Chúng ta sẽ trở nên vĩ đại nếu ta đều đặn thực hiện những việc bé nhỏ và đơn giản
M.Russell Ballard – một nhà lãnh đạo tôn giáo người Mỹ, từng kể câu chuyện sau:
Chuyện kể rằng vào năm 1849, một chàng thương gia trẻ đến từ Boston bị cuốn theo cơn sốt săn vàng ở California. Anh bán toàn bộ tài sản để đi lùng kho báu dưới những con sông của California – nơi mà anh nghe nói là chứa đầy những hạt vàng lớn đến mức người ta khó lòng đem chúng đi.
Hết ngày này qua ngày khác, người thanh niên tung lưới xuống sông nhưng kết quả đều tay trắng. Phần thưởng duy nhất mà anh nhận được là một đống đá ngày càng lớn. Chán nản và mệt mỏi, anh chuẩn bị bỏ cuộc cho đến một hôm, một người thợ đào vàng giàu kinh nghiệm nói với anh: “Cháu đã đào được một đống vàng rồi đấy chàng trai.”
“Ở đây chẳng có vàng. Cháu chuẩn bị về nhà đây.”
Người thợ già bước đến bên đống đá và nói: “Ồ, vàng ở đây thôi. Cháu chỉ cần biết cách tìm chúng.” Nói đoạn, ông nhặt hai hòn đá và đập chúng vào nhau. Một viên đá vỡ ra, để lộ những hạt bụi vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Nhưng người thanh niên nhìn vào chiếc túi da căng phồng buộc ở thắt lưng người thợ già, nói: “Cháu đang tìm những cục vàng lớn như trong túi của bác kia, không phải mấy hạt bụi vàng nhỏ xíu li ti này.”
Người thợ giàu kinh nghiệm mở rộng miệng túi để chàng trai nhìn vào bên trong – anh đang hi vọng được thấy nhiều viên vàng to lớn. Do đó, anh vô cùng sửng sốt khi thấy trong túi là hàng nghìn mảnh vàng nhỏ xíu.
Bác thợ bảo: “Con trai à, bác thấy hình như con quá lo tìm kiếm những cục vàng lớn đến nỗi bỏ qua những hạt vàng quý giá làm đầy túi của mình đây. Nhờ kiên trì “tích tiểu thành đại” bác mới trở nên giàu có.”
Giống như chàng thương gia trẻ, chúng ta thường nghĩ thành công chỉ đến từ những cơ hội thăng tiến vượt bậc, một dự án quan trọng hoặc từ một hợp đồng béo bở. Nhưng trên thực tế, sự vĩ đại là do nhiều đóng góp nhỏ tích lũy mà thành. “Thành công sau một đêm” không phải chỉ qua một đêm là thành, nó là những thành công khiêm tốn, nho nhỏ tích lũy sau rất nhiều đêm.
Tương tự như việc học đàn piano (hoặc bất kỳ sự học nào), chính tinh thần kiên trì kỉ luật, “có công mài sắt có ngày nên kim” đã giúp một nghệ sĩ dương cầm có thể thành thạo từ bản nhạc đơn giản như Twinkle, Twinkle Little Star đến tuyệt phẩm như bản Waltz in C sharp minor Op. 64, No. 2 của Chopin.
Tóm lại, tất cả những ví dụ trên đều chứng minh một kết luận của chương này: Hãy trở thành người xuất sắc. Khi bạn đã quyết tâm làm một người vị tha, đáng tin cậy, khiêm tốn, tích cực và tôn trọng mọi người, chính là bạn đang trên con đường trở thành người đồng đội xuất sắc. Những đặc điểm này tưởng chừng rất đơn giản, nhỏ bé nhưng nếu bạn luyện tập chúng thường xuyên, theo thời gian chúng sẽ mang lại khác biệt to lớn. Chúng ta sẽ trở nên vĩ đại nếu đều đặn thực hiện những việc bé nhỏ và đơn giản.
Trong chương này, chúng ta sẽ nói thêm một vài nguyên tắc làm nên người đồng đội xuất sắc, chẳng hạn như làm việc chăm chỉ, nỗ lực hơn nữa, hiểu rõ mục đích và tầm nhìn của nhóm, xác định rõ vai trò của bản thân, chủ động tìm kiếm giải pháp cho vấn đề chung, đồng thời tích cực phát triển bản thân.
Một tin tốt lành là hầu hết chúng ta đều đã trữ sẵn vàng trong túi – bởi chính bạn đã bước đi trên hành trình trở thành người xuất sắc. Tất cả những gì bạn cần chỉ là thêm chút trách nhiệm, chút tập trung và tinh thần kỉ luật. Đã đến lúc khai thác thế mạnh bạn đang có và phát triển nó tốt hơn.
Bản thân tôi luôn tin rằng hầu hết chúng ta chỉ mới khai thác được rất ít tiềm năng của mình. Tôi rất thích một câu nói của Wilma Rudolph – ngôi sao Olympic đẳng cấp quốc tế một thời: “Đừng bao giờ xem thường sức mạnh của giấc mơ và tầm ảnh hưởng của tinh thần. Tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ: Tiềm năng vươn đến sự vĩ đại.”
Tiềm năng vươn đến sự vĩ đại nằm trong chính bản thân bạn! Khi bạn nỗ lực trở nên xuất sắc, bạn sẽ giống như người thợ dày dạn kinh nghiệm trong câu chuyện trên. Bạn không chỉ kiên nhẫn tích lũy thành tựu cho riêng mình mà còn mang lại giá trị, thành quả cho cả nhóm. Ngay hôm nay, hãy cùng tôi đi trên con đường trở thành người xuất sắc ngay thôi!
Chúng ta sẽ trở nên vĩ đại nếu đều đặn hoàn thiện những việc bé nhỏ và giản đơn.
BẮT ĐẦU TỪ BẠN TRƯỚC
Nếu bạn kỳ vọng nhóm của mình đạt được thành quả xuất sắc nhất, vậy trước hết, chính bản thân bạn hãy tạo nên thành quả xuất sắc nhất
Có một câu chuyện xưa trong môn bóng bóng bầu dục kể về một trận đấu quan trọng giữa hai đội khác nhau “một trời một vực”. Đội lớn hơn đã giành chiến thắng mặc dù tỷ số trong suốt trận khá sát sao. Khi trận đấu đi đến những phút cuối cùng, huấn luyện viên của đội bóng nhỏ hơn nhưng chơi giỏi hơn biết rằng hi vọng vô địch duy nhất chính là chuyền bóng cho trung vệ chạy tốt nhất trên sân: Calhoun. Tốc độ thần tốc của anh có thể vượt mặt bất kỳ ai cố gắng truy cản.
Vị huấn luyện viên này yêu cầu tạm hoãn trận đấu và vạch ra bốn lượt đấu cho cả đội, ông muốn cầu thủ ném bóng hãy chuyền tất cả các lượt bóng cho Calhoun, để anh có thể thể hiện tài nghệ phi thường của mình trước những đối thủ vượt trội về thể chất kia. Lượt chơi đầu tiên, mọi người theo dõi với sự háo hức mong chờ nhưng Calhoun không nhận được bóng. Đến lượt thứ hai, tất cả đều hi vọng vào Calhoun nhưng một lần nữa, bóng vẫn không tới anh.
Trận đấu chỉ còn vài giây và cả đội đều hi vọng Calhoun sẽ giành được bóng và giữ được nó cho tới khi đến được khung thành đối thủ. Tuy nhiên, giống như hai lượt trận trước đó, anh không có được bóng. Đến lúc này, ông huấn luyện viên nổi nóng và nhắc nhở cầu thủ ném bóng phải chuyền được cho Calhoun.
Tuy nhiên, đến lượt chơi thứ tư, cầu thủ này bị phạt, trận đấu kết thúc. Quá tức giận, người huấn luyện viên hét lên trước mặt cầu thủ này: “Tôi đã bảo anh chuyền bóng cho Calhoun bốn lần rồi. Và giờ chúng ta thua rồi!”
Người cầu thủ kia nhìn thẳng vào mắt huấn luyện viên, rồi anh đứng lên và nói: “Tôi đã cố chuyền bóng cho Calhoun, đúng như lời ông dặn. Nhưng vấn đề là Calhoun không muốn nhận bóng.”1
1 Eric Garner, You Have to Want It, (Tạm dịch: Bạn phải muốn nó).
Đôi khi trong nhóm sẽ có những thành viên không muốn gánh vác trách nhiệm. Không phải vì họ không có năng lực để hoàn thành được công việc mà vì một lý do, đơn giản là họ quyết định từ chối cơ hội. Thật không may, nhiều người trong số chúng ta đang bỏ phí rất nhiều cơ hội để đạt được khả năng mà bản thân có thể đạt tới. Những người đó thờ ơ trước cơ hội. Khi được chuyền bóng, họ liền đẩy cho người khác hay buông xuôi hoàn toàn. Tất cả những gì họ có thể làm là thụ động chờ hướng dẫn cho hành động tiếp theo hoặc chỉ đơn giản là làm cho có.
Còn những thành viên có tinh thần cầu tiến? Họ là nhân tố thúc đẩy cả nhóm tiến lên. Họ luôn sẵn sàng đón nhận ngay khi có cơ hội xuất hiện. Họ không chờ ai khác hoàn thành công việc thay. Với họ những nhiệm vụ khó vừa là thử thách, vừa là cơ hội, họ không tìm cách đùn đẩy nó cho người khác hay bỏ mặc. Những đồng đội này thay vì đợi chờ hướng dẫn mới hành động, họ là tuýp người chủ động dẫn dắt người khác cùng hành động. Còn bạn thì sao, bạn có phải là kiểu người luôn tìm kiếm cơ hội, luôn làm xuất sắc hơn yêu cầu tối thiểu?
Điều tôi thật sự muốn hỏi là: Trong nhóm, bạn được xem là một thành viên nổi bật hay là gánh nặng cho mọi người? Bạn là kiểu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và sẵn sàng nhận thêm hay kiểu “vẫn chưa xong và hi vọng ai đó sẽ làm thay”? Nếu bạn nằm trong nhóm thứ nhất, hãy tiếp tục phát huy nhé! Còn nếu bạn rơi vào nhóm sau, bạn có thể thay đổi ngay từ bây giờ. Bước thay đổi đầu tiên chính là thành thật trả lời những câu hỏi trên. Qua đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn về sự đóng góp của mình cho nhóm.
Nếu bạn kỳ vọng nhóm của mình đạt được thành quả xuất sắc nhất, vậy trước hết bạn hãy tạo nên thành quả xuất sắc nhất. Cả nhóm không thể trở nên xuất sắc nếu từng thành viên không tự nỗ lực trở nên xuất sắc. Hãy bắt đầu từ chính bạn. Bạn không thể kiểm soát hành động của người khác nhưng bạn luôn có quyền quyết định sự nỗ lực của bản thân. Mỗi sáng thức dậy, hãy đặt ra mục tiêu phải tốt hơn mình của ngày hôm qua. Dù chỉ tốt hơn một phần trăm mỗi ngày nhưng theo thời gian, bạn cũng hoàn thiện hơn rất nhiều. Khi bạn nỗ lực phát triển bản thân, cả nhóm cũng sẽ có động lực cố gắng vươn lên.
Việc trở thành một đồng đội giỏi chủ yếu là nhờ vào những việc làm nhỏ bé và đơn giản. Bạn cần tự nguyện làm tốt hơn tiêu chuẩn đã đặt ra. Mỗi ngày phấn đấu hơn một chút.
Tôi rất thích câu đố này: Có năm con ếch ngồi trên một chiếc lá súng. Một con quyết định nhảy xuống. Hỏi còn lại bao nhiêu con ếch trên lá? Hầu hết đều sẽ trả lời là bốn. Nhưng bạn hãy đọc kỹ hơn xem, đáp án thật ra là năm. Tại sao vậy? Bởi vì con duy nhất chỉ mới quyết định nhảy thôi chứ có thật sự nhảy đâu1.
1 Stacy Pettinelli Mulligan, What’s Holding You Back From Your Goals? (Tạm dịch: Cái gì đang kìm chân bạn tiến tới mục tiêu?).
Để thật sự trở nên giỏi hơn và hoàn thành nhiệm vụ được giao, cái bạn cần không chỉ lả những quyết định. Bạn phải hành động. Thế giới ngày nay có nhiều người mơ ước, nhiều người tin tưởng nhưng chẳng có bao nhiêu người thật sự bắt tay vào làm. Hãy quyết tâm trở thành người “nói được làm được”.
Các đội ngũ và tổ chức rất trọng dụng những thành viên “dám nói dám làm”. Những con người hành động đáng tin cậy, luôn sẵn sàng đón nhận cơ hội và dứt khoát. Họ là các nhà lãnh đạo và không chờ đợi người khác nói cho họ biết phải làm gì. Thay vì vậy, họ xắn tay áo lên hành động. Họ có một năng lực kỳ lạ, có thể nhận ra khi nào cần phải làm gì và làm ngay không trì hoãn.
Tuy nhiên, đừng để cho đoạn mô tả trên khiến bạn nhụt chí. Khác với suy nghĩ thông thường của bạn, người “dám nghĩ dám làm” không hẳn cứ phải giỏi hơn tất cả mọi người. Họ chỉ chú tâm vào công việc nhiều hơn. Sự thực là bất kỳ ai cũng có thể hành động nếu họ tập trung vào mục tiêu.
Một trong những nhân tố thúc đẩy thành công của nhóm mạnh mẽ nhất chính là người hành động. Họ có thể “dọn đường”, “mở lối” cho đồng đội. Để chứng minh cho khẳng định này, tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện đầy cảm hứng về một người đàn ông đã đạt được một thành tựu tưởng chừng như bất khả thi:
Nhiều năm trước, các chuyên gia từng nói rằng con người không thể chạy hết một dặm (khoảng 1,5 kilomet) trong thời gian dưới bốn phút. Cơ thể chúng ta không đủ khả năng làm như vậy. Hết năm này sang năm khác, các vận động viên không ngừng nỗ lực chinh phục mục tiêu bất khả đó, nhưng họ vẫn thất bại.
Vào những năm 1940, vài vận động viên đã gần đạt được kỷ lục chạy một dặm trong bốn phút. Một số người chỉ còn trễ hơn một, hai giây nhưng không ai có thể vượt qua giới hạn bốn phút. Nhiều người nghĩ rằng cơ thể con người đã đạt tới giới hạn của nó, cho đến ngày 6 tháng 5 năm 1954. Ngày hôm đó, một sinh viên y khoa 25 tuổi đến từ Anh, Roger Bannister, đã hoàn thành một dặm trong vòng 3 phút 59,4 giây. Kể từ lúc đó, bốn phút một dặm trở thành tiêu chuẩn cho tất cả vận động viên chạy cự ly trung bình!
Khi có một người vươn lên dẫn đầu, những người khác sẽ sớm noi theo. Bạn hãy là người tiên phong đó. Khi bạn nỗ lực trở nên xuất sắc, các đồng đội khác cũng sẽ được truyền cảm hứng để cố gắng hơn. Điều từng được cho là không thể sẽ biến thành có thể. Đó chính là sự vĩ đại!
Bài tập áp dụng
Bạn có phải là kiểu đồng đội tích cực, chủ động? Nếu chưa phải là do đâu? Bạn có thể bắt đầu thay đổi điều gì để nâng cao giới hạn trong nhóm của mình?
...........................
HIỂU RÕ CON ĐƯỜNG ĐANG ĐI
Những đồng đội xuất sắc luôn hiểu rõ tầm nhìn, mục tiêu của nhóm. Họ hiểu rõ bản thân lẫn người khác cần đóng góp gì để đạt được đích đến cuối cùng
Có câu chuyện ngụ ngôn được kể rằng: Ngày xưa, có một ông thị trưởng. Vào một ngày tháng Ba gió lớn, ông quyết định ra công viên đi dạo. Trên đường đi, ông tình cờ bắt gặp một cậu bé đang thả diều. Đó là chiếc diều to và đẹp nhất mà ông từng thấy. Nó nhẹ nhàng vươn tới bầu trời, và bay cao đến nỗi ngài thị trưởng tin rằng người ở thành phố bên cạnh cũng có thể nhìn thấy nó.
Thị trấn khiêm tốn của ông thị trưởng không có nhiều thứ đẹp đẽ như vậy, do đó, ông quyết định thưởng “chìa khóa của thành phố” cho người đã tạo nên khung cảnh lôi cuốn đó. Ông hỏi: “Ai đang thả con diều này?”
“Là cháu,” cậu bé vừa nói vừa cố hết sức giữ lấy con diều to và đẹp. “Cháu đã tự tay làm con nhiều này. Cháu đã vẽ những hình ảnh rực rỡ lên đó và thả nó!”
Gió phản đối: “Là tôi chứ. Chính làn gió của tôi đã nâng cánh diều lên không trung, bay thật tự do và uyển chuyển. Nếu không có tôi, diều sẽ không thể bay được. Tôi là người thả!”
Như vậy, ai mới là người thả diều?
Tất cả, đúng không? Mặc dù cậu bé, cơn gió và cánh diều đều hiểu rõ sự đóng góp của bản thân vào việc này nhưng họ lại không biết các thành viên còn lại cũng góp phần tạo nên cảnh tượng tuyệt vời đó! Những người đồng đội tuyệt vời không chỉ hiểu được tầm nhìn, mục tiêu của nhóm mà còn hiểu cả vai trò của mình, cũng như của người khác.
Ngược lại, nếu bạn không hiểu những yếu tố trên, bạn sẽ khó lòng thành công. Việc mù mờ về tầm nhìn và mục tiêu của tập thể giống như bạn đang chèo thuyền giữa hồ nước bị vây quanh bởi sương mù dày đặc. Bạn không được phép nghỉ tay chèo nhưng lại không biết mình sẽ đi đâu. Bạn sẽ tiếp tục như vậy trong bao lâu? Hoặc ít nhất, bạn sẽ vẫn chèo thuyền bằng sức sống và nguồn năng lượng dồi dào như lúc bắt đầu nếu bạn không biết rõ đích đến của mình chứ?
Khi bạn mù mờ về tầm nhìn và mục tiêu của nhóm, thật khó để biết bạn hoặc các đồng đội đã trực tiếp đóng góp như thế nào. Khi đó, hành trình của các bạn sẽ trở nên lê thê, khó chịu mà chẳng đi đến đâu! Một đồng đội xuất sắc luôn làm rõ tầm nhìn và mục tiêu chung, đồng thời họ quyết tâm, kiên trì chinh phục mục tiêu đó. Họ lèo lái con thuyền đội ngũ bằng tất cả sức mạnh và khuyến khích người khác cũng làm như vậy.
Nếu tầm nhìn và mục tiêu của nhóm còn mơ hồ hoặc nếu bạn chưa truyền đạt đầy đủ để đồng đội hiểu rõ về nó, bạn có thể làm ba việc sau để cải thiện tình hình:
ĐẶT CÂU HỎI
Rất đơn giản, nếu bạn chưa chắc chắn về tầm nhìn và mục tiêu của nhóm hoặc nếu chúng hơi mơ hồ, hãy hỏi lại. Đến gặp trưởng nhóm và trao đổi rõ ràng. Hãy hỏi họ xem họ nhìn nhận mức độ đóng góp của bạn cho mục tiêu và tầm nhìn của nhóm ra sao. Việc quan trọng nhất bạn đang làm để thúc đẩy nhóm phát triển là gì?
Bên cạnh đó, hãy hỏi các thành viên khác xem họ nhìn nhận vai trò của mình trong nhóm như thế nào. Mỗi người đều đóng góp một phần không thể thiếu trong việc hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu của cả đội. Việc hiểu rõ thế mạnh độc đáo và kỳ vọng của nhau sẽ giúp cho các bạn hợp tác chặt chẽ hơn, giao tiếp hiệu quả hơn, bởi tất cả đang cùng chinh phục một đích đến. Tất cả chỉ xảy ra khi mọi người đồng lòng tiến về một hướng.
SUY NGHĨ
Trên tinh thần luôn nỗ lực hết mình, một khi đã hiểu rõ vai trò mình đang nắm giữ, bạn sẽ không thể bằng lòng “giậm chân tại chỗ”. Hãy bắt đầu suy nghĩ về cách đóng góp vượt trên cả kỳ vọng của mọi người. Làm sao để tận dụng năng lực của bạn? Làm sao để đưa cả nhóm tiến lên một bước trên hành trình chinh phục mục tiêu?
HÀNH ĐỘNG
Điểm mấu chốt nằm ở hành động. Có thể bạn đã nghĩ ra những ý tưởng hay ho nhưng chừng nào bạn chưa bắt tay thực hiện chúng thì chúng vẫn nằm trong tưởng tượng. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây sẽ thể hiện tầm quan trọng của hành động thay vì chỉ nói suông:
“Ngày xửa ngày xưa, có một ngôi nhà rất nhiều chuột. Lũ chuột ắt sẽ sống cực kỳ hạnh phúc, giá như không có một cản trở duy nhất, chính là lão mèo già ục ịch, xấu tính. Một đêm nọ, bầy chuột họp lại và quyết định cùng nhau tìm cách chống lại lão mèo.
Chúng hỏi nhau: ‘Chúng ta nên làm gì để đối phó với lão mèo nguy hiểm kia nhỉ?’ Tất cả đều đồng tình với một sáng kiến xuất sắc được đưa ra.
‘Chúng ta sẽ đeo một cái chuông quanh cổ lão mèo. Bất cứ khi nào lão đến, cái chuông sẽ rung lên cảnh báo nguy hiểm đang tới gần.’
Từng con chuột nhảy cẫng lên, vỗ tay tán thưởng ý kiến tuyệt vời. Cho đến khi một con lên tiếng: ‘Vậy giờ ai sẽ nhận nhiệm vụ đi treo cái chuông lên cổ lão mèo?’ Tất cả đều im lặng.”
Nảy ra những ý tưởng hay ho không phải quá khó, nhưng để thực hiện được chúng lại là một chuyện khác. Arnold H. Glasow – tác giả, doanh nhân người Mỹ, từng nói: “Một ý tưởng không đi đôi với hành động thì chẳng đạt được kết quả gì lớn hơn ngoài việc chúng ta đang vận hành một tế bào thần kinh.”
Một khi bạn đã hiểu rõ tầm nhìn của nhóm và và vai trò của riêng mình, vậy đã đến lúc hành động. Chúng ta chỉ có thể chăm chỉ làm việc cần mẫn, sáng suốt hơn, nếu đã nhìn thấy con đường mình đang đi, vai trò của chính mình, của nhóm.
Bài tập áp dụng
Tầm nhìn, mục tiêu của nhóm bạn là gì? Bạn và các thành viên khác sẽ đóng góp như thế nào vào mục tiêu đó? Nếu chưa hiểu rõ, bạn sẽ làm gì để nắm rõ hơn?
.........................
Những người đồng đội tuyệt vời không chỉ hiểu được tầm nhìn, mục tiêu của nhóm mà còn hiểu cả vai trò của mình, cũng như của người khác.
ĐƯA RA GIẢI PHÁP
Để trở thành một đồng đội xuất sắc, bạn cần mang đến giải pháp chứ không phải vấn đề cho nhóm
Rất ít người từng biết đến cái tên Nicholas Winton. Ông là một người khiêm nhường đã tạo nên thành tựu to lớn mà mãi đến năm mươi năm sau mới được thế giới công nhận.
Winton là một nhà môi giới chứng khoán ở Luân Đôn. Tháng 12 năm 1938, trong lúc ông đang mong chờ chuyến du lịch trượt tuyết ở Thụy Sĩ thì một người bạn khuyên ông nên bỏ chuyến đi và cùng mình đến Tiệp Khắc để giải cứu các trẻ em Do Thái. Vào thời điểm đó, nước Anh đang có chương trình Kindertransport1. Họ cử người đại diện đến Đức và Áo để giải cứu 10.000 đứa trẻ Do Thái trước khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ.
1 Tên của một loạt các nỗ lực cứu hộ đã giúp hàng ngàn trẻ em Do Thái của Anh từ 1938-1940.
Tuy nhiên ngay tại Tiệp Khắc lại không có nhiều chương trình giải cứu trẻ em. Đứng trước tình hình này, ông Winton đã bắt tay ngay vào việc thiết kế một chương trình cứu hộ riêng, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, nhiệt thành và can đảm để hoàn thành.
Thông cáo của Nicholas Winton đăng trên tờ New York Times đã viết: “[Những nỗ lực giải cứu trẻ em của Winton] gặp phải rất nhiều nguy hiểm, vấn nạn hối lộ, giả mạo, có liên hệ bí mật với Gestapo, chín chuyến tàu hỏa, rất nhiều giấy tờ và tiền của. Các đặc vụ Đức Quốc xã bắt đầu bám đuôi ông. Trong phòng khách sạn của mình tại Prague, ông đã gặp những bậc cha mẹ hết sức kinh hãi, tha thiết được đưa con của họ đến trú ngụ ở nơi an toàn, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc phải giao con mình cho một người xa lạ đến từ một mảnh đất xa lạ.”
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Nicholas Winton đã cứu được tổng cộng 669 trẻ em khỏi Thảm họa Holocaust. Cho đến hôm nay, những đứa trẻ này vẫn tự gọi mình là “Con của Winton.”
Năm 2003, ông được Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị phong tước Hiệp sĩ. Ngài Nicholas Winton chính là một anh hùng. Tuy vậy, không nhiều người biết đến ông, thậm chí số người biết về sự cống hiến của ông còn ít hơn. Vợ của ông cũng không biết về sự dũng cảm của chồng mình, cho đến năm 1988, bà tìm được trên tầng gác mái một cuốn sổ lưu niệm cũ, ghi tên của những trẻ em từng được giải cứu, tên cha mẹ chúng, và tên tuổi, địa chỉ của các gia đình nhận nuôi.
Khi người vợ đưa cuốn sổ cho Winton, ông bảo bà hãy bỏ nó đi vì nó cũng không còn giá trị gì nữa. Nhưng bà đã không làm vậy mà đưa nó đến cho một nhà sử học ở Holocaust. Nhờ vậy, bây giờ chúng ta mới được biết tới câu chuyện cao cả, đầy cảm hứng của một nhà lãnh đạo khiêm nhường.
Ngài Nicholas Winton không cần ai thúc ép mình hành động. Ông nhìn thấy vấn đề và tìm cách sử dụng năng lực, kỹ năng của mình để cứu lấy cuộc đời của hàng trăm đứa trẻ. Đó là việc mà các nhà lãnh đạo nên làm. Đó cũng là việc bạn có thể làm.
Năm 2001, trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ New York Times, khi được hỏi về lý do thúc đẩy ông làm như vậy, Winton trả lời một cách giản dị, khiêm tốn: “Đó là khi bạn nhìn thấy tình hình rất nhiều trẻ em đang lâm nạn, bạn phải đưa chúng đến một nơi an toàn nhưng lại không có tổ chức nào làm việc đó.”
Trong mắt tôi, ngài Nicholas Winton là một người hùng. Tôi thích phong thái chủ động của ông. Tôi yêu việc ông không chờ đợi người khác khởi động chương trình cứu nạn thay mình. Ông thấy vấn đề, tự tìm giải pháp và thực hiện nó, mạo hiểm tính mạng để cứu sống hàng trăm người khác. Ông không than vãn về khó khăn, cũng không đợi ai giải quyết chúng. Ông tiên phong hành động.
Ngài Nicholas biết rõ vĩ đại là như thế nào dù có lẽ, ông sẽ chẳng bao giờ thừa nhận mình đã làm điều vĩ đại.
Nếu muốn trở thành một đồng đội xuất sắc, bạn cần đem lại giải pháp cho cả đội. Chúng ta thường cho rằng mỗi khi có vấn đề xảy ra, ta cần báo cáo lên quản lý trước. Dĩ nhiên, việc trình bày rõ ràng về rắc rối và yêu cầu mọi người chú ý là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tìm ra cách giải quyết. Đó là lý do tại sao bạn lại làm việc trong nhóm.
Vậy làm sao để tìm ra giải pháp chứ không chỉ nêu lên vấn đề cho đồng đội? Bạn hãy thử bốn bước đơn giản sau:
BẮT ĐẦU TỪ VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT
Bạn đã hiểu rõ vấn đề là gì chưa? Nếu chưa, rất có thể bạn không nhận thấy rằng thực ra không hề có vấn đề gì hoặc nó không đúng như bạn nghĩ. Ví dụ: Bạn có thể cho rằng nhà cung cấp của mình đang có vấn đề vì họ không giao hàng kịp thời, nhưng hóa ra, nguyên nhân là do bộ phận mua hàng đặt quá trễ.
Khi tìm hiểu vấn đề một cách cặn kẽ, bạn sẽ tránh đẩy bản thân rơi vào hoàn cảnh khó xử khi trao đổi với lãnh đạo hoặc với nhóm của mình về một rắc rối không hề tồn tại.
DỰ ĐOÁN NGUYÊN NHÂN VẤN ĐỀ
Sau khi xác định đúng vấn đề, câu hỏi tiếp theo là tại sao nó lại xảy ra? Nguyên nhân sâu xa của rắc rối này là gì? Quay lại ví dụ về bộ phận mua hàng, việc chậm trẽ đặt hàng có phải vì họ đang quá tải với các đơn khác hay không? Hoặc vì họ không nắm được các yêu cầu của quy trình? Hay đơn giản là họ không để tâm? Hãy bắt đầu tìm hiểu kỹ lý do thật sự đằng sau sự trì hoãn này. “Bắt mạch” chính xác vấn đề sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp. Bạn chỉ cần đặt câu hỏi tại sao?
ĐƯA RA GIẢI PHÁP
Bây giờ bạn đã biết nguyên nhân gây ra khó khăn, hãy đề xuất các giải pháp mà bạn nghĩ là có thể khắc phục được chúng. Khi nêu giải pháp, đừng quên nói rõ thời gian, chi phí cũng như các yêu cầu cần thiết khác. Hãy trình bày tất cả phương án khả dĩ cho trưởng nhóm, cả đội.
SẴN SÀNG KHẮC PHỤC VẤN ĐỀ
Khi đề xuất giải pháp, bạn đừng chỉ đẩy chúng cho nhà lãnh đạo hoặc các đồng đội khác. Thay vào đó, hãy trình bày bạn có thể làm gì để góp phần khắc phục khó khăn. Hãy là một người “dám nói dám làm” – đấy mới là tinh thần chủ động đáng tuyên dương. Đây chính là thái độ “nỗ lực thêm một chút” mà chúng ta đã thảo luận trong chương trước.
Giống như ngài Nicholas Winton, nếu bạn nhận ra vấn đề, hãy chủ động tìm giải pháp và bắt tay thực hiện chúng.
Bài tập áp dụng
Bạn đang là người đưa ra vấn đề cho nhóm hay tích cực tìm ra giải pháp kèm theo? Bạn có thể làm gì để giải quyết vấn đề đang có?
.........................
PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
Phát triển bản thân luôn đòi hỏi chúng ta phải có kỉ luật, nó có thể khiến bạn khó chịu, đôi khi nỗ lực nhưng không nhận lại được thành quả xứng đáng. Tuy nhiên, phát triển bản thân luôn là một khoản đầu tư tối quan trọng, chắc chắn mang lại phần thưởng giá trị
Cách đây ít năm, tôi đã ngẫm nghĩ về điều mà tôi từng nghe ít nhất hàng trăm lần mỗi khi đi công tác. Mỗi khi ngồi trên chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh, chúng tôi thường xuyên nghe những hướng dẫn đảm bảo an toàn sau: “Trong trường hợp áp suất trong khoang chính giảm đột ngột, mặt nạ dưỡng khí sẽ được thả xuống...”
Hầu hết hành khách, trong đó có cả tôi, ít khi chú ý đến những hướng dẫn này. Nhưng lần đó, không hiểu vì sao tôi lại chăm chú lắng nghe. “Hành khách cần phải đeo mặt nạ cho mình trước khi hỗ trợ các hành khách khác hoặc trẻ em.”
Hướng dẫn đó dấy lên trong tôi thắc mắc: Tại sao? Tại sao tôi không nên giúp người khác trước khi chú ý đến nhu cầu của bản thân? Đó không phải là hành động đầy vị tha và chu đáo ư?
Đúng thế, đó có thể là một hành động đầy vị tha và tận tâm nhưng không phải là sáng suốt nhất. Nếu tôi cố gắng giúp người khác đeo mặt nạ trước, còn tôi đột ngột bị thiếu o-xi thì thật không may cho cả hai!
Câu chuyện này khá giống với hầu hết trải nghiệm của mọi người trong việc phát triển bản thân. Chúng ta quá bận bịu chăm lo cho nhu cầu của người khác – hoàn thành dự án đúng hạn, họp hành, chơi với con, thanh toán hóa đơn, nấu ăn, vân vân và vân vân, đến nỗi ta chẳng còn thời gian cho chính bản thân mình. Rõ ràng, ta cũng bắt đầu “cạn o-xi”, kiệt sức dần dần và mang lại ít giá trị hơn cho những người mà ta quá tất bật để làm hài lòng họ.
Lúc này, có thể bạn sẽ phản đối: “Gượm đã. Chẳng phải trong Chương 1 ông đã nói rằng chúng ta phải vị tha, phải giúp đỡ người khác trước, phải sống theo Nguyên tắc Bạch kim và đặt lợi ích của nhóm lên trên lợi ích của bản thân sao. Giờ ông lại bảo tôi phải chăm sóc mình trước?” Đúng là tôi đã nói như vậy. Nhưng điều đó rất liên quan đến việc bạn phải ưu tiên phát triển bản thân. Việc nghĩ cho người khác vẫn rất quan trọng, nhưng khi bạn dành thời gian cho chính mình, bạn không chỉ mở rộng lòng vị tha mà còn bồi dưỡng tất cả phẩm chất khác mà tôi đã nhắc đến.
Bạn càng tập trung phát triển năng lực của bản thân, bạn sẽ ngày càng giỏi hơn. Bạn sẽ không thể giúp ích cho bất kỳ ai, kể cả đội nhóm của mình, nếu bạn chưa trở nên xuất sắc và thường xuyên học hỏi, nâng cao kiến thức. Phát triển bản thân luôn đòi hỏi chúng ta phải có kỉ luật, nó có thể khiến bạn khó chịu, đôi khi nỗ lực nhưng không nhận lại được thành quả xứng đáng. Tuy nhiên, phát triển bản thân luôn là một khoản đầu tư tối quan trọng chắc chắn mang lại phần thưởng giá trị.
Muốn phát triển bản thân, bạn phải sẵn sàng làm những việc khó. Đó là mở mang kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm. Đây chính là khoản đầu tư khôn ngoan nhất mà chúng ta có thể thực hiện. Benjamin Franklin từng nói: “Để kiếm được nhiều tiền nhất, hãy dốc hầu bao cho bộ não của bạn.”1
1 Myrko Thum, Why Personal Development is the Best Investment You’ll Ever Make, (Tạm dịch: Tại sao Phát triển bản thân là Khoản đầu tư Tốt nhất chúng ta từng làm).
Giữa thời gian bạn dành để đầu tư phát triển bản thân và thành tựu đạt được có một mối tương quan rõ ràng. Có người từng kể với tôi một câu chuyện minh họa rất rõ cho nhận định này. Chuyện kể về một một chàng trai hàng năm vẫn hay ghé thăm trang trại của ông mình. Lần nọ, khi đến thăm ông, chàng trai thấy ông đang chuẩn bị trồng thêm vài loại cây mới mà trước giờ chưa từng có. Hai ông cháu cùng đi tới vườn ươm địa phương để chọn giống cây mà họ muốn trồng.
Khi họ trở về nhà, người ông tốt bụng, ấm áp và thông thái ấy mới hỏi cháu mình: “Nếu ông trồng một trong hai cái cây này, một ở trong nhà và một cây ở ngoài, cháu nghĩ cây nào sẽ phát triển tốt hơn?”
“Cháu nghĩ cây trong nhà sẽ lớn nhanh nhất,” người cháu đáp, “bởi vì nó không phải chống chọi với những mùa đông giá lạnh, gió mưa hay ánh nắng thiêu đốt. Nó sẽ ít phải chịu đựng khó khăn hơn.”
Người ông lấy một cây để trồng ở trong nhà, cây còn lại ông ươm ở ngoài vườn. Rồi ông quay sang người cháu trai và nói: “Chúng ta cùng xem chuyện gì sẽ xảy ra nhé.”
Nhiều năm trôi qua, người ông luôn chăm sóc cẩn thận cả hai cái cây này. Chưa đến năm thứ ba, chàng trai đã hỏi thăm về chúng. Chàng vẫn nhớ cuộc thử nghiệm năm nào. Người ông đưa anh đến xem hai cái cây mà họ đã trồng bên ngoài và ở trong nhà. Ông hỏi: “Cháu nghĩ cái nào khỏe mạnh hơn?”
“Chắc chắn là cây ngoài vườn rồi.” Người cháu đáp. “Nhưng cháu không biết tại sao. Nó phải chịu đựng thử thách hơn cái cây trong nhà rất nhiều.”
“Đúng thế.” Ông của chàng đáp, nở một nụ cười ấm áp. “Tuy nhiên, chính vì cái cây này phải chống chọi với nhiều thách thức hơn, nên nó mới lớn nhanh hơn và kiên cường hơn. Cháu nghĩ điều này có xứng đáng không?”
“Rất xứng đáng ạ!” người cháu mạnh mẽ đáp. “Ông hãy nhìn những cành lá của nó hân hoan vươn rộng dưới ánh nắng và bầu trời cao rộng kìa.”
Người đàn ông thông thái đã dạy cho cháu của mình một bài học mà anh ấy sẽ không bao giờ quên. “Việc học hành cũng giống như thế đấy, cháu ạ. Nếu cháu không chịu hành động, cháu sẽ khó lòng trưởng thành và bắt đầu còi cọc, yếu ớt đi, hệt như cái cây trong nhà kia. Nếu cháu luôn chọn con đường ít chông gai nhất, cháu sẽ mãi mãi mắc kẹt ở mức tầm thường hay trung bình. Cháu chỉ có thể khai phá hết tiềm năng khi cháu chủ động chọn đối mặt với những thách thức, ngay cả khi cháu không thích làm - đó gọi là kỉ luật. Cái cây ở ngoài kia cần phải trải qua thử thách mới lớn lên xum xuê, tươi tốt.”
Giữa quá nhiều nhiệm vụ đòi hỏi sự ưu tiên, việc dành thời gian cho bản thân có lẽ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, chính việc đó lại tạo nên sự khác biệt giữa một người xuất sắc và một người trung bình. Một hoạt động phát triển bản thân rất quan trọng chính là đọc. Đó là phương pháp tuyệt vời giúp bạn tìm hiểu sâu sắc hơn về chính mình, về những cách cải thiện chính mình. Bản thân tôi rất thích đọc và thường đăng ký theo dõi các kênh, tạp chí... thú vị để mở mang kiến thức, nhưng bạn có thể làm theo cách của riêng mình. Đọc có lẽ là hoạt động tạo nên sự khác biệt lớn nhất trong sự nghiệp của tôi và nó cũng có thể mang lại tác động tương tự đối với bạn. Tôi rất thích một câu nói được đăng trên tạp chí Fortune: “Nhiều người sẵn sàng nói dối, gian lận, ăn cắp, đâm sau lưng chỉ để tiến xa hơn... trong khi tất cả những việc họ cần làm chỉ là ĐỌC.”
Bạn có biết rằng chỉ cần bạn dành ra 10 - 15 phút mỗi ngày để đọc nửa chương sách của một cuốn sách phi hư cấu có độ dài trung bình, thì một năm bạn có thể đọc xong khoảng 12 cuốn? Sau mười năm, con số này sẽ là 120 quyển, 15 năm là 180 quyển và sau 20 năm, bạn đã đọc hết 240 cuốn sách! Bạn gần như có thể xây dựng cả một thư viện từ số sách đó, chưa kể vốn kiến thức uyên bác mà nó mang lại! Tất cả những việc đó chỉ nhờ 10 - 15 phút bạn bỏ ra để đọc mỗi ngày.
Trong một bài báo của Tevi Troy viết trên tạp chí Business Insider, ông cho biết cựu tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush đã đọc 186 cuốn sách từ năm 2006 đến 2008, trong thời gian đương nhiệm. Mười bốn là số sách mà Abraham Lincoln đọc hàng năm. Bạn hãy so sánh con số này với 4 – lượng sách trung bình một người Mỹ đọc trong một năm. Có thể thấy, đa số tổng thống Hoa Kỳ đều là người mê đọc sách. Nếu ngay cả tổng thống cũng có thể sắp xếp thời gian để đọc thì chúng ta thật khó để nghĩ ra cái cớ nào bao biện cho mình!
Một hoạt động mở mang hiểu biết khác là tham gia, xem những buổi tọa đàm, các khóa học online, hay hội thảo. Ngày nay có vô số cơ hội, từ mất phí đến hoàn toàn miễn phí để giúp bạn tự phát triển bản thân. Bạn có biết rằng nhiều trường đại học, trong đó có Viện Công nghệ Massachusetts, Harvard và Cal Berkley, đang mở hàng trăm khóa học trực tuyến miễn phí cho cộng đồng? Đây là một trang web để bạn tìm những khóa học này là: www.edx.org.
Tuy nhiên, có một điều quan trọng tôi cần nhấn mạnh: Nếu chỉ đọc hoặc tham gia khóa học, tọa đàm thôi là chưa đủ. Hãy dành thời gian áp dụng những gì đã học. Có lẽ giống như hầu hết mọi người, bạn cũng đã từng đọc một cuốn sách, tham gia một sự kiện với ý định sẽ thực hành những kiến thức hay ho mình vừa tiếp thu. Nhưng bạn chẳng bao giờ làm được, vì khi quay lại với công việc, với thói quen thường ngày, thứ tự ưu tiên của bạn lại thay đổi.
Nhưng đừng để chuyện này xảy ra, cả tôi và có lẽ cả bạn đều chắc chắn không hề khuyến khích chuyện này. Trên con đường học hỏi, chúng ta đều cần phải thay đổi hành vi của mình. Bạn có thể đọc hết cả cuốn sách nói về cách sống chân chính nhưng chỉ cho đến khi bạn thật sự bắt đầu sống chân chính, bạn mới tiếp thu được những gì đã đọc. Bạn có thể đọc hết cuốn sách nói về cách làm một đồng đội xuất sắc, nhưng chỉ đến khi bạn áp dụng ít nhất một trong các nguyên tắc đã đọc, vậy kiến thức kia mới là của bạn.
Nhà thơ lãng mạn người Anh, John Keats từng viết trong một bức thư gửi cho anh trai và chị dâu của mình rằng: “Không có gì trở thành hiện thực cho đến khi biến nó thành trải nghiệm – ngay cả một câu châm ngôn cũng không phải là châm ngôn dành cho bạn, đến khi bạn dùng sự sống của mình sống vì điều đó.”
Một hoạt động liên quan mật thiết đến việc áp dụng những kiến thức đã học, đã đọc chính là tích lũy kinh nghiệm. Trong tác phẩm Phù thủy xứ Oz, người bù nhìn đã hỏi phù thủy: “Người có thể ban cho tôi bộ não được không?”
Phù thủy đáp lại: “Một đứa trẻ vẫn có não, nhưng nó không có nhiều hiểu biết, thông thái. Kinh nghiệm là thứ duy nhất mang lại tri thức. Càng lớn tuổi, ngươi sẽ càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm.”
Phần lớn những điều chúng ta học được trong cuộc sống là thông qua kinh nghiệm. Tương tự vậy, cách tốt nhất để bạn có kinh nghiệm trong làm việc nhóm là đảm nhận các dự án, nhiệm vụ thử thách năng lực của bạn. Có lẽ đó là con đường nhanh nhất giúp bạn học hỏi hầu hết mọi thứ.
Nếu bạn muốn quản lý một dự án, việc đọc tài liệu và tham gia sự kiện sẽ cho bạn nền tảng kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, chỉ khi thật sự dấn thân vào thực tế mới nhanh chóng mang đến các giá trị hữu ích nhất. Vì bạn đã được học, được trải nghiệm từ chính những việc bạn làm. Tương tự, nếu bạn có ý định bán một thứ gì đó, và bạn chỉ đọc lý thuyết, tham dự sự kiện, bạn sẽ không thể trở thành người bán hàng kiệt xuất cho đến khi bắt tay vào hành động.
Bạn muốn phát triển sự nghiệp, hãy tích lũy thêm hành trang kinh nghiệm, nhất là về những điều nằm ngoài vùng an toàn của bạn. Can đảm đón nhận thách thức sẽ thúc đẩy bạn tiến bước nhanh hơn.
Tương tự như hai cái cây trong câu chuyện trên, nếu bạn thụ động, bạn không thể trưởng thành. Mỗi năm, hãy dành thời gian xây dựng kế hoạch phát triển bản thân nhằm đạt được mục tiêu bạn hằng mong muốn. Sau đó bắt tay vào thực hiện ngay thôi. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng tôi cam đoan, nó rất xứng đáng để nỗ lực. Hãy dành cho nó sự ưu tiên đúng đắn.
Bài tập áp dụng
Bạn có đang dành đủ thời gian để phát triển bản thân? Nếu không, thì tại sao? Một hoặc hai việc mà bạn có thể làm ngay bây giờ để thúc đẩy bản thân tiến lên là gì?
..........................
Bạn muốn phát triển sự nghiệp,
hãy tích lũy thêm hành trang kinh nghiệm,
nhất là về những điều nằm ngoài vùng an toàn của bạn.
Can đảm đón nhận thách thức
sẽ thúc đẩy bạn tiến bước nhanh hơn.
TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO
Khi bạn thật sự nỗ lực, người khác sẽ tự động noi gương
Có một truyền thuyết xưa kể về một tu viện ở Pháp nổi tiếng khắp châu Âu, về sự lãnh đạo tài tình của một người được gọi là Cha Leo:
Năm đó, có một nhóm tu sĩ lặn lội đường xa đến tu viện của Cha Leo với hi vọng học hỏi ông. Chưa được bao lâu, các tu sĩ đã bắt đầu cãi cọ về việc ai sẽ là người thực hiện các công việc lặt vặt.
Đến ngày thứ ba của cuộc hành trình, họ tình cờ gặp một tu sĩ khác cũng đang trên đường đến chỗ của Cha Leo. Người này gia nhập vào đoàn. Vị tu sĩ này không bao giờ than vãn hay trốn tránh bất cứ nhiệm vụ nào. Bất cứ khi nào những tu sĩ khác đùn đẩy nhau một công việc nào đó, anh sẽ nhẹ nhàng tự nguyện làm nó. Đến ngày cuối cùng, các tu sĩ hay cãi cọ kia đã noi gương người bạn đồng hành cần mẫn của mình. Tất cả mọi người đều cùng nhau nỗ lực.
Khi cả đoàn đến được tu viện và xin gặp Cha Leo, người đón cười và nói: “Cha của chúng tôi đang đi với các anh kia kìa!” Anh ta chỉ vào vị tu sĩ đã gia nhập nhóm sau này.
Trong câu chuyện này, Cha Leo đã chứng minh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của việc làm gương. Và BẠN cũng có thể dẫn dắt người khác bằng cách tương tự như thế. Khi bạn chủ động và nỗ lực đưa nhóm đi lên, làm gương cho mọi người, bạn sẽ thấy nhiều điều bất ngờ xảy ra. Là nhà lãnh đạo, hành động của bạn quan trọng hơn những lời bạn nói hay những chỉ thị bạn yêu cầu người khác phải thực hiện.
Nhà tôi ở cạnh một con đường dành cho người đi bộ, nó bao quanh một công viên. Tôi thật may mắn vì được làm việc tại nhà trong nhiều năm. Nhìn ra cửa sổ là khung cảnh công viên xinh đẹp và dãy núi Nam Utah rực rỡ. Hầu như sáng nào cũng thế, mỗi khi nhìn ra cửa sổ, tôi đều thấy một người đàn ông cao to, lớn tuổi đang đều đặn, chậm rãi chạy quanh công viên. Thỉnh thoảng, người vợ sẽ đi cùng ông. Hai vợ chồng sánh vai bên nhau, từng bước từng bước, tràn đầy yêu thương suốt cả con đường dài.
Người đàn ông lớn tuổi ấy chính là nhà lãnh đạo dù thậm chí ông không hề biết điều đó. Ông truyền cảm hứng cho tôi ngừng bao biện về việc không tập thể dục mỗi ngày. Ông truyền cảm hứng cho tôi bớt lo sợ những năm tháng xế chiều của mình. Ông truyền cảm hứng cho tôi trong vai trò một người chồng, khi ý thức rằng mối quan hệ dài lâu chính là kho báu của cuộc đời. Người lãnh đạo lặng thầm ấy đã có tác động rất quan trọng đối với tôi, dù thậm chí tôi chẳng hề quen biết ông.
Trong cuộc đời bạn, có những ai đã truyền cảm hứng cho bạn, đã để lại dấu ấn sâu đậm cho bạn? Đó có phải là thầy, cô giáo của bạn? Hay là vợ/chồng, bạn bè hoặc đồng đội? Tôi đoán rằng sẽ có rất nhiều người có ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn. Tại sao thế?
Vì có thể họ đã nỗ lực để cải thiện chính bản thân giống như người bạn vong niên của tôi đã làm. Có thể họ đang cố gắng giảm bớt gánh nặng của ai đó, vượt qua một trở ngại trong khi vẫn sống tích cực, hoặc nỗ lực hết mình để trở nên xuất sắc. Dù là gì đi nữa, khi họ thật sự cố gắng, họ cũng đã truyền cảm hứng cho những người xung quanh khao khát hoàn thiện hơn.
Khi chính bản thân bạn không ngừng phấn đấu, mọi người sẽ tự khắc noi gương bạn. Bạn không cần phải tự phong mình là trưởng nhóm, là quản lý hay lãnh đạo mới có thể dẫn dắt người khác. Chỉ cần bạn cam kết sống theo Sáu phẩm chất trong cuốn sách này, là bạn đã bước những bước chân đầu tiên trên con đường truyền cảm hứng và lãnh đạo mọi người. Và bạn cũng đang trở thành một đồng đội tuyệt vời hơn.
Bài tập áp dụng
Bạn đã từng làm việc gì có thể truyền cảm hứng cho đồng đội chưa? Sắp tới bạn sẽ tiếp tục thực hiện thêm những việc tương tự như thế chứ? Bạn có biết những hành động đó đã tạo ra những khác biệt nào không?
.........................