Buổi sáng Chủ nhật mát mẻ, ngập nắng và gió nhẹ hiu hiu. Dodd bàng hoàng khi toàn bộ sự kiện diễn ra hai mươi tư giờ qua biến mất không còn vết dấu. “Đúng là một ngày lạ lùng,” ông viết, “với toàn tin tức bình thường trên báo chí.”
Papen được cho là còn sống, nhưng bị giam lỏng tại căn hộ của ông ta cùng gia đình. Dodd hi vọng dùng chút ảnh hưởng của mình giữ mạng sống cho ông ta - nếu các báo cáo cho rằng Papen sống sót là chính xác. Có lời đồn Phó Thủ tướng phải bị hành hình và chuyện này có thể xảy ra bất kì lúc nào.
Dodd và Martha lái chiếc Buick đến tòa chung cư của Papen. Họ đi qua cổng vào rất chậm rãi, vì muốn lính gác SS nhìn rõ xe và nhận ra họ là ai.
Gương mặt nhợt nhạt của con trai Papen xuất hiện trên cửa sổ, một nửa mặt bị rèm che khuất. Một sĩ quan SS đứng gác ngoài cổng vào tòa nhà, khi chiếc xe đi qua. Martha hiểu rõ hắn đã nhận ra biển số xe ngoại giao.
Chiều hôm đó, Dodd lại đến nhà Papen, nhưng lần này ông dừng lại và trình danh thiếp cho một trong các lính gác, trên danh thiếp ông có viết, “Tôi hi vọng chúng tôi có thể sớm lại thăm ngài.”
Cho dù Dodd không đồng tình với những mưu đồ chính trị của Papen cùng hành vi trước kia của ông ta tại Mỹ, nhưng ông thực sự yêu mến con người này và thích thú dành thời gian bên cạnh ông ta, kể từ lần đối đầu trong bữa tối tại Vũ hội Báo chí Nhỏ. Điều thúc đẩy Dodd chính là nỗi khiếp sợ vì Hitler bất ngờ muốn lấy đầu Papen, không qua xét xử hoặc cần lệnh bắt giữ.
Dodd lái xe về nhà. Sau này, con trai Papen thổ lộ với gia đình Dodd, rằng anh ta cùng gia đình rất biết ơn vì sự xuất hiện của chiếc Buick giản dị trước cửa nhà mình, vào buổi chiều nguy hiểm ấy.
Báo cáo về các vụ bắt chữ và sát hại tiếp tục bay đến nhà Dodd. Vào tối Chủ nhật, Dodd biết chắc chắn rằng Đại úy Röhm đã chết.
Khi chắp nối lại các tình tiết, câu chuyện như sau:
Ban đầu, Hitler chần chừ chưa quyết có nên hành hình đồng minh cũ hay không, sau khi giam Röhm vào xà lim tại Nhà tù Stadelheim, nhưng dần dần hắn không chịu nổi sức ép từ Göring và Himmler. Tuy nhiên, ngay cả như thế, Hitler vẫn khăng khăng trước tiên phải cho Röhm có cơ hội tự sát.
Kẻ nhận nhiệm vụ trao cơ hội này cho Röhm là Theodor Eicke, tư lệnh ở Dachau, gã lái xe đến nhà tù hôm Chủ nhật cùng tên cấp dưới, Michael Lippert và một thành viên SS của trại tập trung. Cả ba tên được dẫn đến xà lim giam Röhm.
Eicke trao cho Röhm một khẩu Browning tự động và số báo Völkischer Beobachter nóng hổi vừa ra mắt, có đăng bài miêu tả mà tờ báo gọi là “Cuộc nổi dậy của Röhm”, rõ ràng cố tình để Röhm thấy rằng tất cả đã mất hết.
Eicke ra khỏi xà lim. Mười phút trôi qua mà không có tiếng súng. Eicke cùng Lippert quay lại lấy khẩu Browning cất đi, rồi rút súng ra. Chúng thấy Röhm đang đứng trước mặt, cởi trần.
Mỗi báo cáo nói một cách về chuyện xảy ra tiếp theo. Vài báo cáo cho rằng Eicke và Lippert chẳng nói gì và bắt đầu nổ súng. Một báo cáo khẳng định rằng Eicke hét lên, “Röhm, chuẩn bị sẵn sàng đi”, lúc đó Lippert bắn hai phát. Nhưng báo cáo khác lại cho rằng Röhm là người can đảm, hắn hét lớn, “Nếu tao sắp phải chết, hãy để chính tay Adolf giết chết tao.”
Loạt đạn đầu không giết được Röhm. Hắn ngã gục xuống sàn rên rỉ, “Quốc trưởng của tôi, Quốc trưởng của tôi.” Viên đạn cuối cùng bắn vào thái dương hắn.
Phần thưởng cho Eicke là được phụ trách toàn bộ các trại tập trung của Đức. Hắn đem áp dụng nguyên xi các quy định hà khắc ở Dachau cho tất cả các trại.
Chủ nhật hôm đó, Quân Phòng vệ Đế chế lòng đầy hàm ơn, tiếp tục đạt được một thỏa thuận nữa trên con tàu Deutschland. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Blomberg trong trình nghị sự hôm Chủ nhật đã tuyên bố, “Bằng quyết định đúng chất lính và lòng quả cảm mẫu mực, Quốc trưởng đã tấn công, nghiền nát những kẻ phản bội và giết người. Là những cánh tay nối dài của toàn thể nhân dân, quân đội không bị lôi vào các xung đột của hoạt động chính trị trong nước, quân đội xin nguyện tận tụy và trung thành để bày tỏ lòng biết ơn. Quan hệ tốt đối với lực lượng SA mới theo yêu cầu của Quốc trưởng sẽ được Quân đội trân trọng nâng niu, với nhận thức rằng cả hai cùng chia sẻ những lí tưởng chung. Tình hình khẩn cấp trên toàn quốc đã đến hồi kết thúc.”
Khi cuối tuần trôi qua, gia đình Dodd biết người ta đang rỉ tai nhau lối diễn đạt mới ở Berlin, mỗi khi gặp bạn bè hoặc người quen trên phố, lí tưởng là đi kèm với nhướng một bên mày giễu cợt, và nói “Lebst du noch?” Câu này có nghĩa là, “Vẫn còn sống à?”