Tối hôm ấy, nhà ông Nghị Tài chèo hát linh đình: Ông Nghị ăn mừng cậu Giang đậu cử nhân luật ở Pháp mới về.
Ngoài sân, gánh chèo dựng rạp buông màn ra trò chung quanh người đứng xem chật ních.
Bỗng trong đám đông người có tiếng thét:
- Khuya rồi! Không được trống hát nữa để cụ lớn an giấc
Rồi người nọ ẩy người kia, om sòm, rối rít. Một gia nhân ở trên gác xuống, ra sân nói to:
- Thằng nào cấm hát?
Có tiếng đáp lại:
- Thằng này.
Người kia sấn lại. Rồi một bên, năm sáu người ùa vào bênh, một bên thì bọn người nhà ông Nghị kéo ra giúp sức, thành ra một cuộc ẩu đả loạn xạ, tiếng gậy đập chen lẫn tiếng chó sủa. Những người đi xem thấy vậy kéo nhau chạy tán loạn, xéo bừa cả lên trống chiêng, thanh la, não bạt, làm đứt cả màn, đổ cả rạp dựng bằng bốn bức phên tre nứa.
Trong đám ồn ào có tiếng ai nói to:
- Chúng mày lui không được đánh nhau.
Bọn người nhà ông Nghị vừa lùi ra vừa bảo nhau:
- Cậu Cử! Cậu Cử!
Một người trẻ tuổi vận âu phục sấn tới, ôn tồn nói với bên địch:
- Anh em là người nhà cụ Thượng ở bên cạnh, đấy à? Có phải trống chiêng làm mất giấc ngủ của cụ lớn thì tôi cho họ nghỉ hát. Nhưng lần sau, anh em có điều gì, nên cứ nói với tôi, hay cụ tôi, là được như ý ngay, can gì phải dùng đến võ lực.
Bọn khởi chiến thấy con chủ nhân phân phải nhã nhặn, cùng nhau lui cả.
Muốn biết duyên do câu chuyện ẩu đả ấy, ta phải lùi lại ba mươi năm.
Năm ấy ông Nghị còn là bác xã Tài, ra tranh chức phó lý trong làng. Vì có chuyện bất bình, em quan thượng Bùi (hồi đó đương là Tổng đốc Hải Dương) viết thư cho anh kể xấu xã Tài. Quan thượng nghe lời em, liền can thiệp tới việc bầu cử, nên xã Tài không được lên ăn trên ngồi trốc ở chốn đình chung.
Phần bực tức, phần xấu hổ, phần có ý định riêng, xã Tài bán sạch nhà cửa vườn ruộng độ ngót nghìn bạc, rồi đưa vợ con ra Hà Nội ở, thề rằng khi nào có thể rửa được hờn xưa mới lại quay về làng cũ.
Ra Hà Nội, xã Tài tìm đến một người bà con đang làm thầu khoán giãi bầy hết tâm can, và ngỏ ỷ quả quyết làm giầu. Hồi đó nhằm lúc nhà nước làm con đường xe hỏa Hà Nội - Lạng Sơn, bác xã nhờ công việc thầu gỗ mà lên như diều. Rồi bác ta xoay đủ nghề: Nghề thầu khoán làm nhà, đắp đê, vận tải, cho vay cầm đồ, buôn sơn cho chí cả nghề buôn thuốc phiện. Lòng quả quyết rửa hờn giúp bác xã thêm hăng hái, can đảm có khi tàn nhẫn, man trá, lừa đảo vô nhân đạo.
“Nhưng không hề gì, rồi một ngày kia ta giầu có, ta sẽ làm điều thiện để chuộc tội với trời. Bây giờ mục đích ta chỉ có một là làm giầu”,
Mười năm sau bác giầu.
Hai mươi năm sau bác có cửa hàng năm sáu chục muôn, lại thêm vẻ vang cái chức mà Hà thành cho bác: Ông Nghị.
Ông Nghị liền sắp sửa khởi công báo thù.
Vào hồi ấy thì gia thế quan thượng Bùi ra sao?
Quan thượng hồi hưu đã lâu, ông con cả đương Tri phủ Hoài Đức, sinh được một trai tòng học tại trường Cao đẳng sư phạm và một gái năm ấy mới lên tám tuổi, ông Phủ cho theo học ở trường Hàng Cót.
Ông Nghị Tài nghĩ thầm: “Như thế thì tuy mình có hơn người ta chữ phú, người ta vẫn hơn mình chữ quý. Nay dẫu về làng huyênh hoang của cải cũng chẳng chuộc nổi cái tiếng xấu xa hai chục năm về trước. Mà nay thì mình đã người năm mươi tuổi còn thế nào chạy chọt được chức nọ chức kia. Phẩm hàm quyên thì ai trọng!
Nhưng ông Nghị còn hy vọng. Người con thứ tư, năm nay mười bốn tuổi, học hành chăm chỉ, tính chất thông minh, sau này thế nào cũng làm nên, ông Nghị mừng thầm “nó sẽ làm quan vì ta muốn thế”.
*
Một buổi chiều, một chiếc ô tô hòm vào phủ. Ông Phủ còn đương bỡ ngỡ chưa biết khách nào, thì ông Nghị Tài đã ở xe bước xuống, vái chào rồi xưng tên tuổi quê quán:
- Bẩm quan lớn, tôi mới được biết quan lớn trọng nhậm ở đây, nên đi qua vào thăm. Cũng người làng nước mà mải công việc làm ăn không được gặp quan lớn luôn.
Từ đó hai người đi lại chơi bời rất thân. Khi ông Nghị về phủ, khi ông Phủ ra Hà Nội. Ông Phủ tuy làm quan nhưng tính nết hiền lành mà lại ham chơi nên cũng không có gì. Song từ khi quen ông Nghị thì cái tủ sắt của nhà thầu khoán nghiễm nhiên như cái kho vô tận của mình. Ngỏ lời vay một trăm, là ông Nghị đưa hai ba trăm, chẳng có văn tự, văn khế gì. Ông Phủ có nhắc làm giấy cho cẩn thận thì ông Nghị gạt vội đi.
- Chỗ người làng người nước với nhau, quan lớn cứ bầy vẽ.
Thành thử sẵn tiền, ông Phủ cứ chơi tràn, hát sướng cờ bạc đủ thứ. Mà cái kết quả của sự chơi bời thái quá thì bao giờ cũng chỉ có một: Làm bạn với cô ả phù dung.
Mấy năm sau, ông Phủ vì trễ nải, bị đổi lên mạn ngược rồi nhà nước lại bắt phải về hưu.
Khi ông Phủ về làng cùng ở với cha già, thì con trai đã đi giáo học, còn cô Liên đương học năm thứ ba ở trường nữ sư phạm. Thấy con đã lớn tuổi mà coi chừng tính nết quá tự do, nên ông bắt về quê học tập công việc đồng áng.
Hai cha con tuy ở nơi thôn đã, nhưng cảnh phú quý đã quen, không thể bớt ăn bớt tiêu đi được, kẻ hầu người hạ vẫn tấp nập như xưa. Lại thêm cảnh quê buồn thường phải bầy ra cờ bạc rồi đón bạn bè phương xa về chơi, ăn uống tiệc tùng như hội quanh năm.
Ông Nghị Tài hình như cũng chán cảnh phồn hoa, muốn về làng dưỡng lão.
Một hôm ông đến chơi hầu tổ tôm cụ Thượng, chuyện trò, thân mật rồi gợi ý:
- Bẩm cụ lớn, chúng cháu chỉ muốn được ở gần cụ lớn để được hầu tổ tôm luôn. Nay cụ lớn đã ngoài bẩy mươi, mà cháu cũng ngoài sáu chục, chỉ nên đi dưỡng tính tình cho qua ngày tháng.
- Ông Nghị nói rất phải. Đấy, đất của tôi chán ra đấy, ông muốn ở đâu, thì cứ làm nhà mà ở.
- Bẩm cụ lớn, chúng cháu cứ quen cái lối con nhà buôn, cưa mạch nào đứt mạch ấy. Vậy miếng đất đằng sau nhà cụ lớn bỏ hoang đã lâu ngày, xin cụ lớn làm ơn để lại cho, vẫn biết cụ lớn chẳng thiếu gì, nhưng trước cụ lớn cũng phải mua chứ. Vậy xin hoàn lại số tiền cụ lớn bỏ ra. Chỗ ấy rộng đến hai sào, chúng cháu xin nộp cụ lớn bốn trăm.
Nhờ có ông Phủ nói giúp, lại nhân trong nhà đương lúc túng, nên cụ Thượng miễn cưỡng nhận lời.
Thế là ông Nghị Tài bắt đầu mọc rễ bên cạnh cụ Thượng Bùi.
Ông Nghị mở mang xây dựng nhà cửa lộng lẫy. Rồi nay thêm một tí, mai thêm một tí, dùng lời nói ngọt ngào nịnh hót mua được thực nhiều ruộng vườn, đất cát của nhà cụ Thượng. Và bao giờ ông Nghị cũng phải chịu trả giá rất cao, ít ra là gấp rưỡi, nếu ông Phủ xui cụ Thượng.
- Bẩm tuy không túng bấn, nhưng được giá cao thì cứ bán, bán một chục mẫu ta có thể đủ tiền mua được mười lăm mười sáu mẫu kia mà.
Nhưng bán được tiền nào có mua ruộng, hai cha con chỉ ăn tiêu phung phí hết.
Đến nay thì cụ Thượng Bùi với ông Phủ cơ nghiệp chỉ còn lại mười mẫu ruộng. Chỗ đất ở vào khoảng gần một mẫu, thì đã đợ cho ông Nghị Tài, hẹn sang năm không giả được nợ, thì người cho vay cứ việc cắm.
Đã gần đến ngày trả được thù, ông Nghị liền giở mặt không đi lại chơi bời thân mật nữa, chỉ còn chờ ngày đến cắm nhà. Họ Bùi họ Nguyễn từ đó ghét nhau ra mặt, bày đặt chuyện này chuyện khác để trêu tức nhau. Vì thế nên hôm nay bên ông Nghị hát chèo ăn mừng cậu con đậu luật khoa cử nhân ở Pháp về, cũng chỉ là để chọc gan bên hàng xóm, một bọn gia nhân nhà cụ Thượng sinh sự cãi cọ, đánh nhau để phá đám cũng chỉ có một mục đích.
*
Sáng hôm sau, cụ Thượng đương ngồi uống chè tầu với ông Phủ ở sập thì người nhà vào trình:
- Bẩm cụ lớn, có cậu cử con Nghị Tài xin vào hầu.
Ông Phủ nhìn cụ Thượng có ý ngần ngại:
- Nó cho con nó sang nhắc nợ chăng, cái món nợ ấy mãi đến sang năm mới tới hạn kia mà.
- Được cứ để cho nó hy vọng cắm nổi nhà ta. Nhưng bây giờ có tiếp con nó không?
- Bẩm cứ cho nó vào. Xem nó đi tây về lố lăng đến bực nào.
Rồi ông Phủ quay ra bảo người nhà.
- Đâu! Bảo cậu ấy vào đây!
Một lát, Cử Giang vào kính cẩn cúi đầu lễ. Ông Phủ không mời ngồi, hỏi sẵng:
- Có việc gì thế?
- Bẩm cụ lớn, hôm qua chúng cháu sơ ý, cho đánh trống khuya, làm phiền lòng cụ lớn, vậy chúng cháu sang xin lỗi cụ lớn.
Ông Phủ thấy Giang ăn nói lễ phép, lấy làm ngượng, liền giờ tay mời ngồi, rồi hỏi:
- Cậu ở bên tây mấy năm?
- Bẩm, ba năm.
Lúc ấy một người con gái, tay bưng cái đĩa tây ở ngoài sồng sộc chạy vào, vừa cười vừa nói:
- Bẩm ông, cái ga tô (gateau= bánh ngọt) hôm nay con làm khéo quá.
Bỗng trông thấy Giang, bẽn lẽn đứng dừng lại, rồi đặt vội đĩa bánh lên bàn, cắm đầu chạy thẳng. Cụ Thượng cười.
Cử Giang thì hai má đỏ bừng đứng dậy xin lỗi lần nữa, rồi cung kính vái chào cáo từ.
Cách mấy hôm sau Giang đi săn, cứ quanh quần bên lũy tre nhà cụ Thượng. Bỗng gặp con gáy, Giang chĩa súng bắn, con chim bị đạn rơi vào trong vườn. Đương lom khom nhìn xem có lối vào nhặt chim thì thấy cô con gái bưng bánh hôm nọ đương ngồi xem sách ở gốc cây ổi. Đánh bạo, Giang cất tiếng chào:
- Thưa cô, cô làm ơn quăng giùm con chim ra cho.
- Ai là người nhặt chim cho anh.
- Thưa cô, nếu cô không nhặt hộ, thì tôi kính dâng cụ Lớn, quan Lớn và cô.
- Ai thèm ăn của của anh!
- Thưa cô, cô đương đọc sách gì đấy?
- Việc gì đến anh! Anh khôn hồn bước ngay, thầy tôi mà trông thấy thì anh bỏ đời.
- Thưa cô, được bỏ đời ở trước mặt cô thì còn gì hân hạnh bằng?
Câu trả lời ngộ nghĩnh làm cô Liên phải cúi đầu xuống tủm tỉm cười, rồi đứng dậy nghiêm trang ra lũy tre nhặt con gáy ném ra ngoài.
- Đây, chim của anh đây, anh muốn sống đi ngay.
- Thưa cô tôi chỉ muốn chết.
- Chết đi, ai cấm. Phải đấy, chết đi! Cả ông Nghị nữa. Sống mà làm khổ cả nhà người ta thì sống làm gí?
Nghe câu nói Giang hết vui cười:
- Thưa cô, tôi ở Pháp mới về được vài hôm nay, không hiểu chuyện chi hết.
- Về hỏi ông Nghị nhà anh ấy.
Dứt lời cô Liên quay mình đi thẳng
Chiều hôm ấy Giang hỏi cha:
- Bẩm thầy, thầy mới có chuyện gì với bên cụ Thượng thế?
- Mới có chuyện gì, có từ ba mươi năm kia.
Ông Nghị liền đem hết đầu đuôi sự lập thân báo thù ra kể.
Nghe xong câu chuyện, Giang buồn rầu thưa:
- Con tưởng làm được thế này cũng đủ rồi, nên tha cho người làm phúc.
- Tha thế nào được, rồi con sẽ biết.
*
Luôn một tháng, chiều nào Giang cũng vác súng đi săn ở lũy tre nhà cụ Thượng Bùi. Mà chiều nào cô Liên cũng xem sách ở dưới gốc cây ổi. Hai người hình như đều có dáng chờ đợi mong nhau. Bây giờ gặp nhau đã mỉm cười, câu chuyện đã thấy vơ vẩn hơn xưa nhiều:
- Thưa cô, cái cây ấy có phải là cây ổi không?
- Phải, cây ổi.
- Thưa cô, ở nhà quê có vui không?
- Buồn chết người đi!
- Thưa cô, tôi thì tôi thích ở nhà quê… Thưa cô, trông cô qua chỗ thủng trong bờ tre như Hằng Nga ngồi trong Nguyệt điện.
- ...
- Thưa cô, tôi có nhiều tiểu thuyết hay lắm, cô có xem tôi xin đưa sang.
- Cám ơn ông.
Đương dở câu chuyện, thì một tên người nhà hớt hơ hớt hoảng chạy đến:
- Bẩm ông cho tìm cậu có việc cần.
Về đến nhà thì gặp ông Nghị đang đi bách bộ ở vườn hoa, ra dáng tức giận lắm:
- Con đấy à! Thế này thì tức lắm con ạ, nhà ta giầu có, con lại đậu cử nhân mà nó bảo nó không thèm gả cho con nhà thường dân.
- Bẩm ai?
- Cha con ông Thượng chớ ai?
- Chết sao thầy lại hỏi con quan phủ cho con? Người ta không gả à? Nhưng còn thù xưa của cha?
- Ấy chính vì muốn trả thù nên cha mới hỏi. Con phải biết, họ cậy nhà họ năm sáu đời làm quan, chỉ thông gia với những chỗ môn đăng hộ đối. Nhà ta thì sáu bẩy đời toàn thị ông xã, ông khán, cha nay thông gia với họ cho họ hết lên mẽ.
- Nhưng con không bằng lòng. Dẫu người ta có gả, con cũng không bằng lòng... Nhưng người nhà cụ Thượng cầm thư sang có việc gì kia kìa.
Ông Nghị mở thơ đọc:
“Ông Nghị,
“Ông là người rất tàn nhẫn, kể ra con ông đậu cử nhân, mà kiểm hạnh lại gấp trăm gấp nghìn kiểm hạnh ông thì cũng đáng lấy cháu tôi đấy. Song việc ông hỏi cháu tôi như một việc mua người, vì ông nói bằng lòng gả thì ông trả lại văn tự. Chỉ bởi lẽ ấy mà tôi từ chối đó thôi Tôi không ngờ đâu ông hèn đến thế”.
Giang đỡ lấy bức thư xem lại một lượt mặt tái mét, chân tay run lẩy bẩy:
- Bẩm thầy cho con xem qua bức văn tự!
- Xem làm gì?
- Con xem có thể tiện cắm nhà ngay được không?
Khi bức văn tự đã lọt vào tay, Giang liền chạy một mạch sang nhà cụ Thượng. Đến cổng gặp cô Liên, Giang cất mũ chào, Liên cười nhạt hỏi:
- Nhà cậu đã được mấy đời làm thất đức rồi?
Mặt đỏ bừng Giang xông đến tận gần sập, chỗ cụ Thượng nằm, nói to:
- Bẩm cụ lớn, Cụ lớn không được phép khinh mạn cha tôi. Cha tôi cho tôi đem bức văn tự sang nộp cụ lớn đây.
- Phải, sang mua người.
- Xin cụ lớn đừng ngại, dẫu cụ lớn có gả cháu gái cụ lớn cho tôi, tôi cũng không bằng lòng kia mà. Nếu cụ lớn còn ngờ, tôi xin xé bức văn tự trước mặt cụ lớn đây này.
Miệng nói, tay xé nát tờ giấy tiến chỉ vất xuống gầm giường.
- Thôi, xin kính chào cụ lớn, xin cụ lớn nhớ cho rằng, dù sinh trưởng ở nơi lều gianh hay ở chốn lâu đài, con người vẫn có thể có tấm lòng cao thượng…, cháu xin thú thực, cháu yêu cô Liên, và ngày đêm vẫn ao ước được cùng sánh duyên cầm sắt, nhưng ngày nay đã xẩy ra chuyện lôi thôi này thì cháu nguyện suốt đời không lấy ai…
Giang nói tới đây như nghẹn lời, quay về nhà, ông Nghị hỏi:
- Con đem văn tự sang hỏi họ đã trả lời ra sao?
Giang lạnh lùng đáp lại:
- Con xé ra rồi
- Con xé văn tự?
- Vâng.
- Thôi! Con giết cha rồi! Giấc mộng ba mươi năm của cha…
- Thưa cha, nhà ta giàu có như thế này làm gì một món nợ năm nghìn.
Ông Nghị vừa khóc, vừa nói:
- Làm gì? Con tính cha lao tâm lao lực xoay trăm phuơng nghìn kế mới đưa nổi họ vào tròng, nay con nỡ phản cha. Thằng khốn kia, xéo ngay mày đừng ở nhà ông một phút nào nữa. Thà rằng ông không có mày!
*
Hôm sau, ông Nghị nhận được giấy cụ Thượng mời sang ăn cơm. Trong giấy lại nói mời cả cậu cử Giang. Lúc đó, ông Nghị đã nguôi cơn giận, và đương tìm cách khác báo thù, nên làm ra bộ tha thứ cho con, liền gọi Giang đến bảo:
- Bên ông Thượng mời cha con ta sang ăn cơm, con tính có nên sang không?
- Bẩm ta sang cho họ biết là ta không thèm thù vặt.
- Nhưng nhỡ họ đánh thuốc độc thì sao?
- Khi nào dám? Và con xem cụ Thượng và quan Phủ đều là bực quân tử.
Ông Nghị lẩm bẩm:
- Hừ… quân tử.
Bữa cơm chiều hôm ấy, cụ Thượng và quan Phủ tiếp cha con ông Nghị một cách rất ân cần thân mật. Khi rượu đã ngà ngà, cụ Thượng khoan thai nói:
- Tiệc rượu hôm nay, mục đích là để cảm ơn cái lòng cao thượng của ông Nghị. Song dẫu việc ông làm là phải, bổn phận tôi vẫn là phải trả món nợ năm nghìn. Vậy tôi xin viết lại bức văn tự khác trả ông.
Giang không để ông Nghị kịp trả lời, vội đứng dậy nói luôn:
- Bẩm cụ lớn, việc ấy nhỏ mọn nhắc gì tới nữa. Trong tiệc vui không nên ôn lại chuyện buồn. Và người lớn với nhau có cần gì văn tự vấn khế, một lời của cụ lớn lại không chắc chắn hơn mảnh giấy chăng? Vậy cụ lớn đã hứa rồi cụ lớn sẽ trả, là đủ. Bao giờ cụ lớn có, cụ lớn cho cũng được, không phải viết lại văn tự thêm phiền.
- Cậu ăn nói ra người có học thức lắm. Hôm nay tôi mời ông Nghị và cậu sang đây trước là ngỏ mấy lời cám ơn, sau là để bàn một việc riêng. Cứ lời cậu nói hôm qua thì cậu yêu con cháu Liên và thề rằng nếu không lấy được nó thì suốt đời ở vậy. Mà cháu Liên nghe như nó cũng không chê cậu. Trước tôi có tị hiềm một chút, nhưng ông Nghị ạ, ta nên bỏ hết thù xưa mà bỏ nghĩ tới hạnh phúc của hai trẻ. Chúng nào có làm gì nên tội, ông nghĩ sao?
- Bẩm cụ lớn, cụ còn nhớ câu chuyện xã Tài xin ra làm phó lý không?
Cụ Thượng còn bỡ ngỡ không hiểu, thì Giang vội gạt đi.
- Câu chuyện ngày xưa, thầy ôn lại làm gì? Bẩm cụ lớn, đáng lẽ cháu từ chối là phải. Vì lẽ gì cụ lớn tất phải hiểu. Nhưng cháu lại nghĩ vì cha cháu mà nhà cụ lớn bị sa sút nên cháu xin vâng nhận lời để cố chuộc lại lỗi của cha cháu.
Ông Nghị hầm hầm tức giận:
- Còn tôi, thì tôi không bằng lòng, tôi nhất định không bằng lòng…
- Bẩm nếu thầy nhất định không bằng lòng thì con cũng nhất định không xuất chính. Con xin viện danh dự thề như thế.
Ông Nghị đấu dịu.
Khi về đến nhà, nghĩ đến nỗi trước, đường sau, nghĩ đến tình đôi trẻ, ông Nghị ứa nước mắt, lẩm bẩm:
- Cái thù ba mươi năm chỉ có thế!