Tuần tiếp theo, Dodd bắt xe lửa đến Washington, nơi vào hôm thứ Sáu, ngày 16 tháng 06, ông gặp gỡ Roosevelt và cùng ăn trưa tại bàn Tổng thống, mỗi người một đĩa đồ ăn.
Roosevelt, miệng mỉm cười và vui vẻ, rõ ràng thêm mắm dặm muối vào câu chuyện về chuyến thăm Washington gần đây của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đệ tam Đế chế, Hjalmar Schacht - họ tên đầy đủ là Hjalmar Horace Greeley Schacht - người được ủy quyền quyết định liệu Đức có hoàn lại các khoản nợ cho Mỹ hay không. Roosevelt giải thích ông ta đã hướng dẫn Ngoại trưởng Hull sử dụng chiêu bài tâm lí như thế nào để dập tắt sự ngạo mạn đã thành huyền thoại của Schacht. Schacht được đưa đến văn phòng của Hull và đứng trước bàn làm việc của Ngoại trưởng. Hull hành xử như thể Schacht không có mặt ở đó và “giả vờ cực kì chú tâm đến việc tìm kiếm các giấy tờ nhất định, bỏ mặc Schacht cứ đứng đó, chẳng ai đoái hoài trong ba phút”, như Dodd sau này nhớ lại. Cuối cùng, Hull tìm được thứ ông ta cần tìm - một lá thư nghiêm khắc của Roosevelt lên án bất kì nỗ lực quịt nợ nào của Đức. Chỉ đến lúc đó, Hull mới đứng thẳng người chào đón Schacht, đồng thời trao cho hắn ta mẩu giấy. Roosevelt nói mục đích của quy trình này là nhằm “giảm bớt nhuệ khí của bọn Đức”. Ông ta dường như cho rằng kế hoạch đã diễn ra cực kì suôn sẻ.
Lúc này, Roosevelt dần dần cho Dodd biết những gì mình trông đợi ở ông. Đầu tiên, ông ta nêu vấn đề về khoản nợ của Đức, và đến đây ông ta bày tỏ sự mâu thuẫn. Ông ta hiểu rằng các chủ nhà băng người Mỹ đã kiếm được những khoản “lợi nhuận kếch xù” như ông ta gọi, khi cho các doanh nghiệp và thành phố của Đức vay tiền, bán trái phiếu liên kết cho người Mỹ. “Nhưng người dân của chúng ta có quyền được hoàn tiền, và trong khi việc này vượt quá trách nhiệm của Chính phủ, tôi muốn ngài làm tất cả những gì có thể nhằm ngăn chặn lệnh hoãn nợ” - sự trì hoãn thanh toán của Đức. “Bởi nó sẽ làm chậm tiến trình phục hồi.”
Ngài Tổng thống chuyển sang chủ đề tiếp theo dường như ai cũng biết, là “vấn đề” hay “câu hỏi” về người Do Thái.
Đối với Roosevelt, đây là vấn đề đầy trắc trở. Cho dù khiếp đảm chuyện Quốc xã đối xử với người Do Thái và nhận thức được bạo lực hoành hành tại Đức hồi đầu năm, ông vẫn không đưa ra tuyên bố lên án trực tiếp nào. Vài nhà lãnh đạo Do Thái, như Rabbi Wise, Thẩm phán Irving Lehman và Lewis L. Strauss, một đối tác tại Công ty Kuhn và Loeb, từng muốn Roosevelt lên tiếng. Những người khác như Felix Warburg và Thẩm phán Joseph Proskaner, lại ưa thích cách tiếp cận lặng lẽ hơn, để thúc giục tổng thống cho phép người Do Thái nhập cảnh vào Mỹ. Sự ngần ngừ của Roosevelt với cả hai bên khiến họ phát điên. Tháng Mười một năm 1933, Wise mô tả Roosevelt là “không thể lay chuyển, hết thuốc chữa và không ai có thể tiếp cận được, ngoại trừ những người bạn Do Thái ông ta hoàn toàn có thể tin tưởng, không gây rắc rối cho ông ta với bất kì vấn đề Do Thái nào”. Felix Warburg đã viết, “Đến lúc này, chưa một lời hứa mơ hồ nào được thực hiện”. Thậm chí một người bạn tốt của Roosevelt, Felix Frankfurter, giáo sư luật tại Harvard, sau này được cử làm Phó Chánh án Tòa án Tối cao, cũng thấy bực mình, khi không thể ép Tổng thống ra tay hành động. Nhưng Roosevelt hiểu có khả năng mình sẽ phải trả những cái giá chính trị to lớn nếu công khai lên án Đức Quốc xã, hoặc bất kì nỗ lực nào cho phép người Do Thái nhập cảnh vào Mỹ. Lí do là vì trong các bài diễn văn của Mỹ, vấn đề Do Thái bị quy thành vấn đề xuất nhập cảnh. Việc người Do Thái bị đàn áp tại Đức làm dấy lên nỗi ám ảnh người tị nạn Do Thái tràn vào Mỹ, đúng thời điểm quốc gia này đang quay cuồng do Đại Khủng hoảng. Những kẻ theo chủ nghĩa biệt lập thêm một yếu tố nữa vào cuộc tranh luận, như chính quyền Hitler đã làm, họ một mực cho rằng việc Quốc xã đàn áp người Do Thái ở Đức là chuyện nội bộ của Đức, chẳng liên quan gì đến Mỹ.
Ngay trong nội bộ người Mỹ gốc Do Thái cũng bị chia rẽ sâu sắc về cách tiếp cận vấn đề. Một bên là Hội đồng Người Mỹ gốc Do Thái, kêu gọi phản đối đủ mọi cách, bao gồm các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng Đức. Một trong số các nhà lãnh đạo nổi bật nhất của họ là Rabbi Wise, chủ tịch danh dự, người vào năm 1933 đã ngày càng tức giận trước sự im lặng của Roosevelt. Trong chuyến đi sang Washington, nơi ông không thể gặp được Tổng thống, Rabbi Wise đã viết thư cho vợ ông, “Nếu ông ta từ chối gặp anh, anh sẽ quay về ra một loạt mệnh lệnh cho phép người Do Thái hành động. Anh đã chuẩn bị sẵn những kế hoạch khác. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn, vì anh sẽ được tự do lên tiếng như chưa từng được nói. Và Chúa phù hộ anh, anh sẽ chiến đấu.”
Bên còn lại là các nhóm người Do Thái ủng hộ Ủy ban Người Mỹ gốc Do Thái, do Thẩm phán Proskauer đứng đầu, tư vấn nên chọn con đường lặng lẽ hơn, vì e sợ những phản đối, tẩy chay quá mạnh mẽ sẽ chẳng thay đổi được tình hình của người Do Thái tại Đức. Người cùng chia sẻ quan điểm này là Leo Wormser, một luật sư Do Thái tại Chicago. Trong lá thư gửi Dodd, Wormser đã viết, “chúng tôi ở Chicago... trước sau như một đều phản đối tiếp tục chương trình tẩy chay mang tính Do Thái của ngài Samuel Untermeyer và Tiến sĩ Stephen Wise đối với hàng hóa Đức”. Ông ta giải thích sự tẩy chay như thế có thể khiến nạn đàn áp người Do Thái tại Đức thêm mạnh mẽ, “và chúng ta biết rằng, đối với nhiều người bọn họ, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn lúc này.” Ông ta cũng nêu rõ tẩy chay sẽ làm “cản trở nỗ lực của những người bạn tại Đức muốn đưa ra một quan điểm ôn hòa hơn, bằng cách kêu cầu lẽ phải và đừng hi sinh vô ích.” Chuyện này cũng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng Đức thanh toán khoản nợ trái phiếu cho người Mỹ. Ông ta sợ những hậu quả của hành động trên sẽ chỉ giáng xuống đầu người Do Thái. Ông ta nói với Dodd, “Chúng tôi cảm thấy nếu hành động tẩy chay do người Do Thái chỉ đạo trở nên công khai, sẽ làm lẫn lộn vấn đề ‘quyền tự do còn tồn tại không’ thành ‘người Do Thái liệu còn tồn tại không’.” Như Ron Chernow viết trên tờ The Warburgs, “Một sự chia rẽ chết người đã làm suy yếu ‘cộng đồng Do Thái quốc tế’, ngay cả khi báo chí Quốc xã tuyên bố rằng họ hoạt động với một ý chí riêng rẽ, không thể lay chuyển.”
Tuy nhiên, cả hai phía đều thống nhất rằng bất kì chiến dịch nào rõ ràng và công khai cố gắng thúc đẩy người Do Thái nhập cảnh vào Mỹ chỉ có thể gây ra thảm kịch. Đầu tháng Sáu năm 1933, Rabbi Wise biên thư cho Felix Frankfurter, vào lúc này là giáo sư luật Harvard, nói rằng nếu cuộc tranh luận về việc di cư đến tai Hạ viện, có thể “gây ra một vụ nổ chống lại chúng ta”. Thực ra, làn sóng chống người di cư vào Mỹ vẫn mạnh mẽ vào năm 1938, khi một cuộc bỏ phiếu thăm dò trên tờ Fortune cho thấy hai phần ba dân Mỹ được khảo sát không đồng ý chứa chấp những người di cư.
Ngay bản thân chính quyền Roosevelt cũng chia rẽ sâu sắc về chủ đề này. Bộ trưởng Bộ Lao động Frances Perkins, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ nắm vị trí trong nội các, rất hăng hái, cố gắng thuyết phục chính quyền làm gì đó giúp đỡ người Do Thái nhập cảnh dễ hơn vào Mỹ. Cơ quan của bà đã quan tâm đến chính sách xuất nhập cảnh, nhưng không có vai trò quyết định ai thực sự tiếp nhận hoặc từ chối visa25. Thẩm quyền này là của Bộ Ngoại giao và các cố vấn của cơ quan này, họ dứt khoát đưa ra quan điểm khác. Thật ra một số quan chức cao cấp nhất của bộ thẳng thừng tỏ thái độ căm ghét người Do Thái.
Một trong số này là William Phillips, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quan chức cao thứ hai trong bộ sau Ngoại trưởng Hull. Vợ của Phillips và Eleanor Roosevelt26 là những người bạn thời thơ ấu, và chính FDR27, chứ không phải Hull, là người đã lựa chọn Phillips làm thứ trưởng. Trong nhật kí của mình, Phillips đã mô tả một mối làm ăn của mình như “người bạn Do Thái của tôi từ Boston”. Phillips thích đến thăm thành phố Atlantic, nhưng trong một cuốn nhật kí khác ông ta viết, “Người Do Thái đã tràn vào nơi này. Thực ra toàn bộ khung cảnh bãi biển chiều thứ Bảy và Chủ nhật là một cảnh tượng lạ thường - chẳng còn thấy cát đâu nữa, khắp nơi đầy đàn ông và phụ nữ Do Thái mặc quần áo mỏng.”
25 Visa: một con dấu trên hộ chiếu, cho ai đó quyền được vào, ở lại, hoặc rời khỏi một quốc gia.
26 Anna Eleanor Roosevelt: phu nhân của Tổng thống Franklin D. Roosevelt.
27 FDR: cách viết tắt tên Cựu Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt.
Một quan chức chủ chốt khác, Wilbur J. Carr, Trợ lí Ngoại trưởng phụ trách toàn bộ dịch vụ lãnh sự đã gọi người Do Thái là “bọn xấu”. Trong một biên bản ghi nhớ về dân nhập cư của Nga và Ba Lan, ông ta viết, “Một lũ bẩn thỉu, xa lạ với người Mỹ và các thói quen của chúng thường rất nguy hiểm.” Sau một chuyến công du Detroit, ông ta mô tả thành phố này đầy “đầy khói bụi, bẩn thỉu và bọn Do Thái”. Ông ta cũng phàn nàn chuyện người Do Thái có mặt tại thành phố Atlantic. Vợ chồng ông ta có ba ngày ở đó vào tháng Hai, và mỗi ngày trôi qua, ông ta đều ghi vào nhật kí sự khinh bỉ người Do Thái. “Trong suốt chuyến đi của chúng tôi dọc Boardwalk, chúng tôi chỉ thấy có vài người không phải dân Do Thái,” ông ta viết vào ngày đầu tiên. “Bọn Do Thái ở khắp nơi, loại phổ biến nhất.” Tối hôm đó, vợ chồng ông ta ăn tối trong khách sạn Claridge và thấy phòng ăn đầy người Do Thái, “vài tên ăn mặc đẹp thôi. Chỉ hai tên khác bên cạnh tôi mặc đồ tuxedo28. Một bầu không khí rất cẩu thả trong phòng ăn tối.” Tối hôm sau, gia đình Carr đến ăn tối ở một khách sạn khác, Marlborough-Blenheim, và thấy nơi này sạch sẽ hơn. “Tôi thích nó,” Carr viết. “Thật khác làm sao với bầu không khí Do Thái ở Claridge.”
28 Tuxedo: loại áo vest dành cho tiệc tối.
Một quan chức trong Ủy ban Người Mỹ gốc Do Thái mô tả Carr như “một kẻ bài Do Thái và lừa đảo, ăn nói thì duyên lắm nhưng chẳng bao giờ làm gì cho chúng tôi.”
Cả Carr lẫn Phillips đều ủng hộ tuân thủ triệt để điều khoản Luật Xuất Nhập cảnh Quốc gia, cấm tiệt tất cả dân nhập cư trong tương lai bị xem là “có khả năng trở thành gánh nặng trợ cấp”, “điều khoản LPC” khét tiếng. Một phần của Luật Xuất Nhập cảnh 1917 được chính quyền Hoover29 phục hồi năm 1930, nhằm ngăn chặn nhập cảnh vào thời điểm tỉ lệ thất nghiệp đang tăng cao. Các quan chức lãnh sự quán có thẩm quyền đối với những ai được phép vào Mỹ, vì họ là những người quyết định từ chối ai xin visa vào Mỹ theo điều khoản LPC. Luật Xuất Nhập cảnh cũng quy định rằng người viết đơn xin visa phải cung cấp bản tuyên thệ của cảnh sát chứng nhận nhân cách tốt, kèm theo là các bản sao giấy khai sinh và các ghi chép khác của Chính phủ. Một người viết hồi kí cho biết, “Một điều có vẻ hết sức vô lí là phải đến chỗ kẻ thù của mình xin chứng nhận về tư cách.”
29 Herbert Clark Hoover (1874 - 1964): Tổng thống thứ ba mươi mốt của Mỹ.
Các nhà hoạt động Do Thái buộc tội các lãnh sự quán Mỹ tại nước ngoài được hướng dẫn âm thầm, chỉ cấp một số ít visa cho từng nước, một lời buộc tội được chứng minh là xác đáng. Luật sư riêng của Bộ Lao động, Charles E. Wyzanski, vào năm 1933, đã phát hiện các lãnh sự được căn dặn không chính thức hạn chế tổng số hạn ngạch visa được phép phê chuẩn của mỗi quốc gia xuống còn 10%.
Các nhà lãnh đạo Do Thái chắc chắn bộ luật còn quy định hồ sơ cảnh sát không chỉ gây khó dễ, mà còn trở nên nguy hiểm - “một vật cản gần như không thể vượt qua”, như Thẩm phán Proskauer nêu rõ trong lá thư gửi Thứ trưởng Phillips.
Mếch lòng trước việc mô tả các lãnh sự như vật cản của Proskauer, Phillips đáp lại có ý trách nhẹ. “Lãnh sự chỉ quan tâm đến chuyện quyết định xem người viết đơn xin visa có đúng luật hay không, một cách thận trọng và hữu ích.”
Kết quả, theo lời Proskauer và các nhà lãnh đạo Do Thái khác, người Do Thái đơn giản là không xin visa nhập cảnh vào Mỹ. Thực ra, con số người Đức nộp đơn xin visa chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng hạn ngạch hai mươi sáu nghìn người một năm của Mỹ. Sự chênh lệch đó thổi bùng lên tranh cãi thống kê quyết liệt giữa các quan chức trong Bộ Ngoại giao ủng hộ hoặc phản đối cải cách: Ngay từ đầu, chỉ vài người Do Thái xin visa có làm sao đâu? Ngay đầu tháng Tư năm 1933, Roosevelt có vẻ đồng tình. Ông ta cũng biết bất kì nỗ lực nào nới lỏng các quy định xuất nhập cảnh sẽ khiến Quốc hội yêu cầu giảm các hạn ngạch hiện có.
Vào thời điểm ăn trưa với Dodd, Roosevelt nhận thức chính xác những điều nhạy cảm đang diễn ra.
“Chính quyền Đức đang đối xử với người Do Thái một cách đáng xấu hổ, đồng bào của họ ở đất nước này cực kì lo lắng,” Roosevelt nói với ông. “Nhưng đây cũng không phải là vấn đề của Chính phủ. Chúng ta chỉ có thể nhúng tay vào, nếu người dân Mỹ vô tình bị biến thành nạn nhân. Chúng ta phải bảo vệ họ, và phải làm ngay bất cứ điều gì ta có thể làm nhằm giảm nhẹ đàn áp, bằng cả hai kênh chính thức và không chính thức.”
Cuộc đối thoại chuyển sang các vấn đề thực tiễn. Dodd khăng khăng rằng ông sẽ sống bằng đồng lương đã quy định là 17.500 USD - một số tiền rất lớn trong thời Đại Khủng hoảng, tuy nhiên lại rất bèo đối với một đại sứ, khi phải tiếp đón các nhà ngoại giao châu Âu và Quốc xã. Đối với Dodd, đây là vấn đề nguyên tắc: ông không nghĩ một đại sứ phải sống xa hoa, trong khi cả đất nước còn đang phải chịu khổ cực. Tuy nhiên, đối với ông điều này là hiển nhiên, vì ông không có của cải riêng như nhiều đại sứ khác, cho nên ông không thể sống xa hoa ngay cả khi ông muốn.
“Ngài hoàn toàn đúng,” Roosevelt nói. “Ngoài mấy bữa ăn tối chung và các chương trình giải trí, ngài không cần quan tâm bất kì sự kiện xã hội đắt đỏ nào cả. Cố gắng chú ý sâu sát đến người Mỹ tại Berlin, thi thoảng ăn tối với những người Đức muốn lập quan hệ với Mỹ. Tôi nghĩ ngài có thể sống khỏe với thu nhập của mình mà không phải tiêu tốn quá nhiều.”
Sau khi nói chuyện thêm vài câu về thuế quan mậu dịch và hạn chế vũ khí, bữa trưa kết thúc.
Đã hai giờ chiều. Dodd rời Nhà Trắng đi bộ về Bộ Ngoại giao, nơi theo kế hoạch, ông sẽ gặp gỡ nhiều quan chức và đọc các thông điệp gửi nhanh từ Berlin, cụ thể là các báo cáo dài viết tay của Tổng Lãnh sự George S. Messersmith. Nội dung của chúng gây bối rối.
Hitler đã làm thủ tướng được sáu tháng, được bổ nhiệm thông qua một thỏa thuận chính trị, nhưng hắn vẫn chưa nắm trong tay quyền lực tuyệt đối. Tổng thống Đức tám mươi lăm tuổi, Thống chế Lục quân Paul Von Beneckendorff und von Hindenburg, vẫn là người nắm thẩm quyền theo hiến pháp, được bổ nhiệm hay bãi nhiệm các thủ tướng và nội các của họ. Điều quan trọng không kém là ông ta kiểm soát quân đội chính quy, Quân Phòng vệ Đế chế. Trái ngược với Hindenburg, Hitler cùng các thuộc cấp của hắn trẻ tuổi đến ngạc nhiên - Hitler chỉ mới bốn mươi tư tuổi, Herman Göring bốn mươi và Joseph Goebbels ba mươi sáu tuổi.
Các mẩu chuyện trên báo về Hitler ngược hẳn với cách chính phủ của hắn đối xử tàn bạo với người Do Thái, các nhà cộng sản và những đối thủ khác. Trên khắp nước Mỹ còn lan truyền niềm tin rằng các báo cáo như thế là nói quá, rằng chắc chắn chẳng nhà nước hiện đại nào có thể hành xử kiểu thế. Tuy nhiên, trong Bộ Ngoại giao, Dodd đã đọc hết thông điệp này đến thông điệp khác, theo đó Messersmith mô tả Đức đang tụt dốc không phanh từ một nước cộng hòa dân chủ sang độc tài tàn bạo. Messersmith không chừa chi tiết nào - với xu hướng hay viết dài, ông ta sớm kiếm cho mình biệt danh “George Bốn Mươi Trang”. Ông ta viết về bạo lực lan tràn đã xảy ra vài tháng trước, ngay sau khi Hitler được bổ nhiệm, Chính phủ ngày càng tăng cường kiểm soát xã hội Đức về mọi mặt. Ngày 31 tháng 03, ba công dân Mỹ bị bắt cóc và đưa đến một trong số các cơ sở tra tấn của Thành viên SA, nơi họ bị lột truồng và bỏ mặc giữa màn đêm lạnh giá. Trời sáng, họ bị đánh đập đến bất tỉnh rồi bị vứt ra phố. Một phóng viên của hãng Thông tấn Hoa Kỳ UPI đã biến mất, nhưng sau khi Messersmith hỏi han điều tra, anh ta đã được phóng thích và không hề hấn gì. Chính quyền của Hitler tuyên bố tẩy chay trong một ngày tất cả cơ sở kinh doanh của người Do Thái tại Đức - các cửa hàng tổng hợp, hãng luật, phòng mạch. Cả những vụ đốt sách nữa, các vụ phóng hỏa cơ sở kinh doanh của người Do Thái, những cuộc hành quân dường như đến vô tận của Lực lượng SA, và tự do báo chí từng một thời gây ấn tượng sâu sắc tại Đức cũng bị phong tỏa. Theo lời Messersmith, báo chí ở Đức được đặt dưới sự kiểm soát của Chính phủ ở mức độ có lẽ “ngặt nghèo nhất chưa từng thấy tại bất kì quốc gia nào. Chế độ kiểm duyệt báo chí có thể được xem là tuyệt đối.”
Tuy nhiên, trong một số các thông điệp gửi nhanh mới nhất, Messersmith có chiều hướng tích cực hơn đáng kể, không nghi ngờ gì nữa Dodd cảm thấy phấn khích. Với giọng lạc quan lạ lẫm, Messersmith hiện thông báo rằng đang có những dấu hiệu cho thấy nước Đức ngày càng ổn định hơn, theo ông ta điều này là nhờ sự tự tin đang tăng lên của Hitler, Göring và Goebbels. “Tinh thần trách nhiệm đã làm thay đổi căn bản các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng,” ông ta viết. “Mọi bằng chứng cho thấy họ đang không ngừng trở nên khiêm nhường hơn.”
Tuy nhiên, Dodd không bao giờ có cơ hội đọc bức thư Messersmith v i ết ngay sau đó, trong thư, ông ta đã rút lại những lời đánh giá có phần lạc quan tếu. Bức thư đánh dấu “Riêng tư & Tuyệt mật” được ông ta gửi cho Thứ trưởng Phillips. Lá thư đề ngày 26 tháng 06 năm 1933 đến tay Phillips, ngay khi gia đình Dodd sửa soạn sang Berlin.
“Tôi đã cố gắng nêu rõ trong các thông điệp rằng các lãnh đạo cao cấp của Đảng đang ngày càng khiêm nhường hơn, trong khi các lãnh đạo trung gian và dân chúng lại cấp tiến hơn bao giờ hết. Câu hỏi là liệu các lãnh đạo cấp cao có khả năng áp đặt tính khiêm nhường lên dân chúng hay không,” Messersmith viết. “Cần phải bắt đầu nhận định chắc chắn rằng họ sẽ không thể làm điều đó, tuy nhiên sức ép từ dưới lên lúc nào cũng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Göring và Goebbels không còn quá khiêm nhường. ‘Tiến sĩ Goebbels’ ngày ngày rao giảng cuộc cách mạng chỉ mới bắt đầu, và những gì đã làm được đến giờ chỉ là khúc dạo đầu.”
Các mục sư đã bị bắt. Nguyên chủ tịch tỉnh Lower Silesia, một người bản thân Messersmith biết rất rõ, bị tống vào trại tập trung. Ông ta cảm nhận được một “sự cuồng loạn” đang nổi lên giữa các lãnh đạo tầm trung của Đảng Quốc xã, được thể hiện ở niềm tin rằng “chỉ thấy an toàn khi tống tất cả vào tù”. Đất nước này đang âm thầm nhưng mạnh mẽ, tự chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, triển khai chiến dịch tuyên truyền nhận thức rằng “cả thế giới đang chống lại Đức, rằng họ nằm phơi mình ra trước thế giới mà không được phòng thủ”. Những lời thề tìm kiếm hòa bình của Hitler chỉ là sáo rỗng, chỉ lợi dụng thời gian cho Đức âm thầm trang bị như Messersmith cảnh báo. “Tuy nhiên, điều chúng muốn làm nhất chính xác là biến Đức trở thành công cụ chiến tranh có năng lực nhất từng tồn tại.”
Trong khi đó ở Washington, Dodd tham gia buổi đón tiếp dành cho ông ở Đại sứ quán Đức, tại đây lần đầu tiên ông gặp gỡ Wilbur Carr. Sau này, Carr phác thảo nhanh về Dodd trong nhật kí của mình, “Một người vui vẻ, thú vị, có khiếu hài hước tinh tế và sự khiêm nhường giản dị.”
Dodd cũng gọi cho Trưởng phòng Phụ trách Các Vấn đề Tây Âu của Bộ Ngoại giao, Jay Pierrepont Moffat. Giống như Carr và Phillips, ông ta cũng căm ghét người Do Thái và có thái độ cứng rắn đối với vấn đề nhập cảnh. Moffat ghi chép lại ấn tượng của riêng ông ta đối với Tân Đại sứ. “Ông ta cực kì chắc chắn về ý kiến của mình, thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ và kẻ cả, có xu hướng kịch tính hóa những vấn đề ông ta nêu ra. Điều làm tôi cụt hứng đó là ông ta sẽ cố gắng điều hành Đại sứ quán và nuôi gia đình bốn người bằng đồng lương của mình, và ông ta sẽ làm thế tại Berlin, nơi giá cả đắt đỏ, một điều tôi không tưởng tượng nổi.”
Một chi tiết cả Carr lẫn Moffat đều không thể hiện trong các mục này là họ cùng nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên và khó chịu khi Dodd được bổ nhiệm. Đồng nghiệp của họ là nhóm tinh tú mà chỉ những ai có dòng dõi con ông cháu cha nhất định mới được kết nạp. Nhiều người từng theo học những trường trung học nội trú, chủ yếu là St. Paul và Groton, tiếp theo họ vào học tại Harvard, Yale và Princeton. Thứ trưởng Phillips trưởng thành tại vùng lân cận Back Bay của Boston, trong một rừng các ngôi nhà theo lối Victoria30. Ông ta là thương gia độc lập, ngay khi mới hai mươi mốt tuổi, sau này ông ta nằm trong hội đồng quản trị trường Đại học Harvard. Hầu hết đồng nghiệp của ông ta trong Bộ Ngoại giao đều có tiền, và trong khi ra nước ngoài, họ tiêu chủ yếu bằng tiền quỹ riêng mà không mong được bồi hoàn. Một quan chức như thế, Hugh Wilson, khi ca tụng các đồng nghiệp ngoại giao của mình đã viết. “Tất cả họ đều cảm thấy rằng mình là thành viên của một câu lạc bộ xuất sắc. Cảm xúc ấy đã nuôi dưỡng một tinh thần đồng đội lành mạnh.”
30 Victoria: phong cách kiến trúc bắt nguồn từ nước Anh, dưới triều đại của Nữ hoàng Victoria (1837 - 1901).
Theo các tiêu chuẩn của câu lạc bộ đó, có thể hình dung được Dodd nghèo đến thế nào.
Ông quay trở về Chicago gói ghém hành lí và nói lời chia tay nhiều người, sau đó vợ chồng ông cùng Martha và Bill bắt chuyến tàu đến Virginia, ở lại trang trại Round Hill lần cuối cùng. Người cha tám mươi sáu tuổi của ông, John, sống tương đối gần đó, tại Bắc Carolina, nhưng ước nguyện của cụ là muốn con cái ở gần bên. Ban đầu, Dodd không định đến thăm ông, vì Roosevelt muốn Tân Đại sứ tới Berlin càng sớm càng tốt. Dodd viết thư gửi cho cha thông báo mình được bổ nhiệm, rằng ông sẽ không có cơ hội đến thăm cha trước khi đi. Ông gửi kèm một ít tiền và viết, “Con rất tiếc khi suốt đời mình con đã không ở gần cha được.” Cha ông ngay lập tức trả lời ông tự hào như thế nào, khi Dodd nhận được “vinh dự lớn lao này từ D.C”, nhưng thấm trong đó vị chua chát chỉ có những bậc làm cha làm mẹ mới hiểu. Những lời ấy làm bừng lên cảm giác tội lỗi trong ông và khiến ông thay đổi kế hoạch. Cha ông đã viết, “nếu cha không còn được gặp con nữa trong khi cha còn sống thì cũng ổn thôi, cha vẫn sẽ tự hào về con đến tận những giờ phút cuối cùng còn sống trên cõi đời này.”
Dodd thay đổi kế hoạch. Ngày 01 tháng 07, một ngày thứ Bảy, vợ chồng ông lên một toa tàu giường nằm, tới Bắc Carolina. Trong suốt chuyến đi thăm cha, họ dành thời gian tham quan những thắng cảnh ở địa phương. Dodd cùng vợ về thăm chốn xưa, như thể muốn nói lời tạm biệt lần cuối. Họ đến thăm nghĩa trang gia đình, nơi Dodd đứng lặng trước mộ mẹ ông, người đã qua đời năm 1909. Khi bước đi trên cỏ, ông đến gần mộ của tổ tiên ông đã ngã xuống trong cuộc Nội chiến, bao gồm cả hai người đã đầu hàng cùng Tướng Robert E. Lee31 trong trận Appomattox. Đó là chuyến thăm viếng nhắc đến “nỗi bất hạnh của gia đình” và sự bấp bênh của cuộc sống. “Một ngày khá đau buồn”, ông viết.
31 Robert Edward Lee (1807 - 1870): Đại tướng Lục quân Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.
Ông cùng vợ quay về trang trại ở Virginia, sau đó đi tàu đến New York. Martha và Bill lái chiếc Chevrolet của gia đình, dự tính xuống xe ở cầu tàu để quá cảnh sang Berlin.
Dodd hẳn muốn dành hai ngày tiếp theo ở bên gia đình, nhưng Bộ Ngoại giao đòi ông ngay sau khi đến New York, phải gặp gỡ một số giám đốc điều hành ngân hàng, bàn về vấn đề khoản nợ của Đức - một chủ đề mà Dodd hầu như chẳng quan tâm - và gặp các nhà lãnh đạo Do Thái. Dodd e rằng giới báo chí của cả Mỹ lẫn Đức có thể xuyên tạc những cuộc họp này, nhằm bôi nhọ không khí khách quan ông hi vọng sẽ hiện diện tại Berlin. Tuy nhiên, ông vẫn tuân lệnh, kết quả là ông có một ngày gợi nhớ đến cuộc viếng thăm của các bóng ma trong cuốn Khúc hát mừng Giáng sinh của Dickens32. Một nhà hoạt động cứu giúp người Do Thái nổi tiếng biên thư cho Dodd bảo rằng có hai nhóm sẽ thăm ông vào thứ Hai, ngày 03 tháng 07, nhóm thứ nhất đến vào lúc tám rưỡi, nhóm thứ hai đến vào lúc chín giờ. Các cuộc gặp sẽ diễn ra tại Câu lạc bộ Century, nơi Dodd sống trong thời gian ở New York.
32 Charles John Huffam Dickens (1812 - 1870): nhà văn nổi tiếng người Anh.
Tuy nhiên, đầu tiên Dodd gặp gỡ các chủ nhà băng, tại văn phòng của Ngân hàng Thành phố Quốc gia New York, mà nhiều năm sau được gọi là Citibank. Dodd giật mình khi biết rằng Ngân hàng này và Ngân hàng Quốc gia Chase nắm hơn một trăm triệu USD trong trái phiếu Đức, mà vào thời điểm này, Đức đang đề xuất hoàn trả ở mức 30 xu trên 1 USD. “Đã nói chuyện rất nhiều, nhưng chẳng đạt được thỏa thuận nào khác, ngoài việc tôi phải cố gắng hết sức ngăn chặn Đức xù nợ công khai,” Dodd viết. Ông chả ưa gì mấy tay chủ nhà băng. Bị triển vọng các mức lãi suất cao trên trái phiếu Đức che mắt, họ không nhận ra một quốc gia mỏng manh về chính trị, bị chiến tranh tàn phá như Đức rõ ràng có thể xù nợ.
Tối hôm đó, các nhà lãnh đạo Do Thái đã đến theo lịch, trong số này có Felix M. Warburg, một nhà tài phiệt hàng đầu có xu hướng ủng hộ các chiến thuật thầm lặng hơn của Ủy ban Người Mỹ gốc Do Thái, và Rabbi Wise của Hội đồng Người Mỹ gốc Do Thái to mồm. Dodd viết trong nhật kí: “Cuộc thảo luận diễn ra trong nửa tiếng. Người Đức đang không ngừng giết hại người Do Thái, họ bị đàn áp nghiêm trọng đến nỗi tự sát trở thành phổ biến (gia đình Warburg được báo cáo là nằm trong số này), và tài sản của tất cả người Do Thái đều bị tịch thu.”
Trong suốt cuộc họp này, Warburg có vẻ đã đề cập đến vụ tự sát của hai họ hàng cao tuổi, Moritz và Käthie Oppenheim, khoảng ba tuần trước đó tại Frankfurt. Sau này Warburg viết, “Không nghi ngờ gì nữa, chế độ Hitler biến cuộc sống của họ thành địa ngục, và họ đang thèm khát được chấm dứt chuỗi ngày đau khổ.”
Các vị khách thúc giục ông ép Tổng thống Roosevelt phải chính thức can thiệp, nhưng ông ngần ngại. “Tôi một mực cho rằng chính phủ không thể can thiệp chính thức, nhưng trấn an mọi người rằng tôi sẽ vận dụng hết toàn bộ ảnh hưởng cá nhân, để ngăn chặn sự đối xử bất công với người Đức gốc Do Thái, tất nhiên sẽ phản đối đàn áp cả người Mỹ gốc Do Thái.”
Sau đó, Dodd bắt chuyến tàu lúc hai mươi ba giờ đi Boston, và khi đến nơi sáng sớm hôm sau, ngày 04 tháng 07, ông được chở bằng ô tô đến nhà của Đại tá Edward M. House, một người bạn từng là cố vấn gần gũi với Roosevelt, và gặp ông ta vào bữa sáng.
Trong suốt cuộc trò chuyện về đủ mọi chủ đề, lần đầu tiên Dodd biết rằng còn lâu ông mới là lựa chọn đầu tiên của Roosevelt. Tin tức này khiến ông thiếu tự tin. Dodd ghi chú trong nhật kí rằng tin tức đập tan ảo tưởng “quá tự cao tự đại” của ông về sự bổ nhiệm này. Khi chủ đề đối thoại chuyển sang việc người Do Thái bị đàn áp tại Đức, Đại tá House thúc giục Dodd làm tất cả những gì có thể “nhằm giảm nhẹ đau khổ của người Do Thái”, nhưng ông ta cảnh báo thêm: “Người Do Thái không nên được phép thống trị cuộc sống kinh tế, hoặc tri thức tại Berlin như họ đã làm từ lâu rồi.”
Trong lần nói chuyện này, Đại tá House cho biết một ý nghĩ đang lan khắp nước Mỹ, rằng người Do Thái tại Đức ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm vì những rắc rối của chính mình. Dodd sau đó đã trải nghiệm khía cạnh điên rồ của chuyện này, khi cùng ngày hôm đó sau khi quay về New York, ông cùng gia đình đến ăn tối tại căn hộ ở Đại lộ Park của Charles R. Cane, bảy mươi lăm tuổi, một nhà từ thiện trở nên giàu có nhờ bán trang thiết bị đường ống nước. Crane là người nghiên cứu văn hóa Ả Rập được xem là có ảnh hưởng tại các quốc gia nhất định ở Trung Đông và Balkan, là nhà ủng hộ hào phóng cho khoa của Dodd tại trường Đại học Chicago, nơi ông ta tài trợ cho việc nghiên cứu lịch sử và các thể chế tại Nga.
Dodd vốn biết Crane không phải là bạn của dân Do Thái. Crane trước đó từng viết bài chúc mừng Dodd được bổ nhiệm, đồng thời dành cho ông vài lời khuyên. “Sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến, dân Do Thái bắt đầu phi nước đại thôn tính cả Nga, Anh và Palestine, bị bắt quả tang đang cố gắng thâu tóm cả nước Đức. Vì vấp phải sự phản đối thực sự đầu tiên của họ, nên chúng nổi điên muốn tràn ra cả thế giới - đặc biệt là nước Mỹ nhẹ dạ - bằng lối tuyên truyền chống Đức. Tôi cực kì muốn khuyên ngài khước từ mọi lời mời thân mật.”
Dodd phần nào đồng ý với quan điểm của Crane rằng dân Do Thái cùng chia sẻ trách nhiệm về hoàn cảnh khó khăn của mình. Sau này, ông biên thư cho Crane, sau khi đến Berlin, rằng trong khi ông không “ủng hộ sự tàn bạo dân Do Thái phải chịu đựng ở đây”, ông vẫn nghĩ rằng người Đức có lí do để bất bình. “Khi tôi có cơ hội nói chuyện không chính thức với những người Đức xuất chúng, tôi đã nói thẳng rằng họ gặp phải một vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng dường như họ không biết cách giải quyết nó,” ông viết. “Dân Do Thái đã nắm giữ ngày một nhiều hơn những vị trí quan trọng tại Đức, nhiều hơn cả những gì họ xứng đáng được hưởng, nhờ số dân hoặc tài năng của họ.”
Trên bàn ăn tối, Dodd nghe Crane diễn tả sự ngưỡng mộ lớn lao đối với Hitler, và cũng biết rằng bản thân Crane không phản đối cách Quốc xã hành xử với dân Do Thái ở Đức.
Khi gia đình Dodds lên đường tối hôm đó, Crane tặng cho ngài đại sứ một lời khuyên nữa, “Hãy cứ để Hitler làm theo cách của mình.”
Vào lúc mười một giờ trưa hôm sau, ngày 05 tháng 07 năm 1933, gia đình Dodd bắt taxi đến cầu tàu rồi lên con tàu mang tên Washington, thẳng tiến tới Hamburg. Họ đến gặp Eleanor Roosevelt, ngay sau khi bà từ biệt con trai Franklin Jr., người đang ra khơi sang châu Âu, bắt đầu lưu trú tạm thời tại nước ngoài.
Rất nhiều nhà báo cũng vây chặt con tàu, bu kín quanh Dodd trên boong tàu, khi ông đứng đó cùng vợ và Bill. Lúc này, Martha đang ở đâu đó trên tàu. Các phóng viên đưa ra một lô lốc các câu hỏi, xô đẩy Dodd tạo dáng như thể đang vẫy tay chào từ biệt. Họ làm theo một cách miễn cưỡng, Dodd viết, “không hề nhận thức được họ đang mô phỏng thế chào của Hitler, chúng tôi chẳng biết gì cứ thế giơ tay lên.”
Hậu quả là các bức ảnh đã gây ra sự phản đối nhẹ, vì dường như trong ảnh vợ chồng Dodd cùng con trai đang đứng chào theo kiểu Hitler.
Lòng Dodd xuất hiện những lo âu. Đến lúc này, ông bắt đầu thấy sợ phải bỏ lại sau lưng Chicago và cuộc sống cũ của mình. Khi con tàu dần dần tiến ra khơi, cả gia đình trải nghiệm một cảm xúc, mà sau này Martha mô tả như “sự pha trộn không cân xứng giữa nỗi u buồn và dự cảm không lành”.
Martha khóc nức nở.