Bạn có thể không nhận ra, nhưng bạn có hàng tá quyết định mỗi ngày. Và khi đưa ra những quyết định đó, dù là cho cá nhân hay nghề nghiệp, bạn muốn mình đúng hơn là sai. Tuy nhiên, việc luôn đúng là điều khó thực hiện, bởi cuộc sống luôn phức tạp, thế giới không ngừng phát triển. Bạn thường xuyên phải đối mặt với những tình huống mới mẻ và phải đưa ra rất nhiều lựa chọn. Câu trả lời đúng có thể chỉ trở nên rõ ràng trong nhận thức muộn màng.
Carl Jacobi là một nhà toán học người Đức ở thế kỷ XIX. Ông thường nói: “Đảo ngược, luôn luôn đảo ngược” (thực ra ông ấy nói, “Man muss immer umkehren,” vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của ông). Ý của ông là Suy nghĩ về một vấn đề từ góc độ ngược lại giúp mở ra các giải pháp và chiến lược mới. Ví dụ, hầu hết mọi người tiếp cận khái niệm đầu tư dưới quan điểm kiếm được nhiều tiền hơn. Vậy thì cách tiếp cận ngược sẽ là đầu tư dưới góc độ không mất tiền.
Hoặc xem xét việc ăn uống lành mạnh. Cách tiếp cận trực tiếp là cố gắng xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, có thể bằng cách chế biến thực phẩm ở nhà với các nguyên liệu được tính toán kĩ lưỡng. Ngược lại, một cách tiếp cận khác là cố gắng tránh những lựa chọn không lành mạnh. Bạn vẫn có thể lui tới các quán hàng đáng tin và miễn là lựa chọn những món ăn lành mạnh hơn.
Khái niệm Tư duy nghịch đảo có thể giúp bạn vượt qua thách thức trong việc đưa ra quyết định đúng đắn. Thay vì đúng nhiều hơn, chúng ta hãy sai ít hơn. Mô hình tư duy là một bộ công cụ có thể giúp bạn sai ít hơn. Chúng là tập hợp các khái niệm giúp bạn điều hướng hiệu quả hơn trong thế giới phức tạp này.
Như đã lưu ý trong phần Giới thiệu, các mô hình tư duy đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nhiều mô hình có giá trị vượt ra ngoài lĩnh vực của chúng. Nếu bạn có thể sử dụng những mô hình tư duy này để đưa ra quyết định khi các sự kiện xảy ra, chúng có thể giúp bạn ít sai lầm hơn.
Ví dụ: Trong môn quần vợt, lỗi Tự đánh bóng hỏng xảy ra khi người chơi mắc lỗi do khả năng phán đoán hoặc thực hiện kém, chứ không phải do đối thủ đánh một cú quá tuyệt vời. Đánh một cú dễ đỡ không qua lưới là một loại lỗi Tự đánh bóng hỏng. Để ít phạm sai lầm hơn, bạn cần mắc ít lỗi không đáng có trên sân. Và để ít sai lầm hơn trong quá trình ra quyết định, bạn luôn cần phải giảm trừ mắc những lỗi do chính mình gây ra.
Hãy xem nó được áp dụng thế nào nhé: Lỗi tự đánh bóng hỏng là một khái niệm trong quần vợt, nhưng nó có thể được áp dụng như một phép ẩn dụ trong bất kì tình huống nào mà chúng ta có thể tránh được sai lầm. Có những sai sót tự mắc phải trong việc nướng bánh (sử dụng muỗng canh thay vì muỗng cà phê); hoặc hẹn hò (tránh gây ấn tượng xấu ngay từ ban đầu) hoặc ra quyết định (không xem xét tất cả các lựa chọn mình có). Hãy bắt đầu tìm kiếm những lỗi do bạn tự mắc phải xảy ra xung quanh mình và bạn sẽ thấy chúng ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, tự mắc lỗi không phải là điều duy nhất đưa đến quyết định sai lầm. Quyết định tốt nhất, dựa trên thông tin có sẵn vào thời điểm đó, vẫn có thể trở thành quyết định sai lầm về lâu dài. Đó lại là một điều hết sức tự nhiên khi xử lí những vấn đề ta không chắc chắn. Dù có cố gắng đến đâu, nếu không chắc chắn, bạn vẫn có thể đưa ra quyết định không chính xác. Tuy nhiên, điều bạn có thể làm là cố gắng giảm thiểu dần việc mắc lỗi bằng cách sử dụng kĩ thuật và phán đoán đúng đắn để đưa ra quyết định tốt nhất tại bất kì thời điểm nào.
Một mô hình tư duy khác giúp bạn cải thiện tư duy được gọi là Khả năng cải thiện nghịch cảnh, khái niệm này được nhà phân tích tài chính Nassim Nicholas Taleb khám phá trong cuốn sách cùng tên. Theo lời của ông:
Các cú sốc đem lại một số lợi ích: Chúng phát triển và bùng nổ khi tiếp xúc với các yếu tố biến động, bất ngờ, rối loạn và các yếu tố gây căng thẳng, và thích phiêu lưu, mạo hiểm và không chắc chắn. Mặc dù hiện tượng này rất phổ biến nhưng không có từ nào để diễn tả chính xác về nó. Thay vì gọi nó bằng một từ đối lập với “mong manh”, “yếu đuối”, chúng tôi gọi nó là khả năng cải thiện nghịch cảnh.
Khả năng cải thiện nghịch cảnh vượt lên trên cả khả năng phục hồi hoặc sức bền bỉ. Sự kiên cường này có thể chống lại những cú sốc và giữ nguyên trạng khiến hoàn cảnh trở nên tốt hơn.
Giống như việc xử lí danh mục tài chính của bạn khi đối mặt với các cú sốc kinh tế, khả năng cải thiện nghịch cảnh cũng mang lại hiệu quả tương tự trong việc giúp bạn cải thiện nghịch cảnh khi đối mặt với các quyết định mới.
Nếu tư duy của bạn là cải thiện nghịch cảnh bằng cách học hỏi từ những sai lầm của mình và tương tác với môi trường xung quanh, khả năng cải thiện nghịch cảnh của bạn sẽ tốt lên theo thời gian.Giống như khi bạn tập thể dục tại phòng tập, bạn đang tạo ra tác động mạnh đến cơ và xương của mình để chúng phát triển ngày càng khỏe hơn. Chúng tôi muốn cải thiện quá trình tư duy của bạn bằng cách giúp bạn kết hợp các mô hình tư duy vào những suy nghĩ hàng ngày, từ đó giúp bạn tăng dần khả năng đưa ra một mô hình thích hợp cho mỗi một tình huống nhất định.
Khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ có 300 mô hình tư duy hiện lên trong đầu từ hàng chục lĩnh vực, chúng sẽ dồn dập nảy ra vào đúng thời điểm. Bạn không cần phải là một chuyên gia về quần vợt hoặc phân tích tài chính thì mới sử dụng được những khái niệm này. Bạn chỉ cần hiểu nghĩa rộng hơn của chúng và áp dụng chúng khi thích hợp. Nếu bạn áp dụng những mô hình tư duy này một cách nhất quán và đúng đắn, bạn sẽ giảm thiểu được sai lầm của các quyết định, hoặc ngược lại, bạn sẽ đúng nhiều hơn. Đó chính là tư duy siêu việt.
Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá cách giải quyết các vấn đề mà không có sự thiên lệch, thành kiến trong đấy. Thật không may, quá trình tiến hóa đã cuốn chúng ta vào một số cạm bẫy tâm trí. Nếu không nhận thức được chúng, bạn sẽ tự động đưa ra những quyết định sai lầm mà không hay biết. Nhưng nếu có thể nhận ra những cái bẫy này từ xa và tránh được chúng bằng cách sử dụng một số kĩ thuật tư duy đã được chứng minh, bạn sẽ dần thành thạo trên con đường đến với tư duy siêu việt.
GIỮ CHO MỌI THỨ ĐƠN GIẢN, NGỐC NGHẾCH!
Bất kì giáo viên Khoa học hoặc Toán học nào cũng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết cách suy ra công thức để sử dụng, bởi vì chỉ khi đó bạn mới thực sự biết nó. Đó là sự khác biệt giữa một bên có thể giải một bài toán với một tờ giấy trắng và một bên cần được trao công thức để làm. Đó cũng là sự khác biệt trong việc trở thành một đầu bếp thực thụ — người có thể lấy nguyên liệu và biến chúng thành một món ăn tuyệt vời mà không cần xem sách dạy nấu ăn — và việc trở thành kiểu người làm bếp chỉ biết làm theo một công thức.
Lauren từng là trợ giảng cho một số khóa học thống kê trong những năm cô làm việc tại MIT. Khóa học này có một cuốn sách giáo khoa đi kèm với một đĩa CD chứa một ứng dụng đơn giản được sử dụng như một máy tính cho các công thức thống kê trong cuốn sách. Trong một kì thi, một sinh viên đã viết câu trả lời như sau cho một bài toán thống kê: “Tôi sẽ sử dụng ứng dụng đĩa CD và nhập các con số để tìm câu trả lời.” Đây không phải là cách làm của một đầu bếp thực thụ.
Mô hình tư duy trung tâm giúp bạn trở thành một đầu bếp từ chính tư duy của mình, đấy là một lối tư duy được lập luận từ những nguyên tắc đầu tiên, là điểm khởi đầu để sai ít hơn. Điều đó có nghĩa là hãy suy nghĩ từ dưới lên, sử dụng những nền tảng cơ bản, những gì bạn cho là đúng để xây dựng các kết luận đúng đắn (có thể là những kết luận mới). Những nguyên tắc đầu tiên là nhóm những giả định hiển nhiên tạo nền tảng cho kết luận của bạn, là các thành phần trong một công thức hoặc các tiên đề toán học làm cơ sở cho một công thức.
Với nguyên liệu sẵn có, người đầu bếp có thể điều chỉnh và tạo ra công thức nấu ăn mới. Nếu bạn có thể lập luận từ Những nguyên tắc đầu tiên, thì bạn cũng có thể làm điều tương tự khi đưa ra quyết định và giải pháp mới cho những vấn đề khó. Hãy nghĩ đến MacGyver, hoặc câu chuyện có thật được mô tả trong bộ phim Apollo 13, có một sự cố trên tàu vũ trụ khiến tàu phải quay trở lại Trái Đất sớm và cần tạo ra các thiết bị ứng biến để đảm bảo rằng có đủ không khí sử dụng cho các phi hành gia trong chuyến về nhà.
Các kĩ sư của NASA đã tìm ra giải pháp chỉ sử dụng “các thành phần” trên tàu. Trong phim, một kĩ sư đặt tất cả các bộ phận có sẵn lên bàn và nói: “Chúng ta phải tìm cách làm cho cái này [cầm cái hộp vuông lên] vừa với cái lỗ của cái này [cầm cái hộp tròn] không sử dụng gì ngoài những thứ này [chỉ vào các bộ phận trên bàn]. ”
Nếu bạn lập luận từ Những nguyên tắc đầu tiên, thì bạn có thể dễ dàng tiếp cận các tình huống không quen thuộc hoặc quen thuộc theo những cách sáng tạo. Hiểu được cách các công thức được tạo ra thế nào sẽ giúp bạn biết cách lập công thức mới. Hiểu cách các phân tử khớp với nhau thế nào cho phép bạn tạo ra các phân tử mới. Người sáng lập Tesla, Elon Musk, minh họa cách thức hoạt động của quy trình này vào thực tế trong một cuộc phỏng vấn trên podcast Foundation:
Nguyên tắc đầu tiên là nhìn thế giới qua cách của vật lí. Một dạng như đúc kết mọi thứ thành những sự thật cơ bản nhất và nói, “Điều gì chúng ta chắc chắn thì sẽ đúng?” rồi lập luận từ đó.
Ai đó có thể nói: “Các bộ pin thực sự rất đắt và chúng sẽ vẫn luôn như vậy. Trước đây, nó có giá 600 đô-la cho mỗi kilowatt giờ, và thế, tương lai nó sẽ không rẻ hơn nhiều đâu.“
Với nguyên tắc đầu tiên, bạn nói: “Các thành phần vật chất của pin là gì? Giá trị thị trường chứng khoán của các thành phần này thế nào?” Nó có coban, niken, nhôm, cacbon và một số polyme để phân tách và một lon đóng kín. Hãy đưa ra vấn đề về vật liệu và nói xem, “Nếu chúng ta mua nó trên Sàn giao dịch Kim loại London, mỗi thứ đó sẽ có giá bao nhiêu?”.
Nó rơi vào khoảng 80 đô-la cho mỗi kilowatt giờ. Vì vậy, rõ ràng bạn chỉ cần nghĩ ra những cách thông minh để có những vật liệu đó và kết hợp chúng thành tế bào pin và bạn sẽ có những viên pin rẻ hơn rất nhiều.
Khi lập luận từ Những nguyên tắc đầu tiên, bạn đang bắt đầu một cách có định hướng. Bạn rõ ràng đang tránh cái bẫy tiềm ẩn của sự khôn ngoan thông thường – điều có thể dẫn bạn đến sai lầm.
Mọi vấn đề đều có thể được tiếp cận từ Những nguyên tắc đầu tiên. Hãy thực hiện bước đi tiếp theo trong sự nghiệp của bạn. Hầu hết những người đang tìm việc sẽ nộp quá nhiều đơn và nhận công việc đầu tiên được đề nghị. Đây có thể không phải là lựa chọn tối ưu. Thay vào đó, khi sử dụng Những nguyên tắc đầu tiên, bạn sẽ bắt đầu nghĩ về những gì bạn thực sự đánh giá cao trong nghề nghiệp (ví dụ: quyền tự chủ, địa vị, sứ mệnh, v.v.), các thông số công việc cần thiết của bạn (tài chính, vị trí, chức danh, v.v.) và kinh nghiệm trước đây. Khi bạn xác định rõ những thứ đó, bạn sẽ có một bức tranh toàn diện hơn về những gì phù hợp nhất cho sự nghiệp của mình, và chủ động tìm kiếm điều đó.
Dù đã dựa vào Những nguyên tắc đầu tiên, song nếu chỉ suy nghĩ đơn thuần, bạn cũng sẽ chỉ tiến xa chừng đó - nếu những nguyên tắc đầu tiên của bạn chỉ là những giả định có thể đúng, có thể sai hoặc đâu đó ở giữa hai thái cực này. Bạn có thực sự coi trọng quyền tự chủ trong một công việc, hay chỉ là bạn nghĩ mình có? Có thực sự là bạn cần phải quay lại trường học để thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp hay thực sự là không cần thiết?
Thế nên cuối cùng, để sai ít hơn, bạn cũng cần phải kiểm tra các giả định của mình trong thế giới thực, một quá trình được gọi là Loại bỏ rủi ro. Nếu một hoặc nhiều giả định của bạn là không đúng sự thật, thì kết luận bạn đạt được cũng có thể sai.
Một ví dụ khác là bất kì ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh nào cũng được xây dựng dựa trên một loạt các giả định có nguyên tắc:
● Nhóm của tôi có thể xây dựng sản phẩm của mình;
● Mọi người sẽ muốn sử dụng sản phẩm của chúng tôi;
● Sản phẩm của chúng tôi sẽ tạo ra lợi nhuận;
● Chúng tôi sẽ có thể chống lại các đối thủ cạnh tranh;
● Thị trường đủ rộng để có cơ hội kinh doanh lâu dài.
Bạn có thể biến các giả định chung chung này thành các giả định cụ thể hơn:
● Nhóm của tôi có thể xây dựng sản phẩm của mình. Chúng tôi có số lượng và loại kĩ sư phù hợp; các kĩ sư của chúng tôi có khả năng chuyên môn phù hợp; sản phẩm của chúng tôi có thể được xây dựng trong một khoảng thời gian hợp lí, v.v.
● Mọi người sẽ muốn sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Sản phẩm của chúng tôi giải quyết được vấn đề mà chúng tôi đặt ra; sản phẩm của chúng tôi đủ đơn giản để sử dụng; sản phẩm của chúng tôi có các tính năng quan trọng cần thiết để thành công v.v.
● Sản phẩm của chúng tôi sẽ tạo ra lợi nhuận. Chúng tôi có thể tính giá sản phẩm nhiều hơn chi phí để sản xuất và tiếp thị sản phẩm đó; chúng tôi có thông điệp tốt để tiếp thị sản phẩm của mình; chúng tôi có thể bán đủ sản phẩm của mình để trang trải các chi phí cố định v.v.
● Chúng tôi sẽ có thể chống lại các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình; chúng tôi đang làm điều gì đó khó sao chép; chúng tôi có thể xây dựng một thương hiệu đáng tin cậy v.v.
● Thị trường đủ rộng để có cơ hội kinh doanh lâu dài. Có một lượng người nhất định sẽ muốn mua sản phẩm của chúng tôi; thị trường cho sản phẩm của chúng tôi đang phát triển nhanh chóng; càng mở rộng chúng ta càng kiếm được nhiều lợi nhuận, v.v.
Khi bạn đã làm rõ các giả định của mình, bạn có thể lập kế hoạch để kiểm tra chúng hòng loại bỏ rủi ro. Những giả định quan trọng nhất để loại bỏ rủi ro trước hết là những giả định về điều kiện cần thiết để thành công, và đó cũng là giả định bạn không chắc chắn nhất. Ví dụ, trong bối cảnh khởi nghiệp, hãy giả định rằng giải pháp của bạn giải quyết được vấn đề đặt ra. Nếu giả định này không đúng sự thật, hãy thay đổi việc đang làm ngay lập tức trước khi tiến hành thêm nữa, bởi vì toàn bộ nỗ lực đằng nào cũng không có kết quả.
Khi bạn xác định được các giả định quan trọng để loại bỏ rủi ro, bước tiếp theo là thực sự bước ra và kiểm tra chúng, chứng minh hoặc bác bỏ chúng, và điều chỉnh chiến lược của bạn một cách thích hợp.
Giống như khái niệm về Những nguyên tắc đầu tiên có thể được áp dụng phổ biến, thì việc loại bỏ rủi ro cũng vậy. Bạn có thể loại bỏ mọi rủi ro: ý tưởng chính sách, kế hoạch du lịch, thói quen thể dục thể thao. Khi loại bỏ rủi ro, bạn có thể kiểm tra các giả định một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ví dụ với kế hoạch du lịch, các giả định có thể là chi phí (“Tôi có đủ khả năng chi trả”), sự hài lòng (“Tôi sẽ tận hưởng kì nghỉ này”), sự phối hợp (“người thân có thể cùng tôi tham gia”), v.v. Ở đây, việc loại bỏ rủi ro rất dễ dàng bằng một vài phút tra cứu, đọc các bài đánh giá và gửi email cho người thân của bạn.
Một sai lầm thường gặp là thực hiện quá nhiều việc trước khi thử nghiệm các giả định trong thế giới thực. Trong khoa học máy tính, cái bẫy này được gọi là tối ưu hóa sớm, tại điểm bạn chỉnh sửa, hoặc hoàn thiện mã hoặc thuật toán (tối ưu hóa) quá sớm. Nếu giả định của bạn sai, bạn sẽ phải hủy tất cả công sức đó, cuối cùng là lãng phí thời gian.
Với lĩnh vực khởi nghiệp, có một mô hình tư duy khác giúp bạn kiểm tra các giả định của mình, được gọi là Sản phẩm khả thi tối thiểu hoặc viết tắt là MVP. MVP là sản phẩm bạn đang phát triển với các tính năng vừa đủ, số lượng tối thiểu, khả dụng hoặc khả thi, được người dùng mẫu chứng thực là khả dụng hoặc khả thi.
MVP ngăn bạn làm việc một mình quá lâu. Người đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman đã nói như thế này: “Nếu phiên bản đầu tiên của sản phẩm không làm cho bạn bối rối chút nào, điều đấy chỉ chứng tỏ bạn đã ra mắt sản phẩm quá muộn.”
Với nhiều mô hình tư duy hữu ích, chúng tôi sẽ thường xuyên nhắc đến MVP sau khi đã giới thiệu nó với bạn. Có một câu châm ngôn trong quân đội rằng: “Không có kế hoạch chiến đấu nào tồn tại khi tiếp xúc với kẻ thù.” Còn võ sĩ Mike Tyson (trước trận đấu với Evander Holyfield năm 1996) nói: “Mọi người đều có kế hoạch cho đến khi bị đấm vào mặt.” Bất kể bối cảnh là gì, những gì họ đang muốn nói đó là kế hoạch đầu tiên của bạn có thể sai. Mặc dù đó là điểm khởi đầu tốt nhất mà bạn có ngay lúc này, nhưng bạn phải thường xuyên sửa đổi nó dựa trên phản hồi từ thực tại mà bạn nhận được. Và chúng tôi khuyên bạn nên làm càng ít càng tốt, trước khi nhận được phản hồi từ trong thế giới thực tế.
Như với việc loại bỏ rủi ro, bạn có thể mở rộng mô hình MVP để phù hợp với nhiều bối cảnh khác như: tổ chức khả thi tối thiểu, giao tiếp khả thi tối thiểu, chiến lược khả thi tối thiểu, thử nghiệm khả thi tối thiểu. Vì chúng tôi có rất nhiều mô hình tư duy để tiếp cận, nên chúng tôi đang cố gắng đưa ra những giải thích khả thi tối thiểu!
SẢN PHẨM KHẢ THI TỐI THIỂU (MVP)
Tầm nhìn
MVP
Phiên bản 2.0
MVP buộc bạn phải nhanh chóng đánh giá các giả định của mình. Nhiều khi bạn đưa ra quá nhiều giả định, hoặc giả định quá phức tạp, trước khi có những tập hợp rõ ràng, đơn giản hơn để bạn có thể bắt đầu. Ở đây, Mô hình Dao cạo Ockham sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Theo mô hình này, thì lời giải thích đơn giản nhất có nhiều khả năng là đúng nhất. Khi bạn gặp phải nhiều giải thích khác nhau, hãy chọn một giải thích đơn giản nhất để xem xét trước.
Theo Mô hình Dao cạo Ockham, lời giải thích đơn giản nhất có nhiều khả năng là đúng nhất.
Mô hình này gọi là dao cạo vì nó “cạo sạch” những giả định không cần thiết. Nó được đặt theo tên của nhà triết học người Anh thế kỉ XIV, William xứ Ockham, mặc dù khái niệm cơ bản của nó có nguồn gốc lâu đời hơn nhiều. Nhà soạn nhạc Roger Sessions1, khi diễn giải lại lời Albert Einstein, đã nói rằng: “Mọi thứ nên đơn giản nhất có thể, chứ không chỉ là đơn giản hơn!” Trong Y học thì được biết đến với câu nói này: “Khi bạn nghe thấy tiếng gõ móng, hãy nghĩ đến ngựa, chứ không phải ngựa vằn.”
1 Roger Sessions (1896-1985): Nhà soạn nhạc người Mĩ.
Một chiến thuật thực dụng là: Hãy xem xét lời giải thích của bạn về một tình huống, chia nó thành các giả định dựa trên những điều cấu thành. Đối với mỗi giả định, hãy tự hỏi rằng: Liệu giả định này có thực sự cần thiết ở đây không? Có bằng chứng nào cho thấy nó nên tồn tại ở đây không? Nó có phải là một yếu tố ràng buộc giả tạo không?
Ví dụ, Mô hình Dao cạo Ockham sẽ hữu ích trong việc tìm kiếm một người bạn đời lãng mạn lâu dài. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều người có một danh sách dài các tiêu chí cực kì cụ thể cho người hẹn hò tiềm năng của họ, được kích hoạt bởi các ứng dụng và trang web hẹn hò trực tuyến. “Tôi sẽ chỉ hẹn hò với một người đàn ông Brazil có đôi mắt xanh, thích yoga nóng1 và kem mâm xôi, và nhân vật trong Avengers yêu thích nhất là Thor.”
1 Yoga nóng là một hình thức yoga khi tập thể dục được thực hiện trong điều kiện nóng và ẩm, dẫn đến đổ mồ hôi đáng kể.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này dẫn đến việc hạn chế đối tượng bạn có thể hẹn hò xuống thấp đến mức không cần thiết. Thay vào đó, nếu mọi người nghĩ về người mà họ đã hẹn hò trong quá khứ, về những đặc điểm cơ bản khiến các mối quan hệ đó thất bại, thì một bộ tiêu chí hẹn hò đơn giản hơn nhiều có thể sẽ xuất hiện. Việc đối tượng hẹn hò có thể đến từ nhiều nền văn hóa, có ngoại hình khác nhau, là điều hoàn toàn bình thường. Do đó, bạn không nên thu hẹp phạm vi hẹn hò một cách không cần thiết với các tiêu chí quá cụ thể.
Mô hình Dao cạo Ockham không phải là “luật” mà bạn nhất định phải tuân theo, nó chỉ cung cấp cho bạn một hướng dẫn. Đôi khi lời giải thích thực sự có thể khá phức tạp. Tuy nhiên, không có lí do gì để chuyển ngay đến phần giải thích phức tạp, trong khi bạn có những lựa chọn thay thế đơn giản hơn để khám phá trước.
Nếu bạn không đơn giản hóa các giả định của mình, bạn có thể sẽ rơi vào một vài cái bẫy, và nó được mô tả trong các mô hình tư duy tiếp theo của chúng tôi. Đầu tiên, thật không may, hầu hết mọi người đều cố chấp trong việc nắm bắt những giả định không cần thiết, nó là một sự ưa thích được gọi là Ngụy biện kết hợp, được nghiên cứu bởi Amos Tversky và Daniel Kahneman. Họ đã đưa ra ví dụ này trong Tạp chí Tâm lí học tháng 10 năm 1983:
Linda 31 tuổi, độc thân, thẳng thắn và rất thông minh. Cô học chuyên ngành triết học. Khi còn là sinh viên, cô quan tâm sâu sắc đến các vấn đề phân biệt đối xử và công bằng xã hội, và cũng tham gia các cuộc biểu tình chống hạt nhân.
Điều nào trong hai điều sau có vẻ đúng hơn?
1. Linda là một giao dịch viên ngân hàng.
2. Linda là nhân viên giao dịch ngân hàng và hoạt động tích cực trong phong trào nữ quyền.
Trong nghiên cứu của họ, hầu hết mọi người đều trả lời rằng phương án số 2 có nhiều khả năng xảy ra hơn Nhưng điều đó là không thể, trừ khi tất cả các giao dịch viên ngân hàng cũng tích cực trong phong trào nữ quyền. Sự ngụy biện nảy sinh bởi vì xác suất xảy ra của hai sự kiện kết hợp luôn nhỏ hơn hoặc bằng xác suất của một trong hai sự kiện đơn lẻ – một khái niệm được minh họa trong biểu đồ Venn ở trang tiếp theo.
Bạn thường có xu hướng tự nhiên khi nghĩ rằng một cái gì đó cụ thể có khả năng xảy ra hơn một cái gì đó chung chung. Bạn còn có xu hướng giải thích dữ liệu bằng cách sử dụng quá nhiều giả định. Mô hình tư duy cho sự ngụy biện thứ hai này là Mô hình Quá khớp, một khái niệm từ thống kê. Chẳng hạn, những yêu cầu hẹn hò quá cụ thể chẳng qua chỉ là một sự ăn khớp với chi tiết đã qua trong lịch sử hẹn hò của bạn. Tương tự như vậy, việc bạn tin rằng mình bị ung thư khi bị cảm lạnh sẽ làm các triệu chứng của bạn trở nên quá khớp với các triệu chứng ung thư.
Ngụy biện kết hợp
Sự quá khớp xảy ra khi bạn sử dụng một giải thích quá phức tạp, trong khi một giải thích đơn giản hơn sẽ có tác dụng. Đó là những gì sẽ xảy ra khi bạn không chú ý đến Mô hình Dao cạo Ockham, khi bạn bị mắc vào lỗi ngụy biện hoặc mắc một lỗi tương tự do mình gây ra. Nó có thể xảy ra trong bất kì tình huống nào khi phần giải thích của bạn đưa ra những giả định không cần thiết.
Như một ví dụ minh họa, dữ liệu được mô tả ở trang tiếp theo sẽ dễ dàng được giải thích bằng một đường thẳng, nhưng bạn cũng có thể khiến cho các dữ liệu quá khớp bằng cách tạo ra những đường cong – đi qua tất cả các điểm, như một đường lượn sóng.
Bạn có một cách tiếp cận để chống lại cả hai bẫy này là hãy tự hỏi bản thân rằng: Với dữ liệu tôi đưa ra thì có thể có những kết luận nào? Các triệu chứng của tôi có thực sự chỉ liên quan đến bệnh ung thư không, hay chúng cũng có thể chỉ ra nhiều loại bệnh khác, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường? Tôi có thực sự cần đường cong để giải thích dữ liệu, hay chỉ một đường thẳng đơn giản là đủ để giải thích vấn đề của tôi rồi?
Một điều đáng ghi nhớ về lời khuyên này và tất cả những lời khuyên trong phần này là KISS: “Keep It Simple, Stupid!” (Giữ cho mọi thứ đơn giản và ngốc nghếch!) Khi tạo ra giải pháp cho một vấn đề, bạn cần bắt đầu với các giả định đơn giản nhất mà bạn có thể nghĩ ra và giảm thiểu rủi ro bằng việc giữ cho chúng đơn giản nhất có thể.
Quá khớp
TRONG CON MẮT NGƯỜI CHỨNG KIẾN
Bạn trải qua thăng trầm cuộc đời và nhìn mọi thứ từ góc nhìn của bản thân, góc nhìn đó thay đổi tùy thuộc vào kinh nghiệm sống cụ thể và tình hình hiện tại của bạn.
Trong vật lí, góc nhìn của bạn được gọi là Hệ quy chiếu của bạn, một khái niệm trung tâm trong Thuyết Tương đối của Einstein. Dưới đây là một ví dụ từ cuộc sống hàng ngày: Nếu bạn ở trong một đoàn tàu đang chuyển động, thì hệ quy chiếu của bạn ở bên trong đoàn tàu, hệ quy chiếu này xuất hiện ở trạng thái nghỉ đối với bạn, vì các vật thể bên trong đoàn tàu không chuyển động so với nhau hoặc so với chính bạn. Tuy nhiên, đối với một người nào đó bên ngoài tàu nhìn vào, bạn và tất cả các vật thể trong tàu đang chuyển động với tốc độ rất lớn. Vì khi đấy họ nhìn từ hệ quy chiếu khác. Trên thực tế, mọi thứ, trừ tốc độ ánh sáng, thậm chí cả thời gian, xuất hiện khác nhau trong các hệ quy chiếu khác nhau.
Nếu bạn đang cố gắng khách quan nhất có thể khi đưa ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề, bạn sẽ phải cân nhắc hệ quy chiếu của mình. Tất nhiên bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của bản thân, đấy là điều không tránh khỏi, nhưng chắc chắn bạn không muốn bị ảnh hưởng một cách vô tình. Và nếu bạn nghĩ rằng bạn không có hiểu biết đầy đủ về một tình huống, thì bạn phải tích cực cố gắng nắm bắt nó bằng cách xem xét từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau.
Một cái bẫy tư duy khi sử dụng mô hình hệ quy chiếu (hoặc thủ thuật hữu ích) đấy là Đóng khung. Đóng khung đề cập đến cách bạn trình bày hoặc cách bạn giải thích một tình huống. Khi trình bày một vấn đề quan trọng với mọi người, bạn cố gắng sắp xếp nó theo cách có thể giúp họ hiểu rõ nhất quan điểm của bạn, tạo tiền đề cho một cuộc trò chuyện có lợi. Ví dụ: Nếu bạn muốn tổ chức của mình bắt tay vào một dự án sáng tạo nhưng tốn kém, và bạn coi nó như một cơ hội tiềm năng để vượt lên đối thủ cạnh tranh và bỏ qua việc nó là một nỗ lực đòi hỏi quá nhiều nguồn lực. Việc đóng khung này có thể khiến dự án của bạn bị từ chối.
Bạn cũng cần lưu ý rằng người khác cũng thường xuyên đóng khung các vấn đề đối với bạn. Và nhận thức của bạn về ý tưởng của họ cũng rất khác – tùy vào cách ta đóng khung chúng. Khi ai đó trình bày một ý tưởng hoặc quyết định mới với bạn, hãy lùi lại một bước và xem xét nó từ các góc nhìn khác. Nếu một đồng nghiệp nói với bạn rằng họ sẽ đi làm một công việc khác để tìm kiếm một cơ hội tốt hơn, điều đó thực sự có thể đúng, nhưng cũng có thể là họ muốn rời khỏi tổ chức sau khi cảm thấy bị coi thường. Có thể có nhiều khung hình hợp lí nhưng mỗi khung hình sẽ truyền tải các quan điểm khác nhau.
Nếu bạn truy cập các trang web tin tức trên internet, thì bạn có thể biết tất cả về cách đóng khung. Ví dụ: Tiêu đề có tác dụng đóng khung, ảnh hưởng đến ý nghĩa mà mọi người nhận thức từ câu chuyện. Vào ngày 31 tháng 8 năm 2015, ba cảnh sát nhận được cuộc gọi cho 911 về một vụ trộm đang diễn ra. Thật không may, cuộc gọi không giúp đưa ra được địa chỉ chính xác, và họ đã đến nhầm nhà. Khi thấy cửa sau không khóa, họ bước vào và bắt gặp một con chó. Tiếng súng nổ, và thế là con chó, chủ nhà, và một cảnh sát bị bắn, tất cả đều do súng của ba cảnh sát này. Chủ nhà và các cảnh sát đều sống sót. Hai tiêu đề đã đóng khung vụ việc này theo những cách rất khác nhau.
Hiệu Ứng Đóng Khung
Trong một nghiên cứu của Ullrich Ecker cùng những người khác mang tên “Ảnh hưởng tinh vi của thông tin sai lệch trong tiêu đề tin tức” được trình bày trong số tháng 12 năm 2014 của tạp chí Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm: Ứng dụng, các sinh viên đã đọc một bài báo về việc gia tăng không đáng kể tỉ lệ trộm cắp năm qua (0,2%). Đây là một con số bất thường khi mà trong thập kỉ qua việc trộm cắp đã giảm 10%. Cùng một chủ đề, hai bài báo với tiêu đề khác nhau: “Số vụ trộm cắp đang tăng lên” hoặc “Xu hướng tỉ lệ trộm cắp giảm đi”. Dòng tiêu đề có ảnh hưởng đáng kể đến việc ghi nhớ các dữ kiện trong bài báo:
Có một mô tuýp rõ ràng thế này: Một tiêu đề gây hiểu lầm sẽ làm sẽ làm trí nhớ của người đọc về bài báo đó bị suy giảm… Do đó, một tiêu đề gây hiểu lầm có thể gây ra thiệt hại mặc cho người ta đã thực sự cố gắng để hiểu chính xác về bài báo… Ý nghĩa thực tế của nghiên cứu này rất rõ ràng: Độc giả cần nhận thức ra rằng, các biên tập viên có thể sử dụng các tiêu đề hòng tác động đến dư luận và đến hành vi của các cá nhân theo hướng họ mong muốn.
Một cái bẫy/thủ thuật liên quan đang thúc vào nhận thức của chúng ta. Aldert Vrij đưa ra một ví dụ thuyết phục trong cuốn sách Detecting Lies and Deceit (tạm dịch: Phát hiện nói dối và lừa dối):
Những người tham gia được xem một đoạn phim về một vụ tai nạn giao thông và sau đó trả lời câu hỏi, “Các xe chạy với tốc độ như thế nào khi va chạm với nhau?” Những người tham gia khác nhận được câu hỏi tương tự nhưng thay thế động từ thành húc, đâm sầm vào hoặc tông vào. Mặc dù những người tham gia đã xem cùng một đoạn phim, nhưng cách diễn đạt của câu hỏi ảnh hưởng đến câu trả lời của họ. Uớc tính tốc độ (theo số kilomet trên giờ) lần lượt là 50, 55, 61, 63, và 66.
Cú huých
Nhận thức của bạn có thể lãnh cú huých theo một hướng nào đó do việc lựa chọn từ ngữ một cách tinh vi hoặc cách bài trí, sắp xếp trong một không gian. Các nhà hàng sẽ “huých” cho bạn lựa chọn điều họ muốn bằng cách làm nổi bật một số món ăn nhất định trên thực đơn, bằng cách yêu cầu người phục vụ dùng lời mô tả các món đặc biệt hoặc chỉ cần đặt khung xung quanh các món đó. Các cửa hàng và trang web “huých” bạn mua một sản phẩm bằng cách đặt chúng ở những nơi dễ nhìn thấy.
Một khái niệm khác mà bạn sẽ thấy hữu ích khi đưa ra quyết định mua hàng là khái niệm Hiệu ứng Mỏ neo. Khái niệm này mô tả xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào ấn tượng đầu tiên lúc bạn đưa ra quyết định. Bạn neo vào phần thông tin đóng khung đầu tiên mà bạn thấy. Các doanh nghiệp thường khai thác xu hướng này khi chào hàng.
Dan Ariely, nhà kinh tế học hành vi và là tác giả của cuốn sách Phi lí trí, mang đến cho chúng ta một ví dụ minh họa về khái niệm mỏ neo, đó là việc sử dụng các ưu đãi khi đăng kí theo dõi kênh The Economist: Độc giả được cung cấp ba lựa chọn để đăng kí: chỉ đăng kí bản đọc trên web (59 đô-la), chỉ đăng kí báo giấy (125 đô-la), đăng kí cả báo giấy và trên web (125 đô-la).
Vâng, bạn đã đọc đúng: phiên bản “chỉ đăng kí báo giấy” có giá tương đương với phiên bản “đăng kí cả báo giấy và bản web”. Ai sẽ chọn nó? Có thể đoán trước, không ai cả. Đây là kết quả khi 100 sinh viên MIT báo cáo kết quả lựa chọn của họ:
Chỉ đăng kí bản web (59 đô-la): 16%
Chỉ đăng kí bản báo giấy (125 đô-la): 0%
Đăng kí cả bản báo giấy và web (125 đô-la): 84%
Vậy tại sao lại đưa lựa chọn đó vào? Đây là lí do: Khi lựa chọn đó bị xóa khỏi câu hỏi, kết quả như sau:
Chỉ đăng kí bản web (59 đô-la): 68%
Đăng kí cả bản báo giấy và bản web (125 đô-la): 32%
Bằng việc thêm lựa chọn “Chỉ đăng kí báo giấy” vào — dù không ai chọn nó — nó đã neo vào độc giả ý tưởng lựa chọn phiên bản báo giấy và web giúp họ “hời” hơn nhiều. Cảm giác như bạn đang được miễn phí phiên bản web, và nhiều người đã lựa chọn nó, tạo thêm 43% doanh thu cho tạp chí chỉ bằng cách thêm vào một lựa chọn mà không ai chọn!
Những người mua sắm tại các nhà bán lẻ Michaels hoặc Kohl’s đều biết rằng những cửa hàng này thường quảng cáo bán hàng, rằng bạn có thể tiết kiệm 40% hoặc hơn cho các mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, những mức giá giảm đó có phải là một món hời thực sự? Thường thì không. Chúng được giảm từ cái gọi là “giá bán lẻ được nhà sản xuất gợi ý” (MSRP). Giá gợi ý này thường rất cao. Khi MSRP đã neo vào bạn, bạn sẽ cảm thấy mình đang nhận được một hợp đồng tốt với mức giảm giá 40%. Thực ra, mức giảm đó chỉ đưa giá sản phẩm về đúng mức hợp lí của nó mà thôi.
Hiệu ứng Mỏ neo không chỉ dành cho những con số. Donald Trump sử dụng mô hình tư duy này, neo người khác vào vị trí cực đoan của mình, để những gì có vẻ như là thỏa hiệp thực ra là thỏa thuận có lợi cho ông. Ông đã viết về điều này trong cuốn sách năm 1987 của mình Trump: Nghệ thuật chốt đơn:
Phong cách giao dịch của tôi khá đơn giản và dễ hiểu. Tôi đặt mục tiêu rất cao, và sau đó tôi tiếp tục cố gắng và cố gắng để đạt được những gì tôi muốn. Đôi khi tôi kiếm được ít tiền hơn mức tôi mong muốn, nhưng trong hầu hết các trường hợp, tôi vẫn đạt được những gì tôi muốn.
Nói rộng hơn nữa, những mô hình tư duy này là tất cả các trường hợp của một mô hình tổng quát hơn, Thiên kiến về sự sẵn có, xảy ra khi một sự thiên vị hoặc sự bóp méo len lỏi vào cái nhìn khách quan của bạn về thực tế, do ý tưởng về thông tin sẵn có mà bạn biết. Ở Hoa Kỳ, nhập cư bất hợp pháp đã là một chủ đề nóng đối với các chuyên gia thuộc phe bảo thủ và các chính trị gia trong những năm gần đây.
Điều này khiến nhiều người tin rằng tỉ lệ nhập cư bất hợp pháp luôn cao. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy nhập cư bất hợp pháp qua biên giới phía Nam của Hoa Kỳ thực sự ở mức thấp nhất trong 5 thập kỉ qua, đã cho thấy mức độ phổ biến của chủ đề này đã tạo nên thiên kiến sẵn có cho rất nhiều người.
Thiên kiến sẵn có có thể dễ dàng xuất hiện do mức độ phủ sóng cao của phương tiện truyền thông về một chủ đề. Dù đúng hay sai, trên phương tiện truyền thông nổi tiếng có câu thần chú: “Máu chảy ở đâu, sự chú ý tập trung ở đó.” Kết quả là tin tức tội phạm và bạo lực được bao phủ dày đặc khiến mọi người nghĩ rằng nó xảy ra thường xuyên hơn mức thực tế. Công ty thăm dò ý kiến Gallup hàng năm đều đưa ra câu hỏi cho người Mỹ về nhận thức của họ về việc thay đổi tỉ lệ tội phạm bạo lực, và năm 2014, kết quả cho thấy rằng: “Số liệu thống kê tội phạm thực tế của liên bang và nhận thức về tội phạm của công chúng trong những năm gần đây” là không trùng khớp nhau.
Nhập cư bất hợp pháp biên giới phía nam Hoa Kỳ:
Ở mức thấp nhất trong 5 thập kỉ
Tỉ lệ tội phạm của Hoa Kỳ: Thực tế so với Nhận thức
Trong một nghiên cứu nổi tiếng năm 1978, “Đánh giá tần suất các sự kiện gây tử vong”, từ Tạp chí Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm, Sarah Lichtenstein và những người khác đã hỏi mọi người về 41 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Họ phát hiện ra rằng: Mọi người thường phóng đại nguy cơ gây tử vong thuộc những nguyên nhân được đưa tin một cách giật gân, như lốc xoáy, gấp 50 lần và đánh giá thấp nguy cơ tử vong do các nguyên nhân phổ biến như đột quỵ, gấp 100 lần thực tế.
Tỉ lệ tử vong theo nguyên nhân: Thực tế so với Nhận thức
Thiên kiến sẵn có bắt nguồn từ việc quá tin tưởng vào những trải nghiệm gần đây trong hệ quy chiếu của bạn mà bỏ qua bức tranh toàn cảnh. Giả thử bạn là người quản lí và bạn cần viết đánh giá hàng năm cho báo cáo của mình. Bạn nên suy nghĩ chín chắn và khách quan về hiệu suất của nhân viên trong cả năm. Tuy nhiên, bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi những đóng góp tệ hại hoặc đóng góp tốt chỉ trong vài tuần gần thời điểm viết đánh giá. Hoặc, bạn có thể chỉ xem xét dựa trên những tương tác cá nhân giữa bạn với họ, thay vì có cái nhìn tổng thể hơn dựa trên những tương tác giữa họ với các đồng nghiệp khác, và với các hệ quy chiếu khác nhau.
Với sự gia tăng những gợi ý và tin tức được các cá nhân đăng trên internet, Thiên kiến sẵn có ngày càng trở thành một vấn đề nguy hiểm hơn. Trên mạng, mô hình này được gọi là Bong bóng bộ lọc, một thuật ngữ được tác giả Eli Pariser đưa ra, ông cũng đã viết một cuốn sách cùng tên về chủ đề này.
Do Thiên kiến sẵn có, bạn có thể sẽ nhấp vào những thứ bạn đã quen thuộc và vì vậy Google, Facebook cùng nhiều công ty khác có xu hướng hiển thị cho bạn nhiều hơn những gì họ nghĩ rằng bạn đã biết và thích. Khi có quá nhiều mục họ có thể hiển thị cho bạn — chỉ một tìm kiếm thôi đã cho ra quá nhiều kết quả, họ lọc ra các liên kết mà họ cho rằng bạn sẽ không nhấp vào, chẳng hạn như các quan điểm đối lập sẽ đặt bạn vào một cái bong bóng một cách hiệu quả.
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012 và một lần nữa vào năm 2018, công cụ tìm kiếm DuckDuckGo (do Gabriel sáng lập) đã thực hiện các nghiên cứu về các cá nhân tìm kiếm trên Google về các chủ đề chính trị tương tự, chẳng hạn như kiểm soát súng và biến đổi khí hậu. Họ phát hiện ra rằng mọi người nhận được những kết quả có sự khác nhau đáng kể, được cá nhân hóa riêng cho họ khi tìm kiếm các chủ đề giống nhau tại cùng một thời điểm. Điều này xảy ra ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi tài khoản và ở chế độ được gọi là ẩn danh. Nhiều người không nhận ra rằng họ đang nhận được kết quả được điều chỉnh dựa trên những gì một thuật toán cho rằng sẽ làm tăng số lần nhấp chuột của bạn, thay vì một tập hợp các kết quả được xếp hạng khách quan.
Bong Bóng Bộ Lọc
Khi bạn đặt nhiều Bong bóng bộ lọc giống nhau lại với nhau, bạn sẽ có Buồng phản âm, nơi các ý tưởng giống nhau dường như nảy ra xung quanh các nhóm người giống nhau, và các tiếng vang vọng xung quanh các căn buồng là sự tập hợp của các bong bóng bộ lọc được kết nối này. Buồng phản âm dẫn đến gia tăng tính thiên kiến, vì mọi người ngày càng ít tiếp xúc với các quan điểm khác. Và vì thiên kiến sẵn có, nên họ luôn đánh giá quá cao tỉ lệ những người có cùng ý kiến.
Thật dễ dàng khi chỉ tập trung vào những gì trước mắt. Trong khi để tìm ra một hệ quy chiếu khách quan thì khó hơn nhiều. Nhưng đó là điều bạn cần làm để sai ít hơn.
ĐI MỘT DẶM TRONG ĐÔI GIÀY CỦA NGƯỜI KHÁC
Hầu hết các vấn đề nghiêm trọng trên thế giới đều liên quan đến con người. Vì vậy, để đạt được bước tiến trong những vấn đề này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc của những người liên quan. Ví dụ, đủ lương thực được sản xuất để cung cấp cho mọi người trên hành tinh, nhưng nạn đói vẫn tồn tại vì thực phẩm không được phân phối một cách hiệu quả. Các vấn đề liên quan đến con người, chẳng hạn như trong các chính phủ tham nhũng, là lí do chính dẫn đến những thất bại trong việc phân phối này.
Tuy nhiên, chúng ta rất dễ sai lầm trong việc phán đoán động cơ của người khác. Bạn có thể cho rằng họ chia sẻ quan điểm và hoàn cảnh với bạn, nghĩ giống bạn hoặc có hoàn cảnh tương tự như bạn. Với giả định này, bạn có thể kết luận rằng họ cũng nên cư xử như bạn hoặc có niềm tin giống bạn. Những giả định này thường là sai.
Do đó, để sai lầm ít hơn khi nghĩ về người khác, bạn phải tìm cách tăng cường sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc hơn về những gì họ đang thực sự nghĩ.
Phần này sẽ đi vào khám phá các mô hình tư duy để giúp bạn thực hiện điều đó.
Trong bất kì xung đột nào giữa hai người, đều có hai mặt của câu chuyện. Sau đó là Câu chuyện thứ ba, câu chuyện mà một người quan sát thứ ba vô tư sẽ kể lại. Rèn luyện bản thân để suy nghĩ như một người quan sát khách quan có thể giúp bạn trong bất kì tình huống xung đột nào, ngay cả trong các cuộc đàm phán kinh doanh khó khăn và bất đồng cá nhân.
Câu chuyện thứ ba giúp bạn nhìn rõ được tình hình thực sự là như thế nào? Làm thế nào để bạn cởi mở với nó? Hãy tưởng tượng một đoạn ghi âm hoàn chỉnh về một tình huống, và sau đó cố gắng nghĩ xem khán giả bên ngoài sẽ nói gì nếu họ xem hoặc nghe đoạn ghi âm đó. Họ sẽ kể câu chuyện gì? Họ sẽ đồng ý bao nhiêu với câu chuyện của bạn? Các tác giả Douglas Stone, Bruce Patton và Sheila Heen khám phá mô hình này một cách chi tiết trong cuốn sách Difficult Conversations (tạm dịch: Những cuộc trò chuyện khó nhằn): “Vấn đề mấu chốt là học cách mô tả khoảng cách, hoặc sự khác biệt, giữa câu chuyện của bạn và câu chuyện của người khác. Dù bạn có thể nghĩ và cảm thấy điều gì khác, thì ít nhất bạn có thể đồng ý rằng bạn và người ấy nhìn nhận mọi thứ khác nhau.”
Nếu bạn có thể trình bày một cách mạch lạc các quan điểm khác, ngay cả những quan điểm trực tiếp mâu thuẫn với quan điểm của bạn, thì bạn sẽ ít đưa ra những đánh giá thiên lệch hoặc không chính xác hơn. Bạn sẽ gia tăng đáng kể sự đồng cảm, bạn sẽ thấu hiểu hệ quy chiếu của người khác, cho dù bạn có đồng ý với ý kiến của họ hay không. Ngoài ra, nếu bạn thừa nhận quan điểm của câu chuyện thứ ba trong các cuộc trò chuyện khó nhằn, nó có thể tạo hiệu ứng làm tiêu tan nghi ngờ, khiến những người liên quan ít phòng thủ hơn. Đó là bởi vì bạn đang phát ra tín hiệu sẵn lòng đón nhận ý kiến của họ.
Một mô hình chiến thuật khác có thể giúp bạn đồng cảm là Cách diễn giải tôn trọng nhất, hay còn gọi là MRI. Trong mọi tình huống, bạn có thể giải thích hành vi của một người theo nhiều cách. MRI yêu cầu bạn giải thích hành động của các bên khác theo cách tôn trọng nhất có thể. Nó giúp cho mọi người gạt bỏ nghi ngờ lẫn nhau.
Ví dụ: Giả sử bạn gửi email đến trường học của con bạn, yêu cầu cung cấp thông tin về chương trình giảng dạy khoa học cho năm sắp tới, nhưng không nhận được phản hồi sau một vài ngày. Giải thích đầu tiên của bạn có thể là họ đang phớt lờ yêu cầu của bạn. Một cách thiểu tôn trọng hơn là họ đang tích cực làm việc để liên hệ lại với bạn, nhưng vẫn chưa hoàn thành công việc đó. Có thể họ đang chờ đợi một số thông tin quan trọng trước khi trả lời chẳng hạn.
Khi chưa biết câu trả lời thực sự cho vấn đề, nếu bạn tiếp cận tình huống với cách diễn giải tôn trọng nhất thì nhìn chung bạn sẽ tạo được lòng tin với những người có liên quan, thay vì phá hủy lòng tin ấy. Với MRI, email hoặc cuộc gọi tiếp theo của bạn có nhiều khả năng sẽ mang âm điệu tò mò hơn là mang tính buộc tội.
Theo thời gian, việc xây dựng lòng tin sẽ trả lại cho bạn những điều tốt đẹp, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn, khi sự tin tưởng đó có thể đóng vai trò là cầu nối hướng tới một giải pháp thân thiện
Lần tới khi bạn cảm thấy có xu hướng đưa ra lời buộc tội ai đó, hãy lùi lại một chút và nghĩ xem đó có thực sự là một giả định hợp lí để đưa ra hay không.
Sử dụng MRI có vẻ khá đơn giản, nhưng giống như câu chuyện thứ ba, mô hình này không yêu cầu bạn từ bỏ quan điểm của mình. Thay vào đó, MRI đòi hỏi bạn tiếp cận một tình huống từ góc độ tôn trọng. Bạn vẫn để ngỏ cho những cách diễn giải khác và giữ lại phán xét cho đến khi cần thiết.
Có một cách khác để gạt bỏ sự nghi ngờ đối với hành vi của một người được gọi là Mô hình Dao cạo Hanlon: Không bao giờ quy kết ác ý cho một hành động có thể được giải thích thỏa đáng là do bất cẩn, sơ suất. Giống như mô hình Dao cạo Ockham, mô hình Dao cạo Hanlon tìm kiếm lời giải thích đơn giản nhất: Khi một người làm điều gì đó có hại, lời giải thích đơn giản nhất thường là: Họ đã chọn đi theo con đường dễ dàng, thuận tiện nhất để thực hiện hành động. Điều đó có nghĩa là, hậu quả họ gây ra có thể là do họ đã sơ suất, chứ không phải do ác ý.
Mô hình Dao cạo Hanlon đặc biệt hữu ích để điều hướng các kết nối trong thế giới ảo. Ví dụ, chúng ta hay hiểu lầm về các tình huống trên mạng. Vì thiếu mất các dấu hiệu của ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu giọng nói, các dòng văn bản vô hại có thể bị hiểu theo cách tiêu cực. Mô hình Dao cạo Hanlon nói rằng, người đó có thể không dành đủ thời gian và sự quan tâm trong việc tạo ra thông điệp của họ. Vì vậy, lần sau khi bạn gửi một tin nhắn và tất cả những gì bạn nhận lại là một chữ “OK”, hãy nghĩ đến trường hợp người viết đang vội hoặc đang bận rộn (lối giải thích này tốt hơn), thay vì rơi vào sự chán nản.
Câu chuyện thứ ba – cách diễn giải đáng lưu tâm nhất – và Mô hình Dao cạo Hanlon là những nỗ lực để khắc phục cái mà các nhà tâm lí học gọi là lỗi quy kết bản chất (fundamental attribution error ), đó là bạn thường xuyên mắc lỗi vì quy kết hành vi của người khác là do động cơ bên trong của họ, hoặc do bản chất chứ không phải do yếu tố bên ngoài. Bất cứ khi nào bạn nghĩ một người xấu tính vì cô ấy sẵn xấu tính như thế, thay vì nghĩ rằng cô ấy vừa trải qua một ngày tồi tệ, bạn đang mắc phải lỗi quy kết bản chất.
Tất nhiên, bạn có xu hướng nhìn nhận hành vi của chính mình theo cách ngược lại, điều này được gọi là Thiên kiến vị kỉ (self- serving bias). Khi bạn là người trong cuộc, bạn thường có những lí do vị kỉ – phục vụ riêng – cho mục đích, hành vi của mình, nhưng khi bạn là người ngoài cuộc, bạn có xu hướng đổ lỗi cho bản chất bên trong của người khác. (Đó là lí do tại sao mô hình này đôi khi còn được gọi là thiên kiến người trong cuộc – người ngoài cuộc).
Ví dụ, nếu ai đó vượt đèn đỏ, bạn thường cho rằng người đó vốn dĩ rất liều lĩnh, chứ bạn không nghĩ rằng cô ấy có thể đang gấp rút đến bệnh viện để cấp cứu. Còn khi bạn lái xe “như một kẻ điên”, bạn sẽ ngay lập tức hợp lí hóa (“Tôi đang vội”).
Một mô hình chiến thuật khác giúp bạn có sự đồng cảm lớn hơn là Bức màn vô thức (veil of ignorance). Mô hình này do nhà triết học John Rawls đưa ra. Nó cho rằng, khi nghĩ về cách tổ chức xã hội, chúng ta nên tưởng tượng bản thân không biết gì về vị trí cụ thể của mình trên thế giới, như thể có một bức màn ngăn chúng ta biết mình là ai. Rawls gọi đây là “vị trí ban đầu”.
Ví dụ, bạn không nên chỉ coi vị trí hiện tại của mình là một người tự do khi suy nghĩ về một thế giới cho phép chế độ nô lệ. Bạn phải xem xét khả năng bạn có thể sinh ra đã là một nô lệ, cảm giác đó sẽ như thế nào. Mô hình Bức màn vô thức khuyến khích bạn đồng cảm với mọi người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, để bạn có thể đưa ra những đánh giá có đạo đức hơn, nhân ái hơn.
Giả sử rằng, bạn đang cân nhắc việc chấm dứt chính sách cho phép nhân viên của công ty mình làm việc từ xa vì bạn tin rằng nhóm của mình hoạt động trực diện thì tốt hơn. Là một người quản lí, có thể dễ dàng hình dung ra việc thay đổi chính sách từ góc độ của bạn, đặc biệt nếu cá nhân bạn không đánh giá cao việc làm việc từ xa. Tuy nhiên, Bức màn vô thức đẩy bạn đến những tưởng tượng về sự thay đổi so với vị trí ban đầu, bạn có thể là bất kì nhân viên nào. Nếu bạn là một nhân viên phải chăm sóc một thành viên lớn tuổi trong gia đình, hoặc bạn là cha mẹ đơn thân thì sao? Bạn có thể thấy rằng chính sách mới được đảm bảo ngay cả khi đã xem xét tổng thể hậu quả của nó, nhưng việc đặt lên Bức màn vô minh sẽ giúp bạn đánh giá cao những thách thức mà chính sách mới này có thể đặt ra cho nhân viên của bạn và thậm chí có thể giúp bạn đưa ra các giải pháp thay thế sáng tạo.
Nói về đặc ân, chúng tôi (những người làm tác giả) thường nói mình may mắn vì đã trúng xổ số từ lúc được sinh ra. Khi được sinh ra, chúng tôi không bị làm nô lệ, không nằm trong các nhóm thiệt thòi. Từ khi sinh ra, chúng tôi không đáng được hưởng một cuộc sống dễ dàng hơn là một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, khuyết tật, hoặc bất kì dạng thiệt thòi nào khác. Tuy nhiên, chúng tôi là những người đã trúng giải xổ số này và chúng tôi không phải chịu những bất lợi thiệt thòi kia.
Có thể là một thách thức khi thừa nhận rằng một phần thành công của bạn bắt nguồn từ may mắn. Thay vào đó, nhiều người chọn tin rằng thế giới hoàn toàn công bằng, trật tự và có thể đoán trước được. Quan điểm này được gọi là Giả thuyết thế giới công bằng, nơi mọi người luôn nhận được những gì họ xứng đáng, dù tốt hay xấu, bởi chính những hành động của họ, không tính đến may mắn hay ngẫu nhiên. Quan điểm này được tổng kết khi bạn gieo nhân nào, gặt quả nấy.
Trớ trêu thay, niềm tin vào một thế giới công bằng trên thực tế có thể cản trở công lí bằng cách khiến mọi người đổ lỗi cho nạn nhân: Nạn nhân bị tấn công tình dục “lẽ ra phải mặc quần áo kín đáo hơn” hoặc người nhận phúc lợi “chỉ là kẻ lười biếng”. Các nạn nhân của hoàn cảnh thực sự bị đổ lỗi vì hoàn cảnh của họ, mà không tính đến các yếu tố ngẫu nhiên như trúng xổ số từ lúc sinh ra.
Vấn đề với Giả thuyết thế giới công bằng và Đổ lỗi cho nạn nhân là người ta đưa ra những phán đoán xa rộng về lí do tại sao mọi thứ đang xảy ra với mọi người, mà thường không chính xác ở cấp độ cá nhân. Bạn cũng nên nhớ rằng Mô hình Bất lực học được hay Bất lực tập nhiễm1 có thể khiến một số người khó phấn đấu để cải thiện nếu không có sự trợ giúp.
1 Khi một chủ thể chịu một kích thích khó chịu lặp đi lặp lại không thể trốn chạy được, chủ thể đó sẽ dừng việc né tránh kích thích đó và hành xử như thể mình bất lực hoàn toàn và không thể thay đổi được hoàn cảnh. Thậm chí khi có cơ hội trốn thoát, hành vi bất lực do học tập mà thành này sẽ ngăn chủ thể thực hiện bất kì hành động nào để thoát khỏi tình huống.
Mô hình Bất lực tập nhiễm được mô tả xu hướng ngừng cố gắng thoát khỏi những tình huống khó khăn bởi vì theo thời gian, chúng ta đã quen với việc chấp nhận những điều kiện khó khăn, thay vì cố gắng vượt lên điều đó.
Một người nhiều lần thấy rằng họ bất lực trong việc kiểm soát hoàn cảnh của mình, họ sẽ từ bỏ việc cố gắng thay đổi chúng.
Trong một loạt các thí nghiệm được tóm tắt về “Sự bất lực tập nhiễm” trong Tạp chí Y học Thường niên tháng 2 năm 1972, nhà tâm lí học Martin Seligman đã đặt những con chó vào một chiếc hộp để chúng bị sốc điện nhẹ liên tục trong khoảng thời gian ngẫu nhiên. Sau đó, ông đặt chúng vào một chiếc hộp tương tự để chúng có thể dễ dàng thoát khỏi những cú sốc điện. Tuy nhiên, chúng không thực sự cố gắng trốn thoát, chúng chỉ đơn giản là nằm xuống và đợi những cú sốc điện dừng lại. Mặt khác, những con chó không bị sốc điện sẽ nhanh chóng nhảy ra khỏi hộp.
Sự bất lực tập nhiễm không chỉ được tìm thấy trong những tình huống thảm khốc, mọi người cũng có thể thể hiện sự bất lực tập nhiễm trong hoàn cảnh hàng ngày, khi tin rằng họ không có khả năng làm hoặc học một số điều nhất định, chẳng hạn như nói trước đám đông hoặc sử dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp này, họ có thể có khả năng cải thiện điểm yếu của mình nếu được hướng dẫn bởi người cố vấn phù hợp – đây là một chủ đề mà chúng tôi đề cập chi tiết hơn ở Chương 8 của phần sau. Bạn chắc chắn sẽ không muốn mắc Lỗi quy kết bản chất bằng cách giả định rằng đồng nghiệp của bạn không có khả năng làm điều gì đó trong khi họ thực sự cần một sự hướng dẫn thích hợp đâu đúng không.
Tất cả các mô hình tư duy trong phần này, từ câu chuyện thứ ba đến Sự bất lực tập nhiễm, có thể giúp bạn gia tăng sự đồng cảm. Khi áp dụng chúng, bạn đang cố gắng hiểu hoàn cảnh thực tế và động lực của mọi người tốt hơn. Hãy cố gắng hết sức, bạn có thể đi được một dặm đường trong đôi giày của người khác.
SỰ TIẾN BỘ – KHI LỚP CŨ BIẾN MẤT
Giống như bạn có thể bị neo vào một mức giá, bạn cũng có thể bị neo vào toàn bộ cách suy nghĩ về điều gì đó. Nói cách khác, có thể rất khó thuyết phục bạn về một ý tưởng mới khi một ý tưởng trái ngược đã cố thủ trong suy nghĩ của bạn.
Giống như nhiều trẻ em ở Hoa Kỳ, các con trai của chúng tôi đang học “Toán học Singapore”, một phương pháp tiếp cận số học bao gồm giới thiệu các bước bằng hình ảnh để phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về các khái niệm cơ bản. Ngay cả đối với các bậc cha mẹ thích toán học, cách học số học mới này cũng có thể khiến họ cảm thấy xa lạ sau rất nhiều năm nghĩ về số học theo cách khác.
Toán Singapore dạy phép cộng bằng cách sử dụng “liên kết số”, trong đó chia nhỏ các số để học sinh có thể cộng theo nhóm với số 10.
Trong khoa học, hiện tượng này được ghi lại trong cuốn sách The Structure of Scientific Revolutions (tạm dịch: Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học) của Thomas Kuhn. Cuốn sách đưa ra Mô hình Chuyển đổi mô hình, mô tả cách các lí thuyết khoa học được chấp nhận đã thay đổi theo thời gian như thế nào.
Thay vì một quá trình tiến triển dần dần, Kuhn mô tả một quá trình lộn xộn, gập ghềnh, trong đó các vấn đề ban đầu của một lí thuyết khoa học hoặc bị bỏ qua, hoặc được hợp lí hóa. Cuối cùng, quá nhiều vấn đề chồng chất đến mức ngành trường phái khoa học đấy bị rơi vào trạng thái khủng hoảng, và mô hình này chuyển đổi sang một cách giải thích mới, bước vào một kỉ nguyên ổn định mới.
Về cơ bản, những người bảo vệ già nua này đã bám vào những lí thuyết cũ quá lâu, ngay cả khi đối mặt với một sự thay thế hiển nhiên trong nhận thức muộn màng. Nhà vật lí đoạt giải Nobel, Max Planck, đã giải thích điều đó trong cuốn Scientific Autobiography and Other Papers and Other Papers (Tạm dịch: Tự truyện khoa học và các bài báo khác) của ông như sau: “Một sự thật khoa học mới không chiến thắng bằng cách thuyết phục đối thủ và khiến họ nhìn thấy ánh sáng, mà là vì đối thủ của nó cuối cùng chết đi, và một thế hệ mới lớn lên đã quen thuộc với nó,” hay ngắn gọn hơn, “Khoa học tiến bộ khi một lớp người già cũ ra đi.”
Năm 1912, Alfred Wegener đưa ra lí thuyết về sự trôi dạt lục địa mà ngày nay chúng ta biết là đúng, đó là các lục địa trôi dạt trên các đại dương. Wegener nhận thấy rằng các lục địa ăn khớp với nhau giống như một trò chơi ghép hình. Khi nghiên cứu sâu hơn, ông nhận thấy rằng các hóa thạch ở các lục địa có vẻ giống nhau một cách đáng kinh ngạc, như thể trong quá khứ các lục địa thực sự được ghép lại với nhau theo cách này.
Phân bố hóa thạch trên khắp các lục địa phía Nam của Toàn Lục Địa (pangea)1
Bây giờ chúng ta biết đây là trường hợp mà tất cả các lục địa đã được hợp lại với nhau thành một siêu lục địa trước đây. Hiện giờ chúng ta gọi siêu lục địa đó là Toàn Lục Địa (Pangea). Tuy nhiên, lí thuyết của ông đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt vì Wegener là người ngoài cuộc — được đào tạo như một nhà khí tượng học, thay vì một nhà địa chất — và vì ông không thể đưa ra lời giải thích về cơ chế gây ra sự trôi dạt lục địa, ông chỉ có thể đưa ra ý kiến cho rằng điều này có thể đã xảy ra. Về cơ bản, nó đã không được các nhà địa chất chính thống quan tâm trong 40 năm, cho đến khi khoa học mới về Cổ địa từ2 bắt đầu tạo ra dữ liệu bổ sung chứng minh, làm sống lại lí thuyết này.
1 Toàn Lục Địa là Đại lục duy nhất trên Trái Đất, tồn tại cách đây khoảng 300 đến khoảng 200 triệu năm trước khi tách ra thành các lục địa như hiện tại.
2 Cổ địa từ là môn nghiên cứu các dấu vết lưu giữ từ trường Trái Đất trong các đá núi lửa, trầm tích, hoặc các di vật khảo cổ học.
Lí thuyết chính tồn tại trong thời gian này là trước đây chắc hẳn đã có những cây cầu hẹp trên đất liền (gọi là những cây cầu của Gondwana) cho phép các loài động vật băng qua giữa các lục địa, mặc dù chưa từng có bằng chứng cụ thể nào về sự tồn tại của chúng.
Thay vì giúp điều tra lí thuyết của Wegener (chắc chắn không hoàn hảo nhưng có nhiều hứa hẹn), các nhà địa chất học lại chọn lí thuyết về những cây cầu đất không chính xác này, cho đến khi bằng chứng về sự trôi dạt lục địa quá rõ ràng đến mức dẫn đến sự thay đổi mô hình.
Những cây cầu của Gondwana
Công trình của Ignaz Semmelweis, một bác sĩ người Hungary vào thế kỉ XIX, cũng gặp một số phận tương tự. Anh ấy làm việc tại một bệnh viện giảng dạy, nơi các bác sĩ thường xử lí tử thi và sau đó đỡ đẻ mà không rửa tay đúng cách. Tỉ lệ tử vong của những bà mẹ sinh con ở khu vực này của bệnh viện là khoảng 10%! Ở một khu vực khác của cùng một bệnh viện, nơi hầu hết các trẻ sơ sinh được đỡ đẻ bởi những nữ hộ sinh không thường xuyên phải xử lí tử thi, tỉ lệ tử vong tương đương là 4%.
Semmelweis bị ám ảnh về sự khác biệt này, cẩn thận loại bỏ tất cả các biến số cho đến khi ông chỉ còn lại một biến số: bác sĩ và nữ hộ sinh. Sau khi nghiên cứu hành vi của bác sĩ, ông kết luận rằng đó chắc chắn là do họ xử lí tử thi và bắt đầu đặt ra quy định rửa tay bằng dung dịch vôi clorua. Tỉ lệ tử vong ngay lập tức giảm xuống tương đương với tỉ lệ ở khu vực khác của bệnh viện.
Mặc dù tỉ lệ tử vong đã giảm rõ ràng, nhưng giả thuyết của ông đã bị giới y khoa nói chung bác bỏ hoàn toàn. Một phần, các bác sĩ cảm thấy bị xúc phạm khi nghĩ rằng họ đang giết bệnh nhân của mình. Những người khác quá bị ám ảnh về những khiếm khuyết trong cách giải thích lí thuyết của Semmelweis, đến mức họ bỏ qua bằng chứng thực nghiệm cho thấy việc khử trùng tay có thể cải thiện tỉ lệ tử vong. Sau thời gian đấu tranh để ý tưởng của mình được chấp nhận, Semmelweis đã phát điên. Ông bị đưa vào một nhà thương điên và qua đời ở tuổi 47. Phải mất 20 năm sau khi ông qua đời, những ý tưởng của ông về thuốc sát trùng mới bắt đầu được công nhận, sau sự khẳng định của Louis Pasteur về lí thuyết vi trùng.
Giống như Wegener, Semmelweis không hiểu đầy đủ về cơ chế khoa học – thứ sẽ củng cố cho lí thuyết của ông, ông nên đã đưa ra một lời giải thích ban đầu có phần không chính xác. Tuy nhiên, cả hai đều nhận thấy những sự thật thực nghiệm hiển nhiên và quan trọng mà lẽ ra các nhà khoa học khác phải nghiên cứu, nhưng họ đã bác bỏ theo phản xạ vì những lời giải thích được gợi ý không phù hợp với suy nghĩ thông thường thời bấy giờ. Ngày nay, đây được gọi là Phản xạ Semmelweis, hay Hiệu ứng Semmelweis.
Nhiều người vẫn bám vào những lí thuyết cũ ngay cả khi đối mặt với những bằng chứng dường như áp đảo. Điều này xảy ra mọi lúc trong khoa học và trong cuộc sống nói chung. Xu hướng thu thập và giải thích các thông tin mới của con người theo các thiên kiến để xác nhận những niềm tin đã có từ trước được gọi là Thiên kiến Xác nhận.
Nhưng chúng ta lại cực kì dễ rơi vào thiên kiến xác nhận. Do đó, thật khó để đặt câu hỏi về những giả định cốt lõi của chính bạn. Đấy là lí do tại sao nhiều công ty khởi nghiệp đột phá được sáng lập bởi những người ngoài ngành. Đấy là lí do tại sao nhiều đột phá khoa học được khám phá bởi những người ngoài lĩnh vực. Có một lí do tại sao “những cách nhìn mới mẻ” và “sáng tạo” là những điều quen thuộc. Lí do đấy là vì những người bên ngoài không bắt đầu với các mô hình sẵn có. Theo định nghĩa, họ là “những người suy nghĩ tự do” bởi vì họ được tự do suy nghĩ mà không có những ràng buộc.
Thiên kiến xác nhận rất khó khắc phục, đến mức có một mô hình liên quan được gọi là Hiệu ứng Phản tác dụng (backfire effect). Hiệu ứng mô tả hiện tượng khi một người gặp phải bằng chứng rõ ràng bác bỏ quan điểm của mình thì họ càng đào sâu vào nó, cố thủ với nó. Nói cách khác, khi một người cố gắng thay đổi suy nghĩ của bạn bằng các sự kiện và số liệu thì càng cố gắng càng phản tác dụng. Điều đấy chỉ gây tác động ngược lại. Bạn trở nên bảo thủ thay vì cởi mở hơn.
Trong một nghiên cứu của Đại học Yale vào năm 2008, các đảng viên Dân chủ được yêu cầu đưa ra ý kiến của họ về ứng cử viên Tòa án Tối cao John Roberts trước và sau khi nghe một quảng cáo tuyên bố rằng ông ủng hộ “các nhóm bạo lực và một kẻ bị kết án là đánh bom vào một phòng khám chuyên phá thai”. Không có gì ngạc nhiên khi sự không đồng tình đã tăng từ 56% lên 80%. Tuy nhiên, sự không đồng tình vẫn ở mức 72% khi họ được biết rằng quảng cáo đã bị bác bỏ và rút lại bởi nhóm vận động quyền phá thai, rằng chính họ đã tạo ra mẩu quảng cáo đó.
Bạn cũng có thể không chống lại nổi việc bám giữ vào những niềm tin không chính xác vì Thiên kiến phủ nhận (discomfirmation bias). Nghĩa là càng những ý tưởng mà bạn không muốn tin bạn càng đặt nặng hơn nghĩa vụ phải chứng minh chúng. Nhà tâm lí học Daniel Gilbert đã viết trong bài báo Tôi Ổ.N, Bạn đang rơi vào thiên kiến ngày 16 tháng 4 năm 2006 trên tờ The New York Times:
Khi cân sức khỏe của chúng ta hiển thị con số xấu, chúng ta tắt đi rồi lại bật lại, chỉ để đảm bảo rằng chúng ta không đọc sai màn hình hoặc tạo áp lực quá nhiều lên chân. Khi nó hiển thị con số tốt, chúng ta mỉm cười và đi đến vòi hoa sen. Khi nó làm chúng ta hài lòng và chúng ta chấp nhận bằng chứng một cách thiếu cân nhắc, khi nó không làm chúng ta vừa ý, chúng ta khăng khăng phủ nhận, chúng ta khéo léo nghiêng các thang đo để có lợi cho mình.
Tác động nguy hiểm của Thiên kiến xác nhận và các mô hình liên quan có thể được giải thích bằng Sự bất hòa trong nhận thức (cognitive dissonance). Đấy là cảm giác căng thẳng do nắm giữ hai niềm tin trái ngược, bất hòa cùng một lúc. Các nhà khoa học đã thực sự liên kết Sự bất hòa về nhận thức với một khu vực trong não có vai trò giúp bạn tránh được những kết quả bất lợi. Thay vì giải quyết nguyên nhân cơ bản của sự căng thẳng này — thực tế là chúng ta thực sự có thể sai, chúng ta tìm cách giải quyết dễ dàng bằng cách hợp lí hóa thông tin mâu thuẫn. Đó là một bản năng sinh tồn!
Một khi bạn bắt đầu tìm kiếm Thiên kiến xác nhận và Sự bất hòa trong nhận thức, chúng tôi đảm bảo bạn sẽ phát hiện ra chúng ở khắp nơi, kể cả trong suy nghĩ của chính bạn. Một mẹo thực sự để sai lầm ít hơn là chống lại bản năng của bạn trong việc loại bỏ thông tin mới, thay vào đó là chấp nhận những cách suy nghĩ mới và mô hình mới.
Có một số mô hình tư duy chiến thuật có thể giúp bạn vượt qua Thiên kiến xác nhận và Chủ nghĩa bộ lạc1 đã ăn sâu bám rễ trong bạn. Đầu tiên, hãy xem xét Tư duy màu xám (thinking gray), một khái niệm mà chúng tôi đã học được từ cuốn sách The Contrarian’s Guide to Leadership (tạm dịch: Hướng dẫn lãnh đạo của người đi ngược với định kiến đám đông) của Steven Sample. Bạn có thể nghĩ về các vấn đề dưới dạng đen và trắng, nhưng sự thật là nó nằm ở đâu đó giữa đen và trắng, chính là màu xám. Như Sample đã nói:
1 Chủ nghĩa bộ lạc là tình trạng được tổ chức bởi, hoặc ủng hộ cho các bộ lạc hoặc lối sống của bộ lạc. Sự tiến hóa của loài người chủ yếu xảy ra trong các nhóm nhỏ, trái ngược với các xã hội đại chúng và con người tự nhiên duy trì một mạng xã hội.
Hầu hết mọi người nhị phân và tức thời trong các phán đoán của họ; nghĩa là, họ ngay lập tức phân loại mọi thứ là tốt hay xấu, đúng hay sai, đen hay trắng, bạn hay thù. Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo thực sự hiệu quả cần phải có khả năng nhìn thấy các sắc thái xám vốn có trong một tình huống để đưa ra các quyết định khôn ngoan.
Bản chất của suy nghĩ màu xám là thế này: Không đưa ra ý kiến về một vấn đề quan trọng cho đến khi bạn đã thu thập được tất cả các bằng chứng và lập luận có liên quan, hoặc cho đến khi hoàn cảnh buộc bạn phải đưa ra ý kiến mà không cần viện đến tất cả các dữ kiện (điều này thỉnh thoảng xảy ra, nhưng không thường xuyên như những gì người ta tưởng tượng). F. Scott Fitzgerald đã từng mô tả một điều tương tự như suy nghĩ màu xám khi ông quan sát thấy bài kiểm tra trí não hạng nhất, đấy là khả năng có hai suy nghĩ đối lập cùng một lúc trong khi vẫn giữ được khả năng hoạt động.
Mô hình này rất có hiệu quả vì nó buộc bạn phải kiên nhẫn. Bằng cách hoãn việc ra quyết định, bạn tránh được thiên kiến xác nhận vì bạn chưa đưa ra quyết định để xác nhận! Có thể khó nghĩ về màu xám bởi vì tất cả các sắc thái và quan điểm khác nhau có thể gây ra sự bất đồng về nhận thức. Tuy nhiên, cần đấu tranh vượt qua sự bất hòa đó để đến gần hơn với sự thật khách quan.
Mô hình tư duy thứ hai có thể giúp bạn vượt qua thiên kiến xác nhận là Vị trí ủng hộ của Ác quỷ (Vị trí người phản đối kịch liệt). Đây từng là một vị trí chính thức trong Giáo hội Công giáo, được sử dụng trong quá trình phong Thánh cho một người. Một khi ai đó được phong Thánh, quyết định đó sẽ là vĩnh cửu, vì vậy điều quan trọng là phải làm cho đúng. Do đó, vị trí này được tạo ra cho những người ủng hộ quan điểm của Ác quỷ để chống lại trường hợp được phong Thánh của một người đã qua đời.
Nói rộng hơn, đóng vai người ủng hộ cho Ác quỷ có nghĩa là đưa ra mặt đối lập của một lập luận, ngay cả khi đó là mặt mà bạn không đồng ý. Có một cách tiếp cận là buộc bản thân phải viết ra các trường hợp khác nhau cho một quyết định nhất định hoặc chỉ định các thành viên khác nhau trong nhóm làm việc đó. Một cách tiếp cận khác hiệu quả hơn là chủ động đưa những người có quan điểm đối lập vào quá trình ra quyết định. Làm như vậy sẽ giúp tất cả mọi người có liên quan dễ dàng nhìn thấy sức mạnh ở các khía cạnh khác và buộc bạn phải tạo ra một lập luận thuyết phục hơn ủng hộ những gì bạn tin tưởng.
ĐỪNG TIN VÀO TRỰC GIÁC
Bạn thực hiện hầu hết các quyết định hàng ngày bằng cách sử dụng trực giác. Với bản năng hoặc kiến thức được mã hóa, bạn tự động làm mà không cần suy nghĩ. Đó là giác quan thông thường hoặc giác quan thứ sáu của bạn, trực giác của bạn, dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ của bạn và lập trình tự nhiên để phản ứng với hoàn cảnh.
Trong cuốn sách Tư duy nhanh và chậm, tác giả đoạt giải Nobel kinh tế Daniel Kahneman đã phân biệt rõ giữa tư duy nhanh trực quan này và tư duy logic, được cân nhắc kĩ lưỡng hơn khi bạn thực hiện chậm lại và đặt câu hỏi về các giả định trực quan của mình.
Ông lập luận rằng, khi bạn làm việc gì đó thường xuyên, hành động đó sẽ dần dần được mã hóa, hay nói cách khác là được ngấm vào trong não bạn, cho đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành phản xạ, thông qua tư duy nhanh, nó sẽ dần thay thế và bạn có thể tự động làm mà không cần suy nghĩ nữa, chẳng hạn như: lái xe trên đường cao tốc, làm phép tính đơn giản, nói tên của bạn. Tuy nhiên, khi rơi vào những tình huống không chắc chắn mà bạn không có kiến thức đã được mã hóa, bạn phải sử dụng tư duy chậm hơn của mình, chẳng hạn lái xe trên những con đường mới, làm các phép toán phức tạp, đào sâu vào trí nhớ để nhớ lại một người bạn đã từng quen. Đấy là những nhiệm vụ bạn cần phải động não.
Bạn có thể gặp rắc rối khi tin tưởng một cách mù quáng vào trực giác của mình trong những tình huống không rõ mình nên suy nghĩ nhanh hay chậm. Vào những thời điểm chỉ làm theo trực giác có thể khiến bạn trở thành con mồi của cạm bẫy Mỏ neo, Thiên kiến sẵn có, Đóng khung và những cạm bẫy khác. Bị lạc – theo nghĩa đen của từ này, bạn thường bắt đầu bằng việc nghĩ rằng trực giác cho biết bạn phải đi đâu và kết thúc bằng việc nhận ra rằng trực giác đã đưa bạn đến sai lầm.
Bạn có thể sử dụng trực giác như một chỉ dẫn để nghiên cứu, tìm hiểu những điểm cần, nhưng bạn sẽ không thể chỉ dựa vào nó để đưa ra quyết định. Bạn sẽ cần phải thực sự lấy bản đồ ra và nghiên cứu nó trước khi thực hiện bước đi tiếp theo.
Bạn có thể không có kinh nghiệm trực giác thích hợp để xử lí mọi thứ mà cuộc sống ném vào bạn, vì vậy bạn nên đặc biệt cảnh giác với trực giác của mình trong bất kì tình huống nào. Ví dụ: Nếu bạn là một người có kinh nghiệm đi bộ đường dài ở nơi có nhiều gấu, bạn sẽ biết rằng không bao giờ nên nhìn chằm chằm vào một con gấu, vì nó sẽ coi đây là dấu hiệu của sự gây hấn và có thể khiến bạn phải trả giá. Giả sử bây giờ bạn đang đi bộ đường dài ở chỗ ở của sư tử núi và bạn bắt gặp một con sư tử thì bạn nên làm gì? Trực giác mách bảo bạn đừng nhìn chằm chằm vào nó, trên thực tế, bạn nên thế. Đối với sư tử núi, giao tiếp bằng mắt trực tiếp báo hiệu rằng bạn không phải là con mồi “dễ ăn”, vì vậy chúng sẽ ngần ngại tấn công.
Nhưng đồng thời, trong nhiều trường hợp, trực giác lại có thể giúp dẫn bạn đến câu trả lời đúng nhanh hơn nhiều. Ví dụ, bạn càng làm việc nhiều với các mô hình tư duy, thì trực giác của bạn về việc sử dụng mô hình nào trong một tình huống nhất định sẽ càng đúng hơn và bạn càng nhanh chóng đưa ra quyết định tốt hơn khi làm việc với các mô hình này.
Nói cách khác, như chúng tôi đã giải thích ở đầu chương này, việc sử dụng mô hình tư duy trong một thời gian lâu dài là một cách chậm rãi và ổn định để cải thiện nghịch cảnh tốt hơn, giúp bạn có thể đối phó tốt hơn với các tình huống mới theo thời gian. Tất nhiên, thông tin bạn đưa vào bộ não càng tốt thì trực giác của bạn càng tốt.
Một cách hữu ích để tăng tốc xây dựng trực giác là cố gắng lập luận một cách nhất quán từ Những nguyên tắc đầu tiên. Một cách khác là tận dụng mọi cơ hội để tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề. Các mô hình tư duy còn lại trong chương này có thể giúp bạn làm điều đó.
Lúc 11:39 sáng vào ngày 28 tháng 1 năm 1986, tàu con thoi Challenger nổ tung trên Đại Tây Dương, chỉ trong chuyến bay 73 giây, bảy thành viên phi hành đoàn trên tàu đã thiệt mạng. Đó là một ngày buồn mà cả hai chúng tôi đều nhớ rất rõ. Một ủy ban do Tổng thống Hoa Kỳ lập ra đã được chỉ định để điều tra vụ việc, cuối cùng đưa ra Báo cáo của Ủy ban Rogers, được đặt theo tên chủ tịch của ủy ban, William Rogers.
Khi một điều gì đó xảy ra, Nguyên nhân gần là điều ngay lập tức khiến nó xảy ra. Trong trường hợp của Challenger, Báo cáo của Ủy ban Rogers cho thấy nguyên nhân gần là do bình chứa hydro bên ngoài bốc cháy.
Ngược lại, Nguyên nhân gốc rễ là cái mà bạn có thể gọi là lí do thực sự đã xảy ra. Mọi người thường giải thích giống nhau cho hành vi của họ: Bất kì ai cũng có thể đưa ra lí do cho hành vi của họ, nhưng đó có thể không phải là lí do thực sự khiến họ làm điều gì đó. Ví dụ, những người luôn có thành tích kém nhất nơi làm việc thường có lí do chính đáng cho mỗi sự cố, nhưng lí do thực sự là điều gì đó cơ bản hơn, chẳng hạn như thiếu kĩ năng, động lực hoặc nỗ lực.
Trong báo cáo ngày 6 tháng 6 năm 1986 đệ trình lên Tổng thống, Ủy ban Rogers đã kết luận rằng nguyên nhân gốc rễ của thảm họa Challenger là do tổ chức thất bại:
Những thất bại trong truyền tải thông tin dẫn đến quyết định triển khai phi vụ 51-L dựa trên thông tin không đầy đủ và đôi khi gây hiểu nhầm, xung đột giữa dữ liệu kĩ thuật và phán đoán của ban quản lí, và cấu trúc quản lí của NASA cho phép vấn đề an toàn của các chuyến bay nội bộ qua mặt các nhà quản lí chính của Tàu con thoi.
Ủy ban cũng đã tiến hành khám nghiệm tử thi. Trong y học, khám nghiệm tử thi là khám nghiệm cơ thể đã chết để xác định nguyên nhân gốc rễ của cái chết. Như một phép ẩn dụ, khám nghiệm tử thi đề cập đến bất kì cuộc kiểm tra nào về tình huống trước đó để hiểu điều gì đã xảy ra và làm thế nào để vào lần sau mọi chuyện tốt hơn. Tại DuckDuckGo, bắt buộc phải tiến hành kiểm tra sau mỗi dự án để tổ chức có thể cùng học hỏi và trở nên mạnh mẽ hơn (cải thiện nghịch cảnh).
Một kĩ thuật thường được sử dụng trong khám nghiệm tử thi được gọi là 5 câu hỏi tại sao, đó là liên tục đặt câu hỏi “Tại sao điều đó lại xảy ra?” cho đến khi bạn chạm đến được nguyên nhân gốc rễ.
1. Tại sao bình hydro của Challenger lại bốc cháy? Do khí ga nóng rò rỉ từ động cơ tên lửa.
2. Tại sao khí ga nóng bị rò rỉ? Do vòng đệm trong động cơ bị vỡ.
3. Tại sao vòng đệm này bị vỡ? Do vòng chữ O được cho là để bảo vệ vòng đệm bị hỏng.
4. Tại sao vòng chữ O bị hỏng? Do nó được sử dụng ở nhiệt độ ngoài phạm vi có thể chịu đựng.
5. Tại sao vòng chữ O được sử dụng ngoài phạm vi nhiệt độ nó có thể chịu? Bởi vì vào ngày phóng, nhiệt độ dưới mức đóng băng, ở mức -1,7oC (trước đây, đợt phóng lạnh nhất là 11,7oC).
6. Tại sao việc phóng lại vẫn diễn ra khi trời quá lạnh? Do những lo ngại về an toàn đã bị bỏ qua tại cuộc họp triển khai phóng tàu.
7. Tại sao các mối quan tâm về an toàn bị bỏ qua? Do NASA đã thiếu sự kiểm tra và cân nhắc chính xác. Đó là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân thực sự xảy ra thảm họa Challenger.
Như bạn thấy, bạn có thể đặt ra bao nhiêu câu hỏi tùy ý để tìm ra nguyên nhân gốc rễ — năm chỉ là một con số bất kì. Nhà vật lí đoạt giải Nobel, Richard Feynman, đã ở trong Ủy ban Rogers, đồng ý tham gia theo yêu cầu cụ thể. Ông đã phát hiện ra sự thất bại trong tổ chức của NASA và đe dọa sẽ từ chức ở ủy ban, trừ khi được đưa vào báo cáo một phụ lục bao gồm những suy nghĩ cá nhân của ông về nguyên nhân gốc rễ, trong đó có một phần như sau:
Có vẻ như có sự khác biệt rất lớn trong quan điểm về xác suất xảy ra hỏng hóc đi kèm mất phương tiện và tính mạng con người. Các ước tính về xác suất hỏng hóc nằm trong khoảng từ 1 trên 100 đến 1 trên 100.000. Các con số ước tính cao hơn đến từ các kĩ sư đang làm việc, và con số rất thấp đến từ cấp quản lí…
Có vẻ như, vì bất kì mục đích nào — có thể là để tiêu thụ nội bộ hoặc bên ngoài, mà ban quản lí của NASA đã phóng đại độ tin cậy sản phẩm của mình đến mức ảo tưởng.
Đối với một công nghệ thành công, thực tế phải được ưu tiên hơn là quan hệ công chúng, vì bản chất không thể bị đánh lừa.
Đôi khi bạn có thể muốn điều gì đó là sự thật đến nỗi bạn đánh lừa bản thân rằng nó có thể là sự thật. Cảm giác này được gọi là Thiên kiến xác suất lạc quan, bởi vì bạn quá lạc quan về xác suất thành công. Các nhà quản lí của NASA đã quá lạc quan về khả năng thành công, trong khi các kĩ sư gần hơn với việc phân tích lại nhắm đến mục tiêu nhiều hơn.
Việc phân tích nguyên nhân gốc rễ, bất kể bạn sử dụng phương pháp 5 câu hỏi tại sao hay khung khác, đều sẽ giúp bạn vượt qua Thiên kiến xác suất lạc quan, buộc bạn phải suy nghĩ chậm lại, thúc đẩy trực giác và nỗ lực khám phá ra sự thật.
Lí do các nguyên nhân gốc rễ rất quan trọng là bởi, bằng cách giải quyết chúng, bạn có thể ngăn chặn những sai lầm tương tự xảy ra trong tương lai. Một phép loại suy phù hợp có nghĩa là bằng cách điều tra nguyên nhân gốc rễ, bạn không chỉ giải quyết các triệu chứng mà còn xử lí căn nguyên của căn bệnh.
Để sai lầm ít hơn, bạn cần phải làm việc tốt hơn, tiến bộ dần lên (cải thiện nghịch cảnh) và mắc ít lỗi mà bạn có thể tránh được ngay từ trong suy nghĩ (lỗi Tự đánh bóng hỏng). Thật không may, có rất nhiều bẫy tư duy mà bạn cần cố gắng chủ động tránh, chẳng hạn như dựa quá nhiều vào thông tin mới nhất (Thiên kiến sẵn có), quá quan tâm đến vị trí hiện tại của bạn (Thiên kiến xác nhận) và phóng đại khả năng kết quả mong muốn của bạn (Thiên kiến xác suất lạc quan). Như Feynman đã cảnh báo các sinh viên tốt nghiệp Caltech năm 1974: “Bạn không được tự lừa mình — và bạn là người dễ mắc lừa nhất.”
NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ
● Để tránh rơi vào bẫy tư duy, bạn phải suy nghĩ khách quan hơn. Hãy thử tranh luận từ Những nguyên tắc đầu tiên, tìm ra Nguyên nhân gốc rễ và tìm ra Câu chuyện thứ ba.
● Nhận ra rằng các diễn giải trực quan của bạn về thế giới thường có thể sai do Thiên kiến sẵn có, Lỗi quy kết bản chất, Thiên kiến xác suất lạc quan và các mô hình tư duy liên quan khác giải thích các lỗi thường gặp trong tư duy.
● Sử dụng Mô hình dao cạo Ockham và Mô hình Dao cạo Hanlon để bắt đầu nghiên cứu những lời giải thích khách quan đơn giản nhất. Sau đó, hãy kiểm tra các lí thuyết của bạn bằng cách Loại bỏ rủi ro trong các giả định của bạn, tránh Tối ưu hóa quá sớm.
● Cố gắng Suy nghĩ màu xám để tránh Thiên kiến xác nhận một cách nhất quán.
● Tích cực tìm kiếm các góc nhìn khác bao gồm Vị trí ủng hộ của Ác quỷ và bỏ qua Bong bóng bộ lọc. Hãy xem xét câu ngạn ngữ “Bạn là những gì bạn ăn.” Bạn cần bổ sung nhiều loại thực phẩm để trở thành một người khỏe mạnh. Tương tự như vậy, tiếp thu nhiều góc nhìn khác nhau sẽ giúp bạn trở thành một người có tư duy siêu phàm.