Làm thế nào để thể hiện sự công bằng và chính trực trong giao tiếp? Làm sao để kiên quyết trong thương thuyết? Làm cách nào để tạo nên những cuộc trò chuyện mang tính động viên hơn? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về phong cách giao tiếp của tinh thần sisu.
NÓI CHUYỆN BẰNG TINH THẦN SISU
- phần giới thiệu
Người Phần Lan nổi tiếng với việc tìm thấy sức mạnh trong im lặng hơn là trong lời nói. Vậy thì liệu tinh thần sisu có thể là một thái độ hữu ích trong giao tiếp không? Và nếu có thể thì sẽ ra sao?
Hãy nói khi có điều đáng nói; nếu không, hãy im lặng. Đó là điểm then chốt trong thái độ giao tiếp của người Phần Lan. Chúng tôi thích lối giao tiếp trực tiếp và khiêm tốn, bỏ đi những điều chúng tôi cho là không cần thiết, chẳng hạn như những lời hoa mỹ rào trước đón sau, khoe khoang về bản thân hoặc về thành công của mình, hoặc những cuộc đấu khẩu tranh hơn thua, nhất là trong công việc.
TIẾT KIỆM LỜI NÓI
Trong các mối quan hệ cá nhân, sự im lặng đôi khi mang đến một vài rắc rối nhỏ. Mykkäkoulu (có nghĩa đen là “ngôi trường của những người câm”) là từ miêu tả một đôi vợ chồng đang giận hờn và tránh nói chuyện với nhau trong suốt một thời gian dài sau cuộc tranh cãi. Hiện tượng này tất nhiên không chỉ xuất hiện ở Phần Lan, nhưng theo chúng tôi thì nó có vẻ phổ biến ở Phần Lan hơn ở những nơi khác một chút.
Tuy nhiên, nhìn chung thì người Phần Lan thích sự giao tiếp công bằng, thẳng thắn và trung thực – chỉ là chúng tôi không thích nói nhiều.
“Tổng kết về đạo đức làm việc của người Phần Lan: có công mài sắt có ngày nên kim; sự trung thành là điều đáng tưởng thưởng; điều bạn thấy là điều bạn sẽ nhận được.”
TINH THẦN SISU TRONG KINH DOANH
- cách thương thuyết của người Phần Lan
Phần Lan được biết đến với văn hóa giao tiếp bộc trực và không chuộng tán gẫu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể học được nhiều điều từ phong cách kinh doanh của người Phần Lan.
Đầu những năm 2000, Jorma Ollila, người mà sau này trở thành Giám đốc điều hành của Nokia, nổi danh với “cách quản lý perkele” của mình (perkele có nghĩa đen là “ác quỷ”). Khái niệm này nói đến kiểu lãnh đạo độc tài của Phần Lan, một phong cách trái ngược với hình ảnh của các hàng xóm Bắc Âu của chúng tôi, những người được xem là vô cùng dễ chịu. Trên thực tế, khái niệm này xuất phát từ Thụy Điển chứ không phải Phần Lan.
Tuy nhiên, đa số các nhà lãnh đạo và doanh nhân Phần Lan đều tránh kiểu quản lý perkele này. Gác tính bộc trực có phần thô lỗ sang một bên, phong cách lãnh đạo của người Phần Lan mang đậm dấu ấn của tinh thần sisu: sự trung thực, một chút khiêm tốn và thái độ “tự mình làm gương”. Tính kiên trì, chính trực và sự bền bỉ là những yếu tố trong tinh thần sisu đã ăn sâu vào phong cách làm việc của người Phần Lan.
Nếu tinh thần sisu có thể mang đến rất nhiều điều hữu ích, thì làm việc với người Phần Lan cũng có nhiều điều tích cực. Tôi từng trò chuyện với một doanh nhân Thụy Điển có kinh nghiệm làm việc với nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới, và ông bình luận: “Trong kinh doanh, mỗi nền văn hóa đều phải phát huy thế mạnh của mình. Từ lâu tôi đã khám phá ra rằng khi lâm vào tình huống ngặt nghèo, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của tinh thần Phần Lan. Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ dân tộc nào có thể giải quyết khủng hoảng tốt như họ”.
NHỮNG GÌ BẠN THẤY LÀ NHỮNG GÌ BẠN NHẬN ĐƯỢC
Người Phần Lan coi trọng việc thảo luận và muốn nó được diễn ra càng hiệu quả càng tốt. Đối với người Phần Lan, tinh thần dân chủ là cần thiết, nhưng cũng không cần phải có sự đồng thuận 100%. Do đó, để hoàn thành công việc, chúng tôi cần những nhà lãnh đạo quyết đoán có thể tin cậy để họ đưa ra quyết định cuối cùng.
GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN
- từ nhà máy đến giải Nobel Hòa bình
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari (nhiệm kỳ 1994–2000) đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2008 “vì những nỗ lực to lớn trong việc giải quyết mâu thuẫn quốc tế tại nhiều châu lục trong hơn ba thập kỷ” (theo Ủy ban Giải Nobel Na Uy). Trong sự nghiệp ngoại giao và đàm phán hòa bình của mình, Ahtisaari từng được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc nhiệm của Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề Kosovo và đàm phán để đem lại hòa bình cho Namibia, Indonesia và Iraq. Năm 2000, ông thành lập tổ chức Sáng kiến Quản lý Khủng hoảng để đào tạo các chuyên gia đàm phán hòa bình.
Tuy ngợi ca sức mạnh cá nhân nhưng Phần Lan là một dân tộc của sức mạnh đoàn kết. Chúng tôi có hơn 70.000 tổ chức tình nguyện với khoảng 5.000 thành viên – không tệ đối với một quốc gia có dân số 5,5 triệu người.
Khái niệm đoàn kết vì mục tiêu chung cũng được áp dụng nơi công sở. Đó là đấu trường nơi sự căng thẳng đôi khi lên rất cao – nhưng suy cho cùng, các giá trị cốt lõi như công bằng, bình đẳng và lối suy nghĩ không phân biệt tầng lớp sẽ phát huy tác dụng ở chính nơi này. Người Phần Lan rất nghiêm túc trong công việc và trông đợi điều này được phản ánh qua điều kiện làm việc cũng như mức lương.
Công đoàn rất có vị thế ở Phần Lan, với thành viên chiếm gần 75% lực lượng lao động. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xếp hạng Công đoàn Phần Lan nằm trong số những tổ chức hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới. Thỏa thuận tập thể được áp dụng phổ biến và phương pháp giải quyết tranh chấp thường bắt đầu bằng các cuộc đàm phán tại nơi làm việc.
SISU TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ
Xét trên phạm vi toàn cầu, sự thẳng thắn và tinh thần sisu của Phần Lan đã được vận dụng trong vấn đề hòa giải. Phần Lan đã tích cực tham gia hoạt động đàm phán hòa bình trong các khu vực xung đột như Bắc Ireland, bán đảo Balkan, vùng lãnh thổ Aceh của Indonesia, vùng Đông Bắc Phi và vùng Caucasus ở biên giới Á-Âu. Phong cách nói chuyện thẳng thẳn của Phần Lan đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết xung đột thông qua đối thoại, cả trong đối nội và đối ngoại.
NGUYÊN TẮC SISU TRONG GIAO TIẾP
- những lời khuyên để có thể trò chuyện thẳng thắn
ƯU ĐIỂM CỦA TÍNH THẲNG THẮN
Nhiều nền văn hóa hoạt động dựa trên những quy tắc xã hội và văn hóa phức tạp. Khi đến thăm một quốc gia có văn hóa vô cùng khác biệt với quê nhà, bạn thường phạm phải một số lỗi ứng xử ngớ ngẩn dù đã tìm hiểu về những khác biệt văn hóa. Điều này ít xảy ra ở Phần Lan, nhờ văn hóa thẳng thắn của chúng tôi.
Lịch thiệp là phẩm chất then chốt của người Phần Lan, nhưng sự lịch thiệp cũng có thể khiến ta không thể chia sẻ những vấn đề quan trọng tại sở làm cũng như ở nhà. Quá trình giao tiếp chắc chắn sẽ trở nên kém hiệu quả khi người ta đè nén những điều cần nói. Những chỉ dẫn sau đây có thể giúp bạn bắt đầu giao tiếp thẳng thắn.
1. Đừng nói những lời đường mật
Sự giao tiếp không thẳng thắn thường khiến sự việc trở nên rối rắm và dễ gây hiểu lầm. Trình bày sự việc như nó vốn có không có nghĩa là không khéo léo, và điều đó chắc chắn sẽ gây ra sự khó chịu tạm thời. Tuy nhiên, đây là quan điểm của người Phần Lan: chỉ khi nói đúng sự thật thì chúng ta mới có thể bắt đầu tạo ra những thay đổi tốt đẹp hơn.
2. Hãy biết lắng nghe
Cho đối phương thời gian và không gian để suy nghĩ là dấu hiệu của sự tôn trọng lẫn nhau. Đừng ngắt lời khi đối phương đang nói – điều này rất phản tác dụng và chỉ khiến người ta có tâm lý tự vệ hơn mà thôi.
3. Đừng vin vào cấp bậc
Bản thân hệ thống phân cấp bậc là thứ vô nghĩa. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn có cấp bậc cao nhưng không đưa ra được những ý tưởng xứng tầm. Hãy gây ấn tượng bằng năng lực và thể hiện mình bình đẳng với những người khác – điều này sẽ giúp mọi người có thiện chí với bạn và mở ra những kênh giao tiếp hoàn toàn mới.
4. Cẩn trọng với lời nói và trân trọng sự im lặng
Những cuộc đối thoại từ tốn thường ít gây ra hiểu lầm hơn. Ngoài ra, bạn cũng không phải lo lắng về việc liệu mình có lỡ nói những điều không thích hợp hay không.
5. Hãy luôn chính trực
Chúng ta không thể xem thường tầm quan trọng của tính chính trực trong đời sống của người Phần Lan, cả trong công việc và đời tư. Cái bắt tay và những lời bạn nói ra thật sự có ý nghĩa của nó. Nếu kém chân thành, bạn có thể khó được tha thứ.
6. Hãy trung thực
Bạn không chỉ được khuyến khích nên liệt kê những mối bận tâm và nghi vấn của mình ngay từ lúc mới bắt đầu đàm phán, mà trên thực tế, chúng tôi kỳ vọng bạn sẽ làm thế. Điều này tạo nền tảng cho quá trình hợp tác được xây dựng trên sự thấu hiểu lẫn nhau.
7. Đừng do dự
Khi dẹp bỏ những trò tiểu xảo xã giao và lòng tự tôn thái quá, việc ra quyết định thường sẽ trở nên nhanh gọn và đúng trọng tâm.
8. Tránh “kịch tính hóa”
Khi người Phần Lan đương đầu với cơn khủng hoảng, bạn sẽ không thấy họ thể hiện cảm xúc nhiều. Người Phần Lan thường rất nỗ lực trong những thời điểm sisu đó, khi mà họ cần vận dụng sức mạnh tinh thần của mình. Cách nhanh nhất để cô lập một người Phần Lan trong môi trường công việc là xử lý công việc theo cảm tính.
SỰ TRUNG THỰC ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO
Một lời khen xuất phát từ người Phần Lan chính là một lời khen chân thành. Chúng tôi không muốn lời nói của mình bị giảm giá trị, đặc biệt là những lời quan trọng. Đó cũng là lý do những câu như minä rakastan sinua (“Anh yêu em”) là vô cùng đáng giá và sẽ không bị nói ra một cách hời hợt.
TINH THẦN SISU VÀ SỰ BÌNH ĐẲNG
- về mặt lịch sử
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Mọi vị trí chính trị cao nhất ở Phần Lan đều từng được phụ nữ nắm giữ: Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ (hai lần), Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Để thật sự hiểu các quốc gia Bắc Âu, bạn cần hiểu tầm quan trọng của sự bình đẳng.
Về mặt lịch sử, tất cả các quốc gia Bắc Âu đều phụ thuộc vào nông nghiệp. Để các gia đình có thể sinh sống tốt trong đời sống nông nghiệp nhiều vất vả này, người phụ nữ có khả năng lao động mạnh mẽ là một hiện tượng phổ biến ở Bắc Âu trước đây.
NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ LÃNH ĐẠO
Năm 1906, Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới mở rộng quyền bỏ phiếu và ủng hộ bầu cử cho tất cả phụ nữ. Ngày nay, Phần Lan là quốc gia nơi phụ nữ thường làm việc toàn thời gian, đồng thời là nơi phụ nữ có khả năng tham gia trọn vẹn vào đời sống chính trị và kinh tế nhiều nhất thế giới. Sự bình đẳng được xem là bí quyết đưa Phần Lan thành một quốc gia thành công và được đánh giá là yếu tố cần thiết để có sự giao tiếp hiệu quả và thẳng thắn trong các mối quan hệ và trong gia đình.
HƯỚNG ĐẾN MỐI QUAN HỆ BÌNH ĐẲNG
- chia sẻ gánh nặng
Với thời gian nghỉ thai sản rộng rãi và cho phép người cha cũng được nghỉ thai sản, xã hội Phần Lan muốn khuyến khích sự bình đẳng trong gia đình. Người Phần Lan rất xem trọng sự đánh giá công bằng và tinh thần sisu ở nam giới lẫn nữ giới. Vì cả người cha lẫn người mẹ đều đi làm, nên người cha phải tham gia vào quá trình chăm con, và điều này được phản ánh trong mọi việc từ thay tã đến việc đưa đón con đi học.
Xem xét lại các hoạt động trong gia đình cũng rất quan trọng vì một lý do khác: nó làm giảm căng thẳng và giúp mở ra các kênh giao tiếp khác.
Để có một mối quan hệ bình đẳng hơn, hãy xem xét các phương pháp sau:
1. Thảo luận về việc nhà
Những công việc nội trợ nào bạn yêu thích nhất/ghét nhất? Hãy thỏa thuận xem ai làm việc gì dựa vào bảng xếp hạng của mỗi người.
2. Nói ra những kỳ vọng của mình
Tùy vào hoàn cảnh gia đình mỗi người, bạn có thể có những kỳ vọng thầm kín về người bạn đời của mình. Hãy chia sẻ điều đó với nhau để có thể hiểu hơn về nhau.
3. Hiểu bản thân
Bạn có đòi hỏi người khác phải đạt được những chuẩn mực mà bạn không tự đặt ra cho bản thân không? Bạn có xem trọng một số kỹ năng hay sự việc nào đó hơn những thứ khác không? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ và sự đóng góp của bạn vào đời sống gia đình?
4. Bày tỏ lòng biết ơn
Gánh nặng của đời sống thường nhật có thể khiến bạn vô cùng mệt mỏi, bất kể mối quan hệ của bạn có bình đẳng đến mức nào đi nữa. Hãy động viên người bạn đời của bạn bằng cách nhìn nhận tất cả những điều nhỏ bé họ đã cố gắng thực hiện, và bạn sẽ thấy sự biết ơn sẽ được đền đáp lại như thế nào.
MỘT CUỘC HÔN NHÂN PHẦN LAN ĐIỂN HÌNH SẼ NHƯ THẾ NÀO?
- bí quyết giữ gìn mối quan hệ của đôi vợ chồng Riitta và Juha
Để tìm hiểu phong cách giao tiếp theo tinh thần sisu có ý nghĩa như thế nào đối với một cặp đôi Phần Lan, tôi đã nói chuyện với Riitta Väkeväinen và Juha Lappalainen. Thật tình cờ, họ đều là những chuyên gia giao tiếp vì xuất thân từ ngành báo chí. Riitta và Juha đã kết hôn 26 năm và có một cậu con trai 14 tuổi tên là Ilari.
Riitta: “Tôn trọng lẫn nhau chính là điểm mấu chốt đối với bất kỳ mối quan hệ hạnh phúc nào. Đó là nền tảng cho sự giao tiếp hiệu quả. Tình yêu nghĩa là hãy tình nguyện đầu tiên, chứ không phải ngồi tính toán xem ai là người đi bỏ rác nhiều lần hơn trong tuần. Chúng tôi không nghĩ đến chuyện ‘em đã làm việc này thì anh phải làm việc kia’. Chúng tôi là một đội – luôn nghĩ cho nhau.”
Juha: “Giao tiếp thẳng thắn không phải là nói ra mọi điều bạn nghĩ trong một phút nóng giận. Bạn phải chịu trách nhiệm về những gì bạn nói ra. Tôi không ủng hộ ý tưởng cho rằng thẳng thắn có nghĩa là bạn có thể nói ra những lời ngu xuẩn gây tổn thương cho nhau. Điểm khởi đầu phải là tôn trọng lẫn nhau, ngay cả trong lúc đang tranh cãi quyết liệt.”
Riitta: “Chúng tôi đã tìm ra cách chia sẻ công việc phù hợp. Chúng tôi không nghĩ theo kiểu ‘đó là việc của phụ nữ’ hay ‘đó là việc của đàn ông’, mà ai phù hợp với công việc đó hơn thì làm thôi.”
Juha: “Hồi tôi còn ở nhà, cha tôi thường vào bếp, và ông cũng biết nấu ăn cũng như dọn dẹp nhà cửa hệt như mẹ tôi.
Thế nên sự bình đẳng là điều hoàn toàn tự nhiên đối với tôi. Cuộc sống trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi bạn buông bỏ những kỳ vọng có liên quan đến giới tính, kiểu như đàn ông phải làm thế này và đàn bà phải thế kia.”
Riitta: “Đối với tôi, sống theo tinh thần sisu là lối sống không tù túng. Chúng tôi hỗ trợ nhau như những con người độc lập cần có cuộc sống riêng bên cạnh đời sống gia đình, đồng thời tôn trọng mục tiêu nghề nghiệp của nhau.”
Juha: “Đối với tôi, sisu nghĩa là có một sự linh hoạt trong cuộc sống. Điều đó nghĩa là đưa ra quyết định và theo đuổi đến cùng, nhưng không có nghĩa là theo đuổi bằng mọi giá khi nó không còn mang lại lợi ích nữa. Sisu là sự can đảm để thay đổi khi cần phải thay đổi. Và về cơ bản, tôi nghĩ đó là sự can đảm để yêu thương bản thân vì chính con người của mình hiện tại.”
Riitta: “Tinh thần sisu nghĩa là phải biết tùy cơ ứng biến trong đời. Có khả năng điều chỉnh linh hoạt chắc chắn là một phần của sisu. Sisu không chỉ đơn thuần là về sức mạnh.”
“Người mạnh mẽ có thể bị bẻ gãy như một cái cây, trong khi người có tinh thần sisu có thể bị uốn cong nhưng luôn có khả năng bật dậy.”
SISU TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ
- lời khuyên để có sự giao tiếp lành mạnh trong các mối quan hệ
Gia đình, nhà riêng, công việc, sở thích – giữa vòng xoáy của cuộc sống, một phần hay bị bỏ bê chính là mối quan hệ lãng mạn. Giao tiếp tốt là điều thiết yếu để giúp các mối quan hệ của bạn đơm hoa kết trái. Sau đây là một số lời khuyên giúp bạn đạt được điều đó.
1. Luôn thể hiện sự tôn trọng
Người bạn đời là một nhân vật vô cùng quan trọng trong cuộc sống của bạn, và bạn cần thể hiện điều này trong quá trình giao tiếp với họ. Những lời lẽ xúc phạm, chửi rủa và mạt sát sẽ không có chỗ trong bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào.
2. Không tính toán chi li
Hãy rộng lượng. Hãy sẵn lòng giúp đỡ. Việc tính toán chi li xem ai làm nhiều hơn chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng không tin tưởng lẫn nhau. Nếu cả hai đều bước vào mối quan hệ với mong muốn được cho đi và luôn trân trọng những gì được nhận, thì mọi thứ sẽ đâu vào đó.
3. Cho nhau không gian tự do
Hãy biết rằng bạn và người bạn đời là hai cá nhân cần có không gian riêng và sở thích riêng. Việc bạn cố gắng để kiểm soát hoặc thao túng người bạn đời sẽ chỉ khiến họ tránh xa bạn mà thôi; trong khi việc khuyến khích họ làm những điều họ yêu thích sẽ mang lại tác động tích cực cho mối quan hệ của bạn.
4. Phân chia công việc theo thế mạnh của mỗi người
Khi chia sẻ việc nhà, đừng dựa vào giới tính. Điều quan trọng là hãy tìm hiểu xem cách thức nào sẽ hiệu quả đối với gia đình của bạn, chứ không phải bắt chước cách của người khác. Còn nếu đảm nhiệm vai trò truyền thống của nam và nữ là những gì hai bạn làm tốt nhất, thì các bạn cũng chẳng cần phải thay đổi điều đó.
GIAO TIẾP VỚI SỰ TÔN TRỌNG
- giá trị của sự chính trực
Giao tiếp theo tinh thần sisu có thể có nghĩa là kiên quyết bảo vệ niềm tin của mình, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thiếu cân nhắc. Người Phần Lan rất xem trọng sự chính trực – bảo vệ sự chính trực của mình không có nghĩa là có quyền giẫm đạp lên người khác.
Sau đây là một số nguyên tắc đơn giản để có một cuộc trò chuyện trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Hãy là người lắng nghe chủ động
Cho dù cuộc trò chuyện có sôi nổi hay không, bạn hãy tập chủ động lắng nghe. Điều này nghĩa là toàn tâm toàn ý tập trung vào người nói. Hãy lắng nghe mà không ngắt lời, cũng như không tính toán xem mình sẽ nói gì tiếp theo, và hãy đưa ra phản hồi thích hợp. Đừng nghe điện thoại, nhắn tin hay chơi game trong lúc một trong hai người đang nói.
Hãy trung thực
Hãy luôn trung thực hết mức có thể. Sự thật có thể gây tổn thương, nhưng sự thật rất quan trọng đối với một mối quan hệ lành mạnh. Bạn có thể bất đồng ý kiến với đối phương, nhưng hãy giữ sự tôn trọng. Hãy xin lỗi khi bạn phạm sai lầm thay vì viện cớ biện hộ.
Có nhận thức về bản thân
Bạn cần hiểu được nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội đã định hình bạn như thế nào. Phần lớn hiểu lầm giữa con người xảy ra không phải do những gì được nói ra, mà bởi cách nó được nói ra. Đừng mặc định rằng đối phương sẽ hiểu ý bạn.
Đừng công kích
Hãy đưa ra những thông điệp nói đến “chúng ta” hoặc “tôi” thay vì “bạn”. Ví dụ, hãy nói “Anh cảm thấy dạo này chúng ta không trò chuyện nhiều với nhau” thay vì “Gần đây em có vẻ xa cách anh”.
Không thao túng
Đừng dùng chiêu trò hoặc thao túng tâm lý. Không có gì sai khi thể hiện cảm xúc, chỉ cần bạn hiểu cảm xúc có sức mạnh chi phối cuộc trò chuyện. Hãy tự hỏi: cuộc thảo luận này có công bằng cho cả hai hay không? Nó có thể hiện sự tôn trọng đối phương hay không?
ỨNG DỤNG TINH THẦN SISU
- tôi đã trở thành người nói chuyện thẳng thắn hơn bằng cách nào?
Chuẩn mực giao tiếp ngoài xã hội là một chuyện, chuẩn mực gia đình có thể là một chuyện hoàn toàn khác. Tôi lớn lên trong một gia đình yêu thương nhau, nhưng chúng tôi không hề giỏi trong việc đưa ra những góp ý mang tính xây dựng nhưng có thể khiến người nghe phiền lòng.
Những bất đồng xảy ra trong nhà hiếm khi được giải quyết triệt để. Dấu hiệu duy nhất cho thấy mọi sự đã được tha thứ là mọi người nói chuyện lại với nhau sau một buổi tối im lặng vì hờn giận. Không có lý do nào rõ ràng, nhưng mỗi gia đình sẽ có những quy tắc bất thành văn riêng của mình, và các thành viên trong đó sẽ thích nghi với chúng một cách tự nhiên.
Bên cạnh “chiến lược hờn giận” (vốn không bao giờ là một ý tưởng hay), tôi không có công cụ giải quyết xung đột nào trong vốn kỹ năng của mình. Tôi biết làm thế nào để giữ được phép lịch sự và xã giao khéo léo, nhưng không biết phải làm gì với sự tức giận bị đè nén bên trong. Tôi xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp chỉ đơn giản bằng cách hòa hợp với mọi người, hoặc chỉ dành thời gian cho những người cùng chọn phương án lẩn tránh giống mình.
Những mối quan hệ chân thật thì luôn có xung đột. Chúng ta có thể nhận ra mối quan hệ nào quan trọng đối với mình thông qua việc nó có thể khiến ta bận tâm đến mức nào. Dù sao thì, tại sao phải tranh cãi với người mà ta không quan tâm cơ chứ?
TÌM KIẾM TIẾNG NÓI CỦA MÌNH
Người yêu đầu tiên của tôi là người đã phải chịu đựng khi tôi không có khả năng giao tiếp thẳng thắn. Mối quan hệ đó đã vạch trần mọi khiếm khuyết của tôi trong giao tiếp. Nhưng vấn đề là tôi biết rút kinh nghiệm. Từng chút một, nỗ lực qua từng cuộc tranh luận, cuối cùng tôi đã từ từ biết cách truyền đạt suy nghĩ của mình.
Kể từ đó, tôi không còn sợ những cảm xúc tiêu cực nữa và cũng không phán xét bản thân vì có những cảm xúc đó. Tôi thành thạo hơn trong việc tranh luận công bằng: tôi trình bày và bảo vệ quan điểm của bản thân, đồng thời tôn trọng ý kiến của đối phương. Những kỹ năng này đã cải thiện các mối quan hệ của tôi, trong đời sống cá nhân lẫn trong công việc.
Kiên định nhưng vẫn hòa nhã chính là cách tôi thể hiện tinh thần sisu trong đời sống hàng ngày.