Sáng hôm sau, thứ Bảy, ngày 30 tháng 06 năm 1934, Boris lái chiếc Ford mui trần đến nhà Martha, trang bị đầy đủ nào làn đựng thức ăn nào chăn dã ngoại, cả hai lên đường đến quận Wannsee, phía tây nam Berlin. Là bối cảnh cho những cuộc hẹn hò, địa điểm này có một lịch sử hỗn loạn. Ở đây, trên mặt hồ có tên là Kleiner Wannsee - Tiểu Wannsee - nhà thơ người Đức Heinrich von Kleist đã nổ súng tự sát vào năm 1811, sau khi bắn chết người tình đang mắc phải căn bệnh vô phương cứu chữa. Martha và Boris thẳng tiến đến mặt hồ xinh xắn, hoang vắng nằm ở phía bắc có tên là Gross Glienicke, địa điểm ưa thích của Martha.
Thành phố xung quanh họ đang say ngủ trong cái nóng mới mẻ. Cho dù hôm nay vẫn sẽ rất khó khăn đối với nông dân và người lao động, nhưng với những người tắm nắng bên hồ thì sẽ là một ngày thư giãn lí tưởng. Khi Boris lái xe về hướng ngoại ô thành phố, mọi thứ dường như cực kì bình thường. Những cư dân khác khi nhớ lại, cũng có nhận xét tương tự. Người Berlin “thong dong dạo bước qua các con phố, đến sở làm”, Hedda Adlon, vợ chủ khách sạn Adlon bình phẩm. Khách sạn vẫn giữ nhịp điệu công việc như thường lệ, cho dù cái nóng ban ngày chắc sẽ làm tăng thêm các thách thức hậu cần, khi khách sạn có bữa tiệc thết đãi Đức vua Xiêm, dự kiến tổ chức cuối ngày hôm đó tại Schloss Bellevue - Điện Bellevue - rìa phía bắc Tiergarten, bên sông Spree. Các xe vận chuyển thức ăn, đồ uống và món ăn nhẹ hẳn sẽ chạy như con thoi bất chấp kẹt xe và nắng nóng, cùng nhiệt độ được dự báo sẽ tăng lên đến ba mươi hai độ C.
Đến hồ, Boris cùng Martha trải chăn ra. Họ bơi rồi nằm tắm nắng, cuộn tròn mình trong vòng tay nhau, cho đến khi phải buông tay vì quá nóng. Họ uống bia, vodka và ăn bánh sandwich.
“Đúng là một ngày trời trong, cảnh đẹp mĩ lệ, mặt hồ tỏa ánh sáng mờ mờ, lấp lánh trước mắt chúng tôi, mặt trời hắt nắng ôm trọn hai tấm thân,” cô viết. “Một ngày dịu dàng và tĩnh lặng - chúng tôi thậm chí mệt đến nỗi chẳng muốn trò chuyện, hay thảo luận về không khí căng thẳng mới xuất hiện.”
Ở một nơi khác vào sáng hôm ấy, ba chiếc xe to hơn phóng hết tốc lực qua vùng nông thôn giữa Munich và Bad Wiesee - một xe chở Hitler cùng hai xe khác ken đặc lính vũ trang đầy đủ. Điểm đến là khách sạn Hanselbauer, nơi Đại úy Röhm đang ngủ say trong phòng. Hitler dẫn một nhóm binh lính có vũ trang xông vào khách sạn. Theo một bản tường thuật, một tay hắn cầm theo cây roi, trên tay kia là khẩu súng ngắn. Tất cả lên cầu thang, gót giày khua rầm rập.
Đích thân Hitler gõ cửa phòng Röhm, rồi xông vào phòng, đi theo là hai viên thanh tra. “Röhm,” Hitler gầm lên, “mày đã bị bắt.”
Röhm đứng không vững, rõ ràng bị giật mình. Hắn nhìn Hitler. “Quốc trưởng vạn tuế,” hắn nói.
Hitler lại thét lên, “Mày đã bị bắt,” rồi quay ra hành lang. Hắn tiến tới phòng sĩ quan phụ tá của Röhm, Heines, phát hiện anh ta đang trên giường với người tình SA trẻ tuổi. Lái xe của Hitler, Kempka, đang có mặt trong hành lang. Ông ta nghe thấy tiếng quát của Hitler, “Heines, nếu mày không ăn mặc cho tử tế trong năm phút nữa, tao sẽ bắn chết mày ngay tại chỗ.”
Heines xuất hiện, như Kempka khẳng định, anh ta “đi sau một thằng nhóc tóc vàng hoe 18 tuổi dáng õng ẹo.”
Khắp các hành lang khách sạn, vang tiếng thét lác của lính SS đang lùa các thành viên Sư đoàn Bão tố còn ngái ngủ, choáng váng và loạng choạng xuống phòng giặt là ở tầng hầm khách sạn. Có những thời điểm, nếu ở vào bối cảnh khác, điều này hẳn tức cười lắm, khi một trong số các nhóm đột kích của Hitler đi ra từ phòng ngủ khách sạn, và hô lớn rất quả quyết, “Thưa Quốc trưởng!... Chủ tịch Lực lượng Mật vụ Breslau không chịu mặc đồ!”
Hoặc: Bác sĩ của Röhm, một Trung tướng SA tên là Ketterer, bước ra khỏi phòng với một phụ nữ. Trước sự ngạc nhiên của Hitler và các thanh tra, người phụ nữ ấy hóa ra là vợ ông ta. Viktor Lutze, sĩ quan SA được tin cẩn, người bay cùng Hitler sáng hôm đó, đã thuyết phục hắn rằng vị bác sĩ này là một đồng minh trung thành. Hitler bước đến và lịch sự chào hỏi ông ta. Hắn bắt tay bà Ketterer, rồi nhẹ nhàng khuyên cặp vợ chồng nên rời khách sạn. Họ lập tức làm theo không hỏi một câu.
Tại Berlin sáng hôm đó, Frederick Birchall của tờ New York Times choàng tỉnh, tiếng chuông điện thoại cạnh giường ngủ reo không ngừng. Đêm hôm qua, anh ta đi chơi về muộn, nên ban đầu đã định kệ xác. Anh ta tính toán và khấp khởi hi vọng rằng chắc cuộc gọi này chẳng có gì quan trọng, chắc là một lời mời đi ăn trưa. Điện thoại vẫn reo. Cuối cùng, đúng như câu châm ngôn “Đặc biệt ở Đức, không nghe máy luôn nguy hiểm,” anh ta nhấc máy và nghe thấy một giọng nói từ văn phòng. “Tốt hơn cậu nên dậy và sẵn sàng bận rộn đi. Có chuyện đang diễn ra đấy.” Những gì nghe được khiến Birchall tỉnh cả ngủ. “Rõ ràng có rất nhiều người đang bị bắn.”
Louis Lochner, phóng viên hãng Thông tấn AP, được một nhân viên văn phòng của hãng này đi làm muộn, cho biết rằng Prinz-Albrecht-Strasse, nơi đóng trụ sở Gestapo, đã bị phong tỏa, các xe tải và lính SS có vũ trang xuất hiện đầy đường, mặc đồng phục đen như thường lệ. Lochner gọi vài cuộc. Anh ta càng biết nhiều bao nhiêu, dường như mọi chuyện càng gây lo lắng bấy nhiêu. Trước nguy cơ tất cả các đường điện thoại gọi đi quốc tế có thể bị chặn, Lochner gọi đến văn phòng AP London, dặn các nhân viên ở đây, cứ mười lăm phút gọi cho anh ta một lần đến khi có thông báo thêm, lí luận rằng các cuộc gọi đến có thể không bị chặn.
Sigrid Schultz đến quận trung tâm, cẩn thận theo dõi các số biển kiểm soát nhất định, đặc biệt là biển kiểm soát của Papen. Cô sẽ làm việc không ngừng cho đến bốn giờ sáng hôm sau, ghi lại trong nhật kí các cuộc hẹn hằng ngày, “mệt tới mức - [có thể] khóc được.”
Một trong những lời đồn chấn động nhất là vô số loạt đạn bắn ra từ sân sau một trường thiếu sinh quân cũ, trong khuôn viên khá yên bình của trường Gross-Lichterfelde.
Tại khách sạn Hanselbauer, Röhm mặc bộ vest màu xanh dương bước ra khỏi phòng, vẫn còn bối rối và rõ ràng chưa hết khiếp sợ vì cơn giận dữ của Hitler, hoặc vì sự náo động trong khách sạn. Một điếu xì gà thòi ra trên khóe miệng hắn. Hai viên thanh tra đưa hắn đến hành lang khách sạn, hắn ngồi xuống ghế và gọi cà phê, khi một bồi bàn đi ngang qua.
Thêm nhiều vụ bắt bớ nữa, thêm nhiều người bị lôi vào phòng giặt là. Röhm vẫn ngồi yên trong hành lang. Kempka nghe thấy hắn gọi thêm cà phê nữa, đến giờ là ba cốc rồi.
Röhm bị giải lên xe con, đám tù nhân còn lại bị dồn lên các xe buýt trực chỉ Munich, đến Nhà tù Stadelheim, nơi chính Hitler đã thụ án một tháng năm 1922. Những kẻ bắt giữ chọn đi đường nhỏ nhằm tránh đụng phải bất kì thành viên Sư đoàn Bão tố nào muốn giải cứu. Hitler cùng đội tấn công không ngừng tăng quân số của hắn lại leo lên xe, lúc này có khoảng hai mươi chiếc, chạy hết tốc lực về phía Munich, chặn đường bất kì xe nào chở các chỉ huy SA - những người còn chưa biết đang xảy ra chuyện gì, vẫn định đến tham dự cuộc họp của Hitler dự kiến diễn ra gần trưa hôm đó.
Tại Munich, Hitler duyệt qua danh sách tù nhân và đánh dấu “X” cạnh sáu cái tên. Hắn ra lệnh lập tức bắn chết cả sáu người. Một đội SS thi hành mệnh lệnh, trước khi nổ súng, nói với các tù nhân rằng, “Quốc trưởng đã phán chúng mày tội chết! Quốc trưởng Vạn tuế.”
Rudolf Hess tính hay giúp đỡ thích tự mình bắn chết Röhm, nhưng Hitler vẫn chưa muốn hắn ta chết ngay. Có lúc, thậm chí hắn còn thấy ý tưởng giết chết một người bạn lâu năm thật đáng ghê tởm.
Vừa đến văn phòng Berlin sáng hôm sau, Hans Gisevius, người viết hồi kí về Gestapo, đã dò đài radio theo tần số của mật vụ, lắng nghe các báo cáo phác thảo hành động trên phạm vi rộng. Các quan chức SA cao cấp đều bị bắt giữ, kể cả những ai chẳng liên quan gì đến Sư đoàn Bão tố. Gisevius và sếp của anh ta, Kurt Daluege, lên đường tìm kiếm thông tin chi tiết hơn và đến thẳng dinh thự của Göring trên đường Leipziger Platz, từ đây các mệnh lệnh của Göring được ban ra. Gisevius bám sát gót Daluege, đi với sếp sẽ an toàn hơn là đi một mình. Anh ta cũng tính rằng sẽ chẳng ai ngờ phải tìm kiếm mình ở nhà riêng của Göring.
Cho dù chỉ cần đi bộ là tới cung điện, hai người vẫn lái xe. Họ kinh ngạc trước không khí tĩnh lặng tuyệt đối trên các con phố, như thể chẳng có gì bất thường đang diễn ra. Tuy nhiên, họ chẳng thấy các thành viên Sư đoàn Bão tố đâu nữa.
Cảm giác bình thường của họ tan biến, ngay khi ngoặt vào góc phố đến dinh thự của Göring. Trên từng điểm cao đều có súng máy thòi ra. Sân sau tràn ngập mật vụ.
Gisevius viết: “Khi tôi theo Daluege đi qua một loạt lính gác, bước lên hành lang rộng, tôi cảm thấy như thể mình không thở nổi. Một bầu không khí ác độc gấp gáp, căng thẳng, bồn chồn và trên hết là đẫm máu, dường như đập thẳng vào mặt tôi.”
Gisevius tiến đến căn phòng gần nơi làm việc của Göring. Các sĩ quan quân đội và người đưa tin vội vã chạy qua. Một lính SA đang run rẩy vì sợ hãi, khi nghe Göring bảo rằng anh ta sắp bị bắn chết. Những người hầu mang bánh sandwich đến. Cho dù đông người, căn phòng vẫn yên tĩnh. “Ai cũng thì thầm như đang ở trong nhà xác,” Gisevius nhớ lại.
Qua một ô cửa rộng, anh trông thấy Göring đang bàn bạc với Himmler và trùm Gestapo mới của Hitler, Reinhard Heydrich. Những người đưa tin của Gestapo đến rồi đi mang theo các mẩu giấy, mà Gisevius đồ rằng trên đó ghi tên những người đã chết hoặc sắp phải chết. Bất chấp tính chất nghiêm trọng của hoạt động trước mắt, Gisevius nghe thấy tiếng cười khàn khàn, thô lỗ và những tiếng quát đều đặn vang lên từ “Giết!”
“Ha ha ha!” “Bắn hắn đi.”
“Cả lũ này dường như đều có khiếu hài hước đấy,” Gisevius nhớ lại.
Thi thoảng, anh liếc thấy Göring đang sải bước ngang phòng, mặc sơ mi trắng, quần xanh xám túm gọn trong đôi ủng đen cao đến trên đầu gối. “Chú mèo đi hia109,” Gisevius bất chợt nghĩ.
109 Chú mèo đi hia: một câu chuyện cổ tích rất phổ biến ở châu Âu. Nhân vật chính của truyện là một chú mèo rất thông minh, biết nói tiếng người và lúc nào cũng mang ủng.
Có lúc, một thiếu tá mật vụ mặt đỏ gay lao ra khỏi phòng làm việc, theo sau đó là Göring cũng đang phẫn nộ không kém. Rõ ràng một mục tiêu lớn đã sổng mất.
Göring la hét những chỉ dẫn.
“Bắn hết chúng đi!… Tóm hết cả lũ chúng nó.… Bắn hết.… Bắn ngay lập tức!”
Gisevius kinh hoàng đến mức không mô tả nổi. “Không từ ngữ nào có thể khắc họa được cơn khát máu, sự phẫn nộ, khao khát báo thù dữ dội không giấu giếm, và cùng với đó, là nỗi sợ hãi, kinh hoàng thuần khiết mà khung cảnh này đã gợi lên.”
Dodd chẳng nghe nói gì về biến cố đang diễn ra đâu đó trong thành phố, cho đến chiều thứ Bảy, khi hai vợ chồng đang ngồi ăn trưa trong vườn nhà. Gần như cũng vào lúc đó, con trai họ, Bill xuất hiện, vừa trở về từ chuyến đi chơi. Trông cậu có vẻ bối rối. Cậu thông báo một vài con phố đã bị chặn, bao gồm cả Unter den Linden ngay giữa quận trung tâm, có nhiều đội SS vũ trang đến tận răng đi tuần tra quanh đó. Cậu cũng nghe nói rằng nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra tại trụ sở SA, chỉ cách nhà họ vài con phố.
Ngay lập tức, vợ chồng Dodd cảm thấy vô vàn lo âu cho Mar- tha, đang đi chơi xa cùng Boris Vinogradov. Bất chấp vị thế ngoại giao của Boris, ngay cả trong những hoàn cảnh bình thường, Quốc xã vẫn có thể xem anh ta là kẻ thù của Nhà nước.