Xét đến cuộc khủng hoảng kinh tế quốc gia, lời mời của Dodd không phải thứ được dễ dàng chấp nhận. Martha và Bill may mắn cùng có việc làm. Martha làm phó biên tập văn học cho tờ Chicago Tribune, còn Bill làm giáo viên sử và là nhà nghiên cứu đào tạo - cho dù đến giờ, Bill theo đuổi sự nghiệp của mình một cách uể oải, lờ đờ đến mức cha cậu lo lắng. Trong một loạt các lá thư gửi vợ tháng Tư năm 1933, Dodd bộc bạch hết những âu lo của ông về Bill, “William là một giảng viên tốt, nhưng mà nó toàn né công to việc nặng.” Dodd viết, nó quá sao nhãng, đặc biệt nếu thấy chiếc ô tô đỗ gần đó. “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ mua xe tại Chicago, nếu còn muốn nó công tác tốt,” Dodd viết tiếp. “Có cái xe lù lù ở đấy là sự cám dỗ quá lớn.”
Sự nghiệp của Martha thì thăng tiến hơn nhiều, Dodd tuy rất vui, nhưng ông cũng lo lắng về cuộc sống cá nhân bừa bãi của cô. Dù yêu thương sâu sắc cả hai đứa con, nhưng Martha vẫn là niềm tự hào lớn lao của ông. (Theo các ghi chép của gia đình, ngay lời đầu tiên thốt ra khỏi miệng, cô đã gọi tiếng “Cha”.) Cô cao một mét sáu mươi, tóc vàng, mắt xanh và có nụ cười rộng. Cô là người có trí tưởng tượng lãng mạn và bản tính thích yêu đương lăng nhăng, khiến nhiều đàn ông đều cảm thấy hứng tình, cả những anh trẻ và không còn trẻ nữa.
Tháng Tư năm 1930, khi mới hai mươi mốt tuổi, cô cặp kè với một giáo sư Anh văn tại trường Đại học bang Ohio tên là Royall Henderson Snow. Vào tháng Sáu, lễ đính hôn bị hủy. Cô trải qua cuộc tình chớp nhoáng với một tiểu thuyết gia, W.L. River, tác phẩm Cái chết của một thanh niên của anh ta được xuất bản vài năm trước đó. Anh ta gọi cô là Motsie và tự cam kết với cô trong các lá thư đầy những câu dài dằng dặc đến lạ lùng, có đoạn bảy mươi tư dòng chữ đánh máy sin sít vào nhau. Từng có thời chúng được xem là một bài văn mẫu. “Cả cuộc đời này anh chẳng muốn gì ngoài em,” anh ta viết. “Anh muốn mãi mãi được ở bên em, làm việc và sáng tác cho em, sống cùng em ở bất kì đâu em muốn sống, anh sẽ chẳng yêu ai hết ngoài em, sẽ yêu em không chỉ với sự nồng nàn của Trái Đất, mà bằng cả những nguyên tố thần thánh của một tình yêu thiêng liêng và vĩnh hằng hơn...”
Tuy nhiên, anh ta không được toại nguyện. Martha đem lòng yêu người khác, một anh chàng Chicago tên là James Burnham, người đã viết về “những nụ hôn mềm mại, nhẹ nhàng tinh tế như một cánh hoa khẽ lướt qua”. Hai người đính hôn. Dường như lần này, Martha đã sẵn sàng đi đến hôn nhân, cho đến một buổi tối, mọi giả định cô đưa ra về một cuộc hôn nhân sắp tới bỗng lung lay. Cha mẹ cô mời một vài vị khách đến nhà nghỉ gia đình trên Đại lộ Blackstone, trong số này có George Bassett Roberts, một cựu chiến binh Chiến tranh thế giới thứ nhất và giờ làm phó chủ tịch một ngân hàng ở thành phố New York. Bạn bè thường gọi anh đơn giản là Bassett. Anh sống tại Larchmont, một khu ngoại ô phía bắc thành phố cùng cha mẹ. Anh có dáng người cao, môi dày và đẹp trai. Một nhà báo giữ chuyên mục đáng ngưỡng mộ, khi viết bài về sự thăng tiến của anh, đã nhận xét, “Gương mặt anh ta nhẵn nhụi. Giọng nói anh ta mềm mại. Cách ăn nói của anh ta chậm rãi... Trông anh ta chẳng hề giống một chủ nhà băng sắt đá, cổ hủ hay một nhà thống kê khô như ngói.”
Ban đầu, khi anh đứng lẫn trong đám khách, Martha không nghĩ rằng anh hấp dẫn đến thế, cho đến cuối buổi tối hôm đó, khi cô đi ngang qua lúc anh đứng một mình. Cô viết, mình đã “ngã gục”. “Thật đau đớn và ngọt ngào cùng lúc, khi em trông thấy anh lần nữa đứng tách khỏi đám đông, trong tiền sảnh nhà em. Điều này nghe thật lố bịch, nhưng thực sự là như thế đấy, lần duy nhất em biết thế nào là tình yêu sét đánh.”
Bassett cũng bị xúc động tương tự, giữa hai người bừng nở một tình yêu xa lãng mạn, đầy mạnh mẽ và nồng nàn. Trong lá thư đề ngày 19 tháng 09 năm 1931, anh viết, “Trong bể bơi chiều hôm ấy mới thật vui làm sao, và chúng mình thật đáng yêu làm sao sau khi anh cởi bộ đồ bơi.” Và vài dòng sau đó, “Ôi trời đất ạ, em đẹp làm sao, em đẹp làm sao!” Như Martha miêu tả, anh là người đầu tiên làm cô trở thành “đàn bà”. Anh gọi cô là “hũ mật ong” và “người tình ngọt ngào”.
Nhưng anh đã gieo sầu cho cô. Theo cô, cách hành xử của anh không đáng mặt đàn ông. Nhiều năm sau, cô viết thư cho anh, “Em chưa bao giờ yêu và được yêu nhiều đến thế, nhưng lời cầu hôn đâu em chẳng thấy! Nên em thấy bị tổn thương sâu sắc, như thể một con sâu nào đó đã gặm mòn cây tình yêu của em!” Cô là người đầu tiên ngỏ ý muốn kết hôn nhưng anh vẫn chần chừ. Cô đã khéo léo dùng mánh khóe. Cô không từ bỏ đính hôn vói Burnham, điều này khiến Bassett nổi cơn ghen. “Hoặc là em yêu anh, hoặc thôi nhau luôn đi,” anh viết thư cho cô từ Larchmont, “và nếu em yêu anh, thực sự có cảm giác yêu anh, thì em không thể kết hôn cùng người khác.”
Cuối cùng, cả hai đều mệt mỏi và lễ cưới được tổ chức, vào tháng Ba năm 1932, nhưng chính vì sự hoang mang vẫn đeo bám nên họ quyết tâm giữ kín hôn lễ, ngay cả với bạn bè. “Em cực kì muốn yêu anh và cố gắng ‘ở bên’ anh thật lâu dài, nhưng sau đó, có thể yêu anh làm em kiệt sức, nên ngay cả chính tình yêu cũng mệt mỏi,” Martha viết. Và rồi, một ngày sau đám cưới, Bassett phạm một sai lầm chết người. Chuyện anh phải đi New York làm việc tại ngân hàng đã đủ tệ, nhưng tệ hơn nữa là ngày hôm đó, anh quên tặng hoa cho cô - một lỗi “nhỏ” thôi, như sau này cô nhận xét, tuy nhiên nó tượng trưng cho điều gì đó sâu sắc hơn. Không lâu sau đó, Bassett sang Geneva tham dự một hội nghị quốc tế về vàng, và tiếp tục phạm một sai lầm khác, không gọi điện cho cô trước khi khởi hành, để “bày tỏ nỗi lo lắng về cuộc hôn nhân của chúng ta và việc sắp phải sống xa nhau”.
Năm đầu tiên sau khi cưới, họ chịu cảnh mỗi người một ngả, với những lần gặp nhau đều đặn tại New York và Chicago, tuy nhiên, sự xa cách này gây sức ép lên cuộc hôn nhân của họ. Sau này, cô hiểu rằng lẽ ra cô nên chuyển sang sống với anh tại New York, biến chuyến đi sang Geneva thành tuần trăng mật, như Bassett đã gợi ý. Nhưng ngay cả thế, Bassett vẫn chần chừ. Một lần nói chuyện qua điện thoại, anh lớn tiếng tự hỏi rằng phải chăng cuộc hôn nhân của họ là sai lầm. “Với tôi thế là HẾT,” Martha viết. Vào lúc này cô bắt đầu đi “ve vãn” - đúng lời cô dùng - những người đàn ông khác và bắt đầu ngoại tình với Carl Sandburg, một người bạn lâu năm của cha mẹ cô, người cô quen biết khi mới mười lăm tuổi. Ông ta gửi cho cô bản thảo các bài thơ trên những mẩu giấy mỏng bé xíu, có hình dáng lạ lùng, cùng hai lọn tóc vàng của ông ta, thắt bằng một sợi chỉ đính cúc áo khoác đen. Trong một mẩu giấy, ông ta tuyên bố, “Ta yêu em từ kiếp trước, ta yêu em như trong những khúc ca bài Shenandoah24, và trong những lời thì thầm của hạt mưa xanh.”
24 Oh Shenandoah: một bài dân ca của Mỹ.
Martha gieo vài gợi ý, đủ sức làm Bassett điên tiết. Như sau này cô nói với anh, “Em còn bận hàn gắn những vết thương và qua lại với Sandburg, cùng những người khác để làm anh tổn thương.”
Một ngày trên bãi cỏ nhà Dodd tại Đại lộ Blackstone, tất cả những bức xúc này bùng nổ. “Thật ra anh có hiểu vì sao cuộc hôn nhân của chúng ta chấm dứt không?” cô viết. “Bởi vì em hẵng còn quá trẻ và non nớt khi muốn rời khỏi gia đình em, ngay cả khi đã hai mươi ba tuổi! Ngay sau khi chúng ta cưới nhau, lúc đang chú ý cái gì đó trên bãi cỏ trước nhà, cha em đã nói một câu làm trái tim em như tan nát, ‘Bé con đang muốn bỏ rơi lão già này đây mà.’ “
Và giờ đây, trong khi cuộc đời cô rơi vào hỗn loạn, cha cô lại mời cô làm bạn đồng hành của ông ở Berlin, và cô bỗng phải đối mặt với hai lựa chọn. Một bên là Bassett, ngân hàng, và điều chắc chắn sẽ có là một ngôi nhà, Larchmont, lũ trẻ cùng bãi cỏ. Một bên là cha cô, Berlin và có Trời biết là những gì nữa?
Lời mời của cha là không thể cưỡng lại. Sau này, cô nói với Bas- sett, “Em phải lựa chọn giữa ông ấy với cuộc ‘phiêu lưu’ và anh. Em không thể ngăn mình đưa ra lựa chọn hợp lí nhất.”