Khi khám phá tinh thần chủ đạo của một đội ngũ thành công, bạn sẽ tìm thấy những trái tim vị tha, tận tâm với mọi người
Nội chiến1 là một trong những cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ít nhất có 620.000 người thiệt mạng, “xấp xỉ 2,5% dân số nước Mĩ vào thời điểm đó.” Tổng số thương vong nhiều hơn tất cả cuộc chiến khác của Hoa Kỳ cộng lại, tính “từ cuộc Cách mạng Hoa Kỳ cho đến cuộc chiến tranh Việt Nam.”
1 Nội chiến Hoa Kỳ (American Civil War, 1861–1865) là cuộc tranh chấp quân sự diễn ra tại Hoa Kỳ, giữa Chính phủ Liên bang và các tiểu bang phía Nam. Sau khi Abraham Lincoln đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1860, 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, lập ra Liên minh miền Nam (Confederate States of America); 25 tiểu bang còn lại ủng hộ chính phủ Liên bang miền Bắc (Union).
Mùa Đông năm 1862, lực lượng dưới trướng Robert E.Lee – Đại tướng thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam, đang chiếm ưu thế trên một số mặt trận then chốt. Trong đó có thắng lợi trận Fredericksburg, một cuộc xung đột nặng nề, đẫm máu diễn ra tại bang Virginia. Đây là một trong những đợt tấn công mang tính quyết định, nhưng nó gây thiệt hại nặng nề nhất đối với Liên bang miền Bắc. Khi Tổng thống Abraham Lincoln hay tin về số thương vong sau trận Fredericksburg, cứ mười binh sĩ thì có một người tử trận, ông đã bật khóc: “Nếu có nơi nào đó tồi tệ hơn địa ngục thì tôi xin ở đó.”
Thật ra ban đầu, Chiến dịch Fredericksburg của Liên bang miền Bắc hứa hẹn nhiều triển vọng nhưng nó nhanh chóng tiêu tan vì các vấn đề trì hoãn và sai lầm do quan liêu. Ngày 13 tháng 12 năm 1862, lực lượng Liên bang miền Bắc bất ngờ tấn công Liên minh ở Marye – một ngọn đồi lớn và dốc, nhìn xuống là có thể thấy Thị trấn Fredericksburg. Quân miền Nam cố thủ sau bức tường thành chạy dọc theo quả đồi, nấp trong những chiến hào khuất tầm mắt của quân miền Bắc.
Khi quân Liên bang bắt đầu tiến đánh, họ bị phe Liên minh núp sau chiến lũy phục kích dữ dội. Sáng ngày 14 tháng 12 cùng năm, 12.000 binh sĩ miền Bắc rơi vào tay kẻ địch. Một số ít thì mắc kẹt trong tầm bắn 50 thước của quân thù.
Những người nằm lại trên chiến trường vẫn sống sót, nhưng họ phải chịu đau đớn vì thương tích và đói khát. Suốt cả đêm dài, cả hai phe buộc phải nghe tiếng khóc ai oán, rên rỉ của những người còn sống, từ giờ này sang giờ khác. Các nhân chứng mô tả rằng tiếng khóc ấy rất “quái dị, kinh khủng, không tài nào chịu được”. Giây phút lắng nghe tiếng khóc của những người đàn ông “đang nằm lay lắt trên một sườn đồi cách xa nhà vạn dặm đã làm rung động trái tim binh sĩ của cả hai bên.”
Richard Rowland Kirkland – một trung sĩ bộ binh 19 tuổi thuộc Liên minh miền Nam vì không chịu nổi tiếng khóc than của các binh sĩ thêm nữa, nên sáng ngày 14 tháng 12, anh đã hỏi chỉ huy xem có thể hạ thấp chiến lũy và tiếp tế nước cho những người lính bị thương kia không. Vị trung sĩ trẻ tha thiết trình bày với cấp trên của mình: “Cả ngày lẫn đêm tôi đều nghe thấy họ khóc lóc cầu xin nước uống. Nước! Nước! Tôi không thể chịu thêm nữa. Tôi đến để xin ngài cho phép tôi mang nước cho họ.”
Ban đầu, vị chỉ huy từ chối đề nghị của Kirkland vì việc này quá nguy hiểm. Trước sự kinh ngạc của quân sĩ hai bên, Kirkland đeo vài bi đông quanh cổ và trèo qua bức tường để mang nước đến cho những người đang chịu khát. Nghĩ rằng Kirkland có mưu đồ xấu, phe Liên bang ngay lập tức nổ súng nhưng sau khi nhìn thấy hành động của anh, loạt đạn đã nhanh chóng chấm dứt.
Trung sĩ Kirkland tiến đến chỗ từng người lính, cố gắng xoa dịu nỗi đau của họ bằng tất cả những gì mình có. Anh đặt chiếc áo khoác cạnh người này, để nước bên đôi môi khát khô của người khác. Trong khoảng hơn một tiếng, anh đã trèo qua trèo lại quanh bức tường nhiều lần, mang theo những chiếc bi đông đầy nước hơn cho kẻ thù của mình. Tiếng khóc vui mừng của họ: “Nước, nước, lạy Chúa nước đây rồi” vang vọng khắp chiến trường. Hành động tràn đầy yêu thương và nhân ái đó đã tạm dừng cuộc chiến liên miên dù chỉ trong phút chốc.
Trung sĩ Kirkland chính là vị anh hùng vị tha, dám đánh cược mạng sống của mình để cứu kẻ địch. Dù mới một ngày trước đó, anh đã quyết sống chết với họ. Dĩ nhiên, đấy chỉ là một ví dụ cho lòng vị tha. Bản thân, trong thời đại ngày nay, liều mạng vì một thành viên trong nhóm đã khó chứ chưa nói đến là kẻ thù. Nhưng bạn luôn có nhiều cơ hội để ưu tiên nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của bản thân, giống như Richard Kirkland. Khi khám phá tinh thần chủ đạo của một đội ngũ thành công, bạn sẽ tìm thấy những trái tim vị tha, biết quan tâm đến mọi người.
Muốn xây dựng một nhóm thành công, trước hết phải có những thành viên muốn cho nhiều hơn nhận, sẵn sàng và chủ động giúp đỡ lẫn nhau, biết nghĩ đến người khác trước rồi sau mới đòi hỏi cho mình. Họ khao khát tạo nên thành công của nhóm hơn là của bản thân. Thật ra với những thành viên rộng lượng như thế, họ có thể mất đi một chút nhưng nhận lại rất nhiều. Câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh điều đó:
“Ngày xưa, có hai anh em nhà nọ cùng nhau chăm sóc cho trang trại của gia đình. Người anh đã lấy vợ và phải nuôi một gia đình đông đúc. Người em thì vẫn độc thân. Cứ đến cuối ngày, hai người lại chia đều mọi thứ với nhau, từ nông sản đến lợi nhuận.
Một ngày nọ, người em thầm nghĩ: ‘Thật không công bằng khi anh em mình cứ chia đều như vậy. Ta chỉ có một mình, nhu cầu cũng giản tiện.’ Do đó hàng đêm, người em lấy một bao ngũ cốc của mình, băng qua cánh đồng ngăn giữa hai nhà, đổ vào thùng nông sản của anh trai.
Trong khi đó, người anh cũng tự nhủ: ‘Thật vô lý khi hai anh em mình cứ ‘ăn đồng chia đều’ mọi thứ. Suy cho cùng, mình đã có gia đình. Mai sau còn có vợ cùng nhau nương tựa, chăm sóc cho các con. Còn em mình lại chẳng có ai lo lắng cho tương lai cả.’
Nghĩ đoạn, đêm nào người anh cũng vác một bao ngũ cốc và đổ vào thùng nông sản của người em.
Suốt nhiều năm, cả hai anh em đều thấy khó hiểu, lượng nông sản của họ chẳng hề vơi đi. Rồi một đêm nọ, họ tình cờ bắt gặp người này đang khiêng ngũ cốc sang nhà người kia. Hai anh em chợt hiểu ra mọi chuyện. Họ bỏ bao ngũ cốc xuống và ôm chầm lấy nhau.”1
1 Brian Cavanaugh, T.O.R., The Sower’s Seeds: 120 Inspiring Stories for Preaching, Teaching, and Public Speaking (Tạm dịch: Hạt giống của người gieo giống: 120 câu chuyện truyền cảm hứng để giảng dạy, diễn thuyết),
Khi các thành viên đều biết nghĩ cho nhau, cùng làm việc vì nhau, tất cả sẽ đều nhận được trái ngọt. Ai nhìn ra được điểm tốt nơi người khác, công nhận thành tựu của đồng đội, người đó rất đáng tin cậy. Và thành viên nào hay giúp đỡ, biết nghĩ cho người khác trước sẽ nhận được sự yêu quý đặc biệt của mọi người.
Trong lúc nuôi dạy con cái, tôi đã hỏi chúng có muốn tôi bật mí về cách làm sao có được nhiều bạn bè không. Sau khi bọn trẻ đảo mắt vài vòng (chúng thường làm thế khi lắng nghe những lời khuyên “thông thái” của bố), tôi khuyên chúng trước hết, hãy biết vì người khác. Tôi khuyến khích các con tìm cách giúp đỡ và chân thành khen ngợi người khác, hỗ trợ bạn bè cùng tiến bộ hơn. Đồng thời cầu mong chúng sẽ dành tình yêu thương nhiều hơn cho mọi người xung quanh. Quả là một ý tưởng có sức lay động mạnh mẽ!
Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Nếu bạn muốn hạnh phúc trong một giờ, hãy chợp mắt. Nếu bạn muốn hạnh phúc suốt một ngày, hãy đi câu. Nếu bạn muốn hạnh phúc trong một tháng, hãy kết hôn. Nếu bạn muốn hạnh phúc cả một năm, hãy thừa kế một gia tài. Còn nếu bạn muốn hạnh phúc suốt đời, hãy mở lòng, giúp đỡ mọi người xung quanh.”1 Suy nghĩ và hành động vị tha của mỗi thành viên sẽ tạo nên hạnh phúc cho đội nhóm của họ.
1 Christine Comaford, Yes You CAN Buy Happiness - And It’s Cheaper Than You Think, (Tạm dịch: Đúng, bạn CÓ THỂ mua hạnh phúc – và nó rẻ hơn bạn nghĩ).
TINH THẦN CỐNG HIẾN
Trái tim đẹp nhất là trái tim biết cho đi
Vài năm trước, tôi có dịp ăn trưa với một người bạn làm bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Chúng tôi thưởng thức bánh tortilla1 và salsa2 trong một không gian riêng biệt, yên tĩnh tại nhà hàng Mexico, nơi cả hai đều yêu thích. Không gian ở đây chủ yếu được trang trí bằng những chiếc mũ rộng vành và các tác phẩm nghệ thuật Tây Ban Nha rực rỡ. Bao quanh chúng tôi là những âm thanh dịu dàng phát ra từ một bài hát nào đó. Thực là một bữa trưa hoàn hảo!
1 Bánh tortilla: Một loại bánh mì dạng dẹt được làm từ bột bắp hoặc bột mì, có xuất xứ từ Mexico và các nước Nam Mỹ.
2 Sốt salsa: Một loại sốt trong ẩm thức Mexico, nguyên liệu chính của salsa thường là cà chua, hành tây, ớt và một số gia vị khác.
Tôi đã hỏi anh ấy một câu hỏi đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bản thân về cách làm việc nhóm: Trong phòng cấp cứu, mọi người sẽ phối hợp với nhau như thế nào? Anh đáp: Chúng tôi hiểu rõ nhu cầu của từng người trong đội và biết đâu là cách tốt nhất để hỗ trợ họ. Nếu cả đội tập trung đáp ứng yêu cầu của nhau, chúng tôi sẽ cứu sống được bệnh nhân.
Ngay lúc đó, tôi đã hiểu thế nào là Nhà lãnh đạo phụng sự (hay Nhà lãnh đạo công bộc). Họ là những vị thủ lĩnh luôn nỗ lực hỗ trợ cho người khác trước tiên. Trong lịch sử thế giới có ghi nhận một số tên tuổi của các nhà sáng lập tôn giáo đã lãnh đạo mọi người theo phong cách này, như Đức Jesus, Nhà tiên tri Muhammad, Thái tử Tất Đạt Đa và thời hiện đại có Mẹ Teresa. Tuy nhiên, cái khoảnh khắc khi nghe anh bạn thân chia sẻ, tôi bắt đầu nghĩ sâu sắc hơn về khái niệm Tinh thần cống hiến khi làm việc nhóm.
Nhiều người trong chúng ta thích hỗ trợ cho người thân khi ở nhà, làm tình nguyện trong nhà thờ và cả cho cộng đồng, nhưng ta hiếm khi nhìn thấy thái độ cống hiến tương tự trong đội nhóm. Nếu các thành viên biết chú ý đến nhu cầu của người khác, cả nhóm sẽ gặt hái được nhiều thành quả bất ngờ. Mức độ quan tâm và tin tưởng trong nhóm sẽ tăng lên đáng kể khi mỗi người trở thành người cống hiến cho đồng đội. Tôi gọi đây là “Hiệu ứng cống hiến”.
Tác động tích cực này sẽ xảy ra khi một người bắt đầu tập trung hỗ trợ người khác. Khi làm như thế, họ sẽ yêu quý và quan tâm hơn đến người mà họ đang hỗ trợ. Càng quý mến, quan tâm bao nhiêu, khao khát cống hiến càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Đó là nền tảng vững chắc, thói quen lành mạnh cho quá trình làm việc nhóm và quan trọng hơn cả, là cho cuộc sống!
Tình thương của bố mẹ dành cho con cái là ví dụ điển hình về tinh thần cống hiến. Khi mới lọt lòng, đứa trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ. Chúng chưa thể làm gì ngoài việc ăn, ngủ, chớ và “đi” ra tã. Lúc đó các ông bố bà mẹ sẽ chăm con không biết mệt, chẳng chợp mắt được bao nhiêu, tất bật dọn dẹp rồi thay tã. Tình yêu của bố mẹ dành cho đứa trẻ ngày một sâu sắc hơn, bất kể trẻ đòi hỏi nhiều như thế nào. Tuy nhiên, ý nghĩa của tình thương và tinh thần cống hiến không chỉ dừng lại ở đó. Trong vòng tay nuôi nấng đầy yêu thương, tình cảm của em bé dành cho cha mẹ cũng sâu đậm hơn rất nhiều.
Bạn đã bao giờ gặp một đồng đội đối xử tử tế với mình hay chưa? Bạn nghĩ sao về người đó? Giống như hầu hết mọi người, có thể bạn sẽ không bao giờ quên cử chỉ tốt bụng ấy và thiện cảm dành cho họ ngày càng tăng. Chỉ cần hành động chân thành đó đủ mạnh mẽ, cảm nhận của bạn về họ sẽ dần khác đi.
Nhiều năm trước, gia đình chúng tôi dọn đến một nơi hoàn toàn xa lạ, cách chỗ ở cũ vài tiểu bang. Tôi thuê hai chiếc xe tải loại lớn nhất của công ty U-Haul rồi chất mọi đồ đạc lên xe. Hai cậu con trai đang tuổi thiếu niên và cha tôi (ông đang bị đau lưng) là những người duy nhất giúp tôi dỡ đồ từ xe xuống.
Vào một ngày tháng Bảy ấm áp, chúng tôi lên đường dọn sang nhà mới. Quãng đường dài và thiếu ngủ khiến tất cả đều kiệt sức. Chúng tôi chẳng còn muốn nghĩ đến nhiệm vụ trước mắt. Thế rồi không biết từ đâu, tám người đàn ông hàng xóm xuất hiện. Họ giúp mấy bố con tôi dọn đồ vào nhà chỉ trong một, hai tiếng! Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ rõ từng người một. Mỗi lần trông thấy họ, tôi đều cảm thấy ấm áp và nhớ về hành động tử tế của họ ngày hôm ấy.
Khi ta giúp đỡ người khác, nó có thể làm thay đổi hoàn toàn cảm nhận của ta về họ và ngược lại. Bạn thử tưởng tượng xem, nếu mỗi thành viên trong nhóm đều chủ động tìm cách hỗ trợ nhau giống như tám người hàng xóm giúp tôi năm ấy thì sẽ thế nào? Tinh thần đó có cải thiện hiệu quả làm việc của nhóm không?
Khi sẵn sàng hỗ trợ đồng đội, bạn không chỉ tạo ra những điều bất ngờ cho đội nhóm mà còn cho cả cuộc sống của mình nữa. Mahatma Gandhi từng nói: “Cách tốt nhất để hiểu bản thân là quên mình cống hiến cho người khác.”1 Giúp đỡ mọi người là “thần dược” cho những lúc bạn chán nản hay xuống tinh thần. Nếu rơi vào trạng thái đó, bạn hãy làm một việc tử tế, giúp đỡ người khác, ví dụ như giúp đồng đội của mình. Năng lượng và thái độ của bạn ắt sẽ thay đổi khi bạn quên mình hỗ trợ họ. Như nhà văn Mark Twain đã nói: “Cách động viên bản thân hữu hiệu nhất là động viên người khác.”2
1 Jill Nystul, One Good Life: My Tips, My Wisdom, My Story (Tạm dịch: Một cuộc sống tốt đẹp: Lời khuyên của tôi, Trí tuệ của tôi, Câu chuyện của tôi).
2 10 Ways to Cheer Yourself Up (Tạm dịch: 10 cách tự động viên bản thân) http://www. homeremy.com/10-ways-to-cheer-yourself-up/.
Sau nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan giữa tinh thần cống hiến và hạnh phúc. Kết quả cho thấy những người thường quan tâm đến người khác sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc và ít nghỉ làm hơn so với những người hiếm khi ra tay giúp đỡ ai.3 Chỉ riêng những lý do này thôi, có lẽ đã đủ thôi thúc bạn tìm kiếm cơ hội hỗ trợ người khác.
3 Virtue rewarded: Helping Others at Work Makes People Happier (Tạm dịch: Đức hạnh đáng được tuyên dương: Giúp đỡ người khác tại nơi làm việc sẽ giúp tất cả hạnh phúc hơn), http://news.wisc.edu/virtue-rewarded-helping-others-at-work-makes-people-happier/.
Khi tìm cách giúp đỡ đồng đội, những câu hỏi thường dễ dàng được đón nhận là: “Tôi có thể làm gì để hỗ trợ anh nhiều hơn?”, “Tôi có thể làm gì để giúp chị giải quyết vấn đề?” hoặc “Chị có thể giúp em như thế nào?” Khi một thành viên chủ động lên tiếng, những người khác có thể bắt đầu noi theo. Nếu ai đó giúp đỡ chúng ta, ta thường có xu hướng tiếp tục nghĩa cử đó. Lòng tốt luôn có sức mạnh lan tỏa.
Ngoài các câu hỏi trên, đây là một vài ý tưởng khác giúp bạn bắt đầu hành động:
• Gửi một mẩu giấy nhắn do chính tay bạn viết để khen ngợi, công nhận thành quả của đồng nghiệp. Hãy nói với người đó rằng hành động của họ đã giúp công việc của bạn trôi chảy hơn ra sao. Gửi email cũng được, nhưng nếu bạn viết tay, nó sẽ in đậm dấu ấn cá nhân hơn.
• Tình nguyện hỗ trợ một dự án.
• Mang bánh quy hoặc bất kỳ món tráng miệng nào khác cho cả nhóm. Nếu trong tương lai, bạn có làm món tráng miệng, hãy làm thêm mấy phần nhé! Đường luôn mang đến cảm giác ngọt ngào đấy.
• Lên danh sách sinh nhật của các thành viên nhóm và chúc mừng từng người nhân ngày đặc biệt của họ.
• Dành thời gian quan tâm đến mọi người và những hoạt động của họ sau giờ làm việc: con trai họ thi đấu thế nào trong trận đấu gần nhất, kết quả buổi kể chuyện của con gái họ ra sao, hay đơn giản là buổi trượt tuyết cuối tuần của người đó có vui không. Chỉ bằng những câu hỏi giản dị mà sâu sắc như vậy, cảm tình của các thành viên với bạn sẽ tăng lên hơn nhiều.
• Tặng một món quà độc đáo và ý nghĩa cho đồng đội. Gửi đến họ một thứ giúp họ nhớ đến bạn, tạo cho họ cảm giác mình thật đặc biệt.
Đọc phần tiếp, bạn sẽ nhận thấy hầu hết nguyên tắc được đề cập trong cuốn sách này đều tập trung vào tinh thần cống hiến. Vì vậy, yếu tố này được thảo luận ngay ở chương đầu tiên. Giúp đỡ người khác là nền tảng, là bước đầu tiên trong quá trình làm việc nhóm. Đồng thời nó nuôi dưỡng tất cả cảm xúc tích cực cần thiết khi hợp tác.
Bài tập áp dụng
1. Có thành viên nào trong nhóm của bạn đang cần giúp đỡ ngay lúc này không?
..........................................
2. Tại sao hành động hỗ trợ họ lại tạo ra sự khác biệt cho cả nhóm?
..........................................
Giúp đỡ mọi người là “thần dược” cho những lúc bạn chán nản hay xuống tinh thần.
Nếu rơi vào trạng thái đó, bạn hãy làm một việc tử tế, giúp đỡ người khác. Năng lượng và thái độ của bạn ắt sẽ thay đổi khi bạn quên mình hỗ trợ họ
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC BẠCH KIM
Hãy thấu hiểu thứ người khác thật sự cần chứ không phải thứ mà bạn nghĩ là họ cần
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã được dạy phải tuân theo Nguyên tắc vàng: Nếu bạn muốn người khác đối xử với mình ra sao, hãy cư xử với họ theo cách như vậy. Đây là một nguyên tắc cổ xưa và đã được thời gian khẳng định rằng, nó vẫn còn hữu dụng cho đến ngày nay. Chúng ta thường dạy con cái không được đánh anh chị em của mình vì nếu đổi lại, chúng cũng đâu muốn bị “ăn đòn”. Đó chính là biểu hiện của nguyên tắc đối nhân xử thế trên.
Tuy Nguyên tắc vàng khuyên chúng ta nên biết nghĩ đến cảm nhận của người khác trước tiên nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Ví dụ, chỉ vì tôi thích được tặng hoa đâu có nghĩa là bạn cũng thích. Chỉ vì tôi chia sẻ tường tận từng chi tiết trong câu chuyện, không có nghĩa là bạn cũng phải làm giống tôi. Hoặc nếu tôi thích sử dụng những phương tiện liên lạc nhanh chóng (nhắn tin, chat...), bạn vẫn có thể khác tôi.
Tôi sẽ kể câu chuyện về một người cha thiếu tinh tế để minh họa về một số vấn đề mà Nguyên tắc vàng có thể gây ra. Một ngày nọ, sau khi đi làm về, người chồng thấy vợ mình đang rất bối rối. Cô báo với anh một tin không hay rằng, con chuột cưng của con gái họ vừa mới chết và cô bé đã nhốt mình trong phòng khóc suốt cả ngày. “Tưởng gì, có cách dễ thôi”, người cha nghĩ vậy và đi lên phòng con gái, nói với cô rằng “chuyện nhỏ ấy mà” và họ chỉ cần ra tiệm thú cưng mua một con chuột khác với giá 6,95 đô-la! Chắc bạn có thể hình dung ra, người vợ không hề hài lòng với cách xử lý của ông chồng chút nào.
Trong câu chuyện này, người cha chỉ đơn thuần xử lý theo cách mà ông muốn người khác làm thế với mình (đúng như Nguyên tắc vàng). Đối với ông, một con thú cưng ra đi là vấn đề hết sức bình thường và dễ dàng giải quyết được. Nhưng dĩ nhiên, điều mà cô con gái cần đâu phải là chú chuột hamster khác. Cô chỉ cần một ông bố thấu hiểu cảm giác của mình và biết an ủi thôi. Thật không may, những kiểu hiểu nhầm như vậy không hề hiếm gặp trong các gia đình hay đội nhóm.
Bạn đã nhận ra tại sao, nếu chỉ tuân theo Nguyên tắc vàng lại có thể gây ra rắc rối cho các mối quan hệ. Và tại sao khi đối xử với đồng đội theo cách mà bạn muốn được đối xử, đôi khi sẽ tạo nên vấn đề? Nếu bạn nhất nhất làm theo nguyên tắc này, nghĩa là bạn đang tiếp cận tất cả quan hệ từ lập trường của bạn, với giả định rằng ai cũng giống bạn. Nó thường là phản tác dụng.
Thay vì làm như vậy, hãy sáng suốt, chuyển sang một nguyên tắc khác: Nguyên tắc bạch kim – “hãy đối xử với người khác theo cách mà họ muốn được đối xử.”1 Đây là nguyên tắc của sự thấu hiểu.
1 Tony Alessandra – Michael J. O’Connor, The Platinum Rule: Discover the Four Basic Business Personalities and How They Can Lead You To Success (Tạm dịch: Quy tắc Bạch kim: Khám phá bốn loại hình doanh nghiệp cơ bản và cách chúng có thể dẫn bạn đến thành công).
Chúng ta hãy sử dụng các ví dụ trên và chuyển sang nguyên tắc mới. Thay vì tặng hoa cho đồng đội, bạn nên dừng lại và suy nghĩ một chút: “Đây có phải thứ họ thật sự thích không? Hoa có phải là món quà khiến họ vui vẻ không?” Thay vì kể lể tỉ mỉ từng chi tiết trong lúc nói chuyện, bạn nên tự hỏi: “Họ có thật muốn nghe tất cả những thứ này không?” Thay vì cố chấp nhắn tin ngay, bạn hãy cân nhắc: “Các đồng đội của mình thường dùng ứng dụng gì để nói chuyện? Họ có thoải mái hơn khi mình gọi điện trực tiếp?”
Mỗi người đều là một cá thể “độc nhất vô nhị” nên không thể chỉ áp dụng Nguyên tắc vàng. Thế giới quan của mỗi người mỗi khác, nếu chúng ta nghĩ rằng người khác ai cũng giống mình, ta sớm sẽ gặp rắc rối.
Tôi đã kiểm nghiệm Nguyên tắc bạch kim thông qua một trong những vai trò dẫn dắt đầu tiên mà tôi đảm nhận: Làm cha mẹ. Tôi đã nuôi dạy cả hai đứa con đầu tiên theo phương pháp mà tôi tin là tốt cho tất cả những đứa trẻ trên đời. Tôi đặt ra một khuôn phép cố định, hiếm khi lớn tiếng, luôn dành cho chúng nhiều yêu thương và những cái ôm. Tôi đã đọc một số sách về nuôi dạy con cái và đó là lời khuyên của hầu hết các chuyên gia. Hai đứa con đầu tiên của tôi khá ngoan ngoãn và chỉ cần chút nghiêm khắc là có thể đưa chúng vào khuôn phép. Tôi cảm giác như phong cách làm cha mẹ của mình rất hiệu quả. Tôi tự tin bây giờ mình có thể tự viết cuốn sách về phương pháp nuôi dạy con cái. Chắc nó sẽ được bán đắt “như tôm tươi”!
Đứa con thứ ba ra đời. Thằng bé khá cứng đầu và chẳng hề để tâm đến việc làm vui lòng bất kỳ ai chứ chưa nói đến bố mẹ. Tôi cố gắng nuôi dạy bé theo cách tương tự như hai đứa con đầu nhưng bất thành. Càng nỗ lực gò ép, con tôi càng bướng bỉnh. Tôi sớm biết rằng mình cần một phương pháp giáo dục khác, và việc này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn!
Người viết nên những cuốn sách tôi đọc trong thời gian đầu nuôi dạy con đã không nhận ra rằng, mỗi đứa trẻ sẽ cần các phương pháp giáo dục khác nhau. Tôi đã nhanh chóng thay đổi để thích nghi. Tương tự việc nuôi dạy trẻ nhỏ, chúng ta không thể dùng một cái khuôn cho mọi mối quan hệ. Tất cả chúng ta đều rất khác nhau. Quan trọng là bạn dành thời gian để thật sự thấu hiểu người khác muốn gì, chứ không phải bạn tự nghĩ ra điều họ muốn.
Khi bạn cố gắng thấu hiểu đồng đội của mình, bạn đang giúp sự gắn kết trong nhóm mạnh mẽ hơn. Bạn đã bao giờ nghĩ: “Ồ, người này quả thật rất hiểu mình” chưa? Người đó hiểu được bạn là vì họ sống theo Nguyên tắc bạch kim. Nó đòi hỏi bạn luôn phải nghĩ cho người khác trước tiên và đặt nhu cầu của đồng đội lên trước nhu cầu của bản thân. Tư tưởng này có tác động thật sự mạnh mẽ khi bạn đã xác định chính xác nhu cầu của từng đồng đội. Nhưng chúng ta phải làm thế nào để được như vậy? Dưới đây là ba cách để bắt đầu:
HỎI
Hỏi trực tiếp có lẽ là cách đơn giản nhất để bắt đầu tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của đồng đội. Nếu trưởng nhóm có thể dành thời gian trò chuyện với từng người, các thành viên cũng có thể và nên làm tương tự. Sau mỗi quý hoặc hai lần cố định mỗi năm, bạn nên sắp xếp 10 – 15 phút để trao đổi với mỗi cộng sự của mình. Hãy hỏi họ xem họ đánh giá thế nào khi có người đồng đội như bạn. Và bạn có thể làm gì để hỗ trợ họ tốt hơn.
Việc làm này sẽ có ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đến các hoạt động chung của đội nhóm. Nó không chỉ đơn giản là một bài tập thực hành Nguyên tắc bạch kim. Mà còn là hành động thắt chặt sự gắn kết trong nhóm và nâng cao mức độ tin cậy giữa các thành viên.
QUAN SÁT
Hãy chú ý xem điều gì khiến đồng đội của bạn thích thú, khó chịu hay giận dữ. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều thứ nhờ việc quan sát. Cách họ phản hồi với ta, cách họ phản hồi với những người xung quanh. Các cuộc họp là một dịp lý tưởng để biết được đồng đội của bạn thích hay không thích gì.
THỰC HÀNH
Khi bạn bắt đầu áp dụng Nguyên tắc bạch kim, hãy tập trung để ý xem khi nào bạn sử dụng thành công và khi nào thì không. Thực hành chính là cách hoàn hảo nhất để tìm hiểu nhu cầu của người khác. Hãy chăm chú lắng nghe và quan sát thật tỉ mỉ.
Bài tập áp dụng
1. Bạn có biết nhu cầu và mong muốn của các đồng đội khác là gì không?
...............................
2. Bạn làm thế nào để ưu tiên nhu cầu của người khác lên trước?
...............................
ƯU TIÊN NHÓM LÊN HÀNG ĐẦU
Thành viên của một đội ngũ xuất sắc luôn đoàn kết với nhau để đạt được thành tựu vĩ đại
Nếu bạn biết đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của mình, bạn sẽ biết thế nào là ưu tiên lợi ích của nhóm lên hàng đầu. Tuy nhiên, khi cái tôi, tham vọng, quyền lực, tiền tài và các câu chuyện phiếm chiếm ưu thế, chúng sẽ nhanh chóng làm tan rã đội ngũ và xói mòn tinh thần đồng đội.
Chúng ta dễ dàng nhận ra tình trạng này nhất ở những đội thể thao, nơi cái tôi và sự ích kỷ của một cá nhân được xem trọng hơn thành công của cả đội. Đó là khi một cầu thủ rầu rĩ vì không ghi được nhiều bàn hơn dù đội của anh đã giành chiến thắng chung cuộc. Đó là khi một người gay gắt chỉ trích những thành viên khác hòng che giấu sai lầm và điểm yếu của mình. Đó là khi cầu thủ siêu sao thường xuyên bỏ bê tập luyện, hoặc một thành viên không công nhận thành quả của đồng đội mà lại nhận vơ nó vào mình.
Trong cuốn sách Help the Helper: Building a Culture of Extreme Teamwork (tạm dịch: Giúp người trợ giúp: Xây dựng văn hóa làm việc nhóm tối ưu), hai tác giả Kevin Pritchard và John Eliot đã trích lại lời của ngôi sao bóng bầu dục Jerry Rice trong Chương trình Audibles trên kênh ESPN1, khi ông trả lời câu hỏi: “Ông nghĩ rằng chiến thắng mới đây của đội Denver Broncos là nhờ Tim Tebow – cầu thủ trung phong – hay nhờ hàng phòng ngự?” Jerry đã trả lời:
“Từ lúc nào chúng ta lại có suy nghĩ là một người hay một thứ gì đó có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến thành công của cả đội? Hãy bỏ tư tưởng đó đi được rồi đó. Nó đang giết chết chúng ta. Tôi nghĩ đó chính là lý do quan trọng khiến nền kinh tế của chúng ta gặp khó khăn, và tại sao chúng ta không có tinh thần đồng đội phi đảng phái ở Washington. Đội Broncos không chiến thắng nhờ Tebow hay là hàng D (phòng ngự). Họ thắng nhờ sự hợp tác của toàn bộ 53 cầu thủ, huấn luyện viên, nhân viên hành chính, nhân viên bảo trì và người soát vé, ai nấy đều làm tốt nhiệm vụ của mình. Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn.”2
Trong một nhóm, nếu có bất kỳ thành viên nào vẫn tin rằng vai trò của họ quan trọng hơn hoặc họ làm tốt hơn những người khác, thì quá ấu trĩ và tự mãn. Tôi rất thích câu nói của nhà văn Nhật Bản Ryunosuke Satoro: “Khi đứng riêng, chúng ta chỉ là một giọt nước. Khi hợp lại, chúng ta là cả một đại dương.”3 Chúng ta đoàn kết sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào. Tuy nhiên, để đặt cái tôi xuống và toàn tâm toàn ý với mục tiêu chung của nhóm, bạn phải thật sự khiêm tốn.
1 ESPN (Entertainment and Sports Programming Network): Kênh truyền hình chuyên về thể thao của Mỹ.
2 Kevin Pritchard – John Eliot, Help the Helper: Building a Culture of Extreme Teamwork (Tạm dịch: Giúp người trợ giúp: Xây dựng văn hóa làm việc nhóm tối ưu).
3 Stephanie Watson, How to Improve Teamwork in the Workplace, (Tạm dịch: Cách cải thiện tinh thần đồng đội tại nơi làm việc) How Stuff Works, http://money.howstuffworks.com/ business/starting-a-job/how-to-improve-teamwork-in-workplace.htm.
Theo kết quả thống kê, All Blacks – một đội bóng bầu dục đến từ New Zealand, là đội thể thao chuyên nghiệp thành công nhất từ trước đến nay. Họ đã nhiều lần giành chức vô địch ở bộ môn thể thao mà trong đó, tinh thần đồng đội chính là tất cả. Tuy nhiên, vào năm 2004, tình hình bắt đầu xuống dốc. Đội bóng thua trận nhiều lần, những thành viên kỳ cựu đe dọa sẽ bỏ đi và thành trì kỷ luật mà đội vẫn đặt lên hàng đầu bị hạ thấp hơn bao giờ hết. Đội bóng cần có sự thay đổi và vị huấn luyện viên mới – Graham Henry bắt đầu quá trình “thay máu” đó.
Câu “thần chú” mới của đội biến thành: “Những thành viên giỏi hơn làm nên một All Blacks tốt hơn.” Họ tin rằng sự khiêm nhường và các nguyên tắc cốt lõi khác đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với thành công của cả đội. Trong quá trình xây dựng lại đội ngũ, một trong những nền tảng tạo nên thành công của All Blacks chính là: Dọn dẹp phòng thay đồ. Cuối mỗi trận đấu, dù là ở sân nhà hay sân khách, các cầu thủ sẽ dọn dẹp, sắp xếp lại phòng thay đồ ngăn nắp hơn cả khi họ bước vào. Kể cả trưởng nhóm và huấn luyện viên cũng phải nhặt rác, cầm chổi quét sàn. Việc này yêu cầu họ đặt cái tôi xuống và sống đúng với giá trị khiêm nhường của đội.
Bạn có tưởng tượng nổi không, những vận động viên chuyên nghiệp nổi tiếng cầm cây chổi lên và quét dọn phòng thay đồ. Để đặt đội ngũ lên ưu tiên hàng đầu, tất cả thành viên luôn phải rèn luyện đức tính khiêm nhường (chúng ta sẽ nói nhiều hơn về đức tính này trong chương tiếp theo). Nếu thành viên nào cũng đề cao cái tôi, tham vọng của mình lên trên nhu cầu của người khác, hậu quả tồi tệ sẽ ập đến. Giống như câu chuyện ngụ ngôn Ấn Độ xưa, kể về một người giặt quần áo thuê và hai con lừa:
Người giặt đồ thuê có nuôi hai con lừa. Ông gọi chúng là con A và con B. Chú lừa A cảm thấy mình khỏe khoắn và có thể thồ hàng giỏi hơn người bạn của chú. Chú luôn cố gắng thu hút sự chú ý của ông chủ bằng cách chở nhiều hàng hơn và bước thật nhanh ngay trước mặt ông ấy.
Chú lừa B thì chỉ là một con vật bình thường. Nó cũng cố gắng hết sức có thể nhưng không thể chở nặng hay gây ấn tượng với người đàn ông giặt đồ như chú lừa A. Sau một thời gian, người chủ bắt đầu chất nhiều hàng hơn lên lưng con lừa B nhưng nó không thể nào thồ nổi. Rốt cuộc, con vật tội nghiệp phải chịu phạt.
Một ngày nọ, chú lừa B khóc và nhờ bạn mình giúp đỡ. Chú nói: “Anh bạn thân mến ơi, bây giờ chỉ có hai chúng ta thôi. Tại sao ta cứ phải ganh nạnh với nhau làm gì? Nếu chúng ta hợp tác thì có thể chở một lượng hàng đều nhau với tốc độ như thường.”
Chú lừa A phớt lờ lời cầu xin và thậm chí còn cạnh tranh dữ dội hơn. Ngày hôm sau, nó khoác lác với ông chủ rằng nó có thể thồ nhiều hàng và chạy nhanh hơn lừa B. Quả là thế thật. Đúng như mong đợi, người đàn ông càng tức giận và bắt ép chú lừa B phải đi nhanh nữa, liên tục đánh phạt dù chú không thể làm gì khác! Không chịu nổi áp lực khủng khiếp, con lừa tội nghiệp kiệt sức, gục ngã và lặng lẽ qua đời.
Lúc này, lừa A cảm tưởng như mình là đỉnh cao của cả thế giới vì đã chứng tỏ được năng lực siêu việt. Tuy nhiên, bây giờ chú phải gánh cả phần việc mà anh bạn xấu số kia để lại. Ban đầu, chú vẫn đủ sức kham cả hai nhiệm vụ nhưng rốt cuộc, chú kiệt sức và yếu dần đi. Người đàn ông thì chẳng chút xót thương cho con vật một thời tháo vát nhưng nay đã mệt lử. Ông ta quát mắng và đòi hỏi khắc nghiệt hơn. Nhưng dù cố gắng thế nào, lừa A cũng không thể thỏa mãn yêu cầu của chủ.
Rốt cuộc đã đến cái ngày mà người đàn ông chán ghét chú lừa kiệt sức và vô dụng. Ông ta giết thịt nó và đi tìm những con khác khỏe hơn thay thế. Giá mà hồi đó lừa A chịu san sẻ với lừa B thì cả hai đều đã sống tốt rồi!1
1 Michael Rogers, Working Together — Powerful Teamwork Story, (Tạm dịch: Làm việc cùng nhau – Câu chuyện vê Sức mạnh của đội nhóm).
Những đồng đội biết ưu tiên cho lợi ích của nhóm thường suy nghĩ về hiệu quả và con đường cùng nhau chinh phục thành công. Họ hiểu rằng họ không thể đạt được thành quả khi “đơn thương độc mã”. Cho đến khi cả đội cùng đi đến đích, thì không một ai cảm thấy hài lòng. Tất cả hợp tác làm việc và ít đòi hỏi sự công nhận cho bản thân, nhường vinh dự đó cho tập thể. Thành viên của những đội ngũ xuất sắc ý thức rằng để mỗi cá nhân thành công thì tất cả phải thành công. Cựu tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman từng nói: “Bạn sẽ rất kinh ngạc trước những gì mình đạt được khi không còn quan tâm đến những lời tán dương”. Các đồng đội tốt nhất sẽ thường dùng từ “chúng tôi” hơn là “tôi”.
Bill Russell – một huyền thoại bóng rổ từng nói: “Thước đo quan trọng nhất về kết quả trận đấu của tôi thể hiện qua hiệu quả mà tôi hỗ trợ đồng đội của mình.”2
2 Andre Bourque, 7 Leadership Lessons You Can Learn From the Game of Basketball (Tạm dịch: 7 bài học về lãnh đạo mà bạn có thể học từ môn bóng rổ).
Cái tôi, mong muốn thăng tiến, lương cao là nhu cầu tự nhiên của tất cả mọi người, nhưng những thành viên tốt nhất sẽ không để nhu cầu cá nhân của họ ảnh hưởng đến lợi ích của nhóm. Họ tập trung hợp tác để cùng nhau vươn đến sự xuất sắc. Họ biết rằng có những thành quả lớn hơn, quan trọng hơn chính bản thân họ.
Bài tập áp dụng
1. Gần đây, bạn có ưu tiên cho nhóm của mình lên hàng đầu không?
2. Biểu hiện nào chứng mình điều đó?
3. Việc làm nào của bạn đặc biệt giúp ích cho đồng đội của mình?
4. Bạn có đang làm gì tổn hại đến nhóm không? Nếu có, bạn sẽ làm điều gì để thay đổi?
Khi đứng riêng, chúng ta chỉ là một giọt nước.
Khi hợp lại, chúng ta là cả một đại dương.