Tôi ra tới đường, khoan khoái dễ thở, nhất là đưa mắt ngó tứ phía lại không thấy bóng người thiếu nữ đâu nữa.
Trước khi trở về trường, tôi chia tay cùng anh Ngọc, nói xuống phố có chút việc, kỳ thực tôi chỉ cốt để anh Ngọc ngờ rằng tôi đến nơi hẹn hò nói chuyện với tình nhân. Quả nhiên anh ngờ thực, liếc mắt nháy tôi và thì thầm:
- Đi tìm cô ả ban nãy phải không?
Tôi bắt tay không nói gì, khiến anh Ngọc càng thêm ngờ vực. Rồi tôi lên xe trỏ phía trước mặt bảo kéo, vì tôi cũng chẳng định đi đâu, quý hồ lượn vài vòng để về trường có thể khoe khoang đi với bạn tình là được rồi.
Qua phố Hàng Bồ, tôi bảo anh xe đỗ lại, vào một hiệu khách mua gói thuốc lá. Tôi đương trả tiền bỗng thấy động ở túi đồng hồ. Tôi quay lại: Cô thính giả ban nãy đã cầm chiếc khăn thêu của tôi và nhoẻn miệng cười hỏi một cách ỡm ờ:
- Ai tặng anh thế?
Nhẩm đọc hai chữ, cô ta nỏi tiếp:
- Cô V…hay cô B… hay cô A… tôi biết rồi. Cô B. vì tên anh là Văn.
Cô ta lại rủ tôi đi chơi, nhưng tôi quả quyết từ chối nói phải về trường ngay để ăn cơm chiều.
- Cũng được. Vậy anh cho em cái khăn này nhé?
Cô vừa nói vừa dúi vào tay tôi một cái phong bì. Tôi ấn vội bức thư vào túi, rồi ngả đầu chào, hấp tấp ra xe. Nhưng cô ta đã chịu buông tha đâu, còn theo ra đường xoắn suýt hỏi:
- B… là ai thế anh?
Tôi trả lời vơ vẩn mãi không xong, đành đem chuyện thực ra kể qua cho cô nghe. Cô ta cười khanh khách, chẳng biết đó là cái cười vui thú hay cái cười chế nhạo.
Tôi tưởng thế là thoát nạn. Nhưng tôi lầm. Cô kia nhất định tiễn tôi ra đến tận xe mà thì thầm bảo cho tôi, biết rằng tôi với cô thực có duyên tiền định, vì tên cô là Bảo, nghĩa là cô biệt hiệu "B." thêu trong chiếc khăn.
Tôi tin cô lắm. Mà tôi không tin sao được?
Tối hôm ấy, dưới ánh đèn điện trong giờ học tối, tôi mở bức thư của cô Bảo ra đọc, cố nhiên là tôi không giấu nổi anh Ngọc. Và tôi cũng không có ý giấu anh ở trong Cao đẳng nhận được thư tình vẫn là một cái danh dự thèm muốn.
Bức thư ấy dài lắm, không tiện chép ra đây, chỉ xin độc giả biết cho rằng tác giả nó là một cô rất thơ mộng, rất lãng mạn và rất có tài thêu dệt những câu cẩm tú, vừa kêu vừa đẹp (vì chữ cô Bảo đẹp lắm)
Tôi phục lăn, mà anh Ngọc, tuy không bình phẩm, nhưng tôi chắc cũng phải tấm tắc khen thầm, vì có đoạn tả cái sầu man mác trong lòng anh đọc đi đọc lại đến ba lần.
Cuối thư, tác giả không ký tên (Trong những thư sau, người tình của tôi mới chịu ló cái tên Bảo ra). Chỉ thấy biên thêm những giòng chữ nhỏ:
“Bức thư này em viết trong một đêm đông, ngồi than thầm với bóng, trước ngọn đèn ủ rũ buồn tênh. Đã mấy lần em định gửi cho anh, nhưng đều không có dịp may mắn. Em đợi chiều mai anh đến nghe diễn thuyết ở nhà hội quán thanh niên (vì em chắc thế nào anh cũng đến), em sẽ trao cho anh cùng một lúc với trái tim đau đớn của em”.
Tôi sung sướng, không phải sung sướng vì tấm ái tình mới mẻ kia mà tôi đã bắt đầu ghê sợ, nhưng mà sung sướng được anh em ca tụng là một tay có tài về khoa tán gái. Thực ra khoa tán gái của tôi thì họa chăng chỉ có cô Thi, và tôi biết được chắc chắn nó cao đến bực nào. Song được anh em khen ngợi thì can chi mà chẳng nhận. Có ngờ đâu hãnh diện một lúc mà sau mang khổ một đời.
Anh Ngọc giục tôi trả lời ngay bức thư, nhưng tôi tỏ ý muốn tuyệt giao với Bảo (kỳ thực đã giao bao giờ đâu mà tuyệt giao). Anh khuyên tôi không nên thế. Tôi liền đem chuyện tình riêng khốn nạn cùng Thi thuật lại cho anh nghe và tôi không quên ôn lại cả câu thề độc địa của tôi. Anh Ngọc liền bảo tôi:
- Anh tưởng tuyệt giao mà tránh được sự phiền muộn à? Thực anh không có một chút kinh nghiệm gì về ái tình, anh phải biết người con gái kia yêu anh, mà bị anh ruồng rẫy hay không lưu ý tới sẽ trả thù anh một cách xứng đáng, sẽ bịa đặt ra chuyện nọ chuyện kia để hại anh, Chi bằng dù chẳng thích mặc lòng, anh cứ vờ làm ra mặt ưng thuận rồi nhạt dần thì hơn. Như thế, mình không mất lòng mà mình cũng chẳng thiệt gì.
Tôi tấm tắc thần phục khoa tâm lý phụ nữ của anh Ngọc rồi tôi nhờ anh thảo giúp cho bức trả lời, vì tôi thú thật với anh rằng lời văn “xích độc” của tôi rất kém. Anh cũng chẳng nề hà, nhận lời giúp tôi ngay. Sáng hôm sau, anh trao cho tôi một bức thư dài tới bốn trang đặc. Tôi toan cứ thế bỏ phong bì gửi cho cô Bảo nhưng anh Ngọc ngăn cản bảo tôi phải chép lại cẩn thận đã, anh gật gù tự khen:
- Bức thư này thì phải biết!
Rồi anh đọc cho tôi nghe một lượt. Quả thực tôi thấy lời văn có thể so sánh được với văn cô Bảo, cũng mơ mộng, cũng bóng bẩy rất nên thơ.
Nhưng còn phải chép lại. Tôi rất ngại điều đó, nhất là chữ tôi lại xấu lắm, nghệch ngoạc như gà bới vậy. Tôi liền nói khéo với anh Trấn (ngày nay anh làm quan ở hạt Nghệ An) và nhờ anh viết giúp.
Cố nhiên là tôi mong câu chuyện đến đó là kết thúc.
Nhưng không, nó còn dây dưa hàng tháng, hàng năm, và làm cho tôi tủi nhục đến tận ngày nay không mở mặt mở mày được.
Chiều hôm ấy, lúc sắp ăn cơm, người coi cổng đến tìm tôi, nói có một cô chờ tôi ở cổng trường để hỏi một việc rất cần. Tôi cuống quýt lo sợ, vì tôi đoán ra ngay là cô thính giả ở phố Hàng Vải thâm.
Quả không sai, cảm lời tình tứ trong thư cô vội vã đến thăm tôi, để tỏ nỗi yêu đương đằm thắm. Tôi cố giữ nét mặt vui tươi mà nghe cô than thở niềm riêng, vì nhớ lời anh Ngọc dặn, tôi chẳng dám làm phật lòng cô.
Từ đó, cách vài hôm, cô Bảo lại đến trường, khi mang cho hoa quả khi mang cho bánh trái, mang cho khăn thêu và áo gối. Anh em bạn thân cũng mừng rằng tôi có một người tình rộng rãi, và mỗi lần thấy bóng cô ả ở cổng trường các anh ấy lại bấm tôi:
- Kia, chị mày mang quà đến cho mày kia!
Về phần tôi thì thỉnh thoảng tôi cũng có trả lời những bức thư nồng nàn của cô Bảo, nghĩa là tôi nhờ anh Ngọc ráp hộ và anh Trấn chép giùm.
Cuộc tình duyên cách bức của chúng tôi thấm thoát đã được ba, bốn tháng, bỗng một hôm, cô tôi bắt gặp tôi ngồi ở cửa sổ trên gác nói chuyện bằng điệu bộ với cô láng giềng. Cô tôi im lặng làm ngơ, nhưng chờ khi ăn cơm xong, gọi tôi vào trong nhà, ôn tồn bảo tôi:
- Cháu phải lòng con bé trước cửa đấy à?
Tôi thẹn thùng không. Cô tôi chau mày nói tiếp:
- Chết, không nên, cháu ạ! Người ta có chồng, sao cháu lại thế?
Tôi sửng sốt trả lời:
- Chắc cô lầm đấy. Tên cô là Bảo kia mà.
Cô tôi gắt:
- Làm gì có cô Bảo cô biếc nào ở cái nhà ấy. Con Nhung đấy. Chồng nó học ở trường con tây, cô còn lạ gì. Vậy cháu thôi đi nhé, chẳng thiếu gì con gái đẹp. Cháu không nên dính dáng vào đám này, mà mang tai, mang tiếng chết. Cô xem ra nó lẳng lơ, đong đưa lắm đấỵ. Cháu phải liệu hồn, mà xa lánh nó ra.
Tôi nghe lời cô tôi nói, choáng váng tê mê cả người. Thì ra ngoài thiếu nữ kia dám đội cái tên Bảo vu vơ để lừa dối minh. Tôi quả quyết tuyệt giao. Tôi thề với tôi như thế (thề lần thứ ba rồi đấy). Rồi cơm sáng vừa xong, tôi lẩn thẩn vào trường.
Buổi chiều, khi người canh cổng mỉm cười và bảo tôi có cô mọi ngày hỏi thăm, tôi không tiếp, dặn người canh cổng ra nói tôi ốm. Anh Ngọc và anh Trấn kinh ngạc hỏi tôi vì duyên cớ gì, tôi lại vội vàng tuyệt tình như vậy. Tôi đem lời cô tôi thuật lại cho hai anh nghe và nói tôi đã quả quyết tuyệt giao. Hai anh vừa ngợi khen tôi, vừa tỏ ý khinh bỉ con người gió trăng bậy bạ.
Luôn ba hôm, cô ả đến thăm tôi, luôn ba hôm, tôi không ra tiếp. Hôm thứ tư, tôi nhận được một bức thư của cô ta, lờì lẽ thống thiết bi ai. Cô ta than phiền, oán trách người chồng ngu xuẩn của cô ta, mà cô ta cam đoan với tôi rằng thế nào cô ta cũng bỏ.
Tôi lo lắng đưa bức thư cho Ngọc xem và hỏi anh phải đối phó ra sao.
Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi viết bức thư phúc đáp, lời lẽ trang nghiêm và đầy những ý tưởng luân lý và triết lý, để khuyên người thiếu phụ kia một lòng đoan chính với chồng.
Hôm sau, bức thư của cô ả càng sầu thảm hơn. Trong thư, cô ta lại dọa tôi nếu chín giờ tối hôm đó, tôi còn lánh mặt cô ta nữa thì cô sẽ đâm đầu xuống hồ Gươm tự tử, trách nhiệm nặng nề sau này tôi phải gánh lấy.
Chẳng dừng được, anh Ngọc phải khuyên tôi tiếp cô ả một lần cuối cùng.
Buổi tối hôm ấy, tôi còn nhớ là một buổi tối mùa đông mưa phùn gió lạnh. Tôi đứng chờ ở bên hàng rào sắt. Anh Ngọc và anh Trấn ngồi xổm dưới đất, ẩn núp ở sau bức tường giậu, vì hai anh sợ tôi do dự, trù trừ không nỡ rứt tình, nên ngồi đó để đợi chứng thực cuộc hội kiến tối hậu của chúng tôi.
Trong cái màn mưa bay, tha thướt ánh sáng lờ mờ cây đèn điện đứng sững bên vệ đường, một cái xe cao su sấn tới. Xe đỗ. Người thiếu phụ mà tôi đã tưởng lầm là cô Bảo, vội vàng mở áo tơi xe bước ra,
Gặp mặt tôi, cô ả mừng rỡ, đưa cho tôi một gói rất lớn Tôi xua tay từ chối. Ở dưới chân tôi, anh Ngọc kéo ống quần tôi thì thầm:
- Phải quả quyết!
Thì tôi vẫn quả quyết. Nhưng người thiếu phụ thấy tôi lạnh lùng thản nhiên liền nức nở khóc, khiến tôi e rằng tôi sẽ làm trò cười cho khách qua đường. Tôi chau mày gắt:
- Bà về ngay đi, tôi không thể nói chuyện với bà được nữa. Chồng bà mà biết thì khổ cả cho bà lẫn tôi.
Nghe xong, người kia càng khóc to, rồi thổn thức bảo tôi:
- Em cần gì nó biết…. Vì em đã nhất định bỏ nó rồi kia mà.
Nặng không xong, tôi quay ra nhẹ, tìm lời dỗ dành an ủi, khuyên can, và tôi nói thêm rằng nếu cô ta không đến trường thăm tôi nữa, để cho tôi được tĩnh tâm theo đuổi sự học thì tức là cô làm ơn cho tôi nhiều lắm. Còn cái gói to mà nặng cô biếu tôi thì tôi ôn tồn gửi lại cô. Tôi cũng chẳng biết trong gói có những gì, nhưng dù đó là vật nhỏ mọn đến đâu chăng nữa, lương tâm tôi cũng vẫn ngăn cản tôi không cho tôi nhận, vì nó đã biết người kia là gái có chồng.
Thế rồi người đàn bà khốn khổ gạt nước mắt từ biệt tôi.