Trong vài ngày đầu tiên ở Berlin, Martha bị cảm lạnh.
Khi cô đang dần hồi phục ở khách sạn Esplanade, một vị khách đến thăm cô. Một phụ nữ Mỹ tên là Sigrid Schultz, người từng có mười bốn năm làm phóng viên báo chí tại Berlin cho tờ báo cũ của Martha, Chicago Tribune, và hiện giờ làm phóng viên chính tại Trung Âu. Schultz bốn mươi tuổi, cao một mét sáu mươi - bằng Martha - tóc vàng và mắt xanh. “Nấm lùn bé bỏng,” Martha nói, với “một suối tóc vàng óng”. Bất chấp thân hình mập mạp và nét mặt trẻ thơ, các phóng viên đồng nghiệp cũng như các quan chức Quốc xã đều biết cô ta là người ngoan cường, kiên trì, dám nói và cực kì không biết sợ. Cô ta luôn nằm trong danh sách khách mời của từng nhà ngoại giao, thường xuyên có mặt tại các bữa tiệc do Goebbels, Göring và các quan chức Quốc xã khác tổ chức. Göring sung sướng đến vô lí khi gọi cô ta là “con rồng đến từ Chicago”.
Schultz và Martha ban đầu chuyện phiếm vô thưởng vô phạt, nhưng không lâu sau chủ đề thảo luận quay về sự biến đổi nhanh chóng của Berlin trong sáu tháng qua, kể từ khi Hitler làm Thủ tướng. Schultz kể những câu chuyện về bạo lực chống dân Do Thái, các nhà cộng sản và bất kì ai Quốc xã xem là không ủng hộ bước chuyển mình của họ. Trong một số vụ, các nạn nhân là công dân Mỹ.
Martha phản đối, cho rằng Đức đang trong giai đoạn tái sinh mang tính lịch sử. Những biến cố này có chăng cũng chỉ do lòng nhiệt tình thái quá lan tràn khắp đất nước này. Từ khi đến đây, đã vài ngày qua, Martha chẳng thấy điều gì chứng thực các câu chuyện của Schultz.
Tuy nhiên, Schultz vẫn tiếp tục kể về những vụ đánh đập và bắt bớ khác thường trong các trại “hoang dã” - các nhà tù đặc b i ệt mọc lên như nấm trên toàn quốc, dưới sự kiểm soát của các lực lượng bán quân sự Quốc xã - và trong các nhà tù đúng nghĩa, giờ được biết đến như các trại tập trung. Từ tiếng Đức gọi là Konzentrationslager, hay KZ. Một trại tập trung như thế được thành lập vào ngày 22 tháng 03 năm 1933, sự tồn tại của nó được một tư lệnh cảnh sát Munich trước kia là nông dân nuôi gà, tên là Heinrich Himmler, tiết lộ tại một buổi họp báo. Trại này vốn là một nhà máy đạn dược cách Munich một đoạn đường xe lửa ngắn, ngay bên ngoài ngôi làng Dachau quyến rũ, hiện là nơi giam giữ hàng trăm tù nhân, có thể lên đến hàng ngàn - chẳng ai biết được. Đa số đều bị bắt không phải do phạm tội gì cụ thể, mà họ bị đưa vào đây để được “chăm sóc bảo vệ”. Các tù nhân này không phải dân Do Thái, đúng hơn là chưa phải, mà là các nhà cộng sản và thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội, phải chịu đựng những điều kiện kỉ luật khắc nghiệt.
Martha ngày càng bực tức khi Schultz cố gắng bôi đen hình ảnh đẹp đẽ về nước Đức của mình, nhưng cô yêu thích Schultz, nhận thấy cô ta sẽ là một người bạn rất giá trị, căn cứ theo phạm vi các mối quan hệ rộng của cô ta với các phóng viên và nhà ngoại giao. Họ chia tay nhau trong hòa nhã, nhưng Martha vẫn giữ nguyên quan điểm: cuộc cách mạng đang bùng nổ quanh mình là một chương hào hùng, có thể mở ra một nước Đức mới mẻ và lành mạnh.
“Mình không tin tất cả các câu chuyện của chị ấy,” sau này Martha viết. “Mình nghĩ rằng chị ấy nói quá lên và có hơi kích động.” Khi Martha rời khách sạn, cô không chứng kiến vụ bạo lực nào, chẳng thấy ai đang co rúm trong sợ hãi, chẳng cảm thấy sự đàn áp nào. Thành phố thật thú vị. Cô thích thú với những gì Goebbels đã lên án. Đi khỏi khách sạn một quãng ngắn, rẽ phải rời xa vùng xanh ngút mắt của Tiergarten, cô đến Potsdamer Platz, một trong những giao lộ nhộn nhịp nhất thế giới, với ngọn đèn đường chia năm hướng nổi tiếng, được xem là ngọn đèn giao thông được lắp đặt sớm nhất châu Âu. Berlin chỉ có 120.000 xe ô tô, nhưng vào bất kì thời điểm nào, toàn bộ xe cũng đều tập trung tại đây, như bầy ong bay về tổ. Người ta có thể ngắm dòng xe và người cuồn cuộn, từ một chiếc bàn ngoài trời của quán cà phê Josty. Một công trình kiến trúc nữa cũng hiện diện ở đây, đó là Haus Vaterland, một hộp đêm năm tầng có khả năng phục vụ sáu nghìn người đến ăn tối với mười hai nhà hàng. Trong đó bao gồm một quán bar Miền Tây Hoang Dã, với các hầu bàn đội mũ cao bồi rộng, và Nhà hàng Rượu Tầng thượng Rhineland, nơi cứ mỗi giờ, các vị khách sẽ trải nghiệm một trận bão tố ngắn trong phòng, với sấm, chớp và một cơn mưa phùn hẳn làm phiền lòng các quý cô ăn mặc điệu đà. “Đúng là một nơi thật lãng mạn, vô tư và đầy sức trẻ, khiến người ta muốn đến đây chơi thâu đêm suốt sáng!” một vị khách đã viết. “Chốn ăn chơi vui nhất tại Berlin.”
Đối với một thiếu nữ hai mươi tuổi chưa có việc làm, không phải quan tâm đến tài chính và sớm thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thì Berlin có sức hấp dẫn bất tận. Trong nhiều ngày, cô tham dự buổi “tiệc trà” với một phóng viên Mỹ nổi tiếng, H.R. Knickerbocker - bạn bè thường gọi anh ta là “Knick” - người soạn những câu chuyện cho tờ New York Evening Post. Anh ta dẫn cô đến khách sạn Eden, Vườn Địa đàng khét tiếng, nơi nhà cộng sản xúi giục bạo động Rosa Luxemburg bị đánh suýt chết năm 1919, trước khi bị đưa vào công viên Tiergarten gần đó và giết chết.
Trong phòng trà Eden, Martha và Knick khiêu vũ. Với dáng người gầy còm, thấp lùn, mái tóc đỏ cùng đôi mắt nâu, anh ta dắt cô qua sàn thành thạo và duyên dáng. Cuộc đối thoại không tránh được chủ đề nước Đức. Giống như Sigrid Schultz, Knickerbocker cố gắng giảng giải cho Martha hiểu một chút về hoạt động chính trị tại Đức và đặc tính của bộ máy lãnh đạo mới. Martha không có hứng thú và cuộc đối thoại như lạc đi đâu đó. Những nam giới và phụ nữ Đức xung quanh khiến Martha bị thu hút. Cô yêu mến “kiểu khiêu vũ khô cứng của họ, lắng nghe thứ ngôn ngữ âm yết hầu khó hiểu của họ, ngắm nhìn những cử chỉ đơn giản, hành vi tự nhiên và sự say mê tìm hiểu cuộc sống như trẻ con của họ.”
Cô yêu thích những người Đức mình đã gặp cho đến giờ - chắc chắn thích hơn nhiều những người Pháp cô gặp khi đang học tại Paris. Cô viết, không như người Pháp, người Đức “không phải là phường trộm cắp, họ không ích kỷ, nôn nóng, không lạnh lùng và cứng rắn.”
Con mắt nhìn đời màu hồng của Martha được nhiều du khách thăm Đức, đặc biệt là ở Berlin, chia sẻ rộng rãi. Thực tế là ngày nào cũng như ngày nào, ở hầu hết các địa phương lân cận, quang cảnh và hoạt động của nước Đức chẳng có gì thay đổi. Người bán xì gà trước cửa khách sạn Adlon, trên phố Unter Den Linden 1, vẫn tiếp tục bán xì gà như cũ (Hitler vẫn tiếp tục xa lánh khách sạn này, thay vào đó hắn ưa thích khách sạn Kaiserhof gần đấy). Sáng sáng, người Đức tụ tập đông đúc tại Tiergarten. Nhiều người cưỡi ngựa đến, còn hàng nghìn người khác thường xuyên đi vào trung tâm thành phố bằng tàu hỏa và xe điện, từ các nơi lân cận như nhà ga Onkel hay Wedding. Đàn ông và phụ nữ ăn mặc sành điệu, ngồi trong quán cà phê Romanisches, uống cà phê và rượu vang, hút thuốc lá, xì gà, cùng thể hiện chất hài hước dí dỏm thành thương hiệu của người Berlin - Berliner Schnauzer, hay “Chó Berlin49’’. Tại hộp đêm Katakombe, diễn viên hài Werner Finck tiếp tục đùa cợt về chế độ mới, bất chấp nguy cơ bị bắt. Trong một buổi diễn, một khán giả đã gọi anh ta là “tên Do Thái xấu xa”, anh ta đáp lại, “Tôi không phải Do Thái. Chỉ là trông tôi thông thái thôi.” Khán giả cười phá lên khoái trá.
49 Tại Berlin, khi gặp nhau người ta thường hay kể về vật nuôi của mình, còn bản thân họ thì không nói đến. Thay vì sự thân thiện, họ được biết đến với một chút gì đó lỗ mãng, khiếm nhã, với những cái tên không mấy hay ho như Berlin snout. Nhưng vẻ ngoài lạnh lùng và những lời nói ấy lại che giấu một trái tim lớn.
Những ngày tốt đẹp vẫn êm đềm trôi. Tiểu thuyết gia Christopher Isherwood viết trong cuốn Những câu chuyện Berlin của mình, “Mặt trời lên và Hitler là chủ nhân của thành phố này. Mặt trời lên, hàng chục người bạn của tôi... bị cầm tù, có thể là đã chết.” Bầu không khí bình yên này thật có sức quyến rũ. “Bước vào một cửa hàng, tôi bắt gặp hình ảnh mình trong gương và choáng váng khi thấy mình đang mỉm cười,” Isherwood viết. “Bạn không thể không mỉm cười trước thời tiết đẹp thế này.” Những chiếc tàu điện vẫn di chuyển như thường lệ, tương tự khách bộ hành vẫn bước trên các con phố. Mọi thứ xung quanh chìm trong “bầu không khí quen thuộc đến lạ lùng, có sự tương đồng kinh ngạc với điều gì đó bình thường và êm dịu trong quá khứ - như một bức ảnh tuyệt đẹp.”
Tuy nhiên, ẩn dưới bề mặt ấy, nước Đức trải qua một cuộc cách mạng nhanh chóng và có ảnh hưởng sâu rộng, ăn sâu vào sợi tơ liên kết cuộc sống hằng ngày. Nó diễn ra âm thầm và trên quy mô lớn, nhưng không dễ nhận thấy. Cốt lõi của nó là một chiến dịch của Chính phủ có tên là Gleichschaltung - nghĩa là “Đồng bộ hóa”- làm sao để các công dân, các bộ của Chính phủ, các trường đại học, các cơ sở xã hội, văn hóa cùng hòa nhịp niềm tin và thái độ của họ với Quốc xã.
“Đồng bộ hóa” xảy ra với tốc độ kinh ngạc, ngay cả trong các mặt cuộc sống không trở thành mục tiêu trực tiếp của các luật cụ thể, khi người Đức sẵn sàng đặt mình dưới sự thống trị của Quốc xã. Hiện tượng này được biết đến với cái tên Selbstgleichschaltung, hay “tự đồng bộ hóa”. Sự thay đổi đối với nước Đức diễn ra quá nhanh và trên phạm vi rộng tới mức, công dân Đức xa quê đi làm ăn hay du lịch khi trở về thấy mọi thứ không còn như xưa, như thể họ đang trong một bộ phim kinh dị. Khi quay về, họ thấy những ai từng là bạn bè, khách hàng hay bệnh nhân đều khác đi rất khó hiểu. Gerda Laufer, một nhà xã hội học đã viết rằng cô ta cảm thấy “bị chấn động sâu sắc khi những người cô từng coi là bạn, từng quen biết một thời gian dài, thế mà trong tích tắc đã không còn là chính mình”.
Những người láng giềng trở nên cáu kỉnh, gắt gỏng, những ghen tị nhỏ nhen bùng lên thành lời tố cáo gửi tới SA - Sư đoàn Bão tố - hoặc lực lượng Geheime Staatspolizei mới thành lập, được biết đến với cái tên viết tắt, Gestapo (GEheime STAatsPOlizei), do một thư kí bưu điện nghĩ ra khi anh ta tìm cách rút ngắn tên gọi cơ quan này. Có hai hiện tượng làm nổi bật danh tiếng nắm chắc mọi diễn biến và ra tay tàn nhẫn của Gestapo. Thứ nhất là bầu không khí chính trị tại Đức mà hễ ai đơn thuần chỉ trích Chính phủ cũng có thể bị bắt. Thứ hai là sự tồn tại của một đám quần chúng không chỉ háo hức muốn tuân thủ và chấp thuận bị đồng bộ hóa, mà còn muốn lợi dụng sự nhạy cảm của Quốc xã, hòng thỏa mãn cái tôi cá nhân và những ghen tức, thù hằn. Một nghiên cứu các ghi chép của Quốc xã cho thấy một mẫu 213 đơn tố cáo, 37% trong số này không phát sinh từ niềm tin chính trị chân thành, mà xuất phát từ những xung đột cá nhân, với động cơ thường chẳng ra đâu vào đâu. Chẳng hạn vào tháng Mười năm 1933, nhân viên bán hàng một cửa hàng tổng hợp tố cáo một khách hàng kì quặc, ương bướng, khăng khăng đòi trả ba đồng mác Đức tiền lẻ. Anh ta tố cáo bà ta trốn thuế. Người Đức tố cáo lẫn nhau với sự khoái trá, đến nỗi các quan chức Quốc xã cao cấp phải kêu gọi dân chúng phải biết phân biệt ở hoàn cảnh nào thì có thể báo cảnh sát. Trong một nhận xét gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bản thân Hitler cũng nhận thức rằng, “hiện giờ chúng ta đang sống trong một biển đầy những lời tố cáo và sự hèn hạ của con người.”
Một yếu tố trọng tâm của Đồng bộ hóa đó là thi hành “điều khoản Aryan”, có hiệu lực cấm dân Do Thái đảm nhận công việc của Chính phủ. Thêm vào đó, các quy định và sự thù hằn địa phương không cho phép dân Do Thái hành nghề dược và luật. Những lệnh cấm này vừa gây phiền hà, vừa ảnh hưởng sâu sắc đến dân Do Thái. Tuy nhiên, người Do Thái hầu như chẳng tạo ấn tượng gì đối với du khách và những qua đường, vì có quá ít dân Do Thái sống tại Đức. Tính đến tháng Một năm 1933, chỉ khoảng 1% trong số sáu mươi lăm triệu người Đức là dân Do Thái. Hầu hết đều sống trong các thành phố lớn, còn một phần không đáng kể sống rải rác khắp cả nước. Gần một phần ba trong số đó - khoảng trên 160.000 người - sống tại Berlin, nhưng họ chưa chiếm đến 4% trong tổng số 4,2 triệu dân của thành phố, nhiều người sống trong các vùng ngoại ô, không nằm trong hành trình của du khách.
Thế nhưng, nhiều cư dân Do Thái vẫn chưa hiểu hết được chuyện gì đang diễn ra. Năm mươi nghìn người đã hiểu và rời khỏi nước Đức vài tuần sau khi Hitler nhậm chức Thủ tướng, nhưng phần lớn vẫn ở lại. “Gần như chẳng ai cho rằng mối đe dọa với dân Do Thái là nghiêm trọng,” Carl Suckmayer, một nhà văn Do Thái viết. “Thậm chí nhiều người Do Thái xem những lời huênh hoang, rỗng tuếch bài Do Thái độc ác của Quốc xã chỉ đơn thuần là công cụ tuyên truyền, một đường lối Quốc xã sẽ bỏ quên, ngay sau khi chúng nắm quyền trong Chính phủ và được ủy thác gánh vác trách nhiệm công”. Cho dù trong Sư đoàn Bão tố lan truyền một bài hát có tựa đề “Khi lưỡi dao chúng ta thấm máu dân Do Thái”, nhưng vào thời điểm gia đình Dodd đến đây, bạo lực chống dân Do Thái đã bắt đầu suy yếu. Các vụ bạo lực đều xảy ra lác đác, cục bộ. “Rất dễ rơi vào cảm giác an toàn,” sử gia John Dippel đã viết trong khi nghiên cứu lí do tại sao nhiều dân Do Thái quyết định ở lại Đức. “Nhìn bề ngoài, nhiều mặt của cuộc sống bình thường vẫn như trước khi Hitler lên nắm quyền. Quốc xã tấn công dân Do Thái như các cơn bão mùa hè đến rồi đi rất nhanh, bỏ lại một khung cảnh yên bình đến quái lạ.”
Dấu ấn dễ thấy nhất của chiến dịch Đồng bộ hóa đó là sự xuất hiện bất ngờ của kiểu chào Quốc xã, hay Hitlergruss. Kiểu chào này xa lạ với thế giới bên ngoài, đến nỗi Tổng Lãnh sự Messersmith phải soạn ngay một thông điệp gửi nhanh cụ thể về chủ đề này, vào ngày 08 tháng 08 năm 1933. Ông viết, trong thế giới hiện đại kiểu chào này chưa từng có, ngoại trừ kiểu chào nghiêm túc hơn của quân đội khi có mặt cấp trên. Điều khiến nó trở nên độc đáo đó là bất kì ai cũng đều phải chào, ngay cả giữa thường dân với nhau. Người bán hàng chào khách hàng. Trẻ em được dạy phải chào thầy giáo vài lần mỗi ngày. Khi kết thúc các màn trình diễn trong nhà hát, một quy định mới ban ra là khán giả đứng dậy chào, rồi hát đầu tiên là quốc ca Đức, “Deutschland über Alles”, tiếp theo là bài ca Sư đoàn Bão tố, “Horst Wessel Lied” hoặc “Horst Wessel Song”. Bài ca này mang tên của người sáng tác ca khúc, một kẻ sát nhân SA bị các nhà cộng sản giết chết, nhưng được bộ máy tuyên truyền của Quốc xã sau này hô biến thành một anh hùng. Dân chúng Đức say sưa, thích thú với kiểu chào này, lập tức chào liên tục không ngừng rất tức cười, đặc biệt trong hành lang các tòa nhà công cộng, nơi mọi người từ anh đưa thư thấp kém nhất, đến quan chức cao quý nhất đều chào kiểu Quốc xã với nhau, khiến quãng đường đến nhà vệ sinh trở nên khá vất vả.
Messersmith không chịu chào kiểu Quốc xã mà chỉ đứng im lặng, nhưng ông hiểu rằng đối với người Đức bình thường làm thế là không đủ. Thậm chí có những lúc, ông cảm thấy sức ép thật sự phải làm theo. Cuối một buổi tiệc trưa ông tham gia tại thành phố cảng Kiel, tất cả khách mời cùng đứng dậy giơ cao cánh tay phải lên hát quốc ca và bài “Horst Wessel Song”. Messersmith đứng im tôn trọng, như ông hẳn sẽ làm thế ở Mỹ nếu ca khúc “Star-Spangled Banner ”, quốc ca Hoa Kỳ, được tấu lên. Nhiều vị khách khác trong số này, bao gồm một số thành viên Sư đoàn Bão tố, nhìn ông trừng trừng và xì xào như thể đang cố gắng đoán danh tính của ông. “Tôi cảm thấy thật sự may mắn khi sự cố này xảy ra sau những cánh cửa đóng kín, và xung quanh tôi đều là những người thông minh,” ông viết, “vì nếu nó diễn ra giữa đám đông trên phố, hoặc trong một cuộc biểu tình, sẽ chẳng ma nào thèm hỏi tôi là ai, và tôi hẳn sẽ bị tra tấn theo những cách không thể tưởng tượng nổi”. Messersmith khuyên các vị khách người Mỹ phải cố đoán trước khi nào cần hát, khi nào cần chào, để mà còn về sớm.
Khi Đại sứ Dodd thi thoảng chào kiểu đó để chế nhạo, Messersmith chẳng lấy gì làm vui.
Trong tuần thứ hai ở Berlin, Martha phát hiện ra mình vẫn chưa rũ bỏ hẳn quá khứ như cô hi vọng.
Chồng cũ của Martha là Bassett, đã đến thành phố làm nhiệm vụ bí mật gọi là “Sứ mệnh Berlin”, hòng giành lại trái tim Martha.
Anh đặt phòng tại khách sạn Adlon. Họ có thấy nhau vài lần, nhưng Bassett không có cơ hội thực sự tiếp cận Martha để ỉ ôi như ý muốn. Mà đúng hơn anh gặp phải sự thờ ơ xã giao. “Em còn nhớ chúng ta đạp xe đi chơi qua công viên không,” sau này anh viết. “Em tuy thân thiện, nhưng anh cảm nhận được sự lạnh nhạt giữa hai ta.”
Như để khiến vấn đề tồi tệ hơn, đến khi hết thời hạn lưu trú, Bassett bị cảm lạnh nặng. Anh nằm bẹp trên giường, vừa đúng lúc Martha đến thăm lần cuối trước khi anh về nước.
Anh biết rằng Sứ mệnh Berlin của mình đã thất bại vào lúc Martha bước vào phòng. Đi theo cô là người anh trai, Bill Jr.
Đó là khoảnh khắc vô tình tàn nhẫn. Cô biết rằng Bassett sẽ hiểu thật chính xác, vì cô đã quá mệt mỏi. Cô đã từng yêu anh, nhưng quan hệ của họ đầy những hiểu lầm và những xung đột về nhu cầu. Như Martha sau này nói rõ, ở nơi đã từng có tình yêu giờ chỉ còn lại những “tro tàn”, và chừng ấy tình yêu là không đủ.
Bassett đã hiểu. “Em đã có tình yêu mới,” anh viết. “Sao có thể trách em chứ!”
Anh tặng hoa cho cô, thừa nhận thất bại. Tấm thiệp gửi kèm bắt đầu với dòng chữ, “Gửi vợ cũ đáng yêu và quyến rũ của anh.”
Anh quay về Mỹ, đến vùng Larchmont, New York, sống cuộc đời đơn giản xén cỏ, chăm sóc cây ngô đồng ở khoảnh sân sau, tối thì đi đánh chén và sáng bắt tàu hỏa đến ngân hàng làm việc. Sau này anh viết, “Anh không hoàn toàn chắc chắn em sẽ hạnh phúc khi làm vợ một nhà kinh tế ngân hàng, bận rộn suốt với thư từ của ngân hàng, chăm sóc một gia đình, với con cái rồi học hành các thứ.”
Liên hệ của Martha với Sigrid Schultz sớm phát triển theo chiều hướng tốt. Schultz tổ chức một buổi tiệc chào mừng dành cho Martha ngày 23 tháng 07 năm 1933, có mời một số người bạn thân nhất của cô ta, trong số này có một phóng viên nữa, Quentin Reynolds, người viết bài cho Hearst News Service. Martha và Reynolds ngay lập tức tâm đầu ý hợp với nhau. Anh ta to lớn và vui vẻ, với mái tóc xoăn và đôi mắt dường như luôn luôn có nét như sắp cười - cho dù anh ta cũng có tiếng là cứng đầu, hay hoài nghi và thông minh.
Họ gặp lại nhau năm ngày sau đó trong một quán bar tại khách sạn Esplanade, cùng anh trai của Martha. Giống như Schultz, Reynolds quen biết tất cả mọi người và cố gắng kết bạn với một số quan chức Quốc xã, bao gồm một người bạn tâm giao của Hitler, với cái tên đọc muốn cắn lưỡi là Ernst Franz Sedgwick Hanfstaengl. Là sinh viên tốt nghiệp trường Harvard, có mẹ sinh tại Mỹ, Hanfstaengl được biết đến là người chơi piano cho Hitler vào buổi đêm muộn, nhằm xoa dịu thần kinh kẻ độc tài. Anh không chơi nhạc của Mozart hay Bach. Phần lớn là nhạc của Wagner và Verdi, Liszt và Grieg, vài bản của Strauss và Chopin.
Martha muốn gặp gỡ anh ta. Reynolds biết một người bạn phóng viên của anh ta sắp tổ chức một bữa tiệc nơi Hanfstaengl dự kiến sẽ được mời, và ngỏ ý dẫn cô đi cùng.