Nhìn nhận bằng tri kiến của bản thân, dù tốt hay xấu đều gây ra một sự tổn thương nào đó
Cuộc đời thiên biến vạn biến, hôm nay thế này ngày mai thế khác, hôm nay còn mới ngày mai đã cũ
Các ý nghĩ giống như các đồng tiền có giá trị trao đổi nhất định theo những luật lệ thành văn và bất thành văn. Một số đồng tiền xu mất đi vẻ đẹp và bẩn thỉu, đến mức không ai có thể ngờ rằng chúng đã từng lấp lánh như miếng vàng sáng chói. Những đồng tiền khác còn tỏa sáng đến ngày nay, sau một ngàn năm và một nhân vật uy nghi tự hào tuyên bố nguồn gốc của nó. Thậm chí có thể nói các ý nghĩ giống như chứng khoán, được định giá cao hôm nay và có thể không còn giá trị vào ngày mai. Hôm nay chúng hứa hẹn sự giàu có và danh tiếng của người sở hữu, ngày hôm sau là một tinh thần sụp đổ. Anh ta bần cùng, và bị bỏ lại với một mảnh giấy vô giá trị…
Than ôi! Vẫn chưa có tiêu chuẩn nào để đo lường giá trị của các ý nghĩ. Chúng ta không chần chừ dựng lên một tiêu chuẩn để đánh giá những suy nghĩ của riêng mình. Chúng ta xuôi theo dòng nước của quan niệm đương thời. Hiếm khi chúng ta đứng về phía thiểu số, và rất hiếm khi tự tạo ra thang đo để đánh giá vấn đề một cách độc lập. Thật kì lạ! Cuối cùng, xung đột của tâm trí hoàn toàn xoay quanh các ý nghĩ và đánh giá dành cho chúng. Những gì các thiên tài – những người mở đường của nhân loại – làm được chính là truyền bá một ý niệm bị bỏ qua, thậm chí chưa được biết đến. Họ làm cho chúng được chấp nhận, hoặc tạo ra những ý niệm cho đến nay vẫn được coi trọng trên thế giới và rất khó lật đổ.
Việc đánh giá các ý nghĩ cũng giống như mọi thứ khác trong cuộc sống, nó chạy theo một con đường vòng quanh. Điểm bắt đầu cũng là điểm kết thúc. Không chỉ thiên tài, mà những kẻ ngốc cũng vứt bỏ những điều được trân trọng thời xưa. Chúng ta coi trọng thái quá những ý niệm mà mình đã nghĩ ra.
Chúng ta đánh giá quá cao suy nghĩ của chính mình
Sự hình thành và cơ chế của định kiến
Nhà tâm thần học Wernicke41 trong một khoảnh khắc hạnh phúc, đã nói vắn tắt ngắn gọn về điều này, nhưng nó cho thấy nhiều điều hơn một định nghĩa dài dòng luẩn quẩn.
Đã thành thói quen, cứ khi nào nói về những người mắc một chứng tâm thần kì lạ mà các nhà trị liệu gọi là “chứng hoang tưởng42”, những ý tưởng cố hữu của người bệnh sẽ được nhắc đến. Người ngoài nghề hẳn biết rõ nhưng lại hiểu rất ít về nó ít. Một ý niệm cố hữu là một ảo tưởng mà cả những kinh nghiệm lẫn lí luận đều không thể lay chuyển được. Ngày nay chúng ta đã thâm nhập sâu hơn vào các ảo tưởng. Chúng ta biết rằng những ý tưởng khác nhau rất nhiều. Một số thiếu năng lượng và không màu, đến và đi như những cái bóng lờ mờ. Một số khác bằng xương bằng thịt và sáng lấp lánh trong màu sắc rực rỡ. Rất lâu sau khi chúng biến mất, hình ảnh của chúng vẫn rung động tâm hồn chúng ta, nhẹ nhàng cho đến tàn dần.
41 Carl Wernicke (1848 - 1905) là một bác sĩ, nhà giải phẫu học, bác sĩ tâm thần người Đức. Ông được biết đến với nghiên cứu các tác động bệnh lí của các dạng bệnh về não và nghiên cứu về chứng mất ngôn ngữ tiếp nhận.
42 Chứng hoang tưởng (paranoia): Một tình trạng tâm thần đặc trưng bởi ảo tưởng về sự bắt bớ, ghen tuông không đáng có hoặc sự tự trọng quá mức, thường được xây dựng thành một hệ thống có tổ chức. Nó có thể là một khía cạnh của rối loạn nhân cách mãn tính, lạm dụng thuốc hoặc tâm thần phân liệt trong đó người bệnh mất liên hệ với thực tế (ND).
Lời giải thích cho hiện tượng này rất đơn giản.
Sự tập trung của chúng ta phụ thuộc vào cảm xúc của chúng ta
Suy nghĩ mờ nhạt thường vô vị và không có điểm nhấn. Những ý nghĩ có sinh khí và màu sắc được làm phong phú bằng những cảm xúc, hoặc là vui vẻ hoặc là buồn đau.
Như một quy luật, các ý nghĩ liên tục xung đột với nhau. Bản năng dâng lên từ đáy sâu, mặc cảm từ trên cao sà xuống do kích thích từ bên trong và bên ngoài. Giữa chúng, biển suy nghĩ chuyển động lên xuống. Cùng lúc đó, một ý nghĩ khác trồi lên bề mặt như tấm gương của ý thức. Đột nhiên một suy nghĩ vẫn ở trên đỉnh cao và trở nên bất động, cũng giống như một cái phao neo sâu xuống đáy biển. Đây là “ý niệm cố hữu” theo cách gọi của các nhà văn lớn tuổi và “định kiến43” theo cách gọi của các nhà tâm lí học hiện đại.
43 Định kiến (overvalued ideas) là một loại rối loạn nội dung tư duy, gần giống với hoang tưởng (delusions). Định kiến là là các tin tưởng dai dẳng bất thường và vô lí vượt quá giới hạn của mọi lí lẽ thông thường (ND).
Ý nghĩ này thực sự được neo chặt tận sâu thẳm. Ở dưới cùng của vô thức ẩn chứa những phức cảm “vĩ đại”, truyền tín tức đến chúng ta dưới dạng các suy nghĩ khác nhau. Một định kiến neo trong một phức cảm “dồn nén tất cả các phức cảm khác”. Nó đi kèm hoặc có một ảnh hưởng mạnh mẽ, có thể tước bỏ ảnh hưởng của những ý nghĩ khác.
Một ví dụ rất cũ (nếu người ta cho là vậy) về chứng tâm thần sinh lí, đó là tình trạng “đang yêu”.
Một bác sĩ tâm thần người Đức đã chịu những cơn đau cùng cực để bóc trần sự thật rằng một người đang yêu là một người điên. Ông gọi tình yêu là “rối loạn hoang tưởng sinh lí” (physiological paranoia). Nhưng, thật không may, ông không phân biệt được giữa yêu thương và “đang yêu” (being in love). Chỉ nhờ có sự phân biệt này mà chúng ta mới có thể định nghĩa chính xác một định kiến. Giống như một ví dụ trong sách giáo khoa. Tình yêu là một ý niệm có giá trị được thừa nhận phổ biến rộng khắp. Chúng ta yêu cha mẹ, giáo viên, đất nước, nghệ thuật, bạn bè, v.v.
Nhưng “đang yêu” lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Về chuyện này, hoàn cảnh không chấp nhận việc đánh giá quá cao cảm xúc. Nên tình yêu trở thành một định kiến. Tranh cãi với một người đang yêu về lẽ thường, tôn giáo, giáo dục, địa vị, hay chính trị sẽ không tác động được đến anh ta. Anh ta bị chi phối bởi phức cảm tình yêu. Chỉ tình yêu mới thấy được sự cộng hưởng trong những suy nghĩ và cảm xúc của anh ta. Sự hấp dẫn trước một đối tượng được chọn đã thu hút tất cả những ảnh hưởng khác đến sự cộng hưởng này. Nó đặt tất cả các xung lực vào vị trí phục vụ cho một định kiến. Anh ta yêu cuộc sống nhưng chỉ khi anh ta ở cùng với người mình yêu. Anh ta ghen tuông, chỉ khi liên quan đến người yêu dấu. Anh ta chỉ quan tâm đến những vấn đề liên quan đến người đó.
Một kẻ ngốc nghếch đang bị một định kiến chi phối cũng hành động chính xác theo cách như trên. Người điên tự tưởng tượng mình là vua của thế giới. Ở anh ta có một mong muốn từ thời thơ ấu bám giữ quá sâu, và giờ đây trở thành một thực tế trong ý thức của anh. Nên anh ta chỉ quan tâm những thứ dẫn lối đến mong muốn này. Nạn nhân của những suy nghĩ bị bức hại phát hiện ra trong các mục tin tức trên báo hàng ngày, có thông điệp quan trọng hé lộ kẻ thù của anh đang đặt bẫy anh. Những gã trai trẻ si tình bất hạnh tưởng tượng công chúa X trao tay cho anh trong đám cưới. Gã thấy thông điệp bí mật đó trong tất cả các quảng cáo về những quý cô khát tình.
Những kẻ ngốc tội nghiệp này mang định kiến vào mọi thứ họ nhìn thấy và mọi thứ họ cảm nhận. Nó phóng chiếu ra bên ngoài dưới dạng ảo giác. Nó văng vẳng bên tai họ như tiếng vọng linh hồn và che mắt họ như ảo ảnh.
Một người đang yêu về cơ bản sẽ hành động như thế. Đó là lí do tại sao thế giới nói một người đang yêu tự khiến mình trở nên lố bịch. Một chiếc khăn mùi xoa hoặc một chiếc găng tay, hay bất cứ thứ gì thuộc về người yêu trở thành một kỉ vật có thể gợi lên những cảm xúc ngây ngất nhất. Bất cứ điều gì có thể liên quan đến tình yêu đều được đánh giá cao.
Tác động xã hội của định kiến
Phải chăng tình yêu, trong tình trạng được gọi là “đang yêu”, là định kiến duy nhất làm người ta đau đớn? Liệu còn hình thức nào khác của “chứng mất trí sinh lí” (physiological insanity)44này không?
44 Thuật ngữ do Lower đặt ra, sau đó được Moebius mô phỏng.
Câu trả lời cho những câu hỏi này không khó. Nhìn về quá khứ cho chúng ta thấy những gì là định kiến xấu xa không thể nói ra được hình thành trong lịch sử nhân loại. Vì những định kiến là nguồn gốc của những mối nguy hiểm to lớn. Chúng thấm đẫm cảm xúc, do đó dễ gây ra ám thị hơn bất kì loại ý nghĩ nào khác. Bleuler đã chứng minh rằng ám thị chỉ là việc chuyển dịch một cảm xúc. Và những định kiến như vậy có thể ám thị vô số người. Nó biến một cá nhân, và thậm chí cả cộng đồng, thành kẻ ngốc. Những kẻ tâm thần của dân tộc xuất hiện như thế. Một người sẽ hiểu định kiến có sức mạnh to lớn ra sao khi nhìn vào những cuộc thập tự chinh, những cuộc khai trừ thuật phù thủy, dịch bệnh cuồng loạn, câu chuyện Dreyfus45, chủ nghĩa vô chính phủ, v.v.
45 Vụ án Dreyfus là một vụ bê bối đã làm chấn động nước Pháp vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi một đại úy pháo binh gốc Do Thái trong quân đội Pháp, Alfred Dreyfus (1859 - 1935), bị kết án oan tội giao nộp bí mật quân sự của Pháp cho Đức.
Một thực tế đáng buồn là không ai trong chúng ta có thể thoát ra khỏi những định kiến. Theo nghĩa này, thực sự không có sự khác biệt giữa kẻ khờ khạo và người lành mạnh. Tất cả chúng ta đều ẩn trong mình một chút loạn thần kinh và tâm thần. Điều cứu chúng ta khỏi bệnh viện tâm thần có lẽ chỉ là hoàn cảnh chúng ta đang che giấu những định kiến của mình. Hoặc rất nhiều người có ý nghĩ điên rồ như chúng ta nhưng lại coi nó như sự khôn ngoan.
Có vô số cách ngôn, những kết tinh của hàng ngàn năm kinh nghiệm thể hiện sự thật này.
“Ai cũng có vết nứt nhỏ, cái xấu xa và cái vụn vỡ của mình.” (Trong tiếng Đức, mỗi định kiến như một mảnh vụn trong não). Một ẩn dụ tuyệt vời!
“Bạn không thể đặt tên cho một người khôn ngoan không phạm phải sai lầm nào.”
Người đọc sẽ tìm thấy tài liệu phong phú về chủ đề này trong cuốn sách của Tiến sĩ Moenkenmoller về Bệnh tâm thần và khiếm khuyết tinh thần trong thơ ca trào phúng, tục ngữ, và truyện cười, xuất bản năm 1907.
Nói cách khác:
Chúng ta đều có những đánh giá chủ quan và những suy nghĩ sai lầm. Chúng ta đều có những định kiến
Những bộc óc vĩ đại mong muốn thay đổi những định kiến này. Cả đời Nietzsche là một cuộc đấu tranh với những định kiến trong mình. Trong khi quán dẫn sâu vào cuộc chiến, bản thân ông trở thành nạn nhân của một định kiến, và con người siêu việt trong ông sẽ mãi mãi là một huyền thoại văn học.
Không lĩnh vực nào dồi dào những định kiến như trong phép tắc đạo đức. Mọi tiến bộ đã được tạo ra do các xung lực tự nhiên ước chế. Toàn bộ nền giáo dục của chúng ta, nói theo nghĩa đen, cốt để khiến các bản năng và xung lực của chúng ta thành cấm đoán. Toàn bộ các ước chế này chúng ta gọi là đạo đức - phẩm hạnh. Tiến bộ chính là thu được niềm vui từ sự ước chế. Tiến bộ là chuyển đổi tâm trạng không hài lòng vì bị ước chế thành niềm vui đạo đức. Phấn đấu cho mục tiêu tiến bộ này dẫn đến một loại gánh nặng đạo đức.
Một người có cơ hội nghiên cứu người rối loạn thần kinh chức năng sẽ ngạc nhiên trước nhiều cơn đau có ý thức mà họ phải gánh chịu, do sự thiếu hiểu biết của họ về bản chất con người. Những cơn đau phập phồng dưới gánh nặng đạo đức như một định kiến. Họ có nguy cơ ngạt thở dưới gánh nặng này. Một nguyên tắc xử thế giả trá và ngụy biện đã xoay chuyển ánh nhìn của chúng ta sang những gì cấu thành lên sự điên loạn, bằng cách lan truyền một quan niệm không lành mạnh về tâm tính bẩm sinh của chúng ta (bản năng).
Hậu quả quá hiển nhiên. Một mặt, chúng ta nhìn thấy một sự hưởng thụ trong phù phiếm, lạc thú; những kích thích nhẹ nhàng, vui vẻ; một trò đùa khiếm nhã xâm nhập vào cuộc sống và nghệ thuật là bằng chứng của sự ước chế. Mặt khác, sự lan tràn của văn học tính dục, khoa học và giả khoa học, như một phản ứng trước sự ước chế. Bởi các nguyên tắc xử thế đã trở thành một định kiến.
Ở đây, tôi không muốn gây ra hiểu lầm. Đạo đức - phẩm hạnh sẽ luôn luôn là mục tiêu của các tâm hồn cao quý, khi nó hài hoà với bản chất của con người. Nếu nó gây tổn hại bản chất tự nhiên thì nó không phải là tự do mà là những gánh nặng.
Nhưng đạo đức không phải là định kiến duy nhất biến một nửa nhân loại thành kẻ ngốc. Nếu chúng ta quan sát sự hỗn loạn của đời sống xã hội hiện đại, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy bằng chứng về các tranh chấp bất tận, những xung đột khó chịu gây ra bởi định kiến ở khắp mọi nơi. Các nhà khoa học có thể chứng minh rằng lí thuyết về chủng tộc không còn đứng vững được nữa. Sự thuần khiết được thừa nhận của chủng tộc chỉ là một truyền thuyết, v.v. Trong các mối bất hòa chủng tộc, tôn giáo, quốc gia và các xích mích khác, một định kiến không thể tiến đến một cuộc tiến hóa hòa hợp. Quả thật, cả thế giới là một bệnh viện tâm thần. Bởi cái yếu tố căn cốt trong các ảo tưởng là định kiến tràn ngập trong không khí như con vi trùng xâm nhiễm tâm hồn.
Liệu thế giới sẽ tốt đẹp hơn? Một cuộc xung đột ý nghĩ sẽ tiếp tục chừng nào còn có những mối bất đồng trong con người. Những ý nghĩ khuấy động chiến tranh sinh tồn. Chừng nào chúng có ưu thế kiểm soát, chúng vẫn biến những người đáng tin cậy thành những đứa trẻ ngu ngốc. Kẻ dại dột lẫn người trí tuệ sẽ dẫn dắt điệu nhảy không bao giờ kết thúc cho đến khi cánh cửa tối tăm của tương lai nuốt chửng họ.
Cuộc đời thiên biến vạn biến, hôm nay thế này ngày mai thế khác, hôm nay còn mới ngày mai đã cũ
Nhìn nhận mọi thứ bằng tri kiến của bản thân, dù tốt hay xấu đều gây ra một sự tổn thương, một chấn thương nào đó. Vậy nên, từ bỏ định kiến, từ bỏ tâm phán xét là bước đầu tiên để ta trút bỏ những gánh nặng, xoa dịu những cơn đau phập phồng trong tâm trí.
Sớm thôi chúng ta sẽ chạm đến được mặt trời, sáng rỡ và an nhiên.