Mất nhiều năm để xây dựng lòng tin, nhưng chỉ cần vài phút để hủy hoại
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là một trong những kỳ quan vĩ đại nhất thế giới. Bức tường dài hơn 13.000 dặm, uốn lượn quanh co, trải dài từ Đông sang Tây, đi qua những ngọn núi, những sa mạc và thảo nguyên của đất nước này. Công trình được nhiều thế hệ xây dựng, với thời gian hơn hai thiên niên kỷ, với mục đích bảo vệ Trung Hoa khỏi sự tấn công của kẻ thù. Thật không may, nó đã nhiều lần thất bại.
Các hoàng đế Trung Hoa đã mất nhiều năm ròng rã và tốn biết bao tiền của để xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, nó đã bị quân địch phá vỡ những ba lần. Bằng cách nào vậy, hẳn bạn sẽ thắc mắc như thế. Không phải vì uy lực của kẻ thù mà do hối lộ. Lẽ ra quân địch không có cách nào vượt qua bức tường kiên cố cao cả ngàn trượng, nhưng điều tưởng chừng bất khả ấy lại trở thành khả dĩ, thậm chí dễ dàng, chỉ vì những tay gác cổng gian dối và không đáng tin cậy.
Mất nhiều triều đại để xây nên Vạn Lý Trường Thành nhưng chỉ cần vài năm đã có thể hạ gục sự vĩ đại của nó.
Tất cả chỉ vì thói tham ô của những kẻ được ủy thác canh phòng và bảo vệ bức tường. Chúng ta có thể kết luận rằng họ – những người canh gác từng được hoàng đế rất mực tin tưởng, nhưng không đủ lòng trung thành nên niềm tin đó đã bị hủy hoại ngay khoảnh khắc họ ngả về phía quân địch. Lòng tin cần nhiều năm để bồi đắp nhưng sụp đổ chỉ trong vài phút.
Nhiều người rất thích nghĩ rằng họ được đồng đội xem là người đáng tin cậy. Đây là một phẩm chất quan trọng bất kì ai cũng cần có, nhưng bạn phải thật sự nỗ lực mới đạt được. Hãy đáng tin trong từng lời nói - cả lời bạn nói lẫn những lời bạn không nói. Và lời nói luôn phải đi đôi với hành động.
Một đội đáng tin cậy là đội luôn hỗ trợ, nâng đỡ nhau. Họ tuyệt đối không bỏ rơi bạn trong cơn hoạn nạn. Bất kể phong ba bão táp, họ luôn sát cánh bên nhau. Hãy thử tưởng tượng bạn đang bị mắc kẹt lơ lửng trên rìa một vách đá cao vài ngàn thước. Đồng đội của bạn đang nắm chặt một đầu dây thừng – thứ duy nhất giữ cho bạn khỏi ngã một cú chí mạng. Giờ, bạn hãy thử nhìn cả nhóm của bạn. Ai là người bạn tin tưởng rằng sẽ luôn ở bên bạn, giữ chặt sợi dây bằng tất cả sức lực và tuyệt đối không bỏ đi? Tại sao bạn tin họ đến thế? Rất có thể vì họ chân thành, đáng tin cậy, chu đáo và luôn nỗ lực hết mình chứ không buông xuôi giữa chừng. Vì họ đã chứng minh được sự đáng tin của bản thân.
Hồi còn nhỏ, tôi đã chứng kiến hậu quả khi bản thân buông xuôi. Hồi tiểu học, tôi được chọn vào đội kéo co trong một hội thi thể thao lớn. Chúng tôi tập hợp ở giữa sân và chia đều mỗi bên 20 bạn. Một sợi dây thừng lớn được đặt vào tay mỗi bạn và khi giáo viên phát lệnh, tất cả đều cố hết sức kéo mạnh về phía mình. Đội của tôi bắt đầu giành ưu thế khi chúng tôi đoàn kết với nhau như một. Bất thình lình, sợi dây bị giật về phía chúng tôi và tất cả té nhào xuống đất. Rõ ràng có một sai lầm nào đó kinh khủng ở đây. Các bạn nhỏ bên đội kia đang giơ bàn tay rướm máu lên, nhiều bạn la khóc dữ dội. Đó là cảnh tượng mà tôi không bao giờ quên được. Hóa ra là vài thành viên của đội bạn đã buông sợi dây thừng. Ngay khi họ bỏ tay ra, lực kéo của chúng tôi dồn vào tay của những người vẫn đang nắm chặt dây, khiến họ té sấp xuống đất.
Những đồng đội đáng tin cậy tuyệt đối sẽ không buông tay dù tình hình khó khăn đến thế nào, vì họ hiểu nếu làm như vậy, các thành viên còn lại sẽ gánh chịu hậu quả khó lường. Để có thể sống với lý tưởng của chính mình, trước nhất, hãy tin đồng đội của bạn, tin tưởng tất cả mọi người trong nhóm sẽ luôn nắm chặt sợi dây.
Sự đáng tin cậy của bạn và của cả nhóm chính là nền tảng của tinh thần đồng đội. Thiếu đi niềm tin này, sẽ không còn cái gì gọi là hợp tác. Bạn e ngại một thành viên buông tay, niềm tin của bạn với của họ sẽ rạn nứt. Bạn sẽ không thể đặt sợi dây vào tay họ. Bạn cũng không thể giành chiến thắng nếu không cùng đồng đội phấn đấu vì mục tiêu chung.
Khi bạn chứng minh được bản thân đáng tin cậy, mọi nỗ lực của bạn sẽ chẳng bao giờ hoài phí. Đó là:
• Đồng đội sẵn sàng hợp tác với bạn.
• Các thành viên thường xuyên hỏi ý kiến và tin tưởng bạn hơn.
• Bạn bớt căng thẳng vì không phải lấp liếm, che dấu sự thật.
• Những mối quan hệ trong nhóm sâu sắc và chân thành hơn.
• Nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa giúp bạn phát triển và thăng tiến sẽ mở ra.
Người đáng tin cậy luôn nói đúng sự thật, lời nói đi đôi với hành động. Họ luôn thẳng thắn, chân thành, mạnh dạn và tôn trọng đồng đội. Những thành viên như thế chưa bao giờ khiến mọi người thất vọng. Họ không bao giờ bỏ cuộc.
NÓI THẲNG NÓI THẬT
Nói ra sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nó luôn là việc làm đúng đắn
Trừ khi bạn thường theo dõi tin tức về quần vợt chuyên nghiệp, nếu không, có thể bạn chưa bao giờ nghe nói về Jack Sock. Tuy nhiên, sau màn thể hiện tuyệt đỉnh của tay vợt người Mỹ với nhà vô địch Leyton Hewitt người Úc, diễn ra vào ngày 5 tháng 1 năm 2016, không chỉ những người hâm mộ môn thể thao này mới biết đến anh.
Hiệp hai của trận đấu, Sock đang dẫn trước một điểm. Khi trọng tài phát lệnh lượt giao bóng đầu tiên cho Hewitt thì anh đánh hỏng. Sock đã khiến tất cả mọi người và vị trọng tài bất ngờ khi chỉ vào nhà vô địch người Úc và nói: “Bóng vẫn còn trong tay sân, anh có thể đánh lại.”
Ngỡ ngàng, Hewitt không thể tin được là Sock vừa động viên mình giao bóng lại. Cuối cùng, Hewitt làm theo và giàn được điểm của lượt đó. Jack Sock thua trận nhưng anh đã giành được lòng mến mộ và sự kính trọng của mọi người vì sự trung thực của mình.
Trong một thế giới mà sự dối trá, lọc lừa ngày càng nhan nhản và rủi thay, nó lại thường được người ta nhắm mắt chấp nhận, thì câu chuyện như của Jack Sock đã mang đến làn gió mới mẻ và trong lành. Nếu trong đội của bạn có thành viên giống như anh ấy, bạn sẽ tin tưởng họ chứ?
James E.Faust, nhà lãnh đạo tôn giáo người Mỹ từng nói: “Trung thực không chỉ là không nói dối. Đó còn là nói sự thật, sống chân thật và yêu thương thật lòng.”
Nói ra sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nó luôn là việc làm đúng đắn. Bạn hãy nhớ lại những thời điểm mình đủ can đảm nói lên sự thật bất kể khó khăn như thế nào. Bao nhiêu lần bạn quyết định nói dối thay vì trung thực? Hai hành động này tạo cho bạn và cho người khác cảm giác khác biệt như thế nào?
Khi bạn nói thật với đồng đội, bạn chính là người nâng cao củng cố niềm tin trong nhóm, giúp cho mọi giao tiếp trở nên suôn sẻ hơn. Ngược lại, sự gian dối sẽ chỉ kéo tinh thần hợp tác suy yếu đi.
Chưa kể “cây kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra”. Đoạn đối thoại khôn ngoan nhưng lươn lẹo giữa khách hàng và người thợ làm bánh dưới đây sẽ chứng minh cho nguyên tắc đó:
Một ngày nọ, một người phụ nữ gọi đến tiệm bánh trong vùng để phàn nàn về đơn hàng mà cô đã nhận.
Người thợ làm bánh trả lời điện thoại: “Xin chào quý khách, đây là tiệm bánh Pamela. Tôi có thể giúp gì cho quý khách?”
“Một tiếng trước tôi vừa nhận được đơn hàng mười hai cái bánh brownie ở chỗ anh và chúng là loại có hạt.”
“Ồ, tôi rất xin lỗi khi nghe vậy. Tuy nhiên, nhân viên nói là chị đã đặt như thế.”
“Không!” người khách khó chịu kêu lên. “Tôi bị dị ứng với các loại hạt. Làm sao tôi có thể đặt thứ mà mình dị ứng được chứ?”
“Rồi, vậy chị đã đặt gì?”
“Bánh brownie fudge1, dĩ nhiên là loại không hạt.”
“Vâng, được,” người làm bánh nói với thái độ vui vẻ hợp tác. “Chúng tôi sẽ gửi một đơn bánh khác đến nhà chị trong một tiếng nữa. Chỉ cần chị gửi lại cho tôi đơn bánh hồi nãy, được chứ?”
“Xin lỗi, tôi không còn.”
“Tại sao không?”
“Vì tôi lỡ ăn hết mất rồi.”
1 Một phiên bản của bánh brownie, brownie fudge có nhiều bơ và socola nhưng ít bột.
Dù nói gì đi nữa, sự thiếu trung thực đã “lòi đuôi”!
Trong cuốn sách I’m Sorry, I Didn’t Mean To, and Other Lies We Love To Tell (tạm dịch: Xin lỗi, tôi không định làm vậy, nói những lời dối trá chúng ta muốn nói) phát hành năm 1977, nhà tâm lý học xã hội Jerald Jellison đưa ra một con số ấn tượng. Ông nói rằng con người nói dối khoảng 200 lần một ngày. Năm 2002, phát hiện của Jellison càng được chứng mình là đúng vì một nghiên cứu do giáo sư tâm lý học của trường Đại học Massachusetts tiến hành. Vị giáo sư cho biết trong một cuộc trò chuyện dài 10 phút, mọi người thường nói dối từ hai đến bốn lần.2
2 10 Research Findings About Deception That Will Blow Your Mind, (Tạm dịch: 10 phát hiện về dối trá sẽ làm bạn kinh ngạc).
Bạn có bao giờ nghĩ về lợi ích ta sẽ nhận được, nếu luôn luôn trung thực với đồng đội của mình hay chưa? Bạn sẽ nhận được gì? Dưới đây là bốn ích lợi dễ thấy nhất:
TỰ TIN HƠN
Bạn có gì phải che giấu không? Không hề! Những người thành thật mỗi sáng có thể soi gương với tâm thế ngày càng tự tin, đĩnh đạc.
HẠNH PHÚC HƠN
Vì hầu hết mọi người đều không chân thật nên họ luôn nơm nớp lo mình bị bắt quả tang (thường xuyên là vậy). Họ lãng phí quá nhiều năng lượng vào việc đánh bóng bản thân và thường lo âu, căng thẳng. Khi bạn nói sự thật, bạn sẽ không bao giờ phải lo nghĩ xem mình đã nói những gì, với ai. Thành thật chính là điều giúp cho cuộc sống của bạn trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng hơn.
UY TÍN, VỮNG CHẮC HƠN
Những người thành thật thường được xem là người chính trực. Bạn hãy nghĩ đến các thành viên được trọng nể nhất trong nhóm. Họ có chính trực không? Rất có thể là có đấy.
Khi bạn thành thật, mọi người sẽ tin tưởng bạn nhiều hơn dựa vào uy tín của bạn. Giả sử xảy ra tình huống một đồng đội đổ thừa cho bạn gây ra sai lầm nghiêm trọng, nhiều người sẽ đứng về phía bạn vì trước giờ, bạn vẫn luôn nói đúng sự thật. Tôi từng nghe một câu nói rằng, sự tin cậy nghĩa là “hành động nhất quán, kiên trì và có thể dự đoán được”.1
LÀ ĐỘNG LỰC GIÚP MỌI NGƯỜI SỐNG TRUNG THỰC HƠN
Khi bạn sống trung thực, bạn đang trở thành tấm gương sáng cho đồng đội noi theo. Họ sẽ nhận ra phẩm chất đang quý ấy nơi bạn và cũng muốn trở thành người như vậy. Hãy bắt đầu lan tỏa sự trung thực từ chính bạn.
Bên cạnh những tác động tích cực, bạn cũng cần lưu ý, ngay cả một lời nói dối nhỏ, vô hại cũng có thể gây hậu quả khó lường. Các nhà nghiên cứu của trường Đại học College London (UCL) phát hiện ra rằng, những lời nói dối lặt vặt vì lợi ích cá nhân sẽ giảm bớt các cảm xúc tiêu cực liên quan đến việc gian dối trong bộ não. Theo thời gian, những lời dối trá nho nhỏ sẽ thành những lời dối trá lớn vì phản ứng của chúng ta đối với việc này bắt đầu bị “chai” dần.2
Những đồng đội tử tế luôn luôn minh bạch trong mọi chuyện. Họ không lươn lẹo, một chút cũng không. Họ không phóng đại kết quả mình đạt được, không rũ bỏ trách nhiệm dù nghiêm trọng hay không. Họ không bịa chuyện về các thành viên khác. Nói tóm lại, những lời họ nói chỉ có sự thật. Dù trung thực dường như không đem lại bất cứ lợi ích nào, nhưng những đồng đội tuyệt vời luôn hiểu rõ, đó thật sự là ưu thế của họ.
1 Jerry Acuff, Stop Acting Like a Seller And Start Thinking Like a Buyer: Improve Sales Effectiveness By Helping Customers Buy, (Tạm dịch: Ngừng hành động như người bán, hãy suy nghĩ như người mua: Cải thiện hiệu quả bán hàng bằng cách mua hàng hộ khách hàng).
2 Libby Plummer, Little white lies are NOT as innocent as you think: Over time, small fibs may desensitize our brains to dishonesty, (Tạm dịch: Những lời nói dối không ác ý không vô hại như bạn nghĩ: Tích lũy theo thời gian, những điều vụn vặt có thể khiến não chúng ta chấp nhận những thứ không trung thực).
Bài tập áp dụng
Bạn có thật sự trung thực với đồng đội không? Nếu bạn chưa trung thực, còn gian dối, thì tại sao lại như vậy? Bạn sẽ làm gì để thay đổi?
...........................................
Nói ra sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nó luôn là việc làm đúng đắn
NÓI LỜI PHẢI GIỮ LẤY LỜI
Các thành viên trong nhóm luôn phụ thuộc lẫn nhau. Không giữ lời hứa không chỉ làm giảm uy tín và danh dự của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả đội
Lời hứa chỉ là “lời nói gió bay”, phải chứ?
Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ thường được gọi một cách trìu mến là “Honest Abe” (Abe chính trực). Có lần, vợ của ông – bà Mary Todd Lincoln từng viết thư cho một người bạn rằng: “Ông Lincoln gần như bị độc tưởng1 về sự trung thực.”2
1 Monomaniac: Một dạng bệnh lý tâm thần ám ảnh về một thứ duy nhất.
2 Gordon Leidner, Lincoln’s Honesty, (Tạm dịch: Tính ngay thật của Lincoln) Great American History.
Câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh lời khẳng định đó:
Một lần, Lincoln đi chung xe ngựa với một vị đại tá đến từ Kentucky. Sau khi đi được vài dặm, ông đại tá lấy một chai whisky ra khỏi túi và mời: “Ngài Lincoln, ngài uống một chút với tôi chứ?”
Lincoln đáp: “Cảm ơn Đại tá. Tôi không bao giờ uống whiskey.” Họ tiếp tục đi thêm vài dặm nữa. Chuyến đi rất suôn sẻ. Cuối cùng, người bạn đồng hành của Lincoln tiếp tục thò tay vào túi và lấy ra loại xì gà ngon nhất vùng Kentucky. Ông nói: “Ngài Lincoln, nếu ngài không uống với tôi thì có thể làm một điếu với tôi chứ?”
Vị tổng thống trả lời: “Đại tá, ông quả thực là một người bạn đồng hành rất tử tế, dễ chịu. Lẽ ra tôi nên hút với ông nhưng trước khi nhận lời, hãy để tôi kể cho ông nghe một câu chuyện mà tôi đã trải qua khi còn nhỏ.
Năm tôi chín tuổi, một ngày nọ, mẹ gọi tôi đến bên giường. Bà đang ốm, ốm rất nặng. Bà nói với tôi: ‘Abey, bác sĩ nói với mẹ rằng mẹ khó lòng khỏe lại nữa. Mẹ muốn trước khi ra đi, con hãy hứa với mẹ rằng chừng nào con còn sống, con sẽ không bao giờ đụng đến một giọt rượu hay điếu thuốc nào.’ Tôi đã hứa với mẹ. Cho đến lúc này, Đại tá ạ, tôi vẫn giữ lời hứa đó. Bây giờ anh lại đang khuyên tôi phá vỡ lời thề với người mẹ yêu quý và hút xì gà với anh phải không?”
Viên Đại tá nhỏ nhẹ đáp: “Không, tôi sẽ không để ngài làm như vậy. Đó là một trong những lời hứa quan trọng nhất mà ngài từng gìn giữ. Nếu như tôi cũng hứa với mẹ mình như vậy, tôi sẵn sàng mất hàng nghìn đô la để giữ gìn nó, giống như Ngài đã làm.”
Giống như Abraham Lincoln quyết tâm giữ đúng lời hứa với mẹ, để trở thành một đồng đội đáng tin cậy, trước tiên hãy nói được làm được. Nếu bạn đã nói bạn sẽ hỗ trợ một thành viên về việc nào đó, vào một thời điểm nhất định thì bạn phải thực hiện cho bằng được.
Cả tôi và bạn đều đã gặp những người hay “hứa lèo”. Chuyện gì sẽ xảy ra khi trong nhóm có một người thất tín? Lòng tin và sự tôn trọng sẽ bị xói mòn. Lần sau, khi họ hứa sẽ hỗ trợ hoặc làm việc nào cho bạn, bạn sẽ tin tưởng họ? Hay ngờ vực, rồi chuẩn bị tinh thần là họ sẽ vi phạm cam kết lần nữa. Những đội ngũ xuất sắc không bao giờ có thể dũng dưỡng hành động như vậy. Trong một nhóm mà tất cả mọi người đều tôn trọng, giữ vững lời hứa của bản thân, niềm tin, hiệu quả công việc sẽ tự nhiên tăng lên. Và ngược lại, trong một nhóm, thất tín đã trở thành điều đương nhiên, sự tin tưởng giữa các thành viên, cũng như hiệu suất làm việc sẽ giảm đi đáng kể.
Khi một người liên tục thất hứa, bạn có thể tưởng tượng những thành viên khác sẽ nghi ngờ năng lực của người đó như thế nào không? Nếu một thành viên nhiều lần không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì uy tín của người đó sẽ ra sao? Quan trọng hơn, ngay chính bản thân họ cũng không còn tin tưởng vào chính mình. Abraham Lincoln chắc chắn hiểu rõ điều này.
Hãy đối mặt với sự thật: Các thành viên trong nhóm luôn phụ thuộc lẫn nhau. Không giữ lời hứa không chỉ làm giảm uy tín và danh dự của cá nhân đó mà còn ảnh hưởng đến cả nhóm. Những đồng đội đáng tin cậy là người luôn giữ vững sự chính trực, nói được làm được. Hãy có trách nhiệm và giữ đúng lời hứa của mình. Tinh thần đồng đội của các bạn trông cậy vào đó.
Bài tập áp dụng
Bạn có phải là người biết giữ chữ tín không? Nếu không thì tại sao? Bạn sẽ làm gì để thay đổi bản thân?
.....................................
Những đồng đội đáng tin cậy là người luôn giữ vững sự chính trực, nói được làm được.
Hãy có trách nhiệm và giữ đúng lời hứa của mình
THẲNG THẮN, TRUNG THỰC, TÔN TRỌNG ĐỒNG ĐỘI
Một nhóm sẽ thành công khi mọi thành viên sẵn sàng góp ý thẳng thắn, thử thách lẫn nhau và mạnh dạn đề xuất ý kiến của mình
Các đội ngũ và thành viên trong đội ngũ đó sẽ thật sự trở nên xuất sắc khi họ mạnh dạn góp ý cho đồng nghiệp của mình. Trung thực, thẳng thắn, tôn trọng, không ngại tham gia tranh luận và làm mọi việc xuất phát từ thiện chí quan tâm lẫn nhau chính là những yếu tố căn bản tạo một một đội nhóm xuất sắc. Những thành viên nào có đầy đủ những phẩm chất này sẽ nhận được sự tôn trọng, tin tưởng và họ thường được xem là đầu tàu trong nhóm.
Trong một cuộc phỏng vấn được quay trong bộ phim tài liệu Triumph of the Nerds (Tạm dịch: Chiến thắng của những người kém giao tiếp) số đặc biệt năm 1996, Steve Jobs đã kể câu chuyện về một người đàn ông góa vợ ngoài 80 sống trên đường phố hồi Jobs còn là một cậu bé.
Một ngày nọ, người đàn ông gọi Jobs vào nhà để xe và cho cậu ấy xem một thứ gì đó. Khi Jobs đến, ông lôi ra một cái cốc đánh bóng đá (rock tumbler), gồm một cái mô tơ, một lon cà phê với dải băng nối giữa chúng. Tiếp theo, ông rủ Jobs ra sau vườn để nhặt mấy viên đá có kích thước đều nhau, cũ kỹ và xấu xí. Họ bỏ chúng vào lon cà phê với một chút nước và ít bột nghiền. Sau đó, ông đậy lon lại, bật mô-tơ và bảo Jobs hôm sau quay lại.
Steve Jobs nhớ rằng khi những viên đá quay tít trong lon đã phát ra tiếng kêu hết sức ồn ào. Ngày hôm sau, Jobs quay lại, mở lon và lấy ra được những viên đá xinh đẹp, bóng loáng đến kinh ngạc. Jobs nói: “Những hòn đá bình thường, giống nhau đã được bỏ vào, cọ xát với nhau, tạo ra chút ma sát, chút tiếng ồn và biến thành những viên đá đẹp đẽ, bóng bẩy.” Các đội nhóm, cũng giống như thế.
Jobs tiếp tục: “Nhờ quá trình làm việc nhóm, trong đó những con người xuất sắc tiếp xúc, va chạm, thỉnh thoảng tranh cãi. Như thế, họ mới có thể mài giũa nhau và mài sắc các ý tưởng. Từ đây, chúng ta sẽ có những viên đá tuyệt đẹp.”
Giống như những viên đá, ban đầu chúng ta đều bình thường, thậm chí hơi xù xì, thô ráp. Tuy nhiên, trải qua quá trình làm việc nhóm thật sự thẳng thắn với chút xích mích, đôi lúc khó chịu, cuối cùng, tất cả đều thay đổi tích cực. Các đội ngũ chỉ có thể thành công khi mọi thành viên sẵn sàng góp ý thẳng thắn, thử thách lẫn nhau và mạnh dạn đề xuất ý kiến. Thế nhưng nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm.
Vài năm trước, tôi miễn cưỡng bị kéo vào mâu thuẫn với một nữ nhân viên mà chúng tôi gọi là Pat. Pat là một phụ nữ lớn tuổi hơn tôi, “ăn to nói lớn”, có chút đáng sợ (tôi từng nghe phong thanh rằng cô ấy từng nổi cơn tam bành mà phá toang cửa nhà vệ sinh). Là một thành viên “chân ướt chân ráo”, tôi thấy Pat là một pho từ điển sống về lịch sử, chính trị, quy trình và chính sách của bộ phận, đi kèm với một mớ tin đồn chẳng mấy hay ho.
Tôi đã cố gắng tránh xa mọi vấn đề tiêu cực, không phán xét về các đồng đội lẫn phòng ban nói chung vì tôi vừa mới nhận việc và có lẽ đây cũng là hành động sáng suốt. Sau một thời gian, tôi nhận thấy rõ là Pat chẳng quan tâm đến tôi mấy, có thể vì tôi cố tránh đi tính tình tiêu cực của cô.
Sau khoảng sáu tháng làm việc, đột nhiên Pat tuyệt giao với tôi. Có chuyện gì đó không hay ở đây. Tôi đến gặp quản lý để xin lời khuyên. Anh ấy bảo tôi hãy trực tiếp gặp Pat để nói chuyện thẳng thắn. Theo anh, mọi chuyện sẽ không thể được giải quyết cho đến khi chúng tôi “ba mặt một lời”. Mặc dù lời khuyên của sếp rất chí lý nhưng tôi có chút ngán ngẩm. Tôi ghét mâu thuẫn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định làm theo.
Một buổi chiều nọ, Pat đi ngang qua bàn làm việc của tôi. Tôi hẹn cô ấy gặp mặt tại một trong các phòng hội nghị. “Để làm gì?” – cô hỏi.
Tôi trả lời rằng tôi nhận thấy cô không còn nói chuyện với tôi nữa và tôi muốn biết lý do tại sao. “Đúng rồi đấy!” Pat đáp, đồng thời đi thẳng qua phòng họp.
Đầu tôi bật ra suy nghĩ: “Trời đất, mình đã làm gì chứ?”
Khi chúng tôi vào phòng, cô liệt kê ra tất cả những hành động của tôi khiến cô ấy khó chịu và tôi cũng làm tương tự. Tôi cho rằng cả hai đã có một cuộc thảo luận rất trung thực, mang tính xây dựng và đầy tôn trọng về sự khác biệt của hai người. Cuối cùng, tôi nói với chị đồng nghiệp của mình: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều rồi. Cảm ơn chị đã dành thời gian gặp tôi.”
Pat đáp: “Tôi thì chẳng thấy khá hơn gì cả. Nói thật, tôi sẽ tiếp tục điên rồ như vậy thêm vài tháng nữa!”
Chà! Rõ là Pat không hề có cảm giác dễ chịu giống như tôi. Đây là phản ứng nằm ngoài dự kiến. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, cô ấy thay đổi một cách bất ngờ, trở thành một người tử tế và chu đáo hơn. Việc chúng tôi thẳng thắn với nhau và để cho Pat cơ hội để chia sẻ những cảm xúc chân thật đã mang lại hiệu quả kinh ngạc. Dĩ nhiên, cách này không hề dễ dàng (giống như những viên đá trong cốc đánh bóng) nhưng nó rất đáng để thử!
Thật đáng ngạc nghiên khi một mâu thuẫn nhỏ lại có thể xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp và đáng tin cậy hơn. Vậy tại sao chúng ta vẫn e ngại tham gia vào những cuộc tranh luận tương tự với các thành viên nhóm, dù là gặp riêng hay trong cuộc họp?
Có một số lý do nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ nỗi sợ mâu thuẫn. Nhiều người trong chúng ta không muốn gây tổn thương cho cảm xúc của người khác.
Chúng ta không muốn bị thách thức, bị dán nhãn là “kẻ hay sinh sự”. Chúng ta sợ cảm giác khó chịu...
Tuy nhiên, không phải mâu thuẫn nào cũng nhắm vào vấn đề cá nhân. Thật ra, nó có ích cho quá trình làm việc nhóm cũng như trong tất cả các mối quan hệ – miễn là mâu thuẫn này lành mạnh (ví dụ như dựa trên niềm tin và tập trung giải quyết vấn đề). Patrick Lencioni, tác giả cuốn sách 5 Điểm Chết Trong Teamwork, khẳng định rằng “tất cả những mối quan hệ khăng khít và bền vững theo thời gian đều phải trải qua mâu thuẫn để thúc đẩy nó phát triển. Điều này đúng trong hôn nhân, quan hệ bố mẹ – con cái, tình bạn và dĩ nhiên, cả trong công việc.”
Ông nói tiếp: “Thật không may, mâu thuẫn thường được xem là điều tối kỵ trong nhiều tình huống, nhất là trong công việc.” Đúng như vậy. Theo Lencioni, người ta thường tốn quá nhiều thời gian và năng lượng để né tránh xung đột. Tuy nhiên, chỉ có thẳng thắn đối diện với những mâu thuẫn, sau nhiều lần như vậy, đội ngũ mới thật sự hạn chế được thói nói xấu sau lưng, mà thật không may là chúng ta phải thường xuyên đối mặt.
Nói xấu sau lưng xảy ra khi các thành viên có cùng tư tưởng rời cuộc họp và bàn tán về những điều không thoải mái mà lẽ ra nên được nêu lên trong lúc họp. Mọi người thường tám chuyện trong văn phòng, phòng kín và thậm chí cả bãi đậu xe. Lencioni gọi đó là “cuộc họp sau cuộc họp”.
Trong những buổi họp sau buổi họp này, các thành viên sẽ nói với nhau những chuyện như: “Chị có tin là Jim đã đề xuất ý kiến đó không?” hay “Giá mà Jane điều chỉnh một xíu thôi thì có lẽ sản phẩm đã tốt hơn nhiều”, hoặc “Tôi không tán thành với định hướng mà ta đang theo”, “Tim chẳng có đóng góp gì cho dự án hết. Thật bất công!”
Thay vì thành thực giải quyết các vấn đề quan trọng này trong buổi họp, mọi người lại bàn tán một cách vô ích. Chẳng giải quyết được chuyện gì. Các thành viên đều muốn được lắng nghe, nhưng việc “ngồi lê đôi mách” không đưa vấn đề đến đúng người (hoặc đội nhóm) cần nghe. Những cuộc họp, vì vậy, trở nên kém hiệu quả, tẻ nhạt, trong khi “lời ong tiếng ve” và sự tiêu cực cứ lan rộng. Các thành viên không đưa ra được quyết định. Cả nhóm không khai thác hết sức mạnh của sự hợp tác.
Là một thành viên của nhóm, trách nhiệm chủ yếu của bạn là tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong những buổi họp. Bạn cần thử thách, đề xuất ý tưởng, đưa ra phản hồi thẳng thắn và cần thiết cho đồng đội. Hãy vượt qua những khác biệt, ủng hộ và khuyến khích các thành viên khác. Tương tự như những viên đá trong câu chuyện của Jobs, nhiệm vụ của bạn là toàn tâm toàn ý với nhóm bằng cách va chạm thật nhiều với “các viên đá” khác. Chất vấn ý kiến của đồng đội, tham gia tranh luận khi cần thiết và nỗ lực giới thiệu thành quả của cả nhóm.
Tuy nhiên, để đạt đến mức độ này, trong bạn cần thật sự quan tâm đến sự thành bại, phát triển của nhóm.
Để thử thách một sáng kiến, hẹn gặp đồng đội hoặc góp ý thẳng thắn, bạn đều cần can đảm và thành thực. Dĩ nhiên, nó sẽ rất khó chịu nhưng sự trung thực của bạn sẽ được đền đáp về sau. Từ đây, đồng đội sẽ tin tưởng, tôn trọng bạn hơn, vì họ biết bạn quan tâm đến họ. Để trở thành một người đáng tín nhiệm, chúng ta không thể nào không làm những việc trên.
Bài tập áp dụng
Bạn sẽ làm gì để thể hiện sự thẳng thắn, chân thành với đồng đội? Nó sẽ đem lại lợi ích cho nhóm của bạn? Tại sao?
......................................