Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao mọi việc xảy đến với mình không? Tôi thì có đấy. Tôi thường tự hỏi liệu chuyện này xảy đến với mình có phải do một nguyên nhân hay mục đích nào đó không? Suy nghĩ trên phạm vi rộng hơn, tôi chẳng hiểu vì sao chuyện này chuyện kia lại xảy đến với mình, hay liệu có kế hoạch lớn lao nào được sắp đặt cho mình hay không. Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng mỗi sự kiện sẽ đều cho chúng ta một cơ hội hoàn toàn mới để thay đổi bản thân và cuộc đời, dù cho những thay đổi này đến từ từ hay chóng vánh. Ngay cả khi chẳng biết có lý do nào đó đằng sau mỗi sự kiện hay không thì chúng ta vẫn có thể trao cho sự kiện đó một ý nghĩa bất kỳ.
Khi bị chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ (và theo đó là chậm phát triển nặng với IQ dưới 30), cha mẹ tôi hoàn toàn có thể coi đây như một tấn bi kịch. Cả thế giới xem tự kỷ như một thứ vô vọng và họ cũng khuyên cha mẹ tôi tin là như vậy. Thi thoảng tôi nhận ra suýt chút nữa thì cả đời mình đã bị cầm tù trong những suy nghĩ riêng của bản thân và thiếu đi những công cụ để tương tác với phần còn lại của thế giới. Hội chứng tự kỷ mà tôi mắc phải có thể trở thành một việc hoàn toàn vô nghĩa và vô lý.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, chẳng phải vì một chuỗi sự kiện nào cả. Nói cho đúng thì đó là vì một quan điểm rất khác người và chưa từng ai được nghe nói đến bao giờ: từ chối chấp nhận những quan điểm lâu nay coi tự kỷ là một thảm họa, cha mẹ tôi đưa ra những ý tưởng cấp tiến cho rằng chứng tự kỷ của tôi là cơ hội – thật ra là cơ hội tuyệt vời – tiếp cận một đứa trẻ bị lạc lối sau làn mây mù dày đặc. Đó là cơ hội để làm bật lên sự vĩ đại từ những điều mà thường được nhìn nhận dưới lăng kính buồn bã và bi thảm, một lăng kính đã cố định tới mức không thể đưa ra bàn cãi. Nhờ quan điểm này, cùng với lòng cảm thông vô hạn của cha mẹ, tôi đã thay đổi ngoạn mục và thoát khỏi cái vỏ tự kỷ của mình mà chẳng rơi rớt chút con người cũ nào của tôi.
Khi nghĩ về những nỗ lực của cha mẹ, tôi thấy rằng chúng ta có quyền năng to lớn đối với mỗi sự kiện mà mình gặp phải. Không phải việc hồi phục khiến cho chứng tự kỷ của tôi trở nên tuyệt vời và đầy ý nghĩa (nhân tiện, tôi rất hạnh phúc với kết quả này), mà chính thái độ cởi mở của cha mẹ tôi khi đối mặt với nó và nỗi khát khao của họ khi tìm hiểu ý nghĩa của tình trạng này, dù cho tôi có trở nên thế nào đi chăng nữa. Bạn không cần “chạy chữa” cho con để khiến những điều đặc biệt của con trở nên có ý nghĩa và giá trị. Giá trị vốn không nằm ở “kết quả” mà nằm trong cách bạn hành xử trong tình huống đó và với con của bạn.
Câu hỏi về những gì có thể và không thể cứ luẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Chắc chắn đã có đôi lúc trong cuộc đời mình, tôi chọn buông xuôi vì nghĩ “điều đó là không thể”. Có những lần khác, tôi nhận ra cách nghĩ ấy có thể đã tống tôi vào một trung tâm nào đó đến hết cuộc đời. Nếu có điều gì mà cuộc đời dạy tôi, thì chính là chẳng có gì là không thể. Tôi không có ý dùng câu nói này theo kiểu sáo rỗng mà người ta hay nói đâu. Ý tôi là chẳng có gì ngoài tầm với của mình nếu chúng ta thực sự tin rằng nó nằm trong tầm với. Tôi nhận ra rằng chính bản thân mình, chứ không phải là những yếu tố bên ngoài, mới chính là giới hạn lớn nhất.
Các bậc phụ huynh của những đứa trẻ đặc biệt phải nghe nhiều hơn bất kỳ ai khác cái câu “Không thể nào”. Các “chuyên gia” đưa ra những tiên lượng như “vô vọng”, “không thể đảo ngược”, “không thể làm được gì” và “không thể chữa khỏi”. Tất cả những gì cha mẹ tôi phải làm là tin tưởng những “chuyên gia” này (chẳng phải là việc khó khăn gì, vì những bác sĩ trên có đầy bằng chứng chứng minh cho ý kiến của họ) và hành trình của tôi sẽ kết thúc ở đó. Nhưng không, cha mẹ tôi đã chẳng nghe theo lời của các chuyên gia, không tin vào những tiên lượng ấy và giữ lấy niềm tin rằng ít nhất họ có thể làm một điều bất khả thi, chạm đến những gì ngoài tầm với, chữa lành điều không thể.
“Nhưng con trai ông bà đang trong tình trạng tuyệt vọng, kéo dài suốt đời. Cậu bé không bao giờ có thể thoát khỏi nó đâu”, các bác sĩ gắt gỏng nói.
“Thì sao chứ?” Cha mẹ tôi trả lời. “Dù sao đi nữa chúng tôi cũng sẽ thử và xem chuyện gì sẽ xảy ra.”
Cả thế kỷ nay, người ta đã dùng sai từ chuyên gia. Không nên quá coi trọng những quan điểm bi quan mà họ đưa ra cho nhiều bậc cha mẹ. Dù bạn có nghe gì về tình trạng nghiêm trọng của con cái mình, đừng tin những điều ấy. Bạn và con có thể làm được nhiều điều hơn bất kỳ “chuyên gia” nào. Dù cho các bác sĩ có đưa ra bao nhiêu bằng chứng thì cũng chẳng bao giờ đủ để chứng minh là chúng ta không thể làm được gì. Bạn biết không? Bằng chứng là một sự giả tạo. Chúng có thể bị chối bỏ hoặc bị hủy đi. Nếu bạn thực sự tin vào những bằng chứng, hãy dùng nó để chứng minh cho những điều có thể thay vì những điều không thể. (Tôi từng là thành viên của đội tranh luận ở trường và tôi đã thấy cách người khác dùng bằng chứng để chứng minh cho các mặt của một vấn đề).
Nhiều người, đặc biệt là “các chuyên gia”, họ có thể cho rằng tôi đang ủng hộ cho một cái gọi là “niềm hy vọng sai lầm”. “Niềm hy vọng sai lầm” sao? Cụm từ ấy có nghĩa gì nhỉ? Trên đời này, ai lại có thể đặt hai từ ấy gần với nhau? Khi tôi nghĩ về sự nghiệp học tập thành công của mình, những trận đấu quần vợt khốc liệt, tình yêu của tôi dành cho các tiểu thuyết của Stephen King, những truyện ngắn giả tưởng và khoa học viễn tưởng mà tôi đã viết, được nhận vào trường đại học mà tôi chọn, những người bạn thân, nghĩ đến bạn gái của tôi và việc tôi đã sống cuộc đời này trọn vẹn, đầy say mê, tất cả những điều trên chính là sản phẩm của một “niềm hy vọng sai lầm”. Hy vọng không có gì là sai cả. Chưa bao giờ. Tôi ủng hộ việc bạn cho phép bản thân mình và những người xung quanh giữ được một niềm hy vọng mạnh mẽ nhất có thể.
Tôi đoán là bạn đang thắc mắc rằng sản phẩm của “niềm hy vọng sai lầm” ấy đang làm gì với cuộc đời sau này. Ừm, tôi thích trường đại học (tôi đang học năm thứ hai) hơn bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời mình. Tôi có một khoảng thời gian hoàn toàn tuyệt vời với việc chọn môn học, sống xa nhà và ăn đồ ăn ở trường (chúng rất ngon!). Tôi tham gia các lớp học như tâm lý học, khoa học chính trị, nghệ thuật sân khấu và sinh học. Suốt năm nhất, tôi học toán. Đây chắc chắn không phải là thiên hướng của tôi. Ngoài các hoạt động xã hội và học thuật ở trường đại học, tôi còn tham gia khiêu vũ, là thành viên của hội sinh viên và các nhóm về chính trị trong trường. Gần đây, lần đầu tiên tôi được bỏ phiếu bầu tổng thống, sau khi vận động cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên mà tôi chọn... (tôi sẽ không nói với bạn là tôi bầu cho ai đâu, nhưng bạn có thể đoán được mà).
Dưới đây là các câu trả lời (chỉ là câu trả lời thôi) cho một số câu hỏi mà mọi người hay đặt cho tôi:
• Không, tôi không thể chịu nổi bộ phim Beverly Hills 90210.
• Đúng vậy, tôi là một tài xế xuất sắc.
• Thực ra chuyên ngành của tôi là Đạo đức y sinh. Công việc sau khi tốt nghiệp ư? Tôi chưa nghĩ ra gì hết.
• Không, tôi chỉ xoay đĩa trong những tiết học vật lý chán ngắt thôi.
• Xin lỗi, thứ Sáu này tôi bận rồi.
Nhân tiện nói về việc hỏi và trả lời, tôi đã nói chuyện với nhiều phụ huynh của những đứa trẻ đặc biệt từ nhiều quốc gia và dọc khắp nước Mỹ, tôi cũng có cơ hội trả lời nhiều câu hỏi của họ, cũng như đặt ra các câu hỏi. Những vị phụ huynh này đều muốn điều tốt nhất cho con họ. Họ đều khát khao giúp đỡ con mình bằng mọi cách có thể. Nhiều gia đình còn xem tình trạng của đứa trẻ là một điều thật sự đáng lưu tâm. Hơn nữa, họ muốn “đối mặt với sự thật” và không cố né tránh hay giả vờ rằng tình trạng hay tiềm năng của đứa trẻ tốt hơn thực tế. Tôi thấy hoàn toàn hợp lý nếu các vị phụ huynh này nghĩ như vậy. Tuy nhiên, vẫn có cách nhìn khác hiệu quả và vui vẻ hơn.
Cá nhân mình, tôi thấy những đứa trẻ tự kỷ không hề kém cỏi mà ngược lại, còn sở hữu những năng khiếu và khả năng độc nhất. Khi những khả năng này được nuôi dưỡng thay vì bị nhìn nhận bằng con mắt đầy ái ngại, phép màu có thể xảy ra. Trẻ con có thể có những bước nhảy vọt mà người lớn không nghĩ tới.
Nói về việc sống thực tế, không phải mọi thứ đều tốt như mọi người nói. Tôi thường tự hỏi mình làm thế nào có thể vừa sống thực tế vừa sống tích cực. Làm sao để có thể vừa hy vọng và khát vọng không ngừng vừa giữ được cái nhìn thực tế về mọi thứ? Ừm, nhiều lần tôi không thể làm vậy. Có lúc tôi chọn thực tế. Và khi làm như vậy, tôi luôn có thể đảm bảo rằng sẽ không để điều gì xảy ra ngoài mong đợi. Nhưng khi chọn thái độ tích cực, tôi không đặt ra bất kỳ ranh giới nào cho giấc mơ và mục tiêu của mình, kết quả là, thỉnh thoảng tôi đạt được nhiều và hành động nhiều hơn so với khi lựa chọn thực tế. Điện thoại, xe hơi, vắc xin bại liệt – những người sáng chế ra những thứ này là những người cực kỳ không thực tế. Thực tế chỉ giữ nguyên hiện trạng thôi. Chưa có người thực tế nào đạt được thành quả. Mọi khám phá và thành tựu trong lịch sử đều là sai lầm của những người không thực tế. Nhờ cha mẹ tôi thiếu thực tế nên mới có tôi ngày hôm nay. Vậy nên tôi chẳng bao giờ cố gắng khuyên những người xung quanh mình sống thực tế.
Đôi khi, tôi nghĩ về bạo lực trên toàn thế giới và sự phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ, tôi khó lòng mà sống tích cực. Trên tường ký túc xá tôi ở có hình vẽ thạch cao Bobby Kennedy – nhân vật lịch sử tôi yêu thích. Chiến tranh và nạn phân biệt chủng tộc cũng là mối quan tâm hàng đầu của ông, nhưng ông không bao giờ để tình hình thế giới làm mình mất tinh thần. Vậy nên, khi nghĩ về những điều tôi muốn thay đổi trên thế giới và nghĩ về việc trở nên bớt thực tế và hy vọng hơn, tôi cố gắng nhớ lại câu nói ưa thích của ông: “Vài người nhìn thế giới hiện tại và hỏi 'Tại sao?'. Tôi thì xem thế giới có thể trở nên thế nào và hỏi 'Sao lại không?'” Bạn luôn có thể hỏi “Tại sao không?” khi ai đó nói rằng bạn không thể làm gì đó. Bạn luôn có thể hỏi “Vậy thì sao?” khi những bằng chứng được đưa ra đi ngược lại với bạn mong muốn. Bạn luôn có thể nói “Điều đó có thể” khi có một tầm nhìn khác cho con cái mình. Tiềm năng của bạn là vô hạn, vậy nên đừng bỏ cuộc. Bạn vĩ đại hơn bạn tưởng đấy.