Năng lượng tích cực trong nhóm bắt nguồn từ năng lượng tích cực của một thành viên.
Bạn hãy trở thành thành viên đó!
Trong một ngôi làng Nhật Bản xa xôi nọ, có một chú chó nhỏ hoạt bát và vui vẻ. Chú nghe được rằng có một nơi gọi là “Cung điện của 1.000 tấm gương” và quyết định đi đến đó. Khi tới nơi, chú hân hoan nhảy lên từng bậc cầu thang rồi mở cánh cửa vào lâu đài. Bước vào trong, tai của chú vểnh lên, còn đuôi vẫy liên hồi. Chú chó nhỏ vô cùng kinh ngạc khi thấy 1.000 bạn chó hạnh phúc khác cũng đang vui mừng vẫy đuôi chào chú.
Chú cười rạng rỡ và 1.000 chú chó kia cũng cười đáp lại. Thế là chú thích chí càng cười rạng rỡ hơn. Chú càng cười lớn và vẫy đuôi nhanh bao nhiêu thì cả ngàn người bạn kia cũng làm y như thế.
Khi rời khỏi cung điện, chú chó thầm nghĩ: “Đúng là một nơi tuyệt vời! Mình nhất định sẽ quay lại lần nữa.”
Cũng trong ngôi làng đó, có một bác chó già và rất hay quạu quọ. Bác ta quyết định đến cung điện của 1.000 tấm gương. Khi đến nơi, đầu bác chó gục thấp xuống, thế là bác ta nhìn thấy cả ngàn con chó giận dữ và khó chịu khác cũng đang nhìn mình chằm chằm. Bác liền gầm gừ và hết sức sợ hãi khi những con khác làm y như vậy. Bác nhanh chóng rời khỏi đó và tự nhủ: “Chỗ này thật đáng sợ. Mình sẽ không đời nào quay lại đây nữa.”1
1 Michael Rogers, Are You A Positive Leader? Great Story: 5 Rewards of Positive Leaders, (Tạm dịch: Bạn có phải là một nhà lãnh đạo tích cực? Câu chuyện thú vị: 5 Lợi ích của một nhà lãnh đạo tích cực).
Thái độ của bạn trong vai trò thành viên của một nhóm rất quan trọng đối với thành công chung của nhóm. Nếu bạn lúc nào cũng khó chịu và tỏ thái độ tiêu cực, chắc chắn rằng bạn sẽ nhận lại sự tiêu cực và khó chịu. Nếu bạn hiếm khi dành thời gian để nhìn nhận ưu điểm của người khác thì cũng chẳng mấy ai nhìn ra điểm tốt của bạn. Tương tự, nếu bạn không để tâm khen ngợi đồng đội thì lời khen dành cho bạn cũng rất hiếm hoi.
Điều bạn trao đi cho nhóm cũng chính là điều mà bạn nhận lại. Mỗi ngày, tất cả chúng ta đều ghé thăm Cung điện của 1.000 chiếc gương. Bạn thể hiện bản thân như thế nào trước mỗi tấm gương là do bạn lựa chọn. Cho dù hầu hết đồng đội của bạn tỏ vẻ giận dữ, bạn vẫn có thể chọn mỉm cười trước gương, thay đổi năng lượng tiêu cực và tạo ra sự khác biệt. Tiên phong lan tỏa thái độ tích cực sẽ giúp bạn trở thành “người hùng” của nhóm!
Hãy là người tạo ra những thay đổi mà bạn mong muốn. Nói cách khác, hãy thể hiện tinh thần tích cực trong mối quan hệ với đồng nghiệp, với mục tiêu chung của nhóm và với kết quả mà cả đội đạt được. Bên cạnh đó, luôn tìm cách chúc mừng thành công của mọi người. Triết gia, nhà tâm lý học William James từng nói: “Sự bi quan tạo ra nhược điểm. Tinh thần lạc quan sinh ra sức mạnh.” Bạn thử tưởng tượng sức mạnh của một nhóm toàn những thành viên lạc quan! Năng lượng tích cực của nhóm khởi nguồn từ năng lượng tích cực của một thành viên. Hãy là người đó!
TRÁNH XA SỰ TIÊU CỰC VÔ LÝ
Những đồng đội tích cực dễ dàng tạo ra những đội ngũ tích cực
Tác giả, chuyên gia về thuật lãnh đạo nổi tiếng toàn cầu John Maxwell từng kể câu chuyện vui sau:
“Fred và Martha đang lái xe về nhà sau buổi lễ nhà thờ. Martha hỏi:
- Fred, anh có cảm thấy bài giảng của mục sư hôm nay rất chán không?
- Anh không, nó cũng không đến nỗi nào.
- Ừm, vậy anh có thấy đội hợp xướng rất nhạt không?
- Không, anh không thấy vậy.
- Được rồi, vậy chắc chắn anh phải thấy cặp vợ chồng trẻ và bọn nhóc của họ ngồi ngay trước chúng ta. Họ ồn ào và làm lộn xộn hết cả buổi!
- Xin lỗi em nhưng thực là anh không nhớ.
Cuối cùng, với vẻ chán ngán, Martha bảo: ‘Anh yêu, em thật không hiểu tại sao anh còn chịu khó đi nhà thờ cơ đấy.’1
1 John Maxwell, The 17 Indisputable Laws of Teamwork: Embrace Them and Empower Your Team (Tạm dịch: 17 Quy luật không thể chối cãi của làm việc nhóm: Hãy ôm lấy họ và trao quyền cho nhóm của bạn),
Những đồng đội luôn chăm chăm vào khía cạnh tiêu cực vô cùng nguy hiểm. Một cách âm thầm, thoải mái và hả hê, vào thời điểm thích hợp, họ đổ những cốc thuốc độc tiêu cực này vào người khác.
Các thành viên tiêu cực cũng chính là những KẺ CẮP NĂNG LƯỢNG, bào mòn từng chút động lực mà bạn có. Mỗi khi trò chuyện với họ xong, bạn sẽ cảm giác như mình vừa sống sót qua 12 vòng đấu với huyền thoại quyền Anh Muhammed Ali. Bạn liên tưởng được chứ? Tôi nghĩ bạn cũng đồng ý với tôi rằng hầu hết đội ngũ đều cần tăng thêm năng lượng tích cực và thanh lọc đáng kể năng lượng tiêu cực.
Vài năm trước, tôi có dịp ngồi chung xe taxi trên đường ra sân bay với một đồng nghiệp. Chúng tôi vừa kết thúc một cuộc họp mà tôi nghĩ rằng nó khá thành công. Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi lại có quan điểm khác. Suốt đường đi đến sân bay, tôi phải hứng chịu những phàn nàn tiêu cực về vị lãnh đạo mới. Nhưng cảm nhận của tôi lại khác. Vậy là, từ đó, tôi không còn tin tưởng cô ấy trong nhiều hoạt động chúng tôi cùng nhau hợp tác nữa.
Không đồng tình về ai đó là một chuyện. Cố tình chọn ra các khuyết điểm để rồi quy kết và dán nhãn về tính cách của một người chỉ dựa trên một vài điều mà bạn phản đối, giống như cách đồng nghiệp của tôi đã làm, là chuyện hoàn toàn khác.
Khi gặp một đồng đội liên tục nói xấu về người khác, bạn sẽ hiểu được một điều quan trọng về họ: Nếu họ thoải mái chia sẻ với bạn những suy nghĩ tiêu cực về những thành viên khác, nhất là về người mà họ không hề hiểu rõ (tương tự như việc mà bạn tôi đã làm trên đường ra sân bay), vậy họ sẽ nói như thế nào về bạn?
Mọi người xung quanh sẽ nhanh chóng mất đi sự tôn trọng đối với những đồng nghiệp hay nói xấu người khác. Một câu nói tôi rất thích (tác giả chính xác của nó đến giờ vẫn chưa xác định), đó là: “Những bộ óc vĩ đại thì bàn bạc về ý tưởng. Những bộ óc bình thường thì thảo luận về sự kiện. Còn những bộ óc tầm thường thì bàn tán về con người.”1
1 Ian Chadwick, Great Minds, Small Minds, (Tạm dịch: Bộ óc vĩ đại, bộ óc tầm thường).
Một hành động khá giống với lây lan sự tiêu cực và nói xấu sau lưng người khác chính là đơm đặt, bịa chuyện. Hầu hết mọi người đều đồng tình rằng “ăn không nói có” là việc làm không tốt và gây hại cho tất cả các bên liên quan: người đưa chuyện, người nghe chuyện và quan trọng nhất là “nạn nhân” bị đem ra đặt chuyện.
Vài năm trước, trong lúc đang đánh răng thì hai đứa con báo với tôi rằng thằng bé hai tuổi nhà tôi đã sử dụng cái bàn chải mà tôi đang dùng tối hôm trước! Mặc dù việc này chẳng ảnh hưởng đến nhiều người nhưng tôi vốn là kẻ bị ám ảnh vì sự sạch sẽ và không thích chung đụng đồ dùng cá nhân với người khác, cho dù chúng là con tôi. Bởi vậy, tôi liền bỏ chiếc bàn chải bị nhiễm khuẩn ra khỏi miệng và ném ngay vào thùng rác.
Lúc này, bọn trẻ mới bảo rằng chúng chỉ đùa thôi, đứa em hai tuổi chưa bao giờ dùng tới cái bàn chải nhưng việc đó không còn quan trọng nữa. Chiếc bàn chải sẽ không bao giờ trở lại như cũ được. Việc đơm đặt trong nhóm cũng gây ra hậu quả tương tự và cuối cùng, nó sẽ hủy hoại nền tảng niềm tin giữa các thành viên. Dù chuyện được nói có đúng hay không, nó cũng mãi mãi phá vỡ danh tiếng và phẩm chất của người bị nói đến. Những người đã nghe chuyện sẽ không bao giờ lấy lại ấn tượng ban đầu về người đó. Chưa hết, thành viên đã loan tin đồn đó cũng đánh mất dần niềm tin của đồng nghiệp. Đây là một việc làm gây thiệt hại cho tất cả.
Liệu bạn có thể làm gì để ngăn chặn “vòi bạch tuộc” buôn chuyện này không? Có chứ!
Thứ nhất, bạn hãy tự cam kết sẽ không bao giờ tham gia vào những chuyện “ngồi lê đôi mách”. Những câu nói, trò đùa nhảm chứa đựng ác ý dưới cái mác hài nhảm vô hại.
Thứ hai, khi một thành viên bắt đầu đưa chuyện, bạn có thể sử dụng kỹ thuật “Phép thử ba lớp lọc” (Triple Filter Test) – một kỹ thuật do vị triết gia vĩ đại Socrates phát minh:
Một bữa nọ, một người học trò đến gặp nhà hiền triết và bảo: “Thầy Socrates, em vừa mới nghe được vài tin xấu về người bạn của thầy.” Cậu thông báo với vẻ hồ hởi.
Đáp lại, Socrates nói: “Trước khi em kể cho tôi nghe, chúng ta hãy thử xem nó có vượt qua được phép thử ba lớp lọc không đã.”
“Phép thử ba lớp lọc?”
“Đúng thế. Lớp thứ nhất là gạn lọc sự thật. Hãy nói cho tôi biết, em có tin chắc rằng những gì em sắp kể cho tôi nghe hoàn toàn đúng sự thật hay không?”
Người đàn ông nghĩ ngợi một chút rồi đáp: “Em không chắc lắm vì em nghe được nó từ...”
Socrates tiếp tục: “Lớp thử thứ hai là thiện ý. Tin tức của em có xuất phát từ thiện ý không, không cần biết nó đúng hay sai?”
“Thực ra thì hoàn toàn ngược lại...”
Socrates cắt ngang: “Vậy em định nói với tôi một điều không hẳn là sự thật mà cũng không tử tế ư?”
Cảm thấy hơi xấu hổ, người học trò rụt vai.
“Và đây là phép thử cuối cùng về sự hữu ích. Tin tức đó có giúp ích gì cho thầy không?”
“Không hẳn ạ” – người học trò đáp.
“Nếu câu chuyện em định kể cho thầy nghe chưa chắc đúng sự thật, không xuất phát từ thiện ý và cũng không giúp ích gì cho thầy, vậy em cũng chẳng có lý do gì để kể nó ra.”1
1 Darren Poke, The Triple Filter Test: A Story About Gossip, (Tạm dịch: Phép thử ba lớp lọc: Một bài học của việc “ngồi lê đôi mách”), Better Life Coaching Blog.
Chúng ta nên và cần dành thời gian áp dụng phép thử ba lớp lọc này trong mọi cuộc trò chuyện. Kỹ thuật có tác động mạnh mẽ này sẽ nhanh chóng chấm dứt mọi cuộc “bàn ra tán vào” trong nhóm.
Một giải pháp để ngăn chặn sự lây lan tin đồn tiêu cực là thúc đẩy, lan tỏa tin tức tích cực. Theo Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Canada, thông tin tích cực thật sự có thể giảm thiểu mức độ “truyền nhiễm” độc hại của những chuyện “ngồi lê đôi mách”.2 Bạn có thể trở thành người khởi xướng. Hãy thoải mái khen ngợi về thế mạnh của thành viên khác trong nhóm, chúc mừng thành công của đồng đội. Nói cách khác, chính bạn sẽ trở thành người lan truyền niềm vui! Nguồn năng lượng tích cực sẽ tự động làm nhiệm vụ của nó.
2 Erin Schreiner, When Can Gossip in the Workplace be Positive? (Tạm dịch: Khi nào thì những câu chuyện phiếm ở nơi làm việc có thể trở nên tích cực?).
Bài tập áp dụng
Những câu chuyện tích cực nào bạn có thể bắt đầu chia sẻ trong nhóm ngay? Nó sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào trong trường hợp đồng đội của bạn đang chăm chăm vào tin tức xấu, thay vì lan tỏa tin tức tốt?
............................................
KHEN NGỢI VÀ ĐỘNG VIÊN NGƯỜI KHÁC
Nếu bạn luôn tìm kiếm những ưu điểm ở người khác, bạn cũng sẽ bắt đầu nhận ra những điểm tốt ở bản thân mình
Một câu chuyện ngụ ngôn xưa kể rằng, có bầy ếch đang hớn hở nhảy qua một cánh rừng. Chúng chẳng thèm để tâm đến thế giới xung quanh cho tới khi có hai chú ếch rơi xuống cái hố sâu. Tất cả những con khác nhanh chóng tập trung quanh miệng hố, nhìn xuống khoảng không sâu hun hút. Con nào cũng gãi đầu, cố nghĩ ra cách cứu hai người bạn đang hết sức hoảng loạn dưới kia.
Sau một thời gian, những con ếch bên trên chẳng nghĩ ra cách nào. Chúng đều đồng tình rằng hai con ếch bị mắc kẹt đã hết hi vọng, việc cố thoát ra chỉ tốn công vô ích. Chúng hét xuống bên dưới rằng hai người bạn tội nghiệp hãy chấp nhận số phận của mình.
Không muốn tin vào những con ếch đó, hai chú ếch bị mắc kẹt bắt đầu nhảy lên, cố thoát khỏi hố sâu. Mấy con ở trên bắt đầu hét to hơn – bỏ cuộc, hãy bỏ cuộc đi, không có cách nào thoát được đâu. Sau một lúc, một trong hai chú ếch bắt đầu nghe thấy những lời đó và thật sự buông tay. Nhưng con kia vẫn kiên trì nhảy lên.
Tiếng la hét làm nhụt chí ấy vẫn tiếp tục và ngày một to hơn. Mặc dù đã vắt kiệt đến chút sức lực cuối cùng, chú ếch kiên trì vẫn liên tục nhảy cao hơn một cách thần kỳ. Rốt cuộc, nó nhảy được một cú cao tới mức thoát ra khỏi hố. Bầy ếch xung quanh xúm vào ăn mừng chiến thắng của bạn. Chúng hoang mang hỏi: “Anh không nghe chúng tôi bảo rằng anh hãy ngồi dưới đó luôn đi, rằng anh không thể thoát ra à?”
Đáp lại, con ếch vừa thoát chết giải thích là chú bị lãng tai nên cứ nghĩ bạn bè đang cổ vũ mình nhảy cao hơn. “Tôi đâu có nghĩ các bạn đang khuyên tôi bỏ cuộc. Tôi tưởng mọi người cổ vũ cho tôi.”1
1 The Fable of the Deaf Frog: The Power of Words, (Tạm dịch: Câu chuyện ngụ ngôn về chú ếch bị điếc: Sức mạnh của ngôn từ).
Bằng cách động viên, cổ vũ, chúng ta có thể thay đổi cả cuộc đời của một người.
Nhiều năm trước, những lời động viên, khích lệ trong một cuộc trò chuyện ngắn ngủi với cha đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vừa hoàn thành dự án nghiên cứu cuối cùng để lấy bằng thạc sĩ. Theo quy định, tôi phải trình bày trước hội đồng và bảo vệ về luận điểm của mình, trả lời chất vấn của các giáo sư và bạn cùng khóa. Buổi bảo vệ luận văn đó khá căng thẳng và còn được ghi hình lại. May thay, tôi đã bảo vệ thành công.
Tôi rất tự hào về thành quả đạt được và chia sẻ video đó với cha. Sau khi xem xong, ông nói: “Con nên cân nhắc về việc làm diễn giả trước công chúng. Con thật sự giỏi về việc đó.”
Mặc dù tôi chắc rằng thật ra cha tôi không nghĩ quá nhiều về lời ông đã nói nhưng lời khen đó đã truyền cảm hứng cho tôi. Nhờ nó, tôi làm được những việc như hôm nay đã làm. Tôi chưa từng bao giờ quên kỷ niệm ấy. Kể từ đó tới nay, tôi đã thực hiện hàng trăm bài thuyết trình và hội thảo, “khai quật” một năng lực mà nếu không có gợi ý của cha, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhận ra. Cha chỉ mất có vài giây để khen ngợi, động viên con trai của mình, nhưng những gì ông nói đã gây ấn tượng trong tôi suốt hai mươi năm sau đó. Mark Twain từng nói: “Tôi có thể sống được đến hai tháng chỉ nhờ vào một lời khen.” Còn tôi, tôi đã sống vui vẻ suốt nhiều năm qua bằng lời động viên ngắn gọn, đơn giản của cha.
Còn bạn, lời khen của bạn có tác động như thế nào đến đồng đội? Gần đây bạn có truyền cảm hứng hay khích lệ ai đó không?
Khen ngợi người khác không chỉ đơn giản là nói một điều tử tế. Cách khen ngợi, động viên và tần suất của nó tạo nên sự khác biệt đáng kể. Tôi từng có một đồng đội rất hay nói với tôi: “Anh là một người khá đấy.” Nó không mang đến cảm giác chân thành và thiếu cụ thể. Chưa kể, tôi còn nghe anh ấy nói y như vậy nhiều lần với vài người trong nhóm! Bây giờ, cái tôi của tôi không cần phải được vỗ về thường xuyên nữa. Nhưng nếu hiểu được tại sao anh ấy lại làm như vậy sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể đối với tôi.
Do vậy, cách thức đưa ra lời khen cũng rất quan trọng. Dưới đây là bốn yếu tố quan trọng cần chú ý khi bạn đưa ra lời khen:
CHÂN THÀNH
Lời khen của bạn cần xuất phát từ đáy lòng và đừng khen chỉ vì mong nhận lại điều gì đó. Khi bạn chân thành khen ngợi, đồng đội sẽ cảm nhận được tấm lòng đó thông qua đôi mắt và nụ cười ấm áp của bạn. Sức mạnh từ lời khen sẽ truyền đến họ.
Nếu bạn không thành thật với những điều sắp nói, vậy đừng nói. Nhận được một lời khen giả tạo chỉ khiến người khác tổn thương hơn, bạn có cảm thấy như vậy không?
CỤ THỂ
Mọi lời khen đều cần cụ thể và hãy tránh gây cảm giác “đại trà”. Bên cạnh đó, những bình luận ý nghĩa nhất thường bao gồm cả “như thế nào”. Người đồng đội đó đã tác động đến bạn như thế nào? Phần “như thế nào” nên đặt sau phần “tại sao” bạn khen họ. Một lời khen có đủ những yếu tố này sẽ trở nên chân thật hơn.
Một câu “Làm tốt lắm, Kristen” không thể tác động mạnh mẽ bằng “Scott, anh có biết rằng anh hoàn thành rất tốt nhiệm vụ trong dự án XYZ không? Sự tỉ mỉ của anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều và tôi cũng nghe những người khác nói như vậy.”
NGẮN GỌN
Khi nói một điều tốt đẹp về đồng đội, chúng ta rất dễ sa vào lan man khi tình huống bắt đầu trở nên khó xử. Mỗi người sẽ có cách tiếp nhận lời khen ngợi khác nhau một chút. Có người chỉ cười và cảm ơn. Có người tỏ ra khiêm tốn và chuyển hướng. Và cũng có những người chẳng biết nên nói gì.
Do đó, bạn chỉ cần khen ngợi một cách chân thành, cụ thể. Vậy là được.
VỪA PHẢI, ĐỀU ĐẶN
Bạn cần duy trì mức độ vừa phải trong lời khen của mình: khen quá ít sẽ gây cảm giác gượng gạo, nhưng khen quá nhiều sẽ làm cho người khác cảm thấy giả tạo.
Nãy giờ chúng ta đã nói về cách đưa ra một lời khen hiệu quả, điều quan trọng tiếp theo là hiểu được lợi ích của việc khen ngợi người khác đối với chính bạn:
• Bạn bắt đầu nhận ra ưu điểm của chính mình. Việc khen ngợi người khác không chỉ giúp ích cho đồng đội mà cũng thay đổi cả cuộc sống của bạn. Để đưa ra lời khen chân thành, bạn phải luôn quan sát, tìm hiểu ưu điểm của người khác. Khi làm như vậy, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những điểm tốt trong bản thân mình.
• Người khác cũng nhận ra điểm tốt của bạn. Khi bạn giúp đồng đội nhận ra những điểm tích cực trong chính bản thân họ, họ sẽ hồi đáp những cảm xúc đẹp đẽ đó với bạn. Về bản chất, bạn đang trở thành thỏi nam châm thu hút những lời khen, động viên chân thành từ mọi người. Bạn càng chủ động động viên, khen ngợi, người khác cũng sẽ làm như vậy nhiều hơn, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực. Đó là quy luật cho – nhận. Bất kì ai cũng có thể thể hiện sự ngưỡng mộ thật lòng với nhau.
• Bạn được mọi người yêu quý và sức ảnh hưởng của bạn sẽ tăng lên. Khi bạn thật lòng khen ngợi, động viên người khác, mọi người càng yêu quý bạn và tầm ảnh hưởng của bạn sẽ tăng lên. Các thành viên bắt đầu muốn tiếp xúc với bạn nhiều hơn. Bạn gần như trở thành “đầu tàu” của nhóm. Họ sẵn sàng lắng chăm chú lắng nghe hơn mọi ý kiến, đề xuất và lời khuyên của bạn.
• Bạn cảm thấy hạnh phúc. Khi dành lời khen tặng cho mọi người, chính bạn cũng cảm thấy thật hạnh phúc. Như đã nói trong Chương 1 về tinh thần cống hiến, chúng ta đã biết một người sẽ có thể sống một đời vui vẻ, tích cực hơn khi giúp đỡ người khác.
Khen tặng, động viên là một thói quen tốt cần rèn luyện. Tôi từng nghe kể câu chuyện về một CEO, mỗi sáng ông sẽ bỏ năm viên bi vào túi bên phải của mình. Mỗi lần khen ai đó, ông liền chuyển một viên bi sang túi bên trái. Mục tiêu là đến cuối ngày phải chuyển hết số bi sang túi trái. Sau nhiều ngày như vậy, cuối cùng, ông không cần tới những hòn bi nữa. Khen ngợi người khác đã trở thành thói quen bền vững của ông.1
1 Michael Rogers, Three Tips for Helping Employees Feel Valued, (Tạm dịch: Ba cách để giúp nhân viên tin vào giá trị của bản thân họ).
Bạn có thể tưởng tượng, nếu mọi thành viên trong nhóm đều làm theo cách trên, cuộc sống sắp tới sẽ thay đổi thế nào? Hãy bắt đầu từ chính bạn. Bạn hãy là người tặng những lời khen ngợi chân thành, cụ thể và kịp thời cho người khác. Bạn sẽ thấy sự khác biệt đáng kinh ngạc nó tạo ra.
Bài tập áp dụng
Bạn có thường xuyên khen ngợi các thành viên trong nhóm của mình không? Nếu không thì tại sao? Hôm nay, bạn có thể khen ai? Tại sao việc đó lại tạo nên sự khác biệt tích cực?
..................................
CHÚC MỪNG THÀNH CÔNG CỦA ĐỒNG ĐỘI
Là một thành viên tích cực nghĩa là bạn có thể chúc mừng cho thành công của cả đội chứ không phải chỉ của riêng mình.
Tôi từng dẫn dắt một nhóm toàn những nhà quản lý khắt khe và giàu ý chí. Khi đó, tôi luôn nhiệt tình khuyến khích họ hãy chúc mừng cho thành công của nhóm. Một quản lý trong nhóm của tôi rất giỏi trong việc tôn vinh thành quả của đồng đội cô ấy (và nhiều người khác cũng thế) nhưng cô lại không biết làm thế nào để san sẻ niềm vui với những nhà lãnh đạo khác.
Theo cô, không có nhóm nào giỏi hơn nhóm mà cô đang dẫn dắt. Cuộc họp nào cũng vậy, các quản lý đồng cấp luôn phải nghe về những thành tích xuất sắc mà đội ngũ của cô đã đạt được. Ban đầu, mọi người còn tỏ ra khá vui vẻ. Cho đến khi họ thấy rõ là cô chỉ quan tâm đến thành tích của nhóm mình, họ bắt đầu chuyển sang khó chịu, nói xấu và tránh né làm việc với cô. Dĩ nhiên, đây không phải là công thức đúng đắn tạo nên đội ngũ thành công.
Bạn cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy đồng đội thành công? Vui mừng hay ganh tị? Hào hứng hay tức tối? Bạn sẽ chúc mừng hay phớt lờ? Nếu bạn thực sự muốn trở thành một đồng đội đáng mến, có một hành động không thể thiếu, hãy chung vui với thành quả của tất cả thành viên khác.
Trong lần gần đây nhất người khác chúc mừng bạn, bạn cảm thấy thế nào? Một tác giả chuyên viết về thuật lãnh đạo, đồng thời cũng là bạn tôi – Mark Macy đã kể cho tôi nghe câu chuyện của anh ấy với một đội bóng rổ anh ấy dẫn dắt. Trong đội có một cầu thủ được mọi người gọi trìu mến là “Mọt sách”:
Chuông điện thoại của tôi reo lên. Đó là cuộc gọi từ Sở Công viên và Giải trí (DPR), họ mời tôi huấn luyện cho một đội bóng rổ nữ, gồm các em học sinh lớp 5. Sau cuộc trò chuyện ngắn, tôi được biết rằng đây là nhóm gồm sáu học sinh nữ “bị loại ra” từ nhiều trường. Các em không vào được đội ở trường vì những đội đó đã đày ắp những thành viên xuất sắc rồi.
Bất cứ ai từng làm huấn luyện viên đều biết rằng để có cơ hội chiến thắng, một đội ít nhất phải có năm người chơi khá, cộng thêm vài “ngôi sao”. Nhưng người quản lý đã khẳng định rằng riêng với đội này thì chúng ta sẽ còn tiến xa dài ở mùa giải. Ông ấy có nói thêm nếu họ không thắng được trận nào, vậy cũng chẳng sao. “Chỉ ngài cần đảm bảo tất cả các em đều được chơi trong mỗi trận là tốt rồi.”
Trong cuộc trao đổi, tôi đã thuyết phục được người quản lý cho phép tôi tuyển thêm ít nhất một cầu thủ, chúng ta sẽ có thể tham gia mùa giải với bảy thành viên. Hai trong số bảy em này trước đó đã từng ra sân. Bốn em thì mới biết bóng rổ là gì và người cuối cùng vào đội vì bố mẹ muốn em tham gia ngoại khóa để biết đó biết đây. Chưa nghĩ ra được cái tên nào hay hơn nên tôi sẽ gọi thành viên cuối cùng này là “Mọt sách”.
Chúng tôi bắt đầu luyện tập tại phòng gym địa phương vài buổi một tuần, tập luyện từ những nguyên tắc cơ bản và chiến thuật phòng thủ, tấn công cực kỳ đơn giản. Thậm chí chúng tôi còn học cả các kỹ thuật in-bounds1.
Khi luyện tập, tôi phải nói rằng “Mọt sách” đã phải trải qua một thời gian rất khó khăn. Kỹ năng chơi bóng của em hầu như không có. Em không thể ném bóng đủ cao để chạm đến lưới dù đứng ở bất kỳ điểm nào trên sân, chứ đừng nói đến việc ném vào rổ. Mẹ của em đã đến gặp riêng tôi và hỏi liệu bà có thể giúp gì cho cô bé sau giờ tập. Tôi hướng dẫn cho bà một số bài tập thật đơn giản với suy nghĩ rằng ít ra, chúng có thể bảo vệ “Mọt sách” khỏi bị thương khi ra sân.
Chẳng mấy chốc, trận đấu đầu tiên đã tới. Bằng phép màu nào đó, chúng tôi đã giành được vài điểm. Lại còn thắng bốn trận liên tiếp! Qua từng trận đấu, tôi đã dùng chút thủ thuật để hạn chế việc chơi bóng của “Mọt sách”. Tôi cố tránh cho cô bé khỏi tương tác nhiều với đồng đội, để không phải bị xấu hổ.
Nhưng tôi biết, rồi sẽ có một trận đấu mà “Mọt sách” thật sự chạm tay vào bóng và bị trọng tài phạt lỗi. Khi đó, cô bé sẽ đi ra ngoài biên, xấu hổ vì không thể ném quả bóng cao quá một mét. Tôi nhất định không thể để chuyện đó xảy ra.
Giải pháp của tôi là tập trung luyện cho cô bé ném phạt sau giờ tập chính thức. Cuối cùng, tôi phát hiện ra rằng có lẽ kiểu ném “granny” (giữ bóng ở giữa hai chân rồi hất vào rổ thay vì ném theo kỹ thuật thông thường) có lẽ là cách duy nhất để em ấy có thể ném bóng đủ cao, chí ít là chạm gần đến vành rổ.
Trận đấu này cuối cùng đã đến. Chắc bạn cũng có thể đoán được, “Mọt sách” phạm lỗi. Trọng tài ra hiệu cô được ném hai cú và chỉ cho cô bé đường ném ở đâu. Đôi chân và đôi tay bé nhỏ của em run lên, đầu thì cúi thấp, cô học trò của tôi đang sợ tái cả người. Tôi yêu cầu ngừng trận đấu một chút.
“Mọt sách” đứng đó, giữa đám đông, tôi nắm chặt tay học trò, cố giữ cho nó bớt run và nói rằng tôi tin em sẽ làm rất tốt. Tôi nhắc cho cô bé nhớ lại những giờ luyện tập và chúng tôi ôn lại về kiểu ném “granny”. Các đồng đội khác cũng bày tỏ sự tin tưởng ở bạn mình. Đám đông ồn ào lên. “Mọt sách” quay trở lại vạch ném phạt. Dường như cô bé không còn lo lắng lắm, nhưng chắc chắn không hề tự tin như một người biết chắc mình sẽ thành công.
Khi trái bóng từ tay cô bé bật lên, tôi thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, làm ơn cho nó chạm vào vành rổ đi!” Quả bóng bay lên, lên cao nữa và, trước sự kinh ngạc của tôi, nó thậm chí còn bay cao hơn rổ. Rồi phép màu đã xảy ra: Bóng rơi chính xác vào rổ. Tôi thề đấy!
“Mọt sách” ngỡ ngàng. Đám đông bùng lên hỗn loạn. Tôi đứng đó và không tin vào mắt mình. Tôi yêu cầu ngừng trận đấu một lần nữa! Tại sao nhỉ? Để chúng tôi chúc mừng cả đội và tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc đó cùng nhau chứ làm gì. Chúng tôi đã nỗ lực chăm chỉ suốt cả mùa giải. Rất nhiều may mắn đã mỉm cười với đội. Bây giờ là lúc chúng tôi tận hưởng và chung vui với thành công của “Mọt sách”. Một phép màu tương tự có lẽ sẽ không bao giờ lặp lại.
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Cô học trò của tôi quay lại sân để thực hiện cú ném thứ hai. Lần này, em không lê bước hay cúi đầu xuống nữa mà sải những bước đi tự tin chưa từng thấy. “Mọt sách” cầm lấy trái bóng, lặp lại các động tác cũ và quả bóng vào rổ lần thứ hai!
Lần thứ ba tôi đề nghị dừng ngay trận đấu! Để làm gì vậy? Để chúng tôi ăn mừng lần nữa chứ! Đó là hai điểm duy nhất do “Mọt sách” ghi được trong năm đó.
1 In-bounds: Kỹ thuật cướp bóng từ ngoài biên và ném vào rổ.
Câu chuyện này khiến bạn cảm thấy hân hoan chứ? Chắc bạn có thể tưởng tượng ra niềm vui của từng thành viên trong đội, bất kể đó là ngôi sao hay một cầu thủ bình thường, tất cả đều chân thành chia sẻ thành công với “Mọt sách”.
Bạn không cần phải chuẩn bị cầu kỳ hay trau chuốt để chúc mừng cho đồng đội đâu. Dù chúng ta có thể tổ chức hẳn một bữa tiệc với bong bóng rực rỡ rồi phát sóng trực tiếp... nhưng cũng có thể chỉ cần nói với họ rằng, ta rất vui và tự hào về thành quả của họ. Như trong trường hợp của “Mọt sách”, tôi chỉ cần đề nghị dừng trận đấu vài phút thôi.
Khi chúng ta chúc mừng thành công của người khác, một cảm giác gần giống như “hiệu ứng cống hiến” (đã nói đến trong Chương 1) sẽ xảy ra trong ta. Càng hết lòng vì người khác, ta càng dạt dào yêu thương, mong muốn giúp đỡ càng trở nên mạnh mẽ. Tương tự, nếu ta thật lòng chung vui với thành tựu của đồng đội, ta càng tôn trọng, yêu mến họ. Tình cảm ấy lại một lần nữa giúp ta nhiệt tình chia sẻ với thành công của họ hơn nữa.
Samuel Goldwyn, nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Do Thái từng nói: “Khi ai đó làm được một việc tốt, hãy khen ngợi họ! Bạn sẽ mang đến niềm hạnh phúc cho cả hai người.”
Bài tập áp dụng
Đồng đội của bạn có những thành công nào mà bạn có thể chúc mừng họ? Tại sao việc chung vui với người khác lại là việc nên làm?
..............................