Vào hồi ba giờ chiều ngày thứ Bảy, các phóng viên nước ngoài ở Berlin tề tựu tại phủ Thủ tướng Đế chế trên đường Wilhelmstrasse, tham dự cuộc họp báo do Hermann Göring tổ chức. Một nhân chứng là Hans Gisevius, người dường như có mặt ở khắp nơi ngày hôm đó.
Göring đến muộn, mặc quân phục, to béo và ngạo mạn. Căn phòng nóng nực, âm ỉ “sự căng thẳng không thể chịu đựng nổi”, Gisevius viết. Göring tự bước lên bục. Gã quét mắt nhìn đám đông nhằm tăng sự gay cấn, rồi với một loạt những cử chỉ có vẻ được luyện tập kĩ càng, gã chống tay đỡ cằm và đảo mắt, như thể điều gã sắp nói hệ trọng với gã lắm. Gisevius nhớ lại, gã nói “bằng chất giọng u sầu, đều đều của một người chuyên đọc điếu văn.”
Göring tường thuật vắn tắt về “hành động”, mà theo gã vẫn đang được triển khai. “Sau nhiều tuần theo dõi, chúng tôi biết một số tên cầm đầu SA đảm nhiệm những vị trí không đúng mục đích ban đầu của phong trào, chỉ nhằm thỏa mãn lợi ích và tham vọng riêng, nuông chiều những thị hiếu khốn khổ, hư hỏng của chúng.”
Röhm đã bị bắt, gã cho biết. Một “thế lực nước ngoài” có dính líu. Ai ai trong phòng cũng cho rằng gã ám chỉ nước Pháp. “Lãnh tụ Tối cao tại Munich và tôi, thuộc cấp của người tại Berlin, đều ra tay nhanh như chớp giật, không có sự tôn trọng nào dành cho chúng.”
Tiếp theo, Göring cho phép đặt câu hỏi. Một phóng viên đã hỏi về những cái chết của người chấp bút của Papen, Jung, thư kí báo chí của ông ta, Herbert von Bose và Erich Klausener, một nhà phê bình chế độ nổi bật theo Công giáo. Liệu cái chết của họ có thể liên quan gì tới cuộc nổi dậy của SA?
“Tôi mở rộng nhiệm vụ tiêu diệt cả những kẻ phản Cách mạng,” Göring đáp, giọng gã ôn tồn như thể trích dẫn một cuốn danh bạ.
Vậy còn cái chết của Tướng Schleicher? Göring ngừng lại, cười toe toét.
“À, phải rồi, nhà báo các người luôn thích một câu chuyện làm tin chính, được rồi. Tướng von Schleicher có âm mưu chống chế độ. Tôi ra lệnh bắt giữ hắn. Nhưng hắn lại ngu ngốc đến mức phản kháng lại. Nên hắn đã chết.”
Nói rồi, Göring bước xuống bục.
Không ai biết chính xác bao nhiêu người mất mạng trong cuộc thanh trừng. Các bản thống kê chính thức của Quốc xã tính tổng cộng chưa đến một trăm người. Hiệp sĩ Eric Phipps, Đại sứ Anh được Ngoại trưởng Đức Neurath thông báo có “ba mươi tư đến ba mươi sáu” vụ hành hình, rằng tất cả những ước tính khác đều “không tin được và bị phóng đại”. Trong lá thư gửi một người bạn, Daniel Roper, Dodd viết rằng những báo cáo từ các lãnh sự quán Mỹ tại các thành phố khác của Đức ước tính tổng cộng có 284 người chết. “Hầu hết các nạn nhân,” ông viết, “đều không hề phạm tội phản quốc, mà chỉ đơn thuần là phản đối chính trị hoặc tôn giáo”. Những bản thống kê khác của các quan chức Mỹ còn đưa ra con số cao hơn. Lãnh sự tại Brandenburg viết rằng một sĩ quan SS cho ông con số năm trăm người bị giết, mười lăm ngàn người bị bắt, và rằng Rudolf Diels lẽ ra phải chết nhưng được tha theo đề nghị của Göring. Một biên bản tóm tắt từ một trong số các bí thư của Dodd ở Đại sứ quán tại Berlin cũng đưa ra con số năm trăm vụ hành hình, lưu ý rằng những người sống gần các trại lính ở Lichterfelde “có thể nghe thấy các đội hành quyết nổ súng suốt đêm”. Sau này, Diels ước tính có bảy trăm người chết, những người khác trong cuộc tính tổng cộng trên một ngàn người. Không có con số tổng cộng cuối cùng.
Cái chết của Tướng Schleicher được xác nhận - ông ta bị bắn bảy phát đạn, thi thể vợ chồng ông ta được cô con gái mười sáu tuổi phát hiện. Một vị tướng khác, Ferdinand von Bredow, thành viên nội các của Schleicher khi ông ta còn làm Thủ tướng, cũng bị bắn chết. Bất chấp các vụ tàn sát này, quân đội tiếp tục đứng ngoài, sự ghê tởm SA của họ lấn át cả sự chán ghét khi có hai tướng của họ bị giết. Gregor Strasser, một cựu lãnh đạo SA từng có những ràng buộc với Schleicher, đang ăn trưa với gia đình thì hai xe chở Gestapo đỗ xịch trước cửa nhà ông ta, sáu tên lính xông vào nhà. Ông ta bị bắt đi và bắn chết trong xà lim, trong nhà tù dưới tầng hầm tại trụ sở Gestapo. Hitler là cha đỡ đầu hai đứa con sinh đôi của ông ta. Một người bạn của Straser, Paul Schulz, chỉ huy SA cao cấp, bị bắt vào rừng và bắn chết. Khi những tên đao phủ tương lai quay lại xe lấy chăn để quàng lên xác ông ta, thì ông ta đứng dậy, chạy hết tốc lực và sống sót. Rõ ràng, đây là cuộc đào tẩu thổi bùng lên cơn điên cuồng khát máu của Göring. Gustav Ritter von Kahr, đã bảy mươi ba tuổi và không thể là mối đe dọa đối với Hitler, cũng không thoát - “bị chém đến chết”, theo lời sử gia Ian Kershaw - rõ ràng nhằm trả đũa việc ông ta dám xem thường nỗ lực cách mạng của Quốc xã mười năm trước. Karl Ernst, vừa mới cưới được hai ngày, không hề biết gì về chuyện đang diễn ra thì bỗng bị bắt giữ tại Bremen, ngay trước khi có chuyến đi biển hưởng tuần trăng mật. Hitler từng là khách dự đám cưới của anh ta. Khi Ernst nhận ra mình sắp bị bắn chết, anh ta kêu lên, “Tôi vô tội. Nước Đức muôn năm! Hitler Vạn tuế!” Ít nhất năm người Do Thái bị bắn vì tội là người Do Thái. Và còn hằng hà sa số những linh hồn vô danh bị đội hành quyết xử tử tại các trại lính ở Lichterfelde. Mẹ một thành viên Sư đoàn Bão tố đã chết chỉ nhận được thông báo chính thức về cái chết của con trai sáu tháng sau đó, bằng một lá thư cộc lốc chỉ gồm một đoạn cho biết anh ta bị bắn chết khi bảo vệ Nhà nước, và do đó không cần giải thích thêm. Cũng như tất cả những lá thư khác của nước Đức mới, kết thư luôn là câu: “Hitler Vạn tuế!”
Một lần nữa có chuyện cười ra nước mắt. Một mục tiêu, Gottfried Reinhold Treviranus, một bộ trưởng dưới thời Tướng Schleicher khi ông còn làm Thủ tướng, đang trong trận tennis tại câu lạc bộ Tennis Wannsee thì nhận ra bốn tên SS bên ngoài. Tin tưởng ở bản năng của mình, ông ta xin lỗi rồi bỏ chạy. Ông ta trèo tường, bắt taxi và cuối cùng tìm đường trốn sang Anh.
Ngay giữa Berlin, một thành viên SA đang làm thêm ngoài giờ, lái xe tải chở đồ ăn cho khách sạn Adlon, thấy mình bị SS chặn lại ở chốt kiểm soát tại Cổng Brandenburg, cách khách sạn không xa. Tay tài xế bất hạnh đã dại dột khi vẫn mặc sơ mi nâu của Sư đoàn Bão tố bên trong áo khoác jacket.
Tên sĩ quan SS hỏi anh ta đang đi đâu.
“Đến gặp đức vua Xiêm,” anh ta đáp, và mỉm cười.
Tên lính SS xem đây như hành động khiếm nhã. Tức giận với thái độ láo xược của tay tài xế, hắn lôi thành viên Sư đoàn Bão tố xuống xe, ép anh ta phải mở cửa sau. Không gian bên trong đầy các khay đồ ăn.
Vẫn nghi ngờ, hắn buộc tội anh ta mang đồ ăn đến một trong các cuộc thác loạn của Röhm.
Tay tài xế, lúc này không cười nữa, phân bua, “Không, tôi chở đồ ăn đến cho vua Xiêm thật mà.”
Tên SS vẫn không tin thằng cha tài xế xấc láo. Hai tên SS trèo vào trong xe tải, ra lệnh cho anh ta tiếp tục lái xe đến nơi bữa tiệc được cho là đang diễn ra. Và chúng thực sự chán nản khi biết rằng bữa tiệc chào mừng vua Xiêm thực sự đã được lên kế hoạch, và rằng Göring là một trong những vị khách được mời.
Rồi còn Willi Schmid tội nghiệp - Wilhelm Eduard Schmid, ông ta đang chơi cello tại nhà riêng cùng vợ và ba đứa con ở gần đó, thì bọn SS ào vào nhà, lôi ông ta đi và bắn chết.
Tuy nhiên, bọn SS đã giết nhầm. Đáng ra mục tiêu của chúng là một người mang họ Schmid khác. Hay đúng hơn là Schmitt.
Hitler sai Rudolf Hess đích thân đến xin lỗi bà vợ của nhà phê bình quá cố.
Putzi Hanfstaengl, người có quan hệ ngày càng căng thẳng với Hitler, bị đồn đại có tên trong danh sách mục tiêu của Hitler. Để phòng xa, anh ta đã sang Mỹ tham dự cuộc họp lớp Harvard, sau hai mươi lăm năm. Lời mời tham dự đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt tại Mỹ, và cho đến phút chót, Hanfstaengl không muốn nói rõ mình có thực sự tham gia hay không. Đêm ngày 10 tháng 06 năm
1934, anh ta tổ chức một bữa tiệc tối, ngẫm lại việc chọn thời gian dường như quá thuận tiện, nếu xét đến chuyện anh ta chắc chắn biết cuộc thanh trừng sắp diễn ra. Giữa buổi tiệc, anh ta lẻn ra khỏi phòng ăn, khoác lên người chiếc áo mưa và đeo kính râm cải trang, bước ra ngoài phố. Anh ta bắt chuyến tàu đêm đến Cologne, nơi anh ta lên chiếc máy bay đưa thư bay thẳng đến Cherbourg, Pháp, và từ đây anh ta lên chiếc tàu thủy, mang tên Europa, trực chỉ New York. Anh ta mang theo năm va li và ba thùng đựng các bức tượng điêu khắc bán thân làm quà tặng.
Phòng Cảnh sát hình sự Thành phố New York, đang lo sợ những kẻ phản đối gửi lời đe dọa giận dữ đến Hanfstaengl, nên cử sáu sĩ quan trẻ lên đón anh ta. Tất cả đều mặc áo jacket và thắt cà vạt Harvard.
Ngày 30 tháng 06 năm 1934, ngày thanh trừng, Putzi đến Newport, Rhode Island, tham dự đám cưới giữa Ellen Tuck French và John Jacob Astor III, được xem là cử nhân giàu có nhất nước Mỹ. Cha cậu ta đã chết trong vụ đắm tàu Titanic. Đám đông khoảng một ngàn người tụ tập bên ngoài thánh đường để xem mặt cô dâu chú rể và các vị khách mời. Một trong số những người đầu tiên “khiến đám đông hổn hển vì phấn khích”, như một nhà báo xã hội của tờ New York Times với cảm xúc dâng trào đã viết, chính là Hanfstaengl, “đội chiếc mũ cao, mặc áo khoác đen và quần xám ca rô.”
Hanfstaengl chẳng biết gì về các sự kiện ở quê nhà, cho đến khi được các phóng viên hỏi về chúng. “Miễn bình luận,” anh ta nói. “Tôi đến đây tham dự đám cưới của con gái bạn tôi.” Sau này, khi đã biết thêm thông tin, anh ta tuyên bố, “Lãnh tụ của tôi, Adolf Hitler, phải hành động và đã hành động như luôn vậy. Hitler đã chứng tỏ mình chưa từng vĩ đại hơn thế, chưa từng con người hơn thế, trong vòng bốn mươi tám giờ qua.”
Tuy nhiên, trong thâm tâm, Hanfstaengl lo lắng về sự an toàn của chính bản thân, của vợ và con trai anh ta đang ở Berlin. Anh ta bí mật gửi yêu cầu cung cấp thông tin cho Ngoại trưởng Neurath.
Hitler quay về Berlin tối hôm đó. Và Gisevius lại là người chứng kiến. Máy bay của Hitler xuất hiện “nổi bật trên nền trời đỏ rực như máu, một màn kịch không ai có thể đạo diễn nổi,” Gisevius viết. Sau khi máy bay dừng lại, một đội quân nhỏ tiến lên phía trước chào mừng Hitler, trong số này có Göring và Himmler. Hitler là người đầu tiên xuống máy bay. Hắn mặc áo sơ mi nâu, áo jacket da màu nâu, cà vạt nâu sẫm và đôi ủng cao màu đen. Trông hắn nhợt nhạt và mệt mỏi, chưa cạo râu nhưng có vẻ không buồn phiền lắm. “Rõ ràng hắn ta chẳng gặp khó khăn gì khi giết hại bạn bè mình,” Gisevius viết. “Hắn ta chẳng có cảm xúc gì cả, chỉ đơn thuần là hành động trong cơn giận dữ.”
Trong một bài diễn văn trên radio, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Goebbels trấn an người dân. “Tại nước Đức,” lão nói, “giờ đây chỉ có hòa bình và trật tự tuyệt đối.
An ninh công cộng đã được khôi phục. Quốc trưởng chưa từng làm chủ hoàn toàn tình hình đến thế. Cầu mong số phận ưu ái chúng ta, để có thể thực hiện đến cùng nhiệm vụ vĩ đại cùng Adolf Hitler!”
Tuy nhiên, Dodd tiếp tục nhận các báo cáo cho biết cuộc thanh trừng còn lâu mới kết thúc. Vẫn chưa có tin tức nào xác nhận chuyện gì đã xảy ra với Röhm và Papen. Hàng loạt tiếng súng tiếp tục vang lên từ sân sau trường Quân sự Lichterfelde.