1
Sáng nay bầu trời Hà Nội như có lớp sương mù bao phủ, âm u và xám xịt.
Khói bụi, ô nhiễm đã khiến Hà Nội trở nên trĩu nặng thế này.
Mình chợt nhớ đến những nhân vật trong cuốn “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” của nhà văn Patrick Modiano. Những nhân vật này luôn thủy chung với tuổi trẻ của họ, thủy chung với cuộc đời phiêu lãng, không phép tắc và không màng đến ngày mai. Họ tuyệt vọng vì yêu đời quá thiết tha. Họ như những kẻ dại khờ rực rỡ và mỏng manh. Họ như đám mây xốp mềm và tất cả những buồn vui, những niềm hân hoan đều có thể để lại dấu vết trong tâm trí. Ngay cả mùi vỏ cây trong một ngày mưa cũng vang động như làn sóng âm thanh rạo rực truyền đi trong tâm trí họ.
Mình cũng đã từng lạc lối trong tuổi trẻ của mình như thế. Đôi khi ngông cuồng. Đôi khi u uẩn. Đôi khi bị tổn thương vì những vết xước nhỏ mà đau thấu tâm can. Đôi khi bơ vơ. Đôi khi say đắm và cuồng nhiệt. Đôi khi điên rồ chói lóa chỉ vì một làn hương, một bàn tay, một bờ môi hoặc một ánh nhìn trong chiều nhạt nắng gửi mộng mơ.
Nhưng dù lạc lối thì cái tuổi trẻ rực rỡ ấy cũng đã bỏ ta mà đi. Nó bỏ đi trong khẽ khàng và im ắng. Khẽ khàng như những bước nhón gót nhẹ nhàng trong đêm khiến chính ta cũng không hay biết.
Ta chợt nhận ra điều đó khi mỗi sáng soi gương thấy tóc thêm vài ba sợi bạc, thấy chân tay đau nhức mỗi khi trở trời trái gió, thấy cái ngón tay chuyên gõ máy tính cứng đơ, nói gì nó cũng không chịu nghe và hễ cử động mạnh là buốt nhói.
Ta chợt nhận ra điều đó khi kí ức không còn vang động dư âm của những nụ hôn hay cái nắm tay dùng dằng thuở nào xa lắc. Ta nhớ về những trang kí ức ấy như hoài niệm về những gì thanh khiết của một thời quá vãng, lòng chẳng còn cồn dứt day và luyến tiếc.
Ta chợt nhận ra điều đó khi biết mình “lực bất tòng tâm”, không thể tự mình làm chủ một cái gì, kể cả thân thể của mình và dĩ nhiên cả tuổi trẻ. Mình muốn tóc xanh mà tóc cứ bạc. Mình muốn ngủ mà mắt không chịu nhắm. Buồn, vui, thương, yêu, ghét bỏ, giận hờn cứ tự đến rồi đi chẳng chịu“xin phép” gì mình cả.
2
Và khi tuổi trẻ rời bỏ mình đi cũng lại là lúc mình nhận được nhiều giá trị mới mà chỉ tuổi cận già mới thấy.
Ví như sáng nay lòng bừng lên như nắng mới thêu khi nhận được tin cuốn tản văn Những bài học ngoài trang sách của con trai đạt giải B giải thưởng sách quốc gia năm 2019.
Giải thưởng chỉ mang tính khích lệ tinh thần nhưng đối với mình, điều đó quý giá vô chừng.
Bởi thêm một lần nữa, mình lại nghĩ về hành trình mà con đã đi, về những tháng ngày con đã sống, về những gì con đã viết một cách thật ấm áp.
Những bài học ngoài trang sách phác họa chân dung những người đã cùng con vượt chặng đường gian khó những ngày tháng đầu con du học bên nước Mỹ xa xôi hoặc những người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tuổi thơ con.
Đọc lại từng trang sách ấm nóng, mình vẫn thấy bất ngờ về cách con nhìn nhận và đánh giá con người và sự việc. Cái cách nhìn nhận tuy còn những nét ngây thơ, trong sáng nhưng luôn ẩn tàng sự hài hước, dí dỏm mà không kém phần sâu sắc. Điều tuyệt vời nhất là con luôn nhìn vào điểm tích cực, vào lòng tốt và thiện lương ở mỗi người.
Trong mắt con, ai cũng có “điểm yếu” này nọ nhưng rồi ai cũng biết cách tận hưởng hạnh phúc của riêng mình.
Cuộc sống chất chồng muôn nỗi khó khăn và bất an khiến người ta đôi khi chỉ thấy cuộc đời bày ra toàn là những xót xa, những đau đớn, những dằn vặt, những âu lo. Vì thế, đọc sách của con mình cũng tự rút ra được những bài học về “nhân sinh quan” trong cách nhìn đời, nhìn người trong trẻo, trong những thiết tha yêu của một thời tuổi trẻ như mùa Xuân tinh khôi với ngạt ngào hoa thơm và nồng nàn nắng ấm…
Những bài học ngoài trang sách cũng là thông điệp gửi đến các bậc cha mẹ, những người làm giáo dục lời nhắn nhủ rằng, tri thức thức không bao giờ là đủ. Cách chúng ta ứng xử với những người xung quanh, cách chúng ta nồng nhiệt với cuộc đời mới chính là điều làm nên hạnh phúc. Nếu không có lòng trắc ẩn, không biết cách sống chung và sống cùng thì thành công nhiều khi cũng trở nên lẻ loi, cô độc.
Mình ngồi lặng ngắm cuốn tản văn Những bài học ngoài trang sách mà như thấy hiện về cả một trời yêu thương. Bao nhiêu ngày con đi học xa là bấy nhiêu ngày nhớ nhung, lo lắng thắc thỏm. Nhưng những gì con viết trong sách như một chỉ báo rằng, bố ơi con ổn. Rằng bố ơi con đang làm việc, đang say mê và đang sống hạnh phúc cùng tuổi thanh xuân rực rỡ và vĩnh cửu...
Mình nhớ đôi mắt của con luôn rực sáng mỗi khi nói với bố về dự định tương lai, nhớ cái cách con quyết tâm đi tìm cho mẹ gói thuốc chữa dị ứng trong đêm bất chấp mưa phùn và gió bấc. Và khi ấy, mình thấy được hồi sinh.
Sau những ngày trời âm u, tờ giấy mời tham dự buổi “Lễ trao tặng giải thưởng sách quốc gia” như khiến mình được du hành đến với một khung trời mộng mơ nơi có tuổi trẻ của mình ở đó.
Tuổi trẻ tươi mềm và rực rỡ vẫn bịn rịn trên bàn tay nắm, trên từng nếp áo, nếp khăn, trong từng hơi thở của chính mình.
Nó giúp mình yêu thương một cách điềm nhiên, chỉn chu và kĩ lưỡng hơn…
Bởi mình cũng có Những bài học ngoài trang sách của riêng mình.
Hình như đốm sáng phía cánh đồng xa kia là một cánh cò vừa đậu. Giữa làn sương mờ ảo, đốm sáng ấy cứ nhấp nháy. Nó khiến mình như được sải chân trần chạy trên cánh đồng thông thênh gió với đôi mắt sáng rực, với lòng nhẹ bẫng và với hân hoan muôn nỗi tin yêu.
Cảm ơn Những bài học ngoài trang sách, cảm ơn con trai đã giúp bố ngộ ra rằng: Tuổi trẻ của bố không lạc lối.
Vì nó thuộc về con và luôn hiện hữu trong thanh xuân rực rỡ của con!