Boris và Martha nằm trên bờ hồ cả ngày, chỉ lui vào bóng râm khi nắng bắt đầu gay gắt, rồi lại về chỗ cũ. Sau năm giờ chiều, họ miễn cưỡng quay về thành phố, “đầu óc chúng tôi quay cuồng,” Martha nhớ lại, “cơ thể chúng tôi sạm đen vì nắng.” Hai người đi chậm hết sức có thể, ai cũng muốn ngày hôm nay kéo dài ra mãi, cả hai đều thích ngâm mình dưới nước, trốn mặt trời. Ngày càng nóng hơn, khi hơi ấm tích tụ dưới mặt đất một lần nữa bốc lên.
Họ đi qua khung cảnh điền viên mềm mại bởi cơn gió nóng thổi đến từ những cánh đồng và khu rừng chung quanh. Những người đi xe đạp bắt kịp và vượt qua họ, vài người để trẻ con ngồi trong rổ gắn vào ghi đông, hoặc trong các xe con kéo bên cạnh. Phụ nữ cầm hoa còn đàn ông mang theo ba lô, tham gia những chuyến đi bộ nhanh chóng, vui vẻ theo kiểu Đức. “Đúng là một ngày thoải mái, nóng bỏng và thân thiện,” Martha viết.
Để đón ánh mặt trời lúc cuối chiều và những cơn gió nhẹ thổi qua mui trần, Martha kéo rèm váy lên quá đùi. “Tôi rất hạnh phúc,” cô viết, “vui vẻ cả ngày hôm nay cùng người bạn đồng hành của tôi, rất đồng cảm với những người Đức nghiêm túc, giản dị và nhân hậu, đang đi bộ rất mệt nhọc hoặc đang nghỉ ngơi, tự hài lòng với bản thân và yêu thương quê hương của họ bằng tình yêu mãnh liệt.”
Họ về thành phố lúc sáu giờ. Martha ngồi thẳng dậy, buông rèm váy xuống, “giữ gìn hình ảnh con gái nhà ngoại giao.”
Thành phố đã thay đổi. Họ nhận ra điều đó trên từng quãng đường, khi ngày càng đến gần Tiergarten. Khách bộ hành trên phố có vẻ vắng hơn bình thường, tập hợp thành “các nhóm chiến thuật đáng ngờ”, như Martha khẳng định. Các phương tiện di chuyển chậm rãi. Có lúc Boris vừa định tiến vào Tiergartenstrasse, thì tất cả các xe gần như khựng lại. Họ trông thấy các xe tải quân sự, các khẩu súng máy và bỗng nhận ra vây quanh họ toàn những người mặc quân phục, hầu hết là màu đen của SS và màu xanh lá của lực lượng mật vụ dưới trướng Göring. Sự vắng mặt dễ thấy nhất là đồng phục nâu của SA. Điều này trở nên đặc biệt lạ lùng vì trụ sở của SA và nhà riêng của Đại úy Röhm đều ở rất gần đây.
Họ đến một trạm kiểm soát. Biển số xe Boris cho thấy rõ vị thế ngoại giao của anh. Đám mật vụ cho phép họ đi qua.
Boris chậm rãi đi qua một khung cảnh đáng sợ mới mẻ. Bên kia đường nhà Martha, cạnh công viên, là một dãy binh lính, vũ khí và xe tải quân sự. Xuôi xuống phố Tiergartenstrasse, tại nơi giao cắt với Standartenstrasse - con phố có nhà riêng của Röhm - họ trông thấy nhiều lính hơn và một sợi dây chắn ngang đường.
Bầu không khí nghẹt thở. Những chiếc xe tải xám xịt chắn tầm nhìn vào công viên. Kèm theo đó là cái nóng. Trời đang tối dần, đã quá sáu giờ, nhưng mặt trời vẫn phả xuống hơi nóng hầm hập. Đã từng mang vẻ đẹp quyển rũ, nhưng giờ đây trong mắt Martha, mặt trời như đang “nướng chả”. Cô và Boris tạm biệt nhau. Cô chạy về phía cửa trước, nhanh chóng biến vào trong. Bóng tối đột ngột, không khí mát lạnh như đá ở tiền sảnh ùa vào mặt khiến cô lảo đảo, “trong một lúc, tôi như bị mù vì thiếu ánh sáng.”
Cô đi lên cầu thang, gặp ngay anh trai ở tầng một. “Cả nhà rất lo cho em,” anh cô nói. Anh cho biết Tướng Schleicher đã bị bắn chết. Ông Dodd đã đến Đại sứ quán, chuẩn bị gửi thông điệp cho Bộ Ngoại giao. “Cả nhà không biết đang xảy ra chuyện gì,” Bill nói. “Ở Berlin đang có thiết quân luật.”
Nhất thời cái tên “Schleicher ” nghe mơ hồ. Rồi cô nhớ ra. Ông ta là người chính trực và có tác phong quân ngũ, từng làm Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
“Tôi ngồi xuống, vẫn hoang mang và vô cùng đau đớn,” Martha nhớ lại. Cô không thể hiểu nổi tại sao Tướng Schleicher lại phải chết. Cô vẫn nhớ về ông như một người “lịch thiệp, quyến rũ và thông thái.”
Bill cho biết vợ Schleicher cũng chung số phận. Cả hai đều bị bắn rất nhiều phát vào lưng, ngay trong vườn nhà mình. Câu chuyện sẽ còn thay đổi trong vài ngày tới, nhưng sự thật không thể chối cãi là cả hai đều đã chết.
Bà Dodd bước xuống nhà, cùng Bill và Martha bước vào một trong các phòng tiếp tân. Ba mẹ con ngồi sát vào nhau, lặng lẽ nói chuyện. Họ để ý Fritz xuất hiện nhiều hơn hẳn bình thường. Họ đóng hết tất cả cửa nẻo. Fritz tiếp tục thông báo tin tức từ các cuộc gọi mới của bạn bè và phóng viên. Ông ta có vẻ sợ hãi, “tái nhợt và khiếp đảm,” Martha viết.
Câu chuyện Bill kể thật lạnh sống lưng. Cho dù từng tiết lộ mới vẫn ẩn trong màn sương đồn đại, tuy nhiên những sự thật nhất định vẫn rõ ràng. Cái chết của vợ chồng Schleicher chỉ là hai trong số hàng tá, có lẽ là hàng trăm vụ giết người chính thức diễn ra tới thời điểm này, trong ngày hôm đó, và con số còn tiếp tục tăng. Có tin nói rằng Röhm đã bị bắt, số phận ra sao vẫn chưa rõ.
Từng cuộc gọi lại mang đến tin mới, phần nhiều cực kì khó tin. Các đội ám sát được cho là đang lượn khắp vùng nông thôn, săn lùng các mục tiêu. Karl Ernst, trùm SA tại Berlin, buộc phải cắt đứt chuyến hải hành trăng mật. Một lãnh tụ nổi bật của Giáo hội Công giáo đã bị giết trong văn phòng. Một viên tướng thứ hai bị bắn chết, một nhà phê bình âm nhạc cũng bị giết. Các vụ giết người có vẻ lung tung và bừa bãi.
Có một khoảnh khắc cười ra nước mắt. Gia đình Dodd nhận được một lời phúc đáp gọn lỏn từ văn phòng của Röhm, nêu rõ “cảm thấy rất tiếc” vì không thể dự bữa tối tại nhà Dodd dự kiến tổ chức vào thứ Sáu, ngày 06 tháng 07, “vì ông ta sẽ đi nghỉ để chữa bệnh”.
“Xét đến sự mơ hồ của tình cảnh này,” Dodd viết trong nhật kí, “có lẽ tốt nhất ông ta đừng nhận lời mời ấy.”
Thêm vào cảm nhận hỗn loạn trong ngày là vụ va chạm xảy ra ngay ngoài cửa số nhà 27a, khi tài xế của Đại sứ quán - có tên là Pickford - đâm vào một xe mô tô và làm gãy chân người lái mô tô. Một cái chân gỗ.
Khi tất cả chuyện này đang diễn ra, một câu hỏi nhức nhối vẫn ám ảnh tâm trí Dodd: Chuyện gì đã xảy ra với Papen, người anh hùng của Marburg, người mà Hitler căm ghét? Các báo cáo cho biết Edgar Jung, người chấp bút bài diễn văn của Papen, đã bị bắn và thư kí báo chí của Papen cũng không thoát khỏi cái chết. Trong bầu không khí tanh mùi máu, liệu Papen có thể tự cứu mình không?