Trong lầu Vọng Nguyệt bên hàng triện lan can, công nương Hoàng Oanh họ Số ngồi thêu đôi chim nhạn bay. Thỉnh thoảng nàng lại nghỉ tay đặt cái khung thêu dựa vào lưng ghế rồi lùi ra mấy bước, nghiêng đầu đứng ngắm: Đôi chim nhạn thêu bằng chỉ mầu đen bóng nổi bật lên nền chỉ xanh mờ, loang loáng phản chiếu ánh mặt trời trông như đương hoạt động, vỗ cánh bay liệng trên tầng mây cao. Hoàng Oanh mỉm cười sung sướng nói một mình:
- Dăm tháng nữa, ta sẽ được cùng Hoàng Thái tử liền cánh bay liệng trên từng mây ân ái.
Có tiếng hài bước ra hiên, Hoàng Oanh quay lại. Bà Thái sư nhìn con khẽ gật, có vẻ tự đắc:
- Con thêu khéo quá, cha mẹ tuy chưa có con trai nối dõi, nhưng sinh con gái như con, hơn sinh con trai vô hạnh.
Hoàng Oanh bẽn lẽn, cúi mặt, hai má đỏ hây hây. Còn phu nhân thì trong lòng sung sướng, cười nheo cặp mắt già.
Luôn hai năm nay, trong khi Thái tử Chế Mân sang làm con tin bên triều đình nước Việt Nam, phu nhân chẳng quên những sự đi lại trong cung để hầu chuyện Thái hậu và Hoàng hậu Thái sư rất được Chiêm Hoàng kính trọng mà phu nhân cũng được Thái Hậu và Hoàng hậu mến yêu.
Có chí nguyện cao xa, phu nhân đã ngấp nghé ngôi quốc mẫu cho con gái yêu sau này. Cái ngôi báu ấy thực là xứng đáng với sắc tuyệt vời, với đức hạnh tuyệt vời của công nương Hoàng Oanh.
Số phu nhân nghĩ thế thì lại gần con vỗ má, bảo nàng rằng:
- Bức hình mà con tự họa lấy, hôm qua mẹ đã đem vào nộp Hoàng hậu rồi.
Hoàng Oanh vờ hỏi:
- Bẩm mẹ để làm gì thế?
- Còn để làm gì nữa. Để gửi sang bên nước Việt Nam dâng Chế Thái tử chứ còn để làm gì.
Hoàng Oanh càng xấu hổ, cặp má càng đỏ hây.
Nhưng trên cành cây dương liễu, con chim thước cất giọng mỉa mai.
*
Một buổi chiều, Số phu nhân ở cung điện nhà vua trở về, nét mặt có vẻ buồn rầu thờ thẫn. Hoàng Oanh nhẹ nhàng bước xuống thềm đón chào vồn vã. Nàng lo sợ. Mọi lần thân mẫu nàng được vào yết kiến Thái hậu và Hoàng hậu thì khi trở về bao giờ cũng hớn hở tươi cười. Sao lần này vẻ mặt lại ủ rũ như kia. Hay là… nàng ngập ngừng hỏi mẹ.
- Bẩm mẹ trong cung có chuyện gì lạ không?
- Không con ạ.
Bà chẳng muốn làm phiền lòng Hoàng Oanh, thực ra, ở Kinh thành Đồ Bàn vừa xảy ra một sự phi thường, một sự ghê gớm.
Chiều hôm nay, Hoàng hậu cho vời Số phu nhân vào cung để bàn một việc quan trọng: Số phu nhân vừa là em vừa là một người bạn tâm phúc của Hoàng hậu, nên khi Hoàng hậu có điều gì khó nghĩ thường cho tìm để vấn kế.
Số phu nhân lấy làm kinh ngạc xiết bao, khi Hoàng hậu đưa cho coi bức hình của Hoàng Oanh có bôi nhèm hai vết mực ở hai bên má. Trời ơi bức hình ấy, con gái phu nhân soi gương tự họa lấy trong mấy tháng mới xong, tốn hết bao tư lự, để gửi sang thành Thăng Long tặng Thái tử, thế mà kẻ nào lại đám cả gan vẽ mực lên như vậy?
Mồ hôi chảy xuống thành giọt: Số phu nhân tinh thần ngây ngất, tâm hồn tán loạn, đưa mắt nhìn Hoàng hậu và trù trừ không dám hỏi. Hoàng hậu như hiểu sự nghi ngấm ngầm của bà Thái Sư, cất lời phủ dụ:
- Em đừng ngại, Thái tử là người rất có hiếu. Thế nào ta bảo cũng phải nghe, kể về tài sắc, đức hạnh thì khắp trong nước còn tìm đâu ra được một thiếu nữ có thể sánh kịp Hoàng Oanh. Và sự gửi trả ảnh, ta cũng còn ngờ lắm. Thái tử ta xem ra yêu mến Hoàng Oanh lắm. Sự này tất có điều ám muội.
Số phu nhân cúi đầu làm lễ tạ ơn. Hoàng hậu đỡ dậy rồi ban cho một tấm hình Thái tử mà phán rằng:
- Em cứ nói với Hoàng Oanh rằng Thái tử gửi về cho Hoàng Oanh giữ làm kỷ niệm. Còn việc hôn nhân của Thái tử, ta định sao tất phải nên vậy. Mà Hoàng Oanh thì ta rất bằng lòng, vì đáng làm con dâu ta lắm.
Tuy được lời ủy lạo của Hoàng hậu, Số phu nhân vẫn chưa yên tâm. Xong bà cũng cố gượng vui mà báo tin mừng cho con và đưa cho nàng bức hình của Thái Từ.
Hoàng Oanh sung sướng, ôm chặt bức hình vào lòng.
Nhưng trên cành cây dương liễu, con chim thước vẫn cất tiếng mỉa mai.
*
Ở cửa biển Đồ Bàn, nhân dân tấp nập đứng ngóng trông. Họ vừa thấy một chiếc thuyền bông vào cảng, trên cột buồm có phất phới bay lá quốc kỳ Việt Nam. Họ còn đương lo sợ, nhớn nhác nhìn nhau, ồn ào đua nhau chạy đi báo quan coi cảng, thì chiếc thuyền đã vùn vụt tới nơi và đã buông neo ngay ở bến Hoàng Kiều.
Một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ trong khoảnh khắc là cái tin Việt Nam lại đem binh vào nước bay tới khắp chốn kinh đô.
Đó chỉ là tin đồn sai, dân Chiêm Thành vì đã bị nước láng giềng ở phía Bắc mấy lần đánh đại bại, nên nay chỉ thoáng thấy bóng cờ Việt Nam là đã rụng rời, khiếp sợ. Kỳ thực chiếc thuyền bồng đẹp đẽ kia chỉ đưa đến thành Đồ Bàn một viên văn quan của nước Việt Nam tên là Trần Khắc Trung cùng đi với một quan thân thần theo hầu Thái tử Chế Mân.
Nhân dân vẫn thì thào: “Sao Thái tử lại chưa về”. Hay ngài bị giam bên Việt Quốc.
Thái tử là một trang thiếu niên tuấn tú, được dân thần yêu mến, kính trọng, nhất là dân thần bên phái đẹp. Ngày ngày họ mong Thái tử hồi hương để được nhìn vẻ mặt khôi ngô của ngài. Thế mà sau hai năm, ngài ở bên ngoại quốc, nhân dân biệt không tin tức, nay chỉ thấy một mình người bầy tôi cùng đi với viên sứ thần Việt trở về nước, thì ai không lo sợ rằng đã xảy ra sự chẳng lành.
Nhưng trong khi nhân dân kinh đô bàn tán lẽ nọ lẽ kia, thì ở trong tríều, Chiêu hoàng đương tiếp sứ thần Việt Nam.
Trái với sự phỏng đoán của quần thần là nước Việt Nam muốn gây cuộc can qua; Trần Khắc Trung chỉ dâng ít phẩm vật quý trong nước, để đáp lại cái lễ long trọng mà vua Chiêm Thành đã cho Thái tử Chế Mân thân mang sang Việt Nam cống hiến đức Trần Anh Tông.
Chiêm hoàng sắp sửa lui triều thì Trần Khắc Trung xin tâu chuyện riêng. Chuyện riêng ấy là việc hôn nhân của Thái tử Chế Mân cùng Huyền Trân Công Chúa, con gái yêu của Đức Anh Tôn.
Chiều hôm ấy, trong khi Hoàng Oanh ngồi bên hàng triện lan can trong lầu vọng nguyệt, vui vẻ thêu trên đôi mặt gối cho xong cặp nhạn tung trời liền cánh, thì trên cành dương liễu, con chim thước vẫn cất giọng mỉa mai.
*
Ở thành Thăng Long, kinh đô Việt Nam, Thái tử Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa đã vui vầy cầm sắt.
Buổi đầu, Thái tử cũng nhớ tưởng tới người xưa, tới người bạn xinh đẹp dịu dàng mà ngài đã gặp nhiều lần ở nhà Thái Sư. Từ hôm mất tranh họa hình Hoàng Oanh, Thái tử buồn rầu, kém ăn kém ngủ và luôn luôn gắt gỏng, trọng phạt các quan cận thần.
Song tuổi trẻ vẫn là tuổi ham mê khoái lạc và dễ quên những bạn xa xăm, nên chẳng bao lâu mà Thái tử Chế Mân tự an ủi với người vợ mới, nhất là người vợ ấy lại là Huyền Trân Công Chúa, một pho nhan sắc diễm lệ hiếm có ở đời.
Trong khi ấy, bí mật vẫn lặng lẽ bao trùm thành Đồ Bàn, nhân dân vẫn thì thào bàn tán về cuộc du lịch của Thái tử ở bên nước Việt Nam. Bà Thái sư vẫn năng vào hầu chuyện Thái hậu và Hoàng hậu, và trong lòng vẫn hy vọng chứa chan. Mà hai bà Thái hậu và Hoàng hậu vẫn không biết gì về việc hôn nhân của cháu, của con ở bên ngoại quốc.
Một mình Thái Sư lấy làm sung sướng, Vì việc nước, Thái sư đã khuyên vua bằng lòng cho phép Thái tử đẹp duyên cùng công chúa Việt Nam. Thái Sư đã đặt lòng yêu nước lên trên lòng yêu con. Ông đã toan ngỏ cho con biết để con khỏi uổng công mong đợi, nhưng ông lại sợ lộ việc lớn. Việc ông làm, ông chỉ muốn hiểu có một nghĩa: Chính trị. Ông chỉ nhận thấy rằng cuộc hôn nhân của Thái tử Chế Mân với Huyền Trân Công Chúa sẽ gây nên kết quả thay cho sự bàn giao với nước láng giềng mạnh gấp mấy nước mình. Còn con ông làm Hoàng hậu hay làm vợ một thư sinh, sự đó không quan hệ.
Nhưng… lòng âu yếm, trí ngây thơ, chiều chiều bên hàng triện lan can trong lầu vọng nguyệt, Hoàng Oanh thêu gấp trên đôi mặt gối cho chóng xong cặp nhạn liền cánh tung trời. Nhưng… trên cành dương liễu con chim thước vẫn cất tiếng mỉa mai.
*
Ngoài cửa biển Đồ Bàn, nhân dân Chiêm Thành đông như kiến cỏ, đứng hoan hô Thái tử Chế Mân đã về nước, tiếng reo vang động cả một góc trời.
Khi họ thấy Thái tử ở trên thuyền rồng bước xuống sánh vai cùng bà Công chúa Việt Nam lộng lẫy nguy nga trong bộ y phục Chiêm Thành thì họ chỉ kinh ngạc trong giây phút, rồi vui cười, họ thi nhau tung hô:
- Thái tử vạn tuế! Vương phi vạn tuế!
Trong đám đông người, một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ ngã ngất trong lòng một ông quan già. Đó là Hoàng Oanh và Số Thái sư.
Thái Sư ghé tai con thì thầm:
- Con nên đặt Quốc gia lên trên ái tình. Con nên thương cha. Về nhà cha sẽ giảng nghĩa cho con hay.
*
Chiều hôm ấy, ngồi bên hàng triện lan can trong lầu vọng nguyệt Hoàng Oanh vừa thêu xong, đôi chim nhạn tung trời liền cánh, thì Thái Sư bước lên hiên. Tươi cười, nàng nói:
- Thưa cha, cha vì con làm ơn dâng lên Thái tử và Vương phi đôi gối.
Ứa hai hàng lệ, Thái Sư ôm con vào lòng.
Mà trên cành cây dương liễu, giọng mỉa mai của con chim thước đã biến thành lời an ủi chân thành.