Martha tiếp tục lúc nóng lúc lạnh trong hai ngày tiếp theo - “mệt mỏi và mít ướt”, như sau này cô kể lại. Không phải vì lo lắng, cô chẳng buồn nghĩ tới cuộc sống sau này sẽ ra sao tại nước Đức của Hitler. Mà cô khóc vì tất cả những gì mình bỏ lại sau lưng, những con người và nơi chốn, bạn bè, công việc, sự thoải mái thân thuộc của ngôi nhà ở Đại lộ Blackstone, Carl đáng yêu của cô - tất cả những gì đã tạo nên cuộc sống “quý giá vô ngần” cô từng có tại Chicago. Nếu cần điều gì đó nhắc cô nhớ tới những gì cô sắp mất, hình ảnh bữa tiệc chia tay của cô chính là kỉ niệm ấy. Cô ngồi giữa Sandburg và một người bạn thân khác, Thornton Wilder.
Nỗi buồn của cô rồi cũng dần nguôi ngoai. Những vùng biển tĩnh lặng, những ngày ngập ánh mặt trời. Cô cùng con trai của Roosevelt bên nhau khiêu vũ và uống sâm banh. Họ cùng kiểm tra hộ chiếu của nhau - hộ chiếu của anh chỉ ghi ngắn gọn “con trai Tổng thống Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ”, của cô thì ghi ngạo mạn hơn, “con gái của William E. Dodd, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ tại Đức”. Cha cô yêu cầu cô cùng anh trai phải đến phòng khánh tiết của mình, phòng A-10, ít nhất mỗi ngày một giờ, lắng nghe ông đọc to tiếng Đức, để tất cả có thể hình dung tiếng Đức sẽ như thế nào. Dường như ông tỏ vẻ nghiêm trang hơn hẳn mọi ngày, Martha cảm nhận được sự căng thẳng kì lạ.
Nhưng rồi, kế hoạch về một cuộc phiêu lưu phía trước dần xua tan lo âu trong lòng cô. Martha chẳng hiểu gì về các hoạt động chính trị quốc tế, và cô thừa nhận cô không biết rõ sức nặng của những gì đang diễn ra tại Đức. Cô xem Hitler như một “thằng hề trông giống Charlie Chaplin33”. Như nhiều người khác tại Mỹ vào thời điểm này và khắp nơi trên thế giới, cô không thể mường tượng ra hắn sẽ cầm quyền lâu hoặc được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Cô cũng mơ hồ về tình hình người Do Thái. Là một sinh viên của trường Đại học Chicago, cô không lạ gì “thông tin tuyên truyền tinh tế và ngấm ngầm giữa các sinh viên chưa tốt nghiệp”, nuôi dưỡng sự thù địch với người Do Thái. Martha nhận thấy “ngay cả nhiều giáo sư đại học cũng tỏ ra ghen tị với các đồng nghiệp và sinh viên Do Thái xuất sắc”. Đối với Martha, “Về mặt này tôi cũng bài Do Thái một chút. Tôi chấp nhận ý kiến cho rằng dân Do Thái không hấp dẫn về mặt thể chất như người thuộc chủng tộc khác, kém thu hút xã hội hơn.” Cô cũng thấy mình đang tiếp thu quan điểm người Do Thái là những kẻ giàu có và huênh hoang, mặc dù họ xuất chúng. Về chuyện này, cô nghĩ tới ý kiến của số lượng người Mỹ nhiều đến ngạc nhiên, khi tham gia vào cuộc thăm dò dư luận đang nổi hồi những năm 1930 của các nhà chuyên môn. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy 41% người tham gia phỏng vấn tin rằng dân Do Thái “nắm quá nhiều quyền lực tại nước Mỹ”, kết quả khác cho thấy một phần năm số người được hỏi muốn “đuổi dân Do Thái ra khỏi nước Mỹ”. (Một cuộc bỏ phiếu được thực hiện hàng chục năm sau đó, vào năm 2009, cho thấy tổng số người Mỹ tin rằng dân Do Thái nắm quá nhiều quyền lực chỉ còn 13%.)
33 Hiệp sĩ Charles Spencer Chaplin (1889 - 1977): nghệ sĩ hài lừng danh của Anh quốc, nổi tiếng trong thời đại phim câm. Hitler để kiểu ria mép giống Charlie Chaplin khi diễn hài.
Một người bạn cùng lớp mô tả Martha như Scarlett O’Hara34, như “mụ phủ thủy - gợi cảm với mái tóc vàng, đôi mắt xanh long lanh và làn da nhạt”. Cô tự xem mình như một nhà văn, hi vọng mình sẽ bắt đầu sự nghiệp viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Sandburg thúc giục cô tiến lên. “Trong em tiềm ẩn mọi cá tính mạnh mẽ,” ông ta viết. “Em sở hữu được những yếu tố tiên quyết quan trọng từ ngày xưa, đó là thời gian, trạng thái cô độc và sự lao động chăm chỉ. Em đã có gần như mọi thứ giúp em làm bất kì điều gì mình muốn như một nhà văn.” Ngay sau khi gia đình cô khởi hành đi Berlin, Sandburg hướng dẫn cô không ngừng ghi chép về bất kì điều gì và “đừng ngần ngại viết ra những câu văn ngắn, những ấn tượng và những câu thơ ngắn trữ tình, mà em hoàn toàn có thể viết được”. Trên hết, ông ta thúc giục, “hãy tìm hiểu xem thằng cha Hitler này là người như thế nào, điều gì khiến hắn mất trí như vậy, xương và máu của hắn làm bằng gì.”
34 Katie Scarlett O’Hara: nhân vật nữ chính trong tác phẩm kinh điển “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn Margaret Mitchell.
Thornton Wilder cũng tặng cô thêm một lời khuyên nữa lúc chia tay. Anh ta cảnh báo Martha phải tránh viết cho báo chí, bởi “công việc viết thuê” này sẽ triệt tiêu sự tập trung cô cần cho sự nghiệp viết văn nghiêm túc. Anh khuyến cáo nên ghi đều nhật kí “mọi chuyện như thế nào - lời đồn đại, ý kiến của mọi người trong một thời điểm chính trị”. Anh viết, trong tương lai một cuốn nhật kí như thế sẽ là “niềm thích thú sống động nhất cho em - và lạy Chúa - cho cả anh nữa”. Vài bạn bè của Martha tin rằng giữa hai người có chuyện tình lãng mạn, cho dù thực ra anh ta thích người khác. Martha giữ một bức ảnh của anh ta, trong mặt dây chuyền bạc có lồng ảnh.
Vào ngày thứ hai của Dodd trên biển, khi ông thả bước trên boong tàu Washington thì nhận ra một gương mặt quen thuộc, Rabbi Wise, một trong các nhà lãnh đạo Do Thái ông từng gặp tại New York ba ngày trước. Trong chuyến hải hành hơn một tuần sau đó, họ đã nói chuyện với nhau về nước Đức “không biết đến bao nhiêu” lần. Wise gửi báo cáo về cho một nhà lãnh đạo Do Thái khác, Julian W. Mack, một thẩm phán phúc thẩm liên bang, “Ông ấy là người thân thiện và chân tình nhất, thực sự là người đáng tin cậy.”
Đúng với tính cách của mình, Dodd nói chuyện rất dài về lịch sử nước Mỹ, có lúc ông nói với Rabbi Wise, “Người ta không thể viết ra toàn bộ sự thật về Jefferson và Washington35 - họ chưa sẵn sàng và phải chuẩn bị tâm lí lắng nghe nó.”
35 George Washington (1732 - 1799): Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Câu này khiến Wise giật mình, ông ta đã gọi đây là “Lời lưu ý chấn động duy nhất trong tuần”. Ông ta giải thích, “Nếu người dân phải được chuẩn bị để đón nhận sự thật về Jefferson và Wash- ington, vậy [Dodd] sẽ làm gì với sự thật ông ta biết về Hitler, khi đang ở vị thế chính trị hiện giờ?”
Wise nói tiếp, “Hễ khi nào tôi gợi ý rằng công trạng lớn nhất ông ta có thể làm cho đất nước mình và nước Đức sẽ là nói sự thật với thủ tướng Đức, cho ông ta biết dư luận bao gồm ý kiến của người theo đạo Thiên Chúa và ý kiến chính trị đều phản đối nước Đức... ông ta cứ lặp đi lặp lại câu trả lời: ‘Tôi không thể nói gì cho đến khi gặp Hitler. Nếu tôi thấy mình có thể làm được điều đó, tôi sẽ nói chuyện rất thẳng thắn với ông ta và kể mọi thứ cho ông ta nghe.’ ”
Nhiều cuộc nói chuyện giữa họ trên tàu đưa Wise đến kết luận rằng “W.E.D36 tự cảm thấy mình là đại diện nuôi dưỡng chủ nghĩa tự do của người Mỹ tại Đức”. Ông ta trích lại nhận xét cuối cùng của Dodd, “Tình hình sẽ rất nghiêm trọng nếu tôi thất bại - nghiêm trọng với chủ nghĩa tự do, với tất cả mọi thứ mà Tổng thống và cả tôi cùng ủng hộ.”
36 W.E.D: viết tắt tên đầy đủ của ông Dodd - William Edward Dodd.
Thực sự vào lúc này, Dodd đã mường tượng được vai trò đại sứ của mình không chỉ là người quan sát và báo cáo thông thường. Ông tin rằng bằng lí lẽ và sự gương mẫu, ông có thể tạo một ảnh hưởng khiêm nhường lên Hitler và chính quyền của hắn, cùng lúc đó, tìm cách thuyết phục nước Mỹ thay đổi quá trình cô lập và tham gia nhiều hơn vào vấn đề quốc tế. Ông tin cách tiếp cận tốt nhất là tỏ ra đồng cảm và trung lập hết sức có thể, cố gắng thấu hiểu nhận thức của người Đức, vốn bị cả thế giới hiểu sai. Ở mức độ nào đó, Dodd đồng ý với điều này. Trong nhật kí của mình, ông viết rằng Hiệp ước Versailles37, mà Hitler căm ghét, “có nhiều điểm không công bằng, như tất cả những hiệp ước kết thúc chiến tranh khác”. Trong một hồi kí, Martha đã nói mạnh mẽ hơn, nêu rõ cha cô thấy “hối tiếc” về bản hiệp ước.
37 Hiệp ước Versailles (28/01/1919): hiệp ước kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, với những điều khoản rất khắt khe, áp đặt lên nước Đức.
Từng là một sinh viên sử, Dodd tin vào lẽ phải vốn có của con người, rằng lí lẽ và sự thuyết phục sẽ thắng thế, đặc biệt sẽ giúp ngăn chặn Quốc xã đàn áp dân Do Thái.
Ông nói với một người bạn, Trợ lí Ngoại trưởng R. Walton Moore, rằng ông thà từ chức còn hơn “mãi làm một kẻ bù nhìn xã hội và chính trị”.
Gia đình Dodd đặt chân lên đất Đức vào hôm thứ Năm, ngày 13 tháng 07 năm 1933. Dodd đã lầm tưởng toàn bộ những việc thu xếp cho gia đình ông đã đâu vào đấy, nhưng sau một chuyến đi chậm chạp và tẻ ngắt đến Elbe, họ lên bờ tại Hamburg thì thấy chẳng có ai ở Đại sứ quán đặt tàu hỏa cho họ, chưa nói đến một toa tàu riêng theo đúng quy tắc, để đưa họ đến Berlin. Một vị quan chức, George Gordon, Tham tán Đại sứ quán, gặp họ tại bến tàu và nhanh chóng thu xếp các toa trên một chuyến tàu thường, cũ kĩ, còn xa mới được như “Hamburger Bay” - chuyến tàu chỉ mất hai giờ để tới thủ đô Berlin. Gia đình ông phải đối mặt với một vấn đề khác. Bill Jr. đã có kế hoạch lái chiếc xe Chevrolet đến Berlin, nhưng quên không điền hết giấy tờ cần thiết để mang xe xuống tàu và chạy trên đường phố ở Đức. Giải quyết xong vấn đề, Bill phóng xe đi. Trong khi đó, Dodd trả lời rất nhiều câu hỏi của một nhóm phóng viên, bao gồm người viết bài cho một tờ báo Do Thái, Hamburger Israelitisches Familienblatt. Tờ báo này sau đó cho đăng một bài báo ngụ ý rằng, sứ mệnh ưu tiên hàng đầu của Dodd là chặn đứng việc Quốc xã đàn áp người Do Thái - đúng kiểu xuyên tạc mà Dodd hi vọng không gặp phải.
Đến chiều, gia đình Dodd cảm thấy khó chịu với Tham tán Gordon. Ông ta là cấp phó ở Đại sứ quán, quản lí các nhóm bí thư thứ nhất và thứ hai, những người viết tốc kí, nhân viên văn thư, các mật mã viên và các nhân viên khác, khoảng hơn hai mươi người cả thảy. Ông ta cứng nhắc, ngạo mạn và ăn mặc như một nhà quý tộc từ thế kỷ trước, mang theo một cây ba toong. Râu của ông ta quăn tít, nước da khỏe mạnh và đỏ au, một quan chức đã gọi đây là dấu hiệu của “kẻ cục tính”. Theo Martha mô tả, cách ăn nói của ông ta “rõ, nhanh, lịch sự và nhất định là trịch thượng”. Ông ta chả buồn giấu giếm sự khinh bỉ trước vẻ ngoài xoàng xĩnh của gia đình, hoặc khó chịu khi thấy họ chỉ đến có một mình, không có bầu đoàn thê tử gồm đầy tớ, hầu gái và lái xe riêng. Vị đại sứ tiền nhiệm, Sackett, mới là kiểu người Gordon ưa thích hơn nhiều, giàu có, với chục người hầu trong nhà riêng của ông ta tại Berlin. Martha cảm nhận rằng với Gordon, gia đình cô tượng trưng cho tầng lớp người “mà ông ta sẽ không bao giờ cho phép mình hòa nhập, có lẽ trong suốt phần đời còn lại của mình”.
Martha cùng mẹ lên toa tàu, ngồi giữa những bó hoa chào đón họ trên sân ga. Cô nhớ lại, bà Dodd tỏ ra khó chịu và xuống tinh thần, mường tượng ra “những bổn phận và thay đổi trong các sắc thái cuộc sống” trước mắt. Martha tựa đầu vào vai mẹ, nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Dodd ngồi cùng Gordon trong một toa riêng, thảo luận các vấn đề của Đại sứ quán và hoạt động chính trị tại Đức. Gordon cảnh báo Dodd rằng sự thanh đạm của ông và việc ông quyết tâm chỉ sống bằng đồng lương của Bộ Ngoại giao sẽ tạo ra một rào cản cho việc xây dựng mối quan hệ với chính quyền Hitler. Gordon nhắc nhở Dodd ông không còn là một giáo sư đơn thuần nữa. Ông là một nhà ngoại giao quan trọng, phải đương đầu với một chế độ kiêu căng, ngạo mạn, chỉ tôn thờ duy nhất sức mạnh. Cách tiếp cận với cuộc sống thường ngày của Dodd sẽ phải thay đổi.
Chuyến tàu tăng tốc qua những thị trấn xinh đẹp, các thung lũng hẹp cây cối sum suê với ánh nắng xiên buổi chiều, khoảng ba tiếng thì tới Berlin rộng lớn. Cuối cùng, con tàu phun khói tiến vào ga Lehrter Bahnhof của Berlin, tại một khúc ngoặt của dòng Spree, nơi con sông này chảy qua trung tâm thành phố. Là một trong năm cửa ngõ đường sắt chính của Berlin, nhà ga cao vọt hơn hẳn so với những ngôi nhà xung quanh như một thánh đường, với trần vòm uốn cong hình trụ và các dãy cửa sổ hình vòng cung.
Trên sân ga, gia đình Dodd đụng phải một đám đông người Đức và người Mỹ đang đứng chờ gặp họ, bao gồm các quan chức Bộ Ngoại giao Đức, cùng các phóng viên được trang bị máy quay phim có đèn flash, hồi đó được gọi là “đèn pin”. Một người đàn ông trông có vẻ mạnh mẽ, tuổi trung niên, cao khoảng một mét sáu mươi bảy, bước lên phía trước và tự giới thiệu bản thân. Sử gia, nhà ngoại giao George Kennan sau này đã mô tả ông ta là “người khô khan, ăn nói lè nhè và nóng nảy”. Ông ta là George Messersmith, Tổng Lãnh sự, cán bộ Ngoại giao, chính ông ta đã viết các thông điệp gửi nhanh tràng giang đại hải Dodd từng đọc khi còn ở Washington. Martha và cha cô yêu thích ông ta ngay lập tức, nhận xét ông ta là người có nguyên tắc, thật thà, ngay thẳng và thích hợp để làm bạn, cho dù lời khen ngợi đó cần phải nghiêm túc xét lại.
Messersmith đáp lại thiện chí ban đầu này. “Vừa gặp tôi đã yêu thích Dodd.” Messersmith viết. “Ông ấy là người giản dị và dễ gần.” Tuy nhiên, ông ta lưu ý rằng Dodd “cho tôi ấn tượng là ông ta khá yếu đuối.”
Trong đám đông chào đón, gia đình Dodd còn gặp hai người phụ nữ, mà vài năm sau này sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình ông. Một người Đức và một người Mỹ đến từ Wisconsin làm dâu một trong các gia đình học giả cao quý nhất.
Cô nàng người Đức tên là Bella Fromm - “Dì Voss”, người phụ trách chuyên mục xã hội của tờ báo rất được tôn trọng, Vossische Zeitung, một trong hai trăm tờ báo vẫn đang hoạt động tại Berlin. Nhưng không giống như những báo khác, tờ báo này vẫn được đăng phóng sự độc lập. Fromm có khổ người đẫy đà và xinh xắn, với đôi mắt hút hồn - có màu đá onyx ẩn dưới đôi lông mày đen được tôn cao, hai con ngươi của cô ta nằm khuất sau hàng mi trên, mang cả vẻ trí thức lẫn hoài nghi. Rõ ràng, cô ta được tất cả các thành viên cộng đồng ngoại giao thành phố, cũng như các thành viên cao cấp của Đảng Quốc xã tin tưởng, một thành tích không nhỏ, xét đến chuyện cô ta là người Do Thái. Cô ta tuyên bố mình có nguồn tin cao cấp trong chính quyền Hitler, người đã báo trước cho cô các hành động của Đế chế trong tương lai. Cô ta là người bạn thân thiết của Messersmith, con gái cô, Gonny, gọi ông ta là “chú”.
Trong nhật kí, Fromm ghi lại những nhận xét đầu tiên của mình về gia đình Dodd. Cô ta viết, Martha có vẻ “là hình ảnh hoàn hảo của một thiếu nữ Mỹ trẻ tuổi, thông minh”. Còn về ngài đại sứ, ông ấy “trông như một học giả. Óc châm biếm của ông ấy cuốn hút tôi. Tinh ý và tỉ mỉ. Ông ấy bảo mình đã yêu nước Đức từ khi là sinh viên ở Leipzig, và sẽ cố gắng hết sức mình xây dựng mối quan hệ chân thành giữa đất nước của ông ấy với nước Đức.”
Cô ta nói thêm, “Tôi hi vọng ông ấy và Tổng thống Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ sẽ không quá thất vọng vì những nỗ lực của họ.”
Cô nàng người Mỹ, tên là Mildred Fish Harnack, một đại diện của Câu lạc bộ Phụ nữ Mỹ tại Berlin. Trái ngược hoàn toàn với Fromm về hình thức - cô ta mảnh mai, tóc vàng, thanh tú và kín đáo. Martha cùng Mildred ưa thích nhau ngay tắp lự. Mildred sau này viết rằng Martha “trong sáng, có năng lực và thực sự có khao khát muốn hiểu biết thế giới. Nên những mối quan tâm của chúng tôi tương đồng với nhau”. Cô ta cảm nhận được mình vừa tìm thấy một người bạn tâm giao, “một phụ nữ quan tâm nghiêm túc đến viết lách. Rào cản của việc viết truyện đó là người viết cảm thấy cô đơn và biệt lập. Ý tưởng này kích thích ý tưởng khác, tình yêu với viết lách rất dễ lây.”
Đến lượt Martha thấy ấn tượng với Mildred. “Tôi bị cô ấy hấp dẫn ngay lập tức,” cô viết. Mildred cho thấy sự kết hợp lí tưởng của sức mạnh và sự tinh tế. “Cô ấy nói và bày tỏ ý kiến chậm rãi, lặng lẽ lắng nghe, đôi mắt to màu xanh lam và xám trông nghiêm túc... cân nhắc, đánh giá và cố gắng thấu hiểu.”
Tham tán Gordon dìu Martha vào xe cùng một thư kí lễ tân trẻ tuổi có nhiệm vụ đi cùng cô đến khách sạn, nơi gia đình Dodd sẽ sống cho đến khi thuê được ngôi nhà thích hợp. Cha mẹ cô đi xe riêng cùng với Gordon, Messersmith và phu nhân. Xe của Martha tiến về phía nam, qua sông Spree vào thành phố.
Cô nhận thấy những đại lộ dài, thẳng tắp gợi nhớ đến mạng lưới đường bộ ngang dọc, cứng nhắc ở Chicago, nhưng sự tương đồng chỉ đến mức đó thôi. Không như cảnh quan đầy rẫy những tòa nhà chọc trời cô từng đi qua mỗi ngày tại Chicago, hầu hết những tòa nhà ở đây đều khá thấp, chỉ cao khoảng năm tầng gì đó, chúng củng cố thêm ấn tượng về thành phố thấp lùn và bằng phẳng. Hầu hết các tòa nhà trông rất cũ kĩ, chỉ vài tòa nhà trông còn mới, với các bức tường kính, mái bằng và mặt tiền uốn cong - tác phẩm của Walter Gropius38, Bruno Taut và Erich Mendelsohn, tất cả đều bị Quốc xã kết tội là những kẻ suy đồi, cộng sản và lẽ dĩ nhiên là Do Thái. Thành phố đầy màu sắc và sức sống. Có mấy xe buýt hai tầng, xe lửa S-Bahn và xe điện màu sắc sặc sỡ, với những sợi dây xích bắn ra các tia lửa màu xanh đẹp mắt. Mấy chiếc xe trần thấp nhẹ nhàng phóng qua, hầu hết đều sơn đen, nhưng vài xe sơn màu đỏ, màu kem và xanh thẫm. Nhiều xe có thiết kế lạ lùng: xe Opel 16 PS đáng ngưỡng mộ, xe Horch với hình trang trí cánh cung đang giương tên trên mui xe, và những chiếc Mercedes đâu đâu cũng có sơn đen, trần thấp, mạ viền chromium39. Bản thân Joseph Goebbels cũng đưa vào bài diễn văn chán ngắt của hắn ta nhịp sống đầy năng lượng của thành phố này, thể hiện trong khu mua sắm nổi tiếng nhất, Kurfürs- tendamm. Tuy nhiên, bài phát biểu đó không nhằm khen ngợi mà có ý lên án, gọi con phố là “mặt rỗ” của thành phố. “Xe điện rung chuông inh ỏi, xe buýt kêu leng keng khi kéo còi, nhồi nhét toàn người là người, xe taxi và các xe cá nhân đẹp mắt phóng rì rì, trên đường trải nhựa bóng loáng,” hắn viết. “Hương thơm nước hoa nồng nàn thoảng qua. Những ả gái điếm mỉm cười từ các bức tranh vẽ chân dung phụ nữ thượng lưu đầy nghệ thuật bằng phấn màu. Những kẻ được gọi là đàn ông đi dạo tới lui, những chiếc kính một mắt sáng lấp lóa, các viên đá quý hàng xịn lẫn giả mạo lấp lánh.” Hắn viết, Berlin đã từng là một “hoang mạc đá” đầy tội lỗi, hư hỏng và dân cư sống ở đây “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng”.
38 Walter Gropius, Bruno Taut và Erich Mendelsohn là những kiến trúc sư nổi tiếng người Đức đương thời.
39 Chromium: một nguyên tố kim loại trong Bảng Tuần hoàn Các nguyên tố Hóa học.
Tay thư kí trẻ tuổi giới thiệu rất nhiều thắng cảnh. Martha hỏi hết câu này đến câu khác, không để ý là cô đang thử thách sự kiên nhẫn của anh ta. Xe lăn bánh chưa lâu, họ đi qua một quảng trường rộng rãi, ngự trên quảng trường là một tòa nhà hoành tráng xây bằng sa thạch Silesia40, với bốn tòa tháp cao hơn sáu mươi mét ở bốn góc. Tòa nhà được xây theo “kiến trúc Phục hưng41 Italia sặc sỡ”, một trong các phong cách được mô tả trong cẩm nang hướng dẫn du lịch của Karl Baedeker. Đó là Tòa nhà Quốc hội Đức, nơi cơ quan lập pháp của Đức, Quốc hội triệu tập các cuộc họp, cho đến khi tòa nhà bị hỏa hoạn bốn tháng trước. Một thanh niên người Hà Lan trẻ tuổi - từng là đảng viên Đảng Cộng sản tên là Marimus van der Lubbe - đã bị bắt và bị buộc tội là kẻ phóng hỏa, cùng bốn nghi can khác bị quy là tòng phạm. Cho dù một lời đồn đại được chứng thực rộng rãi cho rằng chính chế độ Quốc xã đã đạo diễn màn phóng hỏa, nhằm khơi lên nỗi sợ hãi một cuộc nổi dậy của Bôn sê vích42, qua đó được quần chúng ủng hộ hủy bỏ các đặc quyền dân sự và tiêu diệt Đảng Cộng sản Đức. Phiên tòa sắp tới là chủ đề bàn tán tại Berlin.
40 Silesia: một khu vực nằm giữa Ba Lan, Cộng hòa Czech và Đức. Phần lớn lãnh thổ của khu vực này nằm ở Ba Lan.
41 Kiến trúc Phục hưng là phong cách kiến trúc ở châu Âu, từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII, phục hồi và phát triển các yếu tố trong kiến trúc Hy Lạp và La Mã.
42 Bôn sê vích: những thành viên của Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản khác.
Nhưng Martha thấy bối rối. Trái ngược với những gì cô được nghe trong các bản tin, tòa nhà có vẻ vẫn nguyên vẹn. Các tòa tháp vẫn đứng đó, bề ngoài có vẻ không bị sứt sẹo gì. “Ồ, tôi tưởng nó bị cháy rụi rồi chứ!” Cô thốt lên khi xe phóng qua tòa nhà. “Trông nó vẫn bình thường. Kể tôi nghe đã xảy ra chuyện gì đi.”
Sau câu này và một tràng những câu hỏi khác đến chính Martha cũng phải thừa nhận là quá ngây thơ, tay thư kí nghiêng người về phía cô, đưa tay lên môi. “Suỵt! Tiểu thư à, cô phải học cách quan sát hơn là hỏi. Cô không được phép nói quá nhiều và hỏi quá nhiều. Đây không phải nước Mỹ và cô không thể nói hết ra những gì mình nghĩ.”
Cô giữ im lặng suốt chặng đường còn lại.
Khi đến khách sạn Esplanade, trên con phố Bellevuestrasse râm mát và đáng yêu, Martha cùng cha mẹ được dẫn lên các căn phòng do đích thân Messersmith thu xếp.
Dodd thấy khiếp sợ, còn Martha thì bị mê hoặc.
Đây là một trong những khách sạn đẹp nhất Berlin, với các ngọn chúc đài và lò sưởi cỡ lớn, hai sân sau có mái che bằng kính. Một trong số hai sân - Palm Courtyard - nổi tiếng vì là nơi tổ chức các buổi khiêu vũ tiệc trà, nơi người dân Berlin lần đầu tiên được nhảy vũ điệu 4/4 Charleston. Greta Garbo43 cũng như Charlie Chaplin đã từng ở khách sạn này. Messersmith đã đặt trước dãy phòng hạng sang, gồm một phòng có giường đôi lớn và nhà tắm riêng, hai phòng đơn cũng có nhà tắm riêng, một phòng khách, cùng một phòng hội nghị. Tất cả được sắp xếp ngay ngắn dọc tiền sảnh theo số chẵn, từ phòng 116 đến phòng 124. Trên các bức tường hai phòng tiếp tân bọc đầy vải thêu kim tuyến. Những đóa hoa do khách trọ có nhã ý trao tặng tỏa hương ngào ngạt như mùa xuân khắp dãy phòng, quá nhiều hoa, Martha nhớ lại, “không đủ chỗ mà dọn vào nữa - các bông phong lan và hoa loa kèn có mùi hương rất hiếm, những bông hoa đủ màu sắc và hình dạng.” Khi bước vào dãy phòng, cô viết, “chúng tôi chết ngạt vì hương hoa”. Nhưng sự sang trọng này vi phạm từng nguyên tắc lí tưởng Jefferson mà Dodd tuân thủ suốt cuộc đời ông. Trước khi tới đây, ai cũng biết Dodd nói rằng ông muốn “những khu phố khiêm nhường trong một khách sạn nho nhỏ,” Messersmith viết. Ông ta thấu hiểu khao khát của Dodd muốn được sống “một cách giản dị và kín đáo nhất”, nhưng cũng biết rằng “các quan chức và dân chúng Đức sẽ không hiểu điều đó”.
43 Greta Lovisa Gustafsson (1905 - 1990): nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Thụy Điển.
Còn một yếu tố khác. Các nhà ngoại giao Mỹ và quan chức Bộ Ngoại giao đã luôn luôn ở Esplanade. Làm ngược lại điều này hẳn sẽ được xem là vi phạm nghiêm trọng truyền thống và nghi thức ngoại giao.
Gia đình Dodd đã yên vị. Bill Jr. và chiếc Chevrolet phải một lúc lâu nữa mới đến. Dodd cầm theo quyển sách rút vào phòng ngủ, Martha nhận thấy mọi chuyện rất khó hiểu. Các tấm thiệp mừng của khách trọ có nhã ý tiếp tục được gửi đến, kèm theo là ngày càng nhiều hoa. Cô cùng mẹ sợ hãi ngồi ngắm thế giới xa hoa xung quanh mình, “tuyệt vọng tự hỏi tiền đâu trả cho những thứ này nếu không bán linh hồn cho quỷ”.
Cuối buổi tối hôm đó, sau khi trấn tĩnh lại, gia đình Dodd xuống nhà hàng khách sạn ăn tối, nơi Dodd nhớ lại hình ảnh một người Đức đã lãng quên mấy thập niên và cố gắng pha trò với các bồi bàn. Martha viết, ông “có khiếu hài hước xuất sắc”. Các bồi bàn vốn đã quen với thái độ hống hách, độc đoán của những người quyền quý và quan chức Quốc xã, nên không biết phản ứng thế nào, đành tỏ ra lịch sự đến mức Martha thấy gần như là xun xoe. Đồ ăn ngon lành, nhưng toàn đồ ăn Đức truyền thống và khó tiêu, cô nhận xét, cần phải đi dạo sau bữa tối cho tiêu bớt.
Rời khách sạn, gia đình Dodd rẽ trái, tản bước dọc phố Bel- levuestrasse qua các bóng cây và vùng tối nơi đèn đường không chiếu tới. Ánh sáng mờ mờ gợi Martha nhớ đến những thị trấn nông thôn nước Mỹ say ngủ lúc đêm muộn. Cô chẳng thấy bóng người lính hay cảnh sát nào. Ban đêm dễ chịu và đáng yêu, cô viết, “mọi thứ thật thanh bình, lãng mạn, lạ lùng và hoài cổ.”
Họ đi tiếp đến cuối đường, băng qua một quảng trường nhỏ vào Tiergarten, được xem như Công viên Trung tâm44 của Berlin. Dịch ra thì cái tên này nghĩa là “vườn thú” hoặc “vườn dã thú”, có liên quan đến quá khứ xa xôi, khi đây vốn là nơi săn bắn của hoàng gia. Chỗ này giờ là công viên rộng 255 héc ta đầy cây cối, lối đi b ộ , đường cưỡi ngựa và những bức tượng trải dài v ề phía tâ y, t ừ C ổ ng Brandenburg đến quận dân cư giàu có và khu mua sắm Charlottenburg. Con sông Spree chảy dọc theo rìa phía bắc vườn thú nổi tiếng của thành phố. Vào ban đêm, công viên đặc biệt quyến rũ. Một nhà ngoại giao người Anh đã viết, “Trong Tiergaten, những ngọn đèn nhỏ lấp ló giữa những cây nhỏ, trên mặt cỏ tràn ngập đom đóm, trông như cả nghìn mẩu thuốc lá cháy đỏ.”
44 Công viên Trung tâm ở Thành phố New York, Mỹ.
Gia đình Dodd tiến vào Siegesallee - Đại lộ Chiến thắng - dọc hai bên là chín mươi sáu bức tượng đủ các kích cỡ và tượng bán thân các nhà lãnh đạo Phổ xa xưa. Trong số này có Frederick Đại Đế45 cùng nhiều người mang tên Frederick nhưng kém danh giá hơn, có cả những ngôi sao một thời tỏa sáng như Bá tước Albert46, Hoàng tử Henry47 và Otto V48. Người dân Berlin gọi họ là Puppen - những con búp bê. Dodd kể lể dông dài về tiểu sử từng người, khoe vốn kiến thức về nước Đức ông học được ở Leipzig ba mươi năm trước. Martha đoán chắc rằng dự cảm không lành của ông đã tan biến. “Tôi chắc rằng tối nay là một trong những buổi tối hạnh phúc nhất của chúng tôi ở Đức,” cô viết. “Tất cả chúng tôi đều vui vẻ và bình an.”
45 Frederick Đại Đế - Frederick II (1712 - 1786): vị vua tài giỏi của nước Phổ, đã đưa nước Phổ trở thành một cường quốc ở châu Âu.
46 Albert the Bear (1100 - 1170): Bá tước vùng Anhalt, nước Đức thời Trung đại.
47 Henry I vùng Hesse (1244 - 1308): người đã lập nên triều đại Brabant của vùng Hesse.
48 Vua Louis II không có con, và sau khi chết năm 1365, em trai ông, Otto V, sinh năm 1346, lên làm Bá tước và Tuyển hầu vùng Brandenburg. Chưa từng tìm được ai phù hợp hơn với biệt danh Otto Lười nhác đến thế. Ông hoàn toàn chẳng chú ý gì đến trách nhiệm trong chính phủ, cho đến khi Hoàng đế Charles chịu đựng quá đủ và ép ông phải từ chức.
Cha cô đã đem lòng yêu nước Đức, kể từ khi học tại Leipzig, hồi ấy ngày nào cũng có một phụ nữ trẻ mang hoa violet vào phòng ông. Giờ đây vào đêm đầu tiên này, khi mọi người cùng sải bước dọc Đại lộ Chiến thắng, Martha cũng cảm thấy trào dâng tình yêu với quốc gia này. Toàn bộ bầu không khí của Berlin chẳng giống như những gì cô xem trên báo. “Tôi cảm thấy báo chí đã nói xấu đất nước này. Tôi muốn lên tiếng về sự ấm áp và thân thiện của người dân, về đêm hè dịu mát với hương thơm của cây cối, hoa cỏ, cùng với cảnh thanh bình trên các con phố.”
Hôm ấy là ngày 13 tháng 07 năm 1933.