Từ việc xác định mục tiêu cho đến nhảy vào hồ nước lạnh như băng, hãy tìm cảm hứng từ một vài người Phần Lan nổi tiếng luôn tràn ngập tinh thần sisu.
VUN ĐẮP SỰ KIÊN CƯỜNG
– làm thế nào để vượt qua hoàn cảnh
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Phần Lan là nhà của loài chồn sói (wolverine) nổi tiếng với hàm răng khỏe đến mức có thể nghiền nát xương cùng khả năng chạy rất xa. Mạnh mẽ và bền bỉ, chồn sói thường chạy trên những con đường núi thay vì chọn đường vòng nhưng bằng phẳng.
Trong điều kiện Phần Lan chìm trong bóng tối nhập nhoạng từ suốt tháng Mười Một đến tháng Hai, và vào mùa đông nhiệt độ có thể xuống thấp hơn –25°C, người Phần Lan vẫn thích vận động ngoài trời đến kinh ngạc. Bạn sẽ thấy người ta đạp xe đi làm ngay cả trong trời tuyết. Thể thao là thú vui giải trí của nhiều người chứ không phải là một sở thích dành cho một vài thành phần “cao cấp” nào đó; còn hoạt động câu cá trên băng và tắm hồ mùa đông thể hiện thái độ tiến-lên-bất-chấp-thời-tiết.
Thái độ này liên quan rất nhiều đến thực tế là nếu để khí hậu quyết định các hoạt động của mình thì có lẽ chúng tôi sẽ không làm được gì hết. Tuy nhiên, chúng tôi không phủ nhận việc mình thật sự thích vận động ngoài trời – gần như bất chấp thời tiết.
Sự tương phản rõ nét giữa bóng tối và ánh sáng là nét đặc trưng của cuộc sống vùng Bắc Âu (xem trang 28). Hãy thêm vào đó các trận gió, những cơn mưa đá, tuyết và mưa, bạn sẽ hiểu tại sao khí hậu đóng vai trò quan trọng trong tinh thần sisu của chúng tôi. Bí quyết để rèn luyện tinh thần kiên cường chính là trả lời câu hỏi: “Chúng ta làm chủ hoàn cảnh, hay hoàn cảnh làm chủ chúng ta?”.
“Kiên cường vượt qua cơn mưa, bạn sẽ thấy cầu vồng đang chờ đợi.”
NGƯỜI PHẦN LAN VÀ THỂ THAO
– một niềm đam mê
Người Phần Lan thích chơi thể thao, nhưng chúng tôi cũng thích xem các trận đấu thể thao nữa. Sự yêu thích này lớn đến mức chúng tôi đã sáng tạo một thuật ngữ để chỉ những người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt: penkkiurheilu (nghĩa đen là “môn thể thao ngồi ghế khán đài”). Cho dù bạn tập luyện bên ngoài sân đấu hay ngay trước màn hình trong bộ đồ ngủ, điều quan trọng là hãy nỗ lực hết mình.
Sở trường của người Phần Lan là các môn thể thao mùa đông truyền thống, như khúc côn cầu và trượt tuyết, nhưng sở thích thể thao của chúng tôi rất rộng và đa dạng.
NHỮNG ANH HÙNG THỂ THAO CỦA TINH THẦN SISU
Đúng với tinh thần sisu, người Phần Lan cảm thấy phấn khích đối với những bộ môn yêu cầu khả năng chịu đựng bền bỉ, chẳng hạn như môn trượt tuyết đường dài và chạy việt dã. Cả hai môn này đều có nhiều khoảnh khắc sisu và anh hùng sisu, từ huyền thoại chạy đường dài Paavo Nurmi (xem trang 126) cho đến vận động viên trượt tuyết Juha Mieto. Lasse Virén đã giành được trái tim của mọi người dân Phần Lan trong Thế vận hội Olympics năm 1972 ở Munich khi ông bị ngã một cú khá nặng trên đường đua nhưng sau đó không chỉ giành được chiến thắng mà còn thiết lập một kỷ lục thế giới mới.
Thể thao giúp chúng ta có cơ hội giải phóng những cảm xúc mạnh mẽ mà bình thường vẫn bị đè nén. Nhưng tôi nghĩ lý do chủ yếu khiến người Phần Lan đam mê thể thao đến vậy chính là việc chúng tôi biết sẽ được chứng kiến những khoảnh khắc của tinh thần sisu bừng sáng. Chúng tôi yêu thích câu chuyện tốt đẹp về một chiến thắng vượt lên mọi khó khăn thử thách, và chúng tôi muốn được ở đó để chứng kiến nó diễn ra.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Đi bộ Bắc Âu – đi bộ nhanh với loại gậy đặc biệt – là môn thể thao do người Phần Lan sáng tạo và phù hợp với mọi người ở mọi cấp độ vận động.
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU THEO TINH THẦN SISU
– lên kế hoạch để thành công
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Sư tử đội vương miện vung kiếm là hình ảnh được dùng trên huy hiệu chính thức của Phần Lan. Biểu tượng sư tử đã được sử dụng phổ biến trên huy hiệu của các nước vùng Bắc Âu từ thời Trung cổ. Tượng trưng cho sức mạnh và sự gan dạ, sư tử đã được chọn làm tên của đội khúc côn cầu trên băng quốc gia Leijonat.
Hầu như những người mà tôi đã trò chuyện về sisu đều đề cập đến tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu. Bạn có thể biết mình muốn đạt được điều gì – tham gia chạy một cuộc đua, leo lên một ngọn núi – nhưng làm thế nào để bắt tay thực hiện điều đó? Dù mục tiêu là gì, lập kế hoạch chính là điểm mấu chốt.
Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn đề ra những mục tiêu rõ ràng và không quá sức.
A. Đặt ra mục tiêu thực tế mà bạn tin tưởng mình sẽ làm được
Có một mục tiêu táo bạo cũng tốt, nhưng mục tiêu đó cần phải nằm trong khả năng thực hiện được. Một khi đã thiết lập được mục tiêu, bạn cần phải có sự kiên nhẫn. Những thành tựu to lớn thường là kết quả của nhiều năm hoặc nhiều tháng nỗ lực.
B. Chia mục tiêu thành các cột mốc nhỏ hơn
Để đạt được mục tiêu cuối cùng, bạn cần làm gì ngay hôm nay? Hãy nhớ chúc mừng bản thân mỗi khi đạt được từng cột mốc nhỏ. Nếu mục tiêu cuối cùng là có thể chạy 10 km, hãy tự khen thưởng bản thân mỗi khi vượt qua được từng ki-lô-mét một.
C. Chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị
Đừng bao giờ ngừng nhắc nhở bản thân và cả người khác rằng bạn không phải là kẻ bỏ cuộc. Sau tất cả, một điểm tựa chính là thứ sẽ giúp bạn kiên trì đến cùng. Việc bám sát kế hoạch đã đặt ra sẽ mang đến cho bạn tự tin mà bạn cần để tiếp tục tiến lên khi khó khăn cản bước.
VẬN ĐỘNG THEO TINH THẦN SISU
– những lời khuyên giúp bạn bắt tay vào hành động
Vậy là bạn muốn nâng cao thể lực của mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Đây không phải là vấn đề của riêng bạn đâu. Hãy cùng xây dựng tinh thần sisu của bạn bằng những bước đơn giản sau đây.
1. TẬP LUYỆN Ở BẤT KỲ ĐÂU
Việc tập luyện không cần phải quá phức tạp. Đi bộ, đạp xe đến công ty hoặc đi cầu thang bộ cũng là vận động. Trong tiếng Phần Lan có khái niệm arkiliikunta, nghĩa là hãy tận dụng mọi cơ hội để di chuyển, cho dù bạn đang làm việc nhà hoặc chỉ đơn giản là đi từ A đến B.
2. DÀNH THỜI GIAN CÙNG THIÊN NHIÊN
Mỗi ngày, mọi người vẫn chạy bộ, leo trèo, đi bộ, trượt tuyết, bơi lội và đạp xe mà không hề xem đó là tập thể dục. Đó chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống thường nhật. Và suy nghĩ đó vẫn tồn tại ở Phần Lan ngày nay. Hãy đi bộ nhanh trong một cánh rừng hoặc công viên gần nhà, leo lên một đỉnh núi, đi hái dâu hoặc thong thả đạp xe vài vòng quanh bờ hồ.
3. ĐẶT MỤC TIÊU NHỎ
Sự thay đổi đích thực sẽ diễn ra chậm rãi. Nếu bạn đang có kế hoạch lấy lại vóc dáng thon thả, đừng nói với mọi người rằng bạn sẽ chạy ma-ra-tông vào mùa hè tới. Thay vào đó, hãy xác định mục tiêu đầu tiên của bạn là chạy đến cuối con phố, và nâng cao lên từ đó - đó chính là luyện tập theo tinh thần sisu.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Tại Phần Lan, chúng tôi dành làn đường rất rộng cho người đi bộ và người đạp xe. Đồng thời, một chính sách mới được ban hành gần đây đã cho phép những người đạp xe đi làm được hưởng các quyền lợi khấu trừ thuế giống như người sử dụng xe ô-tô.
CÂU CHUYỆN SISU
– Paavo Nurmi, vận động viên xuất sắc
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Tại Thế vận hội Olympic Paris năm 1924, nhiệt độ lên đến 45°C trong ngày thi chạy bộ đường dài đã khiến 15 trong số 38 vận động viên phải bỏ cuộc. Tám vận động viên phải được khiêng ra bằng cáng. Một vận động viên đã bị mất phương hướng đến nỗi bắt đầu chạy vòng tròn trước khi đâm vào khán đài và bất tỉnh. Người xem bị sốc, và hội đồng Olympic đã quyết định loại bỏ môn chạy bộ đường dài ra khỏi chương trình thi đấu trong các mùa giải sau đó. Trong cuộc thi đó, vận động viên Paavo Nurmi của Phần Lan chỉ có dấu hiệu kiệt sức nhẹ sau khi đánh bại “Ville” Eino Ritola để giành chiến thắng với khoảng cách một phút rưỡi. Về sau, ông nói rằng sức chịu đựng bền bỉ đó là nhờ tác dụng của phòng tắm hơi Phần Lan.
Paavo Nurmi (1897–1973) là vận động viên chạy bộ nổi tiếng với các đoạn đường có cự ly dài và trung bình. Những ảnh hưởng của ông trong thể thao cũng như đối với tinh thần dân tộc Phần Lan là rất đáng kể.
Ông đã lập 22 kỷ lục thế giới ở cự ly từ 1.500 mét đến 20 km, giành được 9 huy chương vàng và 3 huy chương bạc trong 12 lần tham dự Thế vận hội Olympic. Trong giai đoạn đỉnh cao của mình, Nurmi đã bất khả chiến bại ở các cự ly từ 800 mét trở lên trong 121 cuộc đua. Nổi tiếng với tính kỷ luật nghiêm ngặt và khát khao cháy bỏng, Nurmi đã trở thành biểu tượng “người Phần Lan mạnh mẽ và trầm lặng” cho các thế hệ sau noi theo.
TẠI SAO PAAVO NURMI LÀ HIỆN THÂN CỦA TINH THẦN SISU?
Nurmi nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh tinh thần. Câu nói nổi tiếng của ông là: “Tư duy là tất cả; cơ bắp chỉ như những miếng cao su mà thôi. Tôi được như ngày hôm nay, tất cả là nhờ tư duy của mình”. Nurmi từng bảo một vận động viên hãy quên đi đối thủ của mình: “Vượt qua bản thân chính là thách thức lớn nhất của một vận động viên”.
Nurmi được miêu tả là một người khó tính, ít nói và bướng bỉnh. Một số người thời đó đặt biệt danh cho ông là Suuri Vaikenija (“người vĩ đại trầm lặng”). Là biểu tượng lớn nhất của nền thể thao thế giới vào thời đó nhưng Nurmi vẫn không thích lộ diện trước công chúng và không quan tâm đến sự nổi tiếng. Về sau, ông đã tạo dựng một sự nghiệp kinh doanh thành công.
BA BÀI HỌC TỪ PAAVO:
1. Chỉ cần vượt qua chính mình
Đối thủ duy nhất mà bạn phải vượt qua là chính bạn. Sống với ý nghĩ phải tranh đua với người khác sẽ khiến bạn kiệt sức và phải sống trong tình trạng căng thẳng liên tục.
2. Chiến thắng nằm trong tâm trí bạn
Có niềm tin mình sẽ vượt qua bất cứ trở ngại nào là điều cần thiết. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình không có niềm tin đó thì cũng đừng tuyệt vọng. Hầu hết chúng ta đều có lòng tự trọng bị sứt mẻ và cần được chữa lành. Hãy bắt đầu bằng việc chất vấn nội tâm. Tại sao bạn không tin tưởng vào năng lực của mình? Bạn có thể làm gì để xây dựng lòng tự tin mạnh mẽ hơn?
3. Tìm sức mạnh của bản thân trong sự im lặng
Tôi tự hỏi Paavo Nurmi sẽ nghĩ gì về cuộc sống kết nối của chúng ta ngày nay. Có thể ông sẽ nói đây là một lối sống hoàn toàn khác với lối sống đã giúp ông khám phá và rèn giũa sức mạnh nội tại của mình – lặng lẽ chinh phục từng chặng đường, từ dặm này sang dặm khác. Sự im lặng là điều cần thiết để tập trung vào bản thân. Paavo Nurmi có thể bỏ xa đối thủ của mình trên đường chạy, nhưng ông đã không bỏ rơi bản thân trong đời.
“Tâm trí là tất cả.”
VÙNG THOẢI MÁI
– và tại sao đôi khi bạn cần phải ra khỏi đó
Tất cả chúng ta đều có một vùng thoải mái, đó chính là trạng thái tinh thần mà chúng ta muốn duy trì. Mỗi ngày chúng ta sống trong phạm vi này, và chỉ làm những điều chúng ta biết là mình thành thạo. Vùng thoải mái là một khái niệm lành mạnh, nhưng chúng ta cần đương đầu với thử thách để phát triển. Chúng ta hiếm khi cần đến tinh thần sisu khi đang ở trong vùng thoải mái, nhưng sisu sẽ phát huy tác dụng khi ta mạo hiểm vượt ra khỏi phạm vi đó.
Khái niệm vùng thoải mái liên quan đến khái niệm “sự lo lắng tối ưu”, chỉ sự căng thẳng ở mức độ thấp tồn tại ngay bên ngoài vùng thoải mái. Đa số chúng ta đều quen thuộc với trạng thái hơi khó chịu và bồn chồn này khi đối mặt với một tình huống mới nhiều thử thách. Khi bạn tự thách thức bản thân và phát huy tinh thần sisu, bạn có thể đạt được kết quả tuyệt vời. Tuy nhiên, thúc đẩy bản thân quá mức có thể khiến mức độ căng thẳng bùng nổ, và thường thì điều này sẽ dẫn đến suy nghĩ cho rằng việc thử thách bản thân thật là một ý tưởng tồi tệ. Sự lo lắng cần phải được giữ ở mức độ mà bạn có thể kiểm soát được.
Vùng thoải mái của mỗi người sẽ khác nhau, và những gì có thể mở rộng chân trời của bạn đôi khi lại có khả năng làm tê liệt người khác. Nhưng bước ra khỏi vùng thoải mái sẽ giúp cuộc sống của bạn thêm năng động.
Bạn cảm thấy mình đang chìm đắm trong vùng thoải mái quá lâu? Vậy thì việc mở rộng tầm nhìn và phạm vi hoạt động của mình có thể chính là điều mà bạn cần thực hiện.
1. Làm những công việc thường nhật theo cách khác
Hãy đi tuyến đường khác để đến công ty, thử bước vào một nhà hàng mới, đọc sách của một tác giả mới. Hãy tạo ra sự thay đổi trong cách bạn thực hiện các hoạt động hằng ngày và xem điều gì sẽ xảy ra.
2. Thực hiện từng bước nhỏ
Bạn sẽ cần đến tinh thần sisu để bước ra vùng thoải mái của mình. Đừng ngại khi phải bắt đầu chậm. Nếu bạn là một người ngại giao tiếp, đừng cố hẹn người mà bạn thầm mến đi ăn tối ngay lập tức – bạn chỉ cần nói lời xin chào khi gặp họ, rồi bắt đầu từ đó.
3. Dành thời gian để quyết định
Hãy chậm lại, quan sát để xem điều gì đang diễn ra và dành thời gian để lý giải những gì bạn nhìn thấy. Đôi khi chỉ việc bảo vệ ý kiến của mình và đưa ra một quyết định thấu đáo cũng có thể giúp bạn vượt ra khỏi vùng thoải mái của mình.
Đừng chỉ phản ứng – hãy suy nghĩ.
ĐI BƠI MÙA ĐÔNG
– không khó khăn như bạn nghĩ đâu!
Đi bơi vào mùa đông là một thú vui được ưa chuộng bởi thế hệ người Phần Lan lớn tuổi, nhưng việc này đang ngày càng phổ biến đối với giới trẻ. Không chỉ giúp rèn luyện sức chịu đựng, việc đắm mình trong làn nước lạnh băng còn mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, cũng như có tác dụng nâng cao năng lượng đáng kể.
Tất nhiên là việc đắm mình trong làn nước băng giá đòi hỏi tinh thần sisu cao độ. Nhưng một khi đã vượt qua cú sốc ban đầu, trải nghiệm này sẽ giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn đến kinh ngạc.
LÀM QUEN VỚI LÀN NƯỚC LẠNH GIÁ
Tắm trong nước lạnh giúp tăng khả năng tuần hoàn máu và tiêu hóa, ngoài ra nó còn được chứng minh là làm chậm quá trình lão hóa và giúp da săn chắc. Những người thường xuyên thực hiện hoạt động này còn nói rằng nó giúp giảm huyết áp. Nhiều người sống ở phía bắc Phần Lan thường bắt đầu một ngày mới của mình bằng cách này.
Mặc dù nghe có vẻ khó khăn cực độ, avantouinti (avanto = “lỗ trong băng”; uinti = “bơi lội”) là hoạt động phù hợp với đa số mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn có vấn đề về tim mạch hoặc huyết áp cao thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện nhé.
MỘT SỐ MẸO
1. Làm mát cơ thể trước
Mặc dù người ta thường đi sauna trước khi đi bơi vào mùa đông, nhưng việc làm mát cơ thể một chút trước khi xuống nước là rất quan trọng vì nó giúp làm giảm sự chênh lệch nhiệt độ.
2. Khởi động làm nóng cơ bắp
Nếu bạn có thể đi sauna trước khi đi bơi mùa đông, hãy làm nóng cơ bắp của bạn bằng một bài thể dục nhỏ.
3. Chậm rãi làm quen với làn nước
Hãy chậm rãi nhúng mình xuống nước và chỉ ngâm mình trong khoảng một phút vào lần đầu tiên. Khi quen dần, bạn sẽ có thể ngâm trong nước lâu hơn, nhưng mục tiêu không phải là kéo dài thời gian.
4. Hít thở
Ban đầu, cái lạnh sẽ khiến bạn thở hổn hển, nhưng các bài tập thở sẽ giúp bạn hít thở bình thường.
5. Làm ấm cơ thể ngay sau đó
Khi lên bờ, hãy lập tức lau người thật khô và mặc thật ấm.
CÂU CHUYỆN SISU
– phỏng vấn Patrick “Pata” Degerman
Nghề nghiệp được in trên danh thiếp của Pata Degerman là “nhà thám hiểm”. Trong hơn 20 năm qua, nhân vật người Phần Lan này đã tổ chức và dẫn đầu 40 chuyến đi đến Bắc Cực, 5 chuyến đi đến những địa điểm chưa từng được khám phá ở Nam Cực, cũng như đến các đảo Amazonas, Borneo và nhiều hòn đảo không có người ở Thái Bình Dương. Ông cũng là người đầu tiên leo lên 16 đỉnh núi khác nhau trên khắp thế giới. Là một người đã vượt qua những điều kiện khắc nghiệt nhất trên trái đất và nhiều lần đối mặt với những tình huống nguy hiểm, nhưng Pata có một niềm tin vững chắc vào sisu.
“Đối với tôi, sisu có nghĩa là không bao giờ đầu hàng. Ý tôi là không bao giờ, không bao giờ! Đó là nguồn lực mà bạn sẽ sử dụng khi đối mặt với những mâu thuẫn trong bản thân mình. Mọi việc không thuận theo ý của bạn suốt một thời gian dài, và bạn có thể đang kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Đã có nhiều lần tôi gần như muốn bỏ cuộc. Nhưng thường thì cảm giác xuống tinh thần đó chỉ tồn tại khoảng nửa ngày, sau đó tôi sẽ nghĩ:
‘Chẳng lẽ mình sẽ đầu hàng sao, sau khi đã vượt qua đủ mọi khó khăn để đến được đây?’. Và rồi tôi tự hỏi: ‘Mình vẫn có thể đạt được điều này, đúng không?’. Nếu câu trả lời là khẳng định, tôi sẽ bắt đầu nỗ lực tiến lên.
Kiên nhẫn là một phần quan trọng của sisu. Đôi khi bạn phải chờ đợi nhiều năm để thấy điều gì đó xảy ra. Tuy nhiên, kiên nhẫn không phải là ngoan cố. Sự ngoan cố nhanh chóng khiến bạn trở thành một người không thể cộng tác cùng ai, trong khi sisu giúp bạn có được sự khéo léo linh hoạt và suy nghĩ thấu đáo, nhưng đồng thời cũng đủ bền bỉ để vượt qua thử thách.
Nếu khái niệm sisu đã khắc sâu trong tâm trí bạn thì nó có thể giúp bạn vượt qua nghịch cảnh nhanh chóng hơn rất nhiều. Đó là lợi thế mà tôi thật sự cảm thấy người Phần Lan luôn có: bản thân tinh thần sisu không phải là đặc trưng của Phần Lan, mà chính chúng tôi đã gọi tên và học cách sử dụng nó.”
CÁC NGUYÊN TẮC SỐNG THEO TINH THẦN SISU CỦA PATA
1. Không bao giờ bỏ cuộc
Mặc dù lòng quyết tâm chính là điều then chốt, nhưng nó cần được hỗ trợ bởi một kế hoạch hiệu quả và sự chuẩn bị tốt.
2. Có động cơ phù hợp
Sau đó, bạn có thể dễ dàng bước ra khỏi vùng thoải mái của mình và vươn lên những cấp độ cao hơn bạn nghĩ mình có thể. Bạn cần xác định lý do mình muốn đạt được điều nào đó, và tin tưởng mình có thể thực hiện được điều đó.
3. Can đảm là khi bạn e sợ nhưng vẫn tiếp tục tiến lên
Có tinh thần sisu không có nghĩa là không sợ hãi. Sợ hãi là phản ứng lành mạnh của con người và rất hữu dụng đối với ta. Chúng ta chỉ cần đừng để nỗi sợ dẫn dắt.
4. Nếu bạn không làm bất cứ điều gì thì sẽ không có điều gì xảy ra
Điều này rất đơn giản: hãy theo đuổi ước mơ của mình thay vì cứ mãi sống trong hối tiếc.
5. “Hãy gõ, cửa sẽ mở”
Ít có việc gì mà bạn có thể đạt được một mình. Bạn cần những người khác hỗ trợ, và bạn đừng ngần ngại khi lên tiếng nhờ giúp đỡ.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Năm 1997, Pata Degerman và vận động viên leo núi Veikka Gustafsson là những người đầu tiên leo lên một ngọn núi ở Nam Cực, nơi mà sau này họ đã đặt tên là Núi Sisu. Để chinh phục ngọn núi đó, họ đã phải thức suốt 40 giờ liền. Để tránh bị mắc kẹt trong một cơn bão đang tới gần, họ đã phải lập tức bắt đầu cuộc hành trình gian khó kéo dài 34 giờ trên cung đường an toàn nhất đi qua hai đỉnh núi khác, ở nhiệt độ –60°C.
TƯ DUY TÍCH CỰC
- sisu và ngành khoa học hạnh phúc
Có rất ít công trình nghiên cứu về sisu như một khái niệm tâm lý. Thật ra điều này không có gì ngạc nhiên: tính khiêm tốn của người Phần Lan đôi khi có thể gây cản trở việc sisu hướng ra thế giới cũng như phát huy sức mạnh của nó. Tuy nhiên, nếu xem sisu là một thái độ giúp chúng ta hành động tích cực và phát huy nguồn sức mạnh mà ta không nghĩ mình có được, thì tinh thần này hiển nhiên thuộc về ngành tâm lý học tích cực (còn gọi là “khoa học hạnh phúc”).
Liên quan đến tâm lý học tích cực, chúng ta có tư duy tích cực. Đây là triết lý về việc có tinh thần lạc quan trong mọi tình huống để thu hút sự thay đổi tích cực và nâng cao thành tích. Sự lạc quan và hy vọng là những yếu tố quan trọng của tư duy tích cực.
KHÔNG CHỈ LÀ TINH THẦN
Tư duy tích cực là một thứ mang hơi hướng công nghiệp, với sự xuất hiện của những quyển sách về kỹ năng sống lạc quan và ý tưởng cho rằng thái độ là thứ có thể rèn luyện được. Những điều đó đều tốt, nhưng trực giác của tôi cho rằng sisu không phải chỉ là sự lạc quan vui vẻ, mà có thể hoàn toàn ngược lại. Người Phần Lan chúng tôi không nổi tiếng với những triết lý về sự vui tươi, thế nhưng chúng tôi vẫn có thể xác định và thực hành tinh thần sisu. Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị: bạn có cần phải suy nghĩ tích cực để thực hành tinh thần sisu không?
Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ sisu là nguồn năng lượng mà ta cảm nhận được trong sâu thẳm tâm hồn mình và vượt qua cả cảm xúc. Sisu không phải cảm giác (hoặc cảm nhận) những điều đúng đắn. Sisu không phải là một thứ ta phải nỗ lực để có được, mà là điều ta cần khám phá – một loại nền tảng đã có sẵn. Và đó là một cách nghĩ đầy tích cực.