Sau khi giết vua Thuận Tôn, sau khi giết bọn tôi trung của vua là Trần Nguyên Hãn, và Trần Khắc Trung, Hồ Quý Ly liền bỏ Thiếu Đế mà lên nối ngôi trời, oai quyền hống hách lẫy lừng khắp đất nước Nam. Sự bạo ngược của họ Hồ lấn át, giày xéo nhân dân như giày xéo đám cỏ cho xác xơ, khô héo, khiến ai nấy đều khiếp sợ và ép mình như quy phục…
Nhưng một người ngang nhiên không chịu khuất. Người ấy là thi sĩ Trần Can.
*
Trần Can, thân hình mảnh dẻ, yếu ớt, nhưng văn thơ chàng viết ra, âm điệu rất hùng tráng, ý tưởng rất mãnh liệt. Trong văn giới, người ta đã bịa đặt ra những chuyện hoang đường để tán tụng tác phẩm có tính cách cái thế của chàng: Nào khi chàng cất cao giọng ngâm khúc anh hùng ca, tả những võ công huân nghiệp phi thường của các bậc danh tướng đời xưa, thì người ta nghe có tiếng loảng xoảng gươm giáo xô sát nhau, ở trong văn phòng đã như thốt nhiên biến thành nơi chiến địa. Nào trong giấc mơ màng, chàng gặp Hạng Võ hiện hồn lên cùng chàng ngồi uống rượu, mà ngợi khen chàng và hát cho chàng nghe những bài chính khí và dũng cảm.
Người ta còn kể nhiều câu chuyện huyền bí về thi nghệ của chàng.
*
Một buổi chiều thu, Hồ Quý Ly cưỡi ngựa dạo chơi trong kinh thành Tây đô, tàn quạt rợp đường phố.
Qua một tửu quán, sang sáng ở trong hàng đưa ra mấy câu hát có khí phách hào hùng, khảng khái, Quý Ly quay lại hỏi một viên vệ tướng:
- Đứa nào dám cả tiếng hát những lời hỗn xược? Vào điệu cổ nó ra đây!
Tức thì viên vệ tướng dẫn trăm quân vệ binh sấn vào tửu quản lôi ra một trang thanh niên dũng sĩ. Hồ Quý Ly quát hỏi:
- Bài ca phản quốc đó ai dạy mi?
Chàng niên thiếu quá say không biết người đứng trước mặt mình là Hồ Quý Ly liền phì cười đáp lại:
- Người tất phải ngu dốt, đần độn lắm mới không nhận ra mấy câu thơ ấy là của đại thi hào Trần Can
Lời nói xấc láo làm cho kẻ kia mất đầu tức khắc.
*
Chém xong dõng sĩ, Hồ Quý Ly trở về triều họp quần thần lại mà phán rằng:
- Ta là Hoàng đế, ân huệ trùm khắp nước Đại Ngu, cười một tiếng cả nước vui mừng cười theo, quát một tiếng cả nước run sợ kinh hãi, khúm núm cúi đầu, cho kẻ nào sống, kẻ ấy được sống, bắt ai chết, kẻ ấy phải chết. Cớ sao ngày nay tên văn sĩ ngông cuồng Trần Can lại dám cả gan làm thơ tán tụng bọn tiền quân cùng lũ tướng tép nhà Trần, để giảm oai quyền của ta và làm tiêu tan nhuệ khí đại binh ta. Phải hỏa tốc đi bắt nó về triều hành hình ngay trước sân rồng cho ta được hả lòng tức giận.
Quan đô sát ngự sử vội vàng đặt gối bày lời gián nghị:
- Muôn tâu thánh thượng, việc này hạ thần xin can. Giữa công việc bình trị, không nên giết hoài kẻ sĩ nhất là kẻ sĩ đó lại là Trần Can, một người có đại tài nhân dân mến phục.
Nghe dứt lời tâu, Hồ Quý Ly nổi cơn thịnh nộ, hạ lịnh chém đầu quan đô sát ngự sử, rồi xuống chiếu tìm bắt Trần Can trị tội.
*
Sau khi bãi triều, Quý Ly hầm hầm rảo bước vào hậu cung, sát khí hiện đầy trên nét mặt.
Thoáng lọt tai giọng hát bổng trầm. Hồ dừng lại lắng nghe, đó là lời ca oán trách não nùng của một ả cung tần mới tuyển.
Quý Ly vốn là một nghệ sĩ rất biết và thích thưởng thức những bài thơ, bài ca có chân giá trị. Vì vậy khúc hát đầy lời trong sáng, có âm điệu du dương, tả những cảnh khoáng đãng, phong quang, những tính tình tự do, phiêu lãng làm cho người nghe phải tấm tắc khen thầm tác giả.
Nhưng hạng bạo quân bao giờ cũng đặt lòng tự tôn, tự ái lên trên lòng phục thiện lân tài. Mà trong bài hát kia, những ý tự do, vùng vẫy, luôn luôn, xen lẫn, đối chọi với những ý xiềng xích, trói buộc, như thế thực là xúc phạm tới lòng tự tôn tự ái của Quý Ly, nhất là thi sĩ lại ví bọn cung phi với con chim trong lồng ngắm khoảng trời xanh mà hối tiếc một đời ân ái.
Lòng phẫn nộ sôi sùng sục, khác nào lửa cháy đổ thêm dầu, Quý Ly tuốt thanh bảo kiếm cầm lăm lăm ở tay, chạy thẳng vào tây cung, tới buồng có tiếng ca ngâm ai oán.
Nhưng, kinh ngạc xiết bao! Trước tấm nhan sắc lộng lẫy của mỹ nhân, lòng bạo ngược của vua biến mất, khác nào bị mặt trời buổi sáng chiếu rọi, đám sương mù u ám không trung.
Quý Ly vứt bảo kiếm xuống đất, ngây người đứng nhìn rồi tươi cười hỏi:
- Ái khanh hát bài gì thế?
Cung phi kinh hãi quỳ xuống thưa:
- Muôn tâu bệ hạ tha tội cho thần thiếp.
Quý Ly lại gần người yêu, đỡ dậy mà dịu dàng bảo rằng:
- Tha thì cố nhiên là trẫm tha, nhưng ái khanh phải trình thực trẫm hay, ai làm ra bài ca mà ái khanh vừa hát đó?
Cung phi se sẽ nói:
- Muôn tâu bệ hạ, thi sĩ là một người học trò nghèo ẩn dật.
- Tên nó?
Cung phi ngần ngừ lo sợ, cúi đầu đứng im.
- Ái khanh cứ nói, dù người đó là ai đi nữa, trẫm cũng ân xá.
Thì thào như hơi gió thoảng, cái miệng xinh xắn âu yếm đọc tên:
- Trần Can.
Tức thì Quý Ly chau mày hét lớn:
- Ai chứ, Trần Can thì nó phảỉ chết!
Cung phi nằm phục xuống đất kêu van:
- Muôn tâu thánh thượng, thánh thượng mà ra lệnh hành hình kẻ sĩ, thì chính thần thiếp đây can phạm tội giết người. Vậy nếu thánh thượng không mở lượng hải hà mà tha thứ cho Trần Can thì xin trước hãy chém đầu thần thiếp.
*
Cái nhan sắc nghiêng thành của cung phi đã bảo toàn được tính mệnh thi sĩ.
Nhưng trong túp lều tranh đầy hoa và ánh sáng. Trần Can vẫn viết những thi ca, âm điệu hùng tráng, ý tưởng mãnh liệt để ca tụng công đức của các danh tưóng đời Trần và mạt sát những hạng bầy tôi bất trung cướp nước
Nhưng Quý Ly một ngày một khôn khéo. Nên hiểu rằng về phương diện chính trị, về cách thu phục lòng người, sự mềm dịu, ngọt ngào công hiệu hơn sự hung tàn, kịch liệt. Và nghĩ thầm: “Chém giết mãi, bao giờ cho hết kẻ phản đối! Chặt đầu này, đầu khác mọc. Mà những tên kia sẽ trở nên bất tử, và tác phẩm của chúng vẫn cứ lưu truyền về đời sau. Nào có ích gì cho ta”.
Liền theo mưu kế Thái sư, sai quan đem vàng, bạc, gấm vóc, đến nơi lều tranh tặng Trần Can mà úy lạo rằng:
- “Bệ hạ trọng tài hiền sĩ nên ban thưởng để làm gương cho văn nhân trong nước”
Trần Can nhất định từ chối không nhận mảy may.
*
Ba lần Quý Ly mua chuộc lòng Trần Can, ba lần Trần Can từ tạ. Trần Can không nhận cung nữ và tước vị, cũng như chàng không nhận bạc, vàng, gấm vóc. Mà thi ca chàng viết ra càng nhiều, càng nhiễm ý tưởng chua chát, gay go!
Lần thứ tư, Quý Ly sai quan đến nơi lều tranh bảo cho Trần Can biết rằng, nếu không thôi ngâm vịnh thì sẽ bị mất đầu. Trần Can lạnh lùng đáp lại:
- Đầu ta có thể rời mình, nhưng linh hồn ta thì gươm nào chém được!
Viên quan đem lời ấy về tâu với Quý Ly, Quý Ly uất ức than thầm:
“Trời ơi! Toàn nước Đại Ngu ta thu vào trong bàn tay sắt dễ như chơi, thế mà linh hồn một tên hàn sĩ, ta há không khuất phục nổi chăng?
…Nhưng khúc hát đầy lời trong sáng có âm điệu du dương, tả những cảnh khoáng đãng phong quang, những tính tình tự do phiêu lãng vẫn văng vẳng ở tây cung đưa ra.
*
Quý Ly vào tây cung vui vẻ bảo cung phi:
- Ái khanh hát hay lắm. Nhưng kẻ làm ra bài hát không còn nữa.
Cung phi ngây cười, đờ mắt đứng nhìn, chưa dám hỏi, Quý Ly tiếp luôn:
- Nó chết rồi… vừa… hành hình xong!
Cung phi bỗng ngất người nằm vật xuống đất, mồm ú ớ nói mê. “Trời ơi! Anh Trần Can…”
Quý Ly sung sướng vì đã đoán được tâm lý Cung Phi, lãnh đạm mỉm cười đứng nhìn như cái xác không hồn:
- Được rồi! Được rồi!
Ngay buổi trưa hôm ấy, viên đao phủ điệu đến sân rồng một người bé nhỏ: đó là thi sĩ Trần Can. Ngồi chót vót trên ngai cao, Quý Ly cười hỏi:
- Mi không sợ ngục thất! Vậy mi có sợ lưỡi gươm sắc kia không?
Trần Can chỉ cười mát mà không trả lời.
Quý Ly nói tiếp:
- Nhưng mi đừng tưởng ta giết mi một cách giản dị như thế đâu. Và ta không muốn để mi chết uổng mạng mà không cho mi đạt lời nguyện vọng cuối cùng. Vậy mi có ao ước điều gì, ta cho phép mi tâu.
Trần Can vẫn giữ nét mặt tươi tắn đáp lại:
- Tôi chỉ ao ước có một điều này: Là sau tôi, không ai bị giết oan nữa.
Quý Ly cười khanh khách:
- Nhưng trước mi thì được chứ?
Liền cho điệu Cung phi ra. Trần Can nhác trông thấy mặt bỗng tái xanh, chân tay run lẩy bẩy. Viên đao phủ vừa giơ đao chém, thi sĩ vội kêu:
- Chém tôi thì cứ chém, sao nỡ hành hình Cung phi vô tội, đã vô tình ngâm những tác phẩm của tôi.
Quý Ly xuống lệnh cởi trói cho hai người, rồi ôn tồn bảo Trần Can:
- Ta sẵn lòng ân xá cho cung phi và cả nhà ngươi nữa, nhưng ngươi phải theo một điều khoản này… là từ nay ngươi thôi không được làm một bài thơ nào hết. Vậy ngươi có ưng thế chăng?
Trần Can đành phải tuân lời, làm tờ cam đoan.
Chàng không muốn vì chàng mà kẻ khác chết oan, nhất là kẻ ấy đã đem tấm ái tình trong sạch, mơ mộng, chân thành mà kính thờ chàng trong đáy tâm can, cho dẫu ngày nay đã trở nên một vị hoàng phi sủng ái.
*
Giữ lời cam đoan, hai năm ròng. Trần Can không viết. Cây bút cắm trong ống xứ ngọn thỏ đã se. Tập hoa tiên xếp trong thi đồng mầu hồng đã bạc. Mà cây đàn nguyệt treo trên tường giây tơ đã đứt từ lâu, nhện giăng mạng đầy trên các phím…
…Bỗng hôm nay, mồng một Tết nguyên đán, ngồi trước khóm cúc, cành đào, phảng phất mùi hương trầm gợi nguồn thi tứ, Trần Can cảm thấy những tính tình xưa bồng bột trong lòng, nào yêu nào ghét, nào căm tức oán hờn.
Chàng liền đem rượu ra uống thật say và lấy giấy tơ mới lựa vặn đàn xưa, rồi tay gẩy, miệng hát một bài ca trường thiên để tả nỗi lòng bấy lâu đau đớn.
Bao ý tưởng nung nấu trong trí nghĩ, hôm nay phát ra lời thơ, càng thêm sắc sảo, mạnh mẽ, dù ở những đoạn tả sự lầm than của trăm họ.
Về đoạn cuối lời văn càng lâm ly thống thiết. Thi sĩ nói thẳng với bạo quân, đại ý:
“Hỡi Hồ Quý Ly! Ta đã để cho ngươi cắt đứt lòng trung với vua của ta, ta đã để cho ngươi chiếm đoạt trái tim vàng của ta. Nhưng còn linh hồn ta, ta cam đoan rằng muôn nghìn năm không ai ức chế nổi, tấm linh hồn tự do của nhà thi sĩ tự do”.
Hát xong, Trần Can lấy bút mực chép lại bài ca vào giấy hoa tiên, rồi uống thuốc độc tự tử.
Chung quanh tiếng pháo nổ ran như để tiễn mừng linh hồn Trần Can đã thoát ly ra ngoài vòng kiềm tỏa.
1934