Khi bạn tôn trọng đồng đội, họ cũng sẽ tôn trọng bạn
Một tác giả khuyết danh từng chia sẻ câu chuyện rằng: Cách đây lâu lắm rồi, có một cậu bé nóng tính sống ở một ngôi làng nọ. Một hôm, cha cậu quyết định dạy cho con mình một bài học. Ông đưa cho cậu một túi đinh và bảo: Mỗi lần con nổi nóng, hãy đóng một cây đinh này lên hàng rào.
Trong những tuần tiếp theo, cậu bé đã đóng tới 37 chiếc đinh! Tuy nhiên, nhiều tuần trôi qua, số lượng đinh ngày càng ít đi vì cậu dần học được cách kiểm soát cơn giận của mình. Cuối cùng, cậu bé gần như đã biết cách làm chủ hoàn toàn cảm xúc. Người cha rất tự hào về điều đó và ông nói với cậu: Mỗi khi con kiềm chế được cơn giận dữ thì hãy nhổ một chiếc đinh đi.
Nhiều ngày trôi qua, cậu bé đến nói với bố rằng tất cả đinh đã được nhổ khỏi hàng rào. Người cha sáng suốt nắm tay con trai dắt đến bên hàng rào. Ông nói: “Con trai, con làm tốt lắm. Cha rất tự hào về con! Nhưng cha muốn con hãy nhìn những lỗ hổng này đi. Chiếc hàng rào này sẽ không bao giờ trở lại như trước được nữa. Khi con trút ra những lời lẽ thô lỗ vì nóng giận, con đã để lại một vết sẹo khó lành trong lòng người khác, giống như con đã để lại sẹo trên chiếc hàng rào này vậy.”
Từ đó trở đi, cậu bé quyết tâm không để mình mất lý trí, cáu giận với bất kỳ ai nữa.
Chúng ta cũng có thể như vậy, đóng vào tim nhau những chiếc đinh sắc nhọn, và để lại vết thương khó có thể chữa lành. Đấy có thể là khi các thành viên trong nhóm cư xử với nhau không tử tế, họ hiểu lầm nhau hay thiếu cảm thông cho nhau. Có một điều bạn cần biết, yếu tố nền tảng làm nên thành công của đội ngũ chính là năng lực hợp tác. Năng lực này lại dựa vào tinh thần tôn trọng lẫn nhau của các thành viên. Nếu bạn thật sự muốn thấm nhuần bản chất của tinh thần làm việc nhóm, và thật sự mong muốn đội nhóm của mình phát triển, vậy bạn hãy hiểu rằng tôn trọng là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả mọi người.
Việc này có dễ không? Dĩ nhiên là không, nhưng nếu bạn nỗ lực, cuộc đời bạn sẽ mở sang một trang mới. Bạn không nhất thiết phải yêu mến tất cả mọi người nhưng hãy tôn trọng, tử tế và thông cảm với họ. Bất kì ai cũng có thể xây dựng nên văn hóa tôn trọng cho đội nhóm, kể cả bạn. Khi bạn tôn trọng các thành viên khác, họ cũng sẽ thể hiện thái độ tương tự đối với bạn. Từ đó, mọi người sẽ thấu hiểu nhau hơn, tinh thần hợp tác được đẩy lên cao và kết quả công việc cũng dần cải thiện hơn.
CỞI MỞ TỬ TẾ
Tử tế với người khác có lẽ chỉ là một hành động nhỏ đối với bạn, nhưng có thể có ý nghĩa to lớn với đồng đội
Tháng 5 năm 2010 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Mẹ tôi đột ngột qua đời gần Ngày Của Mẹ. Bà là trụ cột, là trái tim của gia đình chúng tôi. Sau khi mẹ ra đi, rất nhiều người đã viết những dòng chia buồn đầy yêu thương đến bà và tôi vẫn còn giữ lại những lá thư đó.
Tôi vẫn biết rằng mẹ là một người vô cùng đặc biệt, nhưng tôi chưa bao giờ biết bà đã tác động đến nhiều cuộc đời đến thế. Mọi người trìu mến chia sẻ với tôi vô vàn câu chuyện về mẹ tôi. Bà đã dùng tấm lòng bao dung, tử tế và chính cuộc đời của bà để thay đổi cuộc sống của họ.
Kể từ lúc đó, tôi đã bắt đầu tưởng tượng đến đám tang của mình và của cả cha tôi nữa. Tôi cũng từng thấy nhiều người qua đời – những con người rất đáng kính trọng. Tại sao chúng ta phải đợi cho đến khi ai đó ra đi mới nhận ra họ thật sự tuyệt vời như thế nào? Tại sao ta không thường xuyên bày tỏ với họ những suy nghĩ tử tế hơn?
Tất cả mọi người đều có những hạt giống tốt lành trong tâm hồn và tất cả đều xứng đáng được đối xử tử tế. Câu chuyện đầy cảm hứng về nhà vô địch tốt bụng sau đây sẽ chứng minh điều đó:
Trong một cuộc thi diễn ra tại bang Ohio, Meghan Vogel đã giành chiến thắng ở đường đua 1.600 mét. Tuy nhiên, hành động của cô trong chặng đua kế tiếp đã mang về cho cô giải thưởng Tinh thần Thể thao Quốc gia 2012.
Chưa đến một tiếng sau cuộc thi chạy 1.600 mét, Vogel tiếp tục tham gia thi đấu ở chặng đua 3.200 mét. Cô chạy đến gần kiệt sức và tuột lại vị trí cuối cùng. Đến vòng cuối, Vogal thấy Arden McMath (người cô chưa gặp bao giờ) khuỵu xuống ngay trước mặt mình. Từ trước đến giờ, Vogel chưa bao giờ về cuối trong bất kỳ cuộc thi nào. Nên sự việc lần này chính là cơ hội lý tưởng để cô giữ vững kỷ lục đó. Tuy nhiên, thay vì vượt qua McMath, Meghan Vogel lại đến giúp cô ấy.
Meghan kể lại: “Tôi còn nhớ lúc tôi tiến lại gần thì cô ấy [McMath] đang cố gắng hết sức để đứng thẳng lên. Chân cô ấy run lẩy bẩy, cổ không thể nào đứng vững được.”
Vogal dìu McMath đi hết đoạn cuối cùng, cô luôn cố gắng để làm sao đối thủ của mình đi trước. Khi cả hai tiến gần đến đích, đám đông cổ vũ ngày càng nhiệt tình và Vogel hướng dẫn McMath vượt qua vạch đích trước cả mình. Cảm động trước tấm lòng tử tế cao thượng, khán giả hoan nghênh nhiệt liệt cả hai vận động viên.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin WDTN, Vogel nói: “Nếu bạn đã nỗ lực để đến với cuộc thi cấp tiểu bang này, bạn xứng đáng hoàn thành cuộc đua cho dù bạn có là ai. Tôi sẽ giúp cô ấy đạt được mục tiêu đó bằng bất cứ giá nào.”
Khi hai cô gái cùng dìu nhau hoàn thành đường đua, hành động tử tế đó đã lan tỏa cảm hứng tuyệt vời về tinh thần đồng đội cho tất cả . Khi bạn sẵn lòng sát cánh bên mọi người – bất kể đó là đồng minh hay đối thủ, mọi mối quan hệ của bạn đều sẽ thắt chặt, gắn kết hơn, và chính chúng ta cũng trưởng thành hơn.
Nếu bạn muốn giúp đỡ đồng đội một cách cụ thể hơn, hãy thử làm theo năm bí quyết sau. Những việc làm này dù rất nhỏ nhưng sẽ tạo nên sự khác biệt cho bạn, cho nhóm và cho cả tổ chức của bạn.
TRÂN TRỌNG
Một nụ cười ấm áp có sức mạnh vô cùng to lớn.
Nhiều năm trước, gia đình chúng tôi đi dã ngoại ở một công viên giải trí nhỏ, cách nơi tôi sống khoảng bốn tiếng đi đường. Chúng tôi vẫn thường dành nhiều thời gian để tổ chức các chuyến đi như thế cho bọn trẻ.
Bạn có thể tưởng tượng ra khung cảnh lúc ấy: trời nóng khủng khiếp gần như muốn bốc hơi, không khí ẩm ướt, tiếng trẻ con la hét, khóc lóc, cười nói ở khắp nơi... Để có thể điều phối được mọi người trong khu vực này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và cố gắng. Điều đó thể hiện rõ trên khuôn mặt không lấy gì làm dễ chịu của những nhân viên trẻ tuổi. Tất cả đều mệt mỏi, trừ một người.
Người khác biệt đó là một cô gái trẻ khoảng 16, 17 tuổi. Khi bọn trẻ leo lên chiếc xe do cô quản lý, cô liền nở nụ cười thân thiện, hiền hòa. Hành động ấy có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ. Không biết tự lúc nào, tôi cũng bất giác mỉm cười theo. Tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương của cô ấy dành cho những đứa trẻ, cho công việc của mình. Và cô ấy thực sự hạnh phúc. Niềm hạnh phúc hiển hiện ấy khiến tôi vui lây. Tôi cho rằng cô gái không hề biết mình đang tạo ra sự ảnh hưởng như thế nào nhưng cô ấy thật sự làm nên điều khác biệt.
Đã bao giờ bạn gặp một đồng đội có nụ cười lan truyền hạnh phúc chưa? Ngay cả một thứ đơn giản như nụ cười cũng có thể tạo nên không khí khác biệt cho cả nhóm. Nó có thể khiến bạn vui vẻ, người khác dễ chịu và dĩ nhiên, mỉm cười thì cần ít cơ bắp hoạt động hơn là cau mày! Mẹ Teresa từng nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ biết được tất cả những điều tử tế mà một nụ cười giản dị có thể mang lại đâu.”
NHỮNG TỪ NGỮ NHIỆM MÀU
“Làm ơn”, “Cảm ơn” và “Không có chi” đều là những từ ngữ rất bình thường nhưng có thể tạo nên khác biệt lớn lao.
Gay LaSalle, CEO của công ty Đào tạo và Tư vấn LaSalle, đã chia sẻ một câu chuyện đáng nhớ trên blog của tôi vài năm về trước:
“Vài năm trước, tôi ngồi ăn trưa với đứa cháu gái ba tuổi và mẹ của bé. Từ nhỏ cô bé đã được dạy rằng hãy nói ‘cảm ơn’ khi người khác làm việc gì đó cho con. Nhưng khi bé cảm ơn người phục vụ thì người đó không đáp lại mà đi luôn. Cô bé nhìn mẹ và nói: ‘Mẹ, anh ấy đã quên nói ‘không có chi’’. Nếu ngay cả một đứa trẻ ba tuổi cũng chú ý điều đó thì bạn có thể tin chắc rằng những người khác cũng thế.”
Khi chúng ta thiếu lịch sự với người khác, họ chắc chắn sẽ nhận ra.
CHĂM CHÚ LẮNG NGHE
Vợ của tôi được rất nhiều người xem là bạn tốt, nếu không muốn nói là bạn thân. Tôi luôn lấy làm ngạc nhiên là tại sao cô ấy có thể dễ dàng lôi cuốn người khác đến vậy. Hóa ra, tất cả là nhờ vợ tôi có khả năng lắng nghe tuyệt vời, cô ấy thật lòng quan tâm đến cuộc sống của họ. Vợ tôi luôn quan tâm đến người khác nhiều hơn chứ không cố tỏ ra mình là người thú vị.
Trái lại, nhiều người lại thích nói về bản thân họ, đưa ra nhận xét, đánh giá về sở thích cá nhân, hay thậm chí giải quyết vấn đề của người khác mà không thật sự lắng nghe họ đang nói gì. Chúng ta thích tỏ vẻ mình là người hay ho trong mắt mọi người thay vì chú tâm đến họ. Nếu vấn đề được nói tới không làm cho ta hào hứng hoặc không giúp ta “đánh bóng” hình ảnh bản thân, ta thường sẽ ngừng tiếp chuyện.
Nhiều năm trước, khi đang ngồi trong văn phòng với một người đồng đội, đồng thời cũng là bạn tôi, tôi đã chia sẻ về một trải nghiệm cá nhân – một thử thách đau thương tôi vừa trải qua. Trong lúc tôi nói, người đó lại mở điện thoại và bắt đầu kiểm tra email! Tôi không ngờ câu chuyện của mình đáng chán đến vậy và cũng không ngờ anh ấy thiếu tế nhị đến thế. Tôi nhanh chóng chuyển chủ đề rồi lịch sự cáo từ.
Sự tử tế đòi hỏi chúng ta phải luôn tôn trọng đồng đội, mà một trong những biểu hiện của thái độ tôn trọng là tập trung lắng nghe họ nói.
CHIA SẺ NHỮNG SUY NGHĨ CHÂN THÀNH
Nếu bạn đang nghĩ tốt về một đồng đội, hãy chia sẻ với họ. Tương tự như việc tôi nhận được những lời nhắn nhủ trìu mến về mẹ sau khi bà qua đời (tôi đã kể trong chương trước), chúng ta thường giấu kín những suy nghĩ yêu thương đối với mọi người xung quanh. Trên đời này, ít có điều gì nhanh chóng khiến cho mọi người quý mến hơn là việc chia sẻ cảm nhận chân thành.
Nếu bạn đánh giá cao ý kiến của một thành viên trong buổi họp, nếu bạn thật lòng ngưỡng mộ một tính cách nào đó của đồng nghiệp, nếu bạn thấy một đồng đội đã có bước tiến rõ rệt, hãy chia sẻ với họ. Ralph Waldo Emerson từng nói: “Không bao giờ là quá sớm để làm điều tử tế, vì bạn sẽ không thể biết được khi nào là quá muộn.”
LÀM ĐIỀU TỬ TẾ
Như trong Chương 1 chúng ta đã thảo luận, sức mạnh của tinh thần cống hiến là vô cùng to lớn. Việc trao đi không cần hồi đáp có thể tác động tích cực đến cả người cho lẫn người nhận. Đừng hỏi người khác có thể cho bạn những gì, hãy hỏi, bạn có thể làm gì cho họ.
Lòng tốt có sức mạnh thay đổi con người. Leo Buscaglia – một tác giả, nhà giáo dục người Mỹ từng viết: “Chúng ta hay xem thường sức mạnh của một cử chỉ tiếp xúc, một nụ cười, một lời nói dịu dàng, một đôi tai biết lắng nghe, một lời khen chân thành, hay một hành động quan tâm dù nhỏ nhất. Tất cả những điều đó đều có khả năng xoay chuyển cuộc đời.”
Bạn có muốn truyền cảm hứng và giúp đỡ người khác trở nên tốt hơn? Nếu có, hãy bắt đầu bằng một việc tốt ngay thôi. Một hành động tử tế có lẽ rất nhỏ đối với bạn thôi nhưng lại có ý nghĩa to lớn đối với đồng đội.
Bài tập áp dụng
Nếu đồng đội được yêu cầu nhận xét về mức độ tốt bụng của bạn, họ sẽ nói thế nào? Tại sao? Bạn có thể làm gì để lan tỏa hạt giống tử tế?
.......................
Ngay cả một thứ đơn giản như nụ cười cũng có thể tạo nên không khí khác biệt cho cả nhóm.
Nó có thể khiến bạn vui vẻ, người khác dễ chịu và dĩ nhiên, mỉm cười thì cần ít cơ bắp hoạt động hơn là cau mày.
NỖ LỰC THẤU HIỂU
Tất cả chúng ta đều là những con người khôn ngoan khi chủ động thấu hiểu người khác
Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa ở xứ Wales kể về Llywelyn Đại đế, một hoàng tử của Gwynedd thế kỷ 13. Chuyện kể rằng, khi vợ của hoàng tử qua đời, chàng giao cho chú chó trung thành nhiệm vụ trông coi nôi của con mình trong lúc mình đi săn.
Hôm đó, sau một chuyến đi săn, Hoàng tử Llywelyn trở về nhà và phát hiện chiếc nôi của con bị lật úp. Đứa bé mất tích, miệng con chó thì đầy máu, hoàng tử tức giận phóng kiếm vào nó vì nghĩ rằng nó đã giết chết con mình.
Đáp lại tiếng kêu thống thiết của con chó là tiếng khóc của một đứa trẻ. Hoàng tử Llywelyn vội tìm kiếm khắp nơi và thấy được con mình. Đứa bé đang nằm gần xác chết của một con sói dữ tợn. Và thật may không hề có chút thương tích nào. Con chó của hoàng tử thật sự đã bảo vệ đứa trẻ đúng như nhiệm vụ mà chủ nhân của nó đã giao phó.
Người ta kể rằng hoàng tử đã rất ân hận vì giết lầm người bạn trung thành đó đến mức không bao giờ mỉm cười nữa.
Dù kết thúc khá bi thảm nhưng câu chuyện truyền tải một thông điệp cực kỳ ý nghĩa: Khi chúng ta quá vội vàng đưa ra phán đoán và đi đến kết luận, điều này có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc – đôi khi là những nỗi ân hận rất lớn. Thật không may, chúng ta rất hay tự huyễn hoặc bản thân vì những câu chuyện không đúng sự thật. Thay vì nỗ lực tìm hiểu, chúng ta thường tìm cách lên án, đổ lỗi cho người khác trước.
Trong một nhóm, hậu quả của những phán xét nóng vội như vậy có thể gây chia rẽ và làm sứt mẻ tình đồng đội. Giống như kết cục của chú chó trong câu chuyện trên. Hành động này có thể nhanh chóng dẫn đến sự tan rã của nhóm. Để tránh đưa ra kết luận nông cạn về đồng đội, bạn nên luyện tập ba bí quyết sau. Hãy áp dụng chúng, sự tin tưởng, tôn trọng, tinh thần đoàn kết trong nhóm bạn sẽ dần cải thiện.
NGỪNG LẠI MỘT CHÚT
Khi chúng ta đang tức giận, cách sáng suốt hơn cả là dừng lại, chờ đến lúc bình tĩnh rồi mới giải quyết tình huống khó khăn. Nếu Hoàng tử Llywelyn ngừng lại khoảng một, hai phút trước khi giết con chó, chắc hẳn kết cục đã rất khác.
Khi chúng ta nghe và “sáng tạo” những câu chuyện về người khác dựa trên nguồn thông tin hạn chế, ta không chỉ dễ dàng tin tưởng câu chuyện đó ngay mà còn bất chấp mọi giá bảo vệ chúng. Ngày càng khó để tách biệt sự thật khỏi những cảm xúc của chúng ta, chẳng hạn như lo lắng, thất vọng, tổn thương và tức giận. Nếu bạn nhận ra mình đang bị cảm xúc che mờ lý trí, chỉ cần hít thở sâu và tách bản thân ra khỏi những cảm giác tiêu cực mà bạn đang trải qua.
Vài năm trước, tôi đi họp phụ huynh cho cậu con trai đang là thành viên trong đội bóng rổ của trường trung học. Sau khi huấn luyện viên trưởng nói về các chính sách, lịch tập luyện... rồi đến Giám đốc thể thao của trường phát biểu. Ông tha thiết mong các bậc cha mẹ làm theo một nguyên tắc mà ông gọi là “Nguyên tắc 24 giờ”.
“Nếu các anh chị có bất kỳ vấn đề gì bất mãn với huấn luyện viên, xin đừng gặp ông ấy ngay sau trận đấu. Vì khi đó, huấn luyện viên có thể cư xử theo cách mà họ không nên cư xử, khiến cho các anh chị cũng có những hành động không mấy hòa nhã”.
Ông đề nghị phụ huynh chờ sau 24 giờ rồi mới trình bày vấn đề với huấn luyện viên. Việc này giúp các bậc cha mẹ có thời gian nhìn nhận sự việc và giải quyết nó một cách tỉnh táo hơn. Tương tự, đôi lúc bạn nên đi dạo đâu đó trước khi thảo luận với đồng đội về một vấn đề. Giải pháp này đã giúp tôi tránh được xung đột rất nhiều lần. Thật bất ngờ khi lăng kính của bạn có thể thay đổi khi bạn chủ động tách mình ra khỏi hoàn cảnh một chút.
GIẢ ĐỊNH TÍCH CỰC
Một cách để tránh vội vàng đưa ra kết luận là tin rằng mọi người đều có thiện chí. Bạn nên thể hiện sự tôn trọng đồng đội bằng cách bớt nghi ngờ họ. Nhưng nói luôn dễ hơn làm.
Một buổi sáng nọ, tôi đưa bọn trẻ tới trường. Trong lúc lái xe trên con đường đồi ở nơi chúng tôi đang sống, tôi phát hiện ra có người đang “bám đuôi” mình. Tôi không hề ưa những kẻ tò mò theo sau, đầu óc tôi bắt đầu vẽ ra hàng ngàn câu chuyện về lý do tại sao “tên khốn” ấy lại theo sát mình đến vậy. Tóm lại, tôi nhanh chóng nhảy ngay đến kết luận.
Cuối cùng, quá bực mình nên tôi tấp ngay xe vào lề. Khi đó, tôi nhận ra người nãy giờ theo sau và đang vượt nhanh qua mình thật ra là hàng xóm của tôi! Tôi thay đổi thái độ hoàn toàn. Thay vì giận dữ, tôi tự nhủ chẳng có chuyện gì bất ổn vì hẳn người hàng xóm sẽ không bao giờ cố tình chọc giận tôi.
Bởi tôi hiểu rõ người hàng xóm và tính cách của anh, mọi bực dọc lúc nãy nhanh chóng bay biến. Tương tự vậy, khi bạn hiểu thấu đồng đội của mình, niềm tin bạn dành cho họ sẽ rất khó để phá vỡ. Yếu tố then chốt để xây dựng nên mối quan hệ bền vững với các thành viên khác là hãy tin tưởng họ và không hấp tấp kết luận sự việc. Không chỉ vậy, nó còn giúp bạn duy trì suy nghĩ tích cực về họ.
TÌM RA SỰ THẬT
Tôi rất thích một bộ phim hoạt hình kể về một chú cá lớn, màu đỏ, hay tươi cười, đang chuẩn bị cắn miếng mồi “béo bở” trên dây câu của người câu cá. Dòng phụ đề ghi: “Đôi khi tốt hơn hết là bạn hãy ngậm miệng lại!” Chúng ta cũng vậy, khi làm việc nhóm, hãy kiên nhẫn tìm ra sự thật trước khi mở miệng nói với bất kỳ ai!
Để xác định được đâu là sự thật, bạn có thể đặt ra những câu hỏi như: Mình đã nghĩ ra câu chuyện này và đưa ra kết luận ra sao? Có phải mình được nghe người khác kể lại mà người đó lại không trực tiếp liên quan đến tình huống hay không? Thường là như vậy đấy. Có lẽ bạn đã tạo ra câu chuyện đó bằng cách quan sát một việc có vẻ khác thường nhưng dù sao đi nữa, bạn cũng có thể tránh hành động nóng nảy, vội vàng ra kết luận bằng cách trực tiếp nói chuyện với người đưa tin. Còn ngoài ra, việc đưa chuyện từ người không đáng tin cậy hoặc tự mình suy diễn, theo tôi đều là sai lầm.
Một trong những rào cản giao tiếp ngày nay chính là chúng ta rất ít trao đổi với nhau. Trên thực tế, có lẽ đây là nguồn gốc quan trọng nhất gây ra mọi sự hiểu lầm. Hãy trực tiếp nói chuyện với đồng đội để hiểu họ. Bạn sẽ nhận được một trong hai kết quả: những gì bạn nghe được là đúng hoặc sai. Nhưng dù sai hay đúng, bạn cũng đã biết rõ sự thật!
Bất kể chúng ta nghe được chuyện gì trong văn phòng, trong đội nhóm của mình, hãy chủ động tìm hiểu trước khi đưa ra đánh giá.
Bài tập áp dụng
Bạn cần thay đổi những gì để thấu hiểu người khác hơn và tránh hấp tấp kết luận? Tại sao việc này lại quan trọng với bạn?
.........................
BÀY TỎ SỰ ĐỒNG CẢM
Chúng ta ai cũng từng trải qua những nỗi buồn và đương đầu với nhiều thách thức, bất kể chúng ta tỏ ra mạnh mẽ thế nào
Cách đây vài năm, khi đó các con của tôi còn nhỏ, tôi và gia đình của mình đã đến Disneyland chơi cả một ngày trước đêm Giáng sinh, vì nghe người ta bảo rằng hôm đó sẽ không đông đâu. Điều đó sai bét! Trời rất nóng nực, khách đông nghịt, còn tôi thì hết sức cáu kỉnh. Tôi lại có tính hay chê bai người khác. Đối với tôi, dường như hầu hết đám thiếu niên “choai choai” trong công viên hôm đó đều là “những kẻ gây rối”, đội mũ lưỡi trai ngược, mặc quần cạp trễ và áo ba lỗ trắng. Tôi phán xét về tính cách của họ chỉ dựa trên những gì đã thấy trên tin tức gần đây và trong khu phố của mình. Thật buồn khi phải thừa nhận rằng hôm đó, tôi không phải là một người dễ gần cho lắm.
Ngày hôm sau, tức đêm Giáng sinh, trên đường lái xe về nhà thăm bố mẹ, chúng tôi bất ngờ bắt gặp một vụ tai nạn. Một chiếc ô tô bị bốc cháy, nhưng những người bên trong lại không để ý thấy khói bốc ra từ đằng sau. Tôi bảo vợ lái xe đưa bọn trẻ đến nơi an toàn. Sau đó, tôi chạy lại chiếc ô tô kia, giúp hành khách thoát ra và đưa họ sang một chỗ bên kia đường đỡ nguy hiểm hơn.
Những gì tôi chứng kiến tiếp theo đã dạy cho tôi một bài học không thể nào quên:
Trên lề đường, một nhóm thanh thiếu niên đội mũ lưỡi trai ngược, mặc quần cạp trễ và áo ba lỗ bằng vải bông trắng – giống hệt như nhóm thiếu niên mà tôi từng chê trách, giờ đang rưng rưng nước mắt. Nhưng khi ấy, thái độ của tôi hoàn toàn thay đổi. Không có phán xét hay chê bai, chỉ có sự thương cảm và nhẹ nhõm vì họ đã an toàn.
Ngày hôm ấy, tôi đã học được một bài học đáng nhớ: Không ai trong chúng ta có thể tránh hết mọi nghịch cảnh trong cuộc sống. Mỗi người đều sẽ trải qua những nỗi buồn và đối mặt với nhiều thử thách, bất kể ta tỏ ra mạnh mẽ như thế nào. Tất cả chúng ta đều có nỗi khổ riêng; chỉ là một số người giỏi che giấu nó hơn những người khác. Như Plato từng nói: “Hãy sống thật tử tế, vì tất cả mọi người bạn gặp đều đang vật lộn trong một trận chiến cam go.” Sau đêm Giáng sinh năm ấy, tôi đã trở thành một người hoàn toàn khác – một người chồng chu đáo hơn, một người cha tận tâm hơn, một đồng đội biết chia sẻ hơn và một lãnh đạo giàu lòng thấu cảm.
Sự đồng cảm là nền tảng xây dựng tất cả mối quan hệ trong nhóm của chúng ta. Đồng cảm nghĩa là cố gắng nhìn nhận sự việc bằng lăng kính của người khác, là đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Nó giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân đằng sau hành động của một người, trở nên kiên nhẫn, thấu hiểu và bao dung hơn khi cộng tác với mọi người.
Một video của phòng khám Cleveland có tựa đề: “Empathy: the Human Connection to Patient Care” (Tạm dịch: Sự đồng cảm: Sợi dây kết nối với bệnh nhân) đã miêu tả rất xúc động những cảm xúc, thử thách và trải nghiệm khác nhau mà các bệnh nhân lẫn nhân viên của phòng khám phải đối mặt hàng ngày. Đoạn video bắt đầu bằng cảnh một người đàn ông được đưa vào bệnh viện với vẻ mặt hết sức lo lắng: “Cuộc hẹn này thật đáng sợ. Anh ấy đã chịu đựng nỗi sợ này quá lâu rồi.”
Tiếp theo là hình ảnh một người đàn ông trẻ bước ra khỏi bệnh viện với dòng chú thích: “Cuộc phẫu thuật của vợ tôi đã thành công tốt đẹp. Có thể về nhà nghỉ ngơi rồi.”
Đoạn video nhanh chóng chuyển sang cảnh một người phụ nữ lớn tuổi, đang mặc chiếc áo choàng của bệnh viện, vẻ mặt đầy suy tư, bên cạnh là chiếc bình tiếp ô-xi. Dòng chú thích là: “Ngày thứ 29. Đợi chờ một trái tim mới.”
Trong cảnh tiếp theo, một người chồng mang tách cà phê đến cho người vợ đang hết sức lo lắng và đau khổ, với dòng chú thích: “Cậu con trai 19 tuổi của tôi đang trong tình trạng nguy kịch.”
Đoạn video tiếp tục chiếu cảnh những bệnh nhân không hiểu rõ lời bác sĩ nói, những người quá sốc về kết quả chẩn đoán nên không thể hiểu hết những phương án điều trị. Rồi đến cảnh một người đàn ông khổ sở ngồi trong phòng chờ ba tiếng đồng hồ. Trong đoạn video, có xuất hiện một cảnh ba người trong thang máy: một người đàn ông lớn tuổi lo lắng, băn khoăn vì đang không biết mình nên chăm sóc người vợ bị đột quỵ như thế nào, một nhân viên bệnh viện mới ly hôn và một bác sĩ tươi cười hạnh phúc vì vừa biết rằng mình sắp được làm cha.
Liên tục như thế, những bệnh nhân, khách đến thăm, rồi đến nhân viên bệnh viện. Mỗi người họ hoặc đang gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc đón nhận niềm vui xảy ra trong cuộc sống. Mục đích của video này là giúp nhân viên phòng khám Cleveland hiểu được những người xung quanh họ hàng ngày đang trải qua chuyện gì. Khi hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của người khác, các nhân viên có thể làm việc tử tế hơn, tận tâm hơn, nhẫn nại hơn. Và tất cả đều là kết quả đáng mừng mà lòng thấu cảm mang lại.
Đúng như mô tả của đoạn video, phòng khám muốn nói rằng: “Việc chăm sóc bệnh nhân không chỉ đơn thuần là trị bệnh mà còn là xây dựng kết nối giữa tâm trí, cơ thể và tâm hồn. Nếu bạn có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, lắng nghe những gì họ nghe, thấy những gì họ thấy, cảm nhận những gì họ cảm nhận, liệu bạn có đối xử với họ khác đi không?”
Có một hiện tượng xảy ra với hầu hết các tổ chức đội nhóm hiện nay, đấy là tương tác giữa các thành viên chỉ diễn ra khi họ tình cờ gặp nhau trong phòng nghỉ, hay khi cùng tham gia một cuộc họp nào đó, hoặc khi cùng nhau hợp tác trong các dự án. Tuy nhiên, sau tất cả cơ hội tiếp xúc đó, bạn có thể thấy, chúng ta vẫn không biết gì về cuộc sống trước đây hay những thử thách mà người kia đang đối mặt. Nhưng, nếu nhóm của bạn cũng làm một đoạn video tương tự, mọi chuyện sẽ như thế nào? Các dòng chú thích sẽ nói gì? Còn bạn, bạn đã thật sự nỗ lực thấu hiểu người khác chưa?
Là một người cha, tôi đã nuôi dạy năm thiếu niên và vẫn đang nuôi dạy thêm ba đứa nữa – “haizzz” (thực ra mà nói, tôi thương chúng lắm!) Rất nhiều lần tôi cảm thấy bực mình vì sự vô lý, vì khả năng phán đoán chậm chạp, vì chúng không thể tự giải quyết vấn đề của riêng bản thân (tôi nghĩ một số người trong chúng ta có thể hiểu được). Nhưng khi ngẫm lại, tôi thấy, có lẽ nhiều lúc mình đã không hiểu chúng. Khi tôi hít thật sâu và hồi tưởng lại thời thiếu niên của mình, chợt tôi thấy đồng cảm với chúng và nhẫn nại hơn. Tôi chỉ cần mất một phút để nhận ra rằng mình cũng đã từng có một thời giống các con của tôi. Đó chính là sức mạnh kỳ diệu của sự thấu cảm.
Bạn có thể cũng chỉ mất một phút để bày tỏ sự đồng cảm với đồng đội. Chúng ta dễ dàng cảm thông với những người giống mình, còn nếu họ khác ta? Ta lại vội vàng đưa ra những phán xét không công bằng, đôi khi còn rất khắc nghiệt. Sau khi đọc xong cuốn sách này, mong bạn hãy nhớ đến câu ngạn ngữ cổ xưa của người Amish: “Thay vì áp đặt lên người khác, hãy thử đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ.”
Bài tập áp dụng
Bạn có biết đồng đội của mình đang gặp phải những khó khăn gì không? Nếu có, đó là gì? Bạn làm thế nào để đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ, thấu hiểu rõ hơn về họ? Nếu các thành viên bắt đầu có thể cảm thông cho nhau nhiều hơn, khi đó nhóm của bạn đã có những khác biệt như thế nào?
............................