Một giờ đêm tại Hạp Bắc. Suốt hai dãy phố Tsin Tsang cửa đóng kín mít. Ngoài đường tối đen như mực. Tuy thế, trận không chiến còn dữ dội như buổi sáng, song tiếng súng nghe vẫn liên thanh. Thỉnh thoảng quả trái phá rơi nổ, làm rung động một góc thành. Theo liền tường nhà đổ, tiếng mái nhà sập.
Trong một căn phòng rộng, hai rặng giường gỗ kê sát. Trên mỗi giường có một bệnh nhân, người thì đầu quấn băng, người thì hoặc tay hoặc chân bó vải. Đó là khách sạn Leas Toung mà bộ tham mưu Trung Hoa tạm dùng làm bệnh phòng, để chữa lính và tù binh, bị thương, vì nhà bệnh viện Hiệp Bắc đã bị trái phá Nhật hủy từ hôm trước.
Ngay chỗ cửa vào, bên chiếc bàn ăn trên đặt cây đèn tù mù, một viên thiếu tá trẻ tuổi đang hỏi chuyện một tên lính:
- Thế ngươi thấy quan đốc tờ ngỏ ý kiến ra sao.
- Bẩm sau khi mổ lấy viên đạn ra, và quấn băng đâu đấy, ngài truyền rằng không ngại gì chỉ để hắn…
- Lão nói trung úy Matsudo.
- Bẩm, quan đốc tờ truyền rằng chỉ để trung úy Matsudo nghỉ yên trong năm tiếng đồng hồ là bệnh thuyên giảm.
Lúc ấy có tiếng giở mình sột soạt trên một chiếc giường bệnh, chú lính chỉ tay nói:
- Bẩm! Dễ thường Trung úy đã thức giấc.
Viên thiếu tá Trung Hoa rón rén lại gần, nhưng bệnh nhân giở mình, quay mặt vào phía tường ngủ lại, tiếng thở nghe mạnh và đều. Viên thiếu tá… thở dài quay ra.
*
Bẩy giờ sáng hôm sau. Tiếng súng đã im, quân Nhật vây đánh thành Hạp Bắc luôn mấy hôm không thành công, như đã rút về Thượng Hải.
Bên giường Matsudo, viên thiếu tá tối hôm trước ngồi hút thuốc lá như chờ trung úy thức giấc.
Bỗng một tiếng súng đại bác nổ ở vùng ga Hạp Bắc. Matsudo mở choàng mắt, Viên Thiếu tá đứng phắt dậy tươi cười hỏi bằng tiếng Nhật.
- Anh dễ chịu rồi chứ?
Trung úy nhìn chòng chọc vào Thiếu tá, không trả lời
- Anh Matsudo anh quên em rồi à?
Trung úy vẫn không trả lời.
- Em là Ly-jem-Pan đây mà!
Trung úy vẫn trơ như sắt đá, mi không hề chau, mắt không hề chớp, hai tiếng lạnh lùng, thong thả khẽ khẽ:
- Không quen.
- Có lẽ anh bị thương loạn óc, mất trí khôn chăng? Anh quên được em à?
...
Em là Ly-jem-Pan là người chồng chưa cưới của cô Ada đây mà!
- Anh là người Trung Hoa, ta không thể quen anh được!
- Còn em thì em vẫn nhớ anh là anh người yêu của em, chỉ vì thế nên em mới đau đớn khổ sở.
Matsudo sau một nụ cười khinh bỉ:
- Ta chỉ biết có một điều: Ta là dân Nhật Bản.
*
Matsudo và Ly-jem-Pan là anh em bạn thân cùng tòng học và cùng tốt nghiệp một năm tại trường võ bị Đông Kinh.
Suốt trong bốn mươi năm trời không mấy chủ nhật là Ly-jem-Pan không ra chơi nhà Matsudo. Nhiều lần ông cụ, bà cụ Matsudo giữ lại ăn cơm chuyện trò rất là thân mật lâu dần coi Ly-jem-Pan như người trong nhà vậy.
Matsudo có người em gái, tiểu tự là Ada Kwaben, nghĩa là bông hoa đẹp. Đọc cái tên cô cũng đủ tưởng tượng được cái nhan sắc diễm lệ của cô.
Buổi đầu, thì cô Ada cũng chỉ coi Jem-Pan như một người anh mà thôi. Song vì con gái bên Nhật, họ tuy thùy mị đứng đắn mà không rút rát, rụt rè như con gái Việt Nam ta, nên sự thân mật kia chẳng bao lâu mà trở nên tình cảm, âu yếm.
Khi đã tốt nghiệp ở trường võ bị, Jem-Pan cùng Ada đưa nhau lên xin ông bà Matsudo cho phép lấy nhau. Ông bà bằng lòng viết thư sang Thượng Hải hỏi ý kiến ông bà thân sinh ra Jem-Pan và dự định sửa soạn các công việc ăn hỏi thì bỗng có tin Nhật đem quân sang đánh Đông tam tỉnh.
Cũng tưởng hai nước chẳng bao lâu rồi sẽ gác việc can qua mà sự hòa bình sẻ trở lại trên dẻo đất Á Đông. Ai ngờ việc binh một ngày một lan rộng mãi ra.
Một hôm Jem-Pan buồn rầu hỏi Ada:
- Nước tôi cho tôi xuất dương sang tòng học bên quý quốc là cốt sau này tôi lập công giúp nước. Nay chẳng may hai nước có việc can qua, mà cứ theo tình thế hiện thời, thì thế nào tôi cũng phải đem thân ra nơi chiến trường tôi lấy làm lo ngại cho sự nhân duyên đôi ta.
Cô Ada trả lời:
- Việc nhân duyên là việc nhỏ, việc quốc gia mới là việc lớn.
- Cô vô tình đến thế kia à?
- Không phải vô tình. Song khi ở nhà trường cũng như khi ở nhà, thầy học và cha mẹ tôi đều dậy thế. Tôi cũng biết rằng anh không yêu tôi và tôi không ghét anh, nhưng nếu vì hai nước mà chúng ta hy sinh ái tình thì chúng ta càng đáng kính phục chớ sao.
- Tôi chẳng cần ai kính phục.
- Anh hèn nhát đến thế kia à?
- Không phải tôi hèn nhát, nhưng tôi yêu cô.
- Anh phải biết một người con gái Nhật Bản con nhà tử tế không bao giờ chịu kết duyên với một người hèn nhát!
- Nhưng nào tôi có hèn nhát! Cô phải biết tôi là con nhà binh, rất tôn trọng sự can đảm.
- Đem ái tình ra so sánh với quốc gia thì không là hèn nhát, còn là gì?
- Vậy bây giờ cô khuyên tôi nên xử trí ra sao?
- Anh hỏi lương tâm anh ấy?
- Xin cảm cô, tôi xin tự liệu.
*
Cách đây ba tháng trong một trận dạ chiến ở Hạp Bắc, quan hai Matsudo đem toán binh thứ tư xông vào cướp ga Hạp Bắc bị phục binh của Ly-jem-Pan nổi lên đâm chém. May có Jem-Pan nghe rõ tiếng bạn nên hết sức bảo hộ mới toàn được sinh mạng, chỉ bị có mấy viên đạn trúng cánh tay mà thôi
Hai tuần sau, có tin đình chiến, thời Matsudo hiện điều trị tại nhà thương Shanghai cũng cần được bình phục. Matsudo thấy Jem-Pan săn sóc đến mình, không những không cám ơn mà còn lấy làm căm tức.
Một buổi chiều, người khán hộ coi buồng Matsuđo không thấy bệnh nhân đâu. Rồi sáng hôm sau các Nhật trình đều đăng tin Matsudo ra chiến địa bắn súng lục tự sát. Thì ra Matsudo tự kết vào tội Harakiri vì chàng cho rằng được sống sót là nhờ có em gái sắp kết duyên với một người bên địch, thì không còn mặt mũi nào trở về quê hương nữa.
Jem-Pan nghe tin bạn chết trong lòng thương xót vô cùng liền gửi điện tín về bên Nhật báo tang.
Tối hôm ấy, Jem-Pan lang thang trong các phố Trung Hoa, định đi tìm thú vui giải muộn. Bỗng nhìn vào một hàng cao lâu thấy một người con gái Tầu khuôn mặt, điệu bộ y hệt như Ada. Chàng liền sụp mũ xuống tận tai, rồi vào hàng ngồi ở một bàn giơ ngón tay trỏ ra hiệu gọi cô hầu bàn.
Cô Ada vô tình lại gần thì Jem-Pan cất mũ cúi đầu chào. Cô Ada vội sẽ để ngón tay lên mồm ra hiệu cho bạn im đi, rồi khẽ bảo:
- Chốc nữa lên gác số…sáu nói chuyện!
Một lát khi uống hết cốc rượu, Jem-Pan sắp sửa vẫy Ada đi theo mình, thì thấy chủ nhà khách sạn đến hỏi:
- Có phải ông thuê buồng số sáu không?
- Phải.
- Vậy mời ông cứ lên.
Rồi quay lại bảo Ada:
- Đưa ông lên buồng số sáu.
Khi hai người tới buồng, Ada nhẹ nhàng đóng cửa rồi hai tay thọc vào trong bọc, thong thả nói:
- Nay tôi không phải là người yêu mà cũng không phải là bạn của ông nữa, ông chính là người thù của tôi, vì ba cớ: Một là trong trận Hạp Bắc, công của ông đứng đầu, hai là chính ông sai giết anh tôi nói là anh tôi tự tử, ba là tôi cải dạng làm một người hầu bàn để do thám, việc ấy, ngoài tôi ra không ai được biết vì có thể hại đến mấy vạn quân Nhật. Nay ông biết, ông không thể sống được!
Dứt lời Ađa rút súng ngắm trúng tim Jem-Pan mà bắn luôn hai phát. Jem-Pan nghe giọng nói dữ tợn của bạn gái lấy làm ngạc nhiên, nên chưa kịp phòng bị đã ngã quay xuống ván.
Ada vứt súng cúi xuống xem Jem-Pan đã tắt thở chưa, thì Jem-Pan còn ngoắc ngoải dùng hết sức tàn ghì lấy bạn vừa hôn vừa nói:
- Tôi yêu cô đến tận phút cuối cùng và sẵn lòng tha thứ cho cô và cả nước cô. Nhân loại trường thọ! Ada Kwa.
Jem-Pan chưa nói dứt câu, ngã vật ra tắt thở.
Hai hàng nước mắt đầm đìa trên hai má Ada.
Nàng bỗng như điên, ôm choàng lấy tử thi bạn khóc.
Lúc đó có tiếng ồn ào phá cửa phòng.
Ada đứng phắt dậy quay ra cười nhạt, rồi lạnh lùng cúi xuống nhặt súng lục tự đặt vào tim quả quyết nổ cò.