Trẻ em Phần Lan được tiếp xúc với tinh thần sisu ngay từ rất sớm.
Hãy tìm hiểu xem sisu có thể giúp bạn nuôi dạy những đứa trẻ kiên cường và hạnh phúc như thế nào.
QUYỀN ĐƯỢC TỰ LẬP TỪ NHỎ
- tinh thần sisu dành cho trẻ thơ
Khi tôi loạng choạng những bước đi đầu tiên trên đôi giày trượt băng vào năm bốn tuổi, mẹ đã đứng bên ngoài sàn trượt để cổ vũ tôi. Mặt băng lạnh, cứng và không mấy bằng phẳng, còn tôi thì không thích thử những thứ mới mẻ. Tôi đã muốn bỏ cuộc. Khi đó, mẹ đã mỉm cười khích lệ. Và khi tôi run rẩy tiến lên, tôi nghe bà hô to ngay phía sau: “Rohkeasti vaan!”.
Cụm từ tiếng Phần Lan này có thể được dịch là “Mạnh dạn lên!”, và nó thể hiện thái độ của chúng tôi khi nuôi dạy trẻ. Không bảo bọc con thái quá mà chọn cách khuyến khích con tự lập từ nhỏ, bậc cha mẹ Phần Lan luôn muốn hun đúc cho con tinh thần “mình-làm-được” bằng cách để con đối mặt và vượt qua thử thách, chứ không phải cho con những lời khen sáo rỗng. Đây chính là cốt lõi của sisu.
Tôi đã không trở thành một vận động viên trượt băng tràn đầy tự tin, nhưng bất cứ khi nào phải bước ra khỏi vùng thoải mái của mình và thực hiện điều mà mình e ngại, tôi vẫn nghe câu “Rohkeasti vaan!” vang lên trong tâm trí mình.
“Đối mặt và vượt qua thử thách chính là bí quyết nuôi dưỡng tinh thần sisu.”
DẠY CON THEO TINH THẦN SISU
- những hướng dẫn cơ bản
Sisu – can đảm, kiên trì, kiên cường – là điều mà ai cũng cần. Vậy chúng ta làm thế nào để nuôi dưỡng những tính cách này ở trẻ?
Điều này đặt ra một vấn đề thú vị, vì bản năng của cha mẹ hiện đại là muốn bảo vệ con khỏi sự thất vọng. Mặc dù được thực hiện với những mục đích tốt đẹp nhất, nhưng việc bảo vệ quá mức lại khiến trẻ không thể trưởng thành vì chúng mãi được cha mẹ bảo bọc trong khi đáng ra phải được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Và rồi chúng ta còn có cách dạy con xưa cũ theo kiểu “thương cho roi cho vọt”, với đặc trưng là sự thiếu thấu hiểu về tính dễ tổn thương của trẻ, cũng như về nhu cầu cảm thấy được yêu thương, an toàn và được bảo vệ của chúng.
Dạy con theo tinh thần sisu trung hòa cả hai phương pháp nói trên. Chúng tôi không dạy con trốn tránh khó khăn mà sẽ trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để chúng cảm thấy sẵn sàng đương đầu với thử thách.
Sau đây là một số hướng dẫn cơ bản để dạy con theo tinh thần sisu.
1. Khen ngợi con đúng mức
Khi nói về việc khen ngợi những nỗ lực của trẻ, phương pháp của người Phần Lan đôi khi bị chỉ trích vì không đủ tính động viên. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là truyền dạy cho trẻ nhận thức rằng nỗ lực của ai cũng đều đáng trân trọng như nhau. Đó chính là sự khác biệt giữa lời khen “Đây là bức tranh đẹp nhất mẹ từng thấy” và “Mẹ thật sự có thể hiểu được ý tưởng mà con muốn truyền đạt qua bức tranh này”.
2. Cho con biết thất bại là mẹ thành công
Để vun đắp tinh thần sisu cho trẻ, hãy dạy trẻ không bỏ cuộc khi vừa gặp phải khó khăn thử thách.
3. Giúp con tận hưởng sự thiếu tiện nghi
Khoác cho trẻ chiếc áo ấm rồi dẫn trẻ đi dạo dưới cơn mưa, hoặc cho trẻ đi bơi dù thời tiết se lạnh. Đương đầu với sự thiếu tiện nghi sẽ giúp nâng cao lòng tự trọng của trẻ.
4. Khuyến khích thái độ lao động nghiêm túc
Hãy yêu cầu trẻ hoàn thành những việc nhà đơn giản như tự dọn phòng, dẫn chó đi dạo, thường xuyên rửa chén bát hoặc đi bỏ rác. Việc chịu trách nhiệm cho một điều gì đó, dù lớn hay nhỏ, cũng giúp nuôi dưỡng tính tự lập ở trẻ, đồng thời dạy trẻ biết giá trị của sức lao động và đồng tiền. Nếu được dạy điều này từ nhỏ, trẻ sẽ nhanh chóng học được tình yêu lao động một cách tự nhiên.
HOẠT ĐỘNG NGOÀI TRỜI
- hãy để thiên nhiên góp phần nuôi dạy trẻ
“Sao lại ở ì trong nhà? Con hãy ra ngoài chơi đi nào!”. Đây là những lời quen thuộc đối với những ai lớn lên ở nơi có sân vườn. Hẳn là cha mẹ ở bất kỳ nơi nào cũng sẽ nói ra những lời tương tự. Thế nhưng ở Phần Lan thì còn có một ý đi kèm: “Bất kể thời tiết ra sao”.
Chơi ném tuyết, đắp người tuyết hay trượt tuyết hàng giờ liền, với đôi má ửng hồng và nước mũi chảy liên tục; tắm mưa và nhảy tõm vào vũng bùn; nhảy dây; làm trò trên chiếc xe đạp; chơi một trận bóng đá đầy hào hứng với bạn bè hoặc cùng xây một cái nhà trên cây. Đây chỉ là một trong số nhiều hoạt động trẻ thích tham gia mà không khiến cha mẹ tốn kém. Một điểm chung khác của các hoạt động này là chúng mang lại cảm giác tự do vui vẻ. Vì vậy nếu thời tiết không quá đẹp và cơ thể bị lạnh một chút thì cũng có sao đâu – bọn trẻ đang vui mà!
Hồi còn nhỏ, khi than vãn rằng mình không muốn ra ngoài chơi vì thời tiết quá lạnh, tôi thường nhận được lời động viên “Hãy liên tục cử động, như vậy thì con sẽ thấy ấm lên đấy!”. Đó là một lời khuyên hữu ích, mặc dù khi ấy tôi không hề nghĩ vậy.
LỢI ÍCH TỪ THIÊN NHIÊN
Nếu bạn cho trẻ mặc trang phục phù hợp với thời tiết thì trẻ sẽ yêu thích các mùa trong năm mà không gặp khó khăn gì. Ngoài ra, trẻ em đều bền bỉ và kiên cường hơn chúng ta nghĩ. Nếu hoạt động nào đó khiến trẻ cảm thấy vui vẻ thì sự không thoải mái chỉ là chuyện nhỏ.
Quan trọng hơn, việc để cho thiên nhiên dẫn dắt trẻ sẽ giúp trẻ tự khám phá nhiều điều. Đúng vậy, trẻ có thể sẽ té ngã; đúng vậy, chúng sẽ bị sẹo và một số vết bầm tím. Nhưng được tự do trong một chừng mực thích hợp là điều cần thiết để trẻ tìm ra tinh thần sisu bên trong mình. Bạn không thể tìm sisu thay cho trẻ, và bạn cũng không nên ngăn cản trẻ khám phá sisu của bản thân.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC TỐT NHẤT THẾ GIỚI?
- giáo dục theo nhu cầu của trẻ
Trong nhiều thập kỷ qua, khi Phần Lan xuất hiện trên các bản tin quốc tế thì thường là chúng tôi được nhắc đến bởi hệ thống giáo dục thành công. Thế giới bắt đầu chú ý đến điều này vào đầu những năm 2000, khi khảo sát của Tổ chức Đánh giá Sinh viên Quốc tế (PISA) cho thấy Phần Lan đứng đầu ở nhiều hạng mục.
Có lẽ điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì giáo dục rất được coi trọng ở Phần Lan. Điều thu hút sự chú ý của giới truyền thông là những quốc gia khác đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng đều nhấn mạnh nhu cầu dạy kèm ngoài giờ học và giao cho học sinh rất nhiều bài tập về nhà, trong khi Phần Lan thì không như vậy.
HIỆU QUẢ CỦA SỰ NHẸ NHÀNG
Nền tảng của hệ thống giáo dục Phần Lan là chúng tôi hiểu trẻ em cần thời gian để phát triển và trưởng thành. Trẻ em Phần Lan bắt đầu đi học tương đối muộn vào lúc bảy tuổi. Trẻ cũng được giao bài tập về nhà, nhưng ở tiểu học thì lượng bài tập về nhà chỉ khiến trẻ mất tối đa một giờ đồng hồ để hoàn thành. Một ngày đi học thường bắt đầu lúc 9 giờ sáng và có nhiều khoảng giải lao giữa giờ. Những lớp nhỏ hơn sẽ kết thúc giờ học không trễ hơn 1 hoặc 2 giờ chiều.
Phương pháp giáo dục nhẹ nhàng này có vẻ hiệu quả. Trẻ em Phần Lan nhanh chóng bắt kịp với bạn bè đồng trang lứa ở những quốc gia khác, mặc dù chúng xuất phát sau.
ĐIỀU GÌ TẠO NÊN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC HIỆU QUẢ?
- những bí quyết của nền giáo dục Phần Lan
Bên cạnh truyền thống coi trọng giáo dục, hệ thống trường học ở Phần Lan hoạt động dựa trên một nền tảng các giá trị sâu sắc.
1. Tất cả các trường học đều có chất lượng đồng đều nhau
Các bậc phụ huynh không cần phải tranh giành để đưa con vào học ở ngôi trường “tốt nhất”, vì hệ thống trường công đều mang đến chất lượng giáo dục như nhau trên khắp cả nước. Đa số các em đều chỉ đơn giản là ghi danh vào ngôi trường gần nhà nhất, đồng nghĩa với việc chúng không phải mất nhiều thời gian di chuyển đến trường. Ở Phần Lan cũng có một vài trường tư. Những ngôi trường tư này có thể theo đuổi một hệ tư tưởng khác, nhưng chất lượng giảng dạy cũng tương đương với trường công, và do đó, “để con được dạy dỗ tốt hơn” không phải là lý do để cha mẹ đăng ký cho con theo học trường tư.
2. Nghề giáo được xem trọng
Ở Phần Lan, bạn phải có bằng thạc sĩ về chuyên môn mới được làm công việc giảng dạy. Giáo viên tiểu học cũng không ngoại lệ. Mức lương của giáo viên cũng tương xứng với yêu cầu này, và nghề giáo rất được xã hội tôn trọng.
3. Mọi người đều được hưởng một nền giáo dục tốt
Những học sinh có học lực giỏi và kém hơn đều học cùng với nhau. Mặc dù phương pháp này đôi khi bị chỉ trích vì không chú trọng vào những học sinh có năng khiếu đặc biệt, nhưng nó giúp các em học sinh có học lực kém trở nên tiến bộ hơn. Giáo viên có thể đưa ra những nhiệm vụ nhiều thử thách hơn cho các em giỏi hơn, nhưng điều cốt lõi vẫn là tuân thủ nguyên tắc “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
4. Sự hỗ trợ cá nhân
Khi gặp khó khăn trong học tập, trẻ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ rất sớm. Điều này có thể được thực hiện dưới hình thức một kèm một, tức là học sinh sẽ được giáo viên hoặc trợ giảng dạy kèm. Những ngôi trường có quy mô vừa hoặc lớn đều có ít nhất một giáo viên được đào tạo chuyên môn để giảng dạy cho những em học sinh cần sự hỗ trợ đặc biệt.
5. Giáo viên được tín nhiệm
Thay vì thường xuyên bị kiểm tra và đánh giá dựa trên kết quả giảng dạy, giáo viên ở Phần Lan có được một sự tự do nhất định trong lớp học. Mặc dù phải tuân thủ giáo trình, nhưng giáo viên được khuyến khích sáng tạo ra những phương pháp giảng dạy của riêng mình.
TƯƠNG LAI CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẦN LAN
Chương trình cải cách giáo dục mới nhất ở Phần Lan, mà hiện nay đang được thực hiện, thật sự là một bước đột phá tuy có hơi gây tranh cãi. Đây là sự cải cách hướng đến việc xóa bỏ ranh giới giữa các môn học nhằm tạo ra một sự kết hợp và điều phối tốt hơn, đồng thời phụ thuộc nhiều vào công cụ kỹ thuật số trong giảng dạy. Một số người cho rằng điều này sẽ giúp thế hệ sau được trang bị tốt hơn trong thị trường lao động luôn biến động, trong khi những người khác thì e ngại rằng giá trị của học thuật sẽ bị tổn hại. Chúng ta vẫn còn phải chờ để xem những phương pháp này có giúp xây dựng một hệ thống giáo dục có chất lượng cao hơn nữa hay không.
PHỎNG VẤN GIÁO VIÊN ANNIKA LUTHER
– làm thế nào để truyền tinh thần sisu cho thế hệ tiếp theo?
Annika Luther là một giáo viên dạy môn sinh học, đồng thời là tác giả và mẹ của tám đứa con đã trưởng thành. Bà dạy ở trường trung học phổ thông (nhóm học sinh từ 16–19 tuổi), hiện đang sống với chồng ở trung tâm thành phố Helsinki.
“Trên tất cả, trẻ em học tinh thần sisu bằng cách noi theo người lớn. Trường học đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Dù có nhận thức được điều này hay không thì với vai trò giáo viên, chúng tôi là tấm gương thể hiện một số thái độ sống nhất định mà trẻ sẽ noi theo. Tôi luôn muốn tỏ ra lạc quan dẫu bản thân mình cũng có một số mối lo ngại. Tinh thần lạc quan rất có sức truyền cảm hứng. Nếu bạn tin rằng mình không thể làm được gì thì bạn sẽ chẳng buồn cố gắng. Những người trẻ tuổi có thể sẽ vỡ mộng và chán chường trước mọi thứ đang diễn ra trên thế giới. Điều quan trọng là chúng ta dạy chúng không bỏ cuộc mà phải nỗ lực tiến lên, để đấu tranh cho những điều mà ta quan tâm.
Là giáo viên, tôi muốn truyền dạy tinh thần nỗ lực vì lợi ích chung. Chúng ta không sống chỉ vì chính mình, mà còn quan tâm đến những người xung quanh. Cuộc sống này là do chúng ta chung tay tạo dựng, và chúng ta nên nhận ra điều này càng sớm càng tốt.
Một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể mang đến cho các em là sự chia sẻ từ góc nhìn của người lớn. Khi trải nghiệm đủ nhiều thì bạn sẽ biết mọi sự luôn có lên có xuống. Tình hình hôm nay có thể rất ảm đạm, nhưng rồi nó có thể – và thường là sẽ – thay đổi rất nhanh. Dạy tinh thần sisu bằng cách làm gương cũng là cách để truyền đạt hiểu biết này. Không có gì phải hoảng loạn, hãy cứ vững vàng tiến lên phía trước!”
TINH THẦN ĐOÀN KẾT
– sisu giúp trẻ mạnh mẽ hơn như thế nào?
Đôi khi chúng ta cần lòng can đảm để bảo vệ những người không có khả năng tự vệ. Nuôi dưỡng tinh thần sisu nơi con trẻ nghĩa là dạy trẻ cách tự tư duy chứ không bị lôi kéo theo đám đông.
Sisu là một loại năng lực cá nhân, nhưng chúng tôi sử dụng tinh thần này vì lợi ích tập thể. Là một đặc điểm mang tính cá nhân, sisu giống như một điểm tựa giúp chúng ta vững vàng trong những lúc phải đi một mình.
DÁM KHÁC BIỆT
Mỗi bậc phụ huynh đều biết tầm quan trọng của việc dạy trẻ cách tư duy độc lập. Ở lứa tuổi của các em, áp lực phải giống bạn bè đồng trang lứa là rất lớn. Thay vì phải nổi bật, các em muốn hòa nhập. Trở nên khác biệt là điều nguy hiểm chứ không phải một thứ đáng ao ước. Việc khuyến khích một đứa trẻ có tư duy độc lập vào giai đoạn chúng xem bạn bè quan trọng hơn tất cả chính là một thử thách lớn.
Tuy nhiên, hãy nhớ là trẻ em có lòng can đảm bẩm sinh, thứ sẽ được kích hoạt khi nhận được một chút động viên. Trở thành anh hùng là điều quan trọng, và việc được người lớn làm gương cũng vậy. Trẻ em có cảm nhận bẩm sinh về sự công bằng. Dạy trẻ cách quan tâm người khác đồng nghĩa với việc tin trẻ có khả năng tạo ra sự khác biệt và sẵn sàng đối phó với thử thách.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
KiVa là chương trình chống nạn bắt nạt nơi học đường do Phần Lan phát triển và được 90% trường học ở nơi này áp dụng. Vì đạt được nhiều thành công lớn nên chương trình này cũng đang được các quốc gia khác áp dụng. KiVa được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ nghiên cứu về cơ chế của nạn bắt nạt học đường, và nó giải quyết vấn đề một cách toàn diện.
CẢM NHẬN VỀ SỰ CÔNG BẰNG
– vun đắp tính chính trực
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Từ những năm 1930, mỗi bà mẹ mới sinh con ở Phần Lan đều nhận được một “chiếc hộp em bé” miễn phí từ chính phủ. Trong đó có mọi thứ mà con của bạn cần khi chào đời: tã, quần áo, giày dép, sách, đồ chơi và túi ngủ - tất cả khoảng 50 món được đặt trong một chiếc hộp. Ý tưởng hộp em bé đang được phổ biến trên toàn thế giới, khi mà Scotland, một phần Nhật Bản và một số tiểu bang ở Mỹ bắt đầu áp dụng.
Quyền lợi của trẻ em rất được tôn trọng ở Phần Lan, nơi mà mọi hình thức xử phạt trên cơ thể đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Giống với bất kỳ nơi nào trong các nước Bắc Âu, không- đánh-con là một chuẩn mực được tuân thủ nghiêm ngặt. Không đánh con không chỉ là không dùng sức mạnh để đàn áp những người nhỏ và yếu hơn, mà đó còn là quan niệm bạo lực sẽ tạo ra bạo lực. Đó cũng là sự công nhận và bảo vệ tính chính trực nơi con trẻ – với lập luận rằng những người được đối xử bằng sự chính trực thì sẽ đối xử với người khác theo cách tương tự. Có tính chính trực chính là có tinh thần sisu.
CÙNG NHAU
Phần Lan tự hào về sự bình đẳng xã hội của mình. Mức thuế cao giúp đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi người trong trường hợp bị thất nghiệp hoặc bệnh tật. Giáo dục được miễn phí ở tất cả các cấp. Đó không phải là một hệ thống hoàn hảo, nhưng nó được vận hành bởi thiện chí và niềm tin chúng ta sẽ thành công hoặc thất bại cùng nhau.
Ngay cả trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân này, chúng tôi vẫn cùng nhau tạo nên một xã hội mà mình muốn sống. Tinh thần sisu nghĩa là đối xử với mọi người, người lớn cũng như trẻ em, một cách công bằng và bình đẳng – một giá trị quan trọng cần được truyền đạt cho thế hệ kế tiếp.
TẬN HƯỞNG SỰ THIẾU TIỆN NGHI
– hãy để đôi tay lấm bẩn
Người Phần Lan thầm yêu thích sự thiếu tiện nghi. Khí hậu là thử thách chính của chúng tôi, và chúng tôi vẫn giành chiến thắng trước nó, lặng lẽ và kiên trì, bằng cách không để nó ngăn chúng tôi làm những gì mình muốn – một thái độ sống mà chúng tôi truyền lại cho các con của mình.
Hào hứng khi tham gia các hoạt động chính là thái độ tốt nhất để vượt qua thời tiết khó chịu. Các hoạt động của Tổ chức Thanh niên Toàn cầu 4-H – ban đầu tập trung vào việc truyền đạt kỹ năng nông nghiệp cho thế hệ trẻ – rất được chào đón ở Phần Lan. Ngoài ra chúng tôi còn có các chương trình hướng đạo sinh dạy về kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên và đương đầu với sự thiếu tiện nghi. Trường học cũng có những khóa học ngoài trời, ví dụ như tổ chức các chuyến đi bộ vào rừng để tìm hiểu về thực vật. Nếu bạn muốn các con của mình có sisukas (tràn đầy tinh thần sisu), hãy giúp chúng tham gia những hoạt động sau:
1. Đăng ký cho con tham gia một câu lạc bộ về tự nhiên
Trẻ có thể sẽ tìm được những sở thích mới và những người bạn cùng chí hướng để đồng hành với mình.
2. Tổ chức chuyến cắm trại cuối tuần với cả gia đình
Trẻ sẽ học hỏi được nhiều hơn khi có bạn làm tấm gương cho trẻ noi theo, và những thói quen được hình thành từ thời thơ ấu thường đi theo trẻ suốt cuộc đời.
3. Cho phép con được tự mình khám phá
Hãy để trẻ thực hiện những chuyến khám phá theo kế hoạch trong một môi trường an toàn. Trẻ sẽ rất vui và lòng can đảm sẽ tăng lên.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Ở Phần Lan, bạn có thể học để lấy bằng hướng nghiệp ngành hướng dẫn viên thiên nhiên hoang dã. Khóa học bao gồm mọi kỹ năng từ khả năng lãnh đạo và kỹ năng sinh tồn, cho đến kỹ thuật chèo thuyền kayak, leo núi và trượt tuyết.
NHỮNG ĐỨA TRẺ CỦA TINH THẦN SISU
– nhiều không khí trong lành và rất ít sự quấy nhiễu
Ở Bắc Âu, chúng tôi có một số thói quen lạ. Ví dụ, chúng tôi cho con ngủ ngoài trời trong chiếc xe đẩy, ngay cả khi nhiệt độ đang âm. Chúng tôi thường để cửa sổ khép hờ suốt mùa đông. Chúng tôi muốn căn nhà mình được tuuletus (thông gió) vài lần mỗi ngày. Và chúng tôi cho trẻ con chơi đùa ngoài trời gần như bất kể thời tiết thế nào. Tất cả những điều này bắt nguồn từ một thái độ tích cực đối với những điều giúp nuôi dưỡng tinh thần kiên cường của sisu và đặc điểm “ít quấy nhiễu, nhiều hiểu biết”.
Người nước ngoài thường bị sốc về chuyện ngủ trong chiếc xe đẩy. Tuy nhiên nếu được bảo hộ đầy đủ thì cái lạnh rất tốt cho cơ thể. Không khí trong lành giúp bạn ngủ ngon và tăng cường hệ miễn dịch.
THỪA HƯỞNG SỰ GAN DẠ TỪ THẾ HỆ TRƯỚC
Người Phần Lan không phản ứng thái quá với vi khuẩn, cũng như không phun thuốc sát trùng lên mọi nơi có thể tưởng tượng ra. Không lý do gì để gánh những rủi ro không cần thiết, nhưng cũng không cần phóng đại các nguy cơ tiềm ẩn. Sự dày dạn của các thế hệ trước vẫn ăn sâu trong chúng tôi ở một mức độ nào đó. “Hãy để bọn trẻ nghịch bùn và ăn vào một ít cát hay tuyết; một chút thì sẽ không sao đâu!” (mặc dù trong mùa đông bọn trẻ vẫn hay nghe người lớn cảnh báo “đừng ăn tuyết màu vàng”).
Tôi lớn lên ở bờ biển phía nam của Phần Lan, nơi mà mùa đông ít khắc nghiệt hơn miền bắc. Tuy nhiên, có một mùa đông trong những năm 1980 đặc biệt lạnh, khi đó nhiệt độ giảm xuống -33°C suốt nhiều tuần.
Như thường lệ, tôi vẫn đi bộ đến trường. Tôi mặc ba lớp quần áo, đeo hai đôi găng tay, đội hai chiếc mũ len và quấn khăn che mặt. Tôi cảm thấy khá hào hứng. Ở trường, điều khác thường duy nhất là chúng tôi không được phép ra ngoài để nghỉ giải lao. Đó là điều khác thường vì thường thì chúng tôi vẫn có 15 phút để dạo chơi ngoài trời khi nhiệt độ ở mức bình thường hơn một chút, như –20°C chẳng hạn.
Ý của tôi là gì? Đó là khi bạn đã bất chấp điều kiện tự nhiên thì mọi thứ không tệ như bạn nghĩ. Và với một chút khích lệ từ bạn, con của bạn cũng sẽ cảm thấy tương tự.