Bắt đầu từ đó, tôi ăn không ngon, ngủ không yên luôn luôn bị lương tâm cắn rứt. Kể thì tội tôi cũng không to gì cho lắm vì nào tôi có biết đâu rằng người ta có chồng. Hơn nữa, nào tôi đã “chỉ non thề biển” gì với người ta cho cam. Chẳng qua chỉ vì quá hãnh diện với anh em trong phút chốc, mà tôi đã chuốc cái vạ tầy đình vào thân.
Cố nhiên là những ngày chủ nhật và thứ năm, tôi không dám ra nhà cô tôi nữa. Cho cả đến hiệu Gô-đa tôi cũng không dám bén mảng tới, vì tôi chắc rằng đến đó thế nào cũng gặp mặt người thiếu phụ.
Nhưng tôi giữ gìn bao nhiêu, “người ta” càng táo bạo bấy nhiêu. Hình như “người ta” không coi dư luận vào đâu nữa. Chẳng thế mà biết bao lần, những hôm chủ nhật và thứ năm, vừa thò đầu ra cổng trường định đi chơi phố, tôi đã thoáng thấy bóng người đàn bà đứng nhìn tôi sau một gốc cây lớn ở vệ đường bên kia. Nhiều khi anh em bạn lại làm cho tôi thêm cuống quýt hổ thẹn, vì họ kêu la inh ỏi cái câu độc địa:
“Kìa… Chị thằng Văn đã đến đón nó kia rồi!”
Thực nếu ở cái đời người này mà có thể gọi được là một sự khốn nạn, khổ sở, đau đớn thì cuộc tình duyên “khôi hài” của tôi với người đàn bà có chồng ở phố Vải thâm là một: Nhất là từ hôm sự bí mật đã nổ bung ra vì những lời bẽo lẻo của mấy người bạn. Rồi chẳng bao lâu, cả trường Cao đẳng đều biết rằng tôi phải lòng một người đàn bà có chồng. Họ khen ngợi khoa chim gái của tôi, coi tôi như một chàng Don Juan. Họ mỉa mai khinh bỉ tôi, liệt tôi vào hàng công tử bột đê hèn. Thôi, chẳng còn ai là không biết tên tôi, Có kẻ thấy tôi hiền lành bẽn lẽn (mà tôi hiền lành, bẽn lẽn thực) thì cho ngay là tôi khéo đóng vai nhu mì trong hạng giả đạo đức. Nói tóm lại, họ cho tôi là một người kỳ dị, bí mật rất nên xa lánh.
Cái “đại danh” của tôi từ trường lan ra phố rất mau. Không đâu là không biết đến, là không bàn đến chuyện một cậu Cao đẳng chim vợ người. Rồi cái tin kia dần dần sai lạc đi, vì người ta thêm thắt bịa đặt mãi ra. Sau cùng, câu chuyện ngã ra thế này: Một sinh viên Cao đẳng tên là Văn chim vợ một người bạn rất thân, thường mời anh kia về nhà chơi bời ăn uống.
Tôi lặng lẽ chịu những lời hình phạt. Đó là bởi cái tính nhút nhát, thẹn thùng tự nhiên của tôi. Nhưng người ta không cho là thế, người ta lại bảo: Yên lặng là thú nhận.
Thế rồi… sau hết cả mọi người, anh chồng khốn nạn, khốn nạn như anh tình nhân khốn nạn này, biết tin có vợ ngoại tình. Sự bất hòa trong gia đình tất sao chẳng có.
Hôm nghỉ tết, tôi lén ra nhà cô tôi trước khi về Thanh, thì kinh hãi xiết bao, tôi được tin người thiếu phụ trước cửa đã bỏ nhà đi trốn, mang theo một số tiền hơn bảy trăm bạc.
Hẳn là tôi không buồn phiền như khi xưa được tin Thi theo trai. Nhưng tôi lại lo sợ nếu người ta ngờ diệt cho tôi quyến rũ người đàn bà dại dột kia thì danh giá tôi còn ra chi.
Tôi mang theo cái ý tưởng hoài nghi ấy về tận đến Thanh (tỉnh Thanh là quê tôi, và khi ấy, đã trí sĩ, cha mẹ tôi về ở đấy). Cha mẹ tôi vui mừng gặp con. Tôi đem việc học hành ra trình bày. Lòng tôi vui vẻ, hớn hở vì cái không khí quê hương nhắc tôi nhớ tới bao nhiêu kỷ niệm buổi ngây thơ, và làm tôi quên hẳn được những sự nhỏ nhen, bẩn thỉu mà người ta muốn rẩy vào người tôi.
Nhưng sự vui hão huyền, không cỗi rễ của tôi chẳng được bao lâu đã mất. Sáng hôm sau, nhân hỏi thăm cô tôi, cha tôi lại nói chuyện đến những người quen biết ở Hà Nội, nhất là ở hai phố Vải thâm, Phúc Kiến, nơi mà cha tôi có nhiều người quen biết thường mời đến nhà đánh tổ tôm, khi cha tôi ra chơi Hà thành:
- Con có biết ông tham V… ở phố Phúc Kiến không?
- Bẩm, không.
- Hôm qua, con gái ông ta đến chơi, nói có biết cô con và con. Chẳng hiểu nó về Thanh làm gì thuê cái nhà rộng rãi ở ngay trước cửa nhà ta.
- Bẩm, thế à? Nhưng con bận học quanh năm trong trường, có mấy khi ra phố mà quen ông tham nào đâu.
Mẹ tôi nói:
- Có lẽ nó lầm.
Nhưng, quả thực “nó” không lầm. Vì ngay lúc ấy, “nó” đã dẫn thân đến ngay trước mặt cha mẹ tôi, khiến tôi suýt nữa chết ngất. “Nó” nào phải ai xa lạ, chính là người đàn bà có chồng ở phố Vải thâm. Thì ra cha mẹ tôi không biết rằng “nó” đã “xuất giá tòng phu” mà vẫn tưởng “nó” còn là con gái “quý tử” của ông tham Phúc Kiến.
Tôi cố nén lòng căm tức, ngồi hầu cho hết câu chuyện, rồi khi cô ả trở về, tôi chạy một mạch đến nhà bưu chính, đánh luôn một bức điện tín nặc danh cho chồng cô ả biết rằng cô ta hiện nay ẩn núp ở Thanh Hóa! Tôi chỉ sợ cô ta nấn ná ở đây thì ba ngày Tết trở nên ba ngày địa ngục cho tôi.
Quả nhiên tối hôm ấy, bên nhà trước cửa có tiếng cãi cọ, rồi sáng hôm sau, sáng hôm ba mươi Tết, tôi thấy cái nhà ấy vắng ngắt bóng người. Ý chừng, anh chồng đã đến lôi chị vợ về Hà Nội.
Nhưng sáng mồng hai Tết, tôi nhận được một bức thư ở Huế gửi ra. Tôi lo ngại ngắm nghía phong bì, vì tôi không quen biết ai ở Huế hết, mà chữ viết ngoài bì thì hình như quen quen… Thôi chết, hay là…
Tôi vừa ngần ngừ vừa xé phong bì ra thì quả thực đó là thư của cô Bảo (Tôi nói thế là vì dưới thư có ký: em Bảo của anh). Trong thư, người đàn bà lãng mạn cho tôi biết rằng người ấy hiện ở Huế, trong một gia đình quý phái và nóng lòng đón tôi để cùng nhau hưởng hạnh phúc ái tình.
Cố nhiên tôi không trả lời, và hết ba ngày Tết, tôi vội xin phép cha mẹ ra ngay Hà Nội, nói để học cho kịp kỳ thi lên lớp. Cha mẹ tôi tấm tắc khen ngợi tôi rồi để cho tôi đi, nào có ngờ đâu rằng tôi trốn một người tình bất đắc dĩ.
Nửa tháng sau, vô tình, tôi ôn lại một lần nữa cái cảnh hội kiến khôi hài, mà lần này cũng vào quá chín giờ tối như lần trước. Dưới màn mưa tầm tã, người đàn bà đứng nhí nhảnh nói chuyện, dẫu tôi nhất định không nghe, nằng nặc đuổi người ta về. Nhưng tuy tôi nói không nghe, mà vẫn nghe, tuy tôi biết người ta khổ sở vì bị chồng và nhà chồng khinh bỉ.
Rồi người đàn bà lại như lần trước, đưa cho tôi một gói rất to, nói là nhà tôi ở Thanh gửi ra cho tôi. Tôi không nhận, vì tôi biết đích rằng người ấy nói dối. Tôi vừa tiếp được bức thư cha tôi gửi ra mắng nhiếc tôi và bắt tôi phải cự tuyệt ngay lập tức. (Về sau tôi mới biết rằng người chồng cô ả vào Thanh mách cha mẹ tôi)
Đêm hôm ấy, tôi không nhắm mắt, suốt sáng loay hoay với những tư tưởng hắc ám.
Vì lúc từ biệt tôi, người thiếu nữ nói với tôi một câu rất tối nghĩa ghê gớm, mà có lẽ suốt đời tôi, tôi không bao giờ quên:
- Được! Anh là một người rất đáng khinh. Bây giờ giá anh lạy van tôi để tôi yêu anh, tôi cũng không thèm nhìn mặt anh nữa vì anh là một người khốn nạn có những tính tình khốn nạn, trái ngược với lời thành thực viết trong những bức thư nồng nàn mà anh gửi cho tôi. Bây giờ vì anh, tôi đã trở nên một người đàn bà hết hy vọng thì tôi cũng chẳng nên sống trên đời này nữa.
Dứt lời, người đàn bà lên xe đi thẳng. Mưa vẫn tầm tã rơi trên đường đá loang loáng ánh đèn điện. Tôi quay vào lớp học, ngồi bưng mặt khóc.
Tôi khóc, không phải tiếc cuộc tình duyên đoạn tuyệt vì tôi có tình duyên gì với người thiếu phụ. Tôi khóc, không phải vì tôi tự khinh bỉ tôi. Tôi chẳng làm gì đáng tự khỉnh bỉ tôi. Tôi chẳng làm gì đáng khinh bỉ: Lời thành thực giả dối trong những bức thư nồng nàn kia nào tôi có viết ra đâu, mà có khi tôi cũng không đọc tới nữa. Tôi khóc, chỉ vì tôi thương cho số phận tôi gặp toàn những sự chẳng may.
Anh em bạn xúm lại an ủi tôi bằng những lời bông đùa làm cho tôi bật buồn cười rồi tôi cười mãi mà nhớ đến lá số tử vi của tôi, nhớ đến câu lập thành về cung thê thiếp của tôi: “Nhất, Đồng nhiều vợ mà hiền”.
Nhưng tôi im bặt tiếng cười, khi nghe anh Trấn dọa rằng chuyến này tôi đến ngồi tù, vì một là người đàn bà kia đi tự tử, hai là người ấy sẽ bị phu xe bóc lột và giết chết. (Cách mấy hôm trước, ở vườn Bách thú, cũng vào quãng chín, mười giờ tối, vừa xảy ra một cái án mạng như thế) Thế là đàng nào tôi cũng bị tội. Tôi thì tôi không lo lắm, vì dẫu tôi có ngồi tù đi nữa, cũng là đáng kiếp cho tôi. Nhưng tôi chỉ lo người đàn bà kia tự tử hay bị giết chết. Nếu sự đó xảy ra thì thực tôi sẽ hối hận suốt đờí.
May mà sự đó không xảy ra!
Thế rồi trong gần nửa năm trời không dám thò mặt ra phố. Vì tôi hổ thẹn lắm, đi tới đâu cũng bị người ta thì thầm chỉ trỏ. Dẫu tôi không nghe rõ lời người ta bình phẩm, tôi cũng đoán chắc rằng đó không phải là những lờì khen ngợi.
Mãi về sau, tôi mới rõ vì đâu mà có những lời thì thầm ấy. Nguyên cha tôi có quen thân với ông đốc học trường thuốc, nên những ngày nghỉ, tôi thường lui tới nhà ông. Thấy thế, một ông nhà giàu nhờ tôi xin với ông đốc cho con ông vào học trường thuốc. Nể lời, tôi cũng xin liều hộ, và tôi không quên nói với ông đốc rằng người học trò kia là em họ tôi. Cũng tưởng xin phiệu như thế thì chẳng ăn thua gì, ai ngờ lại được ông nhà giàu kia tạ ơn tôi trăm bạc. Gặp lúc túng tiền tôi nhận ngay, rồi đi sắm sửa quần áo thực là sang trọng.
Anh em bạn và những người quen thuộc, cho đến cả cô tôi và các em con cô tôi đều yên trí ngay rằng tôi lấy tiền trong số bảy trăm bạc của người thiếu phụ mà may mặc sắm sửa, vì ai ai cũng biết tôi kiết lắm, thường không có một xu dính túi.
Nhưng bị mọi người khinh bỉ không đau đớn cho tôi bằng hôm nghỉ hè về nhà nhận thấy nét mặt lãnh đạm của cha tôi. Trong hơn tháng trời tôi không được cha tôi hỏi qua một câu. Hơn nửa, cha tôi không thèm nhìn tới mặt tôi mà cha tôi cho là “một thằng khốn nạn”
Năm sau, tôi đã hầu quên câu chuyện thương tâm. Một hôm ra chơi nhà cô tôi. Tôi được nghe đoạn kết tấn bi hài kịch: Người thiếu phụ lạy van xin lỗi chồng, nhưng người chồng không sao tha thứ được, đến nỗi vợ hắn sinh đứa con gái đầu lòng, hắn cũng ngờ vực là con tôi. (Lạy trời! Trời biết cho rằng kẻ có tội này không phải là cha đứa bé vô tội). Rồi bực tức, người chồng bỏ sang Pháp thề rằng không đậu cao hơn tôi thì nhất định không về nước. Nhưng than ôi! Mới được mấy tháng, phần vì yếu đuối không chịu nổi thủy thổ xứ lạnh, phần vì đau đớn vì nỗi vợ con không ra gì, người ấy đã bỏ mạng bên Pháp.
Về phần tôi, cũng không còn lạc thú gì chờ đợi tôi ở nước nhà nữa. Sống với lòng khinh bỉ của mọi người thì sống làm chi. Tôi liền xin phép cha mẹ tôi sang Pháp. Hiểu thấu tình cảnh chua chát của tôi và biết rằng nếu để tôi ở nhà thì không học được nữa, cha mẹ tôi bằng lòng cho tôi đi tây.
Thoát nạn!
Đó là lời reo mừng của tôi khi tôi ngồi một mình trên toa xe lửa vào Vinh. Nhưng chỉ hôm sau là tôi hiểu ngay rằng cái “Số Đào Hoa” tàn tệ còn giàng buộc mãi con người vô duyên.
Vào tới Huế, vừa thuê xong buồng ở nhà khách sạn, thì người bồi đến bảo tôi có ai gọi máy nói. Một phút sau, tôi đã biết rằng người ở đầu giây bên kia là một người đàn bà ở cách tôi chỉ độ vài trăm thước và rất kính phục cái đại danh của tôi. Tôi vừa sợ hãi, vừa buồn cười, nghĩ thầm đến cái đại danh khốn nạn của tôi.
Nửa giờ sau, quả có một người đàn bà trắng trẻo, béo tốt, đi ô tô đến khách sạn thăm tôi và bảo cho tôi biết rằng chồng nàng là bạn thân của tôi. Rồi nàng ngồi thuật lại cho tôi nghe những “công trình ghê gớm” của tôi về đường tình ái mà chính tôi, tôi cũng không hay.
Chiều hôm ấy, như người đi trốn, tôi hấp tấp ra Tourane, tuy mãi hôm sau mới có chuyến tàu đi Pháp. Tôi sợ cái bà tự xưng là vợ bạn tôi, đem ô tô đến tiễn tôi như lời bà đã hứa. Rồi mấy tháng sau, tôi bắt đầu thấy cái không khí tự do ở bên Pháp.
Đến đây là hết những trang lịch sử của một đời tình ái.
Trước khi từ biệt nhau, tôi xin độc giả tha lỗi cho tôi đã làm mất biết bao nhiêu thì giờ quý báu.
Tôi lại xin bà X… xá cho tôi cái tội vô tình làm hại một đời bà. Ngày nay thực là ngày xám hối của chúng ta. Bà thì mồ côi cả hai bên cha mẹ, ở góa nuôi con, tôi thì chiếc thân phiêu lưu, rày đây mai đó. Chúng ta còn kéo dài mãi cái đời vô vị của chúng ta để làm gương cho bọn hậu sinh mơ mộng.
Sau hết, tôi không quên cảm ơn Khái Hưng, người đã vì tôi, vì những sự khờ khạo đáng thương, mà chép ra đây một quãng đời đau đớn của tôi.
Đời còn dài, và độc giả và Khái Hưng, và tôi, chúng ta còn có lần gặp nhau.
Rồi, anh Khái Hưng ơi, một đêm dưới ánh đèn lờ mờ trong phòng lạnh lẽo…
VĂN