Đừng để tâm trạng kiểm soát mình
Chỉ người nào biết rõ mình, người nào không sợ hãi, dám nhìn thẳng vào nơi sâu thẳm khủng khiếp của vô thức mới có tự do đích thực
Một ngày hè tuyệt đẹp, khu nghĩa địa nằm mơ màng trong bầu không khí oi bức. Vạn vật dường như đều muốn bắt chước giấc ngủ của những người được chôn cất trong lòng mẹ Trái Đất. Đột nhiên có một âm thanh ken két trên lớp sỏi mịn. Một chàng trai có đôi má hồng, mái tóc xoăn đen nhảy qua hàng rào và gò đất để đuổi theo một con bướm vàng…
Những hình ảnh kì lạ hiện ra trước mắt tôi như những dấu hỏi lớn trong không khí run rẩy. Những cảnh tượng từ ảo ảnh xa xôi của tuổi trẻ xuất hiện trong tâm trí tôi. Giống như một dòng nước đang chảy bị cản lại, cảm xúc của tôi từ vô thức tràn vào ý thức. Tôi bị ước chế bởi một khát khao từ lâu. Chẳng phải tim tôi đập nhanh hơn sao? Chẳng phải có một niềm vui hoang dại trong sự u sầu đè nén tôi sao?
Thật kì lạ! Cách đây một thời gian, tôi nằm trên đống cỏ cao, chìm vào những ý nghĩ vui vẻ, thích thú. Chẳng ồn ào, chẳng gấp rút. Và giờ tôi hào hứng, thao thức, bối rối và buồn bã, nhưng không phải là không hạnh phúc. Tâm trạng của tôi đã trải qua sự thay đổi hoàn toàn. Điều gì đã mang lại sự biến đổi này? Chắc chắn, chỉ có sự xuất hiện của cậu bé vui tươi đang cố gắng bắt một con bướm với chiếc vợt màu xanh lá cây của mình. Tại sao cảnh này lại kích động tôi đến vậy? Chắc hẳn đã có một quá trình suy nghĩ được thiết lập trong đầu tôi mà tôi không ý thức được. Một sức mạnh bí mật làm quay các bánh xe cảm xúc, đã kích hoạt một động cơ bí ẩn bị ước chế từ lâu.
Dần dần những suy nghĩ trong bóng tối được mang ra ánh sáng của nhận thức. Đối với tôi, cậu bé tượng trưng cho cuộc đời tôi. Một tiếng vang từ tuổi trẻ xa xăm. Và nghĩa trang ngủ yên, tương lai không thể tránh khỏi của tôi. Trái tim tôi cũng là một nghĩa trang. Vô số những hi vọng bị chôn vùi, bị giết chết quá sớm. Những chồi non không nở, những khao khát bị dày vò đến chết. Những ước muốn chưa được hoàn thành nằm chôn vùi nơi đây. Không có thánh giá nào có thể khiến chúng hiện diện. Và trên tất cả những khả năng đã chết này, tôi cũng đang đuổi theo một con bướm vàng. Khi tôi bắt nó trong cái lưới của mình, tôi nắm lấy nó bằng đôi tay nặng nề thô lỗ. Tôi chạm vào lớp phấn mỏng manh trên đôi cánh của nó. Tôi lao theo bóng sáng mờ dần còn sót lại giữa những nấm mồ. Hoặc nó được để vào một chiếc hộp, hoặc được đâm xuyên qua bằng cái kim nhỏ có tên là “ấn tượng”. Nó góp thêm vào bộ sưu tập “kỉ niệm” những con bướm đã chết. Nó thực sự là một ý nghĩ “vô thức”, rồi điều đó đã biến đổi tâm trạng của tôi. Và sự thật trở nên sáng tỏ trong tôi.
Vì sao chúng ta hay rơi vào tâm trạng thất thường
Tất cả tâm trạng “không thể hiểu được” của chúng ta là hợp lí, tất cả chúng phải có một động lực tinh thần bí mật. Người hay-tâm-trạng là những người mà mọi thứ suy nghĩ, cảm xúc không theo trật tự. Ý thức của họ chia thành nhiều phức cảm. Một phức cảm vô thức giống như một tâm trạng lồng trong một tâm trạng. Một quyền lực tối cao, quá kìm nén, quá yếu đuối và bị trói buộc quá mức, nó có thể tiến vào ý thức mà không bị lộ diện. Nhưng nó đủ mạnh để ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân.
Những người hay-tâm-trạng có những ngày tốt đẹp và cũng có những ngày tồi tệ. Những ngày tồi tệ như những câu đố khó hiểu. Những người có đầu óc đơn giản nói về việc bị ám bởi ma quỷ. Nhà thơ “nâng” những nỗi đau của mình lên những tầng mây và chia sẻ nỗi đau đó với thế giới. Người đầu óc tầm thường đổ trách nhiệm lên “thiên nhiên”, thời tiết xấu, ông chủ, chồng, vợ, đầu bếp của họ, việc làm của họ, và mấy thứ linh tinh khác.
Khi bị mắc kẹt trong những tâm trạng không thể hiểu nổi, chúng ta dễ mắc bệnh và lo lắng. Giống như một người dũng cảm tự thấy mình bị đe dọa trong một khu rừng tối tăm, bởi một kẻ thù mà anh ta không thể nhìn thấy. Để tập trung sự can đảm, chúng ta lừa dối chính mình. Cũng như đứa trẻ ngập ngừng nói: “Làm ơn, làm ơn! Con rất ngoan. Ông ba bị sẽ không đến!” Nhưng ông ba bị chắc chắn sẽ đến. Bởi mọi thứ bị kìm nén đều có đặc điểm của một sự cưỡng bách tinh thần. Nếu chúng ta không muốn ông ta trở lại, chúng ta phải dũng cảm mở mắt để nhìn mọi thứ xung quanh bằng ánh mắt thấu hiểu. Ông ba bị chẳng là gì ngoài một cái bóng của những cảm giác lo lắng. Ông ta không tồn tại và chưa từng tồn tại. Ông ba bị không thể chịu được lâu cái nhìn xuyên thấu này. Dưới ánh sáng của thấu hiểu, ông ta từ từ hòa tan và biến mất mãi mãi.
Những chu kì của tâm trạng
Các nhà tâm lí học hiện đại đã chỉ ra mối quan hệ giữa tâm trạng không có chủ ý và tính chu kì của những hiện tượng nhất định của cuộc sống. Một thực tế là tất cả chúng ta đều chịu những ảnh hưởng mang tính định kì. Chúng ta phần nào biết, và cũng phần nào không biết về những ảnh hưởng này. Chỉ riêng chu kì tâm trạng này cũng đã là lí do đầy đủ cho các cơn trầm cảm. Giống như một hòn đá ném vào vũng nước, sẽ xuất hiện những gợn sóng tròn lan rộng và yếu dần, cho đến khi chúng biến mất với những gợn nhẹ trên bề mặt. Một ấn tượng mạnh mẽ cũng chạy bên trong chúng ta theo cách đó, tạo ra những vòng tròn rộng hơn nhưng yếu dần. Chỉ khi có một quả mìn được ném xuống thì nước mới bắn lên, bùn bay lên cao và mặt nước vẩn đục. Những quả mìn này là những phức cảm vô thức bị tách ra, những luồng suy nghĩ ngầm ẩn vốn bình thường không hoạt động, nay được kích hoạt.
Nhưng ẩn dụ thế là đủ rồi! Chúng ta hãy lấy một ví dụ từ cuộc sống hàng ngày của mình.
Một người phụ nữ bị trầm cảm thường xuyên không thể hiểu nổi. Cô ấy có mọi thứ mà một trái tim con trẻ có thể mong muốn. Và cô ấy không phải là một đứa trẻ hư hỏng. Trước khi làm quen với người chồng, cô ấy là một thợ may nghèo. Bây giờ cô sống trong một tòa nhà tráng lệ, mặc quần áo đắt tiền, có người hầu kẻ hạ khắp nhà. Cô trang điểm bằng những chiếc đăng ten tốt nhất. Chồng cô diện cho cô như một con búp bê, âu yếm và chiều chuộng cô. Anh yêu thương cô, anh tôn thờ cô. Nhưng người phụ nữ này ghen tị với các cộng sự của mình khi cô bên cạnh họ trong chiếc ô tô lộng lẫy. Có những ngày cô đã khóc trong nhiều giờ. Dự đoán đầu tiên của chúng ta là cô ấy không yêu chồng mình. Không! Không phải như vậy! Cô ấy yêu chồng mình, cô hạnh phúc với sự giàu có và sung sướng như một đứa trẻ với đồ chơi của mình. Cô ấy không tìm được nguyên nhân nào cho sự u sầu đeo bám lấy cô.
Song sự thực là, bệnh trầm cảm của cô có nguồn gốc tâm thần. Chúng tôi xem xét cẩn thận những trải nghiệm và các kích thích đã dẫn đến những cơn trầm cảm này. Rõ ràng lần theo những con đường tăm tối dưới bề mặt ý thức thì tất cả đều dẫn đến những ham muốn bí mật (bị ước chế). Lần gần đây nhất rất vặt vãnh. Cô đã thấy một người phụ nữ nghèo đi ngang qua cô trên phố. Một mình? Không. Người phụ nữ đó đi cùng một người đàn ông trẻ. Họ rất hạnh phúc, vô tư lự, cánh tay họ âu yếm đan vào nhau. Vào một lần khác, cô đọc được tin một cặp tình nhân trầm mình tự tử. Tự sát là một chủ đề vượt ra ngoài tất cả những thứ khác, mà cô không thể chịu nổi khi nghe. Tại nhà hát, cô đã từng ngồi trong một khán phòng ở tầng ba. Đột nhiên cô nhìn xuống dàn nhạc và bị choáng ngợp với sự rùng rợn. Đó là một vực thẳm đang mở ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc ống nhòm xem kịch của cô ấy rơi xuống đó? Hoặc nếu cô ấy mất thăng bằng và ngã xuống thì sao? Một cái rùng mình lướt qua cô. Cô đặt chiếc ống nhòm sang một bên và trở nên chán nản.
Bí ẩn xung quanh nỗi u sầu của cô đã sớm được làm sáng tỏ. Chồng cô lớn hơn cô mười lăm tuổi, anh không thích ứng được với sự thất thường của cô. Trong âm thầm, cô khao khát một cuộc sống giàu cảm xúc, đầy tội lỗi và có lẽ cũng trụy lạc. Tự nhiên có lẽ đã định phần cho cô là một phụ nữ phóng đãng, chứ không phải một phụ nữ khép mình. Giai điệu quyến rũ vẫy gọi cô đến với đô thị. Cô thà đánh mất hơi thở của mình trong một điệu nhảy bất tận, trong vòng tay thô ráp ghì chặt, còn hơn là bình thản phóng xe xuống đại lộ trung tâm. Cô yêu chồng, nhưng đôi khi cô ghét anh ta. Anh ta là chướng ngại vật. Cô biết anh ghen tuông ghê gớm thế nào. Một lần anh ta rất ốm nặng. Ngay lúc đó một ý nghĩ xấu xa đã đi vào tâm trí cô. “Nếu anh ta chết bây giờ, mình sẽ giàu có và tự do!” Cô giật mình trong phút chốc. Cô thấy mình là một kẻ tội lỗi đáng sợ. Cuộc sống không còn hứng thú với cô nữa. Kể từ đó, cô rơi vào các cơn trầm cảm định kì.
Những gì đã xảy ra trong trường hợp này đều có một chút trong những người hay-tâm-trạng, do họ phải dồn nén mạnh mẽ. Một động cơ vô thức cho chứng trầm cảm luôn có thể được chứng minh. Hầu hết các trường hợp là sự hổ thẹn thầm kín gây ra sự thay đổi trong tâm trạng. Ở những người trẻ tuổi, chúng là hậu quả của các cảnh báo thái quá về việc không làm tổn hại sức khỏe của mình; về những tội lỗi đi ngược lại tôn giáo và phẩm hạnh - đạo đức; những quở trách vì quá dễ dàng đầu hàng trước xung lực thôi đẩy bản thân. Nhưng cũng ngược lại, nhiều cơn trầm cảm là biểu hiện của sự ân hận khi buộc phải trở nên khép mình và đức hạnh.
Một cô gái kêu gào dữ dội mà không có động cơ rõ ràng. Lần cuối cùng kéo dài nửa ngày. Tôi hỏi liệu cô ấy có tự kích động mình bằng cách nào đó không? Cô có lí do gì để cảm thấy phiền não không? Không! Cô có chắc không? Rồi cô kể: Thực ra có một vấn đề nhỏ “không đáng kể lắm” xảy ra với cô. Trên một cây cầu trong thành phố, một quý ông rất thanh lịch đã tiếp cận cô. Cô không cho phép anh ta đi cùng mình. Cô phẫn nộ đuổi anh ta đi. Anh ta nghĩ cô là gì chứ?! Nhưng người đàn ông đó vẫn kiên trì vai diễn của mình. Anh ta vẽ nên những bức tranh hẹn hò rực rỡ. Đến cuối cùng cô cũng can đảm để thốt lên: “Nếu anh không tránh xa tôi ra, tôi sẽ gọi cảnh sát!” Sau đó, mặt cô đỏ bừng, mồ hôi vã ra. Cô vội vã về nhà, ăn bữa ăn của cô trong im lặng và sau đó trút hết trong trận khóc không dừng.
Tôi phát hiện ra rằng trận khóc đầu tiên của cô xuất phát từ một biến cố tương tự. Cô ấy từ quê về nhà và phải đi vào ban đêm. Cô đề nghị người chỉ hủy tàu chỉ cho mình toa nữ đôi. Nhưng một trung úy hải quân tóc vàng cao ráo đi vào toa đôi của cô ở trạm kế tiếp. Thật kinh hoàng! Cô ngay lập tức phản đối mạnh mẽ sự vô lối này. Viên sĩ quan rất lịch sự đưa ra lời xin lỗi. Anh giải thích rằng chuyến tàu đã đầy và anh hài lòng với một góc khiêm tốn. Anh biết ơn cô vì sự tử tế của cô. Nhưng cô lo cho đức hạnh của mình nên cô không chấp nhận lời cầu xin của anh ta. Cô kêu người chỉ hủy tàu và đòi quyền lợi của mình. Viên sĩ quan bảnh bao phải rời khỏi khoang tàu, và cho đến hết đêm, cô không bị quấy rầy. Nhưng sự việc đã khiến cô lo lắng đến mức cô không thể ngủ được và cô tỉnh luôn đến sáng sớm. Ngày hôm sau, cô rơi vào cơn trầm cảm đầu tiên và khóc. Cô ca thán số phận tàn nhẫn của mình. Cô buộc phải có đạo đức trong khi tất cả những tiếng nói âm thầm trong cô la hét kêu đòi một cuộc sống vui vẻ. Cô thấy mình không đủ mạnh mẽ để vượt qua những giới cấm đạo đức của mình. Cô quá mềm yếu để phạm lỗi, cô cũng không đủ mạnh mẽ để thực sự đức hạnh.
Tôi có thể trích dẫn nhiều ví dụ như vậy. Không có cơn trầm cảm nào “không thể giải thích”. Ý thức không bao trùm tất cả các lực lượng tinh thần chi phối và chỉ đạo chúng ta. Dưới bề mặt của nó, còn một lực rất hùng mạnh là vô thức, nơi chứa chất những cảm xúc bị dồn nén.
Định kiến xã hội hay luân thường đạo lí phân loại con người thành những người tự do hoặc không. Nhưng trong thực tế, hầu hết con người là nô lệ của các phức cảm vô thức của mình.
Người nào biết rõ mình, dám nhìn thẳng vào nơi sâu thẳm của vô thức và đối diện với nó, người đó mới thực sự tự do
Hầu hết chúng ta đều chịu ách áp bức của “cái tôi khác” trong chính mình. Cái tôi này dùng chiếc roi da đay nghiến, khiến chúng ta đau khổ và vui sướng, buộc chúng ta phải rời khỏi sự sống bản nhiên và đưa chúng ta vào vòng tay của tội lỗi.
Người hay-tâm-trạng là nô lệ của quá khứ, bậc thầy buông xuôi và người thợ vụng về trong cuộc sống. Sự cứu rỗi duy nhất dành cho họ nằm trong việc tìm kiếm chân lí, hoặc biến những cơn trầm cảm của họ thành tác phẩm nghệ thuật. Hầu hết thời gian, họ lướt qua sự hỗn loạn của cuộc sống như những người mơ mộng. Đôi tai của họ hướng vào trong. Lời mời gọi từ cuộc sống trở nên mờ nhạt. Họ cứ mải đuổi theo những con bướm vàng trong nghĩa địa...
Thế nên ai cũng biết, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc sống là đạt được tự tại bên trong.
Suy nghĩ này vẫn được thể hiện trong một câu ngạn ngữ cổ:
“Ai cũng có tâm trạng của riêng mình, nhưng đừng để tâm trạng kiểm soát mình”