. Chúng ta vẫn thường gặp kiểu người này. Anh ta đưa ra những lời khuyên rất bao dung để được đánh giá cao. Thực tế là anh ta thích tặng quà và sợ những thứ tầm thường, như những suy nghĩ bần tiện chẳng hạn.
Đến lúc anh ta trở thành kẻ vô dụng đối với xã hội. Một nhiệm vụ tầm thường, một bài phát biểu, một lễ đính hôn, bất kì sự hiện diện nào trước đám đông đều giải phóng toàn bộ những ý nghĩ e sợ của anh. Nếu trở thành một nghệ sĩ, anh ta sợ phải xuất hiện trước công chúng. Anh ta làm việc với tư cách là một giáo viên. Nếu anh ta vượt qua nỗi sợ xuất hiện trước công chúng, anh lại trở thành nô lệ cho các nhà phê bình. Một lời chỉ trích gay gắt mang đến cho anh sự tuyệt vọng. Một lời bình luận tốt đẹp tạm nâng anh ta lên trên mọi khó khăn.
Đằng sau một tâm hồn vị kỉ khổ đau...
Nếu chúng ta truy tìm nguyên nhân của chứng ái kỉ, chúng ta sẽ thấy đó là do sự khiếm khuyến của phương pháp giáo dục trong thời thơ ấu. Đứa trẻ được “dạy” phải đánh giá cao môi trường xung quanh chúng, những mầm mống bệnh tật được và cấy ghép vào chúng từ đó. Có quá nhiều cha mẹ có thói quen bảo đứa trẻ hãy chú ý đến việc mọi người đang nhìn nó, quan sát nó, hay đang cười nó. Khi một đứa trẻ mặc một bộ đồ mới, cha mẹ nói với chúng rằng tất cả mọi người đang nhìn nó và ngưỡng mộ nó. Và như thế, một đứa trẻ tưởng nó thực sự là trung tâm trong thế giới nhỏ bé của nó. Chúng ta nâng giá trị của thế giới, của môi trường xung quanh lên quá cao. Chúng ta phấn đấu để được công nhận, để có danh tiếng, có danh dự... Tất cả những tâm lí đó đã bắt đầu từ những tháng năm thơ ấu.
Chúng ta nên làm điều ngược lại.
Sự khiêm tốn và nhận biết đúng về bản thân nên được nuôi dưỡng trong đứa trẻ.
Hạnh phúc nằm bên trong, nó đến từ cảm giác hoàn thành nhiệm vụ của mình, đến từ những niềm vui giản dị của cuộc sống, từ công việc và sự đón nhận thành quả, chứ không nằm ở “cái nhìn” và sự đánh giá bên ngoài.
Hãy dạy trẻ cách tự lập, tránh sa đà vào những việc làm vô nghĩa. Hãy chỉ cho trẻ cách kiềm chế tham vọng của mình.
Tất cả cái dư thừa sẽ trở thành tật xấu
Bạn biết không, một tấm gương là một điều nguy hiểm cho những tâm hồn rỗng tuếch không thể sống thiếu nó. Khi đó, mọi thứ đều là cái bóng với chúng ta. Thế giới như một nhà kính, phản chiếu hình ảnh của chúng ta từ mọi điểm. Chúng ta không nhận ra rằng, đằng sau những tấm gương là một thế giới khác. Bước tiếp theo, khi chúng ta đi quá xa và vượt ra khỏi chứng ái kỉ này, chính là điên loạn. Đó là lúc chúng ta đánh mất chính mình.
Một “tấm gương”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, có những công dụng của riêng nó. Đôi khi chúng ta cần quan sát chính mình trong cái bóng của thân thể và tâm hồn, để nhận ra những thiếu sót của bản thân, đối diện với chúng và thay đổi chính mình.
Hãy mạnh mẽ và cất bước đi.
Hãy tin tưởng và không ngừng vươn tới.
Mở cửa trái tim và tìm thấy MẶT TRỜI.