Anh Cán xin đi Nam kỳ!
Câu chuyện đồn ran trong sở Lục lộ.
Từ ông Tham Tê cho đến chú loong toong Bé, ai ai cũng đều lấy làm ngạc nhiên về cái tin quái gở.
- Chả có lẽ.
- Thì thứ hai sau anh ấy đáp tàu vào Nam kia kìa.
- Lạ nhỉ.
Mà lạ thực, suốt hai mươi năm ông Ký Cán làm việc ở sở Lục Lộ, ít khi ông ra khỏi thành phố Hà Nội, chẳng biết Yên Phụ ở về phía nào, làng Bạch Mai đường gần hay xa. Sao nay lại có ý tưởng ngông cuồng xin đi xa lắc xa lơ như thế. Cũng chẳng phải có điều gì làm mất lòng quan trên mà phẫn trí. Trong hai mươi năm trời, từ mười bẩy tuổi cho tới nay băm bẩy, từ khi lương còn hai mươi lăm đồng cho đến tăng gần tám chục. Ông Ký Cán vẫn làm tròn bổn phận, sổ không cộng sai một cột, tiền không hề thiếu một hào. Đối với quan trên, ông là người được việc, cùng anh em đồng sự là người bạn tốt, hiền lành ít nói.
Ông Tham Tê thì thầm với ông Phán Cơn:
- Có lẽ từ ngày vợ nó chết, nó buồn bực, phát cáu.
- Khô…ông, nó lấy con đầu Lan đã gần hai năm nay. Buồn gì mà buồn.
*
Đầu Lan ở Tuyên Quang về Hà Nội, mở nhà hát ở phố Khâm Thiên được một tháng thì tình cờ gặp ông Ký Cán. Hồi đó, nhân vợ mới chết, ông Ký tháng ngày âu sầu phiền não, nên anh em thương hại đến rủ đi đập trống cho khuây khoả. Ai ngờ duyên trăm năm ông tơ định sẵn từ xưa, chẳng bao lâu đầu Lan đã trở nên bà Ký.
Về nhà ông Ký, Lan tỏ ra con người đảm đang đứng đắn, làm lụng suốt ngày, nên được chồng yêu thương vị nể. Duyên càng đượm tình càng nồng trong khoảng một năm trời tình keo sơn như ngày thêm khăng khít.
Bỗng hơn tháng nay, Lan đổi hẳn tính nết. Trước chăm chỉ bao nhiêu thì nay lười biếng bấy nhiêu, khi chồng ở nhà thì chỉ ngủ. Chồng đến sở là nhảy tót đi chơi, sáng gần mười một giờ, chiều gần năm giờ mới về. Trước thùy mị, ngọt ngào biết mấy, nay thì cau có gắt gỏng suốt ngày. Chửi mắng đầy tớ lèm bèm, bắt bẻ vẽ họe chồng từng tý.
Chồng thấy vợ thế, càng chiều. Lạ gì hạng người nhu nhược. Bao nhiêu lỗi thường cho là ở mình cả. Có khi lẩn thẩn ông Ký nghĩ quanh: Nó quen sung sướng, được bao công tử chiều chuộng xưa nay. Lấy mình là một sự bất mãn. Ta còn có vẻ gì đẹp trai nữa mà bảo nó thích được. Thôi, ta cố làm cho nó bằng lòng, vận mạng nó đã gửi vào tay ta kia mà.
Từ đó ông Ký cố đi kiếm thêm việc ngoài làm cho rộng tiền tiêu, chịu khó lần mò tìm đến xin việc các nhà buôn mượn thầy giáo trông coi việc học cho con. Như thế có tháng kiếm được đến ba bốn chục bạc… Trong khi ấy thì Lan vẫn buồn… Khốn nạn, còn biết làm thế nào cho vui lòng người yêu chẳng đừng được, ông Ký ngỏ lời hỏi vợ:
- Vậy mợ muốn gì?
Lan nũng nịu:
- Em chỉ muốn đi Saigon.
*
Thế là ông Ký Cán đệ đơn xin đổi đi Nam Kỳ. Hôm nay ở sở về, ông Ký cầm chiếc phong bì vàng to tướng hớn hở bảo vợ:
- Được rồi.
- Được cái gì?
- Đi Saigon.
- Thế à cậu. Trời ơi cậu yêu em quá. Thế bao giờ đi hở cậu.
- Thứ hai sau.
- Chết, thu xếp sao kịp. Xin hoãn được không cậu?
- Không được.
- Nhưng còn bát họ đằng bà Tham Công, mãi cuối tháng người ta mới…hay cậu vào trước, em thu xếp xong vào sau.
Ông Ký ngần ngừ:
- Thôi cũng được.
Trong tuần lễ trước ngày ly biệt, vợ chồng ông Ký âu yếm nhau không siết kể. Ông Ký thấy vậy cảm động:
- Mình yêu tôi quá!
- Chả yêu mình còn yêu ai! Rõ lẩn thẩn lắm!
- Ba bốn tháng nay tôi không được mình yêu như thế, tôi đã ngờ mình chán tôi rồi.
- Không nên ngờ hão biết chưa?
Hai cái hôn theo liền câu mắng yêu làm ông Ký càng cảm động nước mắt chảy trên hai gò má.
*
Nửa tháng sau, trong phòng ngủ nhà ông Tham Ái, Lan đứng trước tủ gương chải đầu, tủm tỉm cười với bóng, có vẻ tự đắc rằng mình vẫn đẹp.
- Cậu.
Trên giường Hồng Kông, cậu tham ngủ mệt vẫn không thưa.
Lan đến bên lấy tay lay mạnh:
- Dậy đi làm chứ cậu, gần bẩy giờ rồi.
Ông Tham Ái thức choàng, ngồi nhỏm dậy, như người tỉnh giấc chiêm bao:
- Cái gì thế mợ?
- Bẩy rưỡi rồi, dậy đi làm, này cậu… Cậu có biết vì sao em yêu cậu không?
- Không.
- Tại cậu ngoan, dễ bảo nên em yêu nhé. Vậy em bảo cậu dậy sao cậu còn nằm lỳ ra đây.
- Ừ…thì dậy này.
- Cậu ạ, hôm nay nó đến nơi rồi đấy nhỉ? Đến Saigon ấy mà.
- À, gớm thằng cha gàn quá. Không biết nó đi Nam Kỳ làm cái thớ gì thế?
- Nhưng nó không gàn, không ngu thế thì dễ thường cậu đã lấy được em, Cậu ạ!... Em mà không lấy được cậu thì nay em khổ quá nhỉ? Cậu nhỉ.
- Em Lan báu cậu quá.
*
Ông Tham Ái làm việc tại phòng giấy phủ Toàn quyền, lương ngoài trăm tám, hèn gì mà Lan chẳng thích hơn Ký Cán, thích hơn ngay từ ba tháng trước khi Ký Cán đi Nam Kỳ… Và Tham Ái là người hoàn toàn đủ nết tốt: trai trẻ, chưa vợ, mồ côi cha mẹ, Lan lẩm bẩm thường nói một mình:
- Lấy nó thì tha hồ làm mẹ nó.
Được chưa gần nửa năm, Lan gần như làm mẹ thật.
Mà có khó gì đâu, chỉ đem cái chính sách đã thi hành với người chồng thứ nhất: Yêu rồi… lấn.
Nhưng thường trong tình giới hai cái tính tình ấy không thể đi đôi với nhau được. Người nào mình đã lấn nổi thì khó lòng mà yêu được. Lúc đó những tính xấu của người yêu sao hiện ra lắm thế. Nào những nó nhu nhược, nó gàn, nó nói ngang như cua. Đến cái tình ân ái nồng nàn của ai, mình cũng cho là một tật xấu: “Gớm! thằng cha si tình ngu ngốc bực mình chết đi được”.
Tới trình độ ấy, thì bao cảm tình đã đổi ra lãnh đạm rồi, mà từ lãnh đạm đến ác cảm chỉ có một bước.
Đến nỗi ăn ở với nhau có chín tháng, trong buồng ngủ ông Tham Ái đã xảy ra tấn bi hài kịch sau này:
Lan nũng nịu nói với chồng:
- Cậu ơi, cậu có còn yêu em nữa không?
- Em không trông thấy à? Bây giờ cậu yêu em, lại gắp trăm gấp nghìn ngày cậu mới biết em.
- Thế cậu có chiều em không?
- Chả chiều em thì chiều ai?
- Em muốn gì cậu cũng cho nhá.
- Cũng cho
- Cậu có biết tại sao ít lâu nay em hay buồn bã gắt gỏng không?
- Tại em không yêu cậu nữa.
- Không phải nhá. Tại em chỉ muốn đi Saigon. Vậy cậu làm giấy xin đổi vào trong ấy cho em theo vào nhá, cậu nhá!
- Đi Nam Kỳ.
- Ừ, đi Nam Kỳ nhá, cậu nhá.
Ông Tham ngẫm nghĩ… thở dài nói một mình.
- Đi Nam Kỳ.
1932