Hành Trình Đi Đến Tư Duy Siêu Việt
Mỗi buổi sáng, sau khi đưa con đi học, chúng tôi đi bộ và nói về cuộc sống, chia sẻ những trải nghiệm, và những việc gần đây của mình (Chúng tôi đã kết hôn). Chúng tôi thảo luận về rất nhiều chủ đề, cũng thường tìm được những chủ đề chung - những khái niệm xung quanh cuộc sống giúp chúng tôi giải thích, dự đoán, hoặc tiếp cận những chủ đề tưởng như khác nhau. Từ các khái niệm quen thuộc, chẳng hạn chi phí cơ hội và quán tính, đến những khái niệm khó hiểu hơn, như Luật Goodhart và nắm bắt các quy định. (Chúng tôi sẽ giải thích những khái niệm quan trọng này và nhiều khái niệm nữa trong những trang tiếp theo đây.)
Những khái niệm lặp lại này được gọi là mô hình tư duy. Một khi bạn đã quen thuộc với chúng, bạn có thể sử dụng chúng để nhanh chóng tạo ra một bức tranh tư duy về một tình huống, chúng sẽ trở thành một mô hình để sau này bạn có thể áp dụng trong các tình huống tương tự. (Xuyên suốt cuốn sách này, chúng tôi sẽ sử dụng kiểu chữ đậm để trình bày các mô hình tư duy chính. Kiểu chữ nghiêng sẽ được sử dụng để nhấn mạnh các từ chỉ tên của một mô hình, cũng như để làm nổi bật các khái niệm và cụm từ có liên quan phổ biến.)
Mặc dù những khái niệm này rất hữu ích, nhưng hầu hết chúng không được giảng dạy phổ biến trong trường học, ngay cả ở bậc đại học. Chúng tôi đã đúc kết được một số mô hình khi còn đi học (cả hai chúng tôi đều có bằng đại học và sau đại học của MIT), nhưng hầu hết là thông qua việc đọc, trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm.
Chúng tôi ước gì mình biết về những ý tưởng này sớm hơn. Bởi chúng không chỉ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra xung quanh mình, mà còn giúp chúng tôi đưa ra quyết định hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống. Mặc dù không thể quay ngược thời gian và dạy cho chính mình những ý tưởng này, nhưng chúng tôi có thể cung cấp hướng dẫn này cho mọi người và cho thế hệ sau này. Đó là động lực chính của chúng tôi khi viết cuốn sách.
Một ví dụ về mô hình tư duy hữu ích từ vật lí là khái niệm Khối lượng tới hạn, để chỉ khối lượng cần thiết của vật liệu hạt nhân để tạo ra một trạng thái tới hạn, nhờ đó có thể xảy ra phản ứng dây chuyền hạt nhân. Khối lượng tới hạn là một mô hình tư duy thiết yếu trong quá trình phát triển bom nguyên tử.
Mỗi ngành học, như Vật lí chẳng hạn, đều có một bộ mô hình tư duy riêng mà chúng ta có thể học được thông qua các khóa học, qua sự chỉ dẫn và kinh nghiệm trực tiếp. Tuy nhiên, có một nhóm nhỏ các mô hình tư duy sẽ hữu ích trong cả việc ra quyết định hàng ngày, giải quyết vấn đề và tìm kiếm sự thật. Những mô hình này thường bắt nguồn từ các ngành cụ thể (Vật lí, Kinh tế, v.v.) nhưng có giá trị ẩn dụ vượt ra khỏi chuyên ngành ban đầu của chúng.
Khối lượng tới hạn là một trong những mô hình tư duy có khả năng ứng dụng rộng rãi: các ý tưởng có thể đạt đến khối lượng tới hạn; một nhóm có thể đạt được khối lượng tới hạn, một sản phẩm có thể đạt được khối lượng tới hạn,v.v... Không giống như hàng trăm khái niệm khác từ Vật lí, Khối lượng tới hạn rất hữu ích bên ngoài bối cảnh vật lí. (Chúng ta sẽ khám phá mô hình Khối lượng tới hạn chi tiết hơn trong Chương 4.)
Chúng tôi gọi đây là những mô hình tư duy hữu ích và có thể ứng dụng rộng rãi này là Siêu mô hình tư duy, vì việc áp dụng chúng thường xuyên sẽ mang lại cho bạn một siêu sức mạnh đấy là: Siêu tư duy với khả năng suy nghĩ tốt hơn về thế giới — mà bạn có thể sử dụng để đưa ra quyết định ưu việt hơn, cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp.
Chúng tôi đã được Charlie Munger, đối tác của nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett, giới thiệu về khái niệm Siêu mô hình nhiều năm trước. Như Munger đã giải thích trong một bài phát biểu năm 1994 tại Trường Kinh doanh Marshall thuộc Đại học Nam California với tiêu đề “Bài học về trí tuệ sơ đẳng và thông thường liên quan đến Quản lí đầu tư và kinh doanh”:
Trí tuệ sơ đẳng, thông thường là gì? Chà, nguyên tắc đầu tiên là bạn không thể thực sự hiểu bất cứ điều gì nếu bạn chỉ nhớ những sự kiện cá biệt, riêng lẻ và quay lại dùng chúng theo lối kinh nghiệm ngẫu nhiên. Nếu các sự kiện không kết hợp với nhau trên một mạng lưới lí thuyết, bạn sẽ không thể sử dụng chúng.
Bạn phải có các mô hình tư duy trong đầu. Và bạn phải sắp xếp trải nghiệm của mình - cả gián tiếp lẫn trực tiếp - trên mạng lưới các mô hình này.
Có câu nói rằng: “Lịch sử không tự lặp lại, nhưng nó có giai điệu.” Nếu bạn có thể xác định một mô hình tư duy áp dụng cho tình huống đang xảy ra, thì bạn ngay lập tức biết rất nhiều điều về nó. Ví dụ: Giả thử, bạn đang nghĩ về một công ty cho thuê các dụng cụ điện đắt tiền. Những dụng cụ này thường bị bỏ xó trong gara của họ. Nếu bạn nhận ra cách áp dụng khái niệm Khối lượng tới hạn, bạn sẽ biết rằng, trước khi việc làm ăn của công ty này khả thi, họ cần phải đạt được một số ngưỡng nhất định. Trong trường hợp này, họ cần có đủ công cụ cho một nhóm người thuê để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng đầu tiên, cũng như bạn cần đủ tài xế Lyft1 trong một thành phố để mọi người bắt đầu tin tưởng vào dịch vụ của bạn.
1 Lyft là một đối thủ cạnh tranh của Uber tại Mỹ.
Đó là siêu tư duy, bởi vì một khi đã xác định giải thích mô hình kinh doanh này qua lăng kính Khối lượng tới hạn, bạn sẽ bắt đầu phải suy luận về nó ở cấp độ cao hơn, phải hỏi và trả lời những câu hỏi như: Bao nhiêu dụng cụ là đủ để đạt tới điểm khối lượng tới hạn để cung cấp cho một khu vực nhất định? Hai dụng cụ cần cách nhau bao xa để có thể được tính vào cùng một điểm khối lượng tới hạn trong một khu vực? Khối lượng tới hạn có khả năng đạt được trong một khu vực không? Tại sao có hoặc tại sao không? Bạn có thể điều chỉnh mô hình kinh doanh để có thể tiếp cận được hoặc dễ dàng tiếp cận điểm khối lượng tới hạn này không? (Ví dụ, với mỗi loại công cụ riêng, công ty có thể dùng phương pháp đi “chim mồi” cho cư dân ở từng khu vực.)
Như bạn thấy đấy, các siêu mô hình tư duy là đường tắt để đi đến tầng mức tư duy cao hơn. Nếu bạn có thể hiểu các mô hình liên quan đến một tình huống, bạn có thể ngay lập tức vượt qua một mức tư duy và nhảy đến mức cao hơn. Ngược lại, người nào không biết được những mô hình này sẽ chẳng bao giờ chạm đến mức tư duy cao hơn.
Hãy nghĩ lại về lần đầu bạn học phép nhân. Phép nhân chỉ là phép cộng lặp lại. Trên thực tế, tất cả các phép toán dựa trên số học đều có thể được rút gọn thành phép cộng: phép trừ chỉ là cộng một số âm, phép chia chỉ là phép trừ lặp lại, v.v. Tuy nhiên, sử dụng phép cộng cho các phép toán phức tạp thì việc tính toán sẽ rất chậm, đấy là lí do tại sao ngay từ đầu bạn sử dụng phép nhân.
Ví dụ, giả thử bạn có một cái máy tính hay một bảng tính ngay trước mặt. Khi bạn có 158 số 7 và bạn muốn biết cấp số tổng của chúng, bạn có thể sử dụng máy tính và cộng 158 lần số 7 với nhau, hoặc bạn có thể lấy 7 x 158 (một cách nhanh chóng). Khi bạn đã nhận ra mô hình cao hơn là phép nhân, bạn sẽ thấy sử dụng phép cộng thật tốn thời gian. Phép nhân giúp bạn làm việc nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn.
Khi bạn không sử dụng mô hình tư duy, tư duy chiến lược của bạn sẽ kém hiệu quả giống như bạn sử dụng phép cộng trong khi có thể sử dụng phép nhân. Nếu không sử dụng các mô hình sẵn có này, bạn sẽ luôn phải bắt đầu từ vạch xuất phát. Các mô hình giúp bạn suy luận về các vấn đề ở cấp độ cao hơn. Và đó chính xác là lí do tại sao việc biết các mô hình tư duy phù hợp sẽ mở ra khả năng siêu tư duy, cũng như phép trừ, phép nhân và phép chia giúp bạn có khả năng giải các bài toán phức tạp hơn.
Một khi bạn đã sử dụng thành thạo một mô hình tư duy như phép nhân, thật khó để tưởng tượng một thế giới không có nó. Nhưng rất ít mô hình tư duy vốn là sinh ra đã có. Đã có những thời kì hầu hết mọi người đều không biết đến phép cộng, và bạn vẫn có thể thấy được những nhóm người sống thiếu nó. Ví dụ, người Pirahã ở rừng mưa Amazon ở Brazil không có khái niệm về những con số cụ thể, mà chỉ có khái niệm về “một lượng nhỏ hơn” và “một lượng lớn hơn”. Do đó, không dễ dàng để họ đếm vượt quá ba, chứ đừng nói đến phép cộng. Như Brian Butterworth đã kể lại trong một bài báo đăng ngày 20 tháng 10 năm 2004 trên tờ The Guardian, “Điều gì xảy ra khi bạn không thể đếm được quá bốn?”:
Không có nhiều khái niệm về số, và không có các kí hiệu số, chẳng hạn như một, hai, ba. Kĩ năng số học của họ không thể kiểm tra được ngay cả theo cách chúng ta làm với những đứa trẻ 5 tuổi ở Anh. Thay vào đó, [Nhà ngôn ngữ học Peter] Gordon đã sử dụng một tác vụ đối sánh. Anh ta đặt tám đồ vật lên một chiếc bàn. Sau đó, một số người Pirahã được yêu cầu làm giống như thế - đặt tám đồ vật lên một chiếc bàn. Dù những vật này được đặt có hàng lối, nhưng những người này bắt đầu đặt sai dần sau món đồ thứ ba.
Hãy thử nghĩ xem, có lẽ, có rất nhiều ngành mà kiến thức của bạn về nó rất sơ sài. Có lẽ Vật lí là một trong số đó? Hầu hết các khái niệm trong Vật lí đều khá khó hiểu, nhưng một số — những mô hình tư duy vật lí mà chúng tôi trình bày trong cuốn sách này — có khả năng hữu ích trong nhiều tình huống đời sống hàng ngày của bạn. Và do đó, mặc dù chỉ có kiến thức sơ đẳng về lĩnh vực này, bạn vẫn có thể và vẫn nên tìm hiểu những khái niệm cụ thể này để có thể áp dụng chúng ngay cả trong các bối cảnh phi-vật lí.
Ví dụ: Nếu bạn không phải là nhà vật lí, bạn khó có thể sử dụng hàng ngày những khái niệm như Lực Coriolis, Định luật Lenz, Nhiễu xạ và hàng trăm khái niệm khác. Nhưng chúng tôi cho rằng, khái niệm Khối lượng tới hạn sẽ rất hữu ích. Đó là sự khác biệt giữa mô hình tư duy thông thường và Siêu mô hình tư duy. Và mô hình này chúng ta sẽ gặp đi gặp lại trong các lĩnh vực chính. Như Munger đã nói:
Các mô hình tư duy phải được đúc kết từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bởi vì sự thông thái của thế giới không thể tìm thấy chỉ trong một lĩnh vực. Bạn phải có các mô hình xuyên suốt nhiều lĩnh vực.
Bạn có thể nói, “Chúa ơi, việc này quá khó khăn.” Nhưng, may mắn thay, điều đó không khó đến vậy, bởi chỉ có khoảng 80 hoặc 90 mô hình quan trọng đóng 90% vai trò trong việc biến bạn trở thành một người thông thái. Và, trong số đó, cũng chỉ một số ít thực sự đóng vai trò rất quan trọng.
Munger đã mở rộng hơn nữa chủ đề này trong một bài phát biểu vào ngày 19 tháng 4 năm 1996 tại Trường Luật Stanford với tựa đề tương tự “Bài học về trí tuệ sơ đẳng, thấu suốt và hữu ích”:
Khi đưa ra một cách tiếp cận đa ngành, bạn phải thực sự bỏ qua các ranh giới vốn có. Nếu bạn muốn trở thành một người tư duy tốt, bạn phải phát triển một trí não có thể vượt qua những ranh giới này. Bạn không cần phải biết tất cả. Bạn chỉ cần tiếp thu những ý tưởng lớn nhất, tốt nhất từ tất cả các lĩnh vực. Và nó không hề khó.
Bạn sẽ muốn có một lượng lớn các mô hình tư duy trong tầm tay của mình, nếu không bạn sẽ có nguy cơ sử dụng lại các mô hình không tối ưu khi một tình huống cụ thể xảy ra. Giống như câu nói: “Nếu tất cả những gì bạn có là một cái búa, thì mọi thứ đều giống như một cái đinh.” (Cụm từ này được kết hợp với một siêu mô hình khác, Cái búa của Maslow, mà chúng tôi đề cập trong Chương 6). Bạn muốn sử dụng công cụ phù hợp cho một tình huống cụ thể và để làm được điều đó, bạn cần có cả một hộp dụng cụ chứa đầy siêu mô hình tư duy.
Cuốn sách này là hộp dụng cụ đó: Nó liệt kê, phân loại và giải thích một cách có hệ thống tất cả các mô hình tư duy quan trọng trong các lĩnh vực chính. Chúng tôi đã tổng hợp tất cả những siêu mô hình này lại với nhau cho bạn theo cách dễ hiểu nhất xuyên suốt 9 chương. Chúng tôi hi vọng chúng sẽ vừa thú vị vừa dễ hiểu. Mỗi chương có một chủ đề thống nhất và được viết theo cách giúp bạn thuận tiện khi cần tham khảo.
Chúng tôi tin rằng, khi kết hợp với nhau, những siêu mô hình này sẽ hữu ích cho bạn suốt đời: Để giúp bạn hiểu các tình huống, giúp bạn nảy sinh ý tưởng và hỗ trợ việc ra quyết định của bạn. Tuy nhiên, để những mô hình tư duy này trở nên hữu ích nhất, bạn phải áp dụng chúng vào đúng thời điểm và trong bối cảnh phù hợp.
Và như thế, bạn phải hiểu chúng đủ rõ để có thể liên kết những điều phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình. Khi bạn hiểu sâu sắc về một mô hình tư duy, nó sẽ đến với bạn một cách tự nhiên, giống như phép nhân vậy. Nó sẽ xuất hiện trong đầu bạn ngay khi bạn cần.
Việc học cách áp dụng thành thạo các mô hình tư duy siêu việt theo cách này sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Giống như Người Nhện hoặc Hulk, bạn sẽ không có khả năng làm chủ ngay lập tức sức mạnh của mình. Các siêu năng lực bạn có được từ kiến thức ban đầu về những mô hình tư duy phải được rèn luyện và phát triển từng bước. Đọc cuốn sách này lần đầu tiên cũng giống như Người Nhện bị nhện cắn hoặc Hulk nhận mũi tiêm phóng xạ. Sau khi trải qua chuyển đổi ban đầu, bạn phải phát triển sức mạnh của mình thông qua quá trình thực hành lặp đi lặp lại, kiên trì mỗi ngày.
Khi sức mạnh của bạn được mài giũa, bạn sẽ giống như Hulk trong cảnh mang tính biểu tượng của bộ phim The Avengers – tranh minh họa bên trên. Khi Captain America muốn Bruce Banner (biến thân của Hulk) biến thành Hulk, anh ta nói, “Giờ là lúc thích hợp để anh nổi giận đấy.” Banner trả lời, “Đó là bí mật của tôi, Captain. Tôi luôn tức giận.“
Đây là cuốn sách mà chúng tôi ước rằng có ai đó đã tặng cho chúng tôi từ nhiều năm trước. Bất kể bạn là ai, ở đâu, làm gì trong cuộc sống, cuốn sách này sẽ giúp bạn bắt đầu hành trình đi đến siêu tư duy của mình. Chúng tôi nhớ đến một câu ngạn ngữ: “Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là 20 năm trước. Thời gian tốt sau nữa chính là BÂY GIỜ.” Hãy bắt đầu thôi. Ngay BÂY GIỜ!