Youtube vẫn là một điểm đến thú vị và phổ biến nhất trên thế giới để người dùng có thể xem, chia sẻ và thậm chí là tạo video. Không những thế, nó cũng là một trong những công cụ marketing đắc lực cho doanh nghiệp, với mục tiêu cốt lõi là cung cấp những nội dung phù hợp với nhu cầu của khán giả để có thể khiến họ nán lại xem và chia sẻ thông điệp của thương hiệu bạn.
Bất cứ khi nào bạn muốn tìm kiếm những video, clip giải trí thì chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến Youtube đầu tiên, đây là điều mà không một nền tảng trực tuyến nào khác có thể so sánh được. Việc lên kế hoạch cho chiến lược Youtube marketing lâu dài có thể sẽ rất khó khăn, tuy nhiên cái gì cũng vậy, nếu bạn tập trung đầu tư vào nó thì một ngày nào đó bạn sẽ nhận lại được “trái ngọt” mà thôi. Dưới đây là tổng hợp những chiến lược hiệu quả đã được chứng minh từ những kênh Youtube có lượng Subscribe khủng. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
1. Những lưu ý khi làm marketing trên Youtube
a. Xác định mục tiêu, đối tượng mục tiêu và kiểu video bạn muốn hướng tới
Việc xác định mục tiêu và đối tượng mục tiêu sẽ giúp bạn hiểu được điều khán giả mong muốn, để từ đó bạn có thể tạo ra những content video phù hợp với nhu cầu của họ. Ví dụ: khán giả muốn được truyền cảm hứng, bạn sẽ thu hút họ bằng những câu chuyện đầy cảm xúc; khán giả muốn tìm tòi, học hỏi những kiến thức hay, lúc này bạn sẽ giống như một “chuyên gia” biết tuốt với một loạt video hướng dẫn cùng những thông tin hữu ích; hoặc đơn giản chỉ là khán giả muốn tìm kiếm những phút giây thư giãn, nghỉ ngơi, thì lúc này bạn sẽ là người đem lại tiếng cười cho họ. Việc lựa chọn cách để thu hút khán giả kiểu như này cũng có thể giúp bạn xác định được giọng điệu và thông điệp cốt lõi của thương hiệu khi làm marketing trên Youtube.
Ngoài ra, khi bạn càng hiểu sâu về khán giả của mình bao nhiêu, thì nội dung của bạn sẽ càng nhận được nhiều phản hồi tốt hơn bấy nhiêu. Chắc hẳn trước khi đến với Youtube, bạn đã hình dung ra được tập đối tượng mục tiêu mà bạn muốn hướng đến và loại nội dung bạn muốn tạo. Tuy nhiên, cách tốt nhất để hiểu hơn về họ đó là nghiên cứu những video tương tự với nội dung bạn muốn và cố gắng xác định kiểu người dùng tương tác với nội dung đó là ai, theo thông tin nhân khẩu học.
Tóm lại, để có được một chiến lược marketing trên Youtube thành công, ngoài việc tìm hiểu cặn kẽ cách mà Youtube giúp bạn tiếp cận đến khán giả của mình, hãy tự hỏi mục tiêu bạn đến với kênh Youtube là gì. Là giúp bạn xây dựng nhận thức thương hiệu (mọi người có thể tìm và nhận ra thương hiệu của bạn), thúc đẩy việc bán hàng (online hoặc offline), hay để tăng lòng trung thành với thương hiệu (khuyến khích mọi người chia sẻ thương hiệu của bạn với người khác sau khi xem xong video)?
b. Hãy nhất quán
Như đã nói trước đó, tính nhất quán sẽ khiến khán giả mong ngóng, giống như việc bạn phải chờ từng tuần để đọc được một chap truyện hay. Duy trì sự nhất quán đã được minh chứng rằng có thể tăng cường lòng trung thành với thương hiệu, đặt kỳ vọng cho khán giả và buộc họ phải đăng ký để xem nội dung của bạn trong tương lai.
Tính nhất quán ở đây có thể là lịch tải video lên Youtube mỗi tuần (kênh Youtube của bạn sẽ có video mới vào 20h30’ mỗi tối thứ 3 và thứ 5 trong tuần); nhất quán trong cùng một nội dung đăng tải (ví dụ một kênh chỉ chuyên về các chương trình truyền hình thực tế, một kênh khác cũng chỉ chuyên về các video, clip, MV mới nhất của một ca sĩ, hay có những kênh chỉ chuyên review về các sản phẩm đồ công nghệ…); hoặc thậm chí là nhất quán về giọng nói và phong thái dẫn dắt để tạo sự tin tưởng và quen thuộc với khán giả (cái này bạn có thể thấy rõ trong kênh của các Vlogger, khi nghe thấy tiếng của họ bạn có thể đoán ngay được đó là ai).
c. Hãy làm video thành một series
Hiện nay, Youtube có phần AutoPlay, khi người dùng sử dụng tùy chọn này thì video tiếp theo sẽ tự động bật khi video đang xem của bạn kết thúc. Do vậy, thay vì tạo những video có chủ đề riêng biệt, bạn có thể làm thành một chuỗi series các video có cùng chủ đề theo thứ tự kiểu như phần 1 - tập 1, phần 1 - tập 2… Việc lên kế hoạch để sản xuất video theo chuỗi như thế này sẽ giúp khán giả của bạn có thể tương tác với bạn lâu dài hơn và đảm bảo những số liệu thống kê thời gian xem của bạn luôn ở mức đều đặn. Một trong những lợi ích khác của việc tạo chuỗi video hoặc các cụm nội dung có liên quan đó là chúng có khả năng quảng bá lẫn nhau. Nếu bạn làm tốt, các video trong cùng một nhóm sẽ hiển thị dưới dạng video được đề xuất, nó không chỉ xuất hiện trong danh sách của bạn mà còn xuất hiện ngay sau khi video của người khác kết thúc nữa (bởi vì những video này có cùng chủ đề với video của bạn).
Để khán giả có thể xem video thành một chuỗi, bạn có thể giúp Youtube tạo ra các Playlist riêng biệt cho từng chủ đề. Một kênh Youtube khá thành công khi áp dụng cách này đó là Loa Phường.
d. Hãy làm sao để cho nội dung của bạn có thể kích thích người dùng chia sẻ
Bạn đã bao giờ chia sẻ một video, clip nhạc phù hợp với tâm trạng của bạn ngay lúc đó chưa? Giống như những viral content khác, sau khi xem xong video bạn chỉ muốn chia sẻ ngay lập tức với gia đình và bạn bè của mình? Đó là khi video này thực sự có giá trị và phù hợp với nhu cầu của khán giả mục tiêu. Hơn nữa, khi mọi người chia sẻ video của bạn nó sẽ thể hiện con người bên trong của bản thân họ, có nghĩa là video của bạn sẽ khiến mọi người trông như thế nào khi họ chia sẻ chúng. Ví dụ, khi khán giả chia sẻ một video hài hước thì nó sẽ thể hiện đó là góc hài hước trong con người của họ; khi khán giả chia sẻ những bản nhạc buồn, nó sẽ thể hiện nội tâm, những góc khuất sâu kín trong tâm hồn mỗi người. Do đó, hãy tạo ra những video mang lại nhiều cảm xúc và có thể kích thích người dùng chia sẻ rộng rãi hơn cho thương hiệu của bạn.
e. Tầm quan trọng của Subscribers trên Youtube mà có thể bạn chưa biết
Tất nhiên, dù là kênh mạng xã hội nào đi chăng nữa thì việc sở hữu một lượng lớn người dùng subscribe, follow hay like sẽ khiến cho nhiều người tin tưởng hơn vào kênh của bạn và tạo cơ hội cho những người dùng đó quay lại kênh của bạn dễ dàng hơn. Hơn nữa, khi kênh Youtube của bạn sở hữu một lượng Subscribe nhất định, bạn sẽ có đủ điều kiện để sử dụng các tính năng nâng cao để tối ưu hóa cho kênh Youtube của mình và nhận được nhiều lượt Subscribe hơn. Ngoài ra, có nhiều người đăng ký đồng nghĩa với việc bạn có thể sẽ có nhiều lượt xem hơn, mà lượt xem càng cao bạn sẽ càng nhận được nhiều tài trợ từ quảng cáo.
2. Những bí quyết cài đặt để kênh Youtube của bạn luôn tối ưu
a. Chọn một URL tối ưu
Ngoài việc chọn một cái tên hay cho kênh Youtube của bạn thì việc sở hữu một đường link URL ngắn gọn, dễ nhớ cũng là một cách để bạn có thể tối ưu hóa kênh Youtube của mình. Ví dụ, thay vì một đường link dài dằng dặc với một mớ số má lộn xộn bạn có thể đưa ra cho mọi người một đường link uy tín hơn dạng như thế này:
http://www.youtube.com/user/yourcompanyname.
Tuy nhiên, không giống với Facebook, bạn không thể vừa mới tạo xong kênh Youtube mà có thể đổi ngay được đường link URL theo ý mình, tài khoản của bạn bắt buộc phải đủ những điều kiện dưới đây mới có thể thực hiện được việc này:
- Tài khoản của bạn phải có từ 100 Subscribers trở lên.
- Được lập ít nhất là 30 ngày.
- Có một ảnh được upload lên làm ảnh đại diện (channel icon).
- Đã tải lên ảnh bìa (channel art).
Lưu ý, mỗi một kênh Youtube chỉ có thể thay đổi đường link URL tùy chỉnh một lần duy nhất và bạn sẽ không thể chuyển nhượng cho bất kỳ ai.
Nếu tài khoản của bạn có đủ điều kiện, bạn có thể làm theo những bước sau đây để tùy chỉnh đường link URL cho kênh Youtube của mình:
- Bạn đến với phần cài đặt nâng cao bằng cách chọn Setting bên dưới tên tài khoản của bạn → chọn Advanced settings.
- Trong phần Channel settings, hãy chọn liên kết bên cạnh dòng chữ You're eligible for a custom URL (Bạn chỉ nhìn thấy đường link này khi tài khoản của bạn có đủ điều kiện mà thôi).
- Trong mục Get a custom URL bạn sẽ thấy các URL tùy chỉnh mà bạn đã được phê duyệt. Lưu ý, bạn không thể thay đổi một phần trong hộp màu xám, nhưng bạn có thể thêm một vài chữ cái hoặc số để tạo URL tùy chỉnh duy nhất cho mình.
- Đọc kỹ và hiểu Custom URL Terms of Use (Điều khoản sử dụng URL tùy chỉnh) và chọn đồng ý, sau đó click vào Change URL.
Một khi URL tùy chỉnh đã được chấp nhận, bạn không thể yêu cầu thay đổi URL một lần nữa, vì vậy hãy đảm bảo đây chắc chắn là URL tùy chỉnh cho thương hiệu của bạn trước khi bấm vào Confirm (Xác nhận). Và đường link URL mới tạo sẽ được người xem đến trang chủ kênh của bạn.
b. Hãy chăm chút cho mục About trên kênh Youtube của bạn
Đừng bỏ qua phần giới thiệu này. Bạn có thể sử dụng nó để làm cho kênh của bạn trở nên đáng tin hơn trong mắt những Subscriber tiềm năng, bằng tất cả các thông tin doanh nghiệp như email, liên kết website, địa điểm và các phương tiện truyền thông mạng xã hội khác có liên quan.
Trong phần Description (Mô tả) bạn có thể giới thiệu sơ qua về kênh của bạn cho mọi người biết, rằng nội dung của bạn hướng đến chủ đề gì, lý do nào khiến họ nên Subscribe kênh của bạn và lịch đăng tải của bạn ra sao… Lưu ý, nếu bạn tối ưu hóa được từ khóa ở phần này sẽ càng thuận lợi hơn cho bạn, giúp kênh của bạn có thể được xếp hạng cao hơn trong kết quả tìm kiếm. Phần mô tả phụ trên kênh Youtube của bạn cho phép hiển thị khoảng 50 ký tự đầu tiên của phần mô tả trong kết quả tìm kiếm, vì vậy hãy “đóng gói” những thông điệp quan trọng trong giới hạn này để hiển thị tới người dùng một cách tốt nhất.
c. Điền từ khóa của kênh giúp người dùng dễ dàng tìm thấy bạn
Khi mọi người tìm kiếm video trên Youtube, trang web này sẽ không chỉ trả về duy nhất một kết quả tìm kiếm như người dùng đã tìm mà nó sẽ gợi ý các kênh khác họ có thể quan tâm. Để điền từ khóa cho kênh của bạn, bạn hãy làm theo bước sau:
- Vào Setting → trong phần Account, bạn click vào link có tên View additional features.
- Ở thanh bên trái CREATOR STUDIO, bạn hãy chọn CHANNEL → Advanced. Rồi sau đó điền các từ khóa đại diện cho kênh của bạn và đảm bảo tách các từ khóa của bạn bằng dấu phẩy (,) → Save.
Việc điền từ khóa cho kênh của bạn sẽ cho phép Youtube và Google biết kênh của bạn thuộc ngành nghề gì để phân loại và sắp xếp tất cả video trong kênh một cách hợp lý sao cho dễ dàng tiếp cận tới khán giả của bạn nhất. Đừng quá lo lắng, hãy nghĩ về những cụm từ mà khán giả mục tiêu của bạn sẽ sử dụng, điều này sẽ giúp bạn lựa chọn được cho mình những từ khóa phù hợp trên kênh.
d. Thu hút người dùng bằng đoạn video Intro giới thiệu kênh của bạn
Người dùng sẽ thấy khác nhau khi vào mục HOME trên kênh Youtube của bạn tùy thuộc vào việc họ đã đăng ký kênh của bạn hay chưa. Điều này có nghĩa là bạn có thể hiển thị đoạn Intro mà sẽ chỉ xuất hiện và tự động phát cho những người chưa Subscribe. Đây là một cơ hội tuyệt vời để bạn có thể giới thiệu cho khán giả mục tiêu (những người dùng chưa Subscribe) về nội dung kênh của bạn và cho họ biết lý do họ nên nhấn nút Subscribe. Người xem không nán lại trên kênh của bạn quá lâu, do đó bạn nên tạo ra những video ngắn gọn (khoảng 30 giây), tập trung vào những thông điệp chủ đạo, hấp dẫn và quan trọng là phải có Call to Action rõ ràng, mời gọi khán giả đăng ký kênh. Bạn có thể sử dụng công cụ đơn giản như Animoto (https://animoto.com) để tạo những video vui nhộn, ngắn gọn, công cụ này đặc biệt hữu ích đối với những người không có kỹ năng chỉnh sửa video.
Có một ưu điểm ở phần này đó là, bên cạnh video giới thiệu kênh sẽ hiển thị phần mô tả của video đó. Bạn có thể sử dụng không gian này để mô tả những gì mà kênh của bạn sẽ cung cấp và đừng quên thêm vào các liên kết có liên quan nếu cần, nhưng hãy lưu ý rút gọn link để khi hiển thị chúng không bị cắt đi. Để thêm và chỉnh sửa đoạn giới thiệu kênh, bạn hãy làm theo các bước sau đây:
- Vào My channel (kênh của bạn) → chọn CUSTOMIZE CHANNEL.
- Ở mục Home có hai tab là For returning subscribers (Dành cho người đăng ký hiện tại và For new visitors (Dành cho khách truy cập mới). Từ mỗi tab này bạn có thể chọn một video trong số những video đã tải lên trước đây hoặc nhập URL của nó vào hộp được cung cấp để hiển thị đến người dùng.
3. Những ý tưởng phổ biến cho chiến lược video content trên Youtube
Theo thống kê, cứ mỗi một phút sẽ có hơn 400 nội dung mới được đăng tải lên Youtube, vậy phải làm thế nào để bạn có thể khiến cho khán giả sẽ muốn xem nội dung của bạn trong con số 400 kia?
Một trong những cách dễ nhất để đánh giá loại nội dung nào sẽ hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn trên Youtube là xem trang Trending (Xu hướng) của nó để biết tổng quát về những nội dung hot trên trang web này. Hoặc bạn có thể tìm kiếm, nghiên cứu các video phổ biến khác trong lĩnh vực kinh doanh của mình để lấy ý tưởng đó làm nguồn cảm hứng và làm cho video của bạn tốt hơn. Qua đó bạn có thể hình dung được đối thủ của mình đã làm gì để thu hút được khán giả của họ, giọng nói và phong thái của video được thể hiện như thế nào, độ dài của video ra làm sao?... Dưới đây là tổng hợp những chiến lược hay ho cho nội dung đăng tải lên Youtube, bạn có thể tham khảo:
Video tóm tắt thông tin, tin tức thời sự
Bạn biết đấy, chúng ta đang ở trong ngành công nghiệp chuyển động, do đó hãy trở nên thật thức thời bằng cách tạo video thể hiện kiến thức chuyên môn của mình với nội dung thông báo, thảo luận về những thông tin, tin tức thời sự mới nhất. Bạn có thể phản hồi lại các chủ đề thịnh hành trong ngành của bạn bằng các nội dung có liên quan khi mà nó còn đang có ý nghĩa đối với khán giả của bạn. Giống như một xu hướng thường được lan truyền rất nhanh chóng, lượng tìm kiếm sẽ gia tăng, lúc này những tin tức có liên quan sẽ khiến người dùng khao khát. Ở đây, những nội dung như là tin tức, chính trị, thể thao, quan điểm của một cá nhân sẽ có thể phát triển mạnh mẽ mang tính chất thời sự.
Video phỏng vấn các chuyên gia, Micro Influencer
Đây là hình thức tiếp thị tuyệt vời, đặc biệt nếu người bạn phỏng vấn được nhiều người ngưỡng mộ và tôn trọng. Họ sẽ liên kết với video của bạn sau khi chúng được đăng lên Youtube hay các trang mạng xã hội khác, điều này sẽ rất có lợi cho bạn. Hoặc thậm chí, nếu bạn cũng là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, hãy nhờ ai đó phỏng vấn bạn.
Video demo sản phẩm và review sản phẩm
Thay vì những bài viết khô khan giới thiệu về sản phẩm và dịch vụ của bạn, tại sao không cho mọi người tận mắt chứng kiến hình ảnh thật của nó. Chẳng cần tốn quá nhiều lời, video giới thiệu về sản phẩm là cách tuyệt vời để bạn có thể chứng minh với khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của bạn. Hơn nữa, bạn có thể làm video review về sản phẩm, không nhất thiết phải là sản phẩm của riêng bạn, mà là những sản phẩm khách hàng đang quan tâm. Ví dụ, các bài đánh giá về đồ công nghệ (điện thoại, máy tính bảng, laptop…) hay bất kỳ các loại hàng tiêu dùng nào.
- Video hậu trường hay các bài thuyết trình:
Hãy đưa khán giả đến thăm quan văn phòng hay hậu trường quá trình sản xuất sản phẩm của bạn, điều này sẽ giúp họ có cảm giác kết nối với thương hiệu của bạn hơn, giống như họ đang trộm nhìn những góc khuất phía sau sự thành công hào nhoáng của sản phẩm vậy. Hoặc, bạn cũng có thể đăng tải những bài thuyết trình về lĩnh vực của mình, dùng sức mạnh của lời nói để dẫn dắt khán giả, vừa là để thể hiện quyền uy vừa thể hiện kỹ năng nói trước công chúng của bạn.
- Video mà người dùng tự review và quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của bạn:
Khách hàng của bạn cũng có thể là người đang quảng bá bằng video giống như bạn, bạn có thể trao đổi với họ về phương pháp quảng cáo chéo để giới thiệu cũng như quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ mà cả hai bên đang cung cấp. Khi ở trong trường hợp win- win (đôi bên cùng có lợi), người đó sẽ không ngần ngại review sản phẩm cho bạn đâu. Từ đó, bạn có thể lấy video do khách hàng tạo này để làm video tư liệu cho mình hoặc đăng lên các trang mạng xã hội khác.
Video trả lời các câu hỏi và thắc mắc của khán giả
Khi có được lượng tương tác ổn định, một trong những cách tốt nhất để thu hút và giữ chân khán giả của bạn trên Youtube là phương pháp hỏi-đáp. Trong một video chia sẻ kiến thức, bạn có thể gợi ý cho khán giả của mình để họ đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc có liên quan đến lĩnh vực của bạn bằng cách comment vào video hoặc gửi đến email cho bạn. Và hãy khéo léo cho họ biết rằng, họ sẽ có cơ hội xem câu trả lời trong các video tiếp theo. Sau đó, bạn có thể tổng hợp lại những câu hỏi, làm thành một video để giải đáp những thắc mắc cho khán giả của mình. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn cực kỳ nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, khán giả của bạn sẽ vui mừng và ngạc nhiên như thế nào khi bạn gọi tên và phản hồi lại câu hỏi của họ trong video của bạn, thay vì chỉ trả lời thông qua comment?
- Chuyển Audio thành video trên Youtube:
Đây chắc hẳn là hình thức khá dễ dàng khi mà bạn chỉ việc chuyển thể ý tưởng của bài nói thành một video và tải chúng lên Youtube để mở rộng phạm vi tiếp cận của mình. Youtube không cho phép bạn tải riêng audio lên, do đó bạn có thể lồng ghép các thiết kế đồ họa để thể hiện ý tưởng của những câu nói trong audio đó. Vậy là bạn đã có một video hoàn chỉnh để đăng lên Youtube rồi!
4. Chiến lược marketing video hiệu quả trên Youtube
a. Tập trung vào chất lượng video
Bất kể nội dung video của bạn là gì thì những tiêu chuẩn cơ bản về chất lượng là điều thực sự cần thiết. Bạn luôn phải đảm bảo video của bạn có độ phân giải cao, tối thiểu là 720p (HD), âm thanh rõ ràng, ánh sáng cân bằng và nếu cảm thấy phù hợp bạn có thể thêm các góc khác nhau để sản phẩm hoàn chỉnh của bạn thêm đa dạng và cuốn hút.
Thực ra, người xem không quá mong chờ một nội dung phải hoàn hảo như những thước phim được sản xuất bởi Hollywood, nhưng cũng không vì thế mà video của bạn có thể sơ sài và chỉ được quay bằng một chiếc webcam mờ tịt hay điện thoại có độ phân giải thấp, bởi vì khán giả sẽ không ấn tượng và không phản ánh tốt về thương hiệu của bạn. Bạn nên nhớ, Youtube là một mạng xã hội chuyên để đăng tải video, do đó, để cạnh tranh với các thương hiệu khác, buộc bạn phải có chất lượng video thực sự tốt.
Nếu bạn thực sự nghiêm túc khi truyền thông bằng video content, hãy cân nhắc đến việc đầu tư vào một phần mềm chỉnh sửa video như Adobe Premiere Pro. Đây là một phần mềm làm phim, biên tập video chuyên nghiệp, cao cấp của hãng Adobe, nó cho phép bạn sáng tạo nên những thước phim sống động, chân thực và đẹp mắt. Hãy cắt ghép, chỉnh sửa và lấy những cảnh quay thực sự cần thiết trong video của bạn và thêm các hiệu ứng chuyển tiếp, overlay hay đồ họa để giúp dễ dàng truyền đạt cho câu chuyện của mình.
Hơn nữa, khi bạn muốn thêm các hiệu ứng âm thanh hay những bản nhạc miễn phí cho video của mình, bạn có thể tham khảo trong Thư viện âm thanh của Youtube bằng cách, vào mụcYoutube Studio (beta) dưới tên tài khoản kênh Youtube của bạn, sau đó chọn Audio Library trong tùy chọn Other Features ở mục Channel. Ở đây, bạn sẽ có hàng nghìn bản nhạc miễn phí không có bản quyền, bạn có thể sắp xếp theo tâm trạng, thể loại, nhạc cụ, thời lượng… cùng với đó là các hiệu ứng âm thanh miễn phí ở tab bên cạnh, bạn có thể sử dụng cho mục đích sáng tạo của mình lúc nào cũng được (ngay cả khi bạn không sử dụng trong video trên Youtube).
Ngoài ra, những ứng dụng tải nhạc miễn phí như Facebook Creator Studio, Free Soundtrack Music hay Moby Gratis cũng là những lựa chọn hoàn hảo nếu bạn đang tìm những giai điệu thu hút cho video content trực tuyến của mình mà không muốn bị vi phạm bản quyền.
b. Tìm đúng chất giọng của riêng bạn
Giọng nói trong video của bạn là một trong những yếu tố rất quan trọng. Hãy nhớ rằng, bạn đang trò chuyện với khán giả của mình chứ không phải là đọc cho họ nghe, do đó hãy tránh giọng nói đều đều của một phát thanh viên trên radio, thay vào đó là một cách nói chuyện tự nhiên như đang giao tiếp với khán giả của mình. Và khi thể hiện bản thân mình trên video, hãy trở nên chân thật trong mọi hành động, cử chỉ, giọng nói cũng như cách diễn đạt hay đặc biệt là ánh mắt. Việc thuyết trình như một con robot hay đọc một mạch từ kịch bản có sẵn sẽ không thu hút người xem một chút nào, nó chỉ khiến người xem buồn ngủ mà thôi. Hãy nói chuyện với khán giả của bạn như thể chỉ có bạn và họ ở trong một căn phòng.
c. Thu hút người xem bằng một đoạn teaser nhá hàng với những tình tiết gây tò mò
Phần teaser này chỉ cần có độ dài vài giây (15-30 giây), nhưng hiệu quả của nó có thể mang lại rất lớn, lượng xem và lượt tương tác của khán giả sẽ tăng lên đáng kể. Điều này phản ánh chính xác nhất trong các dự án phim hay ca nhạc, trước khi tung ra MV hay công chiếu một bộ phim chính thức, ekip sản xuất thường tung ra những đoạn teaser hay trailer ngắn “nhá hàng” cực kỳ cuốn hút người xem, điều này sẽ khiến khán giả tò mò và mong đợi sản phẩm sắp ra mắt.
Nhưng dù là bạn thu hút người xem kiểu gì đi chăng nữa thì hãy đảm bảo rằng đoạn mở đầu của bạn phải liên quan trực tiếp đến tiêu đề video để người dùng có thể nhanh chóng click vào video đó. Bởi vì ở trên Youtube, khi người dùng di chuột đến tên tiêu đề của bạn thì khoảng 3 giây đầu tiên của video đó sẽ chạy nhưng không có tiếng, 3 giây này cực kỳ quan trọng sẽ quyết định khán giả có nhấn vào xem hay không.
d. Độ dài lý tưởng của video trên Youtube
“Độ dài lý tưởng của video trên Youtube là bao nhiêu?” là một câu hỏi khá phức tạp và câu trả lời ở đây sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chủ đề của video của bạn là gì và đối tượng mục tiêu của bạn là ai. Do vậy, độ dài phù hợp cho một video trên Youtube sẽ kéo dài đến khi nào khán giả cảm thấy tiếp nhận đủ thông tin mà không cần thêm những tư liệu không cần thiết. Bạn không nên cố gắng thêm những tư liệu không cần thiết vào trong video chỉ vì mục đích là muốn cho nó dài hơn, bởi như thế sẽ khiến cho khán giả cảm thấy video của bạn rất tẻ nhạt và nhàm chán.
Tuy việc tạo ra những video dài nghe có vẻ ngược đời như thế, do người xem trực tuyến thường chủ yếu tập trung chú ý đến những nội dung ngắn hơn, nhưng với thuật toán của Youtube, những video dài hơn, tương đương với việc thời gian xem nhiều hơn, sẽ giúp thúc đẩy cho nội dung của bạn và kênh của bạn đi lên.
Có một số nguyên tắc cơ bản để giữ chân người xem đó là: nội dung video của bạn phải liên quan đến khán giả mục tiêu, liên quan đến tiêu đề video và thumbnail tùy chỉnh của bạn. Bạn phải biết mình muốn truyền đạt những thông tin gì cho khán giả và đồng thời phải biết lược bỏ đi những nội dung gây xao lãng, gây mất tập trung không cần thiết cho người xem.
e. Tạo Call to Action nổi bật và End Screen có thể tương tác được
Call to Action sẽ có chức năng hướng người xem của bạn đến một mục tiêu mà bạn muốn họ thực hiện, do đó, tùy thuộc vào mục đích của bạn mà đặt Call to Action sao cho hiệu quả nhất.
Bạn muốn họ truy cập trang web của mình? Hãy đưa cho họ đường link. Bạn muốn họ liên hệ với bạn? Hãy đưa cho họ contact. Bạn muốn họ xem một video khác trong danh sách của bạn, hay muốn họ đăng ký kênh mà bạn tạo để xem được nhiều nội dung tuyệt vời hơn. Hãy nói với họ!
Ở đây, Call to Action có thể được triển khai theo nhiều cách khác nhau, hoặc là trong nội dung của video, hoặc là dưới dạng tùy chọn tương tác trên màn hình. Hiện nay, Youtube cung cấp một tính năng tuyệt diệu mới tên là End Screen, khá thân thiện với thiết bị di động, nó cho phép bạn thu hút người xem ngay khi video của bạn kết thúc và khuyến khích họ xem nhiều hơn. Trong khoảng 20 giây cuối cùng của video, bạn có thể tùy chỉnh overlay để giới thiệu với khán giả những video khác trên kênh của bạn, hoặc hiển thị nút Subscribe trên kênh của bạn, hay truy cập các kênh khác mà bạn hợp tác cùng…
Để chỉnh sửa màn hình kết thúc cho video của bạn, hãy thực hiện theo các bước sau đây:
- Truy cập trình Youtube Studio → chọn mục Other Features → click vào More.
- Trong trình quản lý Creator Studio bạn chọn VIDEO MANAGER.
- Click vào mục Videos, chọn Edit một video bạn muốn → bạn sẽ thấy tab End screen & Annotations như hình bên dưới.
1 - Preview (Xem trước): Đây là tùy chọn mà bạn có thể xem trước sản phẩm sau khi đặt xong End Screen.
2 - View (Xem): Bạn có thể lựa khung để sắp xếp các Card (Thẻ).
3 - Import from video (Nhập từ video): Đối với những bạn không muốn mất công, bạn có thể sử dụng tùy chọn này để sao chép End Screen từ một video cũ.
4 - Use Template (Sử dụng mẫu): Youtube có cung cấp một số mẫu để bạn có thể thiết lập nhanh chóng và dễ dàng hơn.
5 - Add element (Thêm yếu tố): để gắn các thẻ cho màn hình kết thúc của bạn. Mỗi End Screen, bạn có thể gắn tối đa 4 thẻ bao gồm: Video/Playlist, nút Subscribe kênh của bạn, Quảng bá cho các Channel khác, đường Link đến website của bạn.
Lưu ý: End screen (Màn hình kết thúc) và Annotation (Chú thích) không thể sử dụng trên cùng một video. Do đó, nếu muốn sử dụng tính năng này bạn phải tắt tính năng còn lại đi.
Bạn có thể thống kê xem khán giả có click vào End Screen của bạn hay không hoặc loại thẻ nào người dùng thường click vào nhất bằng hai chỉ số dưới đây trong mục INTEREST VIEWcủa trình Analytics (Số liệu phân tích) trên kênh của bạn:
Đây là những số liệu báo cáo của Youtube dựa trên thói quen xem trước đây của khán giả để bạn đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho video của mình.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng nếu video của bạn là một phần của series, hãy đảm bảo bạn luôn hướng khán giả đến video tiếp theo trong chuỗi video đó hoặc tới Playlist để họ có thể tiếp tục xem. Ngoài ra, theo nguyên tắc thì bạn càng đặt nhiều Call to Action thì khán giả của bạn càng hoang mang không biết nên chọn cái nào. Do đó, bạn nên cân nhắc không nên đặt quá ba yếu tố vào End screen của mình.
f. Thử nghiệm với Youtube Cards
Cũng giống như End screen, Thẻ Youtube cũng có chức năng hướng người dùng đến một mục tiêu mà bạn muốn. Nó thường hiển thị ở bên phải video trên máy tính và bên dưới video trên thiết bị di động, nếu có nhiều thẻ trên video, người xem có thể kéo xuống xem chúng trong thanh cuộn khi video đang phát.
Để tạo thẻ bạn chỉ cần thực hiện các bước giống với thao tác tùy chỉnh End screen, nhưng thay vì chọn tab End screen & Annotations bạn sẽ chọn tab bên cạnh là Cards.
Khi thẻ được áp dụng cho video, quảng cáo xem trước video sẽ xuất hiện trong vài giây tại thời điểm bạn chỉ định. Nếu khán giả nhấp vào, thẻ đầy đủ sẽ xuất hiện, tùy thuộc vào loại thẻ mà người xem có thể nhìn thấy những định dạng khác nhau. Nếu là quảng cáo cho video và danh sách phát thì hình ảnh hiển thị sẽ là hình vuông, tiêu đề tối đa là 50 ký tự và Call to Action tối đa 25 ký tự. Bạn có thể sử dụng Thẻ cho bất kỳ thời điểm nào trên video.
Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn tận dụng Thẻ trên video của mình một cách hiệu quả nhất:
- Thẻ nên được chèn theo ngữ cảnh của video, nó sẽ cung cấp những trải nghiệm phong phú cho người xem. Bạn có thể sử dụng tối đa 5 thẻ trong một video bất kỳ.
- Thực tế, không nên chỉ đặt một Thẻ trong video của bạn vì nó có thể sẽ hiển thị khác nhau tùy thuộc vào thiết bị của người xem.
- Thẻ hoạt động hiệu quả nhất khi chúng không được đặt quá gần nhau, do đó, hãy thử đặt chúng cách nhau, tại các điểm chính trong suốt video của bạn.
- Hãy thường xuyên phân tích hiệu suất của Youtube Card trong trình Analytics.
g. Gắn watermark để xác nhận bản quyền cho video của bạn
Watermark cho phép bạn nhúng logo của mình để nó xuất hiện trên tất cả các video của bạn. Và khi người xem click vào, nó cho phép những người chưa đăng ký có thể đăng ký kênh một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Watermark cũng giống như một lời kêu gọi hành động, bạn có thể cân nhắc kết hợp với các yếu tố trên sao cho hợp lý mà người dùng không bị rối mắt khi xem video của bạn. Để thêm Watermark cho kênh của mình, bạn vào trình Channel (Kênh) trong CREATOR STUDIO và chọn Branding (Xây dựng thương hiệu) để thêm một hình ảnh đại diện cho kênh của mình. Dù bạn chọn cái nào đi nữa thì hình ảnh hiển thị nên có nền trong suốt và chỉ sử dụng một màu để không làm mất tập trung cho người xem, đặc biệt là những người sử dụng thiết bị di động.
5. Các yếu tố trên video cần được tối ưu hóa
Để video của bạn được xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm của Youtube, thì nội dung của bạn phải “lộn ngược dòng” để nó là kết quả tốt nhất và càng gần với cụm từ tìm kiếm phổ biến của khán giả càng tốt. Như các bạn đã biết, Youtube là một công cụ tìm kiếm lớn thứ hai trên thế giới sau Google, và hiện nay khi Google đã sở hữu Youtube thì tính năng tìm kiếm Youtube như “cá gặp nước” và trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nó sẽ trả về kết những quả tốt nhất khi người dùng truy vấn tìm kiếm. Do vậy, những video giải quyết được tốt nhu cầu những truy vấn tìm kiếm này sẽ “sống sót” rất lâu trên Youtube.
Hơn nữa, ngoài việc đánh giá tiêu đề, thẻ và nội dung, Youtube sẽ xem xét đến rất nhiều yếu tố khác nhau để sắp xếp vị trí cho video của bạn trong danh sách kết quả tìm kiếm như số lượt xem, thời gian mọi người thường xem video là bao lâu, số lượt thích và comment của video, số lượng người đăng ký kênh của bạn, tần suất video được nhúng vào các nền tảng khác và nhiều yếu tố khác nữa. Dưới đây là những yếu tố bạn nên tối ưu để có được những hiệu quả tốt nhất cho video của mình:
a. Tiêu đề video
Việc tối ưu tiêu đề video sẽ cực kỳ tốt cho SEO, làm tăng thứ hạng video của bạn trong danh sách kết quả trên công cụ tìm kiếm. Việc đầu tiên bạn nên làm là đặt mình vào vị trí của khán giả, hãy nghĩ về những từ khóa mà đối tượng mục tiêu của bạn có khả năng tìm kiếm. Sau khi hình dung được từ khóa đó là gì bạn có thể nghiên cứu từ khóa này bằng cách sử dụng công cụ Google Keyword Planner hoặc đi đến thẳng thanh tìm kiếm của Youtube. Khi bạn bắt đầu nhập từ khóa của mình, Youtube sẽ đề xuất các từ khóa có liên quan, và những đề xuất này tương đương với những gì mà mọi người thực sự tìm kiếm theo thứ tự từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Ví dụ, kênh của bạn chuyên review về đồ công nghệ như điện thoại chẳng hạn, bạn có thể tìm kiếm như sau:
Tất nhiên, không đơn giản như ví dụ trên, tiêu đề video của bạn nên là từ khóa phong phú và phù hợp với nội dung trong video của bạn. Chỉ có khoảng 45 ký tự đầu tiên của tiêu đề được hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Youtube trên thiết bị di động, do đó, hãy tối ưu làm sao cho tiêu đề của mình thật ngắn gọn mà vẫn đủ ý. Hoặc nếu tiêu đề của bạn quá dài hãy để những thông điệp chính có thể ở phía trước dấu “...”. Dưới đây là một vài lưu ý nhỏ giúp bạn có thể tạo cho mình được những tiêu đề mang lại hiệu quả cao:
- Chủ ý viết hoa những chữ cái đầu tiên của mỗi từ để làm nổi bật tiêu đề của bạn. Ví dụ thay vì viết 5 trích dẫn hay trong cuốn sách “Content hay nói thay nước bọt” bạn có thể viết là5 Trích Dẫn Hay Trong Cuốn Sách “Content Hay Nói Thay Nước Bọt”.
- Hãy thêm dấu “:”, dấu “|” hay dấu “-” đằng sau một cụm từ khóa chính ban đầu và sau dấu hai chấm bạn có thể diễn giải dụng ý của cụm từ trước. Ví dụ: “Đánh Giá Iphone X: Trải Nghiệm Sau Một Tuần Sử Dụng!”.
- Dùng những yếu tố khuyến khích người dùng click vào tiêu đề. Bạn có thể thêm yếu tố thời gian vào để kích thích người dùng như là “Mẹo Thắt Cà Vạt Trong Vòng 15 Giây” thay vì “Cách Thắt Cà Vạt Đẹp”.
- Ngoài ra, một cách để bạn có thể quảng bá cho thương hiệu của mình ngay tại tiêu đề đó là bạn có thể cân nhắc đến việc đặt các từ khóa chính ở cuối, tên thương hiệu của mình lên đầu và ngược lại. Ví dụ: “Đẹp Magazine|5 Bài Nhảy Zumba Đốt Cháy 150 kcal Trong 15 Phút” hay “5 Bài nhảy Zumba Đốt Cháy 150 kcal Trong 15 Phút|Đẹp Magazine”.
b. Phần mô tả
Như đã nói trước đó, chỉ có một phần trong mục mô tả của video sẽ hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Youtube, do đó, hãy tập trung những thông điệp chính ở phần đầu này để thu hút triệt để ánh nhìn của đối tượng mục tiêu. Những trích đoạn trong phần này không chỉ mô tả chính xác nội dung video của bạn mà nó sẽ còn rất hữu ích cho việc SEO giúp kênh của bạn tăng thứ hạng. Khi người xem click vào để xem toàn bộ phần mô tả thì những nội dung bạn nên có trong đó (ngoài nội dung mô tả video) sẽ là:
- Dòng mô tả và đường link tới kênh Youtube của bạn.
- Call to Action khuyến khích người xem đăng ký kênh (kèm theo liên kết).
- Đường link đến video hoặc playlist có liên quan.
- Liên kết đến website của doanh nghiệp và các trang mạng xã hội khác (kèm theo lời kêu gọi hành động).
- Lịch đăng tải video. (Ví dụ: Abc sẽ có video mới vào 8h mỗi tối thứ 3 trong tuần).
- Nếu video của bạn quá dài, bạn có thể dùng mã thời gian định dạng M:SS. (Ví dụ: Điều kỳ diệu xuất hiện ở 3:30 nhé các bạn!)
Mô tả video càng dài, càng chi tiết với đa dạng từ khóa có liên quan đến truy vấn tìm kiếm khán giả mục tiêu thì càng được Youtube đánh giá cao. Lưu ý, khi thêm các đường link bạn hãy nhập toàn bộ URL đó (bao gồm cả tiền tố http://www) vào mục mô tả để Youtube tự động liên kết với chúng, nếu không mọi người sẽ không dành thời gian để ghé qua trang của bạn đâu!
c. Sử dụng tags (thẻ) cho video
Thẻ tags này cũng giống như từ khóa giúp mọi người dễ dàng tìm thấy video của bạn hơn, do đó, Thẻ tags của bạn càng liên quan đến truy vấn tìm kiếm của người dùng thì video của bạn sẽ càng dễ phát hiện. Những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn sử dụng Thẻ tags một cách hiệu quả:
- Hãy tạo ra một bộ tags chuẩn có thể áp dụng được cho tất cả video của bạn. Bạn có thể lấy luôn những từ khóa chính trên kênh hoặc tiêu đề của bạn để làm Thẻ tags và đặt mặc định cho tất cả các video đã tải lên của mình bằng cách chỉnh sửa mục Upload defaults (Mặc định cho video đã tải lên) trong trình Channel của Creator Studio. Ở đây, nếu tất cả các video của bạn cùng nói về một chủ đề và bạn không muốn mất thời gian copy - paste thì hãy chỉnh sửa một lần trong mục này.
- Bao nhiêu Thẻ tags không quan trọng, quan trọng là Thẻ tags của bạn phải luôn chính xác (không sai chính tả), ngắn gọn, súc tích và bạn chỉ nên sử dụng đủ để mô tả tổng quát cho nội dung video mà thôi.
- Khi video trên kênh của bạn được chia theo chủ đề, bạn hãy đặt các Thẻ tags theo từng chủ đề đó.
- Bạn có thể sử dụng tiện ích Chrome TubeBuddy để hiển thị các Thẻ tags được sử dụng trong các video phổ biến khác để lấy cảm hứng cho Thẻ tags của mình.
- Cuối cùng, hãy chủ động cập nhật và tối ưu hóa cho Thẻ tags của bạn khi xuất hiện những xu hướng tìm kiếm mới.
Vào năm 2018, Youtube còn cho phép các Youtuber thêm #hashtag vào phần mô tả và tiêu đề của video. Khi người dùng click vào hashtag, Youtube sẽ hiển thị trang kết quả với các video khác được cũng được gắn hashtag tương tự, hashtag lúc này sẽ giống như một đường link. Bạn có thể dùng tới 3 hashtag trong tiêu đề video, còn nếu bạn không thêm hashtag vào tiêu đề thì 3 hashtag đầu tiên trong phần mô tả sẽ hiển thị bên trên tiêu đề video đó.
d. Chọn đúng hạng mục cho video
Hãy đảm bảo bạn đang chọn đúng Category (Danh mục) cho video của mình, nếu không có Category nào chính xác, hãy chọn một danh mục phù hợp nhất với video tải lên của bạn. Nếu video của bạn không liên quan đến danh mục, rất có thể lưu lượng truy cập vào video đó sẽ không được như ý muốn, vì thế mà bước chọn danh mục này khá quan trọng. Và nếu video của bạn phù hợp hai danh mục trở lên, bạn hãy chọn danh mục nào ít cạnh tranh hơn để video của bạn có thể tăng cơ hội được nhìn thấy hơn.
e. Thêm phụ đề cho video
Phụ đề là một cách khá hay để giúp cho người xem dễ dàng nắm bắt nội dung hơn. Hiện nay, Youtube sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói rất thông minh để tự động tạo phụ đề cho video của bạn nếu ngôn ngữ của bạn có sẵn. Dù thông minh đến thế nào thì các phụ đề tự động này vẫn là được tạo bằng thuật toán công nghệ nên chất lượng của nó có thể không được như ý muốn, do đó, bạn có thể chỉnh sửa và cải thiện phụ đề cho video của mình. Phụ đề rất có ích khi video của bạn đang thảo luận về một chủ đề chuyên sâu và phức tạp với một giọng nói địa phương, khó nghe cho người xem. Hay ngôn ngữ trong video bạn đang sử dụng không giống với ngôn ngữ của đối tượng mục tiêu. Để tạo một phụ đề hoàn toàn mới cho video, bạn hãy chọn tab Subtitle/ CC (Phụ đề) bên cạnh tab Card (Thẻ) trong Video Manager (Trình quản lý video) của mình, rồi chọn ngôn ngữ cho phụ đề, sau đó chọn Create new subtitle or CCvà nhập toàn bộ phần văn bản ứng với tất cả phần âm thanh trong video đó. Hoặc nếu bạn có file transcript có sẵn, bạn có thể sử dụng phương pháp Upload a file để tải lên phụ đề cho video của mình, nó sẽ tự động đồng bộ hóa với nội dung của bạn.
f. Tạo thumbnail (hình thu nhỏ) cho video
Hình thumbnail có thể giúp khán giả xem ảnh chụp nhanh của video khi họ lướt qua video của bạn trên Youtube. Sau khi tải lên video xong, bạn có thể chọn 1 trong 3 hình thu nhỏ mà Youtube tạo tự động hoặc tải lên hình thumbnail của riêng mình. Hình thumbnail này có tác dụng như một tấm áp phích nhỏ tiếp thị cho nội dung video và cực kỳ hữu ích trong việc thu hút người dùng đến với video của bạn ở bất cứ đâu như trên Youtube, trong kết quả tìm kiếm của Google, hay được nhúng trên các website.
Hãy tưởng tượng, khi video của bạn được đề xuất, lúc này hình thumbnail video của bạn cần phải thật nổi bật và lôi kéo được người xem click vào video đó. Lưu ý, chỉ khi tài khoản của bạn đủ điều kiện thì bạn mới có thể tải lên được hình thumbnail của riêng mình. Để xem tính năng này của bạn đã được bật chưa, bạn hãy kiểm tra mục Status and Features (Trạng thái và tính năng) trong trình quản lý kênh của bạn. Giả sử bạn đã đủ điều kiện để tạo hình thumbnail riêng cho video của mình, vậy thì làm thế nào để hình thumbnail đó hoạt động được tốt nhất? Hãy cùng xem những lưu ý dưới đây:
- Bạn phải đảm bảo hình thumbnail của bạn thể hiện chính xác nội dung của video. Không ai muốn nán lại và tin tưởng một nội dung nào đó khác với những gì họ đang tưởng tượng.
- Cố gắng kể một câu chuyện trong hình thumbnail này để kích thích người xem click vào video của bạn. Ví dụ, qua hình thumbnail bạn có thể làm cho khán giả phải tò mò điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong video đó. Thật tuyệt hơn nữa nếu hình thumbnail của bạn có thể kết hợp với tiêu đề của video để thổi phồng câu chuyện lên.
- Đặt hình thu nhỏ của bạn trong một giao diện nhất quán giúp người dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu mỗi khi bạn có video mới.
- Youtube khuyến nghị kích thước cho hình thumbnail tùy chỉnh của bạn là 1280x720 pixel. Tuy nhiên, bạn luôn phải nghĩ trong đầu là sẽ thiết kế nhỏ hơn kích thước này để phù hợp với thiết bị di động nữa.
- Một số những nguyên tắc chung khác nữa mà Youtube đề xuất cho hình thumbnail để đảm bảo chúng được hiển thị rõ ràng đó là: tỷ lệ ảnh tối thiểu 640x360 pixel, tỷ lệ khung hình 16:9, cùng với màu sắc tươi sáng, có độ tương phản cao, cách bày trí khung hợp lý và những yếu tố chính nên nổi bật hơn so với màu nền.
6. Làm sao để tăng lượt view cho video Youtube của bạn
a. Nhóm lại và làm nổi bật những nội dung tuyệt vời bằng các Playlist hay Section
Playlist là cách để bạn mở rộng trải nghiệm của khán giả với những video khác có cùng chủ đề với video mà họ đang xem. Để Playlist được hoạt động tốt nhất bạn có thể sử dụng các phương pháp dưới đây:
- Từ trình quản lý video của mình, bạn có thể tạo các danh sách phát theo từng chủ đề trong mục Playlist. Ví dụ: Kênh của bạn chuyên đăng tải các chương trình tư vấn về marketing chẳng hạn, và trong marketing sẽ chia thành nhiều chủ đề khác nhau như là Digital Marketing, Social Media, hay Quảng cáo, Pr… Bằng cách phân chia các playlist như thế này sẽ giúp người dùng có thể dễ dàng xem các video có cùng chuyên mục mà không phải lục tung kênh của bạn lên. Giống như một người có tính gọn gàng ngăn nắp, họ sẽ biết cách sắp xếp các đồ dùng của mình để khi muốn tìm cái gì họ chỉ việc đến chỗ đó là sẽ thấy.
- Với mỗi Playlist bạn có thể upload một video intro ngắn và đặt nó ở đầu danh sách đại diện cho Playlist đó.
- Sử dụng Call to Action và các yếu tố khác như Endscreen hay Card để điều hướng khách hàng đến Playlist có liên quan.
- Ngoài ra, bạn có thể làm nổi bật Playlist trên Trang chủ (Home) kênh của mình để người dùng khi truy cập kênh của bạn có thể nhìn thấy ngay, bằng cách tạo ra những mục khác nhau theo chủ đề, chương trình, thể loại, hoặc bất cứ một tiêu chí nào khác trong phần Add a section (Thêm phần).
b. Tận dụng sức mạnh của các kênh Social Media khác
Để tăng lượt view cho video Youtube của bạn, hãy tận dụng tối đa sức mạnh của các kênh Social Media khác mà bạn đang có bằng cách chia sẻ, nhúng hoặc gửi email. Ngoài ra, có một lưu ý nhỏ đó là, trong 24 giờ đầu tiên sau khi bạn xuất bản video sẽ rất quan trọng cho sự thành công của video sau này, nếu nó thu hút được lượt xem và thời gian xem ngay lập tức, Youtube sẽ cân nhắc và sử dụng đơn vị đo lường đó để có thể xếp hạng cho video của bạn trong danh sách kết quả tìm kiếm. Do vậy để tối đa hóa cơ hội này, bạn hãy làm sao để điều hướng được nhiều lưu lượng truy cập nhất có thể cho video của mình trong vòng 24 giờ vàng đầu tiên. Có thể là thông qua danh sách email, hay qua các bài đăng trên Social Media khác hoặc thậm chí là dùng quảng cáo trả tiền để thu hút lưu lượng truy cập trong vài ngày đầu.
c. Quản lý nhận xét trên Youtube một cách hiệu quả
Hãy để người nhận xét về video của bạn biết rằng, bạn đánh giá rất cao những gì họ nói bằng cách phản hồi comment của khán giả thường xuyên. Họ sẽ đánh giá rất cao những việc bạn đang làm và Youtube cũng sẽ coi đó là yếu tố giúp video của bạn được xếp hạng tốt hơn. Giả sử, video của bạn có khoảng 20 nhận xét, khi bạn phản hồi lại tất cả 20 nhận xét đó thì video của bạn lúc này mức độ tương tác sẽ tăng gấp đôi là 40 nhận xét, so sánh với video của các đối thủ khác cũng có cùng số lượng nhận xét là 20 nhưng không phản hồi, điều này dẫn đến việc video của bạn sẽ được xếp hạng cao hơn.
Bạn có thể tùy chỉnh để giữ lại, phê duyệt và hiển thị những nhận xét phù hợp cho tất cả video trên kênh của mình bằng cách vào trình Community (Cộng đồng) trong Creator Studio → chọn Community settings (Cài đặt cộng đồng). Trong phần Default settings bạn sẽ chọn như hình bên dưới.
Có một cách nữa là bạn có thể chỉnh sửa trên từng video bạn mới đăng tải bằng cách vào Video Manager (Trình quản lý video) → chọn Edit (Chỉnh sửa) một video mà bạn muốn →Advanced settings (Cài đặt nâng cao). Ở phần Comments (Nhận xét) bạn có thể chọn 1 trong 3 tùy chọn sau:
Trong đó,
All - Hiển thị tất cả các nhận xét.
All except potentially inappropriate comments - Hiển thị tất cả ngoại trừ các nhận xét có khả năng không thích hợp.
Approved - Chỉ hiển thị các nhận xét đã được phê duyệt. Ngoài ra, hãy xem xét đến tab Community (Cộng đồng) trên kênh Youtube của bạn, đây cũng là một cách để bạn có thể chủ động tương tác với mọi người ngoài video.
7. Mẹo sử dụng quảng cáo video trên Youtube hiệu quả
Theo thống kê thì mỗi tháng có hơn 1 tỷ người xem và hơn 6 tỷ giờ xem video trên Youtube, và hơn một nửa lượt xem video trên Youtube đến từ các thiết bị di động. Phải nói, Youtube là một trong số ít các trang web có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng như vậy. Điều này cho thấy, có rất nhiều khách hàng tiềm năng của bạn góp mặt trong con số này, ngay cả khi họ đang đi trên đường. Và đây là một sân chơi rất lớn để bạn có thể quyết định vị trí và thời gian quảng cáo video hiển thị cũng như quyết định những khách hàng tiềm năng nào sẽ nhìn thấy quảng cáo của mình.
a. Loại quảng cáo video Youtube hiệu quả nhất
Youtube hiện nay có 4 loại hình quảng cáo phổ biến đó là:
- Youtube Masthead (Quảng cáo trên trang chủ Youtube)
Đây là hình thức mà Youtube cho phép các doanh nghiệp đặt quảng cáo ngay trên trang chủ của Youtube. Quảng cáo hiển thị này bao gồm một banner và một clip với tổng kích thước là 970x250 pixel, xuất hiện 24/24 và phù hợp với mọi giao diện (laptop, máy tính bảng, di động…). Với quảng cáo này, bạn có thể tiếp cận trung bình hơn 1.800 người truy cập Youtube mỗi ngày với định dạng đơn giản, dễ sử dụng và không giới hạn thông điệp quảng cáo. Tuy nhiên, chi phí của loại quảng cáo này khá đắt đỏ, dao động từ $12.000 - $15.000 và bạn phải liên hệ trước với Google.
- Trueview in-stream ads (Quảng cáo hiển thị trong video trên Youtube)
Đây là hình thức quảng cáo mà buộc người dùng phải chờ xem nội dung đó trước khi đến với nội dung của video chính, nó tương tự như việc bạn đang xem một tập phim truyền hình gay cấn thì đến quảng cáo vậy. Quảng cáo này không giới hạn về độ dài, tuy nhiên, người dùng có thể bỏ qua nó sau 4-5 giây đầu tiên. Do vậy, đối với quảng cáo Trueview in-stream ads, thì các nhà quảng cáo chỉ phải trả tiền khi người dùng xem đến giây thứ 30.
Ngoài ra, gần đây Youtube mới xuất hiện một định dạng mới của Trueview in-stream ads đó là Bumper Ads. Độ dài của quảng cáo này là 6 giây và người dùng sẽ không thể bỏ qua quảng cáo của bạn.
- Google Display Network (Quảng cáo với GDN)
Chắc hẳn các bạn cũng đã rất quen với quảng cáo GDN của Google, định dạng này cho phép doanh nghiệp đặt banner lên những trang web mà họ đã đăng ký với Google, trong đó có Youtube. Chi phí quảng cáo ở hình thức này được tính trên số lần click hoặc theo lượt hiển thị, khá là rẻ. Kích thước cũng như nội dung hiển thị quảng cáo có thể thay đổi tùy thời điểm và thời gian tối đa cho quảng cáo này là 30 giây.
- Youtube Promoted Videos (Quảng cáo hiển thị video trên Youtube)
Hình thức này cho phép hiển thị video quảng cáo bên cạnh các video liên quan đến video mà khán giả đang xem ở bên phải màn hình, hay ở trên đầu trang kết quả tìm kiếm của Youtube. Các doanh nghiệp chỉ phải trả tiền khi người dùng click vào quảng cáo. Hình thức này cũng được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng.
b. Quảng cáo TrueView in-stream cơ bản: chiến lược về nội dung và chiến lược về độ dài
Trong 4 loại hình quảng cáo trên thì quảng cáo Trueview in- stream ads hiện nay đang được ưa chuộng nhất, đây là loại hình quảng cáo khá hiệu quả trong việc tiếp cận khán giả mục tiêu và tăng nhận diện cho thương hiệu của bạn. Hơn nữa, quảng cáo này có thể hiển thị trong khi video đang chạy và có thể bỏ qua được (Skip ads) nên không gây ra sự khó chịu cho người dùng. Bạn sẽ phải trả tiền nếu người xem xem đến giây thứ 30 trở đi (hoặc xem hết toàn bộ thời lượng quảng cáo nếu video ngắn hơn), nhưng sẽ chẳng vấn đề gì bởi điều này đồng nghĩa với việc người đó rất chú ý đến quảng cáo của bạn và họ đã chủ động xem quảng cáo đó. Dưới đây là những cách để bạn có thể áp dụng cho quảng cáo TrueView của mình để nó hoạt động được tốt nhất.
- Hãy cố gắng tạo ra một câu chuyện đầy cảm xúc dài khoảng từ 30 - 60 giây là tốt nhất cho video quảng cáo của loại hình này. Đây là khoảng thời lượng lý tưởng, không quá ngắn khiến người xem hụt hẫng, cũng không quá dài để người xem cảm thấy nản mà bỏ qua.
- Video quảng cáo của bạn nên có Call to Action để người xem biết chính xác bạn muốn làm gì sau khi xem quảng cáo như đăng ký, nhận xét, xem danh sách phát, hay xem video mới nhất của bạn…
- Cho người dùng đủ thời gian để thực hiện hành động bằng cách sử dụng 10 giây cuối cùng của video cho Call to Action.
c. Đặt ngân sách và đối tượng mục tiêu
Youtube sẽ đề xuất ngân sách hàng ngày, bao gồm cả ngân sách tối đa cho mỗi lần xem Cost-per-view (CPV), tuy nhiên, bạn có thể đặt bất kỳ số tiền nào mà bạn muốn. Ban đầu bạn có thể bắt đầu với một vài đồng, nhưng rõ ràng bạn đặt giá thầu càng cao thì quảng cáo của bạn càng có khả năng được phát cho nhiều người.
Bạn không phải mất quá nhiều tiền để bắt đầu thử nghiệm xem liệu rằng quảng cáo trên Youtube có hoạt động tốt không Như với bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào, nó chỉ thành công nếu tiếp cận đúng đến tập đối tượng mục tiêu. Do đó, sau khi lựa chọn đối tượng mục tiêu dựa trên những yếu tố như độ tuổi, vị trí, sở thích, giới tính, cách họ tương tác với doanh nghiệp của bạn, lựa chọn phạm vi tiếp cận và đặt giá thầu cho chiến dịch, hãy thật lưu tâm đến hộp Thông tin ước tính cho chiến dịch bên phải màn hình, qua đây bạn có thể đánh giá được rằng liệu mình đặt giá thầu như vậy đã hợp lý chưa, hiệu quả hoạt động của chiến dịch quảng cáo này có ổn không với tập đối tượng mục tiêu đó, để kịp thời tùy chỉnh sao cho chiến dịch của bạn hoạt động tốt nhất có thể. Phần này liên quan đến kỹ năng chuyên môn của từng nhà quảng cáo, họ sẽ biết cách để tối ưu nhất cho chiến dịch của mình, nên chúng ta không bàn luận đến.
Ngoài ra, có một chiến thuật rất hay ho được các nhà quảng cáo trên Youtube ưa thích như đã nói ở những phần trên đó là chiến thuật “bùng nổ” video trong những ngày đầu (3-5 ngày), sau khi một video mới của thương hiệu được đăng tải nhằm tăng cường phạm vi tiếp cận. Bạn có thể sử dụng quảng cáo TrueView in-stream để hiển thị tối đa đến tập đối tượng mục tiêu trong lúc này và vì bạn không phải trả tiền nếu người dùng chọn bỏ qua quảng cáo, nên sẽ có rất ít rủi ro về tài chính cho chiến lược này. Hơn nữa, cách tiếp cận kiểu như vậy còn giúp thúc đẩy cho lượt xem tự nhiên cho kênh của bạn. Về sau, khi kết thúc những chuỗi ngày bùng nổ, bạn có thể chuyển sang giai đoạn tiếp cận mới, được nhắm mục tiêu kỹ hơn đó là remarketing, để tiếp cận đến những người dùng đã truy cập vào kênh của bạn và tiếp tục tạo ra những lượt xem mới với chi phí tối ưu hơn. Vậy là vẹn cả đôi đường!
d. Theo dõi tiến trình của quảng cáo trên Youtube.
Kinh nghiệm là một thứ rất quý giá mà chúng ta chỉ có được sau khi đã trải nghiệm thực tế. Đấy là lý do vì sao mà chúng ta thường có bước đánh giá và rút kinh nghiệm sau mỗi chiến dịch để những chiến dịch sau của chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu tốt hơn.
Quảng cáo video trên Youtube cũng cung cấp cho nhà quảng cáo một loạt các chỉ số có thể đo lường và theo dõi được. Khi quảng cáo Youtube của bạn hoạt động, bạn có thể theo dõi hiệu suất của chúng thông qua tài khoản Google AdWords. Để có tổng quan chi tiết về những số liệu này, trước khi khởi tạo chiến dịch, hãy đảm bảo bạn đã kết nối tài khoản Adwords với tài khoản Youtube của mình. Sau đó, bạn cũng nên kết hợp với số liệu thống kê của Youtube Analytics để đối chiếu và xem xét về hiệu quả chiến dịch quảng cáo của mình.
Cũng như tất cả các loại quảng cáo trả tiền trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội khác mà thôi, đừng ngại thử nghiệm với các cách tiếp cận khác nhau của quảng cáo video trên Youtube, để từ đó loại bỏ những cách tiếp cận không hiệu quả và tập trung nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc cho những cách tiếp cận hiệu quả hơn.
TÓM TẮT CHƯƠNG 6
- Để có được một chiến lược marketing trên Youtube thành công, ngoài việc tìm hiểu cặn kẽ cách mà Youtube giúp bạn tiếp cận đến khán giả của mình, hãy tự hỏi mục tiêu bạn đến với kênh Youtube là gì? Đối tượng mục tiêu bạn muốn hướng tới là ai? Và kiểu video bạn muốn tạo ra sẽ như thế nào?
- Duy trì sự nhất quán đã được minh chứng rằng có thể tăng cường lòng trung thành với thương hiệu, đặt kỳ vọng cho khán giả và buộc họ phải đăng ký để xem nội dung của bạn trong tương lai.
- Để khán giả có thể xem video thành một chuỗi bạn có thể giúp Youtube tạo ra các Playlist riêng biệt cho từng chủ đề một.
- Hãy cố gắng tạo ra những nội dung kích thích người dùng chia sẻ rộng rãi.
- Khi kênh Youtube của bạn sở hữu một lượng Subscribe nhất định, bạn sẽ có đủ điều kiện để sử dụng các tính năng nâng cao để tối ưu hóa cho kênh Youtube của mình và nhận được nhiều lượt Subscribe hơn.
- Những bí quyết để kênh Youtube của bạn luôn luôn tối ưu đó là: chọn một URL tối ưu, chú ý đến mục About, điền từ khóa của kênh và sử dụng video Intro để thu hút đối tượng mục tiêu.
- Những loại nội dung tốt nhất trên Youtube phải kể đến như là: video tóm tắt thông tin, tin tức, thời sự; video phỏng vấn các chuyên gia; video demo sản phẩm và review sản phẩm; video hậu trường hay các bài thuyết trình; video mà người dùng tự review và quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của bạn; video trả lời các câu hỏi thắc mắc của khán giả; video được chuyển từ audio.
- Để video của bạn luôn thu hút hãy tập trung vào chất lượng của video, tìm đúng chất giọng riêng của bạn, thêm đoạn teaser nhá hàng với những tình tiết gây tò mò, tạo Call to Action nổi bật và End Screen có thể tương tác được. Ngoài ra, hãy thử nghiệm với Youtube card và gắn watermark để xác nhận bản quyền cho video của bạn.
- Hơn nữa, bạn cũng cần lưu ý đến những yếu tố sau để tối ưu hóa video của mình như là: tiêu đề video, phần mô tả video hay các thẻ tags, hạng mục, phụ đề và thumbnail.
- Những cách tăng lượt view cho video của bạn như là: tạo playlist hay các section khác nhau, tận dụng các kênh Social Media khác, quản lý nhận xét .
- Và đừng quên sử dụng quảng cáo trả tiền để tiếp cận đến đúng tập đối tượng mục tiêu.
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................