1
Cọng Rơm1 mua được những cành hoa rất đẹp về chưng ở bàn. Mình thích mấy cành hoa ấy vì vẻ đẹp thanh nhã của nó. Vài chùm hoa li ti trắng muốt tựa như tuyết bay, tựa như sương đậu, cứ mơ mơ hồ hồ. Mình thích nên cứ đi ra đi vào ngắm nghía xuýt xoa. Cọng Rơm có vẻ phấn khởi vì thành quả. Mỗi lần mình khen là lại tặc tặc lưỡi bảo: Vâng, em cũng phải tự thừa nhận là em mua giỏi.
1 Cách gọi vợ âu yếm của tác giả.
Mình không muốn tranh luận để còn lấy sức ngắm nghía vẻ lành hiền, dịu dàng của những bông hoa.
Được hai hôm, Cọng Rơm bỗng nhiên tuyên bố một câu rất “chói”: Em biết vì sao anh thích hoa này rồi.
Ừ thì vì nó đẹp - Mình thủng thẳng.
Không phải, vì tên nó là Tuyết Mai.
Ơ tên thì có gì mà quan trọng. Kể cả nó tên là Tuyết Kia, Tuyết Xưa, Tuyết Cũ hay Tuyết Tuyền Tuyệt thì cũng thế thôi - Mình ngơ ngác.
Không phải, em nghĩ là anh vẫn có lý do riêng.
Mình thở hắt ra. Em nghĩ thế nào chả được.
Kể từ đó, màn khen hoa của mình tạm dừng chỉ vì cái tên “ai oán”. Nhưng không sao, mình đã quá quen với kiểu “lấy bục công an đặt giữa trái tim người” của bả.
2
Chưa có thời gian nào mình lại tướt bơ tướt bải như đợt rồi. Không ốm là may. Thoắt cái, lúc ở trường, lúc ở chỗ công trình để coi sóc việc xây dựng hoàn thiện nhà cửa.
Thôi rồi là mệt mỏi bã bượi. Đêm khuya mới được ăn cơm là chuyện bình thường. Mỗi khi cái dạ dày hành hạ là muốn đứt hơi luôn.
Làm nhà mới thấy thực sự là trần ai khoai củ, động đến chỗ nào cũng thấy khúc mắc, thấy phải tranh luận, thấy phải năn nỉ thợ, thấy phải điều chỉnh, thấy phải thêm tiền. Lo đến bạc cả râu.
Cọng Rơm thì đủng đỉnh lắm. Cả đợt làm nhà, bả lên được cả thảy ba lần. Mỗi lần lên là mỗi lần mình toát mồ hôi để chỉ đường.
Alo, anh ơi, nhà mình ở Ecopark hả anh? (Pắc pắc cái con khỉ, mình ở Trôi, Trôi “trờ trê”, như trong “trôi nổi” ấy…).
Alo, anh ơi, anh nói lại cho lái xe đi, họ không biết chỗ.
Alo, anh ơi, anh nói lại đi, em quên mất địa chỉ rồi.
Alo, anh ơi, anh có thể rời nhà ra chỗ nào dễ tìm hơn được không?
Alo, thôi anh ra đứng ngoài đường đi, em tìm cho dễ…
Ôi giời mình hoa mắt, tai ù với những alo trong khi vẫn mướt mải chạy chỗ này lui chỗ nọ đốc thúc thợ.
Nhưng chưa hết.
Gần đến lúc làm xong, Cọng Rơm trăn trở: Anh ơi, thế làm nhà xong thì chuồng mèo đặt ở đâu. Em sợ chuyển lên là nó bị chấn động tâm lý.
Mình méo xệch: Giời ôi, tôi đang chấn động tâm lý đây bà này.
Nói thế thôi nhưng mình vắt óc nghĩ cái chỗ cho “ông mèo”. Phải là một chỗ sạch sẽ, thoáng mát cơ.
Cả cái nhà còn tự mình thiết kế và làm được, sá gì cái chuồng mèo.
Thế là một cái chuồng xinh xắn hình thành, chỉ còn thiếu điều buông rèm cho giống công chúa miêu miêu nữa thôi.
Cọng Rơm vui lắm. Lên thăm nhà, bao nhiêu những điều mình tâm huyết mang ra khoe thì chẳng thèm để ý, chỉ nức nở: Em công nhận cái chuồng mèo đẹp quá, “em ưng em ưng”.
Mình nghĩ thầm, “bà ưng bà ưng thì tui ngưng tui ngưng”.
3
Làm nhà không khổ bằng dọn nhà.
Suốt hai tháng trời mình với chú em kết nghĩa thu thu buộc buộc gói gói ghém ghém đồ từ nhà cũ rồi lại chất lên xe chở đến nhà mới. Chỉ riêng sách vở đã hàng trăm bao, rồi quần áo, kính thưa các loại túi, giầy dép của vợ, nồi niêu, máy giặt… Có chuyến, mình ngồi lút giữa đống đồ đạc, đến nơi rồi mà lôi đồ ra dễ đến nửa tiếng sau mình mới ngoi ra được.
Khuân lên rồi thì phân loại cái nào để chỗ nào như kiểu lập bản đồ tư duy trong dạy học ấy…
Rồi thì bụi sơn, bụi bả, bụi gỗ mù trời, lụi hụi lau chùi từ tầng một lên tầng bốn, rồi từ tầng bốn xuống tầng một…
Cứ là xoay như chong chóng.
Nhưng Cọng Rơm thì trăn trở nhiều thứ lắm.
Anh ơi, cái quyển sách em hay đọc anh để ở đâu?
Anh ơi, cái sạc đồng hồ em hay dùng anh để ở đâu?
Anh ơi, cái đôi giày màu trắng của em anh để ở đâu?
Nói chung là những câu hỏi “ở đâu” vang lên dồn dập hối hả.
Mình lại giải thích về sơ đồ để từng vật dụng với sự kiên nhẫn của người đã theo ngành sư phạm lâu năm.
Ấy thế mà vẫn cáu. Em thấy mọi thứ cứ rối tung lên chẳng như ở nhà cũ.
Ơ kìa, như là như thế nào. Cái gì ban đầu mới mà chẳng lạ, rồi dần dần sẽ quen chứ - mình thuyết phục.
Anh thì lúc nào chẳng thích mới với lạ!
Biết ngay là câu chuyện sẽ chuyển sang một “hình thái” khác. Mình đành lẳng lặng đi tìm và sắp xếp lại đồ cho “như cũ”.
Những chuyện “ngang xương” về Cọng Rơm thì nhiều không kể xiết.
Nhưng mình đã quen với cái sự “ngang ngang” ấy, giờ mà chuyển sang “dọc dọc” là bất thường ngay.
Và cũng bởi vì mình mong nhìn thấy niềm vui của bả. Mà bả vui thì thằng Bếu cũng vui. Thế là trăm ngàn chỗ lệch cũng kê cho bằng tuốt…
Về nhà mới, thấy bả tíu tít với việc cho chim ăn, hớn hở bên cây bên hoa là mình thấy lòng nhẹ nhõm bình yên…
Cuộc sống bỗng nhiên chậm lại, từng nhịp, từng nhịp.
Giờ này, trong ngôi nhà nhỏ của mình giờ đã ngập những hoa và ti vi thì đang réo rắt: Em ơi mùa Xuân đến rồi đó…
Mùa Xuân chẳng gọi mời mà cứ mang theo những náo nức, những sinh sôi, những ấm áp, những tin yêu…
Mấy hôm nay Cọng Rơm đã chuyển sang đốt tinh dầu bằng hương mùi già. Cả nhà sực nức trong mùi Tết bình yên. Mỗi sáng tỉnh giấc mình mong bé lại như ấu thơ, như ngồng cải vàng lấm tấm, như mưa bụi, như pháo tép đẹt đùng thơm nao nức tháng năm xưa. Những giấc mơ thiếp ngủ quây quần.
Và những mùa hoa trở về…
Mình yêu những giây phút này biết bao...
Thôi em cứ gân cổ lên cãi vã với anh kiểu gì cũng được, miễn là sức khỏe của em ổn định. Ngày tươi tỉnh, đêm tròn giấc và mỗi bữa ăn được lưng cơm…
Thôi mình cứ già đi cùng nhau, chầm chậm và AN YÊN là được.
Còn bó hoa em mua là tuyết mai hay tuyết kia, tuyết kìa, tuyết kĩa, anh cũng chẳng thèm quan tâm đâu.
Anh thật…
Xuân đang gõ cửa rồi kìa…