Cuộc tình duyên tưởng tượng của tôi giòng giã được hai tháng thì lại một sự tức cười nữa xảy ra. Chắc có ngài đã lẩm bẩm: ‘‘Đến lắm sự xảy ra: Thế mà anh ta bảo đời anh ta phẳng lỳ như cảnh, bùn lầy nước đọng. Còn như có tức cười hay không thì chưa chắc vì từ đầu chuyện đến đây, ta không thấy một mảy may tức cười nào, tuy anh ta luôn luôn khoe khoang như vậy!’’
Vâng. Mà có lẽ thực. Nói tức cười - cũng hơi quá. Họa chăng có vẻ khôi hài một chút.
Nhưng dù nó đáng tức cười hay nó chỉ có vẻ khôi hài cũng không quan hệ gì lắm, quý hồ nó có xảy ra là đủ rồi.
Mà nó có xảy ra, xảy ra ở dưới ánh sáng mặt trời chứ không phải ở trong trí tưởng tượng nữa.
Hôm chủ nhật ấy, cũng như mọi chủ nhật khác, vừa ở trường ra, tôi đã cùng mấy anh em bạn vào lượn chơi trong hiệu Gô-đa tuy chẳng bao giờ tôi chịu mua một vật gì. Cuộc du hành của chúng tôi có hai mục đích: Mục đích thứ nhất là đi ngắm nghía cho thích mắt những đồ hàng đẹp đẽ mà chúng tôi không có tiền mua.
Còn mục đích thứ hai mà chúng tôi không ai thú với ai, là nhìn các cô thiếu nữ đi mua hàng. Trong bọn chúng tôi, có nhiều người tự hào cho rằng, trái ngược lại, đó chính là mục-đích của các cô kia vào Gô- đa để chấm lấy ý trung-nhân trong sinh viên Cao đẳng, thứ hàng cao giá của các cô. Nhưng tôi vẫn ngờ lắm. Tính tôi hay rất ngờ, nhất là từ ngày tôi được làm quen với tấm ái tình trong trẻo của cô Thi. Tôi cho rằng cái chức ‘‘sinh viên Cao đẳng’’ không làm siêu nổi lòng các cô, cũng như cái học vấn mênh mông của tôi cũng không thể giữ nổi trái tim cô bạn gái.
Song ngờ thì ngờ, tôi vẫn phải tỏ cho anh em bạn biết tôi cũng như bọn họ, cũng tin rằng chúng tôi là những cái đích để cho cặp mắt sắc sảo kia bắn trúng. Hơn nữa, tôi cũng làm ra bộ theo đuổi một cô mà tôi vờ quyến luyến. Là sinh viên trường Cao đẳng mà không liếc gái, không táo tợn đối với phái đẹp thì anh em sẽ liệt mình vào hạng ‘‘mọi rợ’’ ngay. Mà tôi xin thú thực cái tính tự cao của tôi chẳng muốn để tôi bị liệt vào hạng ‘‘mọi rợ’’ một tí nào.
Cái cô được hân hạnh lọt vào con mắt giả dối của tôi buổi sáng hôm ấy, sự tình cờ run rủi lại là con của một quan phủ, khiến anh Hoàng Ngọc yên trí ngay rằng cô là người yêu của tôi, tuy tên cô ta bắt đầu bằng chữ T một chữ cái ở sau chữ B những gần 20 bậc. Song anh Ngọc nhất định cho chữ B là mỹ tự của cô T.
Lúc bấy giờ cô T đang đứng chọn đồng hồ đeo tay. Tôi ngả mũ chào, vì tôi có cùng người bạn anh cô đến chơi nhà cô một lần. Cô lạnh lùng đáp lễ. Đáng lẽ tôi nên hiểu mà lảng ngay đi mới phải. Nhưng không, sự ngây thơ, dại dột của tôi xui tôi đứng gần đấy mà dõng dạc bảo người bán hàng lấy cho xem một cái đồng hồ đeo tay xinh xắn giá năm trăm quan. Tôi tấm tắc khen đẹp và ngỏ ý mnốn mua, tuy trong túi không có một xu nhỏ. Anh Ngọc vớ ngay được một dịp tốt để thử khoa tâm lý, anh đăm đăm nhìn cô T cất tiếng hỏi tôi:
- Anh mua để tặng cô B, phải không?
- Khô... ng.
Tỏi trả lời một cách kín đáo, bí mật. Cô T ý chừng hiểu, vì cô nguýt dài chúng tôi một cái, rồi nhẹ nhàng rời đi nơi khác. Khoa tâm lý của anh Hoàng Ngọc cho đó là một sự giấu giếm vụng về của một cô mới biết yêu và càng chắc chắn rằng cô T với B cùng là một người, nhất là khi khoa tâm lý ấy lại thấy tôi chỉ đáp lại bằng cái mỉm cười vơ vẩn.
Nhưng T với B quả là hai người. Mà, - một sự ngẫu nhiên gớm ghê - B tôi tưởng tượng ra lại có thực: cô Bảo. Kể thì chẳng thiếu gì tên bằng chữ B, sự đó có chi lạ. Song có ai dám ngờ rằng cô B ấy lại dính líu cùng tôi một cuộc tình duyên thứ hai thê thảm gấp mấy cuộc tình duyên thứ nhất. Có lẽ tâm linh báo cho tôi biết trước nên tôi tưởng tới tên người tương lai sắp sửa làm cho tôi ê chề khổ sở chăng?
Sau này tôi mới hiểu là đời không có sự gì ngẫu nhiên hết. Rồi độc giả sẽ hiểu như tôi.
Gần mười giờ, tôi về nhà cô tôi để ăn cơm sáng.
Tôi lên gác và vừa mở cửa sổ nhìn ra ngoài, thì ở một cái gác đối diện nhà cô tôi, một người thiếu nữ đương tỳ tay trên bạo cửa đăm đăm trông sang, như ngồi đó mà chờ đợi ai.
Lần này không phải là lần đầu tiên tôi gặp cô ta, nhưng là lần đầu tôi lưu ý đến cô ta. Mọi khi, đối với tôi cô ta chỉ là một người… một người khách qua đường, không tên không tuổi mà cuộc tình duyên khốn nạn luôn luôn thì thầm khuyên tôi đừng dính líu tới.
Nhưng hôm nay, chẳng biết sao, lòng tôi bồng bột muốn yêu. Có lẽ đó cũng là một sự giả dối. Có lẽ ngày hôm nay, qua một người bạn đã dám ngờ vực rằng cô B chỉ là một tên tôi bịa đặt ra, nên nay chợt trông thấy thiếu nữ kia, tôi lờ mờ nghĩ ngay tới một sự khôn khéo đã cứu vãn lấy tấm danh dự đương lung lay. Phải, nhận được một bức thư của cô kia giữ làm bằng chứng, rồi tuyệt giao với cô ta, như thế thật là tiện lợi và giản dị. Nhưng có được cái bằng chứng ấy, kể cũng khó khăn vất vả.
Tôi đương loay hoay với ý tưởng bất chánh ấy thì hình như cô kia đọc được trong tâm hồn tôi, gật đầu và mỉm một nụ cười tình. Tôi giật mình kinh ngạc. Tôi không ngờ đâu sự nguyện vọng của tôi lại được thực hiện chóng đến như thế, khiến tôi không khỏi lo sợ, mơ màng tưởng tới buổi gặp gỡ dễ dàng ở cửa trường Hàng Cót …
May sao chỉ có thế, mới chỉ có một nụ cười vơ vẩn, thì cô thiếu nữ như nghe tiếng gọi, vội vàng quay vào trong nhà. Chờ một lát không thấy cô ta ra, tôi đành xuống nhà ăn cơm.
Buổi chiều, lúc tôi vào trường, đi qua nhà cô láng giềng. Liếc trông vào hàng, tôi vẫn thấy cái nụ cười ban sáng nở trên cặp môi đậm đà và âu yếm, làm cho trí tôi không thể nào quên ngay được nó, phải đem theo nó cùng vào trường Cao đẳng.
Rồi mấy hôm sau, tôi sinh ra băn khoăn mơ mộng như bị cái nụ cười kia ám ảnh.
Bốn hôm sau, một buổi chiều thứ năm, nhằm vào cuộc nói chuyện của ông Monet ở nhà hội quán Việt Nam Thanh Niên. Tôi cùng mấy anh em trường Cao đẳng sư phạm đến dự thính.
Gần giờ khai diễn, tôi bỗng để ý tới một cô thiếu nữ đi lại trước mặt tôi đến ba, bốn lượt và băn khoăn như muốn tìm một chỗ ngồi. Tôi liền đứng dậy lễ phép xin cô ta chiếu cố tạm nhận cái ghế, mà ‘‘tôi có hân hạnh được kính dâng cô’’. Cố nhiên là tôi nói tiếng Pháp để khoe cái giọng tây ‘‘không dấu’’ của tôi. Vả tôi tưởng đối với một cô tân tiến đến nghe một bài diễn văn tiếng Pháp mà đem tiếng mẹ đẻ ra nói với thì không khỏi, cô ta cho mình là khiếm lễ.
Nhưng tôi kinh ngạc xiết bao, khi cô ta ngồi xuống ghế, ngước mắt cảm ơn tôi bằng một nụ cười cái nụ cười tươi tắn đóng khung trong khuôn cửa sổ bữa nọ. Thì ra cô ta là cô láng giềng ở phố Vải thâm.
Tôi loay hoay tự hỏi: Cô ta đến đây làm cái gì?... Hay lại... Sự nhún nhường, bẽn lẽn không dám cho phép tôi nghĩ trọn câu, vì nó sợ tôi lễn quá mà tưởng rằng cô ta đến đó chỉ vì ‘‘cặp mắt xinh đẹp của tôi’’.
Dẫu sao, tôi cũng không tránh khỏi sự ngượng nghịu vì trong khi ông Monet nói chuyện, hình như cô thính giả để ý đến tôi hơn là đến bài văn của diễn giả.
Biết đâu chẳng phải lòng tự ái của tôi tưởng tượng ra điều đó. Tôi tự an ủi như thế, là vì không biết sao lúc bấy giờ tôi lại chợt nghĩ đến Thi với cuộc tình duyên khốn nạn của tôi năm xưa. Rồi nhớ lại lời thề của tôi, lời thề không yêu ai nữa.
Tôi đương vờ chú ý lắng hết tinh thần nghe bài diễn thuyết, cốt để tránh luồng hào quang của đôi mắt thôi miên sáng quắc thì tiếng vỗ tay đôm đốp làm tôi giật mình tỉnh giấc mơ màng. Tôi ngơ ngẩn hỏi anh Ngọc đứng bên cạnh:
- Hết rồi à?
- Hình như thế.
Anh khúc khích cười rồi bấm tôi trỏ phía hàng ghế trước mặt mà thì thầm:
-... Của anh đấy à?.
- Anh nói cái gì, tôi không hiểu.
Nhưng một sự ngẫu nhiên (cũng như sự ngẫu nhiên ở cửa trường Hàng Cót), làm tôi hiểu ngay.
Cô thính giả xinh đẹp đi lại chỗ tôi đứng và hỏi tôi một cách rất thản nhiên:
- Ông ấy nói những gì thế, thưa ông?
- Ông có thể giảng nghĩa qua cho em hiểu với không?
May sao anh Hoàng Ngọc, bạn tâm lý học của tôi cứu giúp tôi ra khỏi được sự khó khăn. Anh mỉm một nụ cười rất tươi mà trả lời rằng:
- Thưa cô, diễn gia nói chuyện về nơi tụ họp của anh em thanh niên Đông Dương.
- Ồ, thế thì chắc hay lắm nhỉ?
Tôi lấy làm bực mình quá, vì bao nhiêu mắt đổ dồn cả vào chỗ chúng tôi đứng. Cáu tiết tôi hỏi sõng:
- Thưa cô, vậy ra cô không hiểu tiếng Pháp?
Cô kia chẳng chút thẹn thùng, ngượng nghịu, trả lời vắn tắt:
- Không.
Tôi toan nói một câu mai mỉa, đại khái: ‘‘Vậy cô đến đây làm cái trò gì?’’. Nhưng tính nhút nhát và dễ cáu kỉnh của tôi làm cho tôi chỉ nóng rát mặt lên mà đứng tắc tị như một con cá chép. May sao cô kia lại tiếp luôn:
- Em cứ tưởng ông đốc diễn thuyết bằng tiếng ta.
Anh Ngọc đáp:
- Cô lầm rồi. Thứ năm sau, ông Trần Trọng Kim mới nói chuyện bằng tiếng Việt Nam.
- À ra thế. Vậy thứ năm sau tôi lại đến vậy.
Rồi cô mỉm cười chào chúng tôi.
Tôi thoát nạn, trong lòng mừng thầm và tự hỏi ‘‘Có lẽ chủ nhật và thứ năm mình không dám về nhà nữa chăng?.