Chẳng ma nào muốn nhận việc này. Tưởng như đây là nhiệm vụ đơn giản nhất, nhưng hóa ra lại khó khăn nhất trong các vấn đề mà Franklin D. Roosevelt phải đối mặt, với tư cách là Tổng thống mới đắc cử, vào tháng Sáu năm 1933. Đối với các vị trí đại sứ cũng vậy, Berlin lẽ ra phải trở thành món bở - chắc chắn không bằng London hay Paris, nhưng vẫn là một trong các thủ phủ vĩ đại nhất châu Âu. Nước Đức đang trải qua sự thay đổi mang tính cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng mới đắc cử, Adolf Hitler. Tùy quan điểm mỗi người, Đức hoặc đang có sự hồi sinh mạnh mẽ hoặc đang chìm trong bóng đêm tàn ác. Theo con đường hoạn lộ của Hitler, đất nước này đã trải qua một làn sóng bạo lực tàn khốc được Nhà nước cổ súy. Lực lượng bán quân sự mặc áo nâu của Hitler, Sturmabteilung, SA - hay Sư đoàn Bão tố - hành động không ai kiểm soát, tha hồ bắt bớ, đánh đập và trong một số vụ, còn giết hại các nhà cộng sản, nhà xã hội học và người Do Thái. Chúng lập các nhà tù, các phòng tra tấn ngẫu hứng ở dưới các tầng hầm, trong các nhà kho và nhiều nơi khác. Chỉ riêng Berlin đã có đến năm mươi hoặc hơn thế những nơi được gọi là boong ke này. Hàng chục ngàn người bị bắt và đưa đến nơi “chăm sóc bảo vệ” - Schutzhaft - một uyển ngữ tức cười. Ước tính có từ năm trăm đến bảy trăm tù nhân đã chết trong thời gian giam giữ, những người khác phải chịu đựng các trò “mô phỏng treo cổ và dìm nước”, căn cứ theo bản khai có tuyên thệ của một cảnh sát. Một nhà tù gần sân bay Tempelhof, tên là Columbus House, trở thành nơi đặc biệt khét tiếng: xin đừng nhầm nó với tòa nhà trùng tên hiện đại, mới xây ở trung tâm Berlin. Biến động đột ngột của thời cuộc khiến một nhà lãnh đạo Do Thái, Rabbi Stephen S. Wise ở New York nói với một người bạn rằng, “những ranh giới văn minh đã bị xâm phạm”.
Roosevelt có nỗ lực đầu tiên lấp chỗ trống đại sứ vào ngày 09 tháng 03 năm 1933, chưa đầy một tuần sau ngày nhậm chức và đúng vào lúc bạo lực tại Đức lên đến đỉnh điểm tàn bạo. Ông gợi ý chuyện này với James M. Cox, người vào năm 1920 từng ra tranh cử tổng thống với Roosevelt.
Trong lá thư có lẫn những lời tâng bốc, Roosevelt viết, “Không chỉ vì tình cảm yêu mến của tôi dành cho ngài, mà còn vì tôi nghĩ rằng vị trí then chốt này phù hợp với ngài một cách kì lạ, đến mức tôi rất mong muốn tiến cử ngài lên Thượng viện, làm Đại sứ Mỹ tại Đức. Tôi rất hi vọng rằng ngài sẽ chấp nhận đề nghị này, sau khi bàn chuyện với phu nhân, người mà tôi cho rằng sẽ rất thích hợp làm vợ một Đại sứ. Xin hãy gửi tôi bức điện tín nói rằng ngài đồng ý.”
Tuy nhiên, Cox từ chối, lấy cớ rằng công việc kinh doanh của ông ta, bao gồm một vài tờ báo, khiến ông ta không thể nhận lời. Ông ta không đề cập đến bạo lực đang làm suy yếu nước Đức.
Roosevelt phải gạt vấn đề này sang một bên, để đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, cuộc Đại Khủng hoảng tính tới mùa xuân năm đó, đã làm một phần ba lực lượng lao động nông nghiệp quốc gia bị thất nghiệp và GDP17 sụt giảm một nửa. Mãi đến gần một tháng sau đó, vấn đề đại sứ mới được xới lại, khi ông tiến cử Newton Baker cho vị trí này, người từng làm Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời Woodrow Wilson và hiện là thành viên của hãng luật Cleveland. Baker cũng khước từ. Rồi người thứ ba, Owen D. Young, một thương gia nổi tiếng, cũng từ chối. Tiếp theo, Roosevelt mời Edward J. Flynn, một nhân vật chủ chốt trong Đảng Dân chủ và là một phóng viên xuất sắc. Flynn bàn lại chuyện này với vợ “và chúng tôi đồng ý rằng, vì con cái hẵng còn nhỏ, nên tôi không thể nhận sự bổ nhiệm này.”
17 Gross Domestic Product (GDP): là một chỉ số kinh tế, tính bằng tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ hằng năm của một quốc gia.
Có lần Roosevelt nói đùa với một thành viên của gia đình Warburg, “Cậu biết không, Jimmy, sẽ đáng đời tên Hitler kia lắm, nếu tôi cử một người Do Thái sang Berlin làm đại sứ. Cậu nghĩ sao?”
Bây giờ, khi tháng Sáu đến gần, hạn chót ngày càng gấp rút, Roosevelt tham gia vào cuộc chiến hao người tốn của, đề nghị thông qua Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia, phần trọng tâm trong gói Chính sách Cải cách Kinh tế của ông. Chính sách này nhằm đối mặt với sự phản đổi mạnh mẽ của một nhóm cốt lõi các đảng viên Đảng Cộng hòa hùng mạnh. Mới đầu tháng, vì Quốc hội chỉ còn vài ngày nữa là hoãn họp nghỉ hè, nên bản dự luật sắp được thông qua vẫn bị các thành viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tấn công - những kẻ đưa ra hàng loạt các bản sửa đổi đề xuất và ép Thượng viện bước vào các kì họp dai dẳng. Roosevelt lo sợ rằng cuộc chiến càng kéo dài bao nhiêu, khả năng dự luật thất bại hoặc bị suy yếu nghiêm trọng càng lớn bấy nhiêu, một phần vì nếu kì họp Quốc hội kéo dài thêm chút nào, sẽ chỉ chọc giận các nhà lập pháp đang muốn rời Washington đi nghỉ hè. Ai ai cũng ngày càng trở nên buồn bực. Làn sóng nhiệt cuối xuân đẩy nhiệt độ tăng cao đến mức kỉ lục trên toàn quốc, cướp đi hơn một trăm mạng người. Washington như chảo dầu sôi, ai ai cũng căng thẳng. Một dòng tít dài ba cột báo trên trang nhất tờ New York Times viết: “ROOSEVELT RÚT GỌN CHƯƠNG TRÌNH NHẰM KẾT THÚC SỚM CÁC KÌ HỌP, CHO THẤY CÁC CHÍNH SÁCH CỦA ÔNG TA BỊ ĐE DỌA.”
Ngay trong vấn đề này, đã phát sinh xung đột: Quốc hội được yêu cầu phải xác nhận và tìm các đại sứ mới. Quốc hội càng trì hoãn sớm bao nhiêu, sức ép phải tìm đại sứ mới sang Berlin trên vai Roosevelt càng lớn bấy nhiêu. Nên ông buộc phải cân nhắc các ứng cử viên không nằm trong số các lựa chọn ông đỡ đầu, bao gồm cả các chủ tịch của ít nhất ba trường đại học và một người yêu hòa bình mãnh liệt tên là Harry Emerson Fosdick, một linh mục Tin Lành theo dòng Baptist của Nhà thờ Riverside, tại Manhattan. Tuy nhiên, dường như không ai trong số đó là lựa chọn lí tưởng, nên vị trí này vẫn bỏ trống.
Thứ Tư, ngày 07 tháng 06, chỉ vài ngày nữa Quốc hội sẽ ngừng họp, trong cuộc gặp gỡ vài cố vấn thân thiết, Roosevelt bày tỏ bức xúc vì không thể tìm ra một đại sứ mới. Một cố vấn trong số này là Bộ trưởng Bộ Thương mại Roper, người đôi khi được Roosevelt gọi là “Chú Dan”.
Roper suy nghĩ một lúc, rồi thốt ra cái tên lạ hoắc của một người bạn lâu năm. “Thế William E. Dodd thì sao?”
“Ý kiến không tồi,” Roosevelt đáp, chẳng ai biết ngay lúc đó ông có thực sự nghĩ thế không. Là người lịch sự, Roosevelt có xu hướng hứa những điều ông không nhất thiết phải thực hiện.
Roosevelt nói. “Tôi sẽ cân nhắc.”
Dodd tuyệt nhiên không phải là ứng cử viên hoàn hảo cho một vị trí ngoại giao. Ông không giàu, cũng chẳng có ảnh hưởng gì về mặt chính trị. Ông không nằm trong số bạn bè của Roosevelt. Nhưng ông biết tiếng Đức và được cho là hiểu rất rõ đất nước này. Một vấn đề lớn chính là lòng trung thành trước kia của ông đối với Woodrow Wilson, người tin rằng Mỹ nên can thiệp vào các quốc gia khác trên vũ đài thế giới. Quan điểm này của Wilson là cái gai trong mắt những người một mực cho rằng nước Mỹ không nên dính vào chuyện nội bộ của nước khác. Những kẻ “theo chủ nghĩa biệt lập” này do William Borah ở Idaho và Hiram Johnson ở California dẫn đầu, đang ngày càng mạnh mẽ và to mồm. Kết quả phiếu thăm dò cho thấy có 95% người Mỹ không muốn nước mình tham gia vào bất kì cuộc chiến nào ở nước ngoài. Cho dù bản thân Roosevelt ưa thích tham gia vào vấn đề quốc tế, ông ta cũng che giấu quan điểm của mình, để làm sao không cản trở chương trình nghị sự trong nước. Tuy nhiên, Dodd dường như không có khả năng khuấy động “những kẻ theo chủ nghĩa biệt lập”. Ông là một sử gia đúng mực, nghiêm trang và hiểu biết trực tiếp của ông về nước Đức rõ ràng là có giá trị.
Hơn nữa, Berlin vẫn chưa thể là một tiền đồn hùng mạnh trong năm nay. Vào thời điểm này, nơi đây tồn tại quan điểm lan truyền rộng rãi, rằng chính quyền Hitler không thể chịu đựng nổi khi sức mạnh quân sự của Đức bị hạn chế. Quân đội của họ, Quân Phòng vệ Đế chế, chỉ gồm một trăm nghìn người, không thể sánh được các lực lượng quân sự của nước láng giềng Pháp, chứ chưa nói đến sức mạnh kết hợp của Pháp, Anh, Ba Lan và Liên bang Xô Viết18. Bản thân Hitler dường như bắt đầu điềm tĩnh hơn dự đoán nhiều, nếu xét đến tình hình bạo lực quét qua nước Đức hồi đầu năm. Ngày 10 tháng 05 năm 1933, Đảng Quốc xã19 cho đốt các cuốn sách chúng căm ghét - của Einstein20, Freud21, anh em Heinrich và Thomas Mann22 cùng nhiều cuốn sách khác nữa - trên các giàn thiêu lớn ở khắp nước Đức. Nhưng bảy ngày sau đó, đích thân Hitler tuyên bố cam kết hòa bình, hắn đã đi xa tới mức cam kết giải trừ quân bị toàn bộ, nếu các quốc gia khác cũng làm theo. Cả thế giới thở phào nhẹ nhõm. So với hàng loạt những thách thức lớn hơn Roosevelt đang phải đối mặt - khủng hoảng toàn cầu và thêm một năm hạn hán lụn bại nữa - nước Đức dường như là vấn đề khó chịu nhất. Điều mà Tổng thống Roosevelt và Ngoại trưởng Hull cho là cấp thiết nhất chính là khoản tiền 1,2 tỉ USD Đức nợ Mỹ, một khoản nợ mà đế chế của Hitler có vẻ ngày càng không muốn trả.
18 Liên bang Xô Viết (1922 - 1991): một liên minh các nước cộng hòa theo Xã hội chủ nghĩa, trong đó Nga là nước lớn nhất.
19 Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là Đảng Quốc xã.
20 Albert Einstein (1879 - 1955): nhà vật lí học nổi tiếng người Đức.
21 Sigmund Freud (1856 - 1939): nhà thần kinh học người Áo.
22 Luiz Heinrich Mann (1871 - 1950) và Paul Thomas Mann (1875 - 1955): hai nhà văn nổi tiếng người Đức.
Hình như chẳng ai quan tâm nhiều đến chuyện một đại sứ cần phải có những phẩm chất gì, để đối phó hiệu quả với chính quyền Hitler. Bộ trưởng Roper tin rằng, “Dodd sẽ xử lí khôn ngoan các bổn phận ngoại giao, và khi các cuộc thảo luận trở nên căng thẳng, ông ta sẽ xoay chiều bằng cách trích dẫn các câu nói của Jefferson.”
Roosevelt xem gợi ý của Roper là nghiêm túc.
Thời gian đang cạn dần, còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải giải quyết, khi đất nước đang ngày càng chìm sâu vào thảm họa kinh tế.
Hôm sau, ngày 08 tháng 06, Roosevelt ra lệnh thu xếp cuộc gọi đường dài sang Chicago.
Ông ta nói với Dodd rất ngắn gọn, “Tôi muốn biết liệu ngài có đồng ý hết mình phụng sự cho Chính phủ. Tôi muốn ngài sang Đức làm đại sứ.”
Ông ta nói thêm, “Tôi muốn một người Mỹ theo chủ nghĩa tự do sang Đức như một tấm gương vững chắc.”
Phòng Bầu dục đang nóng, văn phòng của Dodd cũng thế. Nhiệt độ tại Chicago lúc này đã đạt mức ba mươi hai độ C.
Dodd trả lời rằng mình cần thời gian suy nghĩ và bàn với vợ. Roosevelt cho ông thời gian hai tiếng.
Đầu tiên, Dodd nói chuyện với các quan chức trường đại học và họ thúc giục ông hãy chấp nhận đề nghị. Tiếp theo, ông nhanh chóng đi bộ về nhà, cố gắng trốn cái tiết trời ngày một nóng.
Ông có những nỗi lo sợ sâu sắc. Dự án Miền Nam ngày xưa của ông là ưu tiên cao nhất. Làm đại sứ tại nước Đức của Hitler sẽ không cho ông thời gian để viết lách, và có khả năng còn ít rảnh rỗi hơn cả khi ông làm việc ở trường đại học.
Vợ ông, Mattie, tuy hiểu chuyện nhưng bà biết ông cần được công nhận, hiểu suy nghĩ của ông rằng tới tuổi này rồi, lẽ ra ông phải thành đạt hơn thế. Về phần mình, Dodd cảm thấy rằng ông nợ bà một điều gì đó. Bà đã sát cánh bên ông suốt những năm tháng qua, mà chỉ có được một phần thưởng nhỏ nhoi. “Chẳng có chỗ nào thích hợp cho kẻ tính khí như anh,” ông từng nói với vợ đầu năm đó, trong lá thư gửi từ trang trại, “và anh rất hối hận vì em và vì con chúng ta.” Ông viết tiếp, “Anh biết thật đau khổ làm sao khi một người vợ chân chính, tận tụy như em lại gặp phải thằng chồng vớ vẩn như anh, đúng vào giai đoạn lịch sử then chốt mà anh đã đoán trước từ lâu. Anh là người không thích hợp nắm giữ chức vụ cao, an phận hưởng những thành quả từ công việc nghiên cứu cực nhọc. Thật bất hạnh cho em!”
Sau màn thảo luận và tâm sự chóng vánh, hai vợ chồng đồng ý rằng ông nên chấp thuận đề nghị của Roosevelt. Quyết định được đưa ra khá dễ dàng như thế là do Roosevelt nhượng bộ rằng, nếu trường Đại học Chicago cứ “khăng khăng”, Dodd có thể quay về Chicago trong vòng một năm. Nhưng Roosevelt nói rằng ngay lúc này, ông ta cần Dodd ở Berlin.
Vào lúc hai rưỡi chiều, nửa tiếng sau đó, những nỗi lo âu của ông tạm thời được xoa dịu. Dodd gọi đến Nhà Trắng và thông báo cho thư kí của Roosevelt rằng ông sẽ nhận công việc này. Hai ngày sau, Roosevelt đưa việc bổ nhiệm Dodd ra trước Thượng viện, hôm đó Thượng viện khẳng định rằng không cần Dodd phải có mặt, cũng như không cần cuộc họp kéo dài, điều mà sau này là chuyện bình thường khi tiến cử các vị trí chủ chốt. Báo chí chỉ bình luận vài dòng về cuộc bổ nhiệm này. Tạp chí New York Times đăng một thông báo ngắn trên trang mười hai, trong số ra ngày Chủ nhật, 11 tháng 06.
Trên đường đến dự hội nghị kinh tế quan trọng tại London, Ngoại trưởng Hull chẳng hé môi gì về chuyện này. Cho dù ông có mặt khi cái tên của Dodd lần đầu tiên được xướng lên, ông cũng không biết phải nói gì. Lí do là nét mới mẻ trong phong cách lãnh đạo của Roosevelt, tiến hành bổ nhiệm trực tiếp trong các cơ quan mà không thông qua cấp trên của cơ quan đó, một hành động khiến Hull vô cùng bất bình. Tuy nhiên, ông cho rằng mình không phản đối gì việc tiến cử Dodd, ngoại trừ việc ông thấy Dodd có xu hướng “đi quá xa với sự nhiệt tình và mạnh mẽ thái quá, thi thoảng chệch hướng như người bạn của chúng ta, William Jennings Bryan23. Do đó, tôi e dè khi tiến cử người bạn tốt này, mặc dù ông ta có năng lực và thông minh, đến một nơi đầy khó khăn như Berlin.”
23 William Jennings Bryan (1860 - 1925): từng là Ngoại trưởng của Mỹ từ 1913 đến 1915.
Sau này, Edward Flynn, một trong số các ứng cử viên đã từ chối công việc này, tuyên bố sai lầm rằng Roosevelt đã gọi điện nhầm cho Dodd - ý rằng lẽ ra Roosevelt định gọi điện cho cựu giáo sư Đại học Yale tên là Walter F. Dodd, mời làm đại sứ. Lời đồn về sai lầm này làm nảy sinh ra một biệt danh, “Danh bạ Dodd”.
Tiếp theo, Dodd gửi lời mời hai đứa con đã trưởng thành của ông, Martha và Bill, hứa hẹn với chúng đây sẽ là trải nghiệm của cả một đời. Ông cũng thấy chuyến phiêu lưu này là cơ hội cho gia đình ông ở bên nhau một lần cuối. Dự án Miền Nam ngày xưa của ông rất quan trọng, nhưng gia đình và tổ ấm mới là tình yêu và mong muốn lớn nhất của ông. Một đêm tháng Mười hai lạnh giá, Dodd đang một mình ở trang trại. Đã gần tới Giáng Sinh, mà con gái và vợ ông lại đang ở Paris, nơi Martha đang còn một năm học, còn Bill cũng ở xa. Dodd ngồi xuống viết một lá thư cho con gái. Đêm hôm đó, ông đang có tâm trạng trĩu nặng u buồn. Giờ đây, ông đã có hai đứa con ở tuổi trưởng thành, một điều tưởng chừng như không thể xảy ra. Ông biết sớm muộn gì chúng cũng sẽ phải tự đứng trên đôi chân mình, và một điều không tránh khỏi là mối liên kết giữa chúng với vợ chồng ông trong tương lai sẽ ngày càng ít. Ông thấy cuộc đời của chính mình đã sắp hết. Dự án của ông sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được.
Ông viết, “Con yêu của cha, nếu con không thấy phiền với câu chào này? Con chính là điều quý giá đối với cha, trái tim cha lo lắng cho cuộc sống tuy có rắc rối, nhưng hạnh phúc của con, đến nỗi cha không ngừng nghĩ về con như đứa trẻ đang trưởng thành, sôi nổi và vui vẻ. Nhưng cha đã chứng kiến con lớn lên, ngưỡng mộ suy nghĩ và sự trưởng thành của con. Con không còn là cô bé trong vòng tay cha nữa rồi.” Ông suy tư, “con đưởng trước mặt chúng ta còn rất dài. Con đường của con mới chỉ bắt đầu, cha đã đi con đường của mình đến mức thấy những bóng đen phủ xuống đầu. Một vài người bạn của cha đã mất, những người khác không ai còn tiếp tục làm việc nữa! Vừa mới tháng Năm mà giờ đã tháng Mười hai rồi.” Ông viết, mái ấm “chính là niềm vui sướng của cuộc đời cha. Nhưng giờ đây, cả nhà sống tản mác khắp nơi trên thế giới. Cha không thể chịu đựng nổi ý nghĩ chúng ta sống cách nhau bốn phương trời như thế - mà thời gian còn lại quá ít.”
Với lời đề nghị của Roosevelt, gia đình họ có thể nắm lấy cơ hội được đoàn tụ bên nhau lần nữa, dẫu chỉ trong một khoảng thời gian.