Cú điện thoại mãi mãi thay đổi cuộc đời gia đình Dodd ở Chicago đến vào buổi trưa ngày thứ Năm, 08 tháng 06 năm 1933, khi William E. Dodd đang ngồi tại bàn làm việc của ông, ở trường Đại học Chicago.
Hiện là chủ nhiệm khoa lịch sử, Dodd từng là giáo sư đại học từ năm 1909, nổi danh khắp cả nước về công trình nghiên cứu của ông về miền Nam nước Mỹ và tiểu sử Woodrow Wilson. Dodd sáu mươi tư tuổi, tóc ngắn, cao một mét bảy mươi hai, với đôi mắt xanh xám và mái tóc nâu nhạt. Gương mặt ông tỏ ra nghiêm nghị, nhưng thực tế ông là người có khiếu hài hước sống động, lạnh lùng và dễ dàng nổi quạu. Vợ ông, Martha, thường được gọi bằng cái tên Mattie, cùng hai đứa con đều đang ở lứa tuổi đôi mươi. Con gái ông cũng mang tên Martha, hai mươi tư tuổi và con trai ông, William Jr. - tên thường gọi là Bill - hai mươi tám.
Theo nhận xét chung, họ là một gia đình hạnh phúc và quan tâm đến nhau. Không giàu có lắm nhưng sung túc, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế hồi đó đang tấn công đất nước. Họ sống trong một căn nhà lớn, số 5757, Đại lộ Blackstone, gần Hyde Park, cách trường đại học vài tòa nhà. Dodd còn sở hữu một trang trại nhỏ tại Round Hill, Virginia - mùa hè nào ông cũng về ở đó. Căn cứ theo khảo sát của hạt, trang trại rộng vào khoảng 156 héc ta, và là nơi Dodd, một nhà dân chủ ủng hộ Jefferson7 hàng đầu, cảm thấy giống như ở nhà nhất. Ngày ngày, ông đi thăm thú hai mươi mốt con bê cái giống Guernsey, bốn con ngựa đực thiến tên là Bill, Coley, Mandy và Prince, chiếc máy kéo Farmall, cùng những chiếc máy cày Syracuse ngựa kéo. Ông pha cà phê đựng trong hộp Maxwell House8, nằm trên lò sưởi đốt củi đã cũ. Vợ ông chẳng thích thú gì nơi này, bà sẽ vui hơn nhiều nếu chỉ một mình ông tới đây, trong khi cả gia đình vẫn ở lại Chicago. Dodd đặt tên cho trang trại này là Stoneleigh, vì có nhiều tảng đá nằm rải rác khắp bề mặt trang trại. Ông hay nói về nó như những anh chàng say sưa kể về mối tình đầu. “Trái cây thì đẹp tuyệt vời, gần như hoàn hảo, đỏ tươi và ngon lành, chúng ta sẽ thấy những cành cây trĩu trái.” Một buổi tối dễ chịu giữa mùa thu hoạch táo, ông ngồi viết thư. “Thật là lí tưởng đối với tôi.”
7 Thomas Jefferson (1743 - 1826): Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ.
8 Một thương hiệu cà phê của Mỹ.
Dù ít khi dùng sáo ngữ, nhưng Dodd đã mô tả cuộc gọi ấy như một “tiếng sét giữa trời quang”. Tuy nhiên, ông đã nói quá. Vài tháng trước, ông từng bảo bạn bè rằng, ngày nào đó cuộc gọi này sẽ đến. Chính nội dung cuộc gọi mới là thứ khiến Dodd giật mình và phiền muộn.
Đã một thời gian rồi, Dodd cảm thấy không vui vẻ gì với công việc ở trường đại học. Mặc dù yêu thích giảng dạy lịch sử, nhưng ông thích viết về nó hơn. Đã nhiều năm, ông ấp ủ một tác phẩm dự kiến sẽ là bản tường thuật đáng tin cậy nhất về lịch sử miền Nam thuở ban đầu, một bộ sách gồm bốn tập tên là Thăng trầm miền Nam ngày xưa, nhưng công việc bận rộn toàn cản trở tiến độ của ông. Ông chỉ mới gần hoàn thành xong tập đầu, và vì tuổi tác ngày một cao, ông e rằng những tập còn lại chưa xong sẽ theo mình xuống mồ. Ông đã đàm phán xin giảm bớt áp lực công việc với khoa, nhưng bằng những thỏa thuận miệng như thế, mọi việc thường không diễn ra như ông hi vọng. Nhân viên bỏ đi, cộng thêm các sức ép tài chính trong trường đại học do cuộc Đại Khủng hoảng, khiến ông phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết. Ông phải ứng phó với các quan chức trong trường, chuẩn bị các bài lên lớp và đối đầu với nhu cầu ngày càng tăng của các sinh viên tốt nghiệp. Trong một lá thư gửi Phòng Công trình và Đất đai của trường đại học ngày 31 tháng 10 năm 1932, ông van xin lắp hệ thống sưởi trong văn phòng ông vào những ngày Chủ nhật, để ít nhất được một ngày dành hết thời gian vào viết lách, mà không bị ngắt quãng. Ông đã mô tả với một người bạn rằng chức vụ của mình thật “đáng xấu hổ.”
Bổ sung thêm vào sự bất mãn là niềm tin rằng lẽ ra sự nghiệp của ông phải tiến xa hơn thế. Ông giải thích với vợ, thứ cản trở ông thăng tiến là việc ông sinh ra trong gia đình chẳng được hưởng đặc quyền gì. Ông buộc phải làm việc như trâu như bò để đạt được những gì mình muốn, không như những ai kia trong lĩnh vực của ông thăng tiến rất nhanh. Và thực sự, ông đã phải rất vất vả mới vươn lên được vị trí hiện giờ. Sinh ngày 21 tháng 10 năm 1869, ở nhà cha mẹ ông tại thị trấn Clayton, Bắc Carolina, Dodd thuộc tầng lớp da trắng dưới đáy xã hội ở phương nam, vẫn còn trung thành với những quy tắc phân biệt giai cấp của thời kì trước Nội chiến9. Cha ông, John D. Dodd, là một lão nông sống tằn tiện, chỉ học đủ để biết đọc biết viết, còn mẹ ông, Evelyn Creech, có dòng dõi xuất thân cao quý hơn ở Bắc Carolina. Đây được xem là cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối. Hai vợ chồng trồng bông trên mảnh đất cha Evelyn để lại và chỉ kiếm đủ sống. Trong những năm sau cuộc Nội chiến, khi sản lượng bông tăng vọt và giá cả thì tụt dốc, gia đình ông đều đặn có những khoản nợ với cửa hàng bách hóa của thị trấn, do người bà con thuộc tầng lớp hưởng đặc quyền của Evelyn làm chủ. “Những kẻ vô cảm,” Dodd hay gọi họ như thế “lũ con buôn kiểm soát những ai phụ thuộc vào chúng theo kiểu quý tộc!”
9 Nội chiến Mỹ (1861 - 1865): cuộc chiến giữa Liên bang miền Bắc và Liên minh miền Nam ở nước Mỹ.
Là một trong bảy anh em, Dodd dành cả tuổi trẻ của mình cày cuốc trên mảnh đất của gia đình. Cho dù xem công việc này là một vinh dự, ông cũng không hề muốn cả đời mình đi sau con trâu và nhận ra cách duy nhất để một người xuất thân thấp kém thoát khỏi kiếp nông dân là thông qua học vấn. Ông nỗ lực tìm đường thoát nghèo, đôi khi ra sức học hành đến nỗi bạn bè đặt cho ông biệt danh “Cha Dodd”. Vào tháng Hai năm 1891, ông đỗ vào Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Virginia (sau này là Đại học Công nghệ Virginia). Kể cả ở đây, ông cũng nghiêm chỉnh tập trung học hành. Các sinh viên khác thì đắm chìm vào đủ thứ trò tinh nghịch như vẽ bậy trêu chủ tịch trường đại học và dàn cảnh các cuộc đọ sức tay đôi giả, để những tên tay mơ tưởng rằng chúng đã giết chết đối thủ của mình. Nhưng Dodd chỉ cắm đầu vào học. Ông lấy bằng cử nhân năm 1895 và bằng thạc sĩ năm 1897, ở tuổi hai mươi sáu.
Nhờ một thành viên đáng kính trong khoa khuyến khích, cùng một khoản vay từ ông cậu tốt bụng, vào tháng Sáu năm 1897, Dodd lên đường sang Đức theo học Trường Đại học Leipzig, bắt đầu tháng ngày lấy bằng tiến sĩ. Ông mang theo mình chiếc xe đạp. Ông tập trung vào bài luận văn về Thomas Jefferson, bất chấp việc rõ ràng, ông gặp khó khăn khi tìm kiếm các tài liệu về nước Mỹ thế kỷ XVIII ở Đức. Dodd hoàn thành hết các bài tập cần thiết trên lớp, tìm thấy kho lưu trữ các tài liệu liên quan tại London và Berlin. Ông cũng du ngoạn rất nhiều, thường đi bằng xe đạp, không biết bao nhiêu lần, bầu không khí chủ nghĩa quân phiệt tràn ngập khắp nước Đức khiến ông bị sốc. Có lần, một trong các giáo sư yêu thích của ông tổ chức cuộc thảo luận về vấn đề “Nước Mỹ sẽ vô dụng ra sao nếu bị quân đội Đức vĩ đại xâm lược?” Sự hiếu chiến kiểu Phổ10 này khiến Dodd khó chịu. Ông đã viết “Đâu đâu cũng đầy ắp tinh thần chiến tranh.”
10 Prussia (Phổ): từng là một vương quốc lớn của người Đức, trước khi nước Đức thống nhất vào năm 1871.
Dodd quay về Bắc Carolina cuối mùa thu năm 1899, và sau nhiều tháng tìm kiếm, cuối cùng ông cũng được nhận một chân giảng dạy ở trường Đại học Randolph-Macon tại Ashland, Virginia. Ông cũng nối lại quan hệ bạn bè với một phụ nữ trẻ tên là Martha Johns, con gái một địa chủ giàu có sống gần thành phố quê hương Dodd. Tình bạn nảy nở thành một chuyện tình lãng mạn, vào đúng đêm Giáng sinh năm 1901, họ cưới nhau.
Tại Randolph-Macon, Dodd nhanh chóng tự vướng vào rắc rối. Năm 1902, ông ra mắt một bài viết trên tờ Nation, đả kích một chiến dịch của Hội Cựu Chiến binh Liên minh miền Nam vận động thành công bang Virginia cấm xuất bản một cuốn sách giáo khoa lịch sử, vì họ cho rằng có nội dung sỉ nhục danh dự người miền Nam. Dodd buộc tội các cựu chiến binh tin vào các dữ liệu lịch sử có hiệu lực duy nhất là những tài liệu một mực cho rằng, miền Nam “hoàn toàn đúng khi tách khỏi Liên bang”.
Phản ứng mạnh xảy ra ngay lập tức. Một luật sư giỏi trong phong trào của các cựu chiến binh mở cuộc vận động sa thải Dodd khỏi trường Đại học Randolph-Macon. Nhà trường dành cho Dodd sự ủng hộ toàn diện. Một năm sau đó, ông lại công kích các cựu chiến binh, lần này là một bài diễn văn trước Hiệp hội Lịch sử Mỹ. Theo đó, ông gièm pha các nỗ lực của họ hòng “đóng cửa bất kì trường học nào, ngăn cấm bất kì cuốn sách nào không thỏa mãn tiêu chuẩn chủ nghĩa ái quốc địa phương của họ”. Ông tức giận nói “im lặng không phải là phong cách của một người đàn ông mạnh mẽ và trung thực”.
Danh tiếng sử gia của Dodd ngày càng lớn, gia đình của ông cũng có thêm thành viên. Con trai ông chào đời năm 1905 và con gái ông năm 1908. Nhận ra rằng khoản tăng lương sẽ có ích vào một lúc nào đó và rằng sức ép từ các kẻ thù sẽ không giảm bớt, nên Dodd ghi danh ứng cử khi trường Đại học Chicago thành lập. Ông có được việc làm, và vào tháng Một lạnh lẽo năm 1909, ở tuổi ba mươi chín, ông cùng gia đình chuyển nhà sang Chicago, nơi ông sống một phần tư thế kỷ tiếp theo. Tháng Mười năm 1912, cảm thấy tiếng gọi từ di sản thừa kế và thấy cần phải khẳng định danh tiếng của mình như một nhà dân chủ ủng hộ Jefferson đích thực, ông mua lại trang trại của mình. Công việc đáng sợ gặm nhấm ông suốt thời thơ ấu giờ đây vừa trở thành bước chuyển đổi cứu rỗi linh hồn ông, vừa là tiếng vọng lãng mạn về quá khứ của nước Mỹ.
Thêm vào đó, Dodd phát hiện trong ông luôn có một sự quan tâm đối với đời sống chính trị, được thổi bùng lên trong háo hức vào tháng Tám năm 1916, khi ông tới Phòng Bầu dục11 của Nhà trắng tham gia cuộc họp với Tổng thống Woodrow Wilson. Theo lời một nhà viết tiểu sử, cuộc gặp này “đã thay đổi sâu sắc cuộc đời ông”.
11 Phòng Bầu dục (Oval Office): phòng làm việc của Tổng thống Mỹ.
Dodd ngày càng khó chịu sâu sắc với những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang có thiên hướng can thiệp vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, đang nổ ra tại châu Âu. Trải nghiệm của ông tại Leipzig khiến ông tin chắc rằng chỉ mình nước Đức phải gánh chịu trách nhiệm là nước gây chiến, chỉ để thỏa mãn tham vọng của các nhà tư bản công ng- hiệp và quý tộc, lũ Sĩ quan Đức, những kẻ được ông so sánh với bọn quý tộc miền Nam trước thời Nội chiến. Giờ đây, ông chứng kiến sự xuất hiện của một tham vọng ngông cuồng tương tự ở các thành phần ưu tú về công nghiệp và quân sự Mỹ. Khi một viên tướng quân đội cố gắng lôi kéo trường Đại học Chicago vào một chiến dịch quốc gia, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, Dodd tức giận và gửi khiếu nại lên thẳng ngài Tổng Tư lệnh12.
12 Tổng Tư lệnh của Quân đội Mỹ chính là Tổng thống.
Dodd chỉ muốn nói chuyện với Tổng thống Wilson mười phút thôi, nhưng ông đã đi xa hơn thế và thấy mình bị cuốn hút mê mẩn, như thể được uống thứ chất lỏng ma thuật nào đó, trong một câu chuyện thần tiên. Ông có niềm tin rằng Wilson đã đúng khi ủng hộ Mỹ can thiệp chiến tranh. Đối với Dodd, Wilson là hiện thân đương đại của Jefferson. Trong bảy năm sau đó, ông cùng Wilson trở thành bạn bè và Dodd chấp bút viết tiểu sử cho Wilson. Sau cái chết của Wilson ngày 03 tháng 02 năm 1924, Dodd rơi vào buồn thương sâu sắc.
Cuối cùng, ông đến gặp Franklin Roosevelt13, được xem là ngang ngửa với Wilson. Ông tự nguyện đứng sau chiến dịch năm 1932 của Roosevelt, lên tiếng và viết bài thay mặt ông ta, bất cứ khi nào có cơ hội. Ông nuôi hi vọng được làm một thành viên trong nhóm nòng cốt của Roosevelt, tuy nhiên, bản thân Dodd sớm cảm thấy thất vọng, đành tạm hài lòng với những bổn phận của một cán bộ giáo dục, nhưng sự bất mãn ngày càng tăng.
13 Franklin Delano Roosevelt (1882 - 1945): Tổng thống thứ ba mươi hai của Mỹ.
Giờ đây ở tuổi sáu mươi tư, dấu ấn ông để lại trên thế giới này sẽ là lịch sử miền Nam ngày xưa. Dường như điều này tình cờ cũng là thứ mọi thế lực trong vũ trụ đều muốn phá hoại, bao gồm cả chính sách không lắp lò sưởi trong các tòa nhà của trường đại học, vào các ngày Chủ nhật.
Ông ngày càng xem xét chuyện bỏ việc ở trường đại học và đảm nhận các vị trí khác cho phép ông có thời gian viết lách, “trước khi quá muộn”. Ông chợt nghĩ rằng công việc lí tưởng có thể là một vị trí dễ chịu trong Bộ Ngoại giao, như làm đại sứ tại Brussels14 hoặc The Hague15. Ông tin rằng mình đủ xuất sắc để được cất nhắc vào vị trí này, cho dù ông nhìn nhận mình có ảnh hưởng với các vấn đề trong nước hơn những gì ông đã chứng tỏ trên thực tế. Ông thường xuyên viết thư cho Roosevelt tư vấn các vấn đề kinh tế và chính trị, cả trước và ngay sau khi Roosevelt thắng cử. Điều chắc chắn khiến Dodd khó chịu là ngay sau khi Roosevelt đắc cử, ông nhận được một lá thư in sẵn từ Nhà Trắng. Thư viết, tuy Tổng thống muốn trả lời nhanh chóng từng lá thư ông gửi đến văn phòng, nhưng bản thân ông ta cũng không thể trả lời đúng hạn được, nên đề nghị thư kí làm thay.
14 Brussels: thủ đô của Vương quốc Bỉ.
15 The Hague: một thành phố lớn ở Hà Lan.
Tuy nhiên, Dodd có những người bạn tốt thân cận với Tổng thống Roosevelt, bao gồm cả Tân Bộ trưởng Bộ Thương mại, Daniel Roper, người xem hai con của Dodd như cháu mình. Dodd an tâm tới mức không hối hận khi phái con trai ông làm trung gian đến hỏi Roper, liệu chính quyền mới có cho rằng việc bổ nhiệm Dodd làm công sứ sang Bỉ hoặc Hà Lan là thích hợp. “Có vài vị trí chính phủ cần người, nhưng công việc thì lại nhẹ nhàng,” Dodd nói với con trai. Ông thổ lộ rằng động cơ chủ yếu của ông là muốn hoàn tất nghiên cứu của mình. “Cha không thèm muốn bất kì sự bổ nhiệm nào của Roosevelt, mà chỉ thấy rất lo mình không đạt được mục đích ấp ủ suốt cả đời.”
Nói ngắn gọn, Dodd muốn nhận một công việc ngồi mát ăn bát vàng, yêu cầu không quá cao nhưng sẽ mang lại cơ hội phát triển lẫn khoản lương hậu hĩnh. Và quan trọng nhất, ông có nhiều thời gian để viết - bất chấp việc ông thừa nhận rằng, làm nhà ngoại giao không hợp với tính cách của mình. “Đối với ngành ngoại giao cao cấp (ở London, Paris, Berlin) thì anh không hợp,” ông biên thư cho vợ đầu năm 1933. “Anh rất buồn vì chuyện này làm phiền em. Anh đơn giản không đủ hai mặt, không đủ giảo hoạt để ‘ra nước ngoài vì Tổ quốc’. Nếu là loại người đó, anh đã có thể sang Berlin, quỳ gối trước Hitler - và học lại tiếng Đức.” Nhưng ông nói thêm, “Sao lại phải phí thời gian viết về chuyện này nhỉ? Ai thèm quan tâm đến chuyện sống ở Berlin bốn năm cơ chứ?”
Hoặc do màn đối thoại giữa con trai ông với Roper, hoặc do sự hỗ trợ của các thế lực khác, tên tuổi của Dodd bắt đầu vang xa.
Ngày 15 tháng 03 năm 1933, trong khi đang tạm trú tại trang trại ở Virginia, ông đến Washington gặp mặt Tân Ngoại trưởng của Roosevelt, Cordell Hull, một người ông từng gặp vài lần trước đó. Hull là người cao lớn có mái tóc bạc, cái cằm chẻ và quai hàm khỏe. Bề ngoài, sức mạnh thể chất của ông ta hội tụ những gì cần có của một ngoại trưởng. Nhưng những ai biết ông ta đều hiểu rằng, khi giận dữ ông ta hoàn toàn không hề giống một ngoại trưởng, sẵn sàng tuôn ra một tràng những lời tục tĩu. Hơn nữa, khả năng nói của ông ta cũng gặp trở ngại khi phát âm r thành w, giống nhân vật hoạt hình Elmer Fudd - một nét tiêu biểu mà Tổng thống Roosevelt thi thoảng vẫn trêu đùa những lúc riêng tư, như có lần ông từng nói đến “twade tweaties”16 của Hull. Như thường lệ, Hull mang theo bốn, năm chiếc bút chì đỏ trong túi áo sơ mi, những món công cụ của nhà nước ông ta ưa thích nhất. Ông ta đưa ra khả năng Dodd sẽ được bổ nhiệm sang Hà Lan hoặc Bỉ, đúng như những gì Dodd đã hi vọng. Nhưng giờ đây, khi phải hình dung việc làm đại sứ sẽ như thế nào, Dodd nghĩ lại. “Sau khi cân nhắc thật kĩ tình hình,” ông viết trong cuốn nhật kí bỏ túi, “mình đã nói với Hull mình không thể đảm nhận vị trí đó.” Nhưng tên ông đã vào danh sách.
16 Thực ra là "trade treaties" hiệp ước thương mại. Vì Hull không phát âm được âm r, nên Roosevelt nói đùa như vậy.
Và lúc này đây, vào ngày thứ Năm trong tháng Sáu, điện thoại của ông bắt đầu reo vang. Khi nhấc máy, ông nhận ra ngay lập tức giọng nói mình vừa nghe.