Để trở thành một đồng đội khiêm tốn cần rất nhiều thời gian cùng nỗ lực, và lựa chọn đó không phải lúc nào cũng dễ chịu
"Vào một buổi chiều năm 1953, nhiều phóng viên và quan chức đã tập trung tại một ga tàu Chicago để đón người đạt giải Nobel Hòa bình năm 1952. Người đó bước xuống tàu – một người đàn ông vạm vỡ, cao gần hai mét với mái tóc bờm xờm và bộ ria mép vĩ đại.
Khi những tia đèn flash từ máy ảnh liên tục nháy sáng, các quan chức của thành phố tiến đến, giang rộng tay và nói với ông rằng họ rất vinh dự khi được gặp ông. Ông lịch sự cảm ơn họ rồi nhìn qua đám đông và xin phép mọi người cho phép đi qua. Người đàn ông nhanh chóng sải bước vượt khỏi đám đông, đến bên cạnh một người phụ nữ da đen lớn tuổi đang vất vả xoay sở với hai chiếc va li lớn.
Bằng đôi tay to lớn, ông xách hai chiếc va li lên, mỉm cười và hộ tống người phụ nữ lên xe buýt, sau đó chúc cô thượng lộ bình an. Trong lúc đó, đám đông vẫn xôn xao sau lưng ông. Ông quay lại nói với họ: ‘Xin lỗi vì đã để mọi người phải đợi tôi.’
Người đàn ông ấy chính là Tiến sĩ Albert Schweitzer – một bác sĩ, nhà truyền giáo nổi tiếng đã cống hiến cả cuộc đời để giúp đỡ những người nghèo nhất trong những người nghèo ở châu Phi.
Ngày hôm ấy, mọi người đã nhận được một bài học về sự khiêm nhường và tinh thần cống hiến. Tương tự như Tiến sĩ Schweitzer, thái độ và hành động khiêm tốn của mỗi chúng ta có thể thay đổi và truyền cảm hứng cho người khác. Tuy nhiên, trong một nhóm, để trở thành một đồng đội khiêm tốn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Quá trình này, nó không phải lúc nào cũng thoải mái. Khiêm tốn là phẩm chất chúng ta có thể rèn luyện. Nhưng nó không chỉ đơn giản là bạn mong ước có nó, rồi bỗng nhiên một ngày bạn biến thành người khiêm tốn.
Một đồng đội khiêm tốn là người xem kết quả làm việc của cả nhóm đến đâu là trách nhiệm của chính bản thân mình. Họ sẽ tự hỏi “Có việc gì mình có thể làm tốt hơn không?” Nếu không đáp ứng được như kỳ vọng, họ sẽ không đổ thừa cho người khác. Với bản tính khiêm nhường, họ không xem sai lầm là một điều tồi tệ mà là cơ hội để học hỏi và phát triển. Họ hiểu rằng mắc lỗi là một phần không thể tránh được của quá trình học tập phát triển.
Một đồng đội khiêm nhường sẽ luôn biết ơn những gì người khác đã làm cho mình. Biết ơn sự hỗ trợ từ những người đã giúp họ tiến tới thành công. Bên cạnh đó, người khiêm tốn vốn đủ tự tin vào bản thân, vì thế họ không còn động lực so sánh, lo sợ, đố kị vì thành tựu của đồng đội. Họ chân thành chúc mừng cho thành công của đồng nghiệp chứ không hề cảm thấy ganh tị.
CÓ TRÁCH NHIỆM
Muốn trở thành người có trách nhiệm
không phải là chuyện dễ.
Tuy nhiên, đó là hành động đúng đắn
đối với bạn, với đội ngũ với cả tổ chức của bạn
Ngày 2 tháng 6 năm 2010, tại mùa giải bóng chày Major League, Armando Galarraga – cầu thủ ném bóng của đội bóng chày Detroit Tigerers sắp sửa có được một trận thắng tuyệt đối, điều cực kỳ hi hữu trong một mùa giải. Chiến thắng tuyệt đối nghĩa là trong ít nhất chín hiệp liên tiếp, không có bất kỳ cầu thủ nào của đội đối thủ chiếm được khung thành. Tuy nhiên, trong hiệp cuối cùng, Jim Joyce, vị trọng tài ở khung thành số 1 công nhận đội tấn công đã chiếm khung thành an toàn, chấm dứt chuỗi ném bóng hoàn hảo của Galarraga.
Joyce vẫn tin rằng quyết định của mình là đúng cho đến khi ông xem lại băng ghi hình sau trận đấu. Đoạn băng cho thấy rõ ràng cầu thủ chạy lên chiếm khung thành bị loại, Galarraga lẽ ra sẽ được công nhận có một trận thắng tuyệt đối. Vị trọng tài khiêm tốn ngay lập tức đến gặp cầu thủ ném bóng 28 tuổi người Venezuela để xin lỗi về quyết định sai sót này.
Chuyện xảy ra sau đó tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng! Bất ngờ thay, Galarraga vẫn tha lỗi cho phán quyết sai lầm của Joyce. Dù nó khiến anh mất đi một thành tựu mà có lẽ, anh sẽ không bao giờ có thể đạt được lần thứ hai trong sự nghiệp: Ném một trận thắng tuyệt đối. Galarraga nói: “Có lẽ ông ấy còn cảm thấy đau khổ hơn tôi. Nhân vô thập toàn. Chúng ta đều là con người. Tôi hiểu chứ. Phải nói là tôi cực kỳ trân trọng ông ấy khi ông nói ‘Tôi cần nói chuyện với anh.’ Bạn biết đấy, sẽ rất khó để chúng ta gặp được môt trọng tài thành thật đến xin lỗi với cầu thủ về sai sót của mình sau trận đấu. Lúc đó, tôi đã ôm lấy ông ấy.”
Đáng kinh ngạc đúng chứ? Tinh thần trách nhiệm có thể xoa dịu những vết thương, ngay cả trong tình huống có vẻ nghiêm trọng nhất. Thay vì chối bỏ sai sót hay chỉ bàng quan nhún vai nói “đời là thế”, Jim Joyce đã can đảm đứng ra và khiêm nhường nhận hoàn toàn trách nhiệm về quyết định sai lầm của mình.
Làm sao bạn có thể không yêu quý những người như thế chứ, đúng không? Jim Joyce đã chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao độ. Và cả Joyce lẫn Galarraga đều thể hiện lòng bao dung tuyệt vời khi đối mặt với một tình huống khó xử. Các đội ngũ thành công có tinh thần trách nhiệm khi mỗi thành viên đều có trách nhiệm về hành động của mình cũng như bất kỳ hệ quả nào có thể xảy ra. Khi mới vào nghề, tôi may mắn được tham gia một nhóm đã dạy cho tôi nhiều bài học đáng quý về phẩm chất này.
Tôi được phân công vào một nhóm mới tinh đang khảo sát thị trường mới với người trưởng nhóm cũng khá mới. Cả đội được yêu cầu đến tham gia họp tại một trong các chi nhánh khu vực để thảo luận về chiến lược trong năm kế tiếp. Buổi sáng ngày đầu tiên, nhiều thành viên đi muộn sau 8 giờ. Thời gian mà chúng tôi được đề nghị phải có mặt. Bạn có thể tưởng tượng, vị sếp mới của tôi càng lúc càng khó chịu, thất vọng khi mỗi thành viên ung dung đến trễ, rót cà phê, phết bơ vào bánh và ngồi vào chỗ, hoàn toàn không ý thức về sự trễ nải của họ.
Khi tất cả mọi người đã yên vị, người lãnh đạo một lần nữa nhắc nhở về chuyện đúng giờ, dù điều này đã được nói rõ trong email mà ông gửi ngày hôm qua. Trong những ngày tiếp theo, không một ai đi trễ nữa. Có lẽ, hôm đầu tiên đó, hầu hết thành viên không cảm thấy rằng việc đi trễ của mình là sai vì những người khác cũng chưa đến. Tuy nhiên, sau đấy, họ đã nhận ra đó là suy nghĩ hết sức sai lầm.
Những người đến muộn đã có thể cãi lại, bao biện cho sự trễ nải của mình, hay thậm chí là chỉ trích người sếp mới. May thay, không có ai làm như vậy. Mỗi thành viên trong nhóm đều nhận thức rằng họ đã sai và chịu trách nhiệm cho hành động ấy. Giả sử, ngay từ đầu mọi người đi đúng giờ như đã được hướng dẫn trong email thì câu chuyện sẽ tốt đẹp hơn chứ? Chắc chắn rồi. Nếu họ làm được như thế, họ chính là những người đồng đội hết sức tuyệt vời. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ biết nhận lỗi và sửa sai. Họ đã trở nên có trách nhiệm hơn.
Bên cạnh việc nhận lỗi và sửa sai, những đồng đội có trách nhiệm còn rất chủ động. Họ hiểu rằng mỗi người đều có nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu và đóng góp cho thành công chung của nhóm. Thay vì chờ đợi “sai đâu làm đấy”, hay thậm chí tệ hơn, chờ người khác nhắc nhở khi làm sai, họ sẽ chủ động hành động. Đó là điều làm nên sự khác biệt của một người giàu tinh thần trách nhiệm.
Một ví dụ thể hiện rõ ràng nhất phẩm chất này là biểu hiện trong các cuộc họp nhóm. Thay vì khó chịu vì lại phải tham gia một “cuộc họp tẻ nhạt” nữa, những thành viên năng nổ sẽ tự hỏi: “Mình có nhiệm vụ gì trong buổi hôm nay? Mình sẽ được giao phó nhiệm vụ gì? Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu chung? Mình có thể làm gì để chuẩn bị tốt hơn cho buổi họp lần này?”
Đặt ra những câu hỏi này sẽ mang lại hiệu quả khác biệt so với việc bạn chỉ hời hợt có mặt trong cuộc họp. Đó là một cấp độ hoàn toàn khác của ý thức trách nhiệm cá nhân, trong vai trò thành viên nhóm cũng như người dự họp.
Khi bạn xác định trách nhiệm của mình trong đội nhóm, đừng tìm cách đổ thừa cho người khác, biện minh về lý do bạn thất bại hay chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thay vào đó, hãy tự hỏi xem mình có thể làm gì khác đi, có thể thay đổi điều gì để phát triển bản thân và đội ngũ, giúp cả nhóm đạt được mục tiêu đã định. Muốn trở thành người có trách nhiệm không phải là chuyện dễ. Như trọng tài Jim Joyce đã chứng minh cho chúng ta điều đó. Tuy nhiên, đó luôn là việc làm đúng đắn cho bạn, cho nhóm và cho tổ chức của bạn.
Bài tập áp dụng
Bạn có thể làm gì để thực hiện tốt trách nhiệm cá nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc, giúp cả nhóm đạt được mục tiêu đã định?
..............................................
HỌC HỎI TỪ SAI LẦM
Sai lầm duy nhất có thể gây ra hậu quả tiêu cực thật sự chính là sai lầm ta không chịu thừa nhận và rút kinh nghiệm từ đó
Trong cuốn sách Hạt giống Tâm hồn 2, hai tác giả Jack Canfield và Mark Vincent Hansen đã kể lại một câu chuyện rất hay:
“Gần đây tôi nghe Stephen Glenn kể về một nhà khoa học nổi tiếng đã tạo ra nhiều bước đột phá quan trọng trong y học. Một phóng viên đã phỏng vấn ông, người đó hỏi rằng: Tại sao ông nghĩ mình có khả năng sáng tạo tốt hơn so với nhiều người khác. Điều gì khiến ông khác biệt rõ rệt so với mọi người?
Ông đáp, tất cả đều xuất phát từ một trải nghiệm của ông với mẹ hồi ông mới hai tuổi. Hôm đó, ông đang cố lấy chai sữa ra khỏi tủ lạnh. Bất ngờ, ông tuột tay, cái chai rơi xuống đất, sữa đổ tung tóe – một vệt sữa lênh láng trên sàn!
Khi người mẹ bước vào nhà bếp, thay vì quở trách, dạy dỗ hay đánh phạt ông, bà nhẹ nhàng nói: ‘Robert, con vừa làm ra một mớ lộn xộn đẹp tuyệt! Mẹ hiếm khi nhìn thấy một vũng sữa lớn thế này. Ừm, sữa cũng đã đổ rồi. Con có muốn ngồi xuống, nghịch ngợm một chút trước khi mẹ con mình dọn dẹp không?’
Thế là nhà khoa học hồi bé của chúng ta nghịch sữa thật. Sau vài phút, mẹ ông bảo: ‘Con biết không Robert, bất cứ lúc nào con làm mọi thứ lộn xộn thế này, con sẽ phải dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp như lúc đầu. Vậy con định làm sao để biến nó thành công việc con yêu thích? Chúng ta có thể dùng một miếng bọt biển, khăn hoặc cây lau nhà? Con thích chọn cái nào?’ Cậu bé chọn miếng bọt biển và hai mẹ con lau sạch chỗ sữa bị đổ.
Sau đó, người mẹ nói tiếp: ‘Nào con, chúng ta vừa mới thất bại trong việc bê một chai sữa lớn bằng đôi tay nhỏ xíu của con. Bây giờ chúng ta sẽ ra sân sau, con đổ đầy nước vào cái chai này và xem xem có cách nào mang chúng vào mà không làm đổ ra nhé.’ Cậu bé đã học được rằng nếu dùng cả hai tay cầm ở cổ chai thì mọi chuyện đều ổn cả. Quả là một bài học tuyệt vời!
Sau này, nhà khoa học nổi tiếng ấy nhìn ra rằng, nhờ chính khoảnh khắc đó, ông biết mình không cần e sợ sai lầm. Thay vì vậy, ông nhìn nhận sai lầm là cơ hội để học hỏi thêm những điều mới. Suy cho cùng, đó cũng chính là tinh thần của các thử nghiệm khoa học ông đã thực hiện. Dù thử nghiệm ‘không thành công’ nhưng chúng ta vẫn rút ra được giá trị từ nó.”
Trong một nhóm, bạn và các đồng đội đều có thể sẽ phạm phải sai lầm. Bạn sẽ xem đó là cơ hội để học hỏi và hướng đến thành công hay là thất bại? Doanh nhân Thomas J. Watson Jr. từng nói: “Nếu bạn muốn tăng tỉ lệ thành công, hãy nhân đôi tỉ lệ thất bại.”1 John Wooden, huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại của Đại học California đã nói: “Những người dám hành động thường phạm sai lầm. Có làm mới có sai. Nhưng có làm mới có thành công.”2
1 Harvey Deutschendorf, 5 Ways to Reframe Your Failures, (Tạm dịch: 5 cách sửa chữa sai lầm của bạn).
2 Richard Farson and Ralph Keyes, Whoever Makes the Most Mistakes Wins: A Paradox of Innovation (Tạm dịch: Ai mắc lỗi nhiều nhất sẽ là kẻ thắng cuối cùng: Nghịch lý của sự đổi mới).
Để xác định xem bạn có đang đi đúng hướng không, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau: Mình thường phản ứng thế nào trước sai lầm của bản thân và của đồng đội? Khi phạm sai lầm, mình có dũng cảm thừa nhận không?
Cố tình che đậy sai sót không phải là ý kiến sáng suốt. Cách lấp liếm này sẽ cản trở việc giải quyết vấn đề, bỏ lỡ cơ hội học hỏi và lãng phí nguồn năng lượng quý giá. Thậm chí, nó có thể đẩy bạn đến chỗ bị đồng đội xa lánh, nhất là khi bạn liên tục tìm cách đổ thừa cho người khác và “gắp lửa bỏ tay người”.
Hầu hết những bài học ta học được trong cuộc sống đều không thể tránh khỏi sai lầm. Chúng ta sẽ thường xuyên phạm lỗi. Từ khi còn là một đứa trẻ, con người đã tiếp thu những điều mới mẻ và lạ lẫm thông qua thất bại. Dù là tập đi, tập hát, hay tập chạy xe đạp, tất cả chúng ta đều từng phạm kha khá sai sót.
Nếu bạn sợ sai lầm, bạn sẽ có tâm lý e ngại thử nghiệm những điều mới lạ. Nói một cách ngắn gọn, không có thất bại, bạn sẽ chẳng học hỏi được gì! Lý do khiến chúng ta miễn cưỡng thừa nhận bất kỳ khuyết điểm nào xuất phát từ sự nhập nhằng giữa hành động và bản sắc cá nhân. Khi thừa nhận mình đã sai sót, ta thường sợ người khác sẽ đánh giá ta là thiếu năng lực hoặc kém thông minh. Đối với nhiều người, ý nghĩ này thực đáng sợ, nhưng thật ra nó hoàn toàn sai. Ngược lại, khi thẳng thắn tự nhận lỗi, trong mắt người khác, chúng ta trở nên giỏi giang, sáng suốt hay thậm chí đáng tin cậy hơn.
Vào những năm 1980, một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Cleveland State đã khám phá ra một điều bất ngờ:
Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho David và John đóng giả làm ứng viên đi xin việc ở các công ty. Cả hai người đều có hồ sơ ứng tuyển và thư giới thiệu giống nhau nhưng trong thư của John thì có thêm câu này: “Đôi lúc John khó có thể hòa đồng với mọi người.” Cả hai bộ hồ sơ đều được gửi đến một số giám đốc nhân sự. Theo bạn, ai sẽ là người nhà tuyển dụng ưng ý hơn? Thật đáng ngạc nhiên, phần lớn “giám khảo” đều chọn anh bạn John khó-gần.1
1 Harry Beckwith, Selling the Invisible: A Field Guide to Modern Marketing (Tạm dịch: Bán cái vô hình: Hướng dẫn thực chiến về Tiếp thị hiện đại).
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, chính lời phê bình đó lại giúp cho những lời khen ngợi về John đáng tin cậy hơn. Việc thừa nhận điểm yếu của anh thật sự đã giúp anh chinh phục nhà tuyển dụng! Tóm lại, dũng cảm thừa nhận khuyết điểm sẽ gia tăng uy tín của bạn. Bạn càng tự nguyện nhìn thẳng vào thiếu sót và hoàn toàn nhận trách nhiệm về hành động của mình, người khác càng tín nhiệm bạn. Sự khiêm nhường sẽ mang đến cho bạn trái ngọt nếu bạn chịu khó vun trồng.
Những đồng đội không ngại thừa nhận điểm yếu của mình thường được các thành viên khác tin tưởng nhiều hơn. Trong mắt người khác, họ được đánh giá là tận tâm với nhóm và thành công của nhóm, vì họ dám chịu trách nhiệm với hành động của mình. Trên thực tế, thậm chí họ còn được đồng đội xem là “đầu tàu” nhờ bản tính và cách xử sự khiêm nhường.
Ai cũng có thể phạm sai lầm. Hãy thừa nhận, chịu trách nhiệm về nó, xin lỗi nếu cần thiết và mạnh dạn bước tiếp. Hãy là người tiên phong xây dựng văn hóa dũng cảm, dám làm dám nhận và học hỏi từ thất bại. Giống như các bài học khác trong cuốn sách này, khi bạn là người đặt nền móng đầu tiên, cảm hứng đó sẽ được lan tỏa cho nhiều người.
Nếu một thành viên mắc lỗi, hãy lắng nghe họ giải thích, chấp nhận sai sót, động viên họ cải thiện và cho qua chuyện đó. Đây chính là văn hóa không thể thiếu của một đội ngũ vững mạnh. Sai lầm duy nhất có thể gây ra hậu quả tiêu cực thật sự chính là sai lầm ta không chịu thừa nhận và rút kinh nghiệm từ đó.
Bài tập áp dụng
Hãy nhớ lại một sai lầm gần đây mà bạn hoặc đồng đội đã mắc phải. Bạn đã giải quyết nó như thế nào? Tại sao bạn chọn cách xử lý đó? Có việc gì bạn muốn làm khác đi nếu sau này gặp tình huống đó không?
.......................................
THU THẬP PHẢN HỒI
Việc hỏi xin nhận xét từ đồng đội chính là món quà mà nhóm tặng cho bạn và ngược lại
Nhiều năm trước, tôi và vợ thường bất đồng quan điểm với nhau trong nhiều chuyện – vấn đề thường gặp của các cặp vợ chồng. Khi ấy, tôi rất khó chịu nên đã buột miệng: “Em, vậy em cho anh danh sách năm việc mà anh có thể làm ngay bây giờ để trở thành một ông chồng tốt hơn đi!” Thế là vợ tôi liệt kê ra ngay lập tức.
Sau khi viết xong, cô ấy đưa liền cho tôi. Tôi dám cá vợ tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ chẳng thực hiện được bất cứ việc nào, nhưng hóa ra, tôi làm thật. Tôi luôn mang theo danh sách ấy bên mình và thật sự nỗ lực để thay đổi bản thân. Tôi đã hỏi ý kiến vợ mình, nên bây giờ, trách nhiệm của tôi là làm đúng những gì mình hứa.
Vài tuần sau đó, tôi đến vùng Nam Dakota để tư vấn cho khách hàng. Trong lúc dỡ vali, tôi thấy bản danh sách đang nằm trên xấp quần áo của mình. Tôi thầm nghĩ: Thật lạ lùng. Mình đâu có để nó ở đây. Mình thề là mình đã để nó bên dưới xấp đồ kia. Và khi cầm lên, tôi nhận ra có thêm năm điều cần cải thiện được bổ sung vào danh sách ban đầu. Hẳn là vợ tôi đã “ra tay”!
Hãy cẩn thận với những gì bạn yêu cầu, hợp lý chứ nhỉ? Tôi chỉ đùa thôi. Thật ra, khi bạn ngỏ lời xin nhận xét về hiệu quả công việc mình đang làm, thì đừng ngạc nhiên khi thấy ai cũng sẵn lòng giúp đỡ. Thật là một điều tích cực! Người ta muốn phản hồi còn bạn thì cần nó. Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng các góp ý này chính là món quà dành cho bạn. Nếu trước kia tôi không thẳng thắn hỏi vợ mình, làm sao tôi biết cách làm một người chồng chu đáo hơn? Tương tự với vai trò thành viên trong nhóm cũng thế. Nhận xét chính là món quà đồng đội tặng cho bạn và ngược lại. Các phản hồi sẽ kết nối với nhau để phá bỏ những chướng ngại đang cản trở năng lực nội tại mà nhiều khi bạn còn không nhận ra. Tất cả những gì bạn cần làm là mở lời nhờ mọi người đánh giá.
Hầu hết các công ty đều thực hiện rất nhiều cuộc khảo sát khách hàng. Bởi vì bằng cách thu thập góp ý của khách hàng, họ mới có thể hiểu rõ hơn về những thiếu sót của mình, tìm ra cách cải thiện. Tương tự như vậy, bạn cũng có thể nhờ mọi người nhận xét về điểm mạnh, điểm yếu, những việc bạn cần làm để hoàn thiện bản thân trong vai trò một thành viên, một nhân viên, và một con người.
Dưới đây là một số bước cụ thể dùng để thu thập ý kiến đánh giá. Có thể bạn sẽ mất công vài lần mới có được những câu trả lời chất lượng, nhưng hãy tin tôi, cuối cùng đồng đội sẽ cho bạn các phản hồi sâu sắc nếu họ thấy bạn thật sự hành động để thay đổi bản thân.
HỎI
Dĩ nhiên, bước đầu tiên để lấy ý kiến từ đồng đội chính là hỏi. Bạn có thể đưa cho họ một bản khảo sát hoặc gặp mặt trực tiếp. Tôi không khuyến khích cách khảo sát đại trà như một người vô danh. Vì khi làm vậy, bạn sẽ hạn chế hiệu quả của những hành động thay đổi sắp tới và không xây dựng được niềm tin ở đồng đội.
Cách bạn đặt câu hỏi sẽ tạo nên sự khác biệt về chất lượng phản hồi mà bạn nhận được. Đừng hỏi những câu đơn giản như: “Anh/Chị thấy tôi đang làm việc như thế nào?”, bạn sẽ chỉ nhận được câu trả lời chung chung như “Rất tốt!”, “Khá tốt”, “Ổn”... Thay vì vậy, hãy hỏi: “Hai hoặc ba việc mà tôi có thể cải thiện là gì?” Hoặc thậm chí tốt hơn là câu: “Hai hoặc ba việc tôi đang làm gây ảnh hưởng xấu đến nhóm (nếu có) là gì?” Câu hỏi trên sẽ giúp đồng nghiệp của bạn biết cách trả lời chi tiết hơn. Và chắc chắn không thể thiếu câu này: “Anh/chị có thể cho tôi biết hai hoặc ba việc mà tôi đang làm rất tốt không?” hoặc “Hai hoặc ba việc mà tôi nên duy trì là gì?”
LẮNG NGHE
Một bước quan trọng để xây dựng lòng tin ở người khác khi bạn nhờ họ nhận xét chính là tập trung lắng nghe. Phản ứng tự nhiên của con người khi nghe góp ý, nhất là khi “lời thật mất lòng”, là đề phòng và bao biện. Đừng đưa cảm xúc chủ quan vào mà hãy lắng nghe phản hồi một cách khách quan. Chính những người góp ý cho bạn cũng đang mạo hiểm. Họ làm vậy vì họ thật lòng quan tâm đến bạn, chứ không phải vì họ không thích hay có thành kiến riêng đối với bạn. Khi hỏi xin nhận xét, các đồng đội thực sự tin rằng bạn có tinh thần cầu thị.
Dù bạn đang nghe phản hồi trực tiếp hay qua điện thoại, hãy chú ý đừng ngắt lời họ. Nếu bạn muốn đặt câu hỏi hay thanh minh, hãy để dành sau khi họ nói xong. Cứ chủ động lắng nghe thật sự.
TRÂN TRỌNG
Khi đồng đội cho bạn nhận xét, hãy thể hiện rằng bạn lắng nghe và thật lòng trân trọng những điều họ nói. Cảm ơn họ, chia sẻ về những hành động cụ thể mà bạn sẽ thay đổi cũng như mong muốn phát triển bản thân. Nếu có thắc mắc, hãy hỏi người đó. Nhưng bạn chỉ nên hỏi để làm rõ chứ đừng nên bao biện.
HÀNH ĐỘNG
Các phản hồi sẽ trở nên vô ích nếu bạn không thật sự hành động. Trên thực tế, việc chỉ nói mà không làm còn xói mòn niềm tin của người khác dành cho bạn. Khi nhờ người khác góp ý, bạn đang cam kết thực hiện theo những phản hồi nhận được. Nếu không, bạn chỉ là kẻ nói lời không giữ lấy lời. Về hậu quả của nó như thế nào, chúng ta đã thảo luận trong Chương 2.
THEO SÁT KẾ HOẠCH
Khi bạn bắt đầu thay đổi bản thân dựa trên những góp ý đã nhận được, hãy dành thời gian cảm ơn người đã nhận xét bạn. Cập nhật tình hình tiến bộ của bạn và hỏi xem họ có nhận thấy bạn tốt hơn ở điểm nào không.
LẶP LẠI
Hãy lên kế hoạch thường xuyên mỗi quý hoặc hai lần mỗi năm cho việc thu thập góp ý. Lặp lại chu trình hỏi, lắng nghe, trân trọng, thực hành và theo sát kế hoạch.
Tương tự như các phẩm chất khác và những nguyên tắc tương ứng đã được trình bày trong sách, hành động thu thập góp ý có sức lan tỏa rất lớn. Khi bạn chủ động hỏi xin nhận xét và dựa vào đó phát triển bản thân, nhiều thành viên khác dần dần sẽ noi theo. Bạn càng giỏi, đội ngũ của bạn càng vững mạnh.
Bài tập áp dụng
Đối với bạn, việc nhờ người khác góp ý có gặp khó khăn gì không? Nếu có thì tại sao? Bạn có những hành động cụ thể nào để thường xuyên thu thập nhận xét của đồng đội trong tương lai?
.......................................
BÀY TỎ LÒNG BIẾT ƠN
Biết ơn đi trước, hạnh phúc theo sau!
Phi công Charles Plumb tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, là phi công lái máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam. Ông đã hoàn thành 75 nhiệm vụ không kích trước khi bị một tên lửa đất đối không1 bắn hạ. Plumb may mắn thoát khỏi máy bay, nhảy dù xuống nhưng ông lại rơi vào tay quân địch. Sau đó bị bắt giam tại Việt Nam trong sáu năm.
1 Một loại đạn tự hành được thiết kế có thể phóng lên từ mặt đất để tiêu diệt các loại máy bay, hay bất cứ vật thể bay nào.
Sau trải nghiệm đó, Plumb đã thoát chết và hiện nay, ông dành thời gian để đi diễn thuyết khắp thế giới về những bài học mà mình đã học được. Trong cuốn sách I’m No Hero (Tạm dịch: Tôi không phải là anh hùng), ông có chia sẻ câu chuyện sau:
“Cách đây không lâu, tôi đến ăn ở một nhà hàng tại thành phố Kansas. Một người đàn ông cách tôi hai bàn cứ chăm chú nhìn tôi. Tôi thì không biết ông ấy là ai. Sau khi cả hai bắt đầu ăn được vài phút, người đó đứng lên, đi đến bàn của tôi, nhìn xuống và chỉ tay vào tôi nói: ‘Ông chính là phi công Plumb?’
Tôi nhìn lên và đáp: ‘Vâng, phi công Plumb chính là tôi đây.’
Người đàn ông ấy nói tiếp: ‘Ông đã lái máy bay chiến đấu tại Việt Nam, đi trên tàu sân bay Kitty Hawk. Rồi ông bị bắn hạ, nhảy dù xuống, rơi vào tay quân địch và bị bắt làm tù binh sáu năm.’
‘Làm thế nào ông biết được tất cả chuyện này?’, Plumb kinh ngạc hỏi.
‘Vì tôi là người đã xếp chiếc dù nhảy cho ông.’ Người đàn ông đáp.
Một người từng chu du khắp thế giới như tôi đột nhiên khi ấy không thể thốt nên lời! Tôi loạng choạng đứng lên, đưa tay ra bắt lấy tay người bạn mới với đầy lòng biết ơn. Ông ấy nắm tay tôi, vỗ vào cánh tay và chỉ nói một câu thực giản dị: Tôi đoán là nó còn dùng được!’
‘Đúng thế, nó vẫn dùng tốt, ông bạn của tôi ơi. Và tôi phải cảm ơn ông. Tôi đã thầm cảm ơn những ngón tay khéo léo của ông nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội để trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn với ông.’
‘Các tấm ngăn còn đủ cả chứ?’
‘Vâng’, tôi đáp. ‘Thành thật mà nói, có tất cả 18 tấm ngăn trên dù nhưng chỉ còn lại 15 cái. Ba cái bị rách nhưng không phải lỗi tại anh mà là do tôi. Tôi nhảy từ máy bay xuống với tốc độ quá nhanh, lại còn sát mặt đất nên đã làm rách tấm ngăn. Không phải do cách anh xếp dù.’
‘Cho phép tôi hỏi anh một câu nhé: anh có theo dõi hết tất cả những chiếc dù mình đã xếp không?’
Người đàn ông đáp: ‘Không. Câu chuyện của ông đã đủ cho tôi biết rằng công việc của mình rất xứng đáng.’
Đêm hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ. Tôi cứ nghĩ hoài về người đàn ông ấy. Tôi tự hỏi khi ông mặc bộ đồng phục hải quân Hoa Kỳ, với chiếc yếm phía sau, quần ống loe và đội nón thủy thủ trông như thế nào. Tôi tự hỏi trên con tàu Kitty Hawk, mình đã lướt qua ông bao nhiêu lần, bao nhiêu lần có lẽ đã thấy ông nhưng thậm chí còn không mở lời “chào buổi sáng” hay chẳng nói với ông lấy một câu. Bởi vì như bạn thấy đấy, tôi là một phi công còn ông ấy chỉ là một thủy thủ nhỏ bé. Một lần nữa, tôi tự hỏi người thủy thủ ấy đã dành bao nhiêu tiếng để dệt những tấm vải liệm và gấp những chiếc dù cứu mạng? Thật xấu hổ khi thừa nhận rằng khi ấy, tôi đã chẳng để tâm lắm... cho đến khi nhận chiếc dù mà ông ấy đã xếp cho tôi!
Trong nhóm hoặc trong tổ chức của bạn hiện tại, ai là người đang “xếp dù cứu hộ” cho bạn? Ai đang âm thầm giúp cuộc sống của bạn trở nên thuận lợi hơn? Gần đây bạn có cảm thấy hay bày tỏ lòng biết ơn với họ chưa?
Ví dụ, bạn có cảm thấy biết ơn và nói cảm ơn với người nhân viên hành chính đã chuẩn bị bánh, nước cho cuộc họp cả ngày chưa. Hay bạn chỉ nghĩ đơn giản: “Bánh ngon nhỉ?” Bạn có cảm ơn người đồng nghiệp phụ trách công nghệ luôn đảm bảo cho bạn có chiếc máy tính chạy “ngon lành” và phần mềm chính xác? Bạn có nói rằng bạn rất trân trọng công sức của họ, hay chỉ hời hợt nghĩ: “Đó là công việc của họ mà?” Tương tự, khi những thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đóng góp kiến thức, kỹ năng, tài năng hay thời gian cho nhóm, bạn đã cảm ơn họ chưa hay cũng chỉ cho rằng: “Tôi có việc của tôi, họ cũng có việc của họ?”
Mỗi người chúng ta đều sẽ được một ai đó hỗ trợ trong công việc, nếu bạn giúp họ làm việc suôn sẻ hơn, kết quả chung của cả nhóm tốt lên. Trân trọng và thể hiện thái độ biết ơn sẽ đem lại cảm xúc tích cực cho bạn, cho đồng đội và cộng đồng. Năng lượng, hiệu suất làm việc của chung cả nhóm sẽ luôn được cải thiện.
Bên cạnh những cảm xúc tích cực bạn và đồng đội nhận được, lòng biết ơn còn có một lợi ích hữu hình khác. Các nghiên cứu cho thấy khi bạn có lòng biết ơn, sức khỏe cũng sẽ tốt hơn. Hệ miễn dịch của bạn sẽ cứng cáp hơn, bạn sẽ ít bị quấy rầy bởi những cơn đau nhức, ngủ ngon hơn và nuôi dưỡng nhiều cảm xúc tích cực. Từ đó các mối quan hệ cũng xuôi thuận vì ai cũng thích giao thiệp với những người vui vẻ. Năng suất làm việc cũng được nâng cao vì bạn có nhiệt huyết, có trách nhiệm hơn. Chưa hết, đồng đội của bạn cũng tràn trề cảm hứng, lao động hăng say hơn khi họ biết việc họ đang làm được người khác trân trọng.
Hãy dành thời gian suy ngẫm về những điều bạn cần biết ơn, chẳng hạn như người đồng đội đã “xếp dù cứu hộ” cho bạn? Ngược lại, bạn có đang hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để hỗ trợ họ không? Nếu như chưa, hãy bắt tay vào làm ngay thôi! Thời điểm thích hợp nhất chính là ngay lúc này.
Bài tập áp dụng
Hôm nay, bạn sẽ cảm ơn người nào đã âm thầm giúp cho cuộc sống và công việc của bạn suôn sẻ hơn? Bạn sẽ làm gì cho họ và tại sao?
...............................