Khởi đầu là một nhà giáo, Flexner đã thu thập kiến thức về những đặc tính giúp ông phát hiện người đó có phải là thiên tài hay không. Cha của Flexner, ông Moritz, là một người bán nón, đã phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1873. Ông không bao giờ trở mình được sau cơn bão kinh tế đó, cả về mặt tài chính lẫn tinh thần và không thể chu cấp tiền bạc cho việc học hành của các con ông. Anh trai của Flexner, Jacob, có một tiệm bán thuốc tân dược đã hỗ trợ tiền học phí cho Flexner tại Đại học Johns Hopkins. Tại đây, Flexner bắt đầu suy nghĩ liệu người có trí thông minh bẩm sinh có cần được giáo dục để phát triển thành thiên tài hay không.
Mặc dù ông muốn tiếp tục học tại Hopkins sau đại học, nhưng ông không được cấp học bổng và cũng không có đủ tiền đóng học phí, vì thế ông đã quay về thị trấn của ông ở Louisville, bang Kentucky. Ở đó, ông đi dạy và sau đó thành lập một trường dự bị đại học. Cũng giống như anh trai Jacob đã hỗ trợ học phí cho ông, Flexner lại trả học phí cho em trai Simon, người sau này trở thành một nhà nghiên cứu bệnh học nổi tiếng thế giới, và giúp đỡ tài chính cho em gái Mary học tại trường Bryn Mawr.
Tại trường dự bị Louisville, Flexner phát hiện ra rằng đe dọa và ép buộc không khuyến khích được gì nhiều cho sinh viên. Mức độ thông minh của họ không thay đổi gì cả. Ông tin rằng nếu sinh viên được tự do làm việc họ thích, họ có thể tự học, bởi vì đối với họ, thông tin quan trọng hơn điểm số.
Flexner thay đổi cách hoạt động trong lớp học của mình – “không quy tắc, không kiểm tra, không thành tích, và không nộp báo cáo”(1). Sinh viên bắt đầu ra về trễ hơn và đến học thêm vào cuối tuần. Khi sinh viên vượt qua được kỳ thi vào đại học, ông thấy phương pháp của mình đã có hiệu quả.
Flexner đã khuyến khích sinh viên nộp đơn vào các truờng đại học danh tiếng của Mỹ, gọi là Ivy League. Niềm đam mê mãnh liệt đối với giáo dục của ông còn nhiều thứ phải bàn cãi, nhưng quyết định để sinh viên tự quản lý việc học của họ và tập trung vào học tập hơn là kiểm tra đã tạo ra sự khác biệt lớn.
Ông nóng lòng muốn cải cách giáo dục bằng những ý tưởng của mình, nhưng ông quyết định ở lại Louisville để giúp đỡ gia đình. Có lẽ Flexner đã trói cuộc đời mình tại thị trấn đó và IAS cũng sẽ không tồn tại, nếu không có vợ ông, bà Anne Crawford. Khi đang tham gia một trại sáng tác văn chương dành cho phụ nữ, Anne đọc câu chuyện về Alice Rice, một góa phụ nghèo nhưng có tính cách vui vẻ đã chăm lo gia đình trong lúc hoạn nạn. Anne đã chuyển quyển sách này thành vở kịch mang tên Mrs.Wiggs and the Cabbage Patch, được dàn dựng trên sân khấu Broadway năm 1904, và sau đó trở thành một bộ phim nhiều tập. Anne kiếm được 15 ngàn đô-la Mỹ trong năm đầu tiên vở kịch được biểu diễn, gần như là một gia tài vào thời đó.
Ở tuổi ba mươi chín, cuối cùng Flexner cũng có thể giới thiệu kế hoạch cải cách giáo dục của mình cho bậc đại học và sau đại học trên toàn nước Mỹ. Ông bán trường dự bị đại học của mình và cùng vợ, con gái Jean đến Cambridge, bang Massachusetts, nơi ông hoàn tất chương trình cao học tại Đại học Harvard. Sau đó, gia đình ông bỏ ra hai năm đi thăm các trường đại học ở châu Âu. Bất cứ nơi nào họ đến, danh tiếng của Anne với tư cách là một nhà soạn kịch và sự dễ mến của bà đã mở ra nhiều cơ hội cho Flexner mà nếu không có bà Flexner, ông không thể tiếp cận được. Ông đã gặp nhiều tác giả và tư tưởng xuất sắc nhất tại Mỹ và châu Âu thông qua Anne.
Flexner và gia đình hướng về Berlin, cái nôi của các hoạt động khoa học trên thế giới thời bấy giờ. Giáo dục tại Đại học Berlin được đánh giá là có chất lượng cao nhất. Ông tham dự các bài giảng của nhiều nhà khoa học nổi tiếng, những người đã truyền cảm hứng để ông xây dựng nên những đặc tính của người thông minh, thứ đã đi theo ông trong suốt sự nghiệp của mình. Ông ngưỡng mộ Carl Stumpf, nhà tâm lý học hàng đầu người Đức, người có thể biến những chủ đề phức tạp nhất trở nên rõ ràng và cuốn hút. Nhà khoa học đạt giải Nobel Ernest Rutherford từng nói: “Làm sao mà có thể giải thích những định luật vật lý cho một cô hầu rượu hiểu được là tốt nhất”(2).
Một giáo sư người Đức tại Berlin, nhà xã hội học xuất sắc Georg Simmel có một bộ óc không bao giờ biết ngừng nghỉ, tư duy từ chủ đề này sang chủ đề khác. Mỗi chủ đề ông đề cập giúp cho Flexner “mở mắt” thấy được muôn vàn cơ hội trước mắt. Flexner kết luận rằng người thông minh biết mình đang đứng đúng vị trí khi công việc đang làm trở thành một trò chơi. Đối với Flexner, những đặc tính chung của các thiên tài bao gồm một bộ óc chặt chẽ nhưng linh hoạt, có thể biến điều phức tạp trở nên dễ hiểu và mở ra những thế giới mới để khám phá.
Điều gì làm nên thiên tài?
Nhiều nhà khoa học xã hội đồng tình với Flexner rằng mãi đến khi thiên tài tìm được cách giáo dục đúng và môi trường đủ sức khuyến khích, thì trí thông minh đó mới tỏa sáng. Einstein, người đã trượt môn toán hồi trung học và hầu như không thể tốt nghiệp đại học, là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Cho đến tận những năm cuối của độ tuổi hai mươi, khi ông bắt đầu nghiên cứu vật lý lý thuyết ở trường Đại học Bern, ông mới tìm thấy một điều gì đó mê hoặc được mình và sau đó đánh thức trí thông minh bẩm sinh to lớn của ông.
Anders Ericsson, một nhà tâm lý học tại trường Đại học công lập Florida, đưa ra nguyên tắc Mười năm đối với các thiên tài: “Những đặc tính được cho là có được nhờ sự thông minh bẩm sinh thực chất là kết quả của sự rèn luyện miệt mài kéo dài ít nhất mười năm”(3). Ericsson cho rằng việc rèn luyện một cách tập trung và thận trọng trong một thời gian dài cho phép bộ óc có thể truy cập một cách tự động vào tiềm thức nằm sâu trong bộ nhớ, từ đó có thể sản sinh ra những hoạt động sáng tạo tuyệt vời.
Khi tôi nói chuyện với các thiên tài đang làm việc với mình về những khám phá lớn của họ, họ không bao giờ kể tôi nghe những khó khăn của thành tựu đó. Họ đều nói về niềm vui của công việc. George Scialabba đã viết một câu châm ngôn, vô tình phù hợp với Albert Einstein: “Sáng tạo là trí thông minh đang vui chơi”(4). Những thiên tài tôi biết đều thấy công việc là niềm vui. Điều đó đưa tôi đến kết luận rằng – một trí thông minh bẩm sinh và một người làm việc cần cù vẫn cần thêm một yếu tố nữa trước khi trở thành thiên tài – niềm vui từ bên trong bản thân đóng vai trò là chất xúc tác để giúp thiên tài tập trung thật sâu vào duy nhất một lĩnh vực, mười ngàn giờ theo cách đo phổ biến hiện nay. Cho dù chúng ta định nghĩa niềm vui đó là sự thoải mái, kích thích, hay ngạc nhiên thích thú, hay là gì đi nữa, mỗi thiên tài mà tôi đã gặp đều có chung một nét sắc sảo bên trong bộ óc của họ.
Thiên tài không giống những người bình thường
Chúng ta không thể giao tiếp tốt với các thiên tài, bởi vì họ suy nghĩ khác với chúng ta. Khi họ giải quyết vấn đề, sức mạnh tập trung khiến họ trở nên biệt lập với những người khác. Quy trình suy nghĩ của họ về cơ bản có tính cá nhân và độc đáo riêng. Thuyết phục một thiên tài nghĩ rằng họ cần phải thuộc về một nhóm nào đó là một trong những thách thức lớn nhất của người dẫn dắt ai đó thông minh hơn mình.
Hầu hết thiên tài đều thông thạo nhiều lĩnh vực bên cạnh lĩnh vực chính. Thiên tài được trời phú cho trí thông minh tổng quát xuất sắc, cho phép họ hiểu và thưởng thức nhiều chủ đề bên ngoài lĩnh vực mà họ thông thạo. Tôi đã từng quan sát những thiên tài nhảy liến thoắng từ chủ đề này sang chủ đề khác, xâu chuỗi nhiều hiện tượng mà hầu như tôi không tài nào theo kịp.
Tính tò mò bẩm sinh của những người thông minh có thể khiến họ bị ám ảnh. Họ sẽ hòa mình vào một vấn đề cho đến khi các giải pháp trở nên rõ ràng. Một thiên tài có thể phá tan màn sương bao phủ vấn đề phức tạp để nhìn thấy những điều mà người khác không thấy. Họ dường như nhìn thấy mọi thứ đều vừa vặn với nhau. Khả năng phá vỡ những quy luật và sự hiểu biết về cách vận hành của mọi việc trong những lĩnh vực khác giúp họ chuyển suy nghĩ thật nhanh để giải quyết những vấn đề khó khăn. Mặt trái của vấn đề chính là người thông minh có thể trở nên xao nhãng bởi bất kỳ ý tuởng nào xuất hiện trong nhận thức của họ.
Hầu hết thiên tài đều có những sở thích trở thành niềm đam mê. Họ tìm cách tinh thông một sở thích giống như cách họ tinh thông những lĩnh vực nghiên cứu của mình. Einstein là bậc thầy về âm nhạc của Mozart, đánh giá cao sự phức tạp và liền mạch quý báu trong âm nhạc của ông ấy; Napoleon đam mê đánh cờ; Marie Curie là một vận động viên xe đạp đường trường, thường hay suy nghĩ về những vấn đề trong phòng thí nghiệm trong lúc đạp xe.
Thiên tài nhận thức thế giới khác với chúng ta. Những người cực kỳ thông minh – thường có kiến thức siêu việt về những vấn đề chưa giải quyết được – suy nghĩ về vấn đề ở một mức cao hơn chúng ta. Thiên tài nhìn sự việc không như chúng ta và đặt nghi vấn về những giả thiết của chúng ta. Họ tạo ra những kết nối mới và đưa ý nghĩa mới vào từ ngữ.
Thiên tài phá vỡ những quy tắc và làm xáo trộn hiện trạng. Đa số chúng ta đều không thấy thoải mái với thiên tài, không chỉ bởi vì họ tỏ ra vụng về trong giao tiếp xã hội mà còn do họ thách thức quan điểm của chúng ta về thế giới. Nói ngắn gọn, họ thường gây phiền phức. Họ phá tan những gì chúng ta nghĩ, chúng ta biết và thay thế bằng một tầm nhìn thật hơn về thực tế.
Thiên tài sẽ sống với đam mê của họ một cách ám ảnh, cho đến khi vấn đề được giải quyết. Khi họ tập trung cao độ, vấn đề trở thành một vùng đất tưởng tượng mà họ đang khám phá. Khi làm việc một cách say mê, thật khó để họ đặt mình vào vị trí của người khác, để nhìn thế giới qua lăng kính khác. Bởi vì giao tiếp phụ thuộc vào những quan điểm chung, cho nên việc cố gắng giao tiếp với thiên tài có thể khiến chúng ta nản lòng.
Thiên tài suy nghĩ như thế nào?
Việc tìm hiểu về những thiên tài trong quá khứ giúp ta nhận ra các đặc tính chung trong quá trình tư duy của họ, cho dù ở lĩnh vực nào. Tư duy của họ chuyển động qua lại giữa nhiều lĩnh vực, ý tưởng, và tiếp cận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. Tư duy của họ không đi theo một quỹ đạo có thể đoán trước được, từ điểm này sang điểm khác.
Alex Corwin, một nhà vật lý của Đại học Cornell, đã tham dự các buổi thuyết trình của nhà vật lý đạt giải Nobel Richard Feynman về những phát hiện của mình. Ông nói những đột phá hay nhất của Feynman dường như xuất hiện từ hư không. Chúng chưa hề được đoán ra cho đến khi Feynman giải thích, sau đó mọi thứ dường như trở nên khá đơn giản. Những khám phá của Feynman rất tinh tế nhưng không có nghĩa là hiển nhiên. Không ai khác có thể đạt được trình độ như thế. “Feynman nhìn thấy những điều không ai có thể thấy”, Corwin nói.
Khi những chuyên gia khác trong lĩnh vực đó lần đầu tiên nghe những chi tiết về một phát minh, họ thường vỗ trán và nói rằng đấy là tất nhiên. Không ai ngoài thiên tài nhìn thấy được các kết nối đó. Khám phá đó trông như là điều hiển nhiên cho đến khi được thiên tài giải thích. Những đột phá của thiên tài khá tinh vi trong sự đơn giản của họ, nhưng đơn giản không có nghĩa là hiển nhiên.
“Kẻ ngu xuẩn thông thái sẽ làm cho mọi việc lớn hơn và phức tạp hơn”, nhà kinh tế học Ernst Schumacher nói. “Để xoay chuyển tình thế, cần phải có một cái chạm tay của thiên tài, nhiều hơn thế nữa”(5).
Nhà vật lý Murray Gell-Mann từng công bố một phương trình đơn giản chỉ vì phương trình đó đẹp, cho dù nó đã đi ngược lại khá nhiều thực nghiệm đã công bố trước đó. Những công bố trước đó hóa ra sai, và sau đó phương trình này được trao giải Nobel.
Einstein thường tự hỏi liệu phương trình của ông ấy đẹp bởi vì đúng, hay vì đúng mà đẹp. Ông ấy không muốn vẻ mỹ miều của phương trình che mắt ông đi đến sự chính xác.
Khi đối mặt với một vấn đề, đa số chúng ta đều nghĩ lại những gì đã biết trong quá khứ để tìm xem có thứ gì giống với vấn đề hiện tại hay không. Chúng ta chọn những kinh nghiệm có liên quan và dùng chúng như là những chỉ dẫn để giải quyết vấn đề. Những nhà giáo dục đặt tên cho quá trình tư duy cổ điển này là “tư duy phỏng đoán”, và nó tỏ ra hiệu quả trong hầu hết mọi vấn đề, bởi vì cách tư duy này nhanh và dễ, nhưng chỉ tạo ra sự phát triển theo từng bước một mà thôi.
Ngược lại, thiên tài tư duy vượt ra khỏi khu vực mà kinh nghiệm trước đó ảnh hưởng. Họ không bị giới hạn trong một phạm vi nào đó để tư duy.
Một nhóm các nhà toán học ở Göttingen, Đức, đã phát minh ra hình học bốn chiều mà sau đó Einstein sử dụng để định nghĩa mối quan hệ tương đối giữa không gian và thời gian. Các nhà toán học ngạc nhiên khi Eisntein sử dụng phát minh của họ để tạo ra sự đột phá lớn trong khi họ không thể nhìn thấy được mối quan hệ đó. Einstein có thể nhìn thấy nhiều khả năng mới mà các nhà toán học khác không thấy.
Dean Simonton, giáo sư tại Đại học California Davis rất thích các lĩnh vực về thiên tài, sáng tạo và lãnh đạo, đã viết trong tác phẩm Scientific Genius: A Psychology of Science, tất cả thiên tài bắt đầu kết hợp các ý tưởng trông có vẻ hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề hiện tại, nhưng có thể dẫn đến những giải pháp sáng tạo mới(6). Công việc của họ là quá trình liên tục của sự va chạm và dung hợp các ý tưởng đưa đến những khám phá mới.
Thiên tài có thể nhìn thấy những mối quan hệ tiềm ẩn, và thường định nghĩa những mối quan hệ đó một cách trực quan, hơn là bằng những con số và công thức. Nhà hóa học hữu cơ F. A. Kekulé nằm mơ thấy sáu con rắn trong một vòng tròn cắn đuôi nhau, và ông thức dậy với hình ảnh cấu trúc của hợp chất benzen trong đầu. Nikola Tesla phát hiện mối quan hệ giữa sự dịch chuyển của Mặt trời đang lặn so với Trái đất và ý tưởng tạo ra động cơ điện xoay chiều bằng cách cho các cực từ xoay tròn xung quanh một trục.
Thiên tài có năng suất làm việc khủng khiếp. Edison sở hữu 1.093 bằng sáng chế và đặt mục tiêu mười ngày có một phát minh. J. S. Bach mỗi tuần sáng tác được một nhạc phổ, và Einstein công bố hơn 248 công trình nghiên cứu bên cạnh thuyết Tương đối của ông.
Tất nhiên, không phải sản phẩm nào của thiên tài cũng có thể thay đổi thế giới. Thiên tài có thể tạo ra hằng hà sa số phát minh không có giá trị. Chỉ một vài viên kim cương được tìm thấy trong mớ sáng tạo đó. Trong hàng ngàn bằng sáng chế của Edison, chỉ có bóng đèn điện là có giá trị.
Nhận diện thiên tài
Để hiểu một thiên tài tư duy như thế nào nhằm nhận diện ra họ là rất quan trọng. Thiên tài rất hiếm hoi và thường tiềm ẩn. Có thể có một thiên tài trong tổ chức của chúng ta, chỉ cần một đốm lửa đúng chỗ sẽ giúp họ đạt đỉnh cao vô song của trí thông minh. Nếu có thể nhận diện một nhân tài tiềm ẩn và cho họ một xung lực bằng việc đào tạo chuyên sâu hơn hoặc một vai trò mới, chúng ta có thể đẩy năng suất của nhóm làm việc lên một mức độ vô hạn.
Nhận ra một thiên tài khi phỏng vấn một người, đặc biệt là người trẻ và chưa có thành tích gì cả, là một chuyện vô cùng khó khăn nhưng hết sức quan trọng để biến nhóm làm việc từ tốt trở thành xuất sắc. Vào một buổi chiều nọ, tôi phỏng vấn sáu nhà hóa sinh cho một vị trí trong nhóm nghiên cứu của mình. Mục tiêu là tìm được một người giải quyết được những vấn đề chính của dự án, người thông minh nhất nằm trong sáu ứng cử viên này.
Động lực ban đầu của tôi khi phỏng vấn ứng viên là tìm ra một người giống tôi. Trong nhóm ứng cử viên này, có một người tên là Jack, cậu ấy học ở Đại học Indiana, nơi tôi từng làm việc. Tôi biết các giáo sư của cậu ấy, họ nói với tôi rằng Jack vào phòng thí nghiệm làm việc trước những người khác và cần cù như một con chó kéo xe trượt tuyết. Điểm số của Jack thật xuất sắc.
Jack cũng có những sở thích giống tôi. Cậu ấy thích chạy bộ vào buổi tối, đọc truyện trinh thám và xem những trận banh của các trường đại học. Cậu ấy có hai đứa con gái nhỏ mà cậu cưng chiều hết sức mặc cho sự nghiêm khắc của vợ. Jack rất dễ cười, nhất là với những câu chuyện tiếu lâm của tôi. Cậu giải quyết vấn đề bằng cách làm việc chăm chỉ hơn. Khi đối mặt với khó khăn, Jack tăng gấp đôi nỗ lực và không bao giờ bỏ cuộc.
Tôi biết mình cảm thấy thoải mái khi chọn Jack bởi vì cậu ấy tư duy giống tôi – hết sức logic, tăng từng bước một và tái tạo mọi thứ. Tuy nhiên, một thiên tài không tư duy theo cách đó. Nếu tôi muốn có một người bạn để làm việc chung, tôi sẽ chọn Jack.
Bất cứ nhóm làm việc nào cũng cần người như Jack. Cậu sẽ gắn kết cả nhóm lại bằng cách làm tất cả mọi việc lớn nhỏ, bao gồm cả những việc nhỏ nhặt không ai muốn làm. Thực tế, Jack dễ dàng thay thế tôi trong vòng mười năm nữa, dẫn dắt nhóm làm việc này. Jack giống tôi quá, cũng có nghĩa là cậu ấy chắc chắn không phải là một thiên tài.
Tôi cũng phỏng vấn một cô gái tên Jill, người làm cho tôi khó chịu hết sức. Cô ấy không hiểu những câu nói đùa của tôi. Khi tôi kể chuyện đùa, cô ấy nhìn tôi bằng cái nhìn đầy lúng túng. Nụ cười của tôi trở nên méo xệch ngượng nghịu.
Bị kẹt cứng khi sử dụng những câu hỏi phỏng vấn truyền thống, tôi đành hỏi: “Điều gì là thách thức lớn nhất em phải đối mặt trong cuộc sống của mình, và em vuợt qua thách thức như thế nào?”.
Trả lời câu hỏi đó, Jill nói về ba trải nghiệm trong cuộc sống chả liên quan gì nhau, hầu hết là những chuyện cá nhân, như bị mất xe trong khi để máy tính xách tay trong xe. Còn sở thích của cô ấy hoàn toàn không “hàn lâm” chút nào, bởi vì chương trình đại học và sau đại học đều “chán phèo” đối với cô. Điểm số thì ở mức trung bình, chỉ vừa đủ để giữ được học bổng.
Lý do duy nhất tôi chọn phỏng vấn Jill là cô ấy đạt điểm GRE ở mức “gần hoàn hảo”, và công bố một nghiên cứu về thống kê cho dù chương trình học sau đại học của cô là hóa sinh. Thay vì gia nhập một trong những trường đại học nghiên cứu danh tiếng, Jill chọn một trường Công giáo nhỏ. Mặc dù là người Do Thái, nhưng Jill chọn trường này bởi vì ở đó có chương trình văn chương thời Trung cổ tuyệt vời. Cô muốn chọn môn này là một trong những môn học tự chọn trong lĩnh vực văn chương. Jill thích cả triết học và những trò chơi máy tính ảo.
Jill đã điều chỉnh máy tính xách tay của cô vì trò chơi máy tính ảo, đó là lý do vì sao đối với Jill, mất máy tính là một sự đau khổ vô cùng. Tôi phải thú nhận rằng chỉ chút hiểu biết ít ỏi về cô đã cho tôi một cảm giác chiến thắng, bởi vì cuộc phỏng vấn quá khó khăn.
Jill có thể bất thình lình ngưng nói và để cuộc trò chuyện rơi vào im lặng. Cô ấy không hề thô lỗ hay cộc cằn, nhưng những câu trả lời của Jill không vào thẳng câu hỏi của tôi. Cô chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Tôi luôn phải hướng cô ấy quay lại câu hỏi của tôi để có thể điền vào tờ đánh giá trước mặt mình, nhưng cô ấy cứ tiếp tục trả lời một câu hỏi hơi khác của tôi, câu hỏi làm cô ấy thích thú trả lời hơn.
Rõ ràng, Jill chống đối tôi. Tôi biết phải làm việc với cô sẽ là một thách thức không nhỏ. Không dễ chịu cho tôi chút nào, nhưng cô ấy không chú ý đến sự khó xử giữa chúng tôi. Jill không bao giờ tuân theo những quy ước xã hội như tôi.
Tôi nhận thấy nếu tôi cần một người có thể giải quyết những vấn đề mà nhóm nghiên cứu đang gặp phải, Jill là một chọn lựa tốt hơn Jack. Jill suy nghĩ một cách trực quan và có vần có điệu. Cô có thể giữ cùng lúc nhiều ý tưởng không hề liên quan gì với nhau trong đầu. Những kết nối giữa những vần thơ Trung cổ và ứng dụng máy tính nhảy múa một cách tự nhiên trong đầu cô ấy.
Jill còn tỏ ra có hiệu quả trong những lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình. Bất cứ khi nào thích thú một chủ đề gì, cô ấy đắm mình vào đó cho đến khi trở thành chuyên gia. Jill có thể chìm đắm vào một vấn đề trong nhiều giờ đồng hồ thậm chí không nhận ra mình quên ăn quên ngủ.
Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo để nhận diện thiên tài. Chúng ta có khả năng bỏ sót họ bởi họ không giống chúng ta, và họ có thể làm chúng ta khó chịu. Bạn có khả năng bỏ sót một thiên tài, bởi vì bạn không thể giao tiếp tốt với họ. Để nhận diện thiên tài, tôi phải bỏ qua những yêu cầu như người đó phải kết nối được với tôi và tôi phải cảm thấy thoải mái với họ.
Sau cùng, tôi chọn cả hai người này. Jack cần Jill giải quyết vấn đề, và Jill cần Jack làm những việc buồn chán để phòng nghiên cứu của tôi hoạt động tốt.
Tôi rút ra được sáu câu hỏi về ứng viên để đánh giá liệu họ có phải là thiên tài mà nhóm chúng tôi cần hay không. Sáu câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận diện những đặc điểm về cách mà những thiên tài tư duy:
1. Ứng viên có suy nghĩ theo những đường thẳng song song thay vì một đường thẳng duy nhất? Điện chạy trong những đường dây nối tiếp hoặc chạy song song, đồng thời từ nhiều đường dây. Ứng viên chỉ có thể tư duy một vấn đề vào một thời điểm? Hay thay vì vậy, người đó có thể có nhiều hơn một khái niệm xuất hiện trong đầu cùng một lúc, cho dù những khái niệm đó mâu thuẫn với nhau? Einstein có khả năng tạo ra mối liên quan giữa khối lượng và năng lượng trong khi những người khác thì thấy không có liên quan gì cả. Trừ khi có khả năng tư duy nhiều khái niệm có vẻ mâu thuẫn nhau trong cùng một thời điểm, bằng không thì ứng viên đó sẽ không thể phát hiện được những hình dáng có tính khuôn mẫu tại nơi mà người khác chỉ nhìn thấy toàn là sự ngẫu nhiên.
2. Thành viên tương lai của nhóm làm việc có phải là chuyên gia trong nhiều hơn một lĩnh vực? Leonardo da Vinci không chỉ là một trong những nghệ sĩ thiên tài trong lịch sử loài người, ông ấy còn là một người có tầm nhìn đầy sáng tạo. Ông đã khái niệm hóa trực thăng, xe tăng, năng lượng mặt trời, máy tính, và lý thuyết về cấu trúc của vỏ trái đất rất lâu trước khi các kỹ sư địa chất hiểu được ý tưởng của ông. Bên cạnh vai trò là một người lập quốc, Benjamin Franklin còn là một nhà phát minh và nhà khoa học với những công trình tạo ảnh hưởng trong ngành vật lý và điện từ. Ông phát minh ra cột thu lôi, kính cận hai tròng, hệ thống thư viện công cộng đầu tiên và đồng hồ đo quãng đường. Bên cạnh thành công trong công việc, ứng viên có những sở thích và đam mê gì bên ngoài lĩnh vực của mình để sáng tạo hay không? Einstein cũng là một tay kéo violin cừ khôi và viết khá nhiều luận văn về Mozart.
3. Ứng viên có bị đắm chìm trong vấn đề mà họ đang đối mặt? Họ có trở nên bị ám ảnh về việc tìm ra lời giải hoặc đạt được mục tiêu? Họ có tiếp cận một thách thức bằng sự kích thích và tìm thấy niềm vui trong thách thức đó không?
4. Giải pháp của ứng viên cho vấn đề khá bất ngờ nhưng vẫn đơn giản? Ứng viên có nhìn vấn đề từ những quan điểm khác nhau hay không? Họ có khả năng suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ hay không? Họ có khả năng diễn đạt những tư tưởng phức tạp bằng những cách đơn giản hay không?
5. Ứng viên có làm việc với năng suất cao hay không? Edison có rất nhiều bằng sáng chế, và Einstein cũng công bố hàng trăm bài nghiên cứu. Tất nhiên, không phải tất cả sản phẩm đó đều có cùng đẳng cấp như thuyết Tương đối, nhưng bộ óc của ông liên tục tạo ra những ý tưởng mới.
6. Ứng viên có quan tâm đến tính tỉ mỉ trong công việc của mình hay không? Tôi thường không thể phát hiện liệu một thiên tài có tỉ mỉ hay không, bởi vì tôi không hiểu công việc của họ. Nhưng tôi có thể nhận ra một người có tính tỉ mỉ hay không. Thiên tài ít khi khoan dung cho sự luộm thuộm trong lĩnh vực của mình, nhưng họ có thể quên khuấy những thứ rất đời thường, ví dụ như quên trả tiền điện hằng tháng chẳng hạn.
Tôi sử dụng những câu hỏi này để nhận diện một thiên tài trong một nhóm các ứng viên. Khi tuyển dụng mới hoặc đánh giá những người trong nhóm làm việc, sử dụng những câu hỏi này cũng giúp nhận diện được những tài năng xuất sắc. Tất nhiên, xin nhớ rằng thiên tài rất hiếm. Phát hiện và tuyển dụng được một thiên tài được xem là một hành động phi thường của bất kỳ nhóm làm việc nào. Nếu phát hiện được một thiên tài và thu xếp thích hợp người đó vào một nhóm đang làm việc hiệu quả, chúng ta có thể tạo ra sự tiến bộ đột biến mà chưa ai từng nghĩ có thể làm được.
Khi đã phát hiện và tuyển dụng được thiên tài, cần phải biết cách làm việc với họ sao cho hiệu quả. Chúng ta thường nghĩ rằng làm việc với người thông minh sẽ giảm bớt những rắc rối trong việc lãnh đạo, đừng thổi phồng họ quá. Dù sao đi nữa, một thiên tài có thể nhìn xa hơn và tạo ra đột phá dễ dàng hơn. Nhưng dẫn dắt họ đòi hỏi phải có chiến lược đặc biệt.
Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ bàn về những thách thức trong việc dẫn dắt các thiên tài và đem đến cho bạn đọc những kiến thức cần thiết để tạo ra những nhóm làm việc gắn kết và hiệu quả.